Thursday, January 21, 2016

Sãi Vãi với Nguyễn-Cư-Trinh

Tôi dùng quyển "Sãi Vãi" của nhà xuất-bản Tân-Việt . Trị-sự tạm thời: 20 Amiral Courbert (étage No 2), Saigon. Sách được in theo giấy phép số 340/ T. X. B. của bộ T. T. T. T. (thông tin tuyên-truyền ?) Nam-phần Việt-Nam. Theo như bức thơ thay lời tựa của Hải Đường Chim Hải Yến và "Dẫn" của Lê Ngọc Trụ, Phạm văn Luật thì sách được tái bản lần đầu năm 1923. Quyển tôi hiện có được in khoảng 1950, 1951.
I- Gia-thế và thời-đại Nguyễn-Cư-Trinh

A.- Gia-thế và ảnh-hương gia-đình giáo-dục
Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) người Thừa-Thiên, tên chữ là Nghi, hiệu Đạm Am, con út ông Nguyễn Đăng Đệ.
Viễn-tổ ông là người huyện Thiên-Lộc (Nghệ-An) họ Trịnh tên Cam, làm quan nhà Lê đến chức Binh- bộ Thượng-thơ. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Lê (1527), Trịnh Cam lánh vào Thuận-Hóa, định chiêu-tập những người trung-nghĩa giúp vua Lê khôi phục ngôi báu ; nhưng chưa thành công ông đã mất.
Con cháu vào ở xã An-Hoà, huyện Hương-Trà (Thừa-Thiên ), đời nào cũng có người thi đỗ, đến Đăng Đệ là bảy đời.
Ông Đăng Đệ nổi tiếng văn-chương, thi đỗ sinh-đồ, làm chức huấn-đạo, sau thăng lên tri-huyện Minh-linh. Ông có biệt tài về chánh-sự, được thăng vào việc văn-chức tâu-đối rõ-ràng, nghị-luận thông-suốt. Chúa Hiển-tông Minh-vương (1691-1725) yêu mến, cho ăn họ Nguyễn.
Sanh trong một gia-đình văn-gia thế-phiệt, tất nhiên lúc thiếu thời Cư Trinh phải được thấm nhuần hán-học và giáo-lý Khổng-Mạnh. Sử chép : ông sớm trổ thiên-tài; mười một tuổi đã biết làm văn làm thơ; sau cùng với người anh họ, Nguyễn Đăng Thịnh, nổi tiếng văn-chương.
Ông thi đỗ hương-cống khoa Canh Thân (1740), được bổ làm Tri-phủ Triệu-Phong (Quảng-Trị). Sau, cũng như cha (Đăng Đệ), ông được thiên sung văn-chức; có phong-độ, gặp việc, thì dòng máu con nhà nghĩa-khí sôi lên trong huyết-quản, dám can ngăn, đáng mặt một bậc tránh-thần. Khi Thế-Tôn xưng vương, năm Giáp Tí (1744), ông được uỷ-nhiệm xem-xét và đặt-để tất cả công-văn.
Đọc đoạn tiểu-sử này chúng ta chú ý một điều : vốn dòng họ Trịnh, sở dĩ gia-đình ông Cư Trinh phò chúa Nguyễn ở Nam-hà là vì ảnh-hưởng của gia-đình giáo-dục và quyền-lợi của giai cấp sĩ-phu. Chí cần-vương nghĩa-khí của viễn-tổ Trịnh Cam : "phò Lê diệt Mạc" lưu-truyền trong gia-đình ông Đăng Đệ. Trong con mắt nhà nho chân-chánh, ChúaTrịnh sau này, cũng như họ Mạc thuở nọ, là bọn quân-nhân lộng hành, cướp quyền vua Lê, không đáng tôn-thờ.
Vả lại, từ khi Trịnh Tùng lấn quyền vua Lê (1570) và xưng Chúa (1599), giai cấp sĩ-phu bị thiệt-thòi rất nhiều.
Xuất-thân ở quân binh, Chúa Trịnh lo bảo-thủ quyền-lợi của quân-nhân : nào cấp công-điền, nào ban chức-sắc cho quân binh. Muốn rộng vây cánh, Chúa Trịnh còn tạo thêm một ngạch giám ban trong ngạch cai-trị thời ấy.
Năm 1718, muốn giảm thế-lực của sĩ-phu, Trịnh Cương (1709-1729) đặt ở phủ Chúa một cơ-quan riêng gọi là Lục-phiên. "Việc gì cũng ở bên Lục-phiên làm cả. Lục-bộ của Triều-đình (vua Lê) không còn quyền gì nữa".
Đến đời Trịnh Giang (1729-1740), "nhà Chúa chơi-bời xa-xỉ, lại có nhiều giặc-giã, phải tìm cách lấy tiền, đặt ra cứ tứ phẩm trở xuống ai nộp 600 quan thì được thăng một bậc. Còn những người chân trắng mà ai nộp 2800 quan thì được bổ tri-phủ, 1800 quan thì được bổ tri-huyện". Không phải bán hàm như đời Trần Dụ-Tông hay đời Lê Thánh-Tông, Chúa Trịnh đã bán chức thực cho bọn trọc-phú. Như thế, giá-trị của sĩ-phu quan-liêu phải vì đó mà sa-sút. Trong con mắt họ, Chúa Trịnh là bọn lộng-quyền, không xứng-đáng cho họ tôn-thờ. Trái lại, đáng tôi trung phải coi bọn ấy là quân bất-nghĩa.
Trong khi chánh-sách của Chúa Trịnh đã làm cho giai-cấp quan-liêu phải tan rã ở Bắc-hà, thì trong Nam, Chúa Nguyễn lại mở rộng cửa để thâu dụng nhơn-tài. Bị lấn áp, giảm giá ở Đàng Ngoài, tất-nhiên nho-sĩ Bắc-hà phải tràn vào Nam tìm "Minh quân" diệt Trịnh vậy !
Những người học rộng tài cao, có tài hùng-biện, đánh giặc giỏi, phụng-sự Chúa Nguyễn phần nhiều là người Bắc-hà vào Nam :
Đào Duy Từ (1572-1634), làng Hoa-Trai (Thanh-hóa);
Nguyễn Hữu Tiến (1602-1666), làng Vân-Trai (Thanh-hóa);
Nguyễn Hữu Dật (1604-1681) làng Gia-Miêu, (Thanh-Hóa).
Chính những công thần ấy đã giúp Chúa Nguyễn chống quân Trịnh hơn nửa thế-kỷ (từ năm 1617 đến năm 1672) : xây đồn Trường-Dục, đắp luỹ Đồng-Hới, chận được quân Cúa Trịnh ở bên kia Sông Gianh.
Cùng chung số phận với giai cấp quan-liêu của triều-đình nhà Lê, gia-đình Cư Trinh cũng tìm "minh quân" để phò Lê diệt Mạc, rồi sau diệt Trịnh, và đã từng giúp chúa Nguyễn đắc-lực. Bằng-chứng là gia-phổ Cư Trinh gốc họ Trịnh đã hóa ra họ Nguyễn, từ ông Nguyễn Đăng Đệ.

B- Hoàn cảnh xã-hội đã un-đúc tinh-thần sáng-tác quyển Sãi Vãi

Ở Bắc-hà, Chúa Trịnh vì chánh-sách tham-tàn bị hãm vào một tình-trạng bế-tắc : các tầng lớp dân-chúng trong xã-hôi từ bần nông, thương-nhơn đến sĩ-phu đều bất-bình, hoặc theo các tôn-thất nhà Lê (Lê Duy Chúc, Lê Duy Quý, Lê Duy Mật), hoặc tự mình khởi nghĩa để diệt Trịnh phò Lê :
Nguyễn Cừ ở Hải-Dương (1739),
Vũ Đình Dung ở Sơn-Nam,
Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo) ở mạn biển Đồ-Sơn (1743-1751).
Lê Duy Mật thì chống-cự rất lâu, từ năm 1738 đến năm 1769.
Nhưng trong khi ấy, ở Nam-hà, Chúa Nguyễn nhờ hiệp sức với sĩ-phu đi sát với thật-tế, trở nên cực thạnh dưới triều Võ-Vương (1738-1765). Đến triều Võ-Vương, hai mục chánh trong chương-trình nhà Nguyễn đã thực-hiện :
1.- Chống Trịnh phương Bắc;
2.-Tổ-chức nội-trị để củng-cố quyền tự-chủ, và hoàn-thành cuộc Nam-tiến (1759).
Chính trong giai-đoạn nầy ta sẽ thấy bật rõ vai-trò lịch-sử của nho-sĩ cấp-tiến mà ông Nguyễn Cư Trinh là nhà Lãnh-đạo sáng-suốt nhứt.
a.-Triều Võ-Vương; từ 1738 đến 1750

Chúa Nguyễn Phúc Khoát cải-cách việc nội-trị. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa thứ tám của Triều Nguyễn, rất có thanh-thế.
Bảy vị tiền-bối của Chúa là :
1.-Nguyễn Hoàng, Thái-Tổ Gia Dũ, Chúa Tiên (1558-1613).
2.-Nguyễn Phúc Nguyên, Hy-Tông Hiếu Văn, Chúa Sãi (1613-1635).
3.-Nguyễn Phúc Lan, Thần-Tông Hiếu Chiêu, Chúa Thượng (1636-1648).
4.-Nguyễn Phúc Tần, Thái-Tông Hiếu Triết, Chúa Hiền (1648-1687).
5.-Nguyễn Phúc Trăn, Anh-Tông Hiếu Nghĩa, Chúa Nghĩa (1687-1691).
6.-Nguyễn Phúc Chu, Hiển-Tông Hiếu Minh, Quốc Chúa (1691-1725).
7.-Nguyễn Phúc Chú, Túc-Tông Hiếu Ninh, Định Quốc Công (1725-1738).
Bảy đời trước vẫn xưng Chúa, Đến Thế-Tông Nguyễn Phúc Khoát, miền Nam đã được vững bền thạnh-trị, nên sau sáu năm trị-vì, đến năm giáp Tí (1744), chúa là người thứ nhất xưng vương lấy hiệu Võ-Vương.
Chúa sanh ngày 18 tháng 8 năm Giáp Ngọ (nhằm 26-9-1714), chúa kế vị cha (ngày 7-6-1738), chưa được hai mươi lăm tuổi. Ngài : "sức lực khoẻ mạnh, mặt mũi khôi-ngô, tóc để dài đã hoa râm, trán rộng, tai dài, mắt to mà không thô, râu mép rậm đen, miệng rất tươi, dưới cằm có ít râu thưa-thớt. Cổ ngài hơi to, vai rộng và ngực nở, hai bàn tay dài, bụng to, người to lớn bệ-vệ, chân vừa phải và bàn chân to.
"Những khi Ngài ngự, áo đại triều thì dù đứng giữa hàng trăm quan cũng nhận ra được, vì không ai to lớn bằng Ngài"; (Chân-dung Ngài tả lúc Ngài 35 tuổi). Vừa lên ngôi (1738), Ngài đã ân-xá một số tội-nhơn, thăng phẩm-trật cho quần-thần, cho đến mấy quan có đạo Thiên-Chúa cũng được thăng chức. Rảnh tay với họ Trịnh đất Bắc và hoàn-thành cuộc an-ninh trong nước, Ngài chỉ còn lo phô-trương uy-thế và mở rộng lãnh-thổ vào Nam.
Ngài lo lập dinh định phủ. Cuối năm 1738 và đầu năm 1739, Chúa cho cất một cái điện theo kiểu mới bên tả điện cũ tại đất Phú-Xuân. Thuở ấy các cố-đạo Thiên-Chúa được Chúa Ninh-Vương (1725-1738), với chánh-sách khoan-hồng, cho phép truyền giáo, nên đã xây dựng "nhà thờ" khắp nước; ngay tại kinh-đô Huế có đến năm cảnh nhà thờ. Kiểu kiến-trúc mới của Âu-tây du-nhập vào trong xứ. Năm1754 Chúa cho xây thêm những dinh cho các hiền thần, lập vườn Thượng-Uyển và làm hồ Vọng Nguyệt.
Với chí làm chuyện lớn, năm Giáp Tí (1744), Ngài xưng vương hiệu, phong vương các bậc tiên-đế, ban chức-tước cho Hoàng-tộc. Các quan văn võ trong triều đều có sắc phục tề-chỉnh. Quan chia ra làm sáu bộ. Bộ về văn-học gọi là Hàn-lâm. Đạo vệ-binh thì đặt tên là Võ-lâm.
Nước chia ra làm 12 dinh :
1-Chính dinh (Phú-Xuân)
2-Cựu dinh (ái-Tử)
3-Quảng-Bình dinh
4-Vũ-xá dinh
5-Bố-Chính dinh
6-Quảng-Nam dinh
7-Phú-Yên dinh }
8-Bình-Khang dinh } đất Chiêm-Thành
9-Bình-Thuận dinh }
10-Trấn-Biên dinh {
11-Phiên-Trấn dinh { đất Chân-Lạp
12- Long-Hồ dinh {
Phủ Quảng-Nghĩa và phủ Quy-Nhơn thì thuộc về Quảng-Nam; đất hà-Tiên thì đặt trấn.
Ngài ra lệnh cho dân-gian đổi y-phục : lối ăn mặc theo Đàng Ngoài được thay-thế bằng lối y-phục của người tàu.
Trong nước thái-bình thạnh-trị; nông nghiệp phát-đạt; thương nghiệp phồn-thạnh. Các nước ngoài ra vào buôn-bán ở Hội-An (faifoo), đất Nam-hà thuở ấy được các thương nhân ngoại-quốc gọi là Quảng-Nam Quốc.
Trong xứ xài tiền đồng; năm 1745, Võ-Vương cho mua kẽm Âu-châu về chế ra thêm thứ tiền kẽm, để tiện việc thương mãi.
Võ-Vương biệt-đãi giai-cấp sĩ-phu. Năm Canh Thân (1740), Ngài định lại phép thi :
Người đậu kỳ đệ nhứt gọi là nhiêu-học, được miễn sai 5 năm;
Đậu kỳ đệ nhị và đệ tam được miễn sai chung thân;
Đậu kỳ đệ tứ gọi là hương-cống, được bổ làm tri-phủ, tri huyện .
Thời này xuất-hiện vài quyển hán-văn :
"Hổ trướng xu cơ tập" của Đào Duy Từ;
"Chiến cổ đường" của nữ-sĩ Lam-Anh và chồng là Nguyễn Dưỡng Hao;
"Hà-Tiên thập cảnh vịnh" của Mạc Thiên Tứ (1706-1780), người đứng ra lập Chiêu-Anh-Các ở Hà-Tiên.
Về văn nôm có:
"Ngọa long cương" của Đào Duy Từ;
"Song tinh bất dạ" của Nguyễn Hữu Hào (?-1713)
"Huê tình" của Nguyễn Phúc Đán (1699-1753)
"Sãi Vãĩ" của Nguyễn Cư Trinh
b-Cuộc khủng-hoảng tôn-giáo dưới triều Võ-vương

