https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/04/18/di-xe-do-di-xe-om-tieu-tu/
Năm đó, tôi về Việt Nam ăn Tết và cũng để mừng má tôi tròn một trăm tuổi. Đó là lần thứ hai tôi về Việt Nam. Kỳ trước về với vợ con nên đi đâu chúng tôi cũng dùng xe nhà của thằng em bà con cho mượn với tài xế (Thằng em này ” biết làm ăn ” nên bây giờ nó khá lắm) Kỳ này về một mình, tôi định nếu có dịp sẽ dùng xe công cộng một lần cho biết.
Sau một tuần ở Gò Dầu với má tôi (Gò Dầu quê tôi thuộc tỉnh Tây Ninh, nằm cách thành phố 63 km) thấy còn năm hôm nữa mới tới Tết, tôi bèn sửa soạn xuống Sài Gòn để đi thăm vài người bạn.
Lần này, tôi muốn đi bằng xe đò (bây giờ người ta gọi là ” xe khách ” – trong bài viết này tôi vẫn dùng từ ” xe đò ” cho dễ hiểu ! ) Một thằng cháu – hồi trước làm thầy giáo, bây giờ sửa xe đạp và bán sách vở học trò – nói :
– Để cháu lấy Honda chở chú Hai lên bến xe kiếm xe gởi chú đi.
– Khỏi cần, chú đi một mình được.
Nó phì cười :
– Cái tướng Việt Kiều của chú lên đứng lớ ngớ trên đó, tụi nó dám chém nhẹ vài chục ngàn cái vé đi thành phố thay vì chỉ có tám ngàn thôi. Tụi nó bây giờ “mánh” lắm chú ơi !
Vậy là nó chở tôi lên bến xe đò (Ở quê tôi, vì có con sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang, nên dân chúng thường nói ” trên ” và ” lên ” để chỉ những nơi nào nằm về phía thượng lưu con sông – đối với khu chợ nằm ở giữa – và ” dưới ” hay ” xuống ” để chỉ những xóm nằm về phía hạ lưu ).
Ở bến xe, thằng cháu nói :
– Chú đứng đây giữ dùm cháu cái Honda. Để cháu ” thả ” một vòng coi.
Trong lúc nó ” thả một vòng “, tụi bắt mối hai ba đứa rà rà lại :
– Đi thành phố hả chú ? Chạy liền giờ nè !
– Thằng xạo đó chú ! Xe nó chưa tới ” tài “. Xe cháu kìa, xe đầu vàng đang rồ máy đó chú. Đi chú ! Cháu xếp chỗ tốt đằng trước cho chú, nè !
Vừa nói, thằng nhỏ vừa nắm cái ba-lô của tôi kéo đi trong lúc thằng kia cũng lôi về phía nó. Tôi rị lại la lên :
– Tao không có đi xe đò ! Tao đợi thằng cháu. Bộ tụi bây không thấy xe Honda đây sao ?
Một thằng khác, có vẻ anh chị, ” xẹt ” vô can thiệp :
– Buông ra ! Tụi bây làm gì vậy ? ” Quậy ” hả ?
Trong lúc hai tên kia bỏ đi, nó hạ giọng thân mật :
– Chú Hai đi thành phố hả chú Hai ?
Tôi lắc đầu, lại chỉ cái Honda, nói :
– Tao đợi thằng cháu chở đi công chuyện.
Thằng nhỏ bỏ đi. Tôi nhìn theo nó mà nghe ngượng vô cùng. Mấy thằng nhỏ bắt mối cỡ tuổi hai thằng cháu nội tôi thôi, vậy mà tôi sợ gì lại phải nói trớ là không đi thành phố ? Có lẽ tại vì mấy chục năm nay ở xứ người, tôi đã sống quen với cái xã hội có tổ chức, có trật tự, nên tôi không biết cách ứng xử phù hợp với môi trường chụp giựt mánh mung này. Cho nên phản ứng của tôi là né ! Không biết phải làm sao, thôi thì né tránh đi cho nó xong chuyện ! Tự nhiên, tôi thở dài.
