Sunday, May 12, 2019


Tiếng nước tôi (10/19)

Dec 18, 2013
Tiếng nước tôi: Chơi chữ (2) / Ngữ nghĩa


0. Chơi chữ là gì?

1. Chơi chữ dựa trên ngữ âm
./.

2. Chơi chữ dựa trên ngữ nghĩa
Le mot n'est pas la chose (Lacan): chữ dùng để chỉ-định một vật không phải là vật đó.

Cũng như hình-thức không phải là nội-dung, âm thanh của một chữ mình nghe là một chuyện, ý-nghĩa của chữ đó lại là chuyện khác (cho nên mới có thành-ngữ ''muốn hiểu sao hiểu"). Do đó mới có nhiều cách chơi chữ dựa trên tính-chất đồng âm và khác nghĩa của chữ và ngược lại.

2.1 Từ đa nghĩa
Do hiện-tượng chuyển-nghĩa mà một từ thường có nhiều nghĩa. Người biết nghệ-thuật chơi chữ khai-thác triệt-để đặc-điểm này để diễn tả được những điều khó nói thẳng, biểu lộ tình cảm một cách tinh tế hoặc tránh cái tục.

Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.
Bài ca dao là lời tỏ tình của chàng trai với cô hàng rượu, từ say trong câu ca là một từ nhiều nghĩa: say rượu hoặc say tình, hiểu nghĩa nào cũng được. Nhờ khéo vận dụng tính đa nghĩa của từ mà lời tỏ tình khó nói được tỏ bày một cách tế nhị, hóm hỉnh, có duyên kèm theo lời thề rằng có trời đất, nước non chứng giám là anh say  em thật lòng chứ chẳng phải đùa chơi !

Phê phán "bà già" còn muốn chồng được tác giả dân gian mỉa mai bằng cách chơi chữ trong một bài ca dao quen thuộc:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem bói một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn
Lợi vừa là tính từ chỉ việc có ích, vừa chỉ một bộ phận trong vòm họng con người: cái "nướu răng"!

Trong dân gian, có bài ca dao quen thuộc như sau:
Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?
Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?
Một trăm thứ than, than chi là than không quạt?
Một trăm thứ bạc, bạc chi là chẳng ai mua?
Trai nam nhi anh đối đặng thì gái bốn mùa xin theo.

Muốn biết nghĩa của các từ "dầu", "bắp", "than", "bạc" trong các câu hát đố trên, ta xem tiếp phần đáp lại thì hiểu được sự điêu luyện của nghệ thuật này:

Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp
(Một dị bản khác: Một trăm thứ dầu, dãi dầu thì không ai thắp)
Một trăm thứ bắp, bắp chuối thì chẳng ai rang
(Một dị bản khác: Một trăm thứ bắp lắp bắp mồm, lắp bắp miệng thì chẳng ai rang)
Một trăm thứ than, than thân là than không ai quạt
Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua.

Thời bao cấp tại Việt-Nam, dưới nền kinh-tế kế-hoặch hóa, con người sống bằng sự phân phối hàng hóa theo tiêu chuẩn. Cái gì cũng phân phối: từ cây kim sợi chỉ cho đến mùng màn, áo quần, xe đạp… vì vậy nên mới có nhiều chuyện dở khóc dở cười như: hai người cùng cơ quan được phân một chiếc mùng, hai người được phân một vé xem phim… Thời này mọi người thường nghe câu: 

“Cục cứt cũng đem phân, mà đã phân thì như  cứt”.

Sự phối hợp của kiểu chơi chữ đồng nghĩa (cứt - phân) và kiểu chơi chữ đồng âm (phân – phân phối) đã tạo nên tính bi hài của tình huống phát ngôn.

Nước đôi: Tục mà thanh
Cũng có khi, tính đa nghĩa của từ ngữ được tạo thành nhờ cách chơi chữ theo nghĩa "nước đôi", nghĩa là dùng những chữ có hai, ba nghĩa, một nghĩa "thanh" và một nghĩa "tục".