Sự cải-cách do chí lớn của Thế-Tông Nguyễn Phúc Khoát lại bắt nguồn và đi đôi với việc khủng-hoảng tôn-giáo thời bấy giờ; phong-trào "sấm truyền" tràn lan khắp nước. Đại ý những sấm đó là: "Đến tám đời thì trở về Kinh-đô", hoặc là:"Đất Nam-hà có tám đời Chúa. Chừng nào núi hóa thung-lũng, cửa biển bị lấp nghẹt..., người mới xuất-hiện ra, bấy giờ nước sẽ về tay người khác và sẽ bị người ngoại-quốc thống trị".
Các vị hoà-thượng sẵn ghét đạo dâng sớ xin nhà vua chống đạo Thiên-Chúa. Họ giải thích rằng sự căm giận của Thiên-đình đã làm phát hiện ra những thiên-tai thảm khốc:
-Cửa biển bị cát lấp nghẹt.
-Núi nứt làm hai làm cho lòng trái đất rúng động.
-Một đàn chuột trùng-trùng điệp-điệp kéo ra cắn phá mùa-màng.

' ' '

Đạo Thiên-Chúa đã bị cấm nhặt từ năm 1644. Đến đời Minh-Vương (1691-1725), sự giết đạo lại còn kịch-liệt, bởi chúa tôn-sùng đạo Phật.
Chúa Ninh-Vương (1725-1738) kế vị ban lịnh ân-xá tội nhân huỷ tiêu sắc lệnh cấm Đạo. Nhờ nhân-cách đạo-hạnh của các cố-đạo, con chiên theo về ngày một đông. Thậm chí bà phi sủng ái của vua, bà phi Từ-Mẫn họ Trần cũng theo Đạo. Nhà thờ xây dựng khắp xứ.
c-Mọi đá-Vách.

Ở Quảng-Nghĩa có mọi Đá-Vách.vì chúng ở vùng núi đá dựng như tấm vách. Vùng ấy choán từ thung-lũng sông Trà-Khúc đến tả ngạn sông An-Lão. Đến triều Võ-vương, gặp những năm mưa lụt đói kém chúng xuống quấy-nhiễu, quan quân đánh mãi không được. Năm Canh Ngọ (1750), Võ -Vương bổ Nguyễn Cư Trinh làm Tuần-phủ Quảng-Nghĩa lo việc phủ-dụ quân Mọi ấy.
Nhận thấy tâm-lý suy-đồi của quan quân và quần chúng, ông biết không thể đột ngột cử binh. Nhơn cơ-hội "Mọi Đá-Vách" ông dọn đường để tuyên-truyền kin-đáo cho cuộc Nam-Tiến hoàn-thành :
"Nếu không đánh để sau sanh tệ",
cho đúng với câu : "Nhung Địch thị ưng"
bởi :
"Đường Nam phương thấy đó chẳng xa".
Với mấy câu kết-thúc trong truyện Sãi Vãi, ông đã bộc-lộ tư-tưởng cấp-tiến của mình để hấp dẫn dân-tình bằng giọng văn nôm biến cách : văn vè của bình-dân. Dùng lối vấn-đáp, ông tỏ ý răn bảo và kích -thích tướng-tá.
Chí cương-quyết của ông đã được ban-thưởng bằng sự thành-công. Ông tiến quân : một đạo binh kéo đến nơi thì bọn mọi đã bỏ sào-huyệt trốn hết. Ông chẳng vội rút binh. Ông cho lập "Quảng-Ngãi đồn dinh" với sáu "đạo" lo nghiêm việc canh-phòng. Ông cho cất trại, mở đồn-điền, làm kế như ở lâu. Giặc Mọi thấy thế hoảng sợ ra đầu thú.
' ' '

Nguyễn Cư Trinh tha-thiết với quan-niệm : trị quốc bình thiên-hạ bằng cách áp-dụng thuyết " tri hành hiệp nhất" của Vương Dương Minh. Khi bình định Mọi Đá Vách, ông không dùng lối đàn-áp bằng quân-sự hay tuyên-truyền suông. Rõ biết chúng vì nạn mưa lụt đói rét mà làm liều, phá quấy cướp giựt, nên việc đầu tiên của ông là lo giải-quyết vấn-đề sanh-kế của chúng bằng cách tổ-chức lập đồn-điền. Vô tình hay cố ý, ông thiết lập một giai-cấp tân-địa-chủ. Chính giai-cấp ấy sẽ bảo-vệ hoà-bình để an-cư lạc-nghiệp. Mùa đông năm 1751, ông làm sớ dâng vua, bày tỏ nỗi khổ sở của thổ dân và yêu cầu Triều-đình nên tuỳ thời để giữ lòng dân, vì dân là gốc của nước. Sớ ấy tâu lên, không công-hiệu gì ông bèn xin từ chức. Vua mới triệu về, bổ ông sang làm chức ký-lục dinh Bố-Chính. Nơi đây ông tỏ ra sáng-suốt. Vừa đến là ông lo đặt thêm đồn-luỹ, canh-phòng cẩn-mật.. Lúc bấy giờ, Chúa Trịnh gởi thơ xin mượn đường Trấn-Ninh để đi đánh Lê Duy Mật. Ông viết thơ trả lời không cho. Bên Trịnh biết rằng ông có phòng-bị nên thôi.
' ' '

II- Dư-ba quyển Sãi Vãi hay là sự hoàn-thành cuộc Nam-Tiến


Nhờ soạn quyển Sãi Vãi để can khuyên quan quân và kích-thích tướng-sĩ mà ông Nguyễn Cư Trinh tiến binh được và bình-định Mọi Đà-Vách. Cuộc thắng trận ấy Khiến triều-đình để ý đến tài thao-lược và óc tổ-chức cai-trị của ông, khi ông vừa ba mươi lăm tuổi.
Tài kinh-bang của ông còn thấy khi được bổ làm ký-lục Bố-Chính dinh là ông lo củng-cố cuộc phòng-thủ, nên quân Trịnh chẳng dám làm ngang.
Nhận rõ chân-tài ấy, nên năm 1753, khi vua Chân-Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn-Man ở trong Nam, Triều-đình bèn cử ông làm tham-mưu lo việc đánh dẹp. Ông ba phen thắng giặc, hiến "Kế tàm thực" và sau mười năm ở cõi ngoài, hoàn thành cuộc Nam-tiến : nước Thủy Chân-Lạp hoàn-toàn thuộc về chúa Nguyễn Đàng Trong.
' ' '

Mấy đời Chúa trước chỉ chiếm miền Đông, và phía tây, thâu phục Hà-Tiên. Bấy giờ, miền rừng sát hoang-vu cực nam là vùng Lôi-Lạp (Gò-Công), Tầm-Bôn (Tân-An) và vùng các cửa sông Cửu-Long là Ba-Thắc (Sóc-Trăng, Bặc-Liêu) và Trà-Vang (Trà-Vinh, Bến-Tre) vẫn thuộc của vua Chân-Lạp.

' ' '

Đồng thời với việc thôn-tính nước Chiêm eo-hẹp (1611-1692), Chúa Nguyễn đã tiến lần xuống miền Đồng-Nai, phì-nhiêu. Hơn một thể-kỷ (1623-1739) do việc giành ngôi lẫn nhau của mấy vua Miên mà Chúa Nguyên lần hồi thâu-phục đất-đai: Mô-Xoài (Bà-Rịa, Biên-Hòa: 1658), Sài-Côn (Gia-Định: 1698), Định-Tường (Mỹ-Tho) và Long-Hồ (Vĩnh-Long: 1731). Phía vịnh Xiêm-La, Mạc-Cửu dâng đất Hà-tiên và hòn Phú-Quốc cho Chúa Nguyễn từ năm1714, và sau, con là Mạc Thiên Tứ mở thêm bốn huyện (1739): Long-xuyên (miền Cà-Mâu), Kiên-Giang (Rạch-Giá), Trấn-Giang (miền Cần-Thơ) và Trấn-Di (miền bắc Bặc-Liêu).

' ' '

Đến Triều Võ-Vương, vua Chân-Lạp Nặc Ông Tha (Sothea) nhờ chúa Nguyễn mà giữ ngôi báu ở La-Bích (Lovek)(1736-1748). Sau Nặc Ông Thâm (Thomea), chú của Tha, thua chạy trốn bên Xiêm từ năm 1715, lại trở về đánh đuổi Nặc Ông Tha và cướp ngôi (1748), song chẳng bao lâu, mất.
Mấy người con của Thâm tranh ngôi, Võ-Vương sai Nguyễn Hữu Doãn làm thống-suất đánh dẹp và lập Nặc Ông tha làm vua trở lại. Được vài tháng, Tha bị con của Thâm là Nặc Nguyên (Ang Snguôn) đem quân Xiêm về đánh đuổi (1750). Tha thua, chạy sang Gia-Định cầu cứu, nhưng chết ở đấy.
Nặc Nguyên tranh được ngôi vua lại thường đem binh lấn-hiếp người Côn-Man là tàn-tích dân Chiêm sang trú-ngụ từ năm 1693. Mặt Bắc, Nặc Nguyên lại thông-sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) để lập mưu đánh Chúa Nguyễn mà giành lại Thủy chân-Lạp.

' ' '

Tình thế nghiêm-trọng.

Bấy giờ trong nước nông-nghiệp mở-mang: thương-mãi với ngoại-quốc được thạnh-vượng; nghề khai mỏ ( mỏ vàng ở thuận-Hóa và Quảng-nam, mỏ bạc ở Quảng-Nghĩa, mỏ sắt ở Bố-Chánh) được phát-đạt. Nhà nước thâu thuế được nhiều "Tính đổ đồng từ năm 1746 đến năm 1752, số vàng, thâu được hơn năm ngàn lượng, số bạc, thâu trót vạn lượng..."
Vậy phải lo ngừa giặc trước; vả lại, đó cũng là cơ-hội, khi nước giàu mạnh, cho Võ-Vương lo mở rộng biên-cương... Nên mùa đông năm Quý Dậu 1753, Võ-Vương sai ông Thiện-Chính (khuyết tên) (1) làm thống-suất và ông Nguyễn Cư Trinh, ký-lục Bố-Chánh dinh làm tham-mưu, điều-khiển tướng-sĩ năm dinh(1) đi đánh Nặc Nguyên. Quân tiến đến Ngư-Chử(Bến-Nghé), lập dinh-trại, kén sĩ-tốt, trừ-bị cho nhiều, để làm kế khai-thác.
Mùa hạ năm Giáp Tuất (1754), ông Cư -Trinh với ông thống-suất chia quân tiến lên. Ông Cư Trinh đến đâu, giặc đều quy-phục; đi qua đất Tần Lê (?) ra đến sông Lớn cùng hội quân với ông Thiện-Chính ở đồn Lô-yêm(?). Từ đó tiến binh :phủ Lôi-Lạp (Soi-Rap:Gò-Công), phủ Tầm-Bôn(Tân-An), phủ Cầu-Nam(Ba-Nam), phủ Nam-Vinh(Nam-Vang; Phnom-Penh), bốn phủ hàng cả. Rồi chiêu-phục người Côn-Man để làm thanh-thế.
Nặc Nguyên chạy trốn gần Vĩnh-Long; gặp mùa nước nổi, phải ngưng đánh phá. Đến mùa xuân năm Ất Hợi(1755), ông Thống-suất về đồn Mỹ-Tho, dẫn theo hơn vạn người Côn-Man mới chiêu-phục. Đến đất Vô-Tà-Ân(?) bị quân của Nặc Nguyên đổ ra đánh úp. Quân của ông Thống-suất đi hậu tập bị mắc bụi rậm vũng lầy, không thể đến cứu-viện. Ông Nguyễn Cư Trinh mới đem quân của ông đến cứu được hơn năm ngàn người Côn-Man, vừa trai vừa gái, rồi đem về trú ở núi Bà Đinh(Bà Đen).
Nhân ông hạch tấu ông Thiện-Chính về tội để mất cơ-nghi mà bỏ dân mới phụ-hàng, Vua giáng ông ấy xuống làm chức cai-đội, cho ông Trương Phúc Du thay thế. Ông Cư Trinh với ông Phúc Du bắt người Côn-Man đi tiên-phong đến đánh hai phủ Cầu-Nam và Nam-Vinh.
Nặc Nguyên thua, chạy trốn sang Hà-Tiên nương theo Mạc Thiên Tứ, nhờ Tứ xin hộ với Chúa Nguyễn, hiến hai phủ Tầm-Bôn, Lôi-Lạp để chuộc tội, và bổ vào lệ triều-cống đã bỏ ba năm về trước, cùng để xin cho về nước. Vua không cho. Ông Cư trinh mới dâng só tâu rằng :
"Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ-khôi, mở-mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối-quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho nó hàng, thì nó sẽ chạy trốn; mà từ Gia-Định đến La-Bích, đường-sá xa-xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh(Phiên-Trấn và Trấn-Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia-Định, trước phải mở phủ Hưng-Phúc(Biên-Hòa), rồi mở đến phủ Lộc-Dã (Đồng-Nai) để quan-dân hoàn-tụ, rồi sau mới mở đất Sài-Côn. Đó là cái kế "tằm ăn dâu" đó.


