Wednesday, May 6, 2020


ÔNG làm TÔI mất NƯỚC!



ÔNG làm TÔI mất NƯỚC!

Posted on June 20, 2008 by hoanghaithuy 


Từ Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đến hôm nay, khi tôi viết những dòng chữ này, Ngày Thứ Sáu 13 Tháng Sáu năm 2008 — 40 triệu anh Phó Thường Dzân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa — Quốc Gia một thời hùng mạnh — vẫn bị ám ảnh vì một câu hỏi mà các anh không sao có được câu trả lời thỏa đáng:

– Vì sao mình lại thua? Tại sao mình mất nước? Tại sao bọn Lính Cái Bắc Cộng mông đít to hơn cái thúng, lá đa bự hơn cái quạt nan, 100 em thì 99 em đoi, em nào cũng hôi nách, xệ rốn, lòi dzom, lại có thể khiêng ảnh Già Hồ vào đường Tự Do của ta??? Tại sao chúng ta bị nhục nhã, ê chề đến như thế ???????

Nhiều ông théc méc, không phải théc méc thường mà là théc méc ray rứt, théc méc ra rít:

– Tết Mậu Thân, mình dzui xuân, đêm Mồng Một mình nằm với vợ, mình ngủ sayï, nó dzô đến tận giường mình, nó kề dao dzô cổ mình. Dzậy mà mình vẫn bợp tai, đá đít nó, mình đuổi nó đi. Dzậy mà tại sao bi giờ mình mất nước?

40 triệu ông Việt Nam trên đây, rất có thể, luân hồi trở lại trần gian, tái sinh làm người Việt Nam, qua cả năm, bẩy cái gọi là “a tăng tỳ kiếp“, cũng không tìm được câu trả lời thỏa đáng cho théc méc: “Tại sao ta mất nước?”

Những đêm buồn 1976, 1977 — biết buồn dzồi, khổ lắm, kể mãi — nằm ngay đơ cán cuốc như xác chết, như thây ma mà óc còn tỉ tê làm cái trò suy nuận — đọc bài thơ của ông Nguyễn Thượng Hiền, gặp 2 câu:

Hũu tình, hữu vũ, thiên vô định.

Đồng khổ, đồng ưu, địa diệc lao.

Thấm quá, cảm khái chịu không nổi, tôi làm bài thơ:

Hữu tình, hữu vũ, thiên vô định,

Đồng khổ, đồng ưu, địa diệc lao.*

Câu hỏi nào ai biết tại sao!

Tại sao? Câu hỏi từ khi nào?

Cũng buồn, cũng giận, trời mưa tạnh,

Cùng khổ, cùng đau, đất biển dâu!

Ai thua, ai được, người điên tỉnh,

Khi còn, khi mất, vật thương đau.

Hỏi sao mưa tạnh, sao thay đổi?

Đất dại, Trời ngu có biết đâu!

Hai mươi năm chìm nổi trong cuộc biển dâu ở quê nhà — không phải ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh mà là bẩy chìm, chín nổi, mười mấy cái lênh đênh — 8 năm nằm phơi rốn trong Ngục Tù Cộng Sản Ác Ôn — biết tù dzồi, khổ lắm, kể mãi – một ngày thu buồn bánh xe lãng tử đưa tôi đi xa Sài Gòn Đẹp Lắm, đem tôi đến sống kiếp lưu đày biệt xứ ở nước Kỳ Hoa, – Một đi vĩnh biệt Thủ đô. Có về đâu nữa Thành Hồ chết băm — Ở xứ lưu đầy, những chiều buồn tôi nhìn xem phong cảnh quê người, đầu đường xe chạy, cuối trời máy bay. Rồi một đêm đông tuyết phủ trắng trời, trắng đất, trắng cây, trắng sông, trắng núi, trắng đầy, trắng vơi, trong căn phòng ấm, đèn vàng, an ninh 500/100, tôi nằm đọc quyển “Tôi làm tôi mất nước.” Văn phẩm loại Vạn Lý Tha Hương Lưu Vong Thất Quốc Hồi Ký của ông tác giả Lê Văn Phúc. Ông này thường tự xưng là “Cai Tôi” trong những bài viết của ông. Dường như những năm 1950 xa xưa có thời ông Cai Tôi ở trong quân ngũ, ông mang lon Caporal, Sergent — Cai, Đội. Thời ông tung hoành trên báo chương Việt Ngữ Hải Ngoại Kỳ Hoa là những năm 1980-1985. Chắc vì nhiều ông Việt Nam, đa số là những ông Tướng — Tướng Chạy, Tướng Chuồn, Tướng Lỉnh — sống nhàn trên đất Mỹ, viết Hồi Ký kể chuyện mấy ông cầm quân giữ nước năm xưa, mấy ông đổ cho người khác cái tội làm mất nước, nên ông Cai Tôi Lê Văn Phúc nực gà, nóng vịt, bực mình, viết hồi ký của ông, trong đó ông nhận ông làm cho ông mất nước


