Thursday, May 9, 2019

Tiếng nước tôi (7/19)

http://phu-tran.blogspot.com/2013/07/toi-yeu-tieng-nuoc-toi-nhung-loi-chinh.html
Jul 18, 2013
Tiếng nước tôi: Chính tả (2) / Những lỗi chính tả khác

Tháng trước, chúng ta đã xem qua cách bỏ dâu hỏi-dấu ngã cho đúng.
Tháng này, chúng ta sẽ thông qua nốt những lỗi chính-tả thông-thường khác.

1. Đặt dấu thanh
Những dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng thường được đặt trên / dưới (trường-hợp dấu nặng) nguyên-âm (vowel/voyelle) nhưng nếu chữ có 2 hay 3 nguyên âm thì làm sao?
Có hai quan điểm về cách đặt dấu thanh, thường được gọi là "kiểu cũ" và "kiểu mới".

Kiểu cũ
Quy tắc kiểu cũ có phần căn cứ trên nhãn-quan (sao cho đẹp mắt), giữ vị trí dấu ở giữa hay gần giữa mỗi từ cho cân bằng.
- Nếu có một nguyên-âm thì dấu đặt ở nguyên âm: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng...
- Nếu là tập hợp 2 nguyên-âm thì đánh dấu ở nguyên âm đầu: kìa, bài, nhàu, nghèo...
- Tập hợp 3 nguyên-âm hoặc hai nguyên âm + phụ-âm cuối thì vị trí dấu chuyển đến nguyên âm thứ nhì.
Thí dụ: xoáy, loại, cười,...
          "òa" hay "tòa" thì dấu huyền đặt trên chữ "o", nếu "toàn" thì dấu chuyển đến "a".

Kiểu cũ dựa trên những từ-điển từ trước năm 1950 nên "gi" và "qu" được coi là một mẫu tự riêng, cho nên trong những chữ này, "i" và "u" không được xem như nguyên âm và luật chỉ áp-dụng cho những nguyên-âm còn lại.
Thí dụ: già (nhưng kìa), quả (nhưng lúa), giàu, quyện, ...


Kiểu mới
Quy tắc "kiểu mới" căn cứ trên ngữ âm học, muốn đối chiếu chữ và âm.
Bạn nào rành về ngữ-âm học có thể xem thêm nơi trang:  http://vi.wikipedia.org/wiki/Quy_t%E1%BA%AFc_%C4%91%E1%BA%B7t_d%E1%BA%A5u_thanh_trong_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

Riêng tôi chỉ có một qui-luật duy nhất: "Đọc sao viết vậy"
Những chữ đa nguyên-âm, ta cứ đọc rời từng cụm ra thì đạt dấu ở đâu sẽ biết ngay.
Này nhé:
- "bìa" nếu tách ra bi-à hay bì-a thì ta thấy rõ phải là bìa
- "thuý" tách ra thú-y (veterinary hay "thúi") hay thu-ý ? Dĩ nhiên là thuý.
(Anh Ngô Thuỵ Miên chắc hẳn thích viết Thuỵ hơn là Thụy (thụi) rồi)
- "khoái": kho-ái hay khó-ai? Chắc chắn là khoái rồi.
... ... ...

Thêm vào đó, chúng ta có thể để ý có một qui-luật chung:
Với những chử gồm có 2 hay 3 nguyên-âm, dấu thanh luôn luôn đặt trên/dưới những nguyên-âm â, ă, ê, ô, ơ, ư.
Thí dụ: ngoằn (ngoèo), yếm, truyện, chuồng, thuở, cứu...

Đặt dấu thanh đối với tôi chỉ giản dị thế thôi.

2. Lỗi do phát-âm
Chữ viết hiện nay của người Việt là chữ viết ghi lại theo phát âm. đọc đúng là viết đúng, đọc sai là dễ bị viết sai lắm. Như đã thấy, dấu hỏi-dấu ngã đọc không được thì khó mà viết đúng lắm. Ngoài ra, còn một số lỗi chính tả thông-thường khác như:

2.1 Lỗi phụ-âm đầu:
Người miền Nam thì hay nhầm ng/qu như quại thay vì ngoại  ; h/qu như quảng thay vì hoảng ; d/gi/v như da/gia/va (bạn thử đọc "vái Trời" đi), ...

