Sunday, February 14, 2021

 Bao giờ cho đến Tết xưa: Hoài niệm, nhớ thương và tiếc nuối

https://www.ntdvn.com/doi-song/bao-gio-cho-den-tet-xua-hoai-niem-nho-thuong-va-tiec-nuoi-141637.html

Khung cảnh Tết thời bao cấp ở Hà Nội xưa.

Bao giờ cho đến Tết xưa: Hoài niệm, nhớ thương và tiếc nuối…

Xuân Trường • 17:58, 10/02/21• 133 lượt xem  

Trong tâm thức mỗi người dân Việt, Tết không chỉ là ngày Lễ đặc biệt, mà còn thể hiện trọn vẹn bản sắc văn hóa của con rồng cháu tiên. Như một sợi dây kết nối thế hệ, Tết luôn mang tới sự khắc khoải một thời đã qua. Cái thời dẫu nghèo vật chất nhưng đủ đầy tinh thần về một nền văn hóa thuần Việt vẫn còn chưa xưa lắm. Nếu yêu Hà Nội cổ đủ lâu, bạn sẽ thấy tiếc nuối thật sự...

 

Tết là để nhớ thương và hoài niệm

Lạ thật, dù trải qua bao cái Tết nhưng mỗi khi Xuân về lại khiến lòng người nao nao một cảm giác kỳ lạ, mà phải suy ngẫm hồi lâu tôi mới nhận ra được. Đó là ẩn số chứa đựng sức mạnh tinh thần mà chỉ có trải qua thời khắc Giao thừa mới cảm thụ hết độ thấm, độ hiểu.

Cái ẩn số ấy là cái “mùi” Tết hòa tan trong không gian, bám chặt vào người và cứ lưu giữ mãi trong trí óc của những người trót nhớ thương về những mùa Tết quá khứ. Giữa tiết trời bảng lảng mưa phùn giăng khắp chốn, “nghe” đâu đâu cũng thấy cái mùi thơm kỳ lạ của khói bếp củi cháy, riết nhớ mùi thơm vời vợi của nồi lá mùi già sôi ngào ngạt, mùi vôi ve hăng hắc của nhà nào nhà nấy đang tân trang lại để đón Tết.

Nhớ xưa lũ trẻ chúng tôi vây quanh cái bếp chất toàn củi gộc, dúi vội dúi vàng củ khoai lang dưới cái kiềng ba chân, rồi suốt đêm ngồi canh lửa bập bùng nồi bánh chưng to mà hít hà mùi thơm của mật khoai giữa tiết trời đông giá. Tết xưa đơn sơ là thế nhưng thân thương, ấm cúng vô cùng. Tết nay ra siêu thị thứ gì cũng có, từ bánh chưng, khoanh giò cho đến cả giỏ hoa, chỉ thiếu mỗi hồn khí Tết.

Lũ trẻ giờ không còn “ham hố” những chiếc bánh chưng do nhà tự nấu từ gạo nếp, thịt, đỗ như thời chúng tôi nữa. Vì lẽ chưa từng được trải nghiệm 10 tiếng co ro bên bếp, gác nồi bánh chưng lửa sôi bập bùng. Trẻ thời hiện đại cuộn tròn trong chăn ấm, đọc truyện tranh hay chát chít trên “phây”.

Lũ trẻ giờ không còn “ham hố” những chiếc bánh chưng do nhà tự nấu từ gạo nếp, thịt, đỗ như thời chúng tôi nữa. (Getty)

Khi mẹ đun nồi nước lá mùi già to đùng trong bếp, lũ trẻ chúng tôi chẳng biết tính ngày Âm, nhưng cũng biết rằng đích thực Tết sắp đến. Lớn lên chút nữa, tôi hiểu thêm được rằng, tắm nước lá mùi già vào ngày Tất niên là một trong những nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội cổ, của người Việt xưa. Theo truyền thống tâm linh thì tắm nước lá mùi vào ngày cuối năm để xua tan những xui xẻo, loại bỏ tà khí. Theo Đông y thì hạt mùi là một vị thuốc quý, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải cảm, tiêu độc…

Giờ đâu còn phải lích kích nhóm bếp đun nồi nước to để tắm, đã có bình nóng lạnh, vòi hoa sen thay thế. Người ta giờ chẳng cần tới “vị” thơm từ cây mùi già trổ hoa li ti nữa, mà đã có vô vàn các loại dầu tắm nhập khẩu đủ mùi, nào oải hương, huệ, cúc, tùng, hồng… Nhưng có mùi hương nào có thể thay thế được mùi lá mùi già thơm của các bà mẹ Việt khi xưa.

