Monday, February 25, 2019


Bàn về… “Nghề Cai Trị” (3/4)

“Nghề Cai Trị” (3)
(Tiếp theo)

“Không ai dám hành nghề mà mình chưa học qua, thế mà ai cũng nghĩ mình có đủ khả năng cho một nghề khó nhất trong các nghề: đó là “Nghề Cai Trị” (Socrates)

Đệ nhất Cộng hòa (1955-1963): sự yếu kém của một Quốc trưởng chỉ nghĩ đến những thú vui vật chất cá nhân hơn là chăm lo hạnh phúc nhân dân đã khiến Bảo Đại phạm phải nhiều sai lầm trong việc trị quốc và tạo cơ hội cho nền Đệ nhất Cộng Hòa nổi lên thay thế Quốc gia Việt Nam (QGVN).

Một trong những hệ quả của những sai lầm là việc Vua Bảo Đại chọn ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng của QGVN năm 1954 và vị Thủ tướng này đã có đủ điều kiện và thế lực để tổ chức một cuộc “trưng cầu dân ý” với kết quả là Bảo Đại bị “truất phế” và Ngô Đình Diệm được “suy tôn”.

Đó cũng là bước “đột phá chính trị” khiến người Pháp bị loại khỏi Đông Dương và người Mỹ chính thức có mặt tại Việt Nam với “lá bài” Ngô Đình Diệm về cả chính trị lẫn quân sự.


Ngô Đình Diệm (1901-1963)

Đệ nhất Cộng hòa là chính phủ được thành lập sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 với tổng số gần 6 triệu lá phiếu, trong đó có 5.721.735 phiếu “đồng ý truất phế Bảo Đại”, chỉ có 63.017 phiếu “chống việc truất phế” và 44.105 phiếu “bất hợp lệ”.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm đạt số phiếu tuyệt đối nhưng theo một số nhà quan sát, cuộc bỏ phiếu đã có những “sắp xếp gian lận” trong tình hình Việt Nam lần đầu tiên được tiếp xúc với hình thức bầu cử dân chủ. Đây cũng có thể coi như một trong những “thủ thuật chính trị” mà các “nhà cai trị” áp dụng để đạt được mục đích họ đề ra.

Khi cử tri đi đến nơi bỏ phiếu, họ thấy rằng nơi đây nhân viên phòng phiếu chỉ toàn là những người ủng hộ ông Ngô Đình Diệm để điều hành và kiểm soát cuộc bầu cử. Một cử tri sau khi bỏ phiếu đã nói: “Người phụ trách nói cho chúng tôi hiểu rằng ở đây chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc là phiếu đỏ [suy tôn Ngô  Đình Diệm] sẽ được bỏ vào hòm phiếu hoặc phiếu xanh [không truất phế Bảo Đại] sẽ bị loại đi”.


Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào ngày 23/10/1955

Thủ tướng Ngô Đình Diệm thay thế Bảo Đại làm Quốc trưởng. Sau đó, Quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến, ban hành Hiến pháp, đổi tên QGVN thành Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và từ chức vụ Thủ tướng, ông Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam. Tính đến năm 1960 đã có 55 quốc gia công nhận chính phủ VNCH.

Tổng thống Ngô Đình Diệm cầm quyền với một sách lược gồm 3 “mũi tên” nhắm vào 3 kẻ thù: “Bài Phong, Đả Thực, Diệt Cộng”:

(1) Bài trừ những phong tục, tư tưởng phong kiến; chống lối sống sa đọa, ăn chơi của giai cấp thống trị sống trên xương máu đồng bào;

(2) Đánh đuổi ách thực dân đô hộ kéo dài từ năm 1883 đến 1955 để dành độc lập và chủ quyền quốc gia; và

(3) Tiêu diệt Cộng sản với các chính sách khắc nghiệt tại miền Bắc như đấu tố trong Cải cách ruộng đất, thanh trừng qua vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Ông “Cố vấn Chính trị” Ngô Đình Nhu [1], bào đệ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, được coi là “cánh tay phải” hay “kiến trúc sư” của các “quốc sách” thời Đệ nhất Cộng hòa. Năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, ông Nhu thành lập Đảng Cần lao Nhân vị, dựa vào một chủ thuyết do ông khởi xướng là học thuyết Cần lao - Nhân vị để hỗ trợ chính quyền của người anh.