Người miền Bắc thì hay nhầm s/x như xử dụng thay vì sử dụng, ... ;
d/gi/r như dàn dụa thay vì ràn rụa, dấu diếm thay vì giấu giếm, rụi mắt thay vì dụi mắt,... ;
ch/tr như chàn chề thay vì tràn trề, ...
- Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt đầu bằng s: Sả, si, sồi, sung, sắn, sim, … sán, sáo, sâu, sên, sếu, sò, sóc, sói, sứa, sư tử, ...
- Để phân-biệt âm đầu tr/ch: Đa số các chữ chỉ đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu bằng ch (thí dụ: chăn, chiếu, chum, chổi...chồn, chí, chuột, chó, chuồn chuồn...)

Trường-hợp c/k, g/gh, ng/ngh
Những phụ-âm này phát âm giống nhau nhưng viết khác. Qui-luật như sau:
- c viết trước a, o, u ; k viết trước e, i, y. Thí dụ: cao, cổ, cười ;  kỳ, kinh, ...
- g viết trước a, o, u ; gh viết trước e, i, y. Thí dụ: ga, gốc, gục ;   ghe, ghềnh, ghi, ...
- ng viết trước a, o, u ; ngh viết trước e, i, y. Thí dụ: nga, ngôn,   nguyệt ; nghe, nghĩ, ...

2.2 Lỗi âm cuối
Người miền Nam còn khó phân-biệt những vần có âm cuối n/ng (thí dụ: màn/màng) và nhất là t/c/ch (thí dụ: cát/các, bụt/bục, chít/chích,...).
(Tôi đọc trên Mạng có một bài tựa đề "Cắt bỏ dấu tiếng Việt").
Muốn chữa loại lỗi này, có vài cách:
- Liên-hệ với những chữ đồng nghĩa hay gần nghĩa
Thí dụ: cắt/chặt/gặt, hạt/hột, sát/giết,... gần nghĩa cùng viết "t" ;
           tạc/đục, phúc/phước, sức/lực, ... gần nghĩa cùng viết "c".

- Từ láy toàn bộ có hiện tượng biến âm: T> N ; C>Ng
Thí-dụ: cháT chátT>chaN cháT ; sáT sáT>saN sáT ; ... (T>N)
           rắC rắc>răNG rắC ; vặC vặC>vằNG VặC ; phắC phắC>phăNG phắC; (C>Ng)...

2.3 Nhận xét: 
- Có những lỗi vì phát âm sai nhưng cũng vì nhầm 2 chữ khác nghĩa.
Thí dụ: Dấu= vết và giấu= che lấp ; dòng= dòng dõi, thầy dòng và giòng= giòng sông, giòng chữ, giòng nhạc (tôi để ý thấy lỗi này rất thông dụng).
Trong thí-dụ dàn dụa thay vì ràn rụa, nếu biết là "dàn" có nghĩa là xếp đặt (dàn binh) thì có lẽ đã không bị lỗi ;
Trong thí-dụ dấu với giấu, nên phân-biệt nghĩa của dấu=dấu vết và giấu=che giấu ;
Trong thí-dụ rụi với dụi, nên phân-biệt ý nghĩa của cháy rụi và dụi mắt.

- Ngược lại, có những chữ được chấp-nhận có 2 cách viết.
Thí dụ: dúi = giúi (cho vào), dùm=giùm (hộ), ...

- Theo tôi nghĩ, phát âm sai không phải vì phát âm không được mà chỉ vì thói quen.
Bằng chứng là để hát tân nhạc, ai cũng có thể hát giọng Bắc (dù là có thể hơi ngờ ngợ vì không quen), cũng như người miền Bắc có thể phát âm dễ dàng s/x, tr/ch, d/gi/r, nhưng như vậy sẽ ngượng miệng lắm.
Hình như ở Việt-Nam, bây giờ có phong-trào hát phải phát-âm thật đúng nhưng riêng tôi thì chắc là không làm được rồi. Thôi thì dân-tộc tính đã thế, cứ để như thế đi, đừng sửa chữa tiếng nói làm gì, nói là một chuyện, viết lại là một chuyện.

3. Dấu mũ (^) trên ay/au
Có một loại lỗi chính tả mà tôi đã mắc phải cả mấy chục năm, cho đến khi đọc được một bài viết của ông Nguyễn Phước Đáng mới sửa được (xin thành thật cảm tạ ông).

Có nhiều chữ với vần ay/au đã bị "chụp mũ" một cách đáng thương.
Xin nhắc lại những chữ như sau không có dấu (^):
- Tàu (Trung Hoa, ghe, bẹ lá, chuồng ngựa) ; Xảy (nhưng sẩy thai); Nhảy ; Chảy ...

