Friday, August 18, 2017

38/ Lẫn (Tiểu Tử)

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/04/16/lan-tieu-tu/

Bà già đó, tóc bạc trắng lưng khòm khòm, đi khệnh khạng chậm chạp một mình trên đường Đồng Khởi ( Đường này ngày xưa tên là Tự Do. Sau 1975, chánh quyền mới, có lẽ thấy hai tiếng “Tự Do” nó… phản cách mạng, nên đã xóa “Tự Do” đi và thay vào bằng “Đồng Khởi”. Có điều là trong từ ngữ thông dụng, nói “tự do”, một đứa con nít cũng hiểu. Còn nói “đồng khởi”, tới… ông già cũng bí luôn ! Nhiều người nghĩ là một địa danh. Nhưng có người rành “bài bản” cho là tên một “đồng chí”, bởi vì cách mạng hay vinh danh các lảnh tụ, các đồng chí kể luôn những đồng chí Liên Xô với những cái tên nghe lạ hoắc như Ku-ba-móp, Bu-măng-lép… vv. Về sau, mới biết là biệt danh của tỉnh Bến Tre ! Nhưng, cho dù là nghĩa gì đi nữa, nghe riết rồi cũng quen lỗ tai, kêu riết rồi cũng quen lỗ miệng. Hai chữ “Tự Do”, vì vậy, đã đi vào quên lãng…).
Bà mặc áo bà ba vải trắng, quần lãnh đen, mang dép nhựt. Vừa đi vừa nhìn chung quanh. Bà đi một lúc lại ngồi xuống bệ gạch xây tròn chung quanh góc cây vỉa hè. Có khi bà ngồi chồm hổm cạnh bệ gạch, thay vì ngồi lên bệ gạch ! Đi hay ngồi, bà cũng nhìn quanh. Bà nhìn mấy cửa hàng, bà nhìn từng người qua lại. Cái nhìn trống rỗng.
Đường Đồng Khởi, cửa hàng san sát. Phần lớn bán nữ trang, đồ thủ công nghệ, đồ xú-vơ-nia, tranh sơn mài sơn dầu… Thiên hạ đi lại cũng nhiều, nhưng phần đông là du khách ngoại quốc. Không ai để ý đến bà già đó hết. Những người qua đường có lẽ nghĩ rằng bả ở trong một tiệm nào đó trên đường này, đi tới đi lui hóng mát. Còn những người buôn bán thì bận lo chào đón khách, “hơi đâu” mà để ý đến một bà già ? Ngược lại, có vài du khách ngoại quốc theo dõi bà một lúc, rồi chắc thấy đó là hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam nên đưa máy ảnh lên mắt bấm lia ! Nhứt là khi bà ngồi chồm hổm chống tay lên má…
Đang chạy xe Honda xuống đường Đồng Khởi, cô giáo Kiều để ý thấy trên lề bên mặt phía trước, đèn flash chớp lia chia, giống như các phóng viên đang chụp một minh tinh sân khấu. Rề rề vào xem, cô nhìn thấy bà già. Cô bỗng nhớ ra là đã thấy bà này cách đây nửa tiếng đồng hồ, đi khệnh khạng ở đầu dưới kia. Sao bây giờ bả lại ở phía trên này ? Mà cũng chỉ thấy có một mình thôi, không ai đi với bả hết. Bả cũng chẳng có vẻ gì lo lắng hay đợi chờ ai. Chỉ thấy nhìn quanh, nhứt là nhìn từng người, kể cả những du khách ngoại quốc ! Cô giáo Kiều chắc lưỡi, nghĩ: “Bà già đi dạo phố mà…”. Rồi rồ ga chạy thẳng.
Cô giáo Kiều dạy trung học. Lương không đủ sống nên phải chạy thêm áp-phe cho mấy hãng máy bay để ăn tiền “còm”. Mấy hãng này nằm trên khu đường Đồng Khởi, vì vậy cô thường chạy tới chạy lui ở đây. Cho nên, cô mới nhìn thấy bà già tóc trắng hồi nãy.