Tôi Làm Tôi Mất Nước (Hồi Ký – Lê Văn Phúc)



Đọc Hồi Ký của ông Lê Văn Phúc, tôi thấy là tôi cũng can tội làm cho tôi mất nước. Thế rồi, nghĩ sâu, nghĩ thấm hơn một chút, tôi thấy tôi không thể làm cho tôi mất nước được. Đồng ý là “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách: nước mạnh, nước mất, anh dân ngu ken đu cũng có trách nhiệm,” nhưng tôi là phó thường dzân chuyên nghiệp, tôi là thất phu chân chính, thất phu de luxe, tôi chẳng làm được trò gì đáng để nước tôi bị bọn Giặc Đỏ chiếm mất. Làm nước tôi mất, trách nhiệm ở những người khác. Nói cho đúng để nước bị mất tôi cũng có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm của tôi nhỏ síu, nhỏ như cái tĩ gà, trong khi trách nhiệm của nhiều người khác bự như mông trâu, đít voi.




Nhiều người khác có trách nhiệm lắm lắm trong việc làm nước tôi mất, hôm nay tôi chỉ kể một người thôi. Người can tội làm tôi mất nước là ông Nguyễn Văn Hảo, một ông khoa bảng, từng cầm quyền trong chính phủ nước tôi. Mời quí vị đọc bài viết dưới đây về tội trạng của can phạm Nguyễn Văn Hảo; bài này đăng trên Tuần báo Tuổi Trẻ của bọn Việt Cộng ở Sài Gòn:


Tuổi Trẻ. Trích:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Cựu Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ, là một trong những người bạn thân của Phạm Xuân Ẩn. Ngày 30.4.1975 ông NV Hảo quyết định không ra đi, mặc dù ông là một quan chức cấp rất cao của chế độ cũ và không có một mối liên hệ nào với cách mạng. Ông sẵn sàng chờ đợi điều xấu nhất xảy ra với ông, nhưng không có điều xấu nào xảy ra cả.

Nói chuyện với chúng tôi về Phạm Xuân Ẩn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết:

– Tôi quen anh Ẩn khi tôi làm Phó Thủ tướng chế độ cũ. Sau 30.4.1975, tôi và ảnh gặp nhau thường xuyên với tư cách bạn bè, hầu như tuần nào cũng gặp, mãi cho tới lúc tôi rời khỏi Việt Nam năm 1982.

Ông NV Hảo đã dành những lời thật tốt đẹp để nói về Phạm Xuân Ẩn:

– Chúng tôi quen nhau bắt đầu từ một cuộc phỏng vấn. Hồi đó ảnh là ký giả Báo TIME, gặp tôi để phỏng vấn về kinh tế. Gặp con người này, tôi vừa tò mò vừa thích thú: Sao Việt Nam có thể có một người đủ trình độ và uy tín làm phóng viên một tờ báo tầm cỡ của Mỹ, lại được người Mỹ nể trọng như vậy! Trong câu chuyện trao đổi, anh Ẩn cởi mở, thoải mái, thỉnh thoảng lại chen một chuyện trào phúng, rất dễ thông đạt. Tôi cảm nhận được con người ảnh ngay thật, không có thủ đoạn, không có hậu ý gì. Sau đó ảnh viết một bài trên Báo TIME, số báo chuyên đề về Việt Nam. Hồi đó khi tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn, không có ai nghi ngờ ảnh là tình báo cho bên kia hết. Ảnh có nghệ thuật ẩn giấu vai trò bí mật của mình một cách tuyệt vời. Ảnh chân thành, thân thiện thực sự, không hề giả dối..