Những chữ như sau cần phải phân-biệt:
- Màu sắc, màu mỡ... vs nhiệm mầu, phép mầu... ;
- Dạy dỗ, dạy học... vs đứng dậy, dậy đất, dậy thì... ;
- Bày biện, trưng bày, bày tỏ... vs bầy cừu, bầy trẻ, bầy nhầy... ;
- Bảy (7) vs đòn bẩy, bẩy thuyền (nâng lên)... ;
- Đày ải, đày tớ, đi đày... vs đầy đủ, đầy tháng... ;

Có lẽ danh sách này không đầy đủ, xin các bạn bổ túc thêm cho nhé.

4. I hay Y?
Đây thật là một đề-tài ly kì (ly kỳ? li kỳ? li kì?) Cho đến nay, trong các cuộc tranh-luận về quy-tắc chính-tả tiếng Việt, cách viết I hay Y là một vấn đề biểu hiện sự bất-nhất.
Quy-luật về I/Y (và về chính-tả nói chung) không đủ rõ để có thể thống-nhất cách viết.

4.1 Những nguyên-tắc xưa
Xin nhắc lại nguyên-tắc của Đắc Lộ (Alexandre de Rhode) từ 1651:
Viết "Y" trong những trường-hợp sau đây:
    - Ở đầu một chữ và sau đó có "Ê" (yên, yêu, yếu...)
    - Sau âm chúm môi của nguyên-âm "u" (uy, khuya, chuyện...)
    - Sau "qu" (quý, quyền, quýt...)
    - Sau "â" (mây, dây, đầy...)
Viết "I" trong những trường-hợp sau đây:
    - Ở phần âm chính của vần (bí, chim, đi, lính, tím...)
...
Nhưng đương nhiên là từ 1651 đến bây giờ, qui luật cũng đã thay đổi nhiều.

Khi ông Đào Duy Anh soạn bộ "Hán Việt Tự Điển" vào khoảng 1931, học giả danh tiếng này thường dùng "Y" khi viết với các phụ-âm M, T, L, K, Qu, H...

4.2 Nguyên-tắc sau 1975
Quy-định ngày 30.11.1980 của bộ Giáo dục về chính tả liên quan đến hai chữ y và i, như sau: “… trường hợp các âm tiết có nguyên âm i ở cuối thì viết thống nhất bằng i, thí dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị ; trừ uy, như duy, tuy, quy…
Chú ý: i hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết vẫn viết theo thói quen cũ, thí dụ: ý nghĩa, y tế, ỉ eo, ầm ĩ, im, yêu.

Hiện nay có những ý kiến trái chiều với quy định này:
- Tại số nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội có hai viện “chữ nghĩa” lớn nhất nước ta – Viện Văn học (với cơ-quan ngôn-luận là tạp-chí Văn-học) và Viện Ngôn-ngữ (với tạp-chí Ngôn-ngữ) – thì trong khi bên Ngôn-ngữ viết i ngắn, bên Văn-học vẫn viết y dài.

- Theo quy-định trên thì (cánh) tay sẽ trở thành (lỗ) tai, may (vá) sẽ thành (hoa) mai...?

- Quy định trên không chú ý tới một quy tắc bất thành văn về tính thẩm mỹ trong chữ quốc ngữ: hình chữ phải đẹp, nghĩa là có sự cân đối về độ cao giữa các con chữ trong từ ngữ. Khái niệm này được hiểu như sau:
-- Ghép những phụ âm cùng độ cao với /i/ thì có khuynh hướng dùng i: si mê, mị dân, chim ri, rằn ri, rên rỉ, xanh rì, kẻ sĩ, vĩ mô, vi phạm, vị trí...
-- Khái niệm cân đối còn được hiểu là trong một từ có một phụ âm nhô cao lên thì ta viết y nhằm tạo ra sự hài hoà trên dưới. Thí dụ: Viết lý thì phần trên và phần dưới chữ này cân đối với nhau, còn viết lí thì phần dưới chữ này hơi bị hụt ; ký tên, kỹ nghệ, ... (nhưng tại sao người ta lại viết hí trường, bị, đi...?)


