Friday, August 18, 2017

55/ cái loa
http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/14_CaiLoa.htm

Nhà ông Năm ở vùng Cây Quéo, trong một đường đất nhỏ quanh co không ăn thông qua con đường nào khác. Trong cái ngõ cụt đó chỉ có sáu bảy cái nhà cất theo kiểu xưa, kèo cột gỗ, ngói âm dương. Một vài nhà cũng đã được “tân trang” với mặt tiền đúc bê-tông cẩn gạch màu... Điểm đặc biệt là nhà nào cũng có đất chung quanh đầy cây kiểng và cây ăn trái. Cho nên, tuy ở sát nách thành phố mà thấy như ở đâu trong xa miệt vườn vậy ! Và thật là yên tịnh.
Nhà ông Năm có nhiều cây vú sữa. Giống vú sữa này màu tím, chỉ to bằng nắm tay, nhưng giòn và ngọt lịm. Bà Năm trồng vú sữa một thời với những cây ăn trái khác, hồi mới mua nhà đất. Sau này, vú sữa lại là nguồn huê lợi của ông bà Năm, bởi vì năm nào trái cũng sai quằn. Bạn hàng ngoài chợ Bà Chiểu thường hay vào đây “mua mảo cả vườn” khi cây vừa mới trổ bông...
Cây vú sữa lớn nhứt nằm gần hàng rào phía trước, cành gie ra ngoài. Những cành này lại ít trái. Có lẽ tại vì ngoài đường gió nhiều nên làm rụng bớt bông. Đến mùa vú sữa, trẻ con trong xóm hay tới đó thọc vú sữa, nhưng chúng có xin phép đàng hoàng và không bao giờ làm ồn. Chúng có... “tư cách” như vậy là nhờ lời dặn dò của trẻ con những thế hệ trước: “Đừng ăn cắp ! Ông Năm không ưa đâu. Ổng kêu lính bắt chết. Cứ xin là ổng cho hà. Mà cũng đừng làm ồn, ổng ghét lắm !”. Rồi cứ như vậy, trẻ con thế hệ này truyền cho trẻ con thế hệ sau... vv từ không biết bao nhiêu năm, đã thành nếp. Cho nên, khi vú sữa chín tới là hằng ngày nghe giọng trẻ con “đánh tiếng” từ ngoài rào: “Dạ thưa ông Năm cho tụi con xin vài trái vú sữa, nghen”. Có khi nghe tiếng ông Năm “Ừa” vói ra ngoài. Nhưng thông thường, sau khi xin phép như vậy rồi là chúng yên tâm thọc vú sữa. Và ngầm hiểu “Ổng làm thinh là ổng ừa đó !”.
Một hôm, ăn trộm chuyền theo mấy cành vú sữa vào nhà ông Năm. Thời may, người nhà hay kịp nên nó đu người phóng ra ngoài tẩu thoát. Sau lần đó, các con ông Năm định cưa hết mấy cành gie ra ngoài, nhưng ông Năm không chịu. Ông nói: “Má tụi bây trồng mấy chục năm mới được như vậy. Cưa chi uổng. Để đó qua mùa tới cho mấy đứa nhỏ trong xóm nó ăn, nó vui !”. Rồi ông giải quyết vấn đề: “Sợ trộm vô thì tụi bây kéo kẽm gai chằng chịt trên đó, tía thằng nào mà dám trèo ?”. Nhờ vậy, trẻ con trong xóm vẫn được ăn dài dài mỗi mùa vú sữa.
... Tháng tư 1975. Trong bầu không khí hỗn loạn của miền Nam, mấy đứa con ông Năm kéo hết gia đình về tá túc ở nhà ổng để cùng nghe ngóng, bàn tính. Cuối cùng là quyết định di tản. Ông Năm không chịu đi.
- Tao già rồi. Năm nay tám mươi chớ ít đâu. Đi đứng phải chống gậy mà tụi bây biểu tao di tản cái nỗi gì ? Mà cho dầu tao còn sức, tao cũng không đi đâu hết. Nhà cửa đất đai này là của mồ hôi nước mắt của má tụi bây và của tao, bỏ sao được. Còn mồ mả của má tụi bây ở Gò Vấp, ai coi ? Thôi ! Tụi bây đi, đi ! Đừng lo cho tao !
Vậy là ông Năm ở lại với đứa cháu gái gọi ông bằng ông chú. Cô này - năm nay trên ba mươi, chưa có chồng – ở dưới quê lên giúp việc cho ổng, “coi trong coi ngoài”, từ ngày bà Năm mãn phần, nghĩa là đã bốn năm năm...
Trong lúc bên ngoài đường lớn thiên hạ chạy rần rần, nhốn nha nhốn nháo, ông Năm vẫn bình thản nằm trên võng đọc sách, hút thuốc, uống trà. Lâu lâu, chống gậy ra vườn săm soi mấy chậu kiểng, bắt sâu, tỉa nhánh. Xem rất ung dung nhàn hạ !
Thấy cô cháu gái cứ “chạy ra chạy vào”, ông cười:
- Mầy làm cái gì mà như gà mắc đẻ vậy, Hai ?
- rời ơi... Người ta nói Việt Cộng nó vô tới rồi mà ông biểu con không lo sao được ?
- Lo cái gì ? Người ta có chức tước, có vòng vàng, có tài sản to, có cơ sở lớn... mới sợ tụi nó vô nó giết nó lấy. Chớ... cái thứ dân quèn như tao với mầy thì có khỉ gì cho tụi nó lấy ?
- Dạ mà sao con cũng hồi hộp quá hà !
- Cái mà mầy phải lo là coi gạo nước ở nhà còn đầy đủ không.
- Dạ đồ dự trữ mấy cô chú mang lại đây để đầy nhà. Ông với con ăn cả mấy tháng mới hết !
- Ờ ! Vậy là yên tâm một phần. Bởi vì mình không biết cái vụ này nó kéo dài tới bao lâu đây !
“Cái vụ này”, mà ông Năm nói, chỉ kéo dài có mươi hôm rồi chấm dứt vào ngày 30 tháng tư...
Tiếp theo đó là kiểm kê – kiểm kê đủ thứ - là khai báo – khai báo cũng... đủ thứ (biết cũng khai, không biết cũng khai !), là hội họp học tập từ đường lối chủ trương đến sổ hộ khẩu sổ gạo... Ông Năm cứ phải chống gậy đi với con nhỏ cháu nay tới tổ, mai tới phường, bữa khác tới ban... vv.  Ông Năm có phàn nàn rằng ông già rồi mà cứ bắt đi tới đi lui, thì được “mấy ông cách mạng” giải thích : “Ai cũng phải học tập hết. Không như thế thì làm sao thông suốt được đường lối chủ trương của Đảng và Nhà Nước, làm sao thực hiện được quyền làm chủ của nhân dân ? Ngoài ra, sự có mặt thường xuyên của các chú các bác trong buổi họp càng làm cho bọn trẻ chúng cháu thêm hồ hởi phấn khởi. Các chú các bác có nhất trí không nào ?”.
