Friday, May 3, 2019

Đây là bài đầu tiên tôi viết phần giới thiệu trước phần chính.

Xin theo đường dẫn để mang về cuốn văn phạm Việt-Nam do học giả Trần trọng Kim (TTK) viết; sách in nam 1940.
(http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Van-Pham-Viet-Nam_.pdf?fbclid=IwAR3UOwPN-gq0uduYVkUmCGFhJXM8BVQEFqpDr1EXkK594xgrIOk37BZ1vdI)

Tác phẩm này rất dài, hơn 26 ngàn bytes. Dành cho ai dạy Việt văn.

Mục “Tiếng Nước Tôi” giản dị hơn dành cho những người bình thường để không sảy ra chuyện: 

“Người Việt mà nói tiếng Việt không sõi!”
Thí dụ: QUÁ TRÌNH phát triển kinh tế của đất nước trong 5 năm tới.
Hay ghép một động từ và một tĩnh từ để làm một danh từ: HIệN THỰC.

(Ai muốn biết về luật để ghép 2 chữ để thành danh từ ở mục 70 trong sách của học giả TTK)

Tác giả bài “Tiếng Nước Tôi” là 2 hai người rất đa tài: Thi, văn, nhạc sĩ, nên sau khi nói về văn phạm Việt ngữ; là phần nói về dân ca 3 miền với các đường dẫn các bài tiêu biểu.
Trang Blog chính ở đây:
http://phu-tran.blogspot.com

Tiếng nước tôi (1/19)
http://phu-tran.blogspot.com/2013/01/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-loi-mo-au.html
Jan 22, 2013
Tiếng nước tôi : Lời mở đầu

Đối với bất cứ ai, tiếng mẹ đẻ bao giờ cũng là một quan-hệ đậm-sâu, như gốc rễ, như máu mủ, như một tiếng gọi thiết-tha.
Tôi yêu tiếng nước tôi và tôi càng buồn, càng tủi-thân khi tôi chỉ còn là một kẻ tha-hương, lưu-lạc nơi xứ người, với những người hàng-xóm người Mỹ, đọc báo tiếng Mỹ, xem phim tiếng Mỹ...
May thay, tôi cũng còn được nói tiếng Việt với vợ, với gia-đình, với bạn-bè, tôi còn được hát tiếng Việt, tôi còn được đọc báo tiếng Việt, tôi còn được viết tiếng Việt.
Và càng đọc, càng viết tiếng Việt, tôi càng yêu tiếng Việt, và càng yêu tiếng Việt, tôi lại càng muốn học lại, học thêm tiếng Việt (có lẽ "hiểu-thương" là muốn thương ai, thương cái gì, mình phải hiểu người đó, hiểu cái đó). Tôi đã bắt đầu tham-khảo lại về tiếng mẹ đẻ tôi, và nhân-tiện tôi cũng muốn chia-xẻ đôi chút với các bạn đọc về mối tình chung của chúng ta là: Việt-ngữ.

Cứ nghĩ là mình người Việt, mình nói tiếng Việt thì có gì là lạ, có gì là khó đâu? Nói thì không cần đi học cũng biết nói, cũng hiểu người khác nói, nhất là tiếng Việt ta không có văn phạm gì rắc rối như tiếng Pháp hay tiếng Đức.
Nhưng đọc và nhất là viết thì lại không dễ như chúng ta có thể tưởng. Chữ viết của người Việt là chữ viết ghi lại theo phát âm. Do đó việc viết đúng phải dựa trên đọc đúng, đọc đúng là điều-kiện để viết đúng.
Người miền Nam không đọc được những âm như "im" (đọc "tiêm" thay vì "tim"), "d", "gi", "qu",... không phân-biệt được những âm cuối "at" hay "ac", những âm "an" và "ang" và viết thì hay nhầm dấu hỏi, dấu ngã, ...
Người miền Trung khi nói, không phân-biệt được các dấu thanh "sắc, nặng, hỏi, ngã"...
Người miền Bắc viết thì ít vấn đề hơn, nhưng đọc thì cũng có những điểm khó khăn: không phân-biệt được "d-gi-r", hay "ch-tr", "s-x", "ưu" thì đọc thành "iu" (thí dụ: "ưu phiền"), "rượu" đọc là "ziệu"... Cho nên khi hát tiếng Việt, tôi cũng phải để ý đến những điểm này lắm. Viết thì tôi thích và hay viết lắm nhưng đến năm ngoái, tôi mới sửa được một loại lỗi mà người Bắc tôi vẫn thường có mà không biết là trên chữ "a" cứ hay bỏ dấu mũ (^) tưới hột sen: "bẩy" thay vì "bảy", "trình bầy" thay vì "trình bày, "tầu" thay vì "tàu", "nhẩy" thay vì "nhảy", ...
Ôi, tiếng Việt ta không đơn-giản (xin đừng dùng chữ "giản-đơn" nhé) chút nào.

