Sunday, October 31, 2021

 Quê hương giữa đôi bờ nước mắt

 

https://viettudomunich.org/2020/02/25/que-huong-giua-doi-bo-nuoc-mat/

Quê hương giữa đôi bờ nước mắt

von Admin T | Feb 25, 2020 | Tôn giáo |

 

Tsering Woeser

Trần Quốc Việt dịch

(B d ứng với TQ: nước ở giữa, bn ở chung quanh là lũ man di, mi rợ. Tôi đã đổi TQ thành Trung Hoa. ĐCSTQ -> ĐCSTH)

Lời người dịch: Tsering Woeser là nhà văn và là nhà hoạt động người Tây Tạng. Câu chuyện có thực dưới đây là một chương trong tác phẩm tựa đề Tây Tạng Bút ký của bà được xuất bản vào năm 2003 ở Trung Hoa. Tác phẩm này sau đó đã bị cấm và bà bị mất việc, mất nhà, bị “cải tạo” và bị cấm xuất cảnh. Bà hiện sống ở Bắc Kinh.

Tsering Woeser is a Tibetan writer, activist, blogger, poet and essayist.

Hôm ấy vào một ngày hè nóng nực năm 1999. Như thường lệ, chùa Tsuglakhang rất đông khách thập phương và người hành hương đến viếng. Và như thường lệ, Nyima Tsering đứng ở lối vào để bán vé và sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Trung Hoa cho khách từ xa đến vãng cảnh chùa. Không giống với những lạt ma khác, trên báo chí và đài truyền hình họ gọi ông là “lạt ma hướng dẫn viên du lịch.” Tuy nhiên ông không chỉ là hướng dẫn viên du lịch, mà còn là người giữ nhiều chức vụ, đặc biệt nhất là Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân ở Lhasa. Cho nên, chúng ta thường thấy trên các bản tin của đài truyền hình Tây Tạng và đài truyền hình Lhasa một nhà sư trẻ mặc áo dài choàng màu đỏ nâu sậm ngồi giữa các viên chức trông nghiêm nghị mặc áo quần của người thế tục. Ông lúc nào trông cũng điềm đạm, chín chắn, và tự tin.

Tsuklakhang Palace or Tsuklakhang Royal Chapel and Monastery is a Buddhist palatial monastery in Gangtok, Sikkim, India.

Vào ngày ấy, ai đấy bảo Nyima Tsering nộp hai tấm hình cho bộ liên quan để làm hộ chiếu. Họ cho ông biết vài ngày sau ông sẽ bay đến Bắc Kinh để gia nhập với các viên chức khác thuộc nhiều bộ của chính phủ. Tất cả họ đều sẽ tham dự hội nghị nhân quyền quốc tế ở Na Uy. Na Uy? Chẳng phải là quốc gia nơi đức Đạt lai Lạt ma nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1989 sao? Nyima Tsering cảm thấy sung sướng tuy hơi lo lắng. Khi ông đi nộp hình, một người ở đấy thấy vẻ mặt lạ lùng của ông liền nói, “Ông đừng lo lắng, những người đi cùng với ông đều là cấp cao cả đấy. Họ chẳng giống như các viên chức Lhasa chẳng biết gì.”

Chẳng bao lâu Nyima Tsering đáp máy bay một mình đến Bắc Kinh. Tất nhiên ở cuối mỗi chuyến bay đều có người lo cho ông. Ông không thể nhớ rõ ràng ông đã gặp ai hay đã nói gì. Hai ngày sau ông lại đáp máy bay, lần này với mười đến hai mươi đại biểu đến Na Uy, tuy nhiên, ông hầu như chẳng nhớ bất kỳ điều gì trên đường đi. Lẽ ra ông nên nhớ rất rõ ràng những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, so với những từ “nhân quyền”, những vấn đề khác đối với ông chẳng quan trọng bằng. Ngoài hội nghị ra còn có điều gì khác có thể khiến ông rất quan tâm đến? Dù sao, ông là người Tây Tạng duy nhất đến từ Tây Tạng và là lạt ma duy nhất trong chiếc áo tu sĩ.

Nhưng những người đi trong đoàn này quả thực khác hẳn. Họ lớn tuổi hơn ông, và khác với các viên chức Lhasa, họ có vẻ học cao hiểu rộng, cư xử lịch sự, và không ồn ào hay ra vẻ kẻ cả. Đến ngày hôm nay, Nyima Tsering vẫn còn nhớ lúc ông cảm thấy ngượng ngùng khi ông không thể cầm được nước mắt, và viên chức từ Ban Dân tộc Thiểu số và Tôn giáo được phái đi theo ông hỏi thầm, “Chắc ông không được khỏe?” Rồi im lặng. Khi Nyima Tsering cuối cùng bật khóc, không ai yêu cầu ông phải giải thích; ông rất biết ơn sự im lặng gần như thông cảm ấy.