Gợi lên một ý nghĩa khác "tục" mà thanh bởi từ "đẩy", từ "bào" đa nghĩa (cả nghĩa trong khẩu ngữ) của câu ca dao sau đây:

Em ơi nên lấy thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm.
Xét ngữ nghĩa của văn bản thì không có gì hết, nó chỉ miêu tả một hành động bình thường của anh thợ mộc làm động tác bào gỗ, nhưng xét về nghĩa hàm ẩn của nó thì thật là "độc", mà cái "độc" ấy là do nghệ thuật "chơi chữ'' tạo ra.

Trong ca dao, chuyện “trèo” cũng được dân gian diễn tả khá thâm thuý:
Cồng cộc bắt cá bầu eo,
Chi chê tôi bé, tôi trèo chị coi.
(tôi nhớ hình như tiếng lóng ta còn gọi la "thằn lằn trèo cột đèn"?)

Điều gì kín càng cần phơi ra và điều cấm kỵ được tránh hết sức tinh tế:
Sáng trăng em nghĩ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời em bằng lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.
 Cái sự đời mà câu ca dao đề cập bằng việc dùng nghĩa lấp lửng nước đôi như trên chắc chắn rằng ai cũng biết đó là cái gì rồi!

Và dĩ nhiên, những chuyện tiếu lâm "dành cho người nhớn" thường rất chuộng lối chơi chữ thật độc đáo này.

Dùng nghĩa đôi để hóa tục thành thanh là một nghệ-thuật mà bà Hồ Xuân Hương đã nắm vững đến mức thượng thừa, như khi bà miêu tả cảnh Đèo Ba Dội (tên gọi dân gian của Đèo Tam Điệp):
Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm lum nóc
Kẽ đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân chẳng muốn trèo.
Toàn bài thơ là bức tranh cảnh sắc thiên nhiên, song cách dùng từ ngữ kiểu nước đôi còn mang cho bài thơ một hàm ý khác. Với trường nghĩa liên tưởng, không mấy ai không hiểu rằng bài thơ hướng đến một đối-tượng khác đó là bộ phận “kín” của người đàn bà. Kể cả cái hành động “trèo” của hiền nhân quân tử được bà nói bằng giọng điệu bông đùa, pha chút hài hước, châm biếm ở hai câu kết.

Một lần nữa, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ (bà chúa Tục mà Thanh), nhưng cũng xin đăng lại một bài thơ tôi viết hơn mười năm nay:

Trong ánh chớp, vách màn in đôi bóng
Mắt em say trôi lạc cõi bồng lai
Làn môi run hé mở, miết đêm dài
Cuộn lưng ong, em trườn mình hút nhụy.

Gió cao nguyên hòn non bộ ma túy
Bụng đồng bằng nóng bỏng nắng cuồng say
Thung lũng hồng vang vọng rống thét này
Dưới vĩ tuyến, rừng xanh chờ chúa tể.

Vịnh Hạ Long, rồng kia tìm về rễ
Ruộng vu vơ lúa mới, ngón tay vờn
Hổn hển trèo quán dốc, dẫy Trường Sơn
Khe suối mát lịm ngọt trên đầu lưỡi.

Trời buông gió, lá thèm bay rũ rượi
Mười móng vuốt cấy đậm làn da ngâm
Cho em uống cạn nỗi khát âm thầm
Ngòi bút điểm hiến dâng từng giọt mật.

Cơn mưa rào nặng hạt xuyên lòng đất
Sấm vang rền, gió lũ thét bên tai
Nhạc thầm kín rung lên một điệu dài
Trong ánh chớp, ngọn đèn vừa chợt tắt.

Yên Hà (2002)

Nói cho đúng, những loại viết này không hẳn là dựa trên nghĩa "nước đôi", một nghĩa "tục", một nghĩa "thanh".  Lối viết "HXH" là dùng ý, dùng chữ thế nào để gợi hình, gợi cảnh, gợi sắc, gợi cảm, để tạo nên một không khí trong đó người đọc tự nhiên phải liên-tưởng đến những gì khác, nhưng không phải nguyên bản những gì tác giả viết, một cách trực-tiếp và bậc nhất. Tác giả chỉ mang đến vài hình ảnh, và gợi ý cho người đọc tự vẽ ra kịch bản của mình với óc tưởng-tượng của chính mình. Tục như thế nào không phải trong câu văn của tác-giả mà trong óc tưởng-tượng của độc giả  (bậc hai).

