Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa (1/2)
Bốn tháng trên đảo Hoàng Sa
Hồi ký của Hoa
Nghiêm/
Thursday, September 21, 2017
Tạp chí Thời Nay (1972)
Chủ blog: luật sư Trần Hồng Phong. Liên hệ: ecolaw3@gmail.com
BLA: (Sách) -
Hồi ký hấp dẫn dưới đây nói về một cuộc trú đóng luân phiên 4 tháng, canh giữ bảo
vệ đảo Hoàng Sa, của một đại đội thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hoà (Miền Nam trước
năm 1975), khoảng đầu những năm 1960. Một
câu chuyện chân thật, thú vị, giúp chúng ta hình dung được trên đảo Hoàng Sa từng
có những loài sinh vật nào, những ai ở trên đó? một ngôi đền thiêng với pho tượng
phật bằng đồng đen, nỗi hoảng sợ khi rất nhiều người đổ bệnh, sự xuất hiện đến
khó tin của một vị khách người Nhật trên chiếc ghe nhỏ bé và liều "thuốc
quý" của ông ...vv. Và trên hết, là sự bình thường giản dị, nhưng trong
sáng, hy sinh và cao cả biết bao - trong trọng trách gìn giữ lãnh thổ thiêng
liêng của những người lính Miền Nam ngày trước. Đây là một trong số khá hiếm những
bài viết về đảo Hoàng Sa từng xuất bản. Tôi tin rằng những người từ 50 tuổi sẽ
thích bài viết này. Và sẽ thật đặc biệt, biết đâu đấy, nếu tình cờ chú bác nào
đọc bài viết này lại chính là một thành viên trong đại đội giữ đảo năm ấy.
<< (ảnh chụp bài viết
trên bán nguyệt san Thời Nay số 284 (1972))
Hồi ký "Bốn tháng trên
đảo Hoàng Sa" được đăng trên bán nguyệt san Thời Nay số 284, xuất bản ở Miền
Nam năm 1972. Tôi có duyên mua được số báo này tại một nhà sách cũ ở Sài Gòn gần
đây. Thời Nay nguyên là một tạp chí tư nhân nổi tiếng, chuyên viết về văn hoá -
lịch sử, thành lập từ năm 1959 ở Sài Gòn, chủ bút là ông Nguyễn Văn Thái.
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc
đã bất ngờ đổ quân đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Hải chiến Hoàng Sa). Mặc
dù những người lính phía Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng chiến đấu hy sinh, nhưng
do yếu thế hơn về tương quan lực lượng, nên chúng ta đã mất Hoàng Sa từ ngày ấy.
Cũng từ ấy đã không còn dấu chân người Việt đi tuần tra trên đảo Hoàng Sa như
trong hồi ký này nữa. Gần 50 năm đã trôi qua, ngày nay bọn Trung Quốc đã xây dựng
sân bay, bến tàu và thành lập "thành phố" ở đảo Hoàng Sa và đang dã tâm thực hiện tham vọng bành trướng
chiếm gần trọn biển Đông, bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Liệu
chúng ta có quyền hy vọng một ngày nào đó con cháu đời sau sẽ lấy lại được
Hoàng Sa về với đất mẹ?
...............
Một quân nhân ghi lại những
ngày nhọc nhằn lẫn thích thú khi theo gót Lỗ Bình Sơn sống một thời gian trên
hòn đảo hoang vắng "tạo thời cuộc". Thời Nay đăng thiên hồi ký hấp dẫn
này thành hai kỳ hiến bạn đọc. (Ghi chú: Lỗ Bình Sơn là nhân vật văn học Robison Crusoe)
Đại đội chúng tôi còn năm
hôm nữa sẽ xuống tàu ra đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Đơn vị chúng tôi là đại đội tiếp
lực đóng tại Vĩnh Điện thuộc Tiểu đoàn X. Sau những năm dài vào sinh ra tử chiến
đấu cam go, nay có dịp xả hơi nên tuy phải đổi ra một đảo hoang vắng mọi người
đều có vẻ thoải mái. Ngay từ khi mới nhận được lệnh, chúng tôi liền giở thư báo
tin cho người nhà biết và mua sắm các loại vật dụng cùng thực phẩm cần thiết.