Thằng cháu tôi dẫn lại một người đàn ông còn trẻ gầy nhom, giới thiệu :
– Thằng Đực nè chú Hai. Nó lái xe cho cậu Năm Bộn. Nó là chồng con Hường, con của chị Ba Đầy ở xóm nhà máy đó chú nhớ hôn ?!!
Tôi mỉm cười gật gật đầu ” ờ ” cho lấy có. Thằng cháu nói tiếp :
– Còn đây là chú Hai con bà Tám, mầy kêu ổng bằng ông lận.
Thằng Đực chấp tay xá :
– Dạ, lâu nay con có nghe nói ông Hai ở bên Tây, bây giờ mới gặp. Về chơi hả ông Hai ?
Rồi không đợi tôi trả lời, nó vói tay xách cái ba lô :
– Ông Hai đi theo con. Xe con đằng nầy nè.
Thằng cháu tôi dặn vói :
– Xuống dưới nhớ kiếm xe ôm cho ổng, nghe mậy !
– Được rồi ! Cậu ba yên chí !
Thằng Đực dẫn tôi lại xe của nó, giới thiệu tôi cho hai thằng cỡ mười tám đôi mươi đang đứng hút thuốc ở đầu xe
– Đây là ông Hai, con bà cố ở đường đất đỏ, đó ! Còn đây là hai thằng em vợ con, tụi nó vừa là phụ xế vừa là lơ nữa.
Rồi nó đỡ tôi lên đưa lại ngồi phía tay trái cách chỗ tài xế hai hàng băng. Trên xe đã có nhiều người ngồi, chắc họ quen nhau nên nghe nói chuyện rân như họp chợ !
Chiếc xe đò là xe loại đầu bằng, có hai cửa lùa cho hành khách lên xuống. Chỗ ngồi hẹp té, tôi đo vừa đúng hai gang tay. Trên kiếng chắn gió trước mặt tài xế, về phía phải, có viết mấy hàng chữ bằng sơn đủ màu. Vì tôi ngồi trong xe nên phải đọc ngược, nhưng vẫn đọc được :
TP Hồ Chí Minh / Gò Dầu
Vidéo / Karaoké
Vidéo / Karaoké
Chính giữa xe, ngang ngang với đầu anh tài xế, có một cái lồng sắt hàn dính lên trần, trong đó có cái télé. Tôi tự hỏi :” Vidéo thì còn hiểu được, chớ Karaoké thì hành khách hát hí ra làm sao ?” Thật là mới mẻ quá ! Dưới chân tấm kiếng chắn gió, cũng ngay chính giữa, có gắn một kệ nhỏ, trên đó có một tượng Phật Bà, một bình bông, một bình cắm nhang và ba chung nước. Tất cả mấy món vừa kể đều được gắn xuống mặt kệ bằng băng keo chằng chịt ! Cho nó đừng nhúc nhích hay lật đổ khi xe chạy hay khi xe thắng gắp. Nhìn tượng Phật Bà chằng chịt băng keo, tôi nghĩ chắc Ngài cũng phải mỉm cười mà từ bi hỉ xả.?
Thằng Đực lên ngồi, đề cho máy chạy, rồi cứ rồ máy từng chập giống như làm cho nóng máy. Hai thằng lơ đứng dưới đất la ó :
– Lên đi bà con ! Chạy à ! Chạy à !
Tài xế sang số cho xe nhúc nhích nhúc nhích, trong lúc hành khách cứ lần lượt trèo lên xe tỉnh bơ không thấy có chút gì hối hả. Không thấy ai bán vé, thiên hạ cứ lên xe thấy ghế trống là ngồi. Hàng hoá mang theo lỉnh kỉnh để đầy hành lang chính giữa. Những người lên sau phải bước choàng ngang để đi !