 

Nhớ một nền văn hóa xem trọng chữ nghĩa

Điều kỳ diệu là Tết thường tạo ra một sự kết nối với không gian cổ truyền, và nhắc nhớ tôi những tục lệ còn chưa xưa lắm. Đó là tục xin chữ thầy đồ đã trở thành một truyền thống văn hóa của người dân Kinh Kỳ, thể hiện nền văn hóa xem trọng chữ nghĩa, tri thức của các bậc Thánh hiền thuở xưa...

Cứ sau ngày cúng ông Công ông Táo, cha dắt tay tôi đi xin chữ về treo, và hình ảnh ông đồ khăn đóng áo dài thâm chải chiếu cặm cụi mài mực trên vỉa hè “tặng chữ” đã in đậm trong tâm khảm chúng tôi mỗi khi Tết đến.

“Tâm”, “Thiện”, “Nhẫn”, “Phúc”, “Đức”... là những chữ mà thời ấy người Việt hay “xin” - được xuất ra từ ngọn bút lông dưới bàn tay nhăn khô gầy guộc của ông đồ - bỗng trở nên mềm mại như rồng bay phượng múa. Mỗi chữ đều thể hiện tâm hồn cốt cách của người viết, cũng như người xin chữ phải am hiểu, tinh tế và hoài cổ mới thấy được vẻ đẹp bề sâu văn hóa đằng sau mỗi con chữ ấy.

Người xin chữ không chỉ lặng im thưởng ngoạn nét bút tài hoa, mà còn muốn xin cả cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. (Getty)

Người xin chữ không chỉ lặng im thưởng ngoạn nét bút tài hoa, mà còn muốn xin cả cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Vì vậy chữ xin về được cha treo tại nơi trang trọng nhất trong nhà.

Tết nay vẫn còn đó tục xin chữ, nhưng hình ảnh ông đồ già khăn đóng áo thâm gầy gò quắc thước, râu tóc bạc phơ đã trở nên hiếm hoi giữa những thầy đồ thời hiện đại phốp pháp và cả những anh đồ trẻ măng mới ngoài 20.

Và cũng để phù hợp với thời buổi hiện đại, ngoài chữ Nôm, chữ Hán Nôm như thuở xưa, các thầy đồ còn viết thêm cả chữ Quốc ngữ. Và cũng phù hợp với nhu cầu cầu tiền tài, lộc lá, sức khỏe, tình duyên, thọ mạng... của khách hàng, những chữ Lộc, Tài, Phúc, Thđã trở nên thịnh hành hơn Tâm, Thiện, Nhẫn, Đức thuở xưa.

Giờ một số người trẻ đi “mua chữ” chẳng còn để tâm xem thầy đồ viết chữ nữa vì còn bận mải “seo phì”. Cũng ít người trẻ thời nay hiểu được hàm ý sâu xa trong mỗi chữ, nên chủ yếu họ mua các chữ quốc ngữ. Một bộ phận người đến “mua chữ” cũng không hẳn là chuộng chữ nghĩa, mà đa phần là theo trào lưu, nên đôi khi chữ mua về không phải để treo mà là xếp xó.

Ngoài xin chữ, người Việt còn có tục Khai bút vào sáng mùng Một. Những người thường hay viết lách như các cụ đồ, các văn nhân, thi nhân thường lấy giấy mực ra làm thơ, viết văn, ngâm vịnh... Theo tập tục ấy, sáng sớm mùng Một, cha tôi khuyến khích các con mang sách vở ra ghi ghi chép chép để lấy “hên” một năm mới chăm chỉ, có thành quả trong học tập.

Ngoài xin chữ, người Việt còn có tục Khai bút vào sáng mùng Một. (Pixabay)

Người xưa cho hay, những việc gì làm vào ngày đầu năm mới, xảy ra với mình vào ngày đầu năm mới, đều có thể ảnh hưởng trong suốt cả năm. Do vậy Tết cũng là dịp để mỗi người sẽ khởi sự một vài thói quen tốt, với mong muốn cả năm sẽ duy trì thói quen đó.