Về quan hệ với Phạm Xuân Ẩn sau giải phóng, ông Hảo kể:

– Sau 1975, tôi với anh Ẩn thân thiết lắm. Chúng tôi rất hợp tánh nhau, mở hết lòng ra chơi với nhau, không có giới hạn. Cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1982 tôi vẫn không biết anh Ẩn là tình báo. Ra nước ngoài rồi tôi mới nghe nói. Lúc đó tôi mới hỡi ôi… Tôi tự hỏi, anh ta làm tình báo, có phải là từ 1975 đến lúc đó anh ta đã nhận nhiệm vụ theo dõi tôi hay không. Tôi ấm ức đến mức độ 10 năm sau khi trở về Việt Nam, tôi mời ảnh đi ăn cơm để hỏi cho ra lẽ. Anh Ẩn nói: “Moa có thể lấy danh dự nói với toa là không bao giờ moa làm chuyện đó. Bạn là bạn, không thể nào moa làm chuyện đó được.” Nghe Ẩn nói, tôi tin ngay. Sau này tôi cũng biết chắc chắn là không có chuyện đó.

Ẩn là một nhân tài. Ảnh chọn chính nghĩa đi theo và lúc nào cũng trọng nhân cách. Ảnh không bao giờ làm hại ai và luôn làm người ta cảm thấy yên lòng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo nói như thế về Tình Báo VC Phạm Xuân Ẩn.

Ngưng trích báo Tuổi Trẻ VC.




Quí vị vừa đọc bài viết trên tờ báo Tuổi Trẻ Việt Cộng, trong đó ông Nguyễn Văn Hảo, Cựu Phó Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, kể về mối giao tình thân thiết của ông với anh ký giả báo Time Phạm xuân Ẩn, người được thổi phồng là 
“Tình báo viên Ưu Tú, Siêu Việt: SuperMasterSpy” 
của Cộng sản hoạt động ở Sài Gòn những năm trước 1975. Ông Nguyễn Văn Hảo nâng bi anh VC Phạm xuân Ẩn với những lời nhờn nhụa đến phát tởm. Thời ông NV Hảo làm Phó Thủ Tướng, ông được PX Ẩn phỏng vấn, viết cho một bài ngắn, sần sùi như củ khoai lang còi, đăng 1 cột, 15 phân, trên Tuần báo Time của người Mỹ. Được lên báo Time, ông NV Hảo lấy làm vinh hạnh, ông vênh váo, ông chịu ơn PX Ẩn “lăng xê” ông trên báo cùa Quan Thầy Mỹ, ông kết bạn với nó. Ông Phó Thủ tướng của tôi có giỏi tiếng Mỹ hay không, tôi không biết, tôi thấy ông ta dzốt tiếng Việt — viết rõ là ông dzốt tiếng Hán Việt — ông viết về VC Phạm xuân Ẩn:

_ ..con người anh ngay thật, không có thủ đoạn, không có hậu ý gì.

Không phải “hậu ý” mà là “ẩn ý. gian ý.” Bố khỉ. Sau Ngày 30 Tháng Tư, ở Sài Gòn, em nhỏ lên ba chùi đít chưa sạch cũng biết tên Phạm xuân Ẩn làm việc cho bọn Bắc Cộng; sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 ông Cựu Phó Thủ Tướng NV Hảo không biết tên Phạm xuân Ẩn là Việt Cộng nằm vùng, đến năm 1982 ông đi sang Pháp ông vẫn không biết tên bạn thân của ông là tay sai VC, phải sang Pháp mấy năm sau ông mới biết. Mèn ơi..! Hết nước nói. Không lông Tiến sĩ NV Hảo ngu đến như thế? Ông có mù đâu? Ông phải thấy, ông phải biết chứ! Đến những năm 1990 ông Cựu Phó TT vẫn tin tên tay sai VC Phạm xuân Ẩn “thành thật” với ông, không nói dzối ông, không phản ông, không bao cáo vông với những tên CS thượng cấp của nó! Không lông ngu đến nước ấy? Em nhỏ lên ba cũng biết bọn đảng viên cộng sản là những tên sẵn sàng tố cáo cả bố mẹ chúng, đừng nói gì đến bạn chúng.

Có ông Phó Thủ Tướng ngu đần như ông Nguyễn văn Hảo, nước tôi không bi CS nó chiếm, tôi không mất nước sao được? Có ông Phó Thủ tướng Cả Thộn như ông Nguyễn văn Hảo, Quốc Gia Việt Nam CH bị bọn Bắc Cộng chiếm là chuyện không lạ, có ông Phó TT ngu độn như ông NV Hảo, Quốc Gia Việt NamCH không tiêu vong mới là chuyện lạ. Trong số những người làm Quốc Gia Việt NamCH tiêu vong, tôi chỉ mặt ông Phó Thủ Tướng Nguyễn văn Hảo.