Sãi Vãi với Nguyễn-Cư-Trinh

Sãi rằng:
Phật ôi là Phật ! Tu hỡi là tu !
Chúa sánh chúa Đường Ngu; tôi ví tôi Tắc Khiết.
Giang-san cũ thâu về đất Việt; điền tịch xưa đem lại trời Nam.
Chốn chốn đều tư tái tư tam; nhà nhà cũng tỉ xương tỉ xí.
5- Già phò gậy đến xem thạnh-trị; trẻ ngậm cơm mừng gặp thái-bình.
Nước sông vàng lẻo-lẻo dòng xanh; dân con đỏ hây-hây nhà rạng.
Chợ chưa ra giá bán; đường chẳng lượm của rơi.
Đời đã nên đời ; thú vừa vui thú.
Linh-San am quê ngụ, Sãi sắc tứ tu trì.
10- Lòng mộ đạo tăng-ni, miệng niệm Nam-mô Phật.
Bì chi kẻ đua-tranh xảo-quyệt; quản bao (người) bạn-tác ngư-hà.
Lòng từ-bi mộ đạo Thích-Ca; nguyện Phật-pháp vui bề trai-gái.
Tiêu-diêu cảnh ngoại, nong-nả trần trung.
Tương dưa đòi bữa no lòng, bô vải miễn cho ấm cật.
15- Màn trời chiếu đất, gẫm tợ am thanh.
Đạo Như lai càng niệm càng lành; câu giáo-hữu thoạt ngâm thoạt lạ.
Dựa màu thuyền bát-nhã; lần chuỗi hột bồ-đề.
Rỗi mộc-ngư diễn kệ sớm khuya; nương thạch khánh phần hương trưa tối
Ước siêu tam muôi, ngõ thoát cửu huyền
20- Lăm đền mộc bổ thuỷ nguyên; dốc báo càn-khôn phù tái.
Vãi rằng:
Chẳng hay ông sãi, quê-quán phương nao ?
Lời diễn kệ rất cao, đạo tu-hành thêm chói.
Sãi rằng:
Lựa là phải hỏi quê vức làm chi;
Nếu phải đạo tăng-ni, tu cùng nhờ phần phước.
25- Sãi người sanh trong nước, Sãi cũng khỏi xâu bơi.
Sãi sanh ở trong đời, Sãi cũng không thuế khóa
Khăng thìn đạo cả; vẹn giữ giềng ba.
Ngay với chúa, thảo với cha; nghĩa cùng thầy, tin cùng bạn.
Xưa Sãi biết chăn dân muôn quận; xưa Sãi hay giữ việc nhà vàng.
30- Già cám ơn mãi mã huyền dương; hùm nghe chánh cong đuôi về núi.
Xưa Sãi cũng biết giữ mình làm côi; xưa Sãi cũng hay lấy đức chăn dân.
Giữ thước mực cầm cân; đánh roi bồ răn chúng.
Lỡ bề lương-đống, tạm dụng rui mè.
Sãi học lại vãi nghe, hoạ là có lòng chuộng.
35- Mới tụng kinh vừa xuống, nghe tiếng khánh gióng lê.
Ngỡ là chuông vua Hạ Võ chiêu hiền; ngỡ là đạc đức trọng-Ni thiết giáo
Sãi yêu vì đạo, Sãi dấu vì duơn.
Thấy mụ vãi nhan sắc có hơn; Sãi theo với tu-hành kẻo thiệt.
Khoan khoan ! chưa biết vãi ở chùa nào?
40- Thanh tân mày liễu má đào; đẹp-đẽ mắt sao da tuyết.
Lòng người dầu thiết, thời đạo cũng gần.
Qua tây-phương còn cách trở non thần; sau phương-trượng đã sẵn-sằng bàn Phật
Ngoài che sáo nhặt, trong xủ màn thưa.
Lạnh thời có mền bát-tơ; nực thời có quạt lục-phủ.
45- Chiếu du trơn như mỡ; thuốc lá ướp hoa ngâu.
Rượu hồng cúc ngàu-ngàu; trà mỹ xuân phức-phức.
Sẵn đồ, sẵn đạc; sẵn vãi, sẵn thầy;
Thoát liêu sau cho gần đó gần đây; vào cùng Sãi đặng tu hoài tu hủy.
Vãi rằng:
Lời sao nói nguy, chẳng phải tánh chơn.
50- Tu làm sao mà lo thiệt lo hơn ? Tu làm sao mà tham tài tham sắc ?
Ấy chẳng là bội đức. Chớ tu những điều chi ?
Sãi rằng:
Sãi cũng muốn tu trì, khốn thiếu đồ khí-dụng.
Thiếu chuông thiếu trống ; thiếu kệ thiếu kinh.
Thiếu sứa thiếu sinh; thiếu tiêu thiếu bạt ;
55- Thiếu bình thiếu bát; thiếu đậu thiếu tương ;
Thiếu bình bông lư hương; thiếu tiền bàn lá phủ;
Thiếu hài thiếu mũ ; thiếu hậu thiếu y;
Thiếu tiền đường sơ ly; thiếu thượng phương liễn đối;
Thiếu bê son bình sái; thiếu tích trượng ca-sa;
60- Thiếu hương thiếu hoa; thiếu xôi thiếu Phật. Ấy là đồ vặt, Sãi hãy sắm sau.
Thứ nào kíp làm đầu, Sãi phải toan sắm trước.
Nhiễu Thượng-Hải, Sãi sắm một cái quần cho tốt; bố cát-căn, Sãi sắm một cái áo cho xuê
Nón kiểng-hàng, sãi sắm một cái cho xinh ghê; quạt ban trúc, sãi sắm một cây cho báu riết.
65- Giày hồng-hài, Sãi sắm một đôi để đạp gót; khăn bích-cân, Sãi sắm một cái để bịt đầu.
Sãi lại sắm một đứa tiểu-đồng con-con để cắp ống điếu cho mầu; Sãi lại sắm một thước hồ la đo-đỏ, Để buộc đãy sô cho ngỏa.
Chợ nào nhiều bạn-hàng các ả, xóm nào đông bổn-đạo các dì,
Sãi một tu lại tu đi, Sãi một tu lên tu xuống.
Sãi lại sắm một cái phương-trượng, để sau liêu vắng-vẻ một mình,
70- Trên mặt thì rộng thinh; dưới chân cho kín mít.
Đương khi thời cơm thịt, có bổn-đạo vừa lên;
Nghe tiểu-đồng tằng-hắng tiếng lên, mấy đĩa thịt Sãi thâu vào đó.
Sãi lại sắm một cái vườn nho nhỏ, ở cho cách xóm xa xa.
Đề phòng khi bổn-đạo chửa nghén ra, dễ khiến Sãi khoanh tay mà ngồi vậy.
75- Sãi lại sắm tiền nghề bỏ đãy, sáp tốt để đánh môi;
Ngộ phải khi cờ bạc thua hoài, dễ khiến Sãi khoanh tay ngó lảng.
Sãi lại sắm một hai bình thuốc tráng, với năm bảy đạo bùa mê;
Sắm một tiểu-tăng cho hay tin lại tin về; sắm một tín-nữ cho hay nói ngon nói ngọt;
Phải nơi gái tốt, vả lại nhiều tiền;
80- Giữ nết-na nó chẳng đến chùa-chiền, há khiến Sãi làm thinh mà giả điếc.
Việc Sãi thì Sãi biết, việc Vãi thì Vãi hay ;
Ghé cho khỏi cánh tay, kẻo mà tuông nhằm vế.
Vãi rằng:
Lời sao nói quấy, tai chẳng muốn nghe.
Trí-tuệ thông như "hoa nở bồ-đề"; nhơn-duyên bạc tợ "nhị thù Ưu-Bát".
85- Tuy ngồi mật thất, nào khác thông cù ;
Trời xa xa rộng thẳm mà chẳng mù; lưới lộng-lộng bủa thưa mà không lọt.
Nói một lời lỗi luật, tu muôn kiếp khôn đền.
Sãi rằng : Nơi Thiên-đường, ông hỡi chưa lên; chốn Địa-ngục, ông toan kíp xuống.
Sãi rằng:
Vãi này hẹp lượng, chẳng biết hí ngôn.
90- Có Thiên-đường thì quân-tử tu lên; có Địa-ngục thì tiểu-nhơn tu xuống.
Hễ là quân-tử lượng, thì tu đức thắng tài.
Thờ vua, hết ngay ; thờ cha hết thảo.
Một lời nói phải nhơn phải đạo, ấy là tu ngôn;
Một việc làm chẳng hại chẳng tham, ấy là tu hạnh.
Lấy nhân mà tu tánh, lấy đức mà tu thân.
95- Tu minh-đức để mà tân dân ; tu tề gia để mà trị quốc.
Ấy là trang hiền-đức, tu cho phải đạo tu.
Ngoài thì tu khoan-dũ ôn-nhu ; trong thì tu hoà-bình trung-chính.
Tu cung, tu kính ; tu kín, tu thành.
Đã phải đạo tu-hành, lại thêm nền phước-chỉ
100- Tự nhiên: đắc-lộc, đắc vị ; đắc thọ, đắc danh.
Đắc phú-quý hiển-vinh. Ấy Thiên-đàng là đó.
Hễ là trang hiền-ngõ, thì tu đến Thiên-đàng.
Còn kẻ tiểu-nhơn gian, thì tu vào Địa-ngục.
Tiểu-nhơn thói tục, tu những tánh phàm.
105- Tu những lòng bạc-ác gian-tham ; tu những dạ hung-hoang tàn-bạo.
Nuôi cho lớn mà tu lòng bất-hiếu ; ăn cho no mà tu dạ bất-trung.
Tu sắc lành để mà a-ý khúc-tùng ; tu lời khéo để mà sức-phi văn-quá.
Người hiền-ngõ, tu ghét-ghen ngăn-trở ; kẻ lỗi-lầm, tu tìm-kiếm don-ren.
Tu lưỡi mềm lấy của cho đầy then ; tu mưu độc hại người cho đã giận.
110- Đứa tiểu-nhiơn như rận, tu rút máu người ta.
Tu càng dày càng nhục ông nhục cha; tu càng dày càng hại con hại cháu.
Tu vơ tu váo ; tu chạ tu càn.
Hễ là đứa đại-gian, thì tu điều bất-ngãi.
Âm vi quỷ-thần sở hại, dương vi vương-pháp sở tru.
115- Ấy là tiểu-nhơn chi tu, thì ắt tu vào Địa-ngục.
Muốn nghe đấng tu mà thoát tục, hãy còn trang thượng-trí chi tu.
Nhớ thủa Đường Ngu, thánh xưng Nhị Đế;
Nhị Đế người tu kỷ, mà trăm họ đều an.
Tam Vương người tu nhân, mà muôn dân đều trị.
120- Dầu những Hớn , Đường kế chí, Tống, Minh tương truyền.
Có tu đức, thì thiên-hạ mới trị yên ; có tu nhân , thì cơ-đồ mới củng-cố
Dầu những tu văn tu võ, người cũng tùy thời mà tu.
Thuở thái-bình, yển võ tu văn ; cơn bát-loạn, yển văn tu võ.
Trên một người tu đủ, dưới trăm họ hoà-hài
125- Hây-hây thọ-vức xuân-đài ; tu vậy thiệt trang thượng-trí.
Bằng muốn xét cho cùng nhơn-sự, hãy còn nhiều trung-trí chi tu.
Kìa như Mặc Địch Dương Chu, tu một việc vị nhơn, vị ngã.
Nhổ mảy lông, mà lợi cả thiên-hạ, thì Dương Chu tu một sự chẳng vui.
Mài hết trán, mà lợi có một người, thì Mặc Địch tu một lòng chẳng nại.
130- Dầu những Thích-Ca tu lại, cùng với Đạt-ma tu qua.
Tu cho tính-chuyên là La-Thập Cưu-Ma; tu cho khổ não là Văn-Thù Bồ-Tát.
Ấy là người ngoại-quốc, chọn theo thói Trung-Hoa.
Chê sự đời phú-quý vinh-hoa ; muốn vui thú thanh-nhàn dật-lạc.
Nghiệm chữ kia cho xác, chữ Tiên là "nhứt cá sơn nhơn".
135- Suy chữ nọ cho chơn, chữ Phật là "phất tri nhơn sự".
Ai dữ thì mặc dữ , ai lành cũng mặc lành.
Nhà hưng vong, phụ tử chẳng binh ; nước trị loạn, quân thần chẳng đoái.
Song chẳng can danh phạm ngãi; cũng không dịch tánh biến tình.
Tham Thiên-đường phải giữ lòng lành ; sợ Địa-ngục nên chừa thói dữ.
140- Tuy vô ích cũng không sanh sự; ấy là trang trung-trí chi tu.
Còn như tu mà hoá ngu, hãy còn nhiều trang hạ chí.
Kìa như Hán Võ-Đế; đã nên đứng minh-vương;
Nọ như Tần Thỉ-Hoàng ; rất nên trang hung-bạo.
Tham-lam cầu Đạo, lặn-lội tầm Tiên.
145- Mỏi sức người, trăm họ chịu lao-phiền; hao của nước, muôn dân than đồ-khổ.
Trăm chước sưu-cầu thì có, mảy lông ứng-nghiệm vốn không.
Đất Luân-Đài phải Hớn chẳng hối-ngộ trách cung ; aỉ Hàm-Cốc thì Tần cũng rắp-ranh làm phản.
Hỡi nhiều như Hán, chẳng chi một Tần.
Đời nào tu cho hơn Tống Đạo-Quân; đời nào tu cho kịp Lương Võ-Đế.
150- Nhục Mạc-Bắc, sao Tiên chẳng đến cứu về ? Đói Đài-thành, sao Phật không ra trợ nạn?
Tiếc cơ-đồ gầy dựng gian-nan : hoài sự-nghiệp tổ-tông sáng-tạo.
Châu-Sư đã vang-dầy tên pháo, Tề ngươn còn giảng đạo hoài hoài.
Khiết-Đơn đà vậy-phủ trong ngoài, Khâm Nhược vẫn tu trai mãi-mãi.
Hư thời đã phải, thác chẳng ai thương.
155- Hễ đạo làm đế làm vương, thì phải tu nhân tu chính ;
Tu quyền, tu bính; tu kỷ tu cang.
Trên, thì tu Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang; dưới, thì tu kinh luân thao-lược.
Có đâu đi bắt chước thầy sãi mà tu-trì.
Đương ban ngày dầu có phép lên trời, luận đạo trị chẳng ích chi cho nước.
160- Thấy đâu đặng phước, đều những manh tai.
Nếu cứ theo mê đạo hoài-hoài, như vậy chẳng là trang hạ-trí ?
Vãi rằng:
Ngỡ là ông sãi, chẳng biết sự tu.
Ai dè gỉa đứa ngu, mới hay là bợm lịch
Khôn ngoan trong sạch, chữ nghĩa từ hoà.
165- Hẳn vàng nọ chưa pha; thiệt ngọc kia còn ẩn
Chẳng kiêu, chẳng lận; biết kính, biết nhường.
Biết tiểu-nhơn cỏ-rác mà rẻ-rang, biết quân-tử ngọc-vàng mà yêu-chuộng;
Biết khinh, biết trọng; biết của, biết người.
Ông có biết chuyện đời, nói nghe chơi cũng khá