Mỗi lần đi họp, về đến nhà là ông Năm ngã người lên võng, vừa đong đưa vừa hút thuốc liên miên, không nói một tiếng. Thấy vậy, một hôm đứa cháu gái an ủi:
- Ai sao mình vậy. Đều trời hết chớ phải có mình mình đâu mà ông buồn.
- Tao đâu có buồn ! Tao giận chớ đâu có buồn ! Cái giống gì mà ăn nói ngang như cua, không biết lễ nghĩa gì hết. Cũng may là xóm mình không có nhà nào di tản, nên tụi nó không có tiếp thu để chen vô ở như mấy xóm ngoài mặt tiền. Nghe nói tụi nó ồn ào và hay dòm ngó lắm. Cái ngõ của mình còn đầy đủ bà con, nhứt là vẫn được yên tĩnh như từ hồi xưa tới giờ, là mình có phước đó !
Một buổi sáng, đang nằm đọc sách, ông Năm bỗng nghe xào xạc trên mấy cành vú sữa phía trước. Bỏ kiếng lão, nhìn ra, thấy gió thổi từng cơn. Yên tâm, ông tiếp tục đọc sách, không để ý đến nữa. Trưa đó, đang thiu thiu ngủ ông bỗng giựt mình hết hồn vì tiếng la chát chúa phát ra từ một cái loa nào đó ngay trước nhà ông: “Chú ý ! Chú ý ! Phòng lương thực chiều nay phân phối rau cải. Mời bà con khẩn trương kẻo rau cải úng thúi chúng tôi không chịu trách nhiệm !”. Tiếng trong loa phát ra nghe điếc con ráy, còn lập đi lập lại nhiều lần, làm ông Năm phát bực. Ông chống gậy bước ra xem. Thì ra “tụi nào” đã gắn một cái loa to trên mấy cành vú sữa ! Ông hậm hực trở vô, đầu gậy chống xuống mặt sân gạch nghe côm cốp, miệng lẩm bẩm: “Đù cha tụi nó ! Quyền gì mà nó gắn loa ở nhà người ta ? Quyền gì mà nó làm mất sự yên tịnh của xóm người ta ?”.
Ông Năm không biết – có đi đâu mà biết – rằng công tác “quan trọng hàng đầu” của nhà cầm quyền là cho gắn loa để đưa tiếng nói của Nhà Nước đến tận... lỗ tai của nhân dân. Để đừng ai trách rằng: “Tôi không hay không biết gì hết !”. Cứ nhét riết vô lỗ tai, nhét rồi nhét nữa, không thể nói là không... nghe ! Mà cho dù không muốn nghe, cuối cùng rồi cũng phải thuộc ! Đó là một quy luật máy móc, nó “vô” trong óc hồi nào không hay. Biết như vậy, nên Nhà Nước cho gắn loa cùng khắp: hang cùng ngõ hẻm, ngã tư ngã ba, chợ búa trường học... thậm chí đến bịnh viện là nơi cần sự yên tịnh ! (Có người nói: chung quanh bịnh viện có bảng “Cấm bóp còi” đàng hoàng mà Nhà Nước không tôn trọng luật lệ gì hết. Nói như vậy là sai, là “lý luận chưa đạt yêu cầu”. Bảng “Cấm bóp còi” chớ có cấm bắt loa nói cho dân nghe đâu ?). Tuy nhiên, có một nơi mà Nhà Nước không cho gắn loa: đó là nghĩa địa. Không phải tại vì Nhà Nước biết tôn trọng “giấc ngủ ngàn thu” của những người quá cố, mà tại vì Nhà Nước sáng suốt, biết rằng có nói ở đó cũng không có... ma nào nghe ! Đỉnh cao trí tuệ có khác !
Chịu trận được mấy hôm, bực mình quá, ông Năm nhứt định đi thưa. Ông chống gậy đi một mình – con cháu gái bận đi họp hội đoàn gì đó.
Đầu tiên, ông đi gặp ông tổ trưởng. Ông này dẫn qua ông tổ phó an ninh. Ở đây, sau một lúc bàn qua tính lại (bởi vì họ cũng không rành cái tổ chức cách mạng quá mới mẻ này), cả ba kéo nhau đến công an phường. Anh này tỏ vẻ sành sỏi, giải thích dông dài thế nào là hàng ngang thế nào là hàng dọc, ta tổ chức có khoa học nên theo hệ thống dọc chớ không theo hệ thống ngang... vân vân, rồi vân vân, rồi vân vân. Để cuối cùng kết luận một cách rất... “bài bản”:
- Đấy ! Rõ như thế đấy !
- Tôi không hiểu gì hết ! Tôi chỉ muốn biết bây giờ anh giải quyết cái loa của tôi làm sao đây ?
- À ! Chuyện này không thuộc diện xử lý của tôi ! Cụ nên đến Ủy ban nhân dân quận xem. Không ! Cụ phải đến Ủy ban nhân dân phường trước. Ta theo hàng dọc, phải đi từ dưới lên trên. Phải...
Ông Năm chán nản xách gậy đi ra, bỏ mặc hai ông tổ trưởng tổ phó ngồi ngẩn ngơ với cái mà họ gọi là “vụ việc quá căng” !
Gọi xích lô, ông Năm đi thẳng lên quận. Ở đây, người ta chỉ ông đi đúng chỗ. Mừng quá, ông thuật lại vụ cái loa của ông cho người thanh niên ngồi sau bàn viết đầy hồ sơ (Anh này có vẻ cán bộ, vì thấy ngồi trong văn phòng mà vẫn đội nón cối xiêng xiêng giống như còn đi dưới nắng !). Rồi ông kết:
- Nhờ cậu giải quyết giùm, tôi cám ơn.
- Bác có làm đơn khiếu nại chưa ?
- Ủa ? Phải làm đơn nữa sao ?
- Coi ? Đi thưa thì phải có đơn. Chớ nói khơi khơi vậy lấy gì mà giải  quyết ?
Nghe như vậy, ông xách gậy quay ra đi thẳng.
Tối đó, ông ngồi dưới đèn rị mọ viết đơn. Cả đời ông chưa kiện cáo ai bao giờ, cho nên ông cứ viết rồi xé, xé rồi viết. Đến chừng ông đọc được vừa ý thì đã mất gần hai tiếng đồng hồ !