Biết rằng Hoàng Sa là một quần
đảo hoang vu không có dân cư, để chuẩn bị thức ăn tươi, ngoài số quân nhu vật
thực do đơn vị đảm trách, các trung đội họp nhau vạch kết hoạch chung tiền mua
hạt giống rau củ, đậu cà, mua gà con, heo giống đem theo nuôi, người ta còn mua
cả lưỡi câu, lưới, chỉ, ny lông để bắt cá. Riêng cá nhân mỗi người đều sắm sửa
mang theo nào tiêu, ớt, hành, tỏi, dầu, đường, bột mì. Người thì mang theo thuốc
lá, cà phê hộp, sữa, sách, truyện, có người mang theo cả chó con, mèo và cả
chim sáo nữa. Chúng tôi chuẩn bị sống cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết Lỗ Bình
Sơn trên hoang đảo.
Vào lúc 5 giờ chiều, con tàu
chở đại đội chúng tôi rời bến Đà Nẵng rẽ sóng về hướng đông. Chúng tôi vui nhộn
khi xuống tàu nhưng độ vài giờ sau một phần lớn anh em không quen sóng đã nằm dã
dượi khắp sàn tàu. Anh hạ sỹ Duệ đã tiên liệu sẵn cho mấy hộp thuốc trừ mửa
nautamine nhưng không đủ để phân phát cho tất cả mọi người, chỉ biếu cho trường
hợp các bạn say sóng quá nặng. Chiều hôm đó không ai dám ăn cơm no, có nhiều
người đành chịu nhịn đói. Hai ngày ảm đạm chỉ thấy trời nước mênh mông chậm chạp
trôi qua. Đến sáng ngày thứ ba thì tàu cập bến trước sự vui mừng chờ đợi của
anh em binh sỹ đại đội trú đóng lâu nay trên đảo đang mong đợi ngày trở về quê
nhà ...
Hoàng Sa là một hòn đảo của
biển Nam Hải, giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng ở Thái Bình Dương, nằm về
phía đông nam của đảo Hải Nam được người Pháp trú đóng năm 1938. Sau đó thì bị
quân đội Nhật chiếm cứ và sau này vào năm 1947 thì Trung Hoa cũng muốn dành, lạm
nhận là thuộc hải phận đảo Hải Nam.
Đảo Hoàng Sa nơi chúng tôi
trú đóng hình hơi thuân thuẫn dài khoảng 2 cây số và rộng độ 1 cây số. Lên đảo
chúng tôi đi qua một đoạn đường cát vàng rộng chừng 20m, kế đến là một loại rừng
thưa mọc toàn một loại cây lá to bằng bàn tay màu xanh lá chuối non mà tôi chưa
hề gặp trong đất liền. Thân cây cứng và cao độ vài thước, lá mềm, người ta gọi
là cây Trăng. Trong rừng thưa có đường sá ngang dọc lát đá hẳn hoi, dẫn đến
trung tâm của đảo là nơi quy tụ những nhà cửa bằng gạch làm nơi đồn trú cho những
đơn vị quân sự.
Nhà cửa ở đây đều xây bằng gạch,
lợp ngói, khá đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp, có nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng nuôi
heo, nuôi gà, có bể đựng nước, có giếng, có chuồng ủ phân trồng cây ... Người
ta bảo rằng các cơ sở này do Pháp xây cất ngày trước để dự bị trong kỳ Thế chiến
II không cho người nước khác chiếm, đặc biệt là người Nhật. Cách không xa nơi
quân đội đóng là đài thiên văn do một nhóm 5 chuyên viên phụ trách với rất nhiều
máy móc phức tạp để hằng ngày đo gió, đo nước mưa, tiên đoán thời tiết ... Đây
cũng là tổng đài vô tuyến điện mà đơn vị chúng tôi phải nhờ mỗi khi muốn liên lạc
với đất liền.
Vắng thú rừng
Nhiệm vụ của đơn vị chúng
tôi là cố thủ bảo vệ đảo này và kiểm soát mọi tàu bè ghe buồm đi vào hải phận
thuộc đảo. Chung quanh đảo là một dải cát viền quanh, rải rác có tám toà pháo
đài kiên cố xây mặt ra biển. Tuy vậy ban đêm chúng tôi không canh gác ở pháo
đài mà chỉ thay phiên nhau chia từng tiểu đội đi tuần tra dọc bờ biển bao quanh
đảo.