Sãi rằng:
170- Vãi này cũng lạ, chớ hỏi mà sầu.
Uổng năm dây đờn khảy tai trâu; hoài muôn hộc nước xao đầu vịt.
Sãi không có biết, Sãi chẳng có hay.
Ghé cho khỏi cánh tay, kẻo mà quang xuống vế.
Vãi rằng:
Sãi nầy thất lễ, vả lại bạc tình.
175- Chớ có thấy Vãi tu-hành, tưởng Vãi không thông thế-sự.
Đã hay rằng nam-tử, thì có chí kinh-luân;
Song le đấng phụ-nhân, cũng ghen tài tế-thế.
Kìa như Châu Thái-Tỷ, kinh còn khen đức rạng khuê-môn.
Nọ như Tống Tuyên-Nhơn, sử còn ngợi nữ trung Nghiêu, Thuấn.
180- Gái như Tạ Đạo Uẩn, gái mà hay vịnh tuyết thành thơ;
Gái như Thái Văn Cơ, gái mà biết phân cầm nên khúc.
Chương gián chúa khỏi vòng dật-dục, ấy là Đường Từ-Huệ thứ-phi.
Thơ cứu cha khỏi chốn tai nguy, nọ như Hớn Đề-Oanh thiếu-nữ.
Nam-tử nhiều trang nam-tử; phụ-nhân ghe đấng phụ-nhân.
185- Thuyền bách trôi, ngàn dặm hỡi băng-băng; sách sử để, muôn năm còn vặc-vặc.
Gái có tài có sắc; gái có đức có công.
Thuyền-quyên đâu dễ kém anh-hùng; ông Sãi nỡ phụ chi mụ Vãi.
Sãi rằng:
Thậm phải ! Thậm phải ! Mừng thay, mừng thay, mừng thay !
Khát hạn luống trông mây; ôm cầm mà gặp khách,
190- Chẳng cây cứng sao hay búa sắc; không đường dài nào biết ngựa hay.
Vậy thời Sãi vén mây ngút, phát chông-gai, đặng cho Vãi thấy trời xanh, tìm đường cả.
Hiếm chi điều lạ; biết mấy chuyện kỳ.
Kề tai lại mà nghe, ghé vú ra kẻo đụng.
Sãi muốn nói một chuyện xa-xa cho Vãi thủng, gẫm trong kinh chép đã thành xe;
195- Sãi muốn nói một chuyện gần gần cho Vãi nghe, gẫm trong Sử ghi đà nên Đống.
Truyện Hớn, truyện Đường, truyện Tống: truyện Thương, truyện Hạ, truyện Châu
Chuyện phu-tử làm đầu; chuyện quân-thần rất hệ.
Sãi muốn nói một chuyện : " Quân sử thần dĩ trung", Sãi lại sợ Mãng, Tào sanh oán.
200- Sãi muốn nói một chuyện : " Ví phụ chỉ ư từ" cho Vãi han, Sãi lại e ông Cổ Tẩu dức rằng ngày
Sãi muốn nói một chuyện : " Vi tử chỉ ư hiếu" cho Vãi hay, Sãi những sợ vua Tùy Dương chê rằng ngộ.
Sãi muốn nói một chuyện : " Vi nhân bất phú",
Sãi lại e thầy Nhan-Tử mắng rằng : khéo mở miệng mà tấn ơn.
Sãi muốn nói một chuyện : " Vi phú bất nhơn",
Sãi lại sợ anh Thạch Sùng trách rằng : khéo thổi lông mà tìm vít.
Sãi muốn nói một chuyện : "Tài tụ tắc dân tán" cho Vãi biết, thì Thương làm sao nên mất mà phải bày;
205- Sãi muốn nói một chuyện : "Tài tán tắc dân tụ" cho Vãi hay, thì Châu làm sao nên hưng mà phải thuyết.
Việc Vãi thì Vãi biết, việc Sãi thì Sãi hay;
Gắng công-phu mà tu luyện cho lâu ngày, đêm thanh vắng Sãi hãy nói cùng một chuyện.
Vãi rằng:
Ông nầy tu-luyện, có chí anh-hùng :
Thuộc sử-kinh chứa để đầy lòng; mang y-bát chơn truyền phải mặt.
210- Dầu chẳng "Vạn gia sanh Phật", cũng là "nhất lộ phước tinh".
Thời chưa nên, còn chờ đợi công-danh; vận dầu gặp, chắc hiển-dương thinh-giá
Sãi rằng:
Chữ phụ-nhơn nan hoá, mụ vãi biết là đâu?
Câu bên sông, Lữ còn chờ đợi công-hầu; cây ngoài nội, Doãn những mơ-màng Nghiêu Thuấn;
Bất tri nhi bất uẩn, hữu đức tất hữu lân.
215- Sớm mười hai, dầu chẳng đội đồng cân; muộn bảy mươi mốt, cũng đeo ấn tướng.
Công-danh chẳng tưởng, vì bịnh thất-tình.
Tồn ư trung bất chánh, ắt chẳng lành; phát ư ngoại bất hòa, thời thất tiết.
Tu dầu lòng chi thiết, Sãi vui trên trời rộng.
220- Vui nước biếc non xanh lộng-lộng; vui trăng thanh gió mát làu-làu.
Trong ba ngàn, Sãi vui để một bầu;
Ngoài sáu đạo, Sãi vui thông tam-giới. Non Bồng-Lai bước tới, Sãi vui với Bát Tiên;
Núi Thương-Lãnh tìm lên, Sãi vui cùng Từ Hạo.
Vui nhơn vui đạo, vui thánh vui hiền.
225- Vui tiếng chuông giục khách lui thuyền; vui chiếc dép trương buồm nương gió.
Lánh cõi tục, Sãi vui thuyền Bát-Nhã; rửa bụi trần, Sãi vui nước Ma-ha.
Đạo thương người, Sãi vui giáo Thích-Ca; nhân cứu chúng, Sãi vui lòng Bồ-Tát.
Vui một bình, một bát; vui một đạo, một hề.
Luận sự vui cho ngỏa cho nguê, chi bằng Sãi vui cùng mụ Vãi ?
230- Thêm bịnh nầy không cãi, sãi có bịnh hay thương.
Sãi thương Đấng Tam Hoàng; Sãi thương ngôi Ngũ Đế.
Thương vì hiếu vì đễ; thương vì đức vì tài.
Thương vua Nghiêu áo vải quần gai; thương vua Thuấn cày mây cuốc nguyệt.
Ăn hẩm-hút, thương vua Võ, thương càng chí thiết; ở lao tù, thương vua Văn, thương rất xót-xa.
235- Thương ông Châu Công, trung đã nên trung, còn mắc tiếng gièm-pha;thương đức Khổng-Tử, thánh đà nên thánh, hãy ghe phen hoạn-nạn.
Thương mấy kẻ mưu-thần nhà Hán, không tội mà chết oan; thương những người văn-học đời Tần, vô can mà chôn sống.
Thương Gia-Cát có tài lương-đống, gặp chúa chẳng phải thì;
Thương Nhạc Phi nên tướng ân-uy, không hòa mà bị hại.
Thương đi thương lại, thương chẳng có ngần
240- Ngồi đêm đông, thương người nằm giá khóc măng; lên aỉ Bắc, thương kẻ chăn dê uống tuyết.
Thương càng chí thiết, thương rất đỗi thương.
Thương cho khắp bốn phương, chi bằng thương mụ Vãi.
Song lòng nầy còn ngại, vì có bịnh giận dai.
Sãi giận phải, chẳng phải giận sai; Sãi giận thật, sãi không giận dối.
245- Sãi giận Sãi nhiều lầm nhiều lỗi; khi lỗi lầm, sãi một giận hoài.
Sãi giận Sãi ít đức it tài; tưởng tài đức, Sãi càng giận riết.
Sãi giận Sãi kinh-luân chẳng biết; Sãi giận Sãi thao-lược không hay.
Sãi giận Sãi : thờ quân vương chẳng hết lòng ngay; Sãi giận Sãi : ơn phụ mẫu chưa đền nghĩa thảo.
Tưởng trong nhơn-đạo; Sãi một giận căm;
250- Suy nghiệp cổ câm, Sãi thêm giận lắm.
Khi Đổng Trác lung-lăng nhà Hán, Sãi giận chàng Hà Tấn vô mưu.
Lúc Khuyển Nhung phá phách nhà Chu, Sãi giận gã Thân Hầu thất kế.
Máu sục-sục sôi dòng Vị-Thủy, giận Thương-quân hành chánh chẳng lành.
Thây chan-chan lấp nội Trường-Bình, giận Bạch Khởi ra oai rất dữ.
255- Hớn dầu yếu, giận Lữ làm quái-gở; Đường chưa suy, giận Võ dám lăng-loàn.
Tội Võ đà xấp-xỉ Lộc san; tội Lữ cũng rắp-ranh Vương Mãng.
Giận quanh giận quẩn, giận chẳng hay cùng.
Giận Vãi sao chẳng chút mến lòng, khiến sãi luống giận hoài mệt-mỏi.
Lại còn thêm một nỗi, sãi có bịnh hay yêu.
260- Chẳng yêu kẻ dâm-kiêu, chỉ yêu người trung-chánh.
Luận trong chơn tánh, đầu phải yêu thân; suy lý hành nhân, cuối thì yêu vật.
Yêu chí thiết, yêu người nhân-đức; yêu mặn nồng, yêu kẻ tín-thành.
Yêu trượng-phu lượng rộng thinh-thinh; yêu quân-tử lòng ngay trác-trác
265- Yêu gan sắt, mài mà chẳng nát; yêu lòng son, nhuộm cũng chẳng đen.
Yêu lỗ tai, lời trung chánh nghe quen; yêu con mắt, việc cổ kim dèm tỏ.
Tiết lạnh lẽo, Sãi yêu kỳ ký ruổi giong.
Con thảo cha, Sãi yêu bằng ngọc bằng vàng; tôi ngay chúa, Sãi yêu bằng châu bằng báu.
Luận như yêu đạo, thì Sãi yêu đạo trung-dung; suy như yêu lòng, thì Sãi yêu lòng nhân-ngỡi.
Vãi rằng:
270- Yêu mà nhà lợi, nước lợi, thiên hạ lợi, chi bằng yêu hiền ?
Yêu mà tài nên, đức nên, phú quý nên, chi bằng yêu sĩ ?
Yêu trang tuệ trí, yêu kẻ tài năng,
Như yêu sự lăng-nhăng, chi bằng yêu mụ Vãi ?
Tưởng chuyện nầy còn dại, bịnh hay ghét ở mình.
275- Ghét chẳng phải vô tình, ghét thiệt là hữu thú.
Ghét Kiệt, ghét Trụ; ghét Lệ, ghét U
Ghét nhân chánh chẳng tu, ghét cang thường nỡ bỏ.
Luận như ghét cho đủ, Sãi ghét đứa bất hiếu, bất trung;
Luận như ghét cho cùng, Sãi ghét đứa đại gian đại ác.
280- Ghét kỳ ghét quặc; ghét lạ ghét lùng.
Đọc Ngu Thơ ghét đảng Tứ-hung; coi Tống Sử, ghét bầy Ngũ-quỷ.
Ghét hoài, ghét huỷ; ghét ngọt, ghét ngon.
Ghét đứa cầu mị mà giết con, ghét đứa tham sang mà hại vợ.
Uốn lưỡi vạy, ghét người nước Sở; dạ tham-lam, ghét kẻ nước Tề.
285- Ghét đứa gian hay cậy thế cậy thì, ghét đứa dữ hay hại nhà hại nước.
Ghét thấy lợi mà chạy xuôi chạy ngược; ghét thấy nghĩa mà lo thiệt lo hơn.
Sãi ghét người ích-kỷ hại nhơn; Sãi ghét đứa gian phu dâm phụ.
Ghét đứa hay co hay cú; ghét người chẳng thiệt chẳng thà.
Ấy là ghét xưa nay mấy việc người ta, chưa bằng ghét Vãi sao vô tinh cùng Sãi.
290- Lại bịnh nầy khôn giải, về một nỗi muốn nhiều
Muốn trên cho sánh đức Thuấn Nghiêu; muốn dưới thảy nên tài Y Lữ.
Nghĩa từ hiếu, muốn chưng giường phụ-tử; câu xướng tuỳ, muốn xử đạo vợ chồng.
Anh với em, muốn đễ muốn cung; bậu với bạn, muốn tin muốn thật.
Người hiền ngõ, Sãi muốn gần cho thiệt rất; đứa gian tà, Sãi muốn tránh cho xa-xôi.
295- Mở quyển vàng, tay chẳng muốn thôi; thấy đức bạc, mắt không muốn ghé.
Trong làng xóm, Sãi muốn không đảng tham ô.
Lưới thỏ giăng, sãi muốn cho củ-củ võ-phu; gót lân xéo, Sãi muốn cho gót lân xéo
Muốn sao muốn dữ, muốn chẳng hay cùng ;
Muốn kinh-bang, chưa gặp vận hanh-thông; muốn tế-thế, hãy còn thời truân-kiển.
300- Đá Tinh-Vệ, muốn lấp sao cho cạn biển; đất nghĩ-phù, muốn đắp để nên non.
Muốn sao cho đều đặng vuông tròn, chi bằng muốn tu cùng mụ Vãi.
Những suy đi nghĩ lại, còn một bịnh sợ nhiều. Sợ Quách Khai hay đặt nên điều; sợ Lâm Phủ ngọt lời báng huỷ .
Sợ sắc tốt, hại người Sùng phải lụy; sợ báu kỳ, vu gã Viện mắc nàn.
305- Chị dâu sợ em vì sáu cái ấn vàng; tôi hiền sợ giặc vì một đôi ngọc trắng.
Sợ dài sợ vắn, sợ vẩn sợ vơ. Thuyền họ Trương ở khô, còn sợ sóng tràn bờ; đất nhà Kỷ vốn hẹp, hãy sợ trời sập mái.
Sợ giá mỏng, nước nhà cơ bại ; sợ móc nhiều, thân gái mình gầy.
Dương Quan-Tây còn sợ có bốn hay ; Khổng Phu-tử những dạy ba điều sợ.
310- Sợ vọt vắn, chưa mau chơn ngựa; sợ vách thưa, còn lậu hơi sương;
Sợ là sợ mật tuy lành mà ruồi những vấn-vương; sợ là sợ hoa chẳng độc mà bướm đà mê-mẩn.
Sợ càng ngơ càng ngẩn, sợ như dại như ngây.
Sợ tu chẳng trọn kiếp ông thầy, nữa rồi lại đụng nhằm mụ vãi.
Bờ giác-ngạn dễ đà đặng lại; bởi thất-tình còn hỡ năm mang .
315- Việc cổ kim chi xiết luận bàn; lời phẫn-uất chút ra tiêu-khiển.