Nên Tết là dịp để cha con tôi dành thời gian đọc những cuốn sách hay. Sách thời ấy như một món ăn tinh thần không thể thiếu, dù vật chất có nghèo nàn thiếu thốn đến đâu. Một cuốn sách giấy nâu xù xì được chuyền tay nhau đọc, rồi gặp nhau chúc Tết bình luận tâm đắc những đoạn văn hay, chiêm nghiệm triết lý sống của người xưa trong đó… Đọc sách vào những ngày Tết thuở ấy cũng tao nhã như người ta đi xem ông đồ viết chữ Nho vậy.

Giờ tục khai bút hay đọc sách cũng không còn mấy người thời nay mặn mà nữa, vì vốn dĩ có quá nhiều các loại hình giải trí lôi cuốn như facebook, tivi, smartphone, game show, phim ảnh… Thời công nghệ số đã lấn át hẳn thói quen đọc sách một thời “hiếu học” của cha ông xưa, ít bận tâm đọc những cuốn sách hay, hàm chứa vô vàn những kiến thức quý báu, triết lý sâu xa, có thể thay đổi nhân sinh quan, cuộc đời của mỗi người bởi những tác động tích cực khó có gì có thể thay thế.

 

Sự kiểm nghiệm khắt khe của thời gian

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng làm cơm dâng lễ Tổ Tiên. Mâm cơm làm xong dâng lên Tổ tiên, tàn cây nhang mới hạ xuống, thể hiện sự hiếu kính với các bậc sinh thành, cũng là tỏ lòng tri ân đối với hạt gạo, đất đai, thời tiết…

Bữa cơm bao giờ cũng đầy đủ thành viên trong gia đình, phải ngồi theo thứ tự, bề bậc. Khi vào mâm, nếu ăn trên phản, mọi người đều phải ngồi xếp bằng. Nếu ngồi bàn ăn cũng phải ngồi ngay ngắn mời chào trước khi ăn. Cha mẹ thường nhắc nhở con cái phải ý tứ từ cách cầm bát đũa, thìa, gắp thức ăn phải gắp gọn gàng, ăn đúng phần mình, có thức ăn ngon thì trẻ nhỏ gắp mời ông bà, cha, mẹ trước rồi mới đến lượt mình…Ăn uống thì phải từ tốn, nói năng nhỏ nhẹ và thường không nhắc đến đồ thô, vật tục…

Những phẩm chất trong văn hóa ăn uống ấy đều là do sự giáo dục nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân từ của người Việt xưa, đã được dưỡng thành, gìn giữ từ đời này qua đời khác và trải qua sự kiểm nghiệm khắt khe của thời gian.

Thời nay, bữa cơm Tết ngày càng “tinh gọn”, dịch vụ thuận tiện theo “phái” hiện đại hóa đã làm văn hóa ăn uống của người Việt thay đổi khá nhiều. Nhiều người coi ăn uống là sự tranh thủ, vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại nên những cuộc trò chuyện giữa các thành viên gia đình ngày một xa xỉ ngay cả trong những ngày Tết.

Không khí bữa ăn trở nên im ắng hơn, nhạt nhẽo hơn. Các loại âm thanh như tiếng ợ ngáp, tiếng húp canh sùm sụp, tiếng nhai nhóp nhép và cả tiếng vét bát quèn quẹt càng nổi rõ hơn… Tục mời cơm là nét đẹp văn hóa xưa cũng dần bị lãng quên.  Nét ăn uống thanh lịch, chậm rãi, ý tứ của người xưa chưa hẳn là không phù hợp với cuộc sống hiện đại, mà là do cuộc sống hiện đại đã không còn giữ được sự thuần chính như xưa nữa.

 

Tục lì xì giờ có thêm nhiều “tầng” ý nghĩa mới

Theo phong tục cứ vào ngày mồng Một Tết khi cả nhà sum họp là dịp để con cháu "chúc thọ" ông bà, các bậc cao niên và ngược lại, người lớn thường bỏ tiền lẻ vào trong một bao giấy đỏ (gọi là lì xì) với lời chúc trẻ hay ăn chóng lớn. 

Tập tục lì xì có nguồn gốc từ Trung Quốc, khi người già thường buộc những đồng xu nhỏ lại với nhau bằng một sợi chỉ đỏ. Chúng được coi là xâu tiền may mắn giúp xua đi tà khí và bảo vệ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ khỏi bệnh tật. Với ý nghĩa tốt đẹp đó, tục tặng tiền mừng tuổi cho người già, trẻ nhỏ trong ngày đầu xuân năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt.