Một bé gái cỡ mười hai mười ba tuổi, lên xe với hai bao ni-long lớn đựng đầy dép, loại dép cao su Nhựt Bổn. Nó ngồi vào ghế trống cạnh tôi. Vừa đặt đít xuống nó vừa trao cho tôi một bao dép, nói :
– Ông ngoại giữ dùm con.
Nó làm một cách tự nhiên, chẳng thấy một chút ngượng nghịu gì hết. Còn tôi thì thật ngỡ ngàng bối rối không biết phải làm sao ? Vậy mà tôi cũng ôm bao dép vào lòng, ôm một cách máy móc ! Tôi biết nó ” đi ” hàng lậu (Xưa nay, Gò Dầu được biết tiếng nhờ có chợ trời hàng lậu ở biên giới Cao Miên) nhưng tôi không thể tưởng tượng được một bé gái mới mười hai mười ba tuổi mà đã đi buôn lậu và còn bắt người khác giữ hàng lậu giùm mình một cách tỉnh bơ coi như chuyện bình thường ! Xã hội bây giờ thật quá nhiều thay đổi, mà tôi thì quê trân, giống như ” một thằng mán ra chợ ” !
Thằng Đực rồ máy cho xe chạy tới trong lúc hai thằng lơ phóng lên xe – mỗi thằng một cửa – vừa phóng vừa la ” Bà con ơi ! Chạy à ! Chạy à !”. Xe chạy được mươi thước, ngừng lại, máy rồ từng chập một lúc rồi xe lui về vị trí cũ ! Hai thằng lơ nhảy xuống đất, miệng vẫn bô bô : ” Lên đi bà con. Chạy liền giờ nè !”. Hành khách vẫn lai rai từ tốn leo lên xe.
Mươi phút sau thì xe lại chạy. Lần này, nó ra khỏi bến xe, chạy rề rề. Đến ngả ba ( Chỗ này có đường xuống chợ, có đường vô xóm Mới, nhưng vẫn được gọi là “ngả ba” !) nó rước một vài người khách rồi chạy thẳng về hướng thành phố. Tưởng chạy luôn, té ra xuống khỏi Trâm Vàng – cách ngả ba lối ba cây số – nó quay đầu lại chạy về bến đậu. Lại nhúc nha nhúc nhích một lúc lâu đến khi có tiếng tu huýt thổi ( Chắc là hiệu lịnh của cán bộ điều hành bến xe ) xe lại rồ máy chạy. Lần này, đúng là nó chạy thiệt bởi vì nó không có rề rề như hồi nãy ! Tôi thở cái khì.!
Xe không có bán vé, nhưng có một chị đi thâu tiền. Cái hay của chị này là chị ta nhớ người nào đã thâu rồi người nào chưa. Cho nên trong suốt ” hành trình ” trèo qua trèo lại trên những kiện hàng nằm ngổn ngang dọc hành lang để thâu tiền, không thấy ai phàn nàn phản đối gì hết.
Xe đang chạy, bỗng thấy thằng lơ cửa trước đứng thẳng lên mở dây nịt, kéo phẹt-mơ-tuya… cởi quần ! Hành khách tỉnh bơ. Có lẽ trên xe chỉ có một mình tôi là ngạc nhiên trố mắt nhìn. Một cô gái ngồi gần đó đưa cho nó mấy cây thuốc lá ” 555 ” và một nạm vòng thun, nó cầm lấy, xỏ vòng thun vào hai chân, cách khoảng nhau độ hơn một tấc, rồi nhét mấy cây thuốc vào đó, dài từ háng xuống mắc cá và ôm tròn chân từ mặt trong ra mặt ngoài. Trông nó giống Robocop của phim Mỹ ! Thì ra thằng lơ giấu hàng lậu dùm cô gái. Nó vừa mặc quần xong là đến lượt thằng lơ cửa sau. Nhưng thằng này quá gầy nên nó không cần cởi quần. Nó kéo ống quần đì-rét lên tới bẹn rồi làm y như thằng trước. Thằng này thì ” cao cấp ” hơn, vì nó còn ” chêm ” vòng theo thân mình tới năm cây thuốc lận ! Xong nó khệnh khạng đi về hướng cửa sau. Tôi nhìn theo, phục quá !