Chú thích:
Uổng năm dây đờn khảy tai trâu: Nói chuyện nghĩa lý với kẻ ngu thì cũng uổng lời. Năm dây là năm bực của cung đàn : hò, sự, cống, liếu, xê.
Đờn năm dây là thứ đàn cầm của Trung-Hoa. Đờn kìm của ta có hai dây thôi.

hoài muôn hộc nước xao đầu vịt: Hao tốn vô ích. Hộc : 10 đấu hoặc 30 lít. Lông vịt có chất dầu không thấm nước, dùng muôn hộc nước để giội đầu vịt không ướt là làm việc thất công vô ích, không thấm vào đâu.
Phương ngôn có câu ; nước đổ đầu vịt, nước đổ lá môn.

quang: tiếng xưa, nghĩa là : đụng nhằm.

tế-thế: (kinh-bang tế-thế: tài kinh-tế ). Giúp đời.

Châu Thái-Tỷ: Gái nước Sằn, họ Tự, vợ vua Văn-Vương nhà Châu, mẹ của Võ-Vương. Tây Bá trị ngoại, Thái Tỹ trị nội . Có đức hiếu-kính, kiệm-cần, có lòng nhơn thương đến kẻ dưới. Không hề ghen ghét, các cơ thiếp thảy đội ơn. Đức chính lưu khắp.

Tống Tuyên-Nhơn: Vua Anh-Tông (1064-1068) đời Tống thăng-hà, để lại Thái-tử còn nhỏ, rất rõ tài chánh-sự. Sử khen là "vua Nghiêu Thuấn trong phần gái" (nữ trung Nghiêu thuấn).

Tạ Đạo Uẩn: Cháu gái quan tể-tướng Tạ-An đời Tấn có tài làm thơ, cùng anh là Tạ Lãng đọc bài thơ "Vịnh Tuyết" ; chú khen là có tài hơn anh.

Thái Văn Cơ: Tên Diễm tự Văn-Cơ, con của Thái Ung đời Đông Hớn. Trang tài nữ biết âm-luật. Nghe tiếng đàn biết phân biệt điềm lành dữ.

Đường Từ-Huệ: Từ-Huệ là thứ phi của vua Thái-Tông (627-650) đời Đường . Vua muốn xây bá-lạc-đài để thỏa tánh hoang-dâm dật-lạc. Triều thần can ngăn không được. sau bà Từ-huệ can, vua nghe, nên khỏi tốn hao của nước.

Hớn Đề-Oanh: Đề Oanh là con gái Thuần Vu Ý, đời Hớn Văn-Đế. Ông Thuần bị tội lăng trì, nhưng vì không có con trai để hậu-tự, nàng con gái thứ năm là Đề Oanh dâng thơ xin bán mình vào cung để chuộc tội cho cha. Vua thương tình bèn tha cha nàng
Thuyền bách: Nàng Cung Khương nước Tề lấy chồng là Cung Bá nước Vệ . Chưa cưới thì chồng chết, cha mẹ muốn gả chồng khác, nàng thủ-tiết không chịu, bèn làm thơ " Bách châu" tự ví mình như chiếc thuyền bằng cây bá, linh-đinh giữa dòng mà mà không sợ sóng gió.

Thuyền-quyên: Người con gái có sắc đẹp đẽ dễ thương.

ôm cầm: Tích bá nha và Chung Tử Kỳ. Bá Nha người đời Xuân-Thu, rất giỏi đờn. Nhơn về thăm quê nhà, nửa đêm ở dưới ghe, Bá Nha ôm đờn khảy. Chung Tử Kỳ nghe tiếng đờn mà biết được tâm-chí của Bá Nha khi trổi nhạc. Nhờ vậy nên hai người kết bạn "tri-âm" với nhau.
Khi chia tay, hẹn năm sau sẽ gặp nhau ở bến Mã-an. Đúng ngày hẹn, Bá Nha không thấy Tử Kỳ, ôm cầm khảy thì tiếng đời ai oán não-nùng. Bữa sau đi tìm mới rõ là Tử Kỳ đã chết. Bá Nha đến mộ, tế lễ, khảy một bài ai điếu., khóc-lóc thảm-thiết. Rồi đập đờn, thề không đờn nữa, vì cho ràng không còn ai biết nghe tiếng đờn của mình.

Mãng, Tào: (Vương Mãng và Tào Tháo). Vương Mãng tự Cự-Quân, hiệu An-Hớn-Công là quyền-thần đời Hớn Bình-Đế. Năm Bình-Đế thứ 4( Năm thứ 6 sau D.T.), giết vua, lập Nhũ Tử Anh, rồi soán ngôi, làm loạn hiên-hạ. Sau bị vua Quang-Võ tên Lưu Tú khởi binh trừ dẹp (22 sau D.T.)
Tào Tháo, (155-220) tự Mạnh-Đức , tiểu tự A-Man, danh nhơn đời Hậu Hán, có tánh đa nghi, nổi tiếng gian-hùng. Diệt Đổng Trác và thay y mà tiếm vị vua Hán Hiến-Đệ (190-219 sau D.T.). Hoàng-Hậu mưu phục ngôi vua ; nhưng bại lộ, bị Tháo hạ ngục và giết luôn cả Thái-tử. Tào Tháo cùng với Lưu Bị và Tôn Quyền chia ba nước Tàu mà chống chế nhau. Vì vậy nên sử gọi thời đó là Tam Quốc.

Cổ Tẩu: Cổ Tẩu- cha của vua Thuấn. Tánh độc-ác, cùng với vợ kế âm-mưu hãm-hại Thuấn, nhưng Thuấn là chí hiếu, chẳng bao giờ oán giận cha mẹ. Lòng chí hiếu của Ngài cảm-hóa được cha và mẹ ghẻ. Cổ Tẩu là người cha hung dữ.

Tùy Dương: hay Dương-Đế đời Tuỳ. (605-617). Con của Dương Kiên, Thái-tổ nhà Tuỳ 9589-617). Thuốc cha để đoạt ngôi, ông lại còn giết luôn hai em cho dứt hậu hoạn. Sau đào con kinh nối liền sông Hoàng-Hà với Dương-Tử-Giang. Bắt chước Tần Thỉ-Hoàng, ông cho cất đền-đài nguy-nga. Sau vì hoang-dâm quá độ nên chết trước khi bị soán ngôi.
Dương-Đế nhà Tuỳ là con bất-hiếu.

Nhan-Tử: Nhan Hồi hoặc nhan uyên (514-483 tr.D.T) . Học trò của Khổng-Tử. Được Khổng-tử mến vì. Mới 29 tuổi mà đầu đã bạc phơ. Ông ở trong cảnh hàn-vi và vẫn lấy làm vui. Ông chết hồi 31 tuổi, Khổng Tử có biếu cho Nhan Lộ, cha của Nhan-tử, một cái xe. Nhờ bán xe ấy mà người cha mới có tiền chôn con.

Thạch Sùng: Tự Quý Luân, người ở Nam Bì, đời Tấn. Làm thứ-sử Kinh-Châu, sau đổi làm vệ-uý, nhờ sai-khiến khách hàng-hải mà làm giầu lớn. Cất "Kim-Cốc biệt thự" tại Hà-Dương, cùng với bọn Vương Khải, Dương Tú kết bạn, chuộng sự xa-xí.
Nhà có người thiếp đẹp tên Lục Châu. Tôn Tú muốn được Lục Châu nên đến cầu với Sùng. Song Lục Châu không chịu, nhảy lầu tự tận. Tú giận, gièm với Triệu Vương Luân, nên Thạch Sùng bị giết..
Tương truyền Thạch Sùng sau khi bị hại, chết hóa ra con thằn-lằn, vì tiếc của, nên chắt lưỡi mãi. Người Bắc Việt gọi con thằn-lằn là con thạch Sùng.

tìm vít: do câu xuy mao cầu tì, thổi lông để tìm vít. Nghĩa bóng : tìm lỗi nhỏ-nhặt của người, kiếm chuyện làm khó người.