Sáng hôm sau, ông “vác đơn lên quận”. Gã thanh niên hôm qua mở ra đọc, châm chú. Và có vẻ... nghiền ngẫm từng câu từng chữ hay sao mà thấy đọc khá lâu. Ông Năm chống gậy ngồi chờ. Một lúc sau, gã đứng lên – vẫn đội nón cối xiêng xiêng – cầm lá đơn đi vào phòng trong. “Chắc là để báo cáo cho trưởng phòng” – ông Năm nghĩ như vậy (Nhờ đi họp đi hội liên miên mà ổng bây giờ nghĩ và nói bằng từ ngữ cách mạng một cách... trơn tru, từ lúc nào không hay   biết ! Cái hay của chế độ là ở chỗ đó. “Cứ nhai tới nhai lui cho tụi nó nghe riết là tụi nó sẽ nhập tâm thôi”). Độ mười phút sau, gã trở ra với một người cán bộ khác đứng tuổi hơn. Ông ta vui vẻ chào ông Năm, tay cầm lá đơn phe phẩy như cầm quạt:
- Chào bác. Chuyện này các đồng chí đó làm bậy. Rồi ta sửa sai thôi. Bác về đi, yên tâm. Họ sẽ tháo gỡ trong ngày hôm nay cho bác.
Ông Năm cám ơn, rồi ra về. Ngồi trên xích lô, ông nghĩ: “Ít ra, cũng có người biết điều như vậy chớ ! Lâu nay mình nghĩ quấy cho họ cũng tội.”
Lối gần trưa, ông nghe có tiếng xe máy dầu ngừng phía ngoài rào, kế đó là mấy cành vú sữa dao động một lúc lâu rồi yên. Ông vui vẻ nói với đứa cháu gái:
- Rồi ! Họ gỡ rồi ! Mầy thấy không, Hai ? Họ cũng đàng hoàng chớ đâu đến nỗi.
Xế chiều, đang nằm đọc sách trên võng, ông bỗng giựt mình vì tiếng phát thanh chát chúa ình ình ình ình của nhạc tiến quân. Lần này, nghe còn lớn hơn hồi cái loa nằm trên cành vú sữa ! Ông vội vã chống gậy ra ngoài cổng coi là cái gì. Thì ra cái loa bây giờ đã được gắn trên trụ đèn đường nằm ở phía đối diện, miệng loa hướng về phía nhà ông Năm ! “Tiên tổ nó ! Hèn gì !”. Ông Năm hậm hực trở vô thay đồ rồi hối hả gọi xích lô lên quận.
Lần này, ông đòi gặp thẳng ông trưởng phòng. Ông nói với gã thanh niên ngồi ngoài, mà ông dộng đầu gậy xuống sàn gạch nghe côm cốp. Đủ thấy ông bực mình đến đâu !
Nghe to tiếng, ông trưởng phòng bước ra, ngạc nhiên:
- Họ chưa gỡ cái loa cho bác à ?
- Gỡ rồi ! Mà họ đem gắn ở trụ đèn phía bên kia đường thì cũng như vậy thôi.
- Bác nói không đúng ! Sao cũng như vậy được ? Hồi gắn loa trên cây nhà bác mà không có sự đồng ý của bác, đó là sai, là phạm chủ quyền của bác. Tôi nhất trí điều đó. Còn bây giờ gắn trên cột đèn thuộc phạm vi của Nhà Nước, nằm trên lối đi công cộng, là đúng chớ đâu có sai.
- Đành rồi. Nhưng điều mà tôi muốn nói là tôi già rồi, cần được yên tĩnh, mà cái loa nó ồn quá. Tôi...
- À ! Chỗ này là bác hiểu sai. Nhà Nước đâu phải gắn loa để làm ồn. Nhà Nước gắn loa để hằng ngày báo cáo cho nhân dân những gì Nhà Nước đã làm, những thành quả của cách mạng, từng tháng, từng quí, những đường lối chủ trương của đảng đề ra... Bác thấy không ? Quan trọng lắm chớ ! Đó là trách nhiệm hàng đầu của Nhà Nước đối với nhân dân mà bác nói là làm ồn sao được !
Ông Năm không nói thêm một tiếng, chống gậy côm cốp đi ra mà có cảm tưởng như mình vừa nói chuyện với... một bức tường !
Về nhà, ông nằm ngã người lên võng, chửi đổng mà như tự chửi mình:
- Đu mẹ bà nó ! Nếu biết như vầy, hồi đó tao đã di tản cha nó rồi.
Từ đó, trên cái bàn thấp kê gần võng để để trà, thuốc, sách của ông Năm, thấy có hai cục bông gòn nhỏ ! Và lúc nào đi họp đi hội, ông cũng cố ý nhét vô lỗ tai hai cục gòn bự cho người ta thấy ! Có ai ra dấu hỏi thì ông trả lời lớn tiếng như nói với người điếc:
- Từ ngày tôi nghe loa phát thanh của Nhà Nước, tự nhiên tôi bị... thúi lỗ tai. Kỳ quá !

Tiểu Tử
54/ bài ca vọng c

http://phusaonline.free.fr/ButViet/TieuTu/7_BaicaVongco.htm

Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ như quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khoé môi, mái tóc đã ngả bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ  soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước ’’Cách mạng thành công’’ và tôi của bây giờ - nghĩa là chỉ sau có mấy năm sống dưới chế độ gọi là ưu việt - thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi ...tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!
Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’ivoire (Phi Châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu tôi cho Công ty Đường mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!
Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái niệm thô sơ về vùng Phi Châu da đen như là: ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v.v.. Vì vậy, tôi hơi ...ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia...
Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn rừng là rừng. Không phải là rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mươi, mười lăm thước ...coi khô hóc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng, nhưng đồi không cao và trũng không sâu...
Nhà nước phá rừng trồng mía. Rung mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v.v.. nằm cách nhau cỡ vài cây số.
Muốn về thủ đô Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa. Từ đó chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến.
Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đất đỏ, mỗi lần máy bay bay lên đáp xuống là bụi bay ...đỏ trời !
Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi ’’làm lại cuc đời’’ ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhứt làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể). Ở đây, thiên hạ gọi tôi là ’’le chinois’’ - thằng Tàu - Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi ...nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.
... Một hôm, sau hơn tám tháng ’’ở rừng’’, tôi được gọi về Abidjan để họp (Đây là lần đầu tiên được về thủ đô!). Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối mt giờ trưa.
Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:
- Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi tôi mới về.
Ở xứ đen, họ dùng từ ’’Patron’’ để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v.v... Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết!
Tôi nói:
- Về đi! Đâu cần phải đợi!
Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng toát:
- Tại Patron không biết chớ ở đây lâu lâu họ lại huỷ chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.
Rồi hắn đi ra xe. Tôi ngồi xuống mt phô-tơi, nhìn quanh : hành khách khá đông, nhiều người ngồi với mt số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v.v... Không phải họ không biết gởi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gửi đã đủ số ký-lô giành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ ...xách tay, cho dầu là nhiều món vừa nặng vừa cồng kềnh!
Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim...
Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: ’’Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy’’. Rồi lại nhắm mắt lim dim... Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi ’’xuống hò’’: ’’Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng... đang vươn lên ngọn khói... á... lam... à... chiều...’’