Ban ngày sau khi tập thể thao
buổi sáng sớm, ngoài ban hoả đầu quân lo việc cơm nước cho đơn vị, chúng tôi
phân công chia nhau toán thì tập dượt văn nghệ để thỉnh thoảng ban đêm trình diễn
giải trí cho anh em, toán thì đi câu cá, câu mực, đi bắt cua, còng, sò, toán
thì cuốc xới đất đai để trồng trọt các loại rau ớt, hành, ngò, toán thì phục
trách chăn nuôi heo gà, toán thì đi kiếm củi, múc nước đem về nấu nướng ...
Thảo mộc trên đảo đa số chỉ
ròng rặc một loại cây Trăng lá to bằng bàn tay màu lá chuối non. Sai với điều
tôi lầm tưởng là ở đảo có lẽ có nhiều dừa lắm nhưng ở đây chẳng thấy bóng dáng
một cây nào cả. Gần các cơ sở xây cất có một cây vông nem khá lớn trổ hoa đỏ
hoét là thứ hoa duy nhất mà chúng tôi gặp suốt bốn tháng trời trú ngụ trên đảo.
Rải rác gần đài thiên văn có năm bảy cây dương liễu là thứ cây quen thuộc khi
còn ở quê nhà. Cây vông và các cây dương liễu kia theo người ta nói là do người
Pháp đã trồng trước đây. Để ý quan sát các loại rau cỏ dại tôi nhận thấy có loại
ra muống biển mọc gần bờ biển, còn rải rác trên đảo thì có loại rau sam, rau dền,
rau trai. Có thì có cỏ chỉ, cỏ cú, cỏ may ...
Trên đảo vắng thú rừng, chỉ
có vài con heo hoang nghe đâu hồi trước được nuôi nhưng đã xổng chuồng chạy vào
rừng luôn. Trên bờ bể thì có loại còng như ở đất liền. Đặc biệt ở đảo này có loại
cua vỏ màu xanh lục sanh sản rất nhiều, nuôi sống bằng lá cây Trăng thổ sản
trên đảo. Thứ cua này bò chậm chạp dễ bắt nhưng lại leo cây rất giỏi và chúng
thường làm ổ trong các bọng cây hoặc đào hang ở dưới gốc cây. Cua này quá nhiều
ở khắp rừng trên đảo chứ không thấy xuống nước. Ban đầu chúng tôi còn bắt nấu cả
con để ăn nhưng nhiều người chê bụng cua hôi mùi lá cây nên về sau chỉ bắt bẻ lấy
hai càng cho nhiều thịt, còn cua thì thả đi. Không rõ về sau chúng có mọc càng
khác hay không hoặc sống chết thế nào.
Ban đêm thì có những con
vích to bằng mặt bàn từ dưới biển bò lên ven rừng thưa cạnh bờ cát để đào cát đẻ
trứng. Vích là một loại rùa biển vỏ màu xám mà mềm hơn mu rùa đất, cũng chia
làm mười ba mảnh, rất khoẻ mạnh, một người cưỡi trên lưng vẫn chạy như không.
Thường đêm chúng từ biển sâu lên bờ đến ven rừng bới cát đẻ trứng. Chúng đẻ
xong lấp cát lại như cũ, mỗi ổ có thể sắp đến một thùng rưỡi dầu hoả trứng. Trứng
to hơn trứng gà nhưng vỏ mềm, luộc chín thì lòng đỏ đông cứng lại, còn lòng trắng
thì cứ bầy nhầy chứ không rắn lại như trứng gà. Vích ban ngày lặn xuống biển
sâu, ban đêm mới lên bờ đẻ. Chúng tôi thường rình bắt trong lúc chúng đang nằm
đẻ bằng cách thình lình đến lật ngửa chúng ra và hè nhau khiêng về hạ thịt.
Đêm đầu tiên ra đảo chúng
tôi bị một phen hoảng vía vì đang đêm bỗng được toán tuần tiễu báo cáo có nghe
tiếng đào cát và tiếng thở hổn hển. Đơn vị tôi liền được cấp chỉ huy một mặt
cho bắn bích kích pháo ngăn chặn quanh đảo, một mặt dùng vũ khí cá nhân bắn tưới
hột sen vào các vị trí nghi ngờ. Nghe tiếng súng dữ dội, các nhân viên thiên
văn đài chạy sang hỏi và sau khi được nghe kể lại như trên, các bạn ấy nói rằng
đấy có thể là tiếng vích bới cát để đẻ trứng vì họ ở đây đã lâu nên đã nhiều lần
nghe như vậy và đã có nhiều đơn vị trước đây cũng đã lầm như chúng tôi. Trung
uý đại đội trưởng ra lệnh ngưng bắn, cho đi quan sát lại và quả nhiên tìm thấy
có bảy tám con vích đang đào cát đẻ trứng. Từ đấy ban đêm chúng tôi chia nhau
đi bắt vích, tính suốt thời gian trú đóng trên đảo bắt có đến bảy tám chục con.