Sau gần một giờ đồng hồ giải quyết mấy hồ sơ chót cho hãng máy bay, cô giáo Kiều thơ thới ra về. Lần này, cô nhìn thấy bà già đang đi thất thểu cũng trên vỉa hè đó, nhưng ở vào khoảng giữa đường Đồng Khởi, vẫn đi một mình. Mấy người ngoại quốc không còn bám theo bà nữa. Cô nghĩ: “Có cái gì không ổn ! Cứ đi lên đi xuống như vậy mấy tiếng đồng hồ thì đâu phải là đi dạo phố !”. Cô quày xe trở lại rà vào gọi:
– Bà cụ ! Bà cụ !
Bà già dừng chân, nhìn cô mỉm cười. Cô giáo dựng xe Honda cạnh lề, bước tới chưa kịp mở miệng thì bà già đã hỏi:
– Bộ quen hả ?
– Dạ không. Cháu không có quen bà. Nhưng cháu muốn hỏi coi bà đi đâu vậy ?
– Đi chơi.
– Bộ nhà bà ở trên đường này hả ?
Bà nhìn quanh :
– Đâu có.
Đến đây thì cô giáo nghĩ có lẽ bà già này đi lạc. Nhưng vẫn hỏi tiếp:
– Bà đi chơi một mình hả ?
– Đi với hai thằng nhỏ.
– Hai thằng nhỏ ?
– Ờ… Thằng nhỏ của tôi với thằng nhỏ của nó.
– Vậy… Họ đâu rồi ?
– Đâu biết ! Nãy giờ đợi muốn chết !
Tiếng “nãy giờ” làm cô giáo phì cười. Bà đi trên đường này hơn hai tiếng đồng hồ mà bà coi như chỉ mới có… “nãy giờ” thôi !” Thấy tội nghiệp, cô hỏi tiếp:
– Rồi nhà bà ở đâu ?
– Ở gần nhà thờ.
– Nhà thờ Đức Bà hả ? (Cô nghĩ ngay đến nhà thờ nằm gần khu này nhứt).
– Ai biết đâu nà !
Cô giáo suy nghĩ một chút rồi hỏi:
– Nếu cháu chở bà tới nhà thờ, bà có biết đường về không ?
– Về đâu ?
– Về nhà bà, ớ !
– Biết.
– Mà bây giờ bà muốn về nhà hay ở đây đợi hai người kia ?
– Hai người nào ?
– Hai người mà bà kêu là “hai thằng nhỏ” đó !
– Ợ… Tụi nó chắc đi chơi đâu rồi.
– Bà có hẹn với họ ở đây không ?
– Không.
– Vậy sao hồi nãy bà nói bà đợi họ muốn chết ?
– Ủa ? Vậy hả ?
Thấy bà già quá lẫn, cô thương hại:
– Bây giờ bà có muốn về nhà bà không ?
– Muốn.
– Để cháu chở bà lại nhà thờ, nghen.
– Ờ.
Cô định đỡ bà lên Honda, thì nghĩ lại: “Không được ! Rủi bả ngồi không vững té xuống thì đổ nợ !”. Nên đề nghị:
– Bà ở đây đợi cháu chạy về nhà chở con gái của cháu lại phụ mới được.
Bà già “ờ” rồi ngồi chồm hổm xuống, chống tay lên má. Bà làm như cái máy !
Độ mười lăm phút sau, cô giáo Kiều trở lại với đứa con. Trên đường đi, cô đã thuật lại câu chuyện, nên khi vừa ngừng xe, cô nhỏ – tuổi độ 13 – đã nhảy xuống nhanh nhẩu:
– Chào bà. Để con đỡ bà lên ngồi với con, nghen.
Cô bé đặt bà già ngồi “cặp gắp” giữa hai mẹ con. Bà già bỗng nói:
– Hai thằng nhỏ cũng chở tôi như vầy nè !
À… Thì ra đúng là bà có đi chung với hai người nữa ! Vậy, hai người đó đâu ? Hay là họ cùng tới một nơi nào đó, rồi trong khi hai người kia lo làm gì đó thì bà già đi lang bang, đi riết tới đây ? Nhưng sao không thấy ai đi tìm bà hết ? Cô giáo Kiều phân vân, không biết nên để bà ở lại đây hay nên đưa bà đi kiếm “cái nhà thờ gần nhà” ?
Nhìn đồng hồ tay thấy còn thời giờ để chạy tới mấy nhà thờ gần gần, cô giáo chắc lưỡi quyết định: “Kệ ! Cứ đi cầu may. Rồi sẽ tính !”.