– Kích-thước con chữ cũng là một lý do thẩm mỹ: chữ i ngắn hơn chữ y tạo ra ấn-tượng là một đối-tượng nhỏ. Vậy nên có khuynh-hướng dùng i ngắn cho những đối tượng tạo ra ý niệm nhỏ: li ti, tỉ mỉ, vi tính; chi li, chi tiết; chơi bi, sân si, lí nhí… chứ không ai viết chơi by, tỷ mỷ, chy ly, chy tiết, vy tính…

- Có những chữ đọc giống nhau nhưng lại viết khác.
Thí dụ: mi (mắt), (bật) mí, mì, (tỉ) mỉ, nhưng mỹ (thuật).


- Có những chữ có thể viết I hay Y
Thí dụ: tỉ/tỷ, hỉ/hỷ...

4.3 Một vài "quy-luật" khác:
- Những danh từ riêng, tên riêng thường hay dùng Y (Mỹ, Lý, Hoa Kỳ, Ý...) nhưng đã gọi là tên riêng thì dùng Y hay I chỉ tuỳ thuộc người đặt tên hoặc phiên-âm.

- Những phụ âm đầu (B-, Ch-, D-, Đ-, Gh-, Kh-, N-, Ngh-, Nh-, Ph-, R-, S-, Th-, Tr-, X-, V-) chỉ đi với I, dù dấu thanh là gì, dù là từ Hán Việt hay thuần Việt;


- Có những trường hợp dùng I hay Y để phân biệt những chữ khác nghiã.
Thí dụ: tí (bé) / Tý (con giáp Chuột), tì (dựa) / (đàn) tỳ (bà), ...

- Những nghĩa nào mang tính chất trang trọng, đẹp đẽ, thể hiện sự tôn kính thì dùng Y thay cho I. Thí dụ: hy vọng, song hỷ, quốc kỳ, kỹ nghệ,...
(nhưng tại sao viết bác sĩ, hiền sĩ…?)

- Phần đông những chữ Hán-Việt hay dùng Y (hy vọng, lý sự...) và những chữ thuần Việt hay dùng I (lì lợm, hì hục...) nhưng ngoại lệ cũng có (tu mi nam tử, ti tiện...).


6. Kết-luận

Là người Việt-Nam, nhất là người Việt tha-hương, ai trong chúng ta chẳng tha-thiết với cội-nguồn, với gia-tài văn-hoá của mình mà ngôn-ngữ là tiêu-biểu?
Khổ nỗi, tiếng Việt ta đã trải qua bao nhiêu biến-đổi khó khăn mà hôm nay vẫn chưa được thống nhất, ít ra trong tâm-chí của mọi người.


Tôi không phải là một nhà ngôn-ngữ học, tôi lại càng không dám tranh luận thế nào là đúng, thế nào là không đúng. Tôi chỉ cố gắng thâu lượm một số quy-ước, ý kiến tương đối "dễ hiểu"  về chính-tả để làm điểm tựa cho chúng ta khi viết tiếng Việt.
Mong sao càc bạn thâu lượm được chút nào hay chút nấy.


Yên Hà, tháng 7, 2013

Tháng sau, thân mời các bạn đón đọc: Từ vựng (vốn chữ của người Việt)

Tài-liệu nguồn:
Một số biện-pháp nâng cao chất lượng môn chính tả cho học-sinh lớp 5, Nguyễn Sĩ Chỉnh http://giaoan.violet.vn/present/show?entry_id=8388207

Quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt (Wikipedia)
http://vi.wikipedia.org/wiki/Quy_t%E1%BA%AFc_%C4%91%E1%BA%B7t_d%E1%BA%A5u_thanh_trong_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t

Lỗi về âm cuối "T" và "C", Nguyễn Văn Hiếu
http://hieuvanhiepduc.vnweblogs.com/post/13454/353719

Dấu mũ trong quốc-ngữ Việt-Nam, Nguyễn Phước Đáng
http://maybien.net/index.php?option=com_content&view=article&id=1016:dmtcqn&catid=73:tvc&Itemid=65


Viết i hay viết y? GS.TS Nguyễn Đức Dân (16/07/2013)
http://sgtt.vn/Khoa-giao/135799/Viet-i-hay-viet-y.html

Nghĩ về chính-tả tiếng Việt qua cách viết I hay Y, Nguyễn Tấn Đại (26/06/2010)
http://khoahocviet.info/site/index.php/ngon-ngu/2-tieng-viet/2-tieng-viet-i-y

Vấn đề phân biệt viết i (ngắn) và y (dài)
http://ussh.vnu.edu.vn/van-de-phan-biet-viet-i-ngan-va-y-dai/2070

Posted by Thanh Tuyền and Ngọc Phú at 1:53 PM

No comments:

Post a Comment