Dưới sự giúp đỡ của người Mỹ, Đảng Cần lao Nhân vị phát triển nhanh chóng, thâm nhập vào hàng ngũ quân đội, công chức, trí thức và cả giới kinh doanh. Cần lao Nhân vị đã trở thành chính đảng lớn nhất thời bấy giờ. Thêm vào đó, ông Ngô Đình Nhu cũng cho thành lập một tổ chức với tên gọi "Thanh niên Cộng hòa", theo mô hình “đảng sơ-mi nâu” của nhà cai trị người Đức, Adolf Hitler.


 Ông Ngô Đình Nhu và đoàn Thanh niên Cộng hòa

Ông Ngô Đình Nhu cũng là Chủ tịch Ủy ban Liên bộ đặc trách Ấp chiến lược, một hình thức mới được áp dụng để chống Cộng sản [2]. Ấp Chiến lược được coi là một "quốc sách" của chính quyền, được sử dụng từ năm 1961 để đối phó với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà chính quyền VNDCCH gọi là lực lượng nổi dậy. Những năm sau, tên của chương trình này đổi thành Ấp Đời mới năm 1964, rồi Ấp Tân sinh vào năm 1965.

Mô hình Ấp chiến lược được rút ra từ kinh nghiệm chiến dịch bình định ở Philippines của quân lực Mỹ và ở Malaysia của quân đội Anh. Kế hoạch được phái đoàn cố vấn Anh do R. G. K. Thompson cầm đầu đưa ra vào tháng 11/1961 và chính thức áp dụng vào tháng 3/1962 đầu tiên ở Bình Dương.

Ông Ngô Đình Nhu còn cho thiết lập và trực tiếp khống chế nhiều cơ quan tình báo và mật vụ (có lúc lên tới 13 cơ quan) với những quyền lực to lớn như được quyền bắt giam người không cần xét xử. Nổi bật nhất là ông Trần Kim Tuyến [3], Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội trực thuộc Phủ Tổng thống. Ông Tuyến trở thành một trong những nhân vật thân cận với ông Nhu và nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống mật vụ của nền Đệ nhất Cộng hòa.

Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề “Tố Cộng, Diệt Cộng” của chính phủ Ngô Đình Diệm với Luật 10/59 được ban hành ngày 6/5/1959. Bộ luật quy định việc tổ chức các Tòa án quân sự Đặc biệt nhằm xét xử trong 3 ngày các tội ác chống lại chế độ. Máy chém đã từng được sử dụng làm công cụ hành quyết phạm nhân bị kết án theo luật này.

Việc hành quyết những người bị kết tội ban đầu được thực hiện bằng máy chém với mục đích răn đe, gây khiếp sợ cho lực lượng Cộng sản. Cũng với mục đích này, chính quyền đặt máy chém giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội (Củ Chi), kèm theo lời đe dọa: "Ai liên quan đến cộng sản sẽ mất đầu". Theo thống kê, trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1960 có 48,250 người bị bắt giam vì tội danh "Cộng sản".


Máy chém dưới thời Ngô Đình Diệm được trưng bày tại Bảo tàng TP. Cần Thơ

Người nổi bật trong chiến dịch “Bài Phong” là dân biểu quốc hội Trần Lệ Xuân [4], em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm, vợ của ông “cố vấn” Ngô Đình Nhu. Bà còn được gọi là “Đệ Nhất Phu Nhân” (First Lady) của VNCH từ năm 1955 đến năm 1963 vì Tổng thống Diệm không lập gia đình.