Xe vừa chạy vừa bóp kèn, đường trống vẫn bóp kèn. Làm như đã thành cái tật ! ( Ở Việt Nam bây giờ, chạy xe hơi, xe gắn máy trên đường – Nhà Nước gọi là ” tham gia lưu thông “, nghe thật là văn vẻ – ai ai cũng bóp kèn, chạy ngoài đồng hay chạy trong thành phố gì cũng vậy hết. Lạ lắm ! ) Còn hai thằng lơ thì hể thấy có người chạy lạng quạng phía trước thì lòn người ra ngoài, vừa la to ” Vô ! Vô !” vừa vỗ vào thùng xe đùng đùng. Làm như kèn xe không đủ cho người ta nghe vậy ! Thấy ai đứng lớ ngớ đàng xa bên lề đường như có vẻ đón xe thì lơ hét to cho tài xế “Bà già đó ! Bà già đó !” hay “Con mẹ cầm nón đó ! Con mẹ cầm nón đó !”. Nếu là hành khách đưa tay ngoắc thì xe chạy chậm lại, rề sát vào. Thằng lơ phía trước mở cửa rồi một tay nắm cây cột sắt nằm cạnh cửa lùa, lấy thế nghiêng nguời xuống hốt người khách đẩy vào trong xe trong lúc xe vẫn tiếp tục lăn bánh chớ không ngừng lại ( Sau này tôi mới biết rằng xe đò không được phép rước khách ngoài những nơi đã được ấn định bởi chánh quyền. Vì vậy xe không được ngừng dọc đường ngoại trừ khi xe ăn-banh !)
Thằng Đực vừa lái xe, vừa bóp kèn, vừa lách tránh những xe khác – đủ loại : Honda, xe đạp, xe thùng, xe ba gác, xe bò, xe ngựa… – vừa liếc dài theo lề đường để “bắt” khách. Xe đang chạy ngon lành ( 50 km/giờ, tốc độ tối đa ấn định bởi Nhà Nước ) bỗng nó ” nhả ga ” chạy bớt lại và la lên :”Giao thông nghen ! Giao thông nghen ! Lấy tay lấy đầu vô bà con !”. Hai thằng lơ cũng la theo :”Đừng ló đầu ra nghe bà con ! Giao thông đó !”. Xa xa về phía trái, thấy có hai ông công an giao thông ngồi chàng hảng trên xe mô-tô dưới tàn cây bên lề, hút thuốc. Khi xe chạy ngang qua, mấy ổng chỉ nhìn theo cười cười, chắc hài lòng với sự biết “chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông” của tài xế Đực !
Đường xuống thành phố, ngày xưa, hai bên là ruộng lúa ruộng mía và giồng rau cải. Bây giờ nhà cửa cất dài dài, đồng ruộng còn rất ít. Quán ăn, quán nhậu thì quá nhiều. Phần lớn mang bảng hiệu rất thơ mộng như : ” Hẹn hò “, ” Vườn Thúy “, ” Quán Trăng ” Làm như bây giờ người ta thèm được “phiêu phiêu” để quên đi một phần nào cuộc sống xơ cứng của hiện tại !
Bến xe Trảng Bàng nằm trước sân banh. Xe đò vừa vào bến thì một bầy trẻ con bán dạo ùa lên xe như ruồi, rao hàng ó trời ! Trong xe bỗng ồn ào như cái chợ. Nhiều đứa nhỏ mang hàng đầy hai vai. Hàng đựng trong những túi ni-lông nhỏ bằng nắm tay, miệng cột túm lại bằng vòng thun. Mỗi loại được xỏ chung với nhau thành một đùm. Tụi nhỏ đeo nhiều đùm như vậy lên hai vai, nhiều đến nỗi không còn thấy cái cổ ! Chỉ còn thấy cái đầu nhỏ lòi ra trên đống túi ni-lông tròn tròn.