Nghe kể trong Ngày 30 Tháng Tư 1975, Phó TT Nguyễn văn Hảo lê lết trong Dinh Độc Lập, xin được gặp cho bằng được tên Bắc Cộng cầm đầu bọn lính Bắc Cộng vào Dinh, để “mách bu” chuyện Quốc Gia Việt NamCH có 16 tấn Vàng Y cất trong Kho Ngân Hàng Quốc Gia. 33 năm đã qua kể từ ngày ấy, mời quí vị đọc vài tài liệu về chuyện bọn Bắc Cộng lấy 16 tấn Vàng của Quốc Gia VNCH, của Nhân dân VNCH.

Những tài liệu dưới đây đăng trên Tuần báo Tuổi Trẻ VC xuất bản ở Sài Gòn:


Tuổi Trẻ. Trích:

Kể lại về 16 Tấn Vàng VNCH và 2 Ngày Kiểm Kê Kho Vàng. Câu chuyện thật về 16 Tấn Vàng của Kho Bạc VNCH được tiết lộ bởi chính người ký giấy bàn giao cho đại diện Ban Quân Quản.

Đây là bài viết, đăng trên Tuổi Trẻ, của một viên Trung Úy Quân Bắc Cộng đến tiếp thu Ngân Hàng.

Sĩ quan Bắc Cộng kể: Sáng 1-5, theo phân công, đơn vị chúng tôi đến Trụ sở Ngân Hàng Quốc Gia số 17 Bến Chương Dương. Trước cửa Trụ sở lúc đó ngổn ngang súng ống, quần áo, đồ đạc nhà binh. Chúng tôi tiến vào bên trong Ngân Hàng. Các nhân viên bảo vệ Ngân Hàng vẫn còn đó, kể cả viên Thiếu tá Cảnh sát Ngụy.

Chúng tôi cho họ về nhà và triển khai đội hình bảo vệ tòa nhà. Lúc ấy, thú thật là chúng tôi không biết trong đó có 16 tấn vàng, chỉ biết đây là mục tiêu cần bảo vệ nghiêm ngặt trong những ngày đầu giải phóng. Tôi cũng không biết ông Nguyễn Văn Hảo là ai, nhưng chúng tôi được lệnh của cấp trên là phải cử hai chiến sĩ đi bảo vệ ông Hảo. Vào thời gian ấy, tôi thấy ông Hảo có đến Ngân Hàng làm việc gì đó.

Tôi chỉ được biết tầng hầm chứa vàng ở đây khi tham gia nhóm kiểm kê. Nhóm kiểm kê lúc đó có tôi, anh Lân và anh em trong đơn vị; về phía Ban Kinh Tài có anh Huỳnh Kỳ Thanh, cô Tiếp… Về phía Ngân Hàng Quốc Gia có hai anh viên chức cũ ở đây là anh Huỳnh Bửu Sơn và anh Lê Minh Kiêm.

Tầng hầm chứa vàng sáng choang, khá rộng, rộng đến mức có thể… đá bóng được. Tiền và vàng được cất giữ trong những tủ sắt đặt trong các hầm. Mỗi cửa hầm đều có ổ khóa riêng, sau lớp cửa đó là cửa hầm tự động với khóa bằng mã số. Lần đầu tiên tôi thấy vàng nhiều đến như thế, thấy được những thoi vàng lớn như thế.

Tôi thò tay định cầm thử một thoi vàng lên, anh Huỳnh Bửu Sơn thấy vậy phì cười, anh nói: “Không lấy thế đứng thì khó mà nhấc lên được”. Quả thật, một thoi vàng coi nhỏ vậy mà nặng khoảng 13kg. Tôi lại thấy nhiều loại đồng tiền vàng rất đẹp, rất lạ và nghe nói rất quí, cả những cúc áo bằng vàng thật độc đáo.

Người giữ chìa khóa Kho Vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn — nhân viên Nha Phát Hành Ngân Hàng Quốc Gia.

Bài đăng trên tờ Tuổi Trẻ, Sài Gòn, trích đoạn như sau.