Đúng rồi ! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngoài kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá ! Người đen đâu có năm võng. Tập quán của họ là nằm mtộ loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển ...họ cũng ít dùng nữa.
Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là loại võng nhà binh của quân đi Việt Nam Cng Hoà hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:
- Bonjour!
Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói ’’Bonjour’’. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Anh hát cái gì vậy?
Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp_
- Mt bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là le chinois làm việc cho hãng đường ở Borotou không?
Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:
- Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.
Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:
- Trời ơi! ...Bác là người Việt Nam hả?
Rồi hắn vỗ lên ngực:
- Con cũng là người Việt Nam nè!
Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe mt xúc đng dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại ’’trôi sông lạc chợ’’ đến cái xứ ’’khỉ ho cò gáy’’ này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt...
Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:
- Trời ơi!... Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ  gặp bác, thiệt... con mừng ’’hết lớn’’ bác à!
Rồi hắn kéo tôi lại võng:
- Bác nằm đi! Nằm đi!
Hắn lại đống gạch ’’bờ-lóc’’ gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:
- Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu đợi tới bây giờ...
Hắn móc gói thuốc, rút lòi ra một điếu, rồi đưa mời tôi:
- Mời bác hút với con một điếu.
Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một ’’cái gì’’ rất Việt Nam.
Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:
- B bác nhìn ra nó rồi hả?
Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:
- Của ông ngoại con cho đó! Ổng cho, hồi ổng còn sống lận.
Rồi hắn bật cười:
- Hồi đó ổng gọi con bằng ’’thằng Lọ Nồi’’.
Ngừng một chút rồi tiếp:
- Vậy mà ổng thương con lắm à bác!
Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm... Tôi nói:
- Vậy là cháu lai Việt Nam à?
- Dạ. Má con quê ở Nha Trang.
- Rồi má cháu bây giờ ở đâu?
Giọng của hắn như nghẹn lại:
- Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi Việt cộng vô năm 1975.
- Còn ba của cháu?
- Ổng hiện ở Paris. Tụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà ni. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi rut thúi gan luôn!
Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi môi dầy...
Tôi chợt nói, nói mt cách máy móc:
- Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!
Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:
- Có chớ bác. Con có lai chớ bác.
Hắn xoè hai tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:
- Bên ni của con là nằm ở bên ngoài đây nè.
Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim:
- Còn bên ngoại của con, nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.
Bỗng giọng hắn nghẹn lại:
- Con lai Việt nam chớ bác!
Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt tôi, một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vói tay vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:
- ô ! Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy...
Hắn mỉm cười:
- ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà ni con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?
Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:
- Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người giống mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là Trời còn thương con quá!
Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng mt tâm trạng...
Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:
- Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài ’’Đường về quê ngoại’’ đó bác.
- Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.
Giọng nói của hắn bỗng như hăng lên:
- Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho t, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.
- Bác cũng vậy.
Tôi nói, mà thầm phục sự hiểu biết của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có mt người như vậy để chuyện trò từ đây về sau...
Có tiếng máy bay đang đánh mt vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:
- Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.
Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:
- Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở  đây ai cũng biết ’’Jean le vietnamien’’ hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.
Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ, rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:
- Ghé con nghe bác... Ghé con...
Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật gật đầu, vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con...
Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi vi vã quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho ’’thằng Jean le vietnamien’’. Hồi nãy, nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ...
...Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến ’’thằng Jean’’ rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!

*    *    *

Bây giờ, viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi:
’’Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiều người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam?’’

’’Và có được bao nhiêu người còn mang mểnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó?’’./.
53/ Viết một chuyện tình (Tiểu Tử)

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/07/22/viet-mot-chuyen-tinh-tieu-tu/

Mấy lúc gần đây, không hiểu sao, tôi bỗng thèm viết một chuyện tình ! Từ ngày tập tễnh viết văn, nhớ lại, tôi chưa từng viết chuyện tình nào cả. Điều này làm tôi cũng ngạc nhiên, bởi vì, chuyện tình là chất liệu mà các nhà văn khai thác thừơng nhứt và nhiều nhứt. Từ những ngòi bút măng non của tuổi học trò qua những nhà văn ” tài tử ” hay đã thành danh… có ai không từng viết chuyện tình ? Chỉ có tôi là chưa. Lạ thật !
Vậy mà bây giờ tôi bỗng thèm viết một chuyện tình. Ở cái tuổi về chiều của tôi, ” thèm ” như vậy không biết có phải là triệu chứng của sự hồi xuân hay không ? Người ta nói mấy ông già ở tuổi hồi xuân ” ghê ” lắm , ” mắc dịch ” lắm. Vì vậy, khi về già, tôi hay bị ám ảnh bởi cái tuổi hồi xuân đó, và không biết lúc nào ” nó ” bùng ra để biến tôi thành ông già ” mắc dịch ” ! Cho nên khi cảm thấy thèm viết chuyện tình, tôi tự hỏi : ” Có phải là nó đến đó không ? “. Hỏi mấy ông bạn già – già hơn tôi để có nhiều kinh nghiệm – thì người nào cũng cười cười : ” Nó đó !”. Nếu thật là ” nó” thì cái sự hồi xuân của tôi không đến nỗi nào ” ghê ” lắm. Trái lại, nó có vẻ nhẹ nhàng tao nhã nữa. Bởi vì tôi chỉ có thèm viết chuyện tình thôi !
Dĩ nhiên, tôi không có cao vọng viết một chuyện tình loại ” để đời ” như ” Lan và Điệp “, hay như ” Roméo và Juliette “. Tôi chỉ thèm viết một chuyện tình tầm thường, chẳng éo le gút mắt gì hết, nhưng phải là một chuyện tình sống thực.
Vậy là đầu hè năm nay, tôi bắt đầu giàn dựng ” một chuyện tình “…
Muốn viết một chuyện tình, đầu tiên là phải có một chàng trai và một cô gái. Dễ quá ! ( Còn chuyện tình giữa hai đực rựa với nhau hay giữa hai kiều nữ với nhau mà người ta gọi một cách văn vẻ là ” đồng tính luyến ái “… loại chuyện tình tréo cẳng ngỗng đó không nằm trong sự thèm viết của tôi ! Mô Phật ! ). Chàng trai không cần phải ” đô con “, cô gái không cần phải đẹp như người mẫu. Hai nhân vật mà tôi muốn ” dựng ” lên phải giống như mọi người bình thường, nhưng họ phải trẻ (Lạ quá ! Sao chuyện tình nào cũng phải có nhân vật trẻ hết ! Làm như ở lứa tuổi sồn sồn chuyện tình bị … xơ cứng, không gợi cảm hứng cho nhà văn nữa !) Và họ phải dễ thương !
Ở nhà vợ chồng tôi không có bàn viết. Lâu nay, tôi viết ở bàn ăn. Cho nên, muốn viết phải … canh giờ, bởi vì gần tới giờ cơm là phải đi chỗ khác. Sau bữa ăn, dọn dẹp xong, mang giấy bút trở lại bàn ăn để viết tiếp thì ý văn nó đã đi đâu mất !