Tụi nhỏ bán loại này rao hàng có ca có kệ. Rồi vì muốn cho ” có ca có kệ ” nên nhiều tiếng để sai dấu, tôi nghe mà không hiểu hàng gì và hàng gì ! Phải nghe vài lần mới” nắm bắt ” được : ” Sâm lạnh. Thuốc lá. Huynh gum. Trứng cúc. Bánh tráng muối. Nem chay. Đây” Nếu có người mua, đứa nhỏ cầm túi ni-long giựt mạnh cho đứt sợi thun rồi trao cho khách, nhanh gọn lắm ! Ngoài ra, có những đứa bán “chuyên ngành” hơn, bán một thứ một, như chỉ bán giấy số hay thơm gọt sẵn, hay bánh tráng bánh phồng, hay thuốc lá..v.v… đủ thứ. Đứng đầy xe như vậy mà khi xe rồ máy lìa bến thì tụi nó đứa trước đứa sau phóng xuống như trò đu bay ! Thấy chết như không !
Xe chạy chậm chậm, rước vài người ở khúc cua Trảng Bàng. Đến Cầu Ông Chừa – cách Trảng Bàng độ năm ba cây số – xe quay đầu chạy về bến trước sân banh ! Rồi cứ nhúc nha nhúc nhích để lấy thêm hành khách. Mấy đứa nhỏ lại ùa lên rao hàng. Độ hai mươi phút sau, xe lại lăn bánh. Lần này chạy thiệt.
Trên đường lúc nào cũng có người. Xe đạp, xe Honda ( Bây giờ, “Honda” là tiếng gọi chung cho xe hai bánh có gắn máy) chạy loạn. Hai bên đường, thỉnh thoảng có bảng đề “Bia tươi” đặt trên lề trước quán nhậu. Tôi đã nghe nói “bia hơi”, “bia ôm”, nhưng loại “bia tươi” này là lần đầu !
Khều thằng lơ, tôi hỏi :
– Bia tươi là gì vậy cháu ?
Nó bật cười :
– Là bia làm tại chỗ, làm ngày nào là nhậu ngày nấy. Để vài ba bữa mà đớp vô là đi luôn à ông Hai!
Tôi gật gật đầu nhưng trong lòng sao nghe buồn chi lạ : bây giờ, đến ” cái nhậu “cũng” không giống ai” hết !
Bỗng thằng Đực vừa bớt ga rà thắng vừa la lên :
– Kinh tế ! Kinh tế ! Bà con.
Trong xe, hành khách nhốn nháo. Kẻ thì đút giấu hàng dưới băng mặc dù ở đó đã đầy đồ, người thì chèn nhét hàng trong hốc trong kẹt, dưới đít mấy kiện hàng rau cải gà vịt. Mấy bà mấy cô thì nhét trong áo trong quần chẳng thấy có chút gì xấu hổ hết !
Tôi nhìn con bé cạnh tôi, nó cười trấn an :
– Ông ngoại đừng lo. Mỗi người có quyền đi một bao dép. Con đi hoài hà !
Tôi “ờ” rồi hỏi một cách máy móc :
– Bộ con không có đi học hả ?
Nó cười rất tự nhiên :
– Đi học rồi lấy gì ăn, ông ngoại ?
Tôi xúc động, không dám nhìn gương mặt dễ thương đó nữa, tôi nhìn vội ra ngoài. Xe đã đậu lại. Bên kia đường, có một xe hàng nằm sau một xe Jeep. Hai ông công an kinh tế mặc sắc phục (họ kiểm soát hàng lậu) đang “làm việc” dưới tàn cây vệ đường với mấy người mà tôi đoán là lơ và tài xế của xe hàng. Thằng Đực cầm một xấp giấy tờ xum xoe chạy qua đó, chen vào chỉ chỏ nói năng. Một lúc sau, thấy nó khúm núm cúi chào mấy cái rồi vui vẻ chạy trở về trèo lên xe sang số chạy thẳng !