Chung quanh bờ bể dưới nước
không phải là bãi cát lài mà là một vòng đai san hô rộng khoảng 500 mét trên mặt
sóng đánh phẳng lì. San hô mọc không đều nên khi nước thuỷ triều hạ xuống, có
những vũng nước lớn như những cái đìa cạm bẫy chứa nào cá, mực, tôm, chình chưa
kịp rút lui bị mắc kẹt. Chúng tôi chỉ việc lấy vợt xúc hoặc lấy dùi sắt đâm, đập
đem về nấu nướng không phải dùng đến lưới bủa gì cả. Hải sản ở đây gồm đủ loại
cá trên đất liền như các trích, cá ngừ, cá thu, cá chuồn, cá sòng, mục nang, mực
ống, bạch tuộc ...vv, tôm, hải săm, sao biển, sứa cũng không thiếu gì. Hơi xa bờ
biển một chút thì có cá heo, cá bò, cá mập. Một lần chúng tôi chèo ghe ra xa
suýt bị đắm vì bầy cá heo bơi lượn chung quanh để đùa với chúng tôi.
Nhưng hải sản làm cho chúng
tôi lưu tâm hơn cả là những con sò khổng lổ gồm hai mảnh vỏ to như hai chiếc
nón lá Huế úp lại cũng rải rác nằm trong vòng đai san hô quanh đảo, vô phước ai
dẫm chân lọt vào mồm nó mà nó ngậm lại thì nhất định là đứt nghiến cả ống chân.
Ban đầu chúng tôi bắt loài sò này về nấu nướng cả con làm nhiều món ăn rất
thích thú. Nhưng về sau nhiều quá ăn chán chúng tôi không ăn thịt cả con nữa mà
chỉ bắt khiêng về dùng dao bén xẻo lấy hai sợi gân khổng lồ khép mở miệng sò to
bằng bắp tay thái mỏng thành tấm theo kiểu máy gọt gỗ bút chì phơi khô để dành
đem về biếu bạn bè nhắm rượu.
Ngôi đền thiêng
Nói đến những con sò khổng lồ
này tôi không khỏi nhớ đến cái chết của anh Tế, một bạn đồng đội hiền lành mà đến
nay vẫn còn là một nghi vấn trong đầu óc mọi người.
Nguyên gần bến tàu trên đảo
có một cái đền tục danh gọi là Đền Đức Bà. Bến tàu nầy xây ở phía nam của đảo
Hoàng Sa để tránh gió Bắc những khi biển động. Đền là một toà nhà xây rất kiên
cố, lợp ngói, nhìn kiến trúc bên ngoài khi mới đến chúng tôi không ngờ đấy là một
ngôi đền. Cạnh đền có một bảng lớn bằng mặt bàn một bên khắc chữ nho, một bên khắc chữ Pháp ghi sự tích người đầu
tiên khám phá ra đảo nầy. Trong đền, trên bệ thờ là một bức tượng đồng đen đúc
và trạm trổ một nữ thần đầu đội mũ giống như nơi tượng đài Địa Tạng Bồ Tát, một
tay cầm một vật giống như gậy tích trượng, một tay để trên đùi. Người ta không
biết gốc tích pho tượng này ở đâu chỉ nghe rằng người Pháp trước đây đã nhiều lần
dự định chuyên chở đi nơi khác nhưng không thành công vì không xê dịch nổi hoặc
khi thì xảy ra tai nạn ghe tàu, khi thì người chủ trương bị chết thảm ...
Trước những hiện tượng siêu
nhiên, cuối cùng người Pháp cũng đành nhượng bộ lập đền thờ pho tượng này ở
cách bến tàu không xa. Các đơn vị lúc đến đồn trú hay trước khi rời đảo ra đi đều
có làm heo gà tế lễ rất trọng thể xem như vị thần bảo hộ cho đảo. Rằm, mồng một
hàng tháng các đơn vị đều có cắt người hương khói trang nghiêm.