2.2 Từ đồng nghĩa
2.2.1 Đồng nghĩa / gần nghĩa
Từ đồng nghĩa là những từ ngữ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.
Ta có thể chơi chữ bàng cách dùng các từ thuần Việt đồng nghĩa với nhau:
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
Chó với cầy là những từ cùng nghĩa, gần nghĩa được sử dụng "chơi" để phê phán một hiện tượng "ngược đời".

Hoặc đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:
Nguyệt viên gặp hội trăng tròn,
Trai xinh thập ngũ, gái dòn mười lăm.

Có răng nói thật đi nha
Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.
Chữ "nha" hình thành do cùng nghĩa với "răng", còn là trợ từ biểu thị thái độ thân mật, với ý mong người đối thoại đồng tình với ý kiến của mình. Đồng thời, “răng” trong văn cảnh là từ địa phương, đại từ có nghĩa là : sao, thế nào?

Mẹ thương con qua cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu.
Điều hay ở đây là vận dụng hai cặp từ đồng nghĩa thuần Việt-Hán Việt vừa để gợi nhắc những địa danh, vừa bộc lộ tâm tình của tác giả dân gian gởi gắm qua những địa danh đó.

2.2.2 Trường từ nghĩa
Trường từ vựng là tập hợp những từ có nét chung về nghĩa. Có lẽ hiện tượng dùng từ cùng trường nghĩa, gần nghĩa để tạo nét liên tưởng thú vị là phổ biến nhất trong ca dao.

Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc :" Chàng ơi là chàng"
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi!
 Tác giả dân gian tập hợp trong bài ca dao này các con vật cùng loài với cóc: nhái, chẫu chuộc, chầu chàng (chẫu chàng thân và chi mảnh, dài, chẫu chuộc cũng giống như chẫu chàng nhưng lớn hơn), ễnh ương, ngoé (giống nhái bén).
"Chàng" trong câu câu ca trên vừa là con vật (chẫu chàng) vừa là đại từ chỉ người trong cặp đại từ nhân xưng: chàng - nàng.
Đây là cách chơi chữ dùng các từ cùng trường nghĩa để khắc hoạ lên những bức tranh dân gian về một đám ma nghèo nhưng đầy đủ lễ thức. Vừa phản ảnh một phong tục ngày trước với nhiều màu sắc độc đáo nhưng cũng không giấu tính châm biếm sắc sảo.

Đôi lúc ghép những từ cùng trường nghĩa để chơi chữ với tính chất "trào lộng":
Chị Xuân đi chợ mùa hè
Mua cá thu về chợ hãy còn đông

Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngôi nhai thịt bò
Vui đùa với chữ là dụng ý chính của những câu ca dao này!

Nói đến kiểu chơi chữ này chắc chúng ta không thể quên được bài thơ Rắn đầu biếng học  gắn liền với giai thoại về sự thông minh của Lê Quí Đôn ngay từ thuở nhỏ. Chuyện rằng:
Một lần có một vị khách tới thăm quan nghè Lê Trọng Thứ. Đến đầu làng, thấy một lũ trẻ tồng ngồng tắm trong ao, vị khách hỏi thăm:
            - Cháu nào biết nhà quan nghè Lê, chỉ đường cho ta.
Một thằng bé khoảng chừng 7, 8 tuổi, mặt mũi sáng sủa và láu lỉnh, cứ tồng ngồng như vậy trèo lên bờ, rồi hỏi:
            - Cháu đố ông biết đây là chữ gì? Nói được cháu chỉ nhà cho.
Nói rồi, cậu bé dạng cả hai chân và hai tay ra, nhìn vào ông khách, trông đến tức cười. Vị khách thấy thằng bé ngộ nghĩnh và giỏi quá, bụng tấm tắc khen và trả lời:
            - Thì là chữ đại chứ có gì mà phải đố! ()
Thng bé cười rộ lên, rồi nói:
            - Là chữ thái, có thế mà không biết!
Thng bé nói xong, hin hin mũi chế giu v khách, ri không ch đường cho khách, cứ thế tồng ngồng chạy vào làng.
Vị khách, cuối cùng cũng tìm được nhà quan nghè Thứ. Khách kể chuyện cho chủ nghe và khen trẻ con trong làng quan nghè thông minh quá.
Một lát, ông nghè họ Lê gọi con mang trà ra. Khách sửng sốt:
            - Vậy thì ra là thằng bé đố chữ tôi là con quan nghè.
Quan nghè Thứ rất đỗi ngạc nhiên, ông thét chú bé mang roi ra, nằm lên giường chịu đòn. Khách xin tha cho thằng bé và bảo cậu bé Lê Quý Đôn phải làm một bài thơ tạ tội với đề bài: 
“Rắn đầu biếng học”. Bé Đôn ngẫm nghĩ một lúc rồi đọc bài thơ vừa kịp nghĩ trong đầu:

            Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!
            Rắn đầu biếng học quyết không tha.
            Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,
            Nay thét, mai gầm rát cổ cha.
            Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,
            Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.
            Từ nay Trâu , Lỗ xin siêng học,
            Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!

Đầu đề ra có chữ rắn, ấy thế mà thằng bé đã tài tình cho tên từng loại rắn vào từng câu : rắn liu điu, rắn đầu, rắn hổ lửa, rắn mai gầm, rắn ráo, rắn thằn lằn, rắn hổ trâu, rắn hổ mang. Thơ lại hợp vần, đúng luật, ý tứ sâu xa và vươn tới, ví mình như Khổng Tử – Mạnh Tử (Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học), lại vẫn là thơ đứa trẻ con, hứa với cha mẹ xin siêng học. Chơi chữ giỏi đến thế đúng là thần đồng!

2.3 Từ nghịch nghĩa
Từ trái nghĩa là những từ có ý nghĩa đối lập nhau trong mối quan hệ tương liên. Chúng khác nhau về ngữ âm và phản ánh những khái niệm tương phản về logic.
Chơi chữ bằng cách vận dụng từ trái nghĩa khá phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao vừa làm cho hình thức đối xứng vừa nhấn mạnh nội dung:
Lươn ngắn mà chê chạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
 Chạch là loại cá trông giống lươn nhưng nhỏ hơn và thân ngắn. Thờn bơn là loại cá thân dẹt, miệng và mắt lệch lên phía trên đầu và Trai là loại động vật thân mềm, vỏ cứng, gồm hai mảnh, thường há ra như cái miệng.

Dùng từ trái nghĩa trong cùng một câu thơ cũng là một hiện tượng chơi chữ của dân gian:
Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít
Trầu cả khay sao dám gọi trầu không.
hoặc
Con ngựa chạy giữa đàng, nói con ngựa cất
Con cá bán giữa chợ, nói con cá thu
Con rắn bò giữa đàng, nói con rắn lại
Con cá lội dưới nước, nói con cá leo.

Nước không chân, sao rằng nước đứng
Cá không giò, sao gọi cá leo
Ghe không tay, sao kêu ghe vạch
Bánh không cẳng, sao gọi bánh bò?

Hai đơn vị trái nghĩa kết hợp với nhau theo lối bổ nghĩa sóng kèm trong cùng một văn bản, tạo hai mặt nghĩa vừa tách bạch, vừa gắn kết, như hai mặt của một tờ giấy, thí dụ như bài:

  Dại Khôn
Làm người có dại mới nên khôn,
Chớ dại ngây si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình, đừng rẽ dại,
Dại thì giữ phận chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại,
Gặp thời, dại cũng hóa nên khôn.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)


Nói cho cùng, phân loại "chữ" và "nghĩa", âm với ý cho dễ bố cục bài viết chứ hình-thức và nội-dung bao giờ chả đi đôi với nhau? Đúng là chữ với nghĩa.


(Còn tiếp)
Yên Hà, tháng 12, 2013

Tài-liệu nguồn:
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam: Trần Minh Thương

Mười cách chơi chữ phổ-biến: Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh

Lối chơi chữ trong đối và thơ

Nghệ Thuật Chơi Chữ Trong Ca Dao Người Việt  http://www.hoasontrang.us/phorum/showthread.php?t=462

Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 7:32 AM


No comments:

Post a Comment