Xe chạy không bao nhiêu xa, hành khách chộn rộn móc kéo hàng giấu hồi nãy cho vào bao vào bị. Hai thằng lơ cũng cởi quần lấy cây thuốc vòng thun trả lại cô gái, vừa làm vừa trò chuyện nói cười. Con nhỏ ngồi cạnh tôi kéo cái bao dép tôi đang ôm về phía nó, chẳng nghe một lời cám ơn. Mọi người đều hành động một cách tự nhiên, bình thường. Tôi bỗng thấy tôi không giống ai hết. Tôi là người “bất bình thường”, ngay trong lòng quê hương mà sao thấy thật là lạc lõng !
Xe ngừng ở Suối Sâu, hai thằng lơ – đứa trên mui, đứa dưới đất – xuống hàng : bao, bị, giỏ tre, cần xé lổn ngổn (Những món này chắc của bạn hàng quen gởi và đã chất lên đó trước khi xe vào bến Gò Dầu). Vừa làm, thằng lơ trên mui vừa nói lớn cho mấy người đang bu lại nhận hàng :”Hai cái cần xé nầy của dì Ba. Cái giỏ bội này cũng của bả nữa. Mấy thứ tôi liệng xuống đây của cô Bảy nghen. Rồi ! Xong ! Bây giờ là đồ của chú tư Xáng “.
Cô gái ” đi ” thuốc 555 lấy hàng nằm dọc hành lang trao qua cửa sổ cho một bà sồn sồn đứng phía dưới, vừa làm vừa nói chuyện huyên thiên. Bà đó hỏi :
– Mầy có ghé thăm con Hoa hông ? Nó đẻ chưa ?
– Chưa. Má lên trển mà coi. Cái bụng của chỉ bây giờ chang bang như cái mả vậy !
Nói rồi, cô ta cười hắc hắc. Chắc cũng là chuyện bình thường thôi.
Xe chạy tiếp. Bon bon 50 km/ giờ. Đến Củ Chi ngừng lại để xuống hàng lần nữa. Con nhỏ ngồi cạnh tôi xuống ở đây. Nó đứng lên, xách hai bao dép đi, không nói một lời, cũng không nhìn lại. Nó làm tự nhiên như tôi không có mặt trên xe !
Sau khi xuống hàng, xe chạy thẳng về thành phố, không ngừng ở trạm nào nữa hết. Tôi đoán :”Trên mui chắc không còn hàng “.
Bến xe Tây Ninh nằm ở Bà Quẹo. Bến này rộng lắm, vây quanh bởi một tường rào. Khi xe đò quẹo vào, thấy người ta chạy theo lố nhố. Chừng xe đậu rồi, nghe họ mời mọc tía lia mới biết họ là những người lái xe ôm, xe ba gác đang tranh nhau kiếm mối chở đi. Thằng Đực nói :
– Ông Hai ngồi đây, đừng đi đâu hết. Để con kiếm mấy thằng xe ôm quen cho ông Hai.
Tôi nhìn đồng hồ thấy 10 giờ 20. Hồi ở Gò Dầu, tôi lên ngồi trên xe lúc 8 giờ sáng. Tính ra, tôi đi 63 km mất hết hai giờ hai mươi phút !
Một lúc sau nó dẫn đến một người đàn ông cỡ tuổi nó, vừa vỗ vai người đó vừa nói :
– Thằng này tên Chín, ở cùng đơn vị với con hồi trước. Nó đàng hoàng lắm, ông Hai. Mà ông Hai về đâu vậy ?
– Ông về nhà thằng cháu ở khu Đại học Phú Thọ.
Thằng Đực lại vỗ vai bạn :
– Tao giao ông Hai cho mày đó. Tính tiền cho có tư cách nghe mậy.
– Yên chí!
Vừa nói thằng Chín vừa cầm ba lô của tôi :
– Ông Hai đi theo con.
– Ủa ? Xe của cháu đâu ?
– Dạ để ngoài kia, chớ đâu được phép đem vô đây, ông Hai. Cấm mà !