Những ngày nay khi nhắc đến cuộc hội nghị, Nyima Tsering thường tránh nói về những chi tiết như diễn biến, người tham dự, nội dung, hoàn cảnh, địa điểm, không khí hay gặp gỡ, thảo luận, tham quan, vân vân của sự kiện. Thật sự hai chuyện ông kể lại tưởng như xảy đến thình lình. Và hoàn toàn bất ngờ – như thể chúng bị kìm nén trong lòng ông quá lâu đến nỗi ông giờ không thể nào đè nén được nữa. Ông đột ngột cắt ngang cuộc trò chuyện, để từ miệng ông bật ra lời kể về những chuyện này.

Chuyện đầu tiên xảy ra khi phiên họp vào buổi sáng ngày đầu tiên kết thúc. Ông và những đại biểu khác đang trên đường đến dự bữa tiệc trưa ở tòa đại sứ – tất nhiên tòa đại sứ Trung Hoa. Bao mối lo lắng suốt thời gian qua đã tan biến dần vì chẳng ai làm phiền ông hay hỏi ông những câu hỏi khó trả lời. Ông thích thú ngắm nhìn cảnh phố xá Bắc Âu thanh lịch khi xe họ chạy chậm qua các đường phố, và ông bắt đầu trò chuyện với những người nước ngoài ngồi kế bên. Dần dần, ông dường như đã trở lại con người tự tin ngày trước khi ông thường đưa những người nước ngoài đi tham quan chùa Tsuglakhang. Vì vậy, khi xe bất ngờ dừng lại và cửa xe mở ra, tiếng người – ôi chao, tiếng người ấy, tiếng của rất nhiều người ấy – tưởng như sấm sét nổ vang trên đầu ông. Ông cảm thấy như ông đã bị trúng thương và đang chịu dư chấn của một vụ nổ lớn. Ông gần như bất tỉnh và hầu như không bước đi nổi.

 

Tàu khựa… Lạt ma Tàu khựa… Lạt ma cộng sản.

 

Bên ngoài tòa đại sứ, hàng chục khuôn mặt tức giận có nét mặt không thể nào thân thuộc hơn đối với Nyima Tsering; hàng chục cái miệng đang thét lên bằng tiếng nói không kém phần thân thuộc hơn. Những người nam nữ này cũng trạc tuổi ông và cũng cùng chung dòng máu. Khác biệt duy nhất là họ là những người Tây Tạng lưu vong; còn ông và chỉ một mình ông là “người Tây Tạng được giải phóng” từ Tây Tạng đến. Họ mang những biểu ngữ họ đã viết trên đấy NGƯỜI Trung Hoa, HÃY TRẢ QUÊ HƯƠNG LẠI CHO CHÚNG TÔI bằng tiếng Anh, tiếng Tây Tạng, và tiếng Trung Hoa. Vào lúc ấy, trong thành phố nơi Đạt lai Lạt ma đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, đồng bào của Nyima Tsering hoàn toàn bị ngăn cách với ông.

Mọi người khác đều ra khỏi xe và bước đi thẳng mà chẳng để ý đến cảnh tượng trước mắt ấy. Nhưng ông không thể như thế được. Làm sao ông có thể làm như thế được? Sau này, cho dù cố gắng cách mấy chăng nữa, ông cũng không thể nào nhớ lại làm sao ông đã vượt qua được khoảng cách ngắn từ chiếc xe đến tòa nhà. Lúc đó khoảng cách ấy tưởng như là con đường dài nhất và gian khổ nhất ông đã đi qua trong suốt ba mươi hai năm cuộc đời. Chiếc áo tu sĩ Tây Tạng giống như ngọn lửa cháy rực, và những cái nhìn ghê tởm của những người biểu tình tựa như những giọt dầu nóng hay bơ sôi văng tung tóe. Những giọt này bắn lên đầu cúi gục xuống, lưng còng, và đôi chân lê bước nặng nề của ông và càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh hơn.

Nhớ lại trải nghiệm này, Nyima Tsering nói giọng chát chúa hơn bình thường, “Tôi biết làm gì, tôi biết làm gì? Tôi đang mặc cái này…” Kéo mạnh chiếc áo dài choàng màu đỏ đậm, ông khẽ lặp lại lời ấy như thể tự nói với mình.

“Từ đó trở đi,” ông nói, “Tôi không bao giờ còn có thể cảm thấy vui vẻ và vô tư lự ở hội nghị. Suốt trong bốn ngày tôi bắt đầu thấm hiểu nghĩa của câu nói con kiến trong cái chảo nóng.”

Đến lúc cuối cùng ông đi qua được con đường ngắn nhưng đầy gian nan ấy, lòng ông đã bị tổn thương nặng nề. Ông cảm thấy như thể ông đã bị sắt nung đóng dấu vào người. Ông muốn khóc, nhưng không có nước mắt để khóc. Những người ở tòa đại sứ giả vờ như chẳng có gì xảy ra, hay ta có thể nói, họ thường nhìn mà không thấy. Không ai nhắc đến sự cố bất ngờ này. Họ đều nói về những chuyện khác. Trong lúc mọi người khác ăn uống và trò chuyện lịch sự, Nyima Tsering chẳng nuốt nổi được miếng nào, cảm giác như bị mắc xương trong cổ.

Đây là lần đầu tiên ông thấy rất nhiều người Tây Tạng ở nước ngoài – hay nói chính xác, rất nhiều người Tây Tạng lưu vong. Mặc dù họ chỉ cách có mấy bước, nhưng bao dãy núi đã ngăn cách họ với ông.

Nhiều người chắc hẳn đã nói với ông về nhiều chuyện. Nhưng chẳng chuyện nào quan trọng hay quan hệ gì. Ông lắng nghe nhưng không thật sự chú ý, lắng nghe, quên. Vì lòng ông đã bị tổn thương, ông đã mất tinh thần. Song ông vẫn nhớ – ngoài những cái liếc mắt thông cảm từ những người nước ngoài đã đi cùng xe với ông – viên chức từ Bắc Kinh được phái theo ông hỏi thầm, “Chắc ông không được khỏe?” Nyima Tsering gần như gật đầu. Ông ta trông hiền lành và lịch sự; và dù sao, với tư cách là người phát ngôn cho vụ Dân tộc thiểu số và Tôn giáo của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, dù muốn hay không, ông cũng là tâm điểm của sự chú ý của mọi người.

Bao mối lo lắng đã theo Nyima Tsering suốt mấy ngày qua vừa mới tan biến đi thì chúng lại xuất hiện. Những mối âu lo mà càng trĩu nặng thêm trong lòng kể từ khi ông rời Lhasa thật khó mà vơi đi, thế mà bây giờ lại thêm bao nỗi lo lắng mới.

“Nếu mình bước ra ngoài cửa và gặp lại họ thì sao? Chắc họ sẽ khinh bỉ mình, chế giễu mình, hay cảm thấy thương hại mình? Chắc không, bây giờ trong đầu họ mình là lạt ma Tàu khựa, lạt ma cộng sản.”

Ông mĩm cười cay đắng.

Dù trong lòng vẫn còn hơi lo lắng, ông đánh bạo bước ra ngoài tòa đại sứ. Ông thở dài nhẹ nhỏm, rồi bất ngờ cảm thấy lạc lõng. Những người Tây Tạng hô hào hồi nãy đã biến mất, và chỗ ấy giờ trống vắng. Họ đã đi về đâu?

 

Ngày thứ hai trôi qua êm ả.

 

Vào ngày thứ ba, Nyima Tsering phát biểu, đây chính là lý do thật sự mà chính quyền đưa ông đi dự hội nghị. Vì trong các cuộc hội nghị trước không có tiếng nói của người Tây Tạng nên những tuyên bố của Trung Hoa về tình trạng nhân quyền ở Tây Tạng luôn luôn yếu ớt và không thuyết phục. Họ hy vọng sự hiện diện và chứng thực của Nyima Tsering sẽ chứng minh điều khẳng định người Tây Tạng có quyền và những quyền này được bảo vệ. Tuy nhiên ai biết chăng lòng Nyima Tsering ngổn ngang bao mối lo khó xử? Nói như thế nào? Nói gì đây? Nên nói gì… và không nên nói gì? Ông thật khổ tâm. Mặc dù ông biết, dưới chiếc áo dài choàng đỏ đậm này, ông chẳng hơn gì con rối, nhưng ông không muốn có vẻ quá lạc điệu hay đi quá sự đúng mực.

Một cách kín đáo, ông hỏi ý kiến của một người nước ngoài mà ông đã bắt đầu tin tưởng. Người nước ngoài khuyên thầm ông nên nói chung chung và tránh đề cập đến bất kỳ điều gì cụ thể.

Nyima Tsering vì vậy đọc thuộc lòng bài phát biểu ông đã chuẩn bị theo “văn bản” hay chính xác hơn, theo “văn bản” gởi cho báo, đài và truyền hình. Bài phát biểu hoàn toàn phù hợp với những ý tưởng thường xuất hiện trên truyền thông trong nước: văn hóa của dân tộc Tây Tạng hoàn toàn được bảo vệ và phát huy, người Tây Tạng có tự do tôn giáo, và quần chúng tu hành đều yêu nước. Mọi người trong hội nghị im lặng lắng nghe ông. Chỉ một người từ thính giả, một người Mỹ, hỏi bằng tiếng Anh,

“Nếu vậy, ông có tự do gặp gỡ Đạt lai Lạt ma?”

Mặc dù ông đã chuẩn bị trước cho những câu hỏi thuộc loại này, nhưng khi nghe tên của người lãnh đạo – như vào ngày đầu tiên, khi ai đấy chỉ cho ông thấy nơi Đạt lai Lạt ma nhận giải thưởng Nobel Hòa bình – ông ngẩn người ra. Nhưng ông lấy lại bình tĩnh ngay và trả lời một cách khôn khéo, “Đây là câu hỏi chính trị, tôi từ chối trả lời.”

“Câu hỏi chính trị gì ở đây chứ? Câu hỏi về một người Tây Tạng, một lạt ma, muốn gặp Đạt lai Lạt ma của mình sao lại có thể là câu hỏi chính trị?”

Tất cả những người khác đều không hỏi bất kỳ câu hỏi nào như thể mọi người ở hội nghị thấu hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng của Nyima Tsering. Ông nghĩ như thế.

Ngày thứ tư cuối cùng đến. Ông tưởng những ngày đau khổ sắp qua đi. Nhưng, bất ngờ thay, cú đánh lớn nhất giáng xuống vào ngày cuối cùng.

Sau khi kết thúc hội nghị, họ tổ chức cho đoàn đại biểu đi xem một công viên quốc gia nổi tiếng. Các công viên ở Na Uy đều rất đẹp và đầy bao nét quyến rũ về sự cùng tồn tại hài hòa với thiên nhiên. Cảnh đẹp khiến vị lạt ma trẻ, người lớn lên trên mái nhà thế giới, thấy lòng vơi bao sầu muộn. Khi ông nhìn quanh, một phụ nữ trẻ đến gần ông. Cho dù chị mặc áo thun và quần jeans – trông chẳng khác gì áo quần của những người nước ngoài quanh ông – Niyama Tsering nhận ra ngay tức thì chị là người Tây Tạng. Chị có khuôn mặt Tây Tạng, vẻ Tây Tạng, đặc trưng Tây Tạng.

Người phụ nữ bước đến Nyima Tsering và hai tay dang ra tưởng như chị tình cờ gặp lại người bạn bặt tin từ lâu. Đột nhiên, ông như chìm đắm vào giấc mộng, nghĩ đã gặp chị trước đây. Ông không thể nào cưỡng lại việc nắm tay chị lúc chị nắm chặt tay ông. Bất ngờ thay, người phụ nữ không chịu buông tay ông ra và bắt đầu khóc to lên. Chị vừa khóc ràn rụa vừa nói với ông bằng tiếng Tây Tạng,

“Thầy ơi, thầy làm gì ở đây vậy? Thầy làm gì với bọn Tàu này? Thầy là người Tây Tạng, hãy nhớ thầy là người Tây Tạng, đừng giao du với họ…”

Nyima Tsering xiết bao bối rối và buồn bã, nhưng ông chẳng thể rút tay lại cũng chẳng thể nói nên lời. Đám đông bắt đầu xúm lại. Tất cả những người nước ngoài, họ đều rất tò mò trước cảnh một nhà sư mặc áo dài choàng đỏ đang bị người phụ nữ khóc lóc giữ chặt. Không một ai trong đoàn can thiệp, ngược lại họ còn bỏ đi thật nhanh và làm ra vẻ cảnh tượng ấy chẳng liên quan gì đến họ, mà có thể được hiểu là cử chỉ cảm thông và thấu hiểu. Đến lúc này, viên chức do tòa đại sứ phái đi theo Nyima Tsering suốt trong bốn ngày qua mới mở miệng.

“Nyima Tsering, chúng ta đi thôi. Kệ bà ta.”

Người phụ nữ Tây Tạng không hiểu tiếng Trung Hoa, nhưng chị cũng có thể đoán được ông ta nói gì. Chị nổi giận và ra sức la lại ông ta bằng tiếng Anh. Nyima Tsering liền cản chị và nói lặp đi lặp lại, “Tôi biết, tôi biết, tôi biết…” Người phụ nữ vẫn khóc tiếp và nói, “Nếu thật sự thầy biết, thì thầy đừng trở lại nữa.” Khó nhọc lắm, Nyima Tsering mới nói buột ra điều ông nghĩ trong lòng: “Làm sao tôi có thể không trở về chứ? Quê hương chúng ta ở đấy. Nếu chúng ta ai cũng bỏ đi hết thì còn ai ở lại Tây Tạng?”

Khi ông nói những lời này, ông không thể nào cầm được nước mắt. Mắt ông đẫm lệ.

Rốt cuộc nhiều người đến giúp ông thoát ra tình trạng khó xử này. Họ là những người Tây Tạng được các đơn vị công tác của họ ở Lhasa – như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TAR, Đại học Tây Tạng, và thư viện – cử đi học những khóa học cao cấp ngắn hạn ở Na Uy. Nyima Tsering chẳng quen họ, nhưng ông biết họ giống như ông: Những người Tây Tạng ở Tây Tạng. Đến ngày hôm nay ông cũng chẳng hiểu tại sao rất nhiều người Tây Tạng thuộc nhiều thành phần khác nhau lại tập trung ở công viên ấy. Tất nhiên, lúc ấy ông không nghĩ về điều ấy. Ông vội vàng giật nhanh tay mình ra khỏi tay nắm chặt của người phụ nữ vẫn đang khóc, xong ông vội lấy áo lau khô nước mắt, và chạy trở lại với đoàn.

“Thưa thầy,“ một trong những người đã đến giúp ông khuyên ông một cách ân cần, ”nếu ai hỏi chuyện gì đã xảy ra, thầy chỉ nói với họ người trong gia đình bà ta qua đời cho nên bà ta nhờ thầy thắp những ngọn đèn bơ và tụng kinh cầu siêu cho người đã khuất ở chùa Jokhang khi thầy trở lại Lhasa.” Nyima Tsering gật đầu liền, nhưng cảm thấy đau nhói trong lòng. Tưởng như mọi chuyện đã xảy ra đã được chấp nhận, chẳng một ai liếc nhìn ông hay nói lời nào khi ông đến gần. Tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra – chẳng có gì đáng bàn tán.

Cuối cùng đã đến lúc rời Na Uy – nhưng không rời ngay. Phái đoàn phải chờ thật lâu ở phi trường: hơn hai giờ. Những người đứng đầu và cán bộ từ tòa đại sứ, kể cả người không bao giờ tách rời Nyima Tsering suốt bốn ngày qua, đã đi về sau khi đưa phái đoàn ra phi trường. Trong những giờ chờ đợi dằng dặc này mọi người ngồi, đứng, đi qua đi lại trong phòng chờ phi trường sáng sủa, rộng rãi và ấm cúng. Bất luận họ là công dân nước nào chăng nữa, họ đều có vẻ tự do và thanh thản. Nyima Tsering cũng đi thơ thẩn qua lại tự do. Dường như chẳng ai theo dõi ông, điều này khiến ông cảm thấy ông có thể đi đâu tùy ý. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông: Nếu mình không đi với họ thì sao? Dù sao, hộ chiếu ở trong người mình, và mình có đủ tiền. Nếu mình mua vé khác đi đến nơi nào đấy…

Tất nhiên, đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua. Như tôi đề cập vào lúc đầu, Nyima Tsering lúc nào cũng điềm đạm, chín chắn, và tự tin. Cho nên cuối cùng, ông – con kiến trong chảo nóng – trở lại với đoàn. Trở về quê hương dường như là cách tốt nhất cho ông. Tuy nhiên, khi máy bay chầm chậm rời phi trường Oslo, khi Na Uy-biểu tượng của thế giới tự do – dần dần bỏ lại phía sau, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài xuống đôi má gầy guộc của Tsering.

 

Nguồn: Dịch từ tạp chí Mānoa, chủ đề “Beyond Words-Asian writers on their work”, University of Hawai’s Press, 2006. Trang 97-103. Bản dịch tiếng Anh của Jampa, Bhuchung D. Sonam, Tenzin Tsundue, và Jane Perkins. Tựa đề của người dịch, tựa đề tiếng Anh “Nyima Tsering’s Tears”.

 

Dân Luận 25.02.2020

Ph Lc:

https://vietluan.com.au/16733/que-huong-giua-doi-bo-nuoc-mat-2

No comments:

Post a Comment