Người lớn thường bỏ tiền lẻ vào trong một bao giấy đỏ (gọi là lì xì) với lời chúc trẻ hay ăn chóng lớn. (Wikimedia Commons)

Khoảng hai ba chục năm trước thôi, lũ trẻ chúng tôi còn háo hức đưa hai tay đón nhận cái bao giấy đỏ nhỏ xinh. Những phong bao lì xì với số tiền lẻ chỉ đủ mua vài cái nhãn vở hay cái bút chì nhưng sao mang lại niềm vui lớn đến vậy. Thật ra, niềm vui ấy của thế hệ thời ấy là được nghe những lời cầu chúc bao hàm đạo lý, lễ nghĩa từ ông bà, cha mẹ.

Nhưng lì xì giờ đã có thêm nhiều “tầng” ý nghĩa mới, trở thành dịp để người lớn quà cáp hối lộ, nịnh nọt, trả nợ cho nhau hay tạo dựng các mối quan hệ. Lì xì thời nay nặng giá trị vật chất, nhẹ giá trị tinh thần, không còn mang nhiều ý nghĩa như lấy may, hay thể hiện tấm lòng chân thành cầu chúc người già khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi, trẻ con thì ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn.

“Mừng nhiều thì tốn, mừng ít thì sợ khinh” là tâm lý chung của chúng ta thời nay. Ngay cả trẻ con giờ cũng không còn cảm giác hào hứng nhận lì xì như thế hệ trước, chúng tỏ ra thất vọng với lì xì có mệnh giá tiền nhỏ, reo hò ầm ĩ với những lì xì có mệnh giá tiền to. Đây cũng là thực trạng phản ánh thời đại trọng vật chất hơn tinh thần.

 

Đi lễ chùa là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật

Trong văn hóa cổ truyền, cứ vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, khi đất trời linh thiêng, khí âm dương hội tụ, người Việt thường đến đình chùa thành kính ghi nhớ đức từ bi, trí tuệ Thần Phật. Vì vậy người xưa đi lễ chùa không phải để cầu được điều này điều kia, mà là để thể hiện lòng kính ngưỡng đối với Thần Phật và khởi phát tâm thiện ở mỗi người.

Chùa chiền vốn là nơi linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục nên người xưa khi vào chùa, ngay cả vào những ngày Giao thừa đông đúc, họ luôn đi nhẹ nói khẽ, thầm khấn trong tâm và đắm mình vào không gian tĩnh mịch ấy.

Trong văn hóa cổ truyền, cứ vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, khi đất trời linh thiêng, khí âm dương hội tụ, người Việt thường đến đình chùa thành kính ghi nhớ đức từ bi, trí tuệ Thần Phật. (Getty)

Chùa chiền thời nay vào những ngày đầu xuân ồn ã không khác gì chợ chiều xô bồ, hàng dòng người chen lấn xô đẩy để tiến sát hơn tới ban Tam Bảo, như thể được gần tượng Phật hơn thì những lời khấn vái mới được Thần nghe thấy. Giờ cũng có cả dịch vụ khấn thuê, với đủ loại văn khấn cho người kinh doanh buôn bán, người đến cầu tự xin con, cầu tình duyên, sức khỏe, cầu mua được nhà, bán được xe, thu được nợ…, cho đến cả những phi vụ làm ăn bất chính, hạ bệ đối thủ cũng được người ta “thẳng thắn” cầu xin Phật.

Người xưa tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện hướng thiện, mà còn để tâm buông bỏ tham sân si. Họ hiểu rằng vật chất ở cõi người là điều Phật xem nhẹ nhất, và Phật chỉ nhìn vào tâm thiện đức của mỗi người. Cho nên người xưa đi lễ chùa, họ dâng hoa cúng Phật là để hồi tưởng lại đời sống cao thượng, phẩm hạnh vi diệu của Đức Phật, cố gắng noi theo lời Phật dạy. Đồ cúng lễ dâng Thần Phật chỉ là những bông hoa nhỏ gói ghém trong lá chuối, là mấy phong oản nếp oản xôi đơn sơ, mộc mạc.

Nhưng người thời nay có vẻ như cứ lấy tư tưởng sùng bái vật chất kim tiền của mình mà “áp” cho nhà Phật, nghĩ rằng lễ càng to càng đắt tiền mới là thể hiện tấm lòng thành kính trước Phật. Họ biến thế giới tâm linh trở nên phàm tục và dường như tư duy mua bán, hối lộ cũng được áp dụng ngay cả ở chốn linh thiêng. Lễ lạt bây giờ ngoài hoa trái bánh kẹo, còn thêm rượu bia, thuốc lá, kèm cả gà vịt, chân giò, thủ lợn - vốn là đồ mặn sát sinh, đồ kích thích thuộc giới cấm trong nhà Phật, không đúng với đạo lý “yên lạc và chay tịnh”. 