Người ta nói rằng trước đây
ngay cả người Pháp cũng thường thắp hương cúng thần tượng trong đền này khi đến
cũng như lúc ra đi. Dưới bờ biển, ngay trước đền có một đầm nước khá sâu giữa
đám san hô, trong đầm này mỗi khi nước rút người ta thường thấy rất nhiều tôm
cá, đặc biệt là có một cặp mực nang dài hơn một thước và thật nhiều con sò khổng
lồ to lớn hơn những nơi khác rất xa nhưng không ai dám bắt vì e ngại khi nghe
người ta bàn tán với nhau rằng đó là cặp ngựa của ngài và những con sò linh
thiêng chầu hầu Đức Bà.
Trong trung đội tôi có anh Tế
có tiếng là bạo gan, một hôm rắn mắt xuống bắt mấy con sò thật to đưa về cắt
gân đem phơi. Từ đó anh đau èo ọp và đâu độ 20 hôm sau thì anh ta chết, ngày
nay mộ anh vẫn còn cô quạnh trên đảo vắng.
Người ta bàn tán với nhau là
anh bị Đức Bà phạt, nhưng thực ra trong lúc anh đau thì trong đại đội tôi đã có
đến mười người dần dần lâm bệnh có triệu chứng như anh, uống thuốc đem theo thứ
gì cũng thấy không thuyên giảm. Chúng tôi từ độ ấy sáng nào cũng chăm tập thể
thao, nhiều bạn lại rất siêng năng hương khói Đền Đức Bà và cũng từ đấy chúng
tôi sống trong phập phồng lo ngại ...
Ba tháng vui vẻ trôi qua nhưng
chúng tôi đã sống trong sự ảm đạm và ái ngại từ ngày một số anh em đồng đội
chúng tôi lần lượt ngã bệnh. Anh Hương, anh Oanh không còn vui vẻ kể chuyện
khôi hài sau các bữa ăn. Anh Minh, anh Lương và anh Thuận biếng đánh đàn, thổi
sáo. Anh Đức, một người nhiệt tâm tỷ mỉ sưu tầm công phu các loại vỏ sò, ốc
không còn thơ thẩn ven bể nhặt những mẩu vỏ sò, o61c màu sắc rực rỡ như ngày
nào. Anh Hinh, anh Mít chuyên viên đi tìm ổ trứng vích trên cát chán nản suốt
ngày nằm lên nằm xuống dã dượi.
Anh Tấn, anh Liệu bị bệnh nặng
hơn cả, hai chân tê bại, hai ống chân các các ngón chân không cử động được chút
nào mặc dù trước đấy đã cố gắng tìm cách ngăn ngừa bằng thể dục, tắm nắng, xoa
bóp. Hai anh buồn tủi sống trong tuyệt vọng, vẫn thường nuốt lệ khóc thầm. Anh
Hoan, anh Bình, anh Hách hai chân phù thủng, tiểu tiện ít đi. Anh Lân, anh Hiền
trước đây là những lực sỹ có hạng lại nổi tiếng là giỏi võ Bình Định một mình địch
nổi 10 người nay bỗng mắc chứng nhọc mệt, hồi hộp. Mỗi khi gắng sức làm việc gì
là tim đập mạnh, đau ở ngực, thỉnh thoảng còn đau nhói ở tim, dùng đủ mọi thứ
thuốc đau tim, bổ tim của ban y tế đại đội mang theo nhưng hoàn toàn vô hiệu. Một
số khoảng 20 anh em khác thì sức khoẻ suy nhược, ăn mất ngon, gầy trông thấy hoặc
mê mệt ngồi đâu ngủ đấy.
Có một điều lạ là bầy gà còn
lại hơn bốn trăm con của chúng tôi trước kia khoẻ mạnh dong dảy nay cũng thấy
nhiều con mắc bệnh biếng ăn thường nằm tựa mình vào thành chuồng như thể chân bị
đau, cánh xệ, nếu xua đuổi làm cho chúng hoảng sợ chúng run rẩy đứng dậy đi
vòng quanh chuồng loạng quạng và xiêu té. Năm bảy hôm sau những con gà ấy bị tê
liệt không đi được nữa và chẳng bao lâu thì chết. Chúng tôi bàn tán với nhau có
lẽ khí hậu trên đảo không hạp với người ở đất liền và khắc khoải trông đợi cho
chóng đến ngày trở về Đà Nẵng.
(Còn tiếp phần 2)
No comments:
Post a Comment