Bà Trần Lệ Xuân chỉ tham chính với tư cách là dân biểu trong Quốc hội nhưng phía sau lưng bà là Hội Phụ nữ Liên đới, một tổ chức thuộc đảng Cần lao cầm quyền, nên có nhiều hoạt động trên chính trường. Với tư cách là Chủ tịch hội Phụ nữ, bà tấn công vào mặt trận “Bài Phong” với Luật Bảo vệ Gia đình (tháng 5/1958) và Luật Bảo vệ Luân lý (tháng 6/1962).

Luật Bảo vệ Gia đình quy định vợ chồng khi đã lập hôn thú thì cuộc hôn nhân đó không thể bị hủy bỏ trừ khi chính Tổng thống cứu xét và cho phép nên thường được biết đến qua tên gọi “Luật chống ly dị”. Luật Bảo vệ Luân lý cấm một số việc như chọi gà, đánh bạc, đấu quyền Anh, ngừa thai, phá thai, mại dâm và cả khiêu vũ… nên còn được giới bình dân gọi là “Luật cấm nhảy đầm”.

Bà Trần Lệ Xuân cũng là người khởi xướng kiểu áo dài cổ thuyền, khoét sâu mà dân chúng vẫn gọi nôm na là “Áo dài bà Nhu”. Kiểu áo này tạo ra một làn sóng thời trang áo dài hở cổ (décolleté) mà một số người phê phán vào thời đó. Tuy nhiên, kiểu áo dài này vẫn thịnh hành đến ngày nay.

Bà còn cho xây dựng tượng Hai Bà Trưng tại bến Bạch Đằng nhưng bị nhiều người cho rằng cố tình tạc tượng với khuôn mặt của Trưng Trắc giống với bà và Trưng Nhị giống với con gái của bà là Lệ Thuỷ. Tượng đài này đã bị giựt sập sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm và được thay bằng tượng Trần Hưng Đạo vào thời Đệ nhị Cộng hòa.


Tượng Hai Bà Trưng bị giật sập sau đảo chính ngày 1/11/1963

Một trong những điểm yếu của ông Ngô Đình Diệm là quá đề cao bản thân mình lẫn người cùng huyết thống, dẫn đến cách cư xử không khéo đối với thuộc cấp. Sự phi lý trong tính cách này khiến ông coi thường các tướng tá trong khi bản thân ông rất cần đến sự hậu thuẫn của quân đội. Điều mỉa mai là chính những tướng tá đó sau này là những người lật đổ ông ngày 1/11/1963.

Hơn nữa, ông là người rất nặng về thành kiến vùng, miền mà chỉ thích nâng đỡ những người miền Trung. Cũng là điều mỉa mai, chính tại Huế lại xảy ra vụ đàn áp Phật giáo khiến ông phải chấm dứt sự nghiệp chính trị dưới tay các tướng lĩnh mà ông coi là “võ biền”. Có lần ông đã nhận xét: “Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền”.

Trong cương vị của “nhà cai trị”, không ai phủ nhận đức tính liêm khiết của ông Ngô Đình Diệm được thể hiện qua quốc huy hình một khóm trúc với châm ngôn “Tiết Trực Tâm Hư”, cây trúc có dáng ngay thẳng và ruột trúc là hư không.

Khác với những bức ảnh có tính cách “tuyên truyền” chụp Tổng thống đứng bên hàng cây xanh mát có thể mới được trồng đêm trước, một phóng viên nước ngoài đã tình cờ chụp được cảnh ông Ngô Đình Diệm thoải mái nằm nghỉ trưa trên một chiếc chõng tre. Bức hình đã xuất hiện trên báo Life, năm 1956.


Giấc ngủ trưa của một “nhà cai trị”
 
Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, trong khoảng 5 năm đầu tiên, VNCH đã có một số thành tựu, xã hội ổn định với việc định cư gần 1 triệu người miền Bắc vào sinh sống trong Nam. Đa số là họ những người theo đạo Công giáo được đưa vào lập nghiệp tại những vùng đất mới được gọi là “khu trù mật”, tiền thân của “ấp chiến lược” sau này. Đó cũng là tác động của bộ máy tuyên truyền khi tung ra những tin đồn như “Chúa đã vào Nam”.

Thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều. Vì vậy, chính phủ cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa. “Đạo luật 53” cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… được ban hành vào tháng 9/1956. Ngoài ra còn có lệnh trục xuất người Hoa nếu họ không chịu nhập quốc tịch Việt Nam. Tính đến năm 1961, trong số 1.000.000 Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn 2.000 giữ Hoa tịch.

Tuy nhiên, chính phủ Ngô Đình Diệm bị xem là “độc tài, gia đình trị” và phát sinh nhiều mâu thuẫn nội bộ. Trong suốt thời gian cầm quyền, ông Ngô Đình Diệm đã phải đương đầu với hai âm mưu ám sát nhưng đều may mắn thoát chết. Lần đầu tiên do một người Cộng sản dưới lốt thành viên Cao Đài thực hiện ngày 22/2/1957 tại hội chợ tại Ban Mê Thuột, lần thứ hai do hai phi công, đảng viên Đại Việt Quốc dân đảng, thả bom vào dinh Tổng thống ngày 27/2/1962.

Quan trong hơn cả là những mối quan hệ giữa ông Ngô Đình Diệm với Hoa Kỳ đã trở nên ngày một tồi tệ khi sự bất mãn của phần lớn Phật tử ở miền Nam gia tăng. Tháng 5/1963, ở Huế, một thành phố trung tâm của đạo Phật, chính quyền đã cấm Phật tử và nhà chùa treo cờ Phật giáo trong lễ Phật đản, căn cứ trên quy định cấm treo các loại cờ tôn giáo ở nơi công cộng. Trong khi vài ngày trước đó thì người Công giáo lại được phép treo cờ trong các lễ kỷ niệm của họ.

Trong lúc Phật tử tụ tập trước đài phát thanh Huế chờ nghe bài diễn văn của Thượng tọa Thích Trí Quang đã xảy ra vụ nổ giết chết 9 thường dân. Mặc dù tỉnh trưởng bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc đối với thân nhân những người chết và đề xuất bồi thường cho gia đình nạn nhân, nhưng ông vẫn nhất quyết phủ nhận lực lượng của chính phủ đàn áp giết chết người biểu tình, đồng thời cho rằng Việt Cộng là thủ phạm.

Các tổ chức Phật giáo đã đưa ra một bản Tuyên ngôn gồm 5 điểm: (1) tự do treo cờ tôn giáo; (2) chấm dứt bắt bớ bừa bãi; (3) bồi thường cho các nạn nhân Huế; (4) các quan chức chịu trách nhiệm về vụ đàn áp phải bị xử lý và (5) bình đẳng tôn giáo. Lệnh giới nghiêm sau đó đã được chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành.

Bước ngoặt của cuộc khủng khoảng Phật giáo năm 1963 xảy ra vào tháng 6, khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn để phản đối các chính sách của chính phủ. Bức ảnh chụp lại cảnh tượng này của phóng viên Malcolm Browne đã nhanh chóng phổ biến trên khắp thế giới, và đối với nhiều người, hình ảnh này đã chứng minh cho sự thất bại của chính phủ VNCH [5].


Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963
tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Nguyễn Đình Chiểu
(Ảnh Malcolm Browne, AP)
                                                                                                         
Cuộc đấu tranh của Phật giáo khiến chính quyền VNCH do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo mất uy tín cả trong lẫn ngoài nước. Điều này buộc Tổng thống ra thông điệp kêu gọi hòa giải giữa chính phủ và Phật giáo. Tuy nhiên Phật giáo không chấp nhận hòa giải mà vẫn tiếp tục đấu tranh.