Lần này, thèm viết chuyện tình – lại là lần đầu tiên viết chuyện tình – tôi muốn được viết một cách … trơn tru, nghĩa là không bị bắt buộc ngừng ngang để trả bàn ăn lại cho bữa ăn, và tôi được tự do ngắt câu văn ở chỗ nào mà tôi xét thấy ý văn vẫn nằm nguyên ở đó ngoan ngoãn chờ, và nhứt là xấp giấy tôi viết vẫn giữ nguyên vị trí xiên xiên của nó trên mặt bàn – tôi có tật đặt giấy không thẳng góc với cạnh bàn mới viết được ! – để khi tôi ngồi trở lại viết tôi không cảm thấy có sự gián đoạn ! Muốn được như vậy, tôi phải có một cái bàn riêng để viết.
Chủ nhựt đó, tôi nói chuyện cái bàn viết cho hai thằng con tôi nghe, khi chúng nó chở gia đình lại nhà tôi ăn cơm ( Nhà của vợ chồng tôi ở trong một làng nhỏ – ngoài đồng, xa Paris. Các con tôi, vì đều làm việc ở Paris, nên có nhà ở trong đó. Cuối tuần, tụi nó hay chở nhau ra thăm ông bà nội vì nhà có sân trước vườn sau rộng rãi cho mấy đứa nhỏ chạy giỡn nô đùa ). Tụi nó hỏi :
– Ba cần cái bàn bao lớn ?
– Không cần phải loại bureau lớn làm gì. Ba chỉ cần một bàn nhỏ cở sáu tấc một thước có một hộc ở giữa để bản thảo và giấy bút. Nhẹ nhàng vậy thôi.
Hai hôm sau, thằng con lớn chở tới một cái bàn đúng y như tôi muốn. Tôi cho nó đặt bàn ngay trong phòng vợ chồng tôi ở trên lầu, cạnh cửa sổ. Ngồi ở đó, tôi có cái nhìn thật thoải mái. Nhìn lên là trời cao trong vắt – thời tiết đang là mùa hè – Nhìn xuống là khu vườn sau nhà tôi với mấy cây ăn trái đầy trái và khoảng đất trồng rau trồng cà của vợ tôi. Cuối vườn là hàng rào trắc bá diệp thấp thấp. Tiếp theo đó là vườn sau của nhà phía bên kia, lớn hơn vườn nhà tôi, bởi vì nó có một hồ tắm.
Tôi nói với con tôi :
– Đó ! Phải ngồi một chỗ như vầy, phải có cái nhìn như vầy, mới có hứng viết văn. Con thấy không ?
Thích quá, tôi vói lấy xấp giấy trắng và cây bút bi để ở đầu giường đem đặt lên bàn, rồi ngồi vào ghế, khoanh tay ngã người lên thành ghế, mắt nhìn thẳng ra cửa sổ. Tôi có cảm tưởng như chuyện tình mà tôi muốn viết, tôi vừa viết xong !
Đúng lúc đó, vợ tôi bước vào phòng. Bả la lên :
– Trời ơi ! Đặt cái bàn viết kiểu gì kỳ vậy ! Phòng chỉ có một cửa sổ mà ổng ngự ở đó không cho ai xài hết. Bộ hết chỗ để rồi sao ?
Thằng con giải thích :
– Ba viết văn, ba cần ngồi ở chỗ có cái nhìn khoáng đãng. Với lại ba cũng đâu có che hết cái cửa sổ đâu mà má la.
– Ổng bầy đặt chuyện đó. Xưa nay, ổng viết ở bàn ăn chớ viết ở đâu ? Bây giờ, ổng đòi mua bàn để có cớ cho ổng ngồi ngay cửa sổ ổng dòm con đầm ở truồng nằm phơi nắng ở nhà bên kia kìa.
Thằng con cười hề hề, còn tôi thì nghe như vừa bị tạt cho một xô nước lạnh !
Sự thật, con đầm nhà bên kia, mùa này, sáng nào cũng ra hồ tắm bơi lội rồi phơi nắng, nhưng nó có mặc mai-dô đàng hoàng. Và chỗ nó nằm phơi nắng – nhìn từ cửa sổ phòng tôi – bị mấy cây ăn trái của vườn nhà nó che khuất. Mà cho dù nó có nằm ngay trước mắt chắc tôi cũng không ngừng viết để nhìn. Bởi vì con đầm đó đã lớn tuổi, thân hình mập phì có ngấn có ngấn, chẳng còn một nét nào hấp dẫn để bắt cái nhìn của tôi dừng lại lâu lâu…
Tôi làm thinh, đứng lên tự tay kéo cái bàn đẩy vào một góc phòng. Thằng con tiếp tay đem cái ghế qua. Vợ tôi nói có vẻ hài lòng :
– Đó ! Vậy, coi được không.
Tôi vẫn làm thinh, ngồi lên ghế lấy xấp giấy trắng đặt nằm xiên xiên về phía trái rồi cầm bút để viết cái tựa
” Một Chuyện Tình “. Tôi viết chậm rãi, châm chú, kẻ từng chữ một, loại chữ in – chữ hoa – loại chữ mà mình có thể đồ đi đồ lại từng nét nhiều lần, để đợi thời gian đi qua … Và để cho vợ con tôi thấy tôi đang viết, tôi cần sự yên tịnh để viết, và nhứt là tôi cần ngồi một mình để viết.
– Thôi ! Mình xuống dưới nhà đi má. Để cho ba viết. Với lại con phải trở về Paris ngay, sợ kẹt xe.
Khi mẹ con nó đi ra, tôi chưa viết xong chữ ” Một ” ! Tôi buông bút, nhìn bức tường màu trắng đục nằm cách tôi sáu tấc mà thấy ở đó một khoảng không mênh mông lễnh loãng, còn tôi thì chơi vơi một mình, chới với một mình. Tự nhiên, tôi thở dài…
Tâm trạng đó rồi cũng đi qua ( Trời đã ban cho tôi tiếng thở dài thật là mầu nhiệm ! ) Tôi lại tiếp tục giàn dựng chuyện tình trong đó đã có hai nhân vật chánh.
Bây giờ, phải cho họ gặp nhau. Nếu là chuyện xảy ra ở Pháp thì dễ quá : trai gái ở đây gặp nhau ” hà rầm “, không có cơ hội họ cũng bày ra cơ hội. Đằng này, chuyện tình mà tôi muốn viết là chuyện tình Việt Nam một trăm phần trăm. Thành ra phải có ” cái nhìn ” khác.
Thời bây giờ, chắc không còn chuyện ông mai dẫn chàng trai đi coi vợ như thời tôi còn trẻ. Còn sắp xếp để cô phù dâu phải lòng anh phù rể thì sao có vẻ tiểu thuyết quá ! Cho nên, tôi cho họ gặp nhau ở nhà một người bạn chung, trong một dịp nào đó, sinh nhựt hay đám giỗ hay tiệc tất niên gì gì .
Đến đây thì hơi khó. Bởi vì tôi không biết khi chàng trai ” chịu ” cô gái, anh phải làm sao ? Còn cô gái ? Làm sao thấy cô ta ” chịu ” chàng trai ? Và lúc nào thì hai cái ” chịu ” đó … đụng nhau để có sự ” giao lưu hai chiều ” ? Có lẽ chàng sẽ mỉm cười nhìn nàng. Có lẽ nàng sẽ mỉm cười nhìn lại với hai vành tay ửng đỏ ( Nghe nói con gái nhạy cảm hơn con trai trong lãnh vực tình yêu ! Ở đây chắc đúng như vậy ).
Sau vài tua trao qua trao lại cái nhìn, chắc chàng phải tìm cách lại gần nàng để bắt chuyện (Đọc nhiều chuyện tình, tôi để ý gần như lúc nào đàn ông cũng ” đi ” trước) Và chắc nàng chỉ đợi có như vậy, cho nên thấy nàng tiếp chuyện ngay và có phần phấn khởi nữa.
Vậy rồi họ quen nhau. Rồi hẹn hò ( Có chuyện tình nào mà không có cái vụ hẹn hò ? ) Ở Sàigòn – chuyện xảy ra ở Sàigòn, điều này tôi quên nói ở đoạn trước ! – có nhiều chỗ để hẹn hò. Hồi đó, hồi mấy con tôi còn nhỏ, tôi hay đưa tụi nó đi sở thú hay vườn Tao Đàn. Tôi còn nhớ đã thấy biết bao nhiêu cặp hẹn hò ở hai nơi đó … Vậy, chỗ hẹn hò cho hai nhân vật trong chuyện không thành vấn đề.
Họ hẹn nhau và gặp nhau vài lần hay nhiều lần gì đó, không quan trọng. Điều quan trọng là không có vụ lỗi hẹn trong chuyện tình mà tôi muốn viết bởi vì tôi thấy lỗi hẹn, rồi giận hờn, rồi nước mắt … v.v… nó cải lương quá và sự lỗi hẹn đã được nói quá nhiều rồi trong các chuyện tình. Bây giờ, viết một chuyện tình không có lỗi hẹn, có lẽ nó sẽ gần gũi với cuộc sống bình thường hơn. Nó thật hơn và chắc chắn sẽ dễ viết ( Lần đầu tiên viết chuyện tình, chọn cái gì dễ dễ để viết cho nó … trơn ! )
Cái không dễ viết – đối với tôi – là những chi tiết. Ví dụ như đoạn chàng và nàng bắt đầu tỏ tình sau nhiều lần hò hẹn. Họ phải làm sao ?
Nhớ lại, hồi đó, tôi đi coi vợ mấy lần. Lần nào cũng có một ông mai dẫn đi (Sao hồi xưa có nhiều người làm nghề mai mối quá. Vậy mà thiên hạ vẫn chê rằng : ” Ở đời có bốn cái ngu : làm mai, lảnh nợ, gác cu, cầm chầu ” ! ) Đến lần coi vợ thứ mấy tôi không nhớ nhưng nhớ là lần cuối cùng, tôi … gật đầu. Vậy là sau đám hỏi cô gái đó và tôi ” dính ” nhau rồi dính luôn cho đến bây giờ ! Dĩ nhiên là có lễ ” sỉ lời ” rồi có đám cưới ( Lễ ” sỉ lời ” là đàng trai trầu rượu đến đàng gái xin xác nhận ngày làm đám cưới, mặc dù hai bên đã OK với nhau từ lâu ! ) Chuyện tình hồi đó thật là dễ ợt. Bởi dễ ợt như vậy cho nên viết chuyện tình trong bối cảnh thời bây giờ, có nhiều chỗ tôi không biết tả ra làm sao cho sống thật !
Tôi đã đọc nhiều chuyện tình, chẳng lẽ tôi ” cóp ” lại sao ? Thì thôi cố gắng tưởng tượng vậy.
… Sau nhiều lần hò hẹn – có đi xi-nê, có đi ăn phở, có đi ăn kem …v.v… những thứ phải có để hai người gần lại – một hôm ( Thường thì là một ngày đẹp trời, bởi vì bộ điên sao mà hò hẹn dưới mưa ? ), chàng làm gan cầm lấy bàn tay của nàng, cầm bằng cả hai bàn tay, thận trọng như cầm một báo vật sợ nó tan đi hay rơi mất. Nàng không rút tay về. Chỗ này, có lẽ nàng sẽ thẹn thùng nhìn xuống ( Đẹp quá ! Phản ứng đầu tiên của người con gái ! ) Rồi, như đã lấy một quyết định, nàng vừa đặt bàn tay còn lại lên hai bàn tay của chàng vừa ngước lên để hai nụ nhìn giao nhau. Rồi giữ nguyên như vậy rất lâu … rất lâu …
Đọc tiểu thuyết thấy nói ” chàng và nàng nhìn nhau đắm đuối “. Ở đây, chắc ” đắm đuối ” là nhìn như vậy. Tôi chưa từng biết cái nhìn đắm đuối nó ra làm sao nhưng hiểu nghĩa đen của mỗi từ ( ” đắm ” là chìm , ” đuối ” là kiệt sức ), tôi tưởng tượng ra được trạng thái kỳ diệu của đôi trai gái nhìn nhau đắm đuối : không còn biết gì hết, không còn thấy gì hết, tất cả đều tan biến, không gian thời gian … chỉ còn lại có hai người là hiện hữu. Tôi nghĩ : tình yêu chắc phải tuyệt vời lắm nên con người mới chết lịm được như vậy.
Giàn dựng đến đây, tôi cảm thấy thật vui. Bởi vì, dù không có kinh nghiệm sống, tôi vẫn đưa ” Một chuyện tình ” đi một cách tự nhiên như thật. Tôi đứng lên bước lại cửa sổ hít một hơi dài sảng khoái. Qua kẽ lá hàng cây, tôi thấy lổ đổ dạng con đầm nhà bên kia đang nằm phơi nắng. Tôi tiếc sao nó không đẹp để tôi khỏi thấy oan ức khi bị vợ tôi ” nói nầy nói nọ “. Rồi tôi lại nghĩ : tôi có nhìn người đàn bà đẹp thì cũng giống bả đứng ” chết trân ” khi bả nhìn kim cương lấp lánh. Vậy mà sao…
Có tiếng vợ tôi dưới nhà nói vọng lên :
– Trời nắng dữ. Ông xuống tưới giùm vườn rau, coi ông. Con đầm nó ra phơi nắng rồi kìa !
Tôi bật cười, lặng lẽ xuống tưới rau mà thầm phục vợ tôi có tài ghép vào với nhau hai sự kiện hoàn toàn khác biệt.
Suốt buổi đó, tôi tưới rau, quét lá khô, nhổ cỏ dại mà trong đầu vẫn giàn dựng tiếp chuyện tình của đôi trai gái yêu nhau mà tôi đã để lại trên bàn viết.
… Họ nhìn nhau đắm đuối, rồi, không kềm được, chàng ôm lấy nàng. Chàng nghe trong vòng tay thân hình mềm mại của người yêu run lên nhè nhẹ. Nàng hơi ngã người về phía sau, nhịp thở đức khoảng, bờ môi khép hờ. Mùi con gái tiết ra thoang thoảng làm chàng ngây ngất ! Chàng cuối xuống hôn nhẹ lên môi người yêu, hơi vội vã như sợ mất đi phút giây huyền diệu đó. Nàng nhắm mắt …
Ở đoạn này, điều mà tôi chắc chắng có, là cái ” mùi con gái “. Bởi vì hồi đó, trong buổi ” ăn nằm ” đầu tiên, tôi khám phá ra cái mùi con gái trong thân thể của vợ tôi. Cái mùi đó thật là nhẹ nhàng trinh nguyên nhưng vô cùng quyến rủ. Nó phai đi lần lần theo thời gian để được thay vào bằng mùi dầu thơm đàn bà, cái mùi nhân tạo có khi đậm đặc đến tàn nhẫn !
Khi tôi hình dung ” nàng nhắm mắt “, tôi ngẩn ngơ hết mấy phút. Làm sao người con gái, khi nhắm mắt như vậy, có thể … hốt hồn mình được ? Lúc đó, chắc tình yêu đã phải căng đầy đến mức độ mà chẳng còn gì chẳng phải cho nhau … Đẹp quá !
Rồi thì chắc phải cho họ hôn nhau thật sự, hôn nhau nồng nàn. Họ nhắm mắt hôn nhau để chỉ còn cảm nhận có tình yêu đang quánh đặc trên làng môi…
Một lúc sau, một lúc lâu sau, họ buông nhau ra để nhìn nhau. Nhưng lần này không phải cái nhìn đắm đuối mà là cái nhìn sáng rực hạnh phúc, cái nhìn được kèm theo cái mỉm cười mãn nguyện, bởi vì họ đã nói hết cho nhau những gì họ muốn nói, dù họ không có nói lên bằng lời… Dễ thương không ?
Rồi họ cặp nhau đi, ôm lấy lưng nhau mà đi, bước đi phiêu phiêu như không chấm đất. Bởi vì họ còn ở trên mây tình yêu…
Đến đây, tôi nghĩ có thể tạm chấm dứt chương đầu của ” Một chuyện tình “. Cứ để nó ” lửng lơ ” như vậy mà đẹp. Tôi rất hài lòng và có cảm tưởng như tôi vừa đi chung với chàng trai và cô gái đó trên một đoạn đường đầy hoa thơm cỏ lạ mà tôi chưa từng được đi qua !
Làm xong công chuyện ở vườn sau, tôi lên lầu thay đồ đi tắm. Tôi thấy trên bàn viết có mấy chồng sách đặt ngổn ngang. Bước lại xem, thì ra là mấy quyển Lịch Sách Tử Vi của vợ tôi. Mấy quyển này – nhiều lắm, bởi vì năm nào bả cũng mua ba quyển khác nhau và những quyển của mấy năm trước bả vẫn còn giữ lại – bả để trong tủ quần áo thay vì để trên kệ sách phòng khách, bởi vì bả chỉ đọc nó ở trên giường ! Tôi hỏi vọng xuống nhà:
– Ủa ! Sao bà để sách ở đây vậy ?
– Để tạm, trong khi tôi soạn lại tủ quần áo. Không có chiếm bàn viết của ông đâu mà lo !
Tôi đưa hai tay lên không rồi bỏ mặc cho nó rơi xuống. Cử chỉ tôi đầu hàng đó ! Bởi vì tôi đã quen với cái ” tạm ” của bả, cái ” tạm ” thường kéo dài năm bảy tháng, đôi ba năm !
Tắm xong, tôi hăng hái ngồi vào bàn viết, mặc dù tôi bị vây quanh bởi mấy chồng sách tử vi ! Chuyện tình còn đang ngầy ngật trong tôi, tôi phải viết ra ngay để đừng sót một chi tiết nào hết, đừng quên một rung động nào hết. Tôi viết say sưa như viết chuyện thật đời mình ! Càng viết, tôi càng nghe nhẹ trong lòng, làm như là những gì chất chứa ở trong đó được trút ra lần lần trên từng trang giấy…
Tôi viết mà quên thời gian. Có tiếng vợ tôi gọi từ dưới nhà :
– Ông ơi ! Xuống ăn cơm.
Tôi ” Ờ “, nhưng vẫn tiếp tục viết. Được mấy dòng, tôi tự nhủ : ” Xuống ăn chớ để bả đợi “.
Tới giữa cầu thang, nhìn xuống thấy trên bàn ăn có mấy dĩa đồ ăn, một tô cơm và chỉ có một cái chén và một đôi đũa. Ngồi vào bàn, tôi hướng về phía bếp, hỏi :
– Bà không ăn sao ?
– Ăn rồi ! Đợi ông ăn đặng đói rã ruột à !
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu : ” Hay là mình trở lên viết tiếp chuyện tình ? Ăn một mình thì ăn lúc nào không được ” Nhưng tôi vẫn bới cơm vào chén vì thấy nếu đã ngồi vào bàn rồi mà bỏ đi thì vợ tôi sẽ cho rằng tôi chê cơm của bả, rồi sanh chuyện ! Bả đâu hiểu rằng, đối với tôi bây giờ, ăn không quan trọng bằng viết, bởi vì tôi đang thèm viết.
Bỗng tôi nhớ lại câu nói của một đại văn hào người Pháp hay người Mỹ gì đó tôi quên, rằng : ” Thông thường , các nhà văn hay viết những gì mà họ không có “.
Tôi ngẩn ngơ một lúc rồi đưa chén lên môi lùa cơm vào miệng như tôi lùa lá khô vào một góc vườn, hồi nãy.
tieutu_sign

52/ Tôi Đi Bầu (Tiểu Tử)

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/07/22/toi-di-bau-tieu-tu/


Gần đến bầu cử quốc hội bên Việt Nam và nghe thiên hạ bàn qua tán lại về chuyện ‘ đảng cử dân bầu ‘….làm tôi nhớ lại hồi tôi đi bầu quồc hội VC sau tháng Tư năm 1975. Đó là lần đầu tiên dân miền Nam đi bầu theo kiểu ‘ cách mạng ‘.