Tài tụ tắc dân tán: (tiền gom lại, ắt dân bỏ đi tứ tán). Cuối đời nhà Thương, vua Trụ Trị-vì (1154-1135 tr. D.T.) Ông là một vua bạo-ngược, hoang-dâm vô-độ. Mê Đắc Kỷ, Xây Bá-lạc-đài và giết chú là Tỉ Can, một ông quan trung-Thần, để lấy trái tim xem coi phải có bảy lỗ chăng ? Sau bị con của Tây Bá đánh ; ông phải trốn vào thành nổi lửa thiêu luôn mình trong thành.
Tài tán tắc dân tụ:(Đem tiền hậu đãi ắt được bè tôi gom về tùng-phục), kế nối nhà Thương, nhà Châu giữ ngôi gần 900 năm (134-247 tr. D.T.). Thái-tổ nhà Châu là Phát, con của Tây Bá, xưng hiệu Võ-Vương (1134-1116 Tr.D.T.) Chính Võ-Vương cầm quân của tây Bá sang đánh vua Trụ bại-tẩu tại bến Mạnh-Tân. Vốn tánh hào-hiệp, Võ-Vương hậu-đãi các bề tôi của vua Trụ, nên giữ vững được nghiệp đế.

y-bát chơn truyền: Nhà Phật dùng phép ở cái áo và cái bình bát đặng truyền đạo cho môn-đồ, cho nên học-trò học được đạo, thầy kêu là "y bát chơn truyền".

Vạn gia sanh Phật: Phật sống của muôn nhà, chỉ ông quan có nhơn-đức của dân . Lấy tích ông Tư-Mã Ôn-Công đời Tống, nhân-đức lắm. Dân chúng tặng ông là "Vạn gia sanh Phật' . Ông chết năm 1086, được dân-chúng lập đền thờ.

nhất lộ phước tinh: Người có vì sao tốt chiếu mạng, đường đời không vấp, hưởng phước trọn đời. Người có phước lớn ; được người đời ca-tụng .

hiển-dương thinh-giá: làm nên danh-gía và tiếng-tăm được vẻ-vang với đời.

phụ-nhơn nan hoá: Đờn-bà khó dạy

Lữ: Lữ Vọng. Cũng gọi là Khương Thái-Công hay Thái-Công Vọng hoặc Khương-Thượng. Tự là Tử-Nha, tên chữ là Lữ-Vọng.
Theo sử Tàu, trước khi Tây Bá muốn đánh vua Trụ, có mở một cuộc đi săn . Một nhà tiên-tri báo trước rằng, vua chẳng săn được thú, mà sẽ gặp một vị thần tướng.
Thật quả đến gành sông Vị, vua gặp một ông già đang ngồi câu. Vua bèn hỏi, ông đối đáp rất trôi chảy minh chánh. Vua bèn nói : tổ tiên có dặn trước rằng số nhà Châu sẽ phát-đạt khi gặp được một người hiền. Cho nên Tây Bá gọi ông già câu ấy là Thái-Công Vọng. Lữ Vọng giúp Tây Bá và con là Phát (Võ Vương), đến 90 tuổi mới mất

Y Doãn: Một vị Khai-quốc công -thần nhà Thương, giúp vua Thang đánh vua Kiệt nhà Hạ mà lập nên nhà Thương. Ông cày ruộng ở đất sằn mà chí vẫn định giúp vua làm nên thái-bình như đời Ngiêu Thuấn.

Bất tri nhi bất uẩn: do câu :
nhân bất tri nhi bất uẩn,
bất diệc quân-tử Hồ ?
(Luận ngữ),
nghĩa là : Người ta không biết sức của mình, mà mình không lấy làm giận, chẳng cũng là bực quân-tử ru ?

hữu đức tất hữu lân: Có đức ắt có láng giềng.

Sớm mười hai ...: Tích Cam La mới có mười hai tuổi được phong làm thượng Khanh đời Tần Thỉ Hoàng. Ý nói : Nếu chưa được hiển đạt như Cam LA thì...
muộn bảy mươi mốt ...: Tích Bá Lý Hề, bảy mươi mốt tuổi mới làm nên quan tướng giúp vua Tần Mục Công làn nên nghiệp bá.

Tồn ư trung bất chánh, ắt chẳng lành: Còn giữ ở trong lòng mà chẳng ngay...

phát ư ngoại bất hòa ...: Phát biểu ra ngoài chẳng hoà-thuận...

ba ngàn: Theo Phật-giáo có ba ngàn thế giới.

một bầu: Tích Phí Trường Phòng đời Hậu Hán rình thấy ông già bán thuốc ngoài chợ, có treo một cái bầu. Trường Phòng nghi là dị-nhơn mới xin ông già cho phép vô bầu coi. Chừng vô thì thấy đủ cả nhơn-gian thế-giới.

sáu đạo: Sáu đường đi đầu thai. Theo thuyết Phật, người chết sẽ theo việc làm của mình lúc sống mà đi đầu thai. Có sáu nẻo:
Thiên đạo : trời (thiên-đàng)
Nhơn đạo : người
A-tu la đạo : thần thánh
Quỷ đạo : quỷ
Súc sanh đạo : thú vật
Địa-ngục đạo : địa-ngục

tam-giới: ba cõi. Theo đạo Phật là : - dục-giới : cõi ở của mọi loài còn có tình-dục.
- sắc-giới : cõi ở của mọi loài trừ bỏ được tình dục nhưng vẫn còn hình sắc
- vô-sắc-giới : cõi ở của mọi loài không còn sắc tướng và được hưởng cái thú " vô thượng".
Theo đạo Lão, Tam giới là :
- Thượng giới (trời)
- Trung-giới (đất)
- Hạ-giới (nước).

Non Bồng (bồng-lai): - tên một trong ba hòn núi ở đảo Bột-Hải : Bồng-Lai, Bồng-Sơn, Doanh-Châu.
Theo Thần-thoại trung-Hoa, núi Bồng-Lai là chỗ tiên ở, cảnh tiên Đời Tần Thỉ-Hoàng có cho người đi tìm thuốc trường-sanh ở đó.

Bát Tiên: Tám vị Tiên đắc đạo ở núi Bồng-Lai :
1- Hớn Chung Ly,
2- Trương Quả Lão,
3- Hàn Tương Tử,
4- Lý Thiết Quài,
5- Tào Quốc Cựu,
6- Lữ Đông Tân,
7- Hà Tiên Cô,
8- Lâm Thái Hoà.

Núi Thương-Lãnh... tứ hạo: ( hạo : sáng-sủa như lúc mặt trời mọc). Khoảng đầu đời Hớn có bốn ông già ẩn-sĩ ở núi Thương-sơn, đời gọi là "Thương-sơn tứ hạo" :
- Đông Viên Công ;
- Kỳ Lý Quý ;
- Hạ Huỳnh Công ;
- Dụng Lý tiên-sanh. Vua Hớn Cao-tổ sai sứ triệu mà không chịu ra.
tiếng chuông giục khách lui thuyền: Đường thi có câu :
Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự,
Dạ bán chung-thinh đáo khách thuyền.
(Khách thuyền qua bến Cô-Tô,
nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn-Sơn).

vui chiếc dép trương buồm nương gió: Nước Ngụy đời Lương Võ-Đế, người Tống Vân đi sứ qua Tây-Vực . Dọc đường gặp Dharma ngồi trên một chiếc dép (?) vượt ngoài khơi. Tống về báo tự-sự với Lương Võ Đế . Vua ra lệnh quật mồ của Dharma, thấy di-thể chỉ mang có một chiếc dép.

nước Ma-ha: Có lẽ do chữ Mahabhadrâ (sông Gange). Ai cũng biết sông Gange (Hằng-Hà) đối với người Ấn-Độ là một sông linh thiêng . Các vị bồ-tát dùng nước sông Hằng làm phép để tẩy-uế, rửa sạch trần-luỵ.

Đạo thương người ...: Là thuyết bác-ái của Phật Thích-Ca, giáo-chủ đạo Phật.

nhân cứu chúng ...Bồ-Tát.: Phật Quan thế-Âm Bồ-tát, lòng từ-bi quảng-đại, hay cứu khổ cho chúng sanh .

Đấng Tam Hoàng: Ba vì vua thánh của nước Tàu đời Thượng-cổ:
Thiên Hoàng,
Địa Hoàng,
Nhơn Hoàng.
Có sách chép : Phục Hi, Thần Nông, Huỳnh Đế. ( 2852-2592 tr.D.T.)

Ngũ Đế: Năm vì vua thánh của nước Tàu sau Tam Hoàng . Có sách chép là:
Thái Hiệu,
HoàngĐế,
Thần Nông,
Thiếu Hiệu,
Chuyên Húc.
Hoặc là : Phục Hi, Thần Nông, Huỳnh Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn.

vua Nghiêu áo vải quần gai: Vua Nghiêu tánh chất-phác, tiết kiệm, vẫn mặc áo vải quần gai.

vua Thuấn cày mây cuốc nguyệt: Vua Thuấn lúc còn nghèo bị cha là Cổ Tẩu bắt đi cày ruộng ở núi Lịch-Sơn.

Ăn hẩm-hút, thương vua Võ: Đức Khổng-Tử nói : Vua Hạ Võ ăn uống đạm bạc, mặc áo xấu-xa, ở cửa nhà thấp nhỏ mà biết hiếu kính với quỷ-thần.
ở lao tù, thương vua Văn ...: Vua Văn-Vương lúc làm Tây Bá bị Sùng Hầu Hổ gièm với vua Trụ, Vua Trụ đem giam ông vào ngục Dũ-Lý suốt bảy năm.

Châu Công...mắc tiếng gièm pha: Châu Công là con vua Văn-Vương, lại là em của Võ Vương và chú của Thành-Vương. Khi Võ-Vương mất, Thành-Vương nối ngôi, vì còn nhỏ nên Châu Công làm nhiếp-chánh lo bỉnh chính. Bọn Quản Thúc là em của Châu Công ganh tị nên gièm với vua là quan nhiếp-chánh muốn giết vua để đoạt ngôi. Sau chúng nổi lên làm loạn. Châu Công cầm quân đánh thắng bọn ấy, lo củng-cố ngai vàng của Thành-Vương, tỏ ra hết sức trung-thành.

Khổng-Tử ... ghe phen hoạn nạn: Khổng tử giúp nước Lỗ cường thạnh. Vua Tề Cảnh-Công sợ Lỗ mạnh sẽ xâm chiếm bèn chọn gái tốt dâng vua Lỗ Định-Công để Ly-gián Khổng-Tử.
Khổng-Tử thấy vua Lỗ ham mê nữ sắc bỏ đi sang nước vệ, gần địa-giới nước Tồng bị người Khuông Ấp nhìn lầm ngỡ Dương Hổ nên vây. Sau Khổng-tử bỏ nước Vệ sang nước Tống giảng lễ với học-trò ở dưới gốc cây. Quan Tư-mã là Hoàn Khôi đem lòng ghét Khổng-Tử, sai người đốn cây và tìm giết, Khổng-Tử đổi dạng trốn sang nước Trịnh. Sau lại sang nước Trần và nước Sái ; nửa đường, vua sở Chiêu-Vương nghe tin, cho người đón. Ức lòng, quan đại-phu nước Trần và nước sái đem quân vây khổng-Tử. Bị vây ba ngày tuyệt lương, sau nhờ sứ nước Sở giải cứu đem về. Thật là trang thánh-nhơn mà gặp nhiều hoạn-nạn.

mấy kẻ mưu-thần nhà Hán ... chết oan: Mấy vị khai-quốc công -thần nhà Hán như : Hàn Tín, Bành Việt ...bị vua Cao-Tổ Lưu Bang nghi làm phản đem giết đi.

những người văn-học đời Tần ... chôn sống: Vua Tần Thỉ-Hoàng hung-bạo, muốn bỏ phong-tục cũ, mở đạo mới cho dân-gian, bị nho sĩ phản-đối kịch-liệt, nên đốt sách của Khổng-giáo và chôn sống 400 người học nho.

Gia-Cát: Gia-Cát Lượng tự Khổng-Minh, hiệu Ngọa-Long (181-234). Trang tài lược đời Tam qiuốc. trước ở ẩn Nam-Dương, tại Ngọa-Long-Cang, sau ra làm quân-sư cho Lưu Bị nhà Thục để rán khôi phục Hớn-thất. Nhưng vì vận Hớn đã suy, không thành công được.

Nhạc Phi ... không hòa bị hại: Tướng tài đời Tống Huy-Tôn 91120-1178), đem binh đi đánh Bắc Liêu. trong trào có Tần Cối vì ganh công của Nhạc Phi nên đề-nghị muốn hoà, xin vua hạ chỉ triệu Nhạc Phi về. Nhưng Nhạc không chịu hoà. Tần Cối gièm với vua là Nhạc có chí khác và mạo chiếu làm tội giết Nhạc Phi.

nằm giá: Vương Tường đời Tần, khi nghe mẹ muốn ăn cá lý-ngư mà ngoài chợ không ai bán vì tiết đông, giá lạnh đặc sông, bèn ra nằm bờ sông, đợi tuyết tan mà bắt cho được cá. Lòng hiếu-thảo của ông được toại nguyện.

khóc măng: Ngô Mạnh Tông đời tần là người con rất có hiếu. Đương mùa đông, mẹ muốn ăn măng trúc. Mạnh Tông kiếm không đặng , ôm cây trúc mà khóc, trúc tự nhiên nẩy măng ra.

ải Bắc ... kẻ chăn dê: Tô Võ cũng gọi là Tô Tử Khanh, tôi trung của Hớn Võ Đế, đi sứ Hung-Nô. Chúa Hung-nô là thuyền Vu ép phải hàng phục, nhưng Tô Võ không chịu. Thuyền Vu giận bắt Tô Võ bỏ vô hang ba ngày không cho ăn uống để cho chết. Nhưng Tô Võ nhờ nuốt giọt sương trên ngù cờ uống thấm giọng nên không chết. Vua Hung-Nô cho tô Võ là thần, không dám làm hại, chỉ đày ra ải bắc chăn dê, dạy rằng chừng nào dê đực đẻ mới cho về xứ. Mười chín năm sau, chừng Thuyền Vu giải hoà với nhà Hớn, Tô Võ mới được tha về.
cổ câm: tức là Cổ kim : xưa và nay.

Đổng Trác: Châu mục tây Lương đời hán Linh-Đế. Năm 167 sau D.T., đánh đuổi bọn Tây-Tạng. sau nhà Đông Hớn bị bọn hoạn quan Thập-Thường-thị lộng quyền, Đổng Trác được Hà tấn triệu về trào dẹp bọn chúng.
Đổng Trác đắc thế tung-hoành, mưu bỏ vua cướp nước, làm nhiều việc bạo ngược : dời kinh-đô nhà Hán ở Lạc-Dương qua Trường-an. Đổng Trác bị hạ sát năm 192.

Hà Tấn vô mưu: Nhờ uy-thế của chị làm Hoàng-Hậu, Hà tấn làm tới chức Đô-đốc. Khi vua Linh-Đế thăng-hà, ông thấy bọn hoạn-quan lộng-quyền mưu triệu Đổng Trác về dẹp bọn chúng, nhưng mưu ấy bại lộ, ông bị bọn hoạn-quan Trương Nhượng dụ vào cung ám sát.

Khuyển Nhung ...Thân hầu thất kế: Khuyển Nhung là một dân-tộc ở phía Tây bắc nước Tàu. Vua U-vương nhà Tây-Châu mê nàng Bao Tự bỏ ngôi thái-tử của nghi Cửu.
Thân Hầu, cậu của Nghi Cửu, dâng sớ can vua, nhưng U-vương nổi giận sai tướng đánh Thân Hầu. Vì nước nhỏ sợ cự không nổi, nên Thân Hầu cầu viện binh rợ Khuyển-Nhung để binh-vực thái-tử. Nhưng Nhung chúa lại đánh giết U-vương, chiếm Bao-tự, ngoài việc tóm thâu vàng bạc không xiết kể. Thân Hầu phải cầu-cứu chư-hầu mới dẹp được. Tây-kinh vì đó mà tan nát.

Vị-Thủy: Nước sông Vị. Sông Vị phát-nguyên ở tỉnh Cam-túc chảy qua phần đất Thiểm-tây vào sông Hoàng-Hà.

Thương-quân hành chánh chẳng lành: Vệ Ưởng làm tướng vua Tần Hiếu-Công được phong tước Thương-quân; ra điều luật rất nghiêm-khắc. Ưởng thường thân-hành đến sông Vị tra xét phạm nhơn. Có lần một ngày mà chém đầu hơn bảy trăm phạm nhơn, máu chảy đỏ cả nước sông Vị. Sau ông bị ám-sát năm 338 trước D.T.

Trường-Bình: hay Trường-Thành, chỗ Bạch Khởi diệt đạo binh của Triệu.

Bạch Khởi ra oai rất dữ: Danh tướng nhà Tần, Bạch Khởi đánh tan quân Triệu Quát tại Trường-Bình, chiêu hàng hơn 40 vạn quân Triệu. Vì sợ chúng sanh biến, bèn mật-lịnh quân Tần dùng vải trắng phủ đầu, đêm đến gặp người không vải trắng thì giết. Bốn mươi vạn quân Triệu một đêm đều bị giết hết, máu chảy thành sông, thây chất thành núi.

Hớn dầu yếu...Lữ làm quái-gở.: Cao-Tổ nhà Hán thăng-hà, truyền ngôi cho con là Huệ-Đế. Huệ-Đế tánh nhơn nhu, mẹ là Lữ Thái-Hậu lâm-trào bỉnh chánh, làm loạn nhà Hán, lắm sự quái-gở.
Sách chép rằng : mặc dầu con bà được cao-tổ truyền ngôi, Lữ Thái-hậu không dứt bỏ lòng ganh-ghét. Bà bỏ thuốc độc giết chết con bà hậu phi và bắt bà hậu phi đem móc mắt, xẻo tai, chặt chơn tay, đem bỏ ngoài đống phân, rồi kêu Huệ-Đế ra xem. Trông thấy một trang quốc-sắc thiên-hương, người sủng-ái của cha ngày nay chỉ là đống thịt tồi-tàn, Huệ-Đế kinh hồn mất trí.

Đường chưa suy ... Võ dám lăng loàn: Võ-Hậu tên Võ Tắc Thiên, từ hàng thứ-dân được trở nên một phi sủng-ái của vua Đường Thái-Tông (627-650). Thái-Tông mất, bà được vua Cao-Tông quý-trọng chọn làm chánh-hậu. Rồi đó Võ-Hậu lăng-loàn đến nỗi bỏ thuốc cho vua Cao-Tông chết, phế thái-tử, tự lập làm vua, lấy hiệu là Châu Hoàng-Đế, khai trừ các trung-thần, làm loạn nhà Đường. Bị lật đổ và thác năm 705.
Tội Võ đà xấp-xỉ Lộc san: An Lộc Sơn là con nuôi của Dương quý-phi, là người được Đường Minh-Hoàng (712-755) sủng-ái. Vì vậy nên An Lộc Sơn được Minh-Hoàng trao binh quyền; sau y làm phản, hãm kinh-đô nhà Đường.
Vậy đối với nhà Đường, tội của Võ-Hậu cũng gần bằng tội của An Lộc Sơn.

tội Lữ cũng rắp-ranh Vương Mãng: Vương Mãng rốt đời Hán, làm quan đại-thần. Thừa dịp đem con gả cho vua Bình-Đế. Sau phế đông-cung mà soán ngôi, làm loạn nhà Hán. Làm vua không bao lâu, bị Lưu Tú là dòng Tông-thất, hội quân phục quốc, bắt giết.
Vậy đối với nhà Hán, tội của Lữ Thái-Hậu cũng gần bằng tội của Vương Mãng.

dâm-kiêu: Hoang-dâm và ngạo-mạn

yêu thân: Yêu người người trong thân thuộc ( cha, mẹ, anh em).
Mạnh-Tử nói : người nhân trước hết phải yêu thân (cha, mẹ, anh em) rồi yêu người, sau cùng mới yêu đến loài vật

tín-thành: thành thật, tin cẩn

trượng-phu: Người đàn-ông đứng-đắn.

trác-trác: Đứng thẳng-thắn, lòng ngay chánh, không tà vạy.

Yêu gan sắt: Đức Khổng-Tử nói rằng :
Chẳng hiểu là bền sao mài mà chẳng nát ; chẳng hiểu là trắng sao nhuộm mà chẳng đen. (Luận ngữ)
Tỷ với người đức-hạnh, chân kiên-trình, chẳng bị vật ngoài làm loạn.

Tiết lạnh lẽo: Đức Khổng-Tử nói : "Năm tới mùa lạnh mới hay cây cây tòng, cây bá là héo sao ? " Tỷ với người người đức-hạnh kiên-trinh, gặp lúc nguy-hiểm cũng chẳng núng.

kỳ ký: Kỳ là ngựa giống sang. Ký là ngựa thiên-lý, có đốm rất đẹp. Kỳ, ký là hai con ngựa hay, có sức chạy ngàn dặm một ngày. Kỳ ký ruổi giong, do câu "Kỳ ký sinh trường đồ" là " ngựa kỳ ngựa ký ruổi giòng trên đường dài". Tỷ vói người hiền tài gánh vác được việc đời.
trung-dung: Thầy Tử-Tư, cháu đức Khổng-Tử, lo rằng đạo của ngài thất truyền nên soạn ra bộ Trung-Dung.
Đạo Trung-dung là đạo phải trung chánh, xử lẽ nào cũng đáng, không thái-quá, không bất-cập.

nhân-ngỡi: (nhơn nghĩa) .Nhơn là thương người, nghĩa là làm điều mình phải làm.

tuệ trí: Thông minh linh-hoạt.

lăng-nhăng: (lăng-quăng). Xằng bậy.

Kiệt: Kiệt ( 1818-1782 tr.D.T.). Vua Kiệt nhà hạ ( 2205-1782 tr.D.T.), sa mê Muội Hỷ,cho xây một cái hồ chứa rượu, xung quanh dọn thịt . Hễ ông ra lịnh thì ba ngàn cung-phi nhào xuống hồ ấy ăn và uống. Bỏ nát cang-thường, bị Thành Thang lấy nước.

Lệ: Lệ (878-828 tr. D.T.). Vua nhà Châu (1134-247 tr.D.T.), Không tu nhân-chánh, bạo-ngược, bỏ nát cang-thường.

U: U (781-771 tr.D.T.) .Vua nhà Châu say đắm nàng Bao Tự; một hôm Bao Tự buồn, vua hội quần-thần, hỏi có kế chi làm nàng khỏi u-sầu thì trọng thưởng. Quốc-Công khuyên vua cho nổi lửa ở núi Ly-sơn để gạt chư-hầu.
Các chư-hầu trông thấy lửa ngất trời và nghe trống hiệu ầm-ầm, ngỡ vua bị giặc đến cướp phá bèn vội-vàng dẫn quân cứu giá. Đến Ly-Sơn, thấy U-vương cùng Bao Tự uống rượu vui-vẻ, chẳng có gì, chư-hầu xẻn-lẻn trở về. Bao Tự trên lầu thấy chư-hầu bị gạt, thích chí vỗ tay cười sằng-sặc.
Về sau vua bị giặc Khuyển-Nhung vây khổn, đốt lửa núi Ly-Sơn ; sợ bị gạt nữa, nên không nột chư-hầu nào tiếp cứu. Vì vậy vua phải bị hại.
Vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà thương, và vua Lệ, vua U nhà châu, đều là những vua bạo-ngược.

Tứ-hung: Đời Đường Ngu, có bốn đứa dữ là :
Cùng Kỳ tức Cộng Công,
Hồn tức Hoan Đâu,
Thao Thiết tức Tam Miêu và
Đào Ngột tức Cổn,
đời kêu đó là Tứ Hung. Bị vua thuấn đày đi bốn nơi xa.

Ngũ-quỷ: Đời Tống có bọn
Vương Khâm Nhược,
Đinh Vị,
Lâm Đặc,
Trần Bành Niê
n, LưuThừa Khuê
gian-tà hiểm nguy, đời gọi là Ngũ quỷ.

cầu mị mà giết con: Dịch Nha là tên nấu bếp rất khéo của Tê Hoàn-Công đời Chiến-Quốc. Vua nói đùa : " Các giống điểu thú trùng ngư, ta ăn gần đủ mùi, chỉ có thịt người thì chưa biết vị nó ra thế nào? "
Dịch Nha muốn cầu mị với vua, về giết đứa con ba tuổi, làm món ăn dâng vua. Tề Hoàn-Công ăn ngon, hỏi ra mới biết, cho là Dịch Nha yêu mình, có ý tin dùng.
Sau Dịch Nha mưu phản, bỏ vua tề Hoàn-Công trong hầm đá hơn nửa tháng, đói khát mà chết.
tham sang mà hại vợ: Ngô Khởi người nước Vệ đời Đông-Châu, làm quan nước Lỗ, có người vợ nước Tề.
Đến khi nước Tề đánh nước Lỗ. Tể-Tướng Công-Nghi Hưu tiến-cử Ngô Khởi cho Lỗ-Hầu, nhưng vua Lỗ nghi Khởi không hết lòng bởi bởi vợ y là người nước Tề.
Ngô Khởi biết được, về giết vợ và đem đầu dâng Lỗ-Hầu, làm đại-tướng, lui được binh Tề.

gian phu dâm phụ: Gian phu : Đàn-ông thông gian với người đàn-bà không phải vợ mình. Dâm phụ : Đàn bà lấy trai.

hay co hay cú: Co-cú. hay gây-gổ, quạu-quọ.

Y Lữ: Y-Doãn và Lữ Thượng tức thái Công vọng.

từ hiếu: Cha hiền con thảo.

chưng giường phụ-tử: -(chưng : chi; giường : cương ; cang ), là "Phụ tử chi cang " : giềng mối giữa cha con.

câu xướng tuỳ: Do câu "Phu xướng phụ tuỳ" : chồng xướng vợ theo ; tức là vợ chồng hoà-thuận

muốn đễ muốn cung: Em kính yêu bực anh gọi là đễ. Cung là kính cẩn.

hiền ngõ: Có đức-hạnh tài-năng hơn người.

ghé: để mắt đến.
Lưới thỏ giăng ...củ-củ võ-phu.: Củ : mạnh khoẻ. Củ-củ võ-phu : mạnh-mẽ bạo dạn.
Kinh Thi có thơ "Thố La" khen vua Văn-Vương nhà Châu khéo giáo-hoá người trong nước đến những người đi giăng lưới thỏ mà cũng có tài võ khoẻ mạnh.

gót lân xéo ...cơn-chơn công-tử: Xéo : đạp lên trên. Lân chỉ : ngón chân con kỳ lân ; nghĩa bóng, là con cháu nhà vua.

kinh-bang: Trị nước

hanh-thông: Thông đạt, gặp được vận may.

tế-thế: Cứu đời

truân-kiển: (truân : khó khăn ; kiển : què, khó-khăn). Buổi khó khăn.

Đá Tinh-Vệ: Tương truyền : con gái vua Viêm-Đế ngày xưa vượt biển chết chìm tại biển Đông, hoá ra chim Tinh-Vệ, ngày ngày tha dá lấp biển cho hả giận. Nghĩa bóng : người có chí trả thù.

đất nghĩ-phù: (Nghĩ : nghị, là con kiến ; nghĩ thuật : phương-pháp của con kiến làm ổ. Ổ kiến, ổ mối đùn đất lên thành đống). Nghĩa bóng : người có chí học.

Quách Khai: Sủng-thần của vua nước Triệu thời Chiến-Quốc, hay ăn hối-lộ.
Vua Tần đánh nước Triệu bị tướng Triệu là Liêm Pha chống giữ, đánh không thắng, bèn sai Vương Ngao đem một ngàn cân vàng đút lót Quách Khai để làm kế Ly-gián. Quách Khai bèn đặt điều gièm cho Liêm Pha bị thay, sau cũng gièm đại-tướng Lý Mục bị hại. Nước Triệu vì mất tướng tài nên bị Tần diệt và Quách Khai được vua Tần phong làm thượng khanh.
Vì tích-trữ vàng nhiều không thể đem theo, nên sau việc xong . Quách Khai xin vua Tần về Triệu vận-tải gia-tài, vàng chở mấy xe; giữa đường bị kẻ cướp giết chết.

Lâm Phủ ...báng huỷ: Báng huỷ hoặc huỷ báng là nói xấu người ta.
Lý Lâm Phủ làm tướng đời Đường oán ghét người văn học, ngoài miệng nói ngon nói ngọt mà trong lòng nham-hiểm lo hãm hại. Ngừơi đời gọi y là "khẩu mật, phúc kiếm" ( miệng mật, gươm lòng ).
Sợ sắc tốt ...người Sùng: Theo ông Dương Mạnh Huy thì vua Đường Cao-Tông say đắm nhan sắc nàng Võ Chiêu-Nghi nên sách lập Hoàng-hậu, Diêu Sùng can mà bị tội. Lại có tích Thạch Sùng bị hại vì sắc đẹp của người thiếp tên Lục Châu .Tôn Tú muốn được Lục Châu đến cầu với sùng. Song Lục Châu không chịu, nhảy lầu tự tận. Tôn Tú giận bèn gièm với Triệu Vương Luân nên Thạch Sùng bị giết.

sợ báu kỳ ..gã Viện mắc nàn: (báu kỳ : đồ vật báu, kỳ lạ).
Mã Viện nhà Hán khi qua Việt Nam đánh hai Bà Trưng (39-43) bị nước độc phải bịnh, nhờ ăn cháo nấu với bột ý-dĩ (hột bo-bo) mà hết. Nên khi về xứ chở năm xe ý-dĩ. Có kẻ gièm vua, vu cho Mã Viện chở đồ trân-châu, vì vậy Viện bị tội.

Chị dâu sợ em vì sáu cái ấn vàng: Tô Tần đời Chiến-Quốc đi tìm Quỷ-cốc tiên-sanh học. Thành nghề, đi châu du khắp xứ mà không ai dùng, nên nghèo khổ. Về nhà mẹ, vợ và chị dâu, không ai tiếp rước.
Sau thời vận tới, được làm tướng sáu nước, đeo sáu cái ấn vàng. khi đó về nhà, cả nhà đều phủ-phục.
Tô Tần hỏi ; cớ sao ngày trước khinh, mà ngày nay trọng như vậy ? Chị dâu đáp :"Bởi ngày nay thấy chú có ngôi cao và nhiều vàng".

tôi hiền sợ giặc vì một đôi ngọc trắng : Phạm tăng, người ở kỳ-Cổ-san, giúp Tây Sở Bá-vương Hạng Võ, có xúi chúa giết Bái Công, kẻo sau Bái Công tranh thiên-hạ. Hạng Võ không nghe, tha Bái Công.
Nên Trương Lương, mưu-thần của Bái Công, tới tạ Hạng Võ một đôi ngọc trắng, và dâng Phạm Tăng đôi chén ngọc. Phạm Tăng nổi giận nói : "Tranh thiên-hạ của quân vương chắc là Bái Công ". Bèn cầm gươm đánh bể chén ngọc.

Thuyền họ Trương ở khô: Đời Hớn có rợ Hung-Nô xâm-phạm Trung-Quốc. Vua sai Trương Khiêm đáp thuyền đi sứ. Ai nấy đều sợ cho Trương Khiêm lại bị họa như Tô Võ.

đất nhà Kỷ ...sợ trời sập mái.: Nước Kỷ là nước nhỏ thời Xuân-thu, bị nước Sở diệt. ( tức là huyện Kỷ, tỉnh Hà-Nam ngày nay). Xưa có người nước Kỷ lo trời sập. nghĩa là ; họa hoạn chưa tới mà mình cứ lo trước, lo sợ vẩn-vơ.

Sợ giá mỏng, nước nhà cơ bại: Do câu : "Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lý bạc băng" (nươm-nớp chăm chăm như tới vực sâu, như đạp giá mỏng). Vua Cao-tông nhà Thương vận nước suy-vi, thường lo sợ, như khi đến vực sâu hoặc đi trên gía mỏng.

sợ móc nhiều, thân gái mình gầy: Con gái đời vua Châu văn giữ nết kiên-trinh, đi đâu sợ kẻ trai cường bạo xâm-phạm, nên làm thơ "Hàng Lộ" nói thác vì sợ đường nhiều sương móc.

bốn hay: Dương Chấn người đất Quan-Tây đời Hớn làm quan Thái-uý, tánh thanh-liêm.
Hồi là thứ-sử có tiến dẫn Vương Mật làm lịnh-doãn huyện Xương-Ấp. Nên khi đi ngang Xương-Ấp, vì trời tối có nghỉ tạm một đêm. Vương Mật mới lén đem mười lượng vàng đền ơn.
Ông Dương Chấn mới trách : Ta biết tài ngươi mà ngươi không biết lòng ta.
- Đêm hôm khuya-khoắt có ai hay mà ngài sợ.
- Ông Dương Chấn đáp : "Sáng thì có trời biết, tối thì có thần soi biết; trong có ta biết, ngoài có ông biết. Chỗ biết có nhiều sao gọi rằng không ai biết ".

Khổng Phu-tử những dạy ba điều sợ: Đức Khổng-Tử dạy rằng :"Người quân-tử có ba điều sợ : sợ trời, sợ đấng đại nhơn, sợ lời nói đức thánh nhơn . (Luận Ngữ).
Sợ vọt vắn, chưa mau chơn ngựa: Các bổn đều chép :"Sợ bụt vắn chưa mau chơn ngựa, sợ vách thưa còn lậu hơi sư". Theo ông Dương Mạnh Huy thì bởi sao lục chép ở bổn chữ nôm xưa họa có khi sai lầm chăng. Hai câu ấy có lẽ là "Sợ vọt vắn chưa thấu bụng ngựa", bởi Bắc Sử có câu
"Tiên tuy trường trường bất cập mã phúc", là"Vọt (roi) dẫu dài chẳng thấu bụng ngựa", ý nói thế-lực mình không thể quản-trị thấu phương xa ; và câu
"Sợ vách thưa còn lậu hơi sương", bởi câu "Khủng kỳ bích lậu nhi sương sâm dã", là "Sợ vách thưa mà sương lọt vô", ý nói cơ sự không cẩn-mật mà để tiết-lậu ra thì hư mất việc.
Vì có hai điển đó nên chúng tôi mạn phép theo ý ấy mà đổi chữ bụt ra chữ vọt, chữ sư ra chữ sương như trên.

sợ mật tuy lành: Tục ngữ có câu : "Ngọt mật chết ruồi". Ý nói sợ kẻ tham lợi mà hại mạng.

sợ hoa chẳng độc: Ý nói sợ kẻ ham mê tửu sắc mà lụy thân.

Bờ giác-ngạn: (Cái bờ giác-ngộ). Theo sách Phật, tu đã đến nơi giác ngộ, tức như vượt qua biển tới bờ. tức là cõi Phật.

năm mang: Trong bảy tình còn mang lấy hết năm, chưa dứt được, thì sự tu-hành chưa dễ đặng đắc-quả.

phẫn-uất: Sự giận tức trong lòng không bày tỏ ra được.

Sãi Vãi với Nguyễn-Cư-Trinh

Vãi rằng:
Nghe qua các chuyện, ngẫm lại hữu-tình.
Khen ông sãi thuộc sử thuộc kinh; khen ông sãi có tài có trí.
Lời ăn nói thánh hiền đạo vị; khoa ngôn từ nghĩa-lý văn-chương.
Chẳng phải kẻ tầm thường, hẳn là trang cách-vật.
320- Lôi-Âm tự có tu mới thành Phật; Thiên-Thai sơn có phước cũng nên tiên. Biết đường nào qua thấu Tây-Thiên; cậy chỉ nẻo tu cùng khuya sớm.
Vừa vừa vãi bợm, bớt bớt yêu tinh.
Chốn Thiên-Đường còn cách trở minh-minh; miền phạn-sát, hỡi xa chưng vòi vọi.
Tây-Phương không đường tới; Bắc lộ khó nẻo qua.
325- Đường Nam phương thấy đó chẳng xa, thì những sợ nhiều quân Đá-Vách.
Tưởng thôi lạc phách, nhớ đến kinh hồn.
Nọ giết người như dế như trùn; nọ hại người như rít như rắn.
Đến đâu là tảo tận; bắt đặng ắt giết tươi.
Đã vào làng cướp của hại người; lại xuống nội đuổi trâu bắt ngựa.
330- Hãy tu đây nương dựa; chớ qua đó làm chi.
Đừng đi quàng gặp vãi nó bắt đi, rồi lại bỏ Sãi bồ-côi bồ-cút.
Vãi rằng:
Kinh trung hữu thuyết :"Nhung Địch thị Ưng:.
Ai chịu quyền trọng trấn nhứt phương; nếu không đáng để sau sanh tệ.
Đạo tu lòng chẳng trễ, công mài sắt ắt nên.
335- Mặc ai xao-lãng lòng thiền;
Đạo ta ta giữ cho bền thì thôi.
Thôi thời ông sãi hãy ngồi,
Tây-Phương Vãi tới tìm nơi Thiên-Đường.
Muôn năm chúc tuổi Nguyễn Vương,
340- "Nam-mô" hai chữ phi-thường mặc ai.

-CHUNG-

Chú thích:

trang cách-vật.: -Cách-vật : hiểu biết sự vật; người thông hiểu mọi việc.

Lôi-Âm tự: Chùa Lôi-Âm ở bên nước Phật. Đời Đường, Tam Tạng qua thỉnh kinh nơi chùa ấy. Dọc đường yêu quỷ có lập một ngôi chùa giả, tên là Tiểu Lôi-Âm tự, chực ăn tươi nuốt sống kẻ qua đó. Phải vượt qua chùa ấy mới đến được Lôi-Âm tự.

Thiên-Thai sơn: Núi Thiên-Thai, chỗ tiên ở.

Tây-Thiên: Thiên-Trúc, nước Ấn-Độ ngày nay

phạn-sát: Chùa Phật. Ở đây có nghĩa là Tây-Phương.

quân Đá-Vách: Mọi Đá-Vách, ở Quảng-Ngãi, nơi miền núi đá dựng như tấm vách, gần sông Trà-Khúc.

lạc phách, nhớ đến kinh hồn: Sợ quá mất phách, mất hồn.

tảo tận: Quét sạch hết. Tà phá tiêu-tan hết.

nội: Đồng cỏ ở ngoài làng.

đi quàng: Đi càn, đi bậy.

Kinh trung hữu thuyết: "Nhung Địch thị Ưng, Kinh Thư thị trừng". Trong Kinh Thi, thiên "Lỗ-Tung" có nói : Rợ Nhung (Tây Nhung), rợ Địch (Bắc Địch), phải đánh mà đuổi đi; nước Kinh (hiệu cũ của nước Sở), nước Thư (một nước gần nước Sở) đều biến theo thói rợ, phải dẹp mà răn đi.


Ai chịu quyền trọng trấn nhứt phương:Chủ tâm tác-gỉa soạn bài Sãi Vãi để nung chí quan quân dẹp trừ mọi Đá Vách mà tác-giả, Nguyễn Cư Trinh, Tuần-phủ Quảng-Ngãi, có trọng trách lo trấn-áp bọn giặc để giữ an-ninh, bảo vệ dân-chúng.
Vậy ai có trách-nhiệm lo giữ vùng nầy có bổn phận phải đánh dẹp bọn mọi bạo-ngược hung-tàn đã cướp giết dân lành .

- HET-

No comments:

Post a Comment