Ông Ngô Đình Diệm sử dụng lý lẽ chống cộng truyền thống của mình, buộc tội những người chống đối là cộng sản. Khi các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn tiếp tục trong suốt mùa hè năm 1963, thì Lực lượng Đặc biệt trung thành với chính phủ đã tiến hành một cuộc đột kích vào chùa Xá Lợi ở Sài Gòn. Chùa bị phá hoại, các nhà sư bị đánh đập, hài cốt hỏa táng của hòa thượng Thích Quảng Đức, bao gồm cả trái tim của ông được những phật tử coi là “linh thiêng” cũng bị lực lượng an ninh tịch thu.

Khi dân chúng đến để bảo vệ các nhà sư đã đụng độ với quân đội và cảnh sát, dẫn đến 30 thường dân thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Tổng cộng đã có 1.400 nhà sư bị bắt, khoảng 30 nhà sư bị thương trên toàn lãnh thổ VNCH. Hoa Kỳ đã cho thấy quan điểm không ủng hộ chính quyền khi đại sứ Hoa Kỳ là Henry Cabot Lodge tới thăm một ngôi chùa.

Trong thời gian này, em dâu của ông Ngô Đình Diệm là bà Trần Lệ Xuân đã đổ thêm dầu vào lửa khi chế giễu các vụ tự thiêu của các nhà sư, coi họ là “món thịt nướng” (barbecue), và tuyên bố trong chuyến đi “giải độc” tại Hoa Kỳ rằng: “Nếu các phật tử muốn có thêm thịt nướng, tôi sẽ vui mừng cung cấp xăng cho họ” (If the Buddhists want to have another barbecue, I will be glad to supply the gasoline).

Bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Ngô Đình Diệm khi đó là ông Vũ Văn Mẫu đã từ chức, cạo đầu giống như một nhà sư để phản đối. Khi ông rời Sài Gòn để tham gia một cuộc hành hương đến đất Phật tại Ấn Độ, thì bị bắt và bị quản thúc. Hàng ngàn Phật tử và sinh viên, học sinh đã bị bắt.

Nhân dịp tiếp các phái đoàn quân chính trong ngày 26/10/1963, Tổng thống Diệm, bằng một giọng buồn rầu, ông nói: “Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm, cũng còn hơn nhiều chế độ khác… Người ta chê là độc tài nhưng chỉ ngại còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Tôi tiến thì theo tôi, tôi lui thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi”.

Ngày 31/10/1963, hầm trú ẩn xây trong dinh Gia Long đã hoàn tất và cũng vào ngày này, ông Ngô Đình Nhu tiếp kiến các đại diện Uỷ ban Liên hiệp Bảo vệ Phật giáo. Cùng ngày, phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc về vụ Phật giáo miền Nam đáp máy bay ra Huế để tiếp tục cuộc điều tra. Đại sứ Cabot Lodge đã nhận được đầy đủ tin tức và thấy rằng vụ đàn áp Phật giáo phải là cái cớ để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.

Sáng 1/11/1963 nhằm ngày lễ các Thánh, công sở đều được nghỉ, Tổng thống Diệm đã tiếp người bạn “đồng minh” Hoa Kỳ cuối cùng trong đời ông. Đó là Đô đốc Harry D. Felt, Tổng Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình dương. Đô đốc Harry D.Felt chắc hẳn biết rõ những gì xảy tới, trong mấy giờ nữa sẽ kết thúc chế độ của Tổng thống Diệm mà ông ta theo lễ nghi vẫn xưng tụng như một nhà lãnh đạo “anh minh” của miền Nam.

Ngày 29/12, tướng Tôn Thất Đính, với tư cách Tư lệnh Quân đoàn III, ra lệnh cho các đơn vị thuộc Lực lượng Đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung di chuyển ra khỏi Sài Gòn. Đó cũng là một phần kế hoạch nhằm vô hiệu hoá những lực lượng trung thành với chế độ.