Đến nhà thờ Đức Bà, cô hỏi:
– Phải nhà thờ này không bà ?
– Cha… Lớn quá há ! Mà có cái tượng của ai cao nghệu vậy ?
Như vậy là không phải ở đây rồi ! Chắc ở Tân Định quá. Cô giáo vừa nghĩ vừa rồ ga. Đến nhà thờ Tân Định, cô lại hỏi:
– Còn nhà thờ này ? Phải không ?
Bà già nhìn, có vẻ suy nghĩ. Một lúc bà mới nói:
– Xây tường làm chi mà cao quá há ?
– Dạ. Mà bà có nhìn ra cái nhà thờ này không ?
– Không biết nữa à ! Chỗ đó có trồng bông…
Cô bé góp ý:
– Hay là nhà thờ tin lành ở Phú Nhuận ?
Cô giáo gật đầu:
– Ờ ! Thì cũng thử coi !
Cô ráng lòn lách trong rừng xe cộ để cho mau tới nơi, bởi vì cô không biết còn phải đi bao nhiêu chỗ nữa !
Đến trước nhà thờ tin lành, cô hỏi:
– Phải đây không, bà ?
– Chỗ đó có mấy cái chuông.
– Chết cha ! Nhà thờ nào lại không có chuông !
Cô bé lại góp ý:
– Chắc nhà thờ ba chuông quá, má à !
– Cũng có thể lắm ! Nhưng hơi xa à. Để ghé đâu uống miếng nước cái đã.
Bà già gật gật đầu:
– Ờ… Cho uống đi ! Nãy giờ… khát muốn chết !
Cô giáo phì cười:
– Cứ “nãy giờ” hoài. Mà bà có đói không ?
– Không ! Khát hè !
Trong khi ghé uống nước sâm, cô hỏi:
– Bà có nhớ bà tên gì không ?
– Nhớ chớ ! Tên bà Sáu !
– Con của bà tên gì ?
– Tên thằng Đực.
Mỗi lần bà trả lời là một lần cô bé cười hắc hắc. Trái lại, cô giáo Kiều không cười được nữa. Cô chỉ thấy càng thương hại bà già. Bà lẫn như vậy mà người nhà không chú ý gì hết. Để cho bà đi lang bang… Thật là tắc trách ! Cô lại hỏi:
-Vậy chớ… xóm của bà tên là xóm gì ?
– Cầu Ngang.
Hai mẹ con cô giáo nhìn nhau. Ở thành phố, chưa nghe nói “xóm Cầu Ngang” bao giờ. Có “Cầu Kinh”, “Cầu Bông”, “Cầu Kiệu”, “Cầu Chữ Y”, “Cầu Tre”… vv. Chớ làm gì có “Cầu Ngang” ? Nhưng không sao. Miễn là bà già nhìn ra được cái nhà thờ của bả, là có thể phăn ra cái xóm.
Uống nước xong, lại chở nhau đi. Lại phải lòn lách, bóp kèn liên hồi. Đến nhà thờ ba chuông, bà già cũng nói không phải ! Lần này, cô bé đề nghị:
– Mình chở bà đi vòng vòng như vầy, rủi người nhà đi kiếm thì làm sao mà gặp ? Thà trở lại đường Đồng Khởi, ngồi một chỗ mà đợi, con thấy chắc ăn hơn, à má !
Cô giáo đồng ý. Vả lại trời cũng đã xế bóng rồi. Vậy là chở nhau đi nữa. Lần này, đường từ nhà thờ ba chuông về nhà thờ Đức Bà cũng khá xa, nên cô giáo chạy có hơi nhanh. Bà già sợ, nhắm mắt, không dám nhìn quanh nhìn quất nữa !
Đang đổ xuống đường Đồng Khởi bỗng có một thanh niên chạy Honda ngược chiều, gọi lớn: “Ê ! Ê !”. Rồi gã quành xe lại chạy theo. Chạy đến ngang xe cô giáo, hắn la: “Bà nội ! Bà nội !”. Bà già mở mắt nhìn sang:
– Ờ ! Mầy đó hả ?
Cô giáo và hắn rề xe vô lề, ngừng lