Sunday, August 11, 2019


Trung Quốc đang gặm nhấm châu Âu ra sao? (3/4)

Trung Quốc đang gặm nhấm châu Âu ra sao? (P3)

July 4, 2018


Người dịch: Việt Xuân

TRUNG QUỐC TRÊN NHỮNG MẢNH ĐẤT HOANG TÀN CỦA HY LẠP
Athen. Tiền đến từ phương Đông, nhưng bây giờ không phải từ Nga mà từ Trung Quốc.
Quốc gia này đã mua và xé vụn châu Âu từng mảnh một. Chính vì vậy châu Âu không nên cả tin. Trung Quốc đã xử sự gần như một ông chủ thực dân mới ở châu Phi.
Những tiếng nói lo lắng giờ đây vang lên khắp châu Âu. Liệu ông chủ thực dân mới Trung Quốc đáng sợ kia có tới châu Âu không?
Wan Qian đang đi qua quảng trường Syntagma ở trung tâm Athen. Bên rìa quảng trường có một quán cà phê rất được yêu thích, nép mình bên tòa nhà nghị viện của Hy Lạp. Anh ta gọi 1 cốc cappuccino bằng một câu tiếng Anh rất lưu loát.
“Ở đây thật tuyệt,” Wan nói và cười phá lên.
Sự hài lòng đó của anh ta là có lý do. Mặt trời tỏa sáng và tiền thì không thành vấn đề.
Wan Qian không phải là một ông chủ thực dân mới mà chỉ là một triệu phú bình thường. Anh ta đã có được tài sản của mình từ việc thành lập và điều hành một nhà máy sản xuất kính quang học ở Vân Nam, Trung Quốc.
Wan kể rằng anh ta đã mua một căn hộ ở Athen cách đây nửa năm. Đó là căn nhà thứ hai của anh ở châu Âu. Nhà đầu tiên anh ta mua ở Bỉ, nhưng vợ anh ta không thích ở Bỉ, vì nơi đó trời lạnh và con người sống khép kín.
“Ở đó thì 10/12 ngày trời mưa như trút nước,” Wan than phiền. Ở Athen mọi cái khác hẳn. Những người hàng xóm mới rất mau miệng, nếu muốn xa xỉ một chút cũng không khó và không tốn nhiều tiền.
“Vợ tôi là một phụ nữ Thượng Hải điển hình. Cô ấy thích mua bán, thích lượn chợ và gần nhà chúng tôi có một xưởng làm bánh mỳ rất ngon mà cô ấy rất thích.”
Mua nhà ở Athen chỉ là chuyện nhỏ. Căn hộ gần 200m2 tại Vrilissiasta, khu phố trung lưu bậc trên, giá chỉ 270.000 euro. Nó quá rẻ so với căn hộ thứ ba của gia đình anh ta ở Thượng Hải. Căn hộ đó có giá trên 1 triệu euro, dù diện tích nhỏ hơn.
“Nói chung sống ở đây rẻ,” Wan nói. Cậu con trai của Wan học ở trường quốc tế tư thục, học phí mỗi năm 14.000 euro, chỉ bằng 1/3 học phí ở Thượng Hải.
“Ngay con trai tôi cũng thích cuộc sống ở đây. Giáo viên ở đây hoàn toàn khác so với ở Trung Quốc. Giáo viên Trung Quốc rất nghiêm khắc.”
Còn một lý do khác, quan trọng nhất khiến gia đình Wan đến sống ở Hy Lap.
Hy Lạp cấp cho công dân nước ngoài “thị thực vàng” nếu những người này mua một căn hộ với giá từ 250.000 euro trở lên ở Hy Lạp. Thị thực này có giá trị trong 5 năm và tiếp tục được gia hạn khi người chủ vẫn tiếp tục sử dụng căn hộ đó.
“Thị thực vàng” này đã mở toang cánh cửa vào khắp châu Âu.
Với thị thực của mình Wan Qian được tự do đi lại trong tất cả các nước Schengen. Việc dễ dàng đi lại rất quan trọng với anh ta, vì khách hàng của anh ở khắp châu Âu. Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Điển.
Có lẽ châu Âu là sân chơi rộng lớn với anh ta chăng?
“Đúng thế. Cũng có thể nói như vậy,” anh ta thừa nhận.
Wan là một trong 3.000 người Trung Quốc đã có “Thị thực vàng” ở Hy Lạp. Số lượng người Trung Quốc được nhận thị thực này liên tục tăng trong mấy năm qua. Cả Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Malta và Litva cũng có các chương trình thị thực được ưa chuộng như thế này. Nhưng chương trình của Hy Lạp rẻ và dễ dàng hơn nhiều quốc gia khác.
Đối với công dân các quốc gia ngoài châu Âu, “thị thực vàng” là đòn bẩy để họ tiến vào châu Âu.

***
Cũng theo cách của Wan, nhà nước Trung Quốc đang tìm đòn bẩy cho mình khắp nơi ở châu Âu. Một trong những đòn bẩy quan trọng nhất đã được tìm thấy ở Hy Lạp.
Quốc gia đang run rẩy trong vòng xiết của nền kinh tế suy sụp và gói cứu trợ khắc nghiệt mà EU đưa ra đã mở rộng vòng tay đón nhận tiền mà Trung Quốc chào mời. Những thương lượng mua nhà của người Trung Quốc chỉ nhỏ xíu so với điều mà các công ty nhà nước Trung Quốc đã đem đến đất nước này.
Thương vụ mua bán lớn nhất của Trung Quốc ở Hy Lạp là việc mua hải cảng Pireus, nằm ngay bên sườn Athen. Công ty vận tải Cosco của nhà nước Trung Quốc đã mua cổ phần đa số của hải cảng này vào mùa hè năm 2016 với giá 280 triệu euro. Công ty này đã chi ra hơn 1 tỉ euro để mua cảng và giấy phép hoạt động.
Sau đó công ty điện lực nhà nước của Trung Quốc đã mua một phần tư số cổ phần của công ty năng lượng quốc gia Hy Lạp. Người Trung Quốc còn có mặt trong rất nhiều dự án trị giá hàng tỉ euro, nơi mà người ta xây dựng một khu vui chơi giải trí với diện tích lớn gấp 3 lần Monaco.
Hải cảng Pireus không phải là một địa điểm đầu tư thông thường, mà được gọi là “đầu rồng”. Nó là cánh cổng quan trọng nhất của hạm đội thương mại Trung Quốc vào châu Âu, là nút thắt của con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.
Từ hải cảng Pireus, các công-ten-nơ hàng của Trung Quốc sẽ tiếp tục được vận chuyển đi bằng đường sắt và đường bộ vào Trung Âu. Đường này đi qua Macedonia, Serbia, Hungari và đến Ba Lan và Đức.
Các tuyến đường này là một phần dự án khổng lồ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Trong dự án này, mạng lưới đường bộ và đường thủy với hàng ngàn km nối liền Trung Quốc-Trung Đông-Châu Phi và châu Âu. Có thể coi dự án này là chiến lược đối ngoại của Trung Quốc với một cái tên mới thi vị hơn.
Trong tương lai có khả năng Phần Lan cũng trở thành một phần trong con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Khi giao thông đường thủy trên vùng Bắc cực phát triển thì Trung Quốc có thể đến được phía nam qua tuyến đường biển Bắc Băng Dương giáp Phần Lan và qua đường ngầm Helsinki-Tallin. Ít nhất thì Trung Quốc đang dự định như vậy.


Dự án “Một vành đai một con đường”
***
Việc Trung Quốc tung tiền của mình ra như vậy là có mục đích của nó. Rất nhiều nhà quan sát hiện tượng Trung Quốc đã nói như vậy. Điều nguy hiểm ở đây là các quốc gia châu Âu, nhất là những nước nghèo, không chỉ bán đất đai mà còn bán cả những giá trị cơ bản của mình. Ví dụ về điều này đã có rất nhiều rồi. Một trong những ví dụ điển hình và được nói đến nhiều nhất nằm ở Athen, nơi sản sinh nền dân chủ.
Chỉ mấy tháng sau thương vụ cảng Perius, Hy Lạp đã ngăn EU đưa ra tuyên bố chung về những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc trong Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Đó là lần đầu tiên một thành viên của EU sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn cản chỉ trích chung của cả liên minh.
Một tình trạng hệt như vậy cũng xảy ra năm 2016 khi các nước EU không ra được một tuyên bố chung về những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Cùng với Hy Lạp, Hungary – nước nhận rất nhiều vốn đầu tư từ Trung Quốc, được biết ít nhất là 2 tỉ euro – đã phản đối.
Hungary còn ngăn cản EU lên án Trung Quốc về việc bắt bớ và tra tấn những người bất đồng chính kiến.
“Nhiều năm rồi tôi chưa ghi chép nhiều như thế. Bài phát biểu thực sự hấp dẫn”, Ioannis Bournous không giấu diếm sự ngưỡng mộ của mình khi ông ta kể về chuyến thăm Trung Quốc của đoàn đại biểu Hy Lạp, và tiếp kiến chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Mười một năm ngoái.
Bournous ngồi trong văn phòng của Thủ tướng Hy Lạp trong lâu đài Maximos, phía sau Nghị viện nước này. Ông ta là trưởng phòng kế hoạch chiến lược của thủ tướng Aléxis Tsipras và phụ trách quan hệ quốc tế và chính sách EU của đảng cánh tả Syriza. Người đàn ông 38 tuổi này là một trong những nhân vật quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Hy Lạp.
“Từ trước đến nay tôi vẫn khâm phục tính tổ chức có kế hoạch của Trung Quốc”, ông ta nhớ lại bài phát biểu dài 40 phút của chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng Ba vừa qua ông Tập đã được trao quyền giữ chức chủ tịch nước cho đến cuối đời. Quyền lãnh đạo không bị giới hạn về thời gian là dấu hiệu cho thấy cách lãnh đạo của Tập Cận Bình ngày càng độc đoán hơn. Dưới thời Tập Cận Bình cho đến nay đã có hàng trăm nhà bất đồng chính kiến bị bắt giam, internet bị kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn và sự độc quyền của Đảng Cộng sản ngày càng tăng lên.
Đây là vấn đề nan giải, Bournous thừa nhận.
“Nhưng chúng ta cũng phải nói thật là không có một nước nào phải lãnh đạo đến 1 tỉ rưỡi người. Ở châu Âu, chúng ta không hiểu được điều đó là như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.”
Bournous nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần là các nước phương Tây đã lớn tiếng phê phán Trung Quốc, mặc dù nền dân chủ của chính mình đang bị lung lay: Các đảng dân túy đang xuất hiện ở nhiều nước. Hy Lạp và Italia bị bỏ mặc trong cuộc khủng khoảng người tị nạn. Các chiến dịch của các nước EU ở châu Phi và Trung Đông đã đem lại mọi thứ, trừ hòa bình, ông ta liệt kê.
“Đó là sự hai mặt”, Bournous nói với vẻ bức xúc, hai ngón tay gõ xuống bàn mạnh đến mức cốc cà phê rung lên.
Hơn nữa giữa việc Trung Quốc đầu tư nhiều và việc Hy Lạp chỉ trích Trung Quốc ít là hai vấn đề không liên quan đến nhau, ông ta nhấn mạnh.
Rồi Bournous bình tĩnh lại. Chính chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết với đoàn đại biểu Hy Lạp là Trung Quốc sẽ kiến thiết hòa bình, chống chiến tranh và thảm họa môi trường.
“Không có dấu hiệu gì chứng tỏ rằng Trung Quốc áp đặt cho chúng ta chế độ chính trị của họ”, Bournous khẳng định.
Một nhóm chuyên gia phương Tây nghiên cứu về Trung Quốc tin rằng chính những lời nói như của Bournous là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Khi tiền đổ vào thì cách nhìn về Trung Quốc trở nên thiện chí hơn.
***
Điều này đã xảy ra với những quốc gia nhỏ như Hy Lạp và Hungary, song cũng thấy cả ở một số nước lớn hơn. Trung Quốc đã gia tăng quyền lực của mình một cách kiên quyết và nhanh chóng.
“Chúng ta phải thức tỉnh trước một hiện tượng mà trước nay chúng ta làm ngơ. Trung Quốc đã mua cho mình thế lực chính trị bằng cách rất thông minh,” Thorsten Benner, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách công Toàn cầu nói. Ông ta là một nhà bình luận rất có tiếng cho những tờ báo lớn có uy tín như Financial Times và Die Zeit.
Viện này, có trụ sở ở Berliin, cùng với một viện nghiên cứu khác của Đức vừa xuất bản một báo cáo trong đó Trung Quốc được so sánh thẳng với những mối hiểm nguy do Nga gây ra.
Sự lớn mạnh của quyền lực Trung Quốc độc tài đã thách thức châu Âu và các giá trị dân chủ của nó, các nhà nghiên cứu viết.
“Chúng ta ở châu Âu, Phần Lan cũng như các nước khác, tập trung quá nhiều vào ảnh hưởng của Nga với lý do chính đáng. Nhưng theo tôi đảng Cộng sản Trung Quốc là mối lo ngại lớn hơn,” Venner nói.
Cả Trung Quốc lẫn Nga đều rất giỏi trong việc tăng cường thế lực của mình ở châu Âu, nhưng khác nhau trong cách làm. Chiến thuật của Nga là hiếu chiến hơn hay theo cách nói của giám đốc Benner là “in-your-face” (trực diện). Khi thì dùng hacker phá hoại các cuộc bầu cử, khi thì người ta ngờ là điệp viên Nga đã rải chất novitchok và polonium phá hoại hệ thần kinh.
“Trung Quốc quỷ quyệt hơn. Mục tiêu của nó không phải là để hủy diệt hoạt động của EU trong vai trò một hệ thống chính trị hoàn chỉnh,” Benner nói.
“Một châu Âu linh động và nhún nhường có lợi cho Trung Quốc hơn. Nhất là khi Trung Quốc cố sức kiểm soát một số quốc gia ở châu Âu và tác động tới việc ra quyết định tới tận Brussel”.
Theo Benner, Trung Quốc ngày càng chuyển đến châu Âu không những hàng hóa mà cả hệ tư tưởng của mình. Họ đưa ra hình mẫu độc tài của mình như một sự thay thế cho dân chủ yếu kém. Quyền lực tuyệt đối của chế độ độc đảng và sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế quốc gia là sự kết hợp không thể đánh bại, điều mà nhiều nguyên thủ quốc gia chỉ có thể mơ đến trong giấc ngủ trưa của mình.
“Trung Quốc có thể đem lại cho các nhà lãnh đạo độc đoán một sự khích lệ. Cùng lúc đó họ lái sự phát triển của châu Âu theo hướng độc tài nếu như điều đó có lợi cho họ.”
Con bài Trung Quốc đã được đưa ra rất nhiều lần. Khi từng quốc gia riêng lẻ trong EU mâu thuẫn với toàn khối thì việc đặt Trung Quốc và EU đối chọi nhau là có lợi.
Ví dụ Hungary đã bị EU khiển trách vì việc làm suy yếu nền pháp quyền. Giới lãnh đạo nước này đã sửa đổi hệ thống bầu cử và hạn chế quyền biểu tình của người dân.
“Nếu như EU không có khả năng cấp cho Hungary vốn thì chúng tôi sẽ xin từ Trung Quốc,” Viktor Orbán, thủ tướng Hungary đã nói thẳng như vậy.
Tổng thống Cộng hòa Séc, Miloš Zeman, từng tuyên bố rằng mối quan hệ rất xấu với Trung Quốc ngày xưa nảy sinh từ việc quá hạ mình trước EU và Mỹ.
Macedonia, quốc gia đang muốn trở thành thành viên của EU đã đặt Trung Quốc trong sự đối chọi với EU.
“Chúng ta đang ở trong một tình thế buộc phải quay lưng lại với EU khi chúng ta dùng tiền của Trung Quốc. Điều đó cũng như là một sự mời gọi đối với Trung Quốc,” ông Gjorge Ivanov, tổng thống Macedonia đã nói như vậy hồi cuối năm 2017.
***
Hàng ngàn và lại hàng ngàn người Trung Quốc đang sống ở châu Âu. Có phải họ đang chịu sự điều khiển của nhà nước độc tài Trung Quốc không?
Ít nhất nhà triệu phú Wan Qian làm chủ cuộc sống của mình. Wan luôn cười rất thoải mái và tỏ ra tự tin, hài lòng.
Ông ta kể nhiều chuyện về gia đình và nói về cậu con trai rất âu yếm. Điều quan trọng nhất ở đây đối với vị phụ huynh Trung Quốc này không phải là kết quả cao trong trường học mà là đứa trẻ cảm thấy thoải mái. Sự cạnh tranh trong trường học chỉ đưa lại những sự căng thẳng không cần thiết.
“Con trai tôi rất thỏa mãn với cuộc sống ở đây. Là người cha, tôi rất vui với điều đó.” Những người thành công như ông Wan tự mình tạo lập cho thành công của mình và họ tự do đi lại nơi nào họ muốn. Các doanh nhân thành công của Mỹ hay Phần Lan đều như vậy.
Song, có nhiều công ty tư nhân của người Trung Quốc có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên cũng không nên nghĩ rằng tất cả các công ty tư nhân Trung Quốc đều liên hệ với chính quyền của họ. Nhà nghiên cứu Jyrki Kallio của viện Chính trị ngoại giao nói.
“Không nên nghĩ rằng hoạt động của tất cả các công ty Trung Quốc đều có nhà nước Trung Quốc đứng đằng sau”.
Cả Kallio lẫn Benner đều nhấn mạnh rằng châu Âu phải cảnh giác hơn trong việc xem xét khi nào nguồn tiền đến từ ngoài châu Âu gắn với việc mua bán quyền lực chính trị và khi nào thì không.
“Đã là cường quốc thì không vị tha đâu”, Jyrki Kallio nhấn mạnh.
Bất cứ công dân EU bình thường cũng có thể bắt gặp ảnh hưởng của nhà nước Trung Quốc, ví dụ như thông qua các phương tiện truyền thông. Tờ nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, China Daily, có phụ bản China Watch mà rất nhiều nhật báo lớn của châu Âu cũng phát hành như Le Figaro ở Pháp, The Daily Telegraph ở Anh và El País ở Tây Ban Nha.
Trên các trang mạng của một số tờ nhật báo, China Watch thường xuất hiện dưới một số tiêu đề hứa hẹn sẽ đưa ra những tin tức về “sự phát triển rất năng động của Trung Quốc ngày nay.” Ở Phần Lan, nội dung mà Trung Quốc trả tiền để phát ít nhất có thể nghe được trên Classic Radio.
Những nội dung tìm thấy ở YouTube cũng có thể thay đổi sự tưởng tượng về thành công của Trung Quốc. Ví dụ như một loạt video được làm rất thô thiển này. Trong clip ngắn này của China Daily một bé gái người Mỹ bảo bố mình kể về dự án “Một vành đai một con đường” của Trung Quốc. Người cha đã so sánh dự án khổng lồ này với con đường tơ lụa của Trung Quốc cổ đại từ đêm này sang đêm khác.
“Mấy năm trước đây chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc có đưa ra nhiệm vụ là làm những con đường mới như ngày xưa, nhưng phải to lớn hơn.”
“Bố ơi, thật là tuyệt”, cô bé mừng rỡ reo lên.
Những cách “tác động mềm” như thế này rất nhiều.
Tại Brussel hình ảnh của Trung Quốc được đánh bóng bởi các nhà vận động hành lang chuyên nghiệp. Một người như thế có ảnh hưởng nhất ở Brussel là Luigi Gambardella, lãnh đạo người Italia của nhóm China-EU, người đã miêu tả về bức tranh tương lai của chủ tịch Tập Cận Bình “rất truyền cảm”.
Theo nhà nghiên cứu Thorsten Benner ở Berlin thì những ảnh hưởng của Trung Quốc dễ nhận thấy và vì vậy không có lý do gì để “quá hoảng sợ”. Nhà nghiên cứu Jyrki Kallio từ Viện Chính trị Ngoại giao cũng đồng ý như vậy.
“Điều quan trọng là phải giữ cho cái đầu lạnh và phải nhận biết chúng ta đang làm việc với một quốc gia như thế nào,” Kallio nói.
Đôi khi việc giữ cho cái đầu lạnh bị quên lãng, ví dụ như với các chính trị gia.
Ngay cả các chính trị gia Phần Lan cũng nhiều lần phải giải thích quan điểm của họ về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Ví dụ chủ tịch Nghị viện Phần Lan, Maria Lohela (Đảng Người Phần Lan đích thực), đã thừa nhận các vấn đề về nhân quyền không nằm trong nghị trình chuyến thăm Trung Quốc của bà ta năm 2015. Vài năm sau trong chuyến thăm Trung Quốc khác bà Lohela lại nhấn mạnh rằng không chỉ ra những vấn đề tồn đọng.
“Liệu chúng ta cảm thấy như thế nào nếu khách đến ngồi đối diện với chúng ta và trách chúng ta thế này thế khác?” Lohela nói.
Ngay cả thủ tướng Matti Vanhanen đã nói hồi năm 2005 rằng việc đưa ra các vấn đề nhân quyền có thể làm ảnh hưởng đến thương mại.
Theo nhà nghiên cứu Jyrki Kallio, truyền thống tuân thủ đã bén rễ trong suy nghĩ của người Phần Lan hàng chục năm nay. Kallio nhận thấy hiện tượng này như một sự phụ thuộc về mặt chính trị cho dù đó là lãnh đạo Hy Lạp hay Phần Lan: ở châu Âu người ta nghĩ rằng điều tệ hại nhất là khi ở Trung Quốc xảy ra hỗn loạn khiến nền kinh tế bị chao đảo. Vậy nên tốt nhất là các quốc gia khác để mặc cho Trung Quốc làm theo cách của họ.
Cả các chính trị gia lẫn thương nhân nên thảo luận với nhau về vấn đề này, Kallio nhấn mạnh. Nếu không sẽ rất nguy hiểm vì phương Tây sẽ nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề nhân quyền cũng như các vấn đề khác ở Trung Quốc.
“Về phía Phần Lan rủi ro lớn hơn chính là ở người Phần Lan chúng ta. Rất nhiều lần chúng ta tin rằng Trung Quốc sẽ tưởng thưởng cho sự nhún nhường của chúng ta, mặc dù hoàn toàn không phải như vậy,”Kallio nói.
***
Trung Quốc có tham vọng lớn với châu Âu hay không? Chưa có câu trả lời nào cho câu hỏi đó.
Ít nhất Trung Quốc không muốn cả thế giới thay đổi theo hình mẫu của mình. Thế nhưng nó sẽ được lợi rất lớn từ những quốc gia đi theo họ. Bởi vì như thế dịch vụ thương mại sẽ dễ hơn rất nhiều. Cũng có thể nghĩ rằng sự lan tỏa của việc theo Trung Quốc sẽ khiến cho thể chế độc tài của đảng Cộng sản vững mạnh hơn. Những người Trung Quốc bất đồng chính kiến sẽ có ít hình mẫu hơn, và mọi quyền tự do đều có thể bị tước đoạt không hạn chế.
Điều chắc chắn là thương mại và quá trình quốc tế hóa của Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên. Thế kỉ 21 là của Trung Quốc. Ngày càng nhiều người Trung Quốc trở thành kẻ chiến thắng.
Wan Qian nghĩ rằng anh ta sẽ ở lại Hy Lạp lâu hơn. Ở đây anh ta cũng tìm cho mình những sở thích mới đó là những bảo tàng của Athen. Trong đó thời kỳ hoàng kim của Hy Lạp cổ đại được kể lại một cách rất hấp dẫn.
Còn con trai anh ta thì sao?
“Tất cả bạn bè của nó đều ở đây. Tôi tin rằng con trai tôi không bao giờ muốn quay lại Trung Quốc nữa”, Wan nói.
Bây giờ chúng ta buộc phải sống chung với cường quốc phương Đông này.
Nguyên bản tiếng Phần Lan: “Kiina Kreikan raunioilla” của Suvi Turtiainen, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsa.

No comments:

Post a Comment