Tướng Đính đang được lòng tin cậy của ông Ngô Đình Nhu và theo dư luận đồn đại sau ngày đảo chính thì chính ông Nhu đã giao phó cho tướng Đính thực hiện một cuộc “đảo chính giả” với danh hiệu Bravo I và II nhằm phá vỡ kế hoạch đảo chính thực của nhóm tướng lĩnh đang liên kết với Cabot Lodge. Ông Nhu là một “nhà cai trị” đầy mưu mô nhưng không có thể học được chữ ngờ qua trường hợp của tướng Đính!

Tương kế tựu kế, tướng Đính nắm cơ hội này để quật ngược lại thế cờ, không có sự tham gia của tướng Đính, cuộc đảo chính 1/11/1963 không thể thành công. Lỗi của ông Ngô Đình Nhu, tuy là một nhà chiến thuật và chiến lược nhưng lại nhìn và tiên liệu quá xa mà không hề nghĩ đến những người gần ông, tưởng là “đáng tin cậy”. Hơn nữa, ông Nhu đã chọn nhầm một người mà chính trước đây ông Nhu cho là “khó xài” nhưng vẫn sử dụng vì cho rằng mình “cao tay ấn”.

Hồi 13 giờ 30 ngày 1/11/1963 súng bắt đầu nổ từ nhiều nơi trong đô thành… Thực ra, những âm mưu lật đổ Tổng thống Diệm đã sắp đặt từ tháng 5-1963, rồi được âm thầm tiến hành… Buổi tối ngày 28/10, qua sự sắp xếp từ trước, Trung tướng Trần Văn Đôn đã tiếp xúc bí mật với giới chức Mỹ, ông đã cố gắng thuyết phục Đại sứ Cabot Lodge chấp nhận chương trình hành động của nhóm tướng lĩnh.

Trong “Ai Giết Anh Em Ngô Đình Diệm” tác giả Quốc Đại viết: “Sáng sớm ngày 2/11/1963, sau một đêm dài không ngủ, trong lúc tiếng súng vẫn còn nổ lẻ tẻ đâu đây với nhiều đám khói tại trung tâm Sài Gòn, từ các máy thu thanh phát ra lời loan báo của phe đảo chính, đã hạ được dinh Gia Long thủ phủ cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng anh em ông Diệm đã trốn thoát.

Khoảng 10 giờ cùng ngày, Đài phát thanh Sài Gòn loan một tin vắn tắt: "Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ Lớn, và đã tự tử"? Dư luận bàn tán xôn xao, phần đông nghi ngờ: Không tin anh em ông Diệm đã chết và nhất là không tin anh em ông Diệm tự sát. Vì ai cũng biết: Tổng thống Diệm là một trong những người ngoan đạo, mà Thiên Chúa cấm tự sát. Trong khi ấy phe đảo chính không cho biết thêm tin tức nào về cái chết của Diệm, Nhu. Và báo chí không dám nói rằng anh em ông Diệm bị giết.

Ngày 6/11/1963, nhật báo New York Time in hình xác Tổng thống Diệm bị còng tay với lời chú thích "suicide with no hand" (tự sát không có tay). Có ý mỉa mai lời thông báo của phe đảo chính rằng anh em ông Diệm đã tự sát. Về sau, người ta đã có thể công khai nói rằng anh em cố Tổng thống bị giết. Nhưng ai giết? Và ai ra lệnh giết? Đó là một nghi vấn cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn phơi bày ra trước ánh sáng.

Người viết không dám làm công việc của một sử gia, mà chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc soi sáng cho một giai đoạn gay go của lịch sử, một giai đoạn đầy những biến chuyển và bí mật”.


Tổng thống Ngô Đình Diệm chết trong chiếc thiết vận xa M113

(Còn tiếp)

***
Phụ thêm của tôi:

1/ Độc Lập hay tay sai?


2/ 30 Câu nói về XHCN

3/ Tăng Thích Quảng Đức

Chú thích:

[1] Ngô Đình Nhu (1910-1963), em ruột ông Ngô Đình Diệm, là một chính trị gia đồng thời là “kiến trúc sư” của các chủ trương, chính sách dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Ông còn được đánh giá là một nhà lưu trữ xuất sắc, từng làm việc tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (từ năm 1938), từng giữ vai trò Chủ tọa Hội đồng Cứu nguy Châu bản và Cố vấn Kỹ thuật (1942-1944), Phó giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (1945), và Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc (từ sau tháng 8/1945).

Khác với hai người anh của mình là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm, vốn xuất thân Nho học và ra làm quan cho nhà Nguyễn, ông Ngô Đình Nhu lại theo Tây học. Năm 1938, ông tốt nghiệp ngành lưu trữ tài liệu cổ (archiviste paléographe) của Trường pháp điển quốc gia (École nationale des chartres) ở Paris, Pháp.


Gia đình ông Ngô Đình Diệm

[2] Ấp chiến lược: Mục đích chính là loại lực lượng du kích ra khỏi dân làng để dễ dàng tiêu diệt. Kế hoạch này đã gây khó khăn cho những người cộng sản miền Nam, nhiều cơ sở của họ bị quét sạch và có nguy cơ bị tiêu diệt.

Quan điểm của phía Việt Nam Cộng hòa về Ấp chiến lược là để tách rời quân du kích ra khỏi khối dân thường ở nông thôn nhằm hạn chế đối phương xây dựng cơ sở hoạt động và dần bị cô lập. Ấp chiến lược còn có dụng ý để dân địa phương có cách tự vệ đợi cho đến khi quân đội có thể đến giải cứu.

Ban đầu, Quốc sách Ấp chiến lược thực hiện hiệu quả, hoạt động của du kích bị ngưng trệ. Tuy nhiên, trong khi thi hành thì nhiều viên chức lấy ngân sách Ấp chiến lược rồi bắt dân phải gánh chịu khoản này như phải nộp tiền, công sức và tre để làm hàng rào cho ấp.

Trong trường hợp ở Vị Thanh thì 20.000 dân công được huy động để xây một ấp cho 6.500 người nên người bỏ ra công sức không hẳn là người được hưởng lợi. Trong khi đó việc đồng áng bị trễ nải vì dân phải xung công xây ấp. Cũng có trường hợp dân địa phương bị cưỡng bách dời vào ấp. Hệ thống Ấp chiến lược đến năm 1963 đã bị hoàn toàn sụp đổ.

[3] Trần Kim Tuyến (1925-1995) nguyên là Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị và xã hội Phủ tổng thống, thực chất là người chỉ huy hệ thống an ninh mật vụ của nền Đệ nhất Cộng hòa trong suốt giai đoạn 1956–1963.

Trần Kim Tuyến xuất thân từ một gia đình Công giáo, học ở Tiểu Chủng viện Thanh Hóa. Sau cuộc đảo chính 11/11/1960, tuy âm mưu thất bại, Trần Kim Tuyến thất sủng do bị quy trách nhiệm không dự báo trước được cuộc đảo chính. Ngày 27/2/1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc Lập. Sở Nghiên cứu chính trị một lần nữa bị quy trách nhiệm về việc không dự báo được cuộc ném bom này và người chịu trách nhiệm chính là Giám đốc Trần Kim Tuyến.

Sau đó không lâu, ông nhận được quyết định của Tổng thống Ngô Đình Diệm về việc giải thể Sở Nghiên cứu chính trị và cử ông làm Tổng lãnh sự quán Ai Cập vào đầu năm 1963. Tuy nhiên, trên đường quá cảnh tại Hongkong, Trần Kim Tuyến đã xin tị nạn chính trị và từ chức Tổng lãnh sự. Từ đó ông bắt đầu sống cuộc sống lưu vong lần thứ nhất. Sau khi đào thoát khỏi Việt Nam, Trần Kim Tuyến và gia đình sang tỵ nạn tại Anh Quốc và sống thầm lặng tại đó. Ông mất ngày 23/7/1995 tại Cambridge, Anh, thọ 70 tuổi.

[4] Trần Lệ Xuân (1924-2011) sinh tại Hà Nội, cũng có tài liệu nói sinh tại Huế. Mẹ là bà Thân Thị Nam Trân, là cháu ngoại của vua Đồng Khánh và em họ của vua Bảo Đại, cha của bà là luật sư Trần Văn Chương. Lúc nhỏ, bà học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm 1943 bà kết hôn với Ngô Đình Nhu và theo đạo chồng Công giáo.

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, Hội Đồng Quân Lực tại miền Nam cũng như Cộng sản tại miền Bắc đều đánh giá Trần Lệ Xuân là người lộng quyền. Việc Tổng thống Ngô Đình Diệm để cho bà cũng như Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và Ngô Đình Cẩn tham gia vào chính sự tạo nên hình ảnh gia đình trị độc đoán kiểu phong kiến.

Về sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, bà công khai phát biểu: “Tôi chống đối các vụ tự thiêu, nếu ai có thiếu xăng dầu thì cộng sản nằm vùng sẽ cho chứ tôi sẽ không bao giờ” và gọi vụ tự thiêu là “phản bội Phật tính” (I would against seeing another monk betray Budism believe). Ngày 1/11/1963 bà Trần Lệ Xuân và con gái đang trú ngụ tại Wilshire Hotel ở Beverly Hill, California, thì cuộc đảo chính xảy ra, chồng và anh chồng bà bị giết.

Ngày 30/10/1996, bà Trần Lệ Xuân lên tiếng xin lỗi Phật giáo và xin lỗi cố hòa thượng Thích Quảng Đức về những những lời nói của bà về các lãnh đạo Phật giáo trong quá khứ. Bà qua đời lúc 2 giờ sáng ngày 24/4/2011 tại một bệnh viện ở Roma, Ý, thọ 87 tuổi.


Bà Trần Lệ Xuân (1924-2011)

[5] Xem thêm bài viết “Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu” tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/11/malcolm-browne-bo-anh-hoa-thuong-thich.html

***
6 nhận xét:

TTM Gốc Mai07:50 23 tháng 6, 2014
Cám ơn anh! nhờ có anh mà thế hệ này được đọc một đoạn lịch sử. Năm 1963 lúc Hòa Thượng Thích Quảng Đức là năm M mới 9 tuổi, cũng theo các anh chị Huynh Trưởng xuống đường với Gia Đình Phật Tử. Nếu lịch sử lập lại thì giai đoạn lịch sử này chắc vẫn thế.

Anh Chính đã về Huế trong thời gian gần đây không? Rất muốn được đọc những ghi nhận của anh về lăng tẩm đền đài thành quách của cố đô Huế trước kia và bây giờ.

Trả lời
Trả lời

Ngoc Chinh Nguyen15:26 23 tháng 6, 2014
Trong kế hoạch viết của tôi đã có dự tính sẽ viết về Huế. Không những về đền đài, thành quách mà còn những kỷ niệm riêng tư. Vấn đề là sự sắp xếp thời gian nhưng chắc chắn sẽ có bài về Huế...

Trả lời

Nặc danh08:02 3 tháng 7, 2014
Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963 chhứ không phải 1953 như trong ảnh ghi!

Trả lời
Trả lời

Ngoc Chinh Nguyen09:20 3 tháng 7, 2014
Lỗi đánh máy, đã sửa. Thanks.

Trả lời

Nặc danh16:46 4 tháng 2, 2015
Góp ý cùng tác giả, nếu có thể được thì thêm "Muốn biết thêm chi tiết, xin vào link sau đây:
https://www.youtube.com/watch?v=hfHPeScxqZw trước khi qua "Bộ Trưởng... , học sinh đã bị bắt."

Trả lời

Son Nguyen10:13 20 tháng 12, 2018
Tôi có đường dẫn video về cuộc tự thiêu của HT Thích Quảng Đức. Không hề có cảnh HT bước ra từ xe hơi, tự tưới xăng lên người -> Không thể gọi là tự thiêu. Video đã bị xoá.

Trả lời




No comments:

Post a Comment