Vậy là mấy phút sau, tôi “ôm” về nhà thằng cháu. Đó là lần đầu tiên tôi đi xe ôm.
* * *
Ở thành phố, người ta thường đi xe ôm, nếu chỉ đi có một mình. Xe ôm rẻ hơn xe taxi nhiều và nhanh hơn nhờ nó lòn lách dễ. Biết như vậy nên sáng hôm sau tôi ra đường đón xe ôm để đi thăm bạn bè.
Nếu xích lô và taxi dễ “nhận diện” nhờ hình dáng và chữ ” taxi ” bên hông, thì xe ôm rất khó biết. Bởi vì trên đường lúc nào cũng đầy người chạy Honda, chạy xuôi chạy ngược, không có dấu hiệu đặc biệt gì hết thì biết ai “ôm” hay ai không “ôm” ? Nếu xe ôm được sơn một màu ấn định, hay người lái xe có gắn một cái gì trên ngực trên lưng, hay ít ra cũng đội nón kết có in hai chữ “xe ôm” thì dễ cho mình nhìn ra, để ngoắc cho đúng. Đằng này, ai cũng như ai.
Ngoắc đại mấy lần thấy “trật chìa”, tôi bèn đổi ” chiến thuật “. Tôi bước ra đứng trên mép vỉa hè, mặt làm ra vẻ dáo dác nhìn xuôi nhìn ngược như đang tìm xe ôm trong luồng người chạy Honda. Thấy một người vừa chạy vừa nhìn dài dài theo phố, tôi mừng rỡ vẫy tay ra dấu. Anh ta chạy luôn. Vậy là anh ta đang tìm cái gì khác chớ không phải tìm khách hàng. Tôi lại làm bộ dáo dác cho người khác để ý. Lần này có một ông tấp vô, mỉm cười hỏi :
– Đi không ông Hai ?
Tôi gật đầu, nói địa chỉ, trả giá – căn cứ trên giá đi hôm qua – rồi ôm đi ( Gọi là ” ôm ” chớ hành khách không có ôm người lái. Nhiều người không biết, cứ nghĩ rằng trèo lên xe là phải ôm ! Cho nên, khi trở về Paris thuật lại vụ đi xe ôm, vợ tôi hỏi :” Có đàn bà lái xe ôm hông ?” )
Trên đường, xe chạy như loạn. Hai luồng ngược chiều nhau lấn ép lòn lách, bóp kèn như điên ! Thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào !
May quá, ông lái xe của tôi – khá trộng tuổi – chạy từ tốn. Ổng cứ men theo lề mà chạy và đặc biệt là không nghe ổng bóp một tiếng kèn ! Ngạc nhiên, tôi hỏi :
– Sao ông không bóp kèn ?
– Bóp cho ai nghe ? Ai cũng bóp kèn hết, rền trời. Mình có bóp cũng vô ích !
Ngừng một chút rồi tiếp :
– Cứ làm thinh như vậy mà người ta để ý. Người ta nghe mình làm thinh !
Rồi ông ta cười ha hả. Tôi cũng bật cười theo. Khoái quá, tôi vỗ vai ổng :
– Hay ! Hay !
Rồi không kềm được, tôi hỏi thẳng :
– Hồi trước ông làm gì ?
Ngần ngừ một lúc, ổng mới nói :
– Dạ, làm giáo viên.
– Dạy trường nào vậy ?
– Dạ, trường trung học X.
– Dạy trung học sao gọi là giáo viên được ? Phải gọi là giáo sư chớ.
– Xin lỗi ông. Hồi nãy nhìn ông tôi đã đoán ra ông là Việt Kiều. Bây giờ, ông hỏi như vậy đúng là ông không phải người ở trong nước. Bây giờ, đi dạy học cao thấp gì cũng gọi là giáo viên ráo. Muốn được gọi ” giáo sư ” phải được ” Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước ” xét duyệt hồ sơ. Khi họ công nhận, họ cấp cho mình chức danh giáo sư. Chừng đó, mình mới được gọi là giáo sư. Ông hiểu không ?