Báo Tuổi Trẻ. Lời kể của ông Huỳnh Bảo Sơn

– Những ngày đầu Tháng 5-1975, tôi đến trình diện tại Ngân Hàng Quốc Gia ở Số nhà 17 Bến Chương Dương, thủ đô Sài Gòn cùng một số bạn đồng nghiệp, chỉ thiếu vắng vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc Gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày chúng tôi đều phải có mặt tại Ngân Hàng. Rồi tôi được phân công tác tại Vụ Phát Hành và Kho Quĩ. Những ngày tiếp theo, Ban Quân Quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh.

Vào đầu Tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc Gia tham gia cuộc kiểm kê Kho Tiền và Vàng của chế độ cũ, các Kho Tiền và Vàng của Ngân Hàng Quốc Gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát Hành, nơi tôi làm việc trong ban Quản đốc từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Khi ấy, anh Giám Đốc Nha Phát Hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số nhân viên còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa cửa kho và anh Lê Minh Kiêm – Chánh Sự vụ – là người giữ mã số của các hầm bạc.

Trước đó, việc kiểm kê Kho Tiền và Vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên chúng tôi thường làm mà cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, Kho Tiền và Vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số Tiền và Vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.

Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân Hàng Quốc Gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn. Cần nói thêm là các hầm Bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.

Đại diện Ban Quân Quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong cuộc kiểm kê là một anh bộ đội còn trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện. Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt – chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia. Số Vàng đúc lưu giữ tại Kho của Ngân Hàng Quốc Gia vào thời điểm đó gồm Vàng thoi và các loại Tiền Vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi – Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do Tổng Nha Quan Thuế tịch thu từ những người buôn lậu vàng qua biên giới, phần lớn từ Lào về Việt Nam. Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của các thoi Vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi. Những đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ, có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán (computer) của Ngân Hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.

Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa là biết khớp đúng ngay. Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, – mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong Kho lúc đó (nếu tôi nhớ không lầm) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm giải phóng.

Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi kiểm kê xong số lượng Giấy Bạc dự trữ. Việc kiểm kê số Vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.

Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng Tiền và Vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách điện toán từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia.

Ngưng lời kể của Ô. Huỳnh Bửu Sơn. Ô. Huỳnh Bửu Sơn có liệt kê từng Tủ Vàng và từng Hầm kho tàng. Cuối bài viết, ông ghi: “Tổng cộng: 1.234 thoi vàng.”

Ngưng trích bài “16 Tấn Vàng” trên Tuần Báo Tuổi Trẻ VC.


Nhân viên Ngân Hàng Quốc Gia Huỳnh Bảo Sơn viết:

Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại.

Ông HB Sơn tưởng bọn Bắc Cộng dùng số Vàng ấy vào việc kiến thiết đất nước? Tội nghiệp thì thôi. Hai tên Đầu Xỏ Bắc Cộng những năm ấy là Lê Duẩn, Lê đức Thọ đã “nuốt trọn” số Vàng ấy, hai tên làm tiêu tan 16 tấn Vàng trong êm ru, bà rù. Không một người Việt nào lên tiếng hỏi bọn Bắc Cộng về số 16 Tấn Vàng đó. Hai tên Lê Duẩn, Lê đức Thọ xứng đáng được ghi tên tuổi trong Sách Kỷ Lục Guiness về chuyện chúng “nuốt trôi” 16 tấn Vàng trong một sớm, một chiều, chúng “nuốt” Vàng ngon ơ, không hóc, không nghẹn, trong lúc nhân dân Việt Nam, chủ nhân của 16 tấn Vàng ấy, không phải là trơ mắt ếch nhìn mà là không ai hay biết gì cả.

Những năm 1980, 1990, 2000, 2050 không người Việt Nam nào dám lên tiếng hỏi bọn Bắc Cộng về 16 tấn Vàng, nhưng như thế không phải là nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ có ai dám hỏi. Sẽ có ngày người Việt Nam hỏi, sẽ có ngày bọn Bắc Cộng phải nhận tội chúng đã chia nhau ăn trọn 16 tấn Vàng của nhân dân Quốc Gia Việt Nam CH. Vàng có thể sẽ không lấy lại được một lạng nhưng những tên ăn Vàng — đã chết — sẽ bị quật mồ, chúng sẽ phải chịu tội trước Lịch Sử.

———————————————————————

* Thơ Nguyễn Thượng Hiền:

Lúc tạnh, lúc mưa, trời thay đổi

Cùng khổ, cùng lo, đất cũng vất vả.

No comments:

Post a Comment