Làm thơ thì phải hiểu chút ít về âm-điệu, về nhạc-tính, về luật "bằng-trắc", về sự trầm bổng... gắn liền với thanh-điệu của ngôn-ngữ...

Hát tiếng Việt cho đúng, cho hay cũng không dễ đâu, cũng phải biết áp-dụng những đặc-điểm của tiếng Viết như đơn-vận, đa-thanh... để hát sao cho "tròn vành, rõ chữ" (nghĩa là "âm thanh nghe gọn gàng, đầy đặn, trau chuốt sáng sủa ; lời ca nghe rõ ràng, không phải đoán nghĩ mới hiểu, không thể hiểu lầm ra ý khác"), hát láy thì phải để ý những thanh sắc, hỏi, ngã, ngắt chữ thì đừng ngắt những từ-kép...

Những đặc-tính đó còn khiến tiếng Việt ta rất phong-phú trong lãnh-hạt đối-đáp, chơi chữ, nói lái (rất thịnh-hành trong nhiều truyện tiếu-lâm), có một không hai trên thế-giới (tiếng Pháp cũng có contrepèterie nhưng không phổ-biến như tiếng lái của ta, còn tiếng Mỹ thì hầu như không có và chỉ bị xem như một cách nói ngọng, quíu lưỡi mà thôi).

Kể từ số sau, chúng ta sẽ bàn qua về một vài nét đặc-điểm như: Nguồn-gốc tiếng Việt; Ngôn-ngữ đơn-vận, đa-thanh; Chính-tả; Ngôn-ngữ trong Thi-Ca; Ngôn-ngữ trong Tục-ngữ, Ca-dao; Ngôn-ngữ trong thanh-nhạc; Chơi chữ, ...

Ngôn-ngữ có học cả đời cũng không thông, vả lại tôi cũng không muốn ru ngủ bạn đọc nên tôi sẽ chỉ dám nêu lên một vài nét đặc-biệt, thú-vị, gọi là vừa tìm hiểu, vừa giải-trí.

Tiếng mẹ đẻ chúng ta thanh-đẹp và quí-báu như vậy, nhất là trong hoàn-cảnh chúng ta, ước mong các bạn sẽ hưởng ứng để chúng ta cùng duy-trì và hưởng trọn một trong những nét đặc-trưng của bốn ngàn văn-hoá Việt Nam. Xin đa-tạ.


Yên Hà tháng Giêng, 2013
2 comments:

PHAN LỤCJanuary 22, 2013 at 1:45 PM
Nói chung, bài viết rất hay và bổ ích nhưng thể theo mong muốn của tác giả, tôi xin đóng góp vài ý kiến:
- Tại sao tác giả chỉ muốn "chia xẻ" (= chia cắt từng mảnh) mà lại không "chia sẻ" (=chung hưởng) đôi chút với các bạn đọc về Việt ngữ?
- "thanh đẹp" nghĩa là gì? Trong tiếng Việt không có từ "thanh đẹp". Nếu nói là "thanh tao và đẹp đẻ" thì không thể ghép 2 cặp từ này lại vì "thanh tao" là từ Hán Việt và "đẹp đẽ" là từ thuần Việt (theo nguyên tắc, không thể ghép 2 loại từ này với nhau). Vì thế rất buồn cười khi nghe người ta (ít hôc) nói: siêu mỏng, siêu đẹp ... hoặc khô hóa, cạn hóa ... (siêu và hóa là từ Han Việt, mỏng, đẹp, khô, cạn là từ thuần Việt.

Reply

Thanh Tuyền and Ngọc PhúJanuary 22, 2013 at 2:04 PM
Cám ơn anh đã chia-sẻ. Đúng là đi một đàng, học một sàng khôn.
Sở dĩ tôi chỉ biết "chia xẻ" vì tự-điển tôi (Đào Đăng Vỹ) không có chữ khác nhưng có lẽ vì "hơi" xưa (1964).
Còn "thanh đẹp" thì đúng, chữ tôi thấy hay và nghĩ mọi người ai cũng sẽ hiểu nên dùng "đại" vậy thôi. Hôm nay tôi đã học thêm được một nguyên-tắc ghép từ rất có lý này.
Một lần nữa, xin cám ơn anh đã giúp ý-kiền.

Reply

No comments:

Post a Comment