Tôi nhớ lại tôi có một người bạn hồi đó cũng dạy trường trung học X. Tôi nói :
– Tôi có một người quen cũng dạy ở trường X nữa. Ông tên Nguyễn Văn Y.
Giọng ông xe ôm có vẻ như reo lên :
– Anh Y dạy lý hoá. Ảnh mộc mạc dễ thương lắm. Lúc nào cũng thắt cà vạt đen !
Ông xe ôm nói đúng. Như vậy ổng là giáo sư thiệt, không phải ổng ba xạo. Tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên ngực. Tôi đặt một tay lên vai ông ta, muốn nói gì đó thật nhiều. Nhưng sao tôi không tìm ra được lời, tiếng nói bị nghẹn ngang trong cổ. Tôi chỉ biết bóp nhẹ vai của ổng, cái vai bây giờ tôi mới thấy là gầy. Chắc ổng hiểu cử chỉ của tôi nên làm thinh. Tôi bóp vai ổng mà tưởng chừng như tôi đang bóp vai một người bạn cố tri, tưởng chừng như tôi đang mân mê một cái gì trân quí của thời cũ. Tôi như thấy lại được cái thời đã mất đó với những giá trị tinh thần của nó, cái thời mà nhà giáo dù nghèo cũng chưa đến nỗi phải chạy xe ôm như bây giờ.
Ông xe ôm im lặng lái xe. Tôi im lặng nhìn cảnh tượng xô bồ hỗn tạp trên lòng đường phố. Bàn tay tôi vẫn đặt trên vai ông ta như để giữ thăng bằng. Sự thật, tôi muốn giữ nguyên như vậy để ổng cảm nhận rằng giữa ổng và tôi không có một sự cách biệt nào hết. Không có người lái xe ôm, không có khách đi xe ôm. Mà chỉ có hai thằng bạn…
Bỗng ở phía ngược chiều, một người đàn ông lái Honda nhìn về phía bên này gọi to :” Thầy ! Thầy !”. Tôi thấy anh ta chật vật lòn lách quay đầu xe lại, chạy theo chúng tôi. Chừng đến ngang nhau, anh ta hớn hở :
– Thầy mạnh hả thầy ?
Giọng ông xe ôm cũng vui vẻ :
– Ờ ! Mạnh ! Cám ơn ! Em đi đâu vậy ?
– Dạ ! Em chạy áp-phe. Thấy thầy em nhìn ra được liền hà ! Tụi thằng A thằng C nói có gặp thầy nên em thường để ý kiếm, bây giờ mới gặp. Mừng quá, thầy !
– Ờ ! Cám ơn ! Hai mươi mấy năm mà tụi em còn nhớ tới thầy là thầy vui rồi.
– Làm sao quên được, thầy ? Hồi đó, thầy là thần tượng của tụi em mà !
Ông xe ôm làm thinh. Chắc cả một dĩ vãng đang được quay nhanh lại trong đầu. Tôi bóp nhẹ vai ông ta, chia xẻ.
Hai thầy trò vừa lái xe vừa nói chuyện với nhau một lúc rồi người đó xin phép ” đi làm ăn “. Chúng tôi im lặng, tiếp tục đoạn đường còn lại. Sự im lặng nào sao cũng nói thật nhiều…
Đến nhà anh bạn tôi, tôi trả tiền cuốc xe ôm mà không dám cho thêm như tôi đã làm hôm qua với thằng Chín. Tôi muốn ông ta thấy rằng tôi vẫn kính trọng ông ta, vẫn xem ông ta là một giáo sư. Ông ta nhìn tôi mỉm cười. Chúng tôi bắt tay nhau, cái bắt tay đó ngầm nói lên rằng, dù cuộc đổi đời có vĩ đại đến đâu, mình vẫn giữ được cái tình người trân quí của thời cũ.
Lần đi xe ôm đó tôi nhớ hoài đến bây giờ. Viết lại mà vẫn còn nghe xúc động.
No comments:
Post a Comment