Đền chùa giờ ngập ngụa khói hương, vàng mã, người thì dâng lễ khuếch trương thân thế, người thì xì xụp khấn vái cầu may, cầu tài cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức…, rải ném tiền thật, tiền âm phủ khắp ban trên ban dưới. Tham đắm vật chất tiền bạc vốn là điều mà Thần Phật khuyên răn phải từ bỏ, vậy mà con người vô tri đem cả tiền thật, tiền giả vô nhà chùa. Thần Phật là những đấng giác ngộ, liệu có thể động lòng trước tiền bạc, lễ lạt của con người để rồi ban phát tài lộc lại cho con người?

Đền chùa giờ ngập ngụa khói hương, vàng mã, người thì dâng lễ khuếch trương thân thế, người thì xì xụp khấn vái cầu may, cầu tài cầu lộc, rải ném tiền thật, tiền âm phủ khắp ban trên ban dưới. (Getty)

Người xưa có câu "Y phục xứng kỳ đức", nghĩa là cách ăn mặc phải phù hợp với đạo đức, văn hóa, hoàn cảnh, địa vị của con người. Ngày xưa, ông bà ta khăn xếp áo the gọn gàng lên chùa, cũng không cần phải lụa là gấm vóc mà tùy theo hoàn cảnh lựa chọn trang phục thích hợp, nhưng đều phải chỉnh tề, sạch sẽ. Ấy cũng là thể hiện sự tôn nghiêm nơi chốn chùa chiền. Vài chục năm về trước, cách ăn mặc cũng có nhiều thay đổi, thế hệ cha chú cô bác không còn đóng áo the, khăn xếp nhưng hầu hết ăn mặc vẫn tươm tất, lịch sự trong bộ vest tây trang trọng, trong bộ áo dài truyền thống thướt tha kín đáo.

Ngày nay, một bộ phận khá đông giới trẻ đi chùa theo kiểu “phong trào”, họ coi nhà chùa như sàn diễn thời trang, gây ra các cảnh dở khóc dở cười. Tình trạng ăn mặc phản cảm tại nơi tôn nghiêm diễn ra nhiều đến nỗi, một số ngôi chùa còn phải cắm biển cấm không được mặc váy ngắn, quần ngắn… nhưng vẫn bị phớt lờ.

Người xưa nói “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn tội ác thì tà dâm là tội đứng đầu. Thích ăn mặc hở hang để quyến rũ nhãn quang của người khác phái,  kích động họ khởi lên dâm niệm thì quả báo do ác nghiệp này tạo ra quả là đáng sợ! Điều đáng buồn là nhiều cô gái chàng trai đi chùa không hiểu biết điều này, hoặc có lẽ cố tình không hiểu, âu cũng là biểu hiện cho sự suy thoái đạo đức đáng báo động của một bộ phận thế hệ trẻ người Việt ngày nay.

Xuân Trường

Xem thêm:

Mẹ là Tết của đời con:

https://www.ntdvn.com/van-hoa/me-la-tet-cua-doi-con-6585.html

Cách chơi câu đối Tết truyền thống

https://www.ntdvn.com/van-hoa/cach-choi-cau-doi-tet-truyen-thong-7974.html

Chợ Tết Sài Gòn những năm 90 thế kỷ trước

https://www.ntdvn.com/van-hoa/cho-tet-sai-gon-nhung-nam-90-the-ky-truoc-131763.html

Truyền thống văn hóa kính Thần kính Trời và tập tục Tết Nguyên đán phương Đông

https://www.ntdvn.com/van-hoa/truyen-thong-van-hoa-kinh-than-kinh-troi-va-tap-tuc-tet-nguyen-dan-phuong-dong-139813.html

Những món ăn nhiều người Việt ưa thích gần ngày Tết nhưng lại chứa 'cả ổ' giun sán

https://www.ntdvn.com/suc-khoe/nhung-mon-an-nhieu-nguoi-viet-ua-thich-gan-ngay-tet-nhung-lai-chua-ca-o-giun-san-141393.html

Ph Lc:

Xuân Tha Hương (Phạm Đình Chương) Sĩ Phú - VCH

https://www.youtube.com/watch?v=w88BC9o3zWg

No comments:

Post a Comment