Đầu tiên là ‘ nhân dân làm chủ ‘ phải học tập bầu cử. ( Ở chế độ mới này, không lúc nào thấy ngưng nghỉ học tập. Hết học tập chuyện này là tiếp ngay học tập chuyện khác. Vừa xong học tập ở tổ dân phố là đã thấy phải kéo nhau ra học tập ở phường, chưa kể những người đi làm còn phải học tập ở cơ quan…v v ! ) Ông tổ trưởng tổ dân phố xóm tôi – hồi trước làm kế toán cho một hãng bào chế thuốc Tây – cho người mời các tổ viên đến nhà ông họp vào một buổi tối để học tập bầu cử. Sau khi mọi người đã an vị, nghĩa là ngồi chồm hổm hay ngồi bẹp dưới đất, ông tổ trưởng – ngồi sau một cái bàn thấp trên đó có để mấy xấp giấy vuông vuông và một lô bút bi – tằng hắng rồi nói một cách trịnh trọng : « Tôi mời bà con đến đây để chúng ta cùng học tập bầu cử. Khác với thời ngụy, ứng cử loạn xà ngầu, vàng thau lẫn lộn, chẳng biết ai là ai hết, bây giờ, trong chế độ ta, đảng có bổn phận chọn người đứng đắng, có đạo đức cách mạng… để đề nghị nhân dân bầu. Như vậy, nhân dân khỏi sợ chọn lầm người như ta vẫn thường thấy trong thời ngụy trước đây. »
Tổ viên im lặng nghe. Phần đông hút thuốc hay xỉa răng. Thỉnh thoảng có tiếng đập muỗi và vài tiếng … ngáp. Thấy có vẻ… được, ông tổ trưởng phấn khởi nói tiếp : ’’ Đơn vị của mình được 10 dân biểu, nhưng vì là một cuộc bầu cử nên trên lá phiếu có in 12 tên đánh số từ 1 đến 12 để mình gạch bỏ 2 tên .’’
Nói đến đây, ông lấy xấp giấy vuông vuông trên bàn đi phát cho mỗi người một tấm, vừa làm vừa nói : ’’ Đây là lá phiếu. Nó như thế này đấy.’’ Rồi ông cầm một phiếu đưa lên cao : ’’ Bà con thấy không , có 12 người. Khi đi bầu, mình phải gạch bỏ 2 tên như vầy nè .’’ Vừa nói ông vừa lấy bút bi gạch hai tên mang số 11 và 12, rồi tiếp : ’’ Bà con rõ chưa ? Bây giờ, mình bầu thử cho quen.’’ Ông lấy bút bi trao cho tổ viên : “ Bà con làm như mình đi bỏ phiếu thiệt vậy. Gạch như tôi chỉ rồi xếp giấy lại làm tư. Mà… đừng ai nhìn ai hết nghe. Mình bỏ phiếu kín mà ! Gạch xong mỗi người tự mang phiếu đến cho tôi xem coi có đúng không, nghĩa là có hợp lệ không.’’ Ổng trở vào ngồi sau cái bàn thấp, đốt thuốc hút. Một lúc, ổng hỏi : “ Xong chưa nà ?’’ Các tổ viên đồng thanh : “ Dạ rồi ” Ông tổ trưởng có vẻ hài lòng, nói : “ Từng người một tuần tự mang phiếu đến tôi xem nào.“ Ổng mở từng phiếu coi rồi gật đầu nói : ’’ Đúng !’’
Từ đầu, tôi đã thấy…. hề quá nên thay vì gạch số 11 và 12, tôi gạch đại hai số nằm phía bên trên. Khi ông xem phiếu của tôi, ổng giật mình ngạc nhiên nhìn tôi, dò xét. Rồi ổng ra dấu gọi tôi đến gần kề miệng vào tai tôi, nói nhỏ : “ Không phải hai thằng cha này, ông nội ơi !“ Tôi cười khẩy : “ Vậy hả bác ?“
Đến ngày đi bầu, ông tổ trưởng… gom chúng tôi trước nhà ổng lúc 10 giờ 30 sáng bởi vì tổ chúng tôi – theo lịch trình ấn định – sẽ vào phòng phiếu lúc 11 giờ. Sau khi đếm đủ nhân số 23 người, ổng dẫn chúng tôi đến trước phòng phiếu, bắt đứng thành hàng một, rồi ổng bước vào bên trong. Một lúc sau, ổng đi ra với một người nữa lạ hoắc vì không phải là dân trong xóm. Ổng vừa trao cho người đó một tấm giấy ( chắc là giấy kê khai dân số ) vừa chỉ vào… cái đuôi của tổ : “ Đây ! Đồng chí đếm đi ! 23 người đầy đủ !“ Ông đồng chí đếm xong nói : “ Đồng bào xếp hàng vào cái đuôi này.“ Ổng chỉ vào hàng….dép guốc từng đôi nối nhau dài dài nằm phơi dưới nắng. Tôi nhìn quanh : thì ra đồng bào, trong khi chờ đến phiên mình vào bỏ phiếu, đã vào núp nắng dưới hiên nhà dân, để giày dép làm đuôi thay thế ! Tổ chúng tôi bèn cởi giày dép guốc làm y như vậy, cười cười nói nói vì thấy… vừa lạ vừa vui !
Người đi bầu lần lượt mang lại giày dép để vào phòng phiếu cho nên lâu lâu phải…đôn từng đôi giày dép guốc lên, giống như cái đuôi người nhích tới mỗi khi phía trước có chỗ trống. Tôi thấy có một thằng nhỏ trong căn phố nằm cạnh phòng phiếu chạy ra làm việc này. Có lẽ người lớn trong nhà tự động biểu nó làm, vì họ thông cảm người cùng xóm đang bị cảnh trời trưa nắng gắt !
Khi gần đến tổ chúng tôi bầu, bỗng nghe có người la lên : “ Chết cha ! Tụi nào lấy mẹ nó đôi dép da của tôi rồi !“ Vậy là những người đang núp nắng chạy ào ra cái đuôi giày dép nhìn đồ của mình, rồi, chẳng ai bảo ai, mỗi người tự động lấy đi một chiếc của mình nhét vào lưng quần hay cầm trên tay, điềm nhiên trở về chỗ núp nắng cũ, để lại hàng dép guốc bây giờ mỗi thứ chỉ còn có một chiếc ! Thằng nhỏ vẫn lâu lâu đẩy từng chiếc lên, như chẳng có chuyện gì xảy ra hết !
Lần bầu cử đó, theo báo cáo của Nhà Nước, đã đạt 99,99%. Có điều là người dân đi bầu chẳng thấy mặt ứng cử viên nào hết ! Chú Bảy thợ hồ xóm tôi….phát biểu : “ Mẹ ! Đã nói nhắm mắt bầu mà đòi thấy con khỉ gì , hả ?“
Đó là lần đầu cũng là lần cuối tôi đi bầu quốc hội V C, bởi vì sau đó, tôi đã….nhắm mắt vượt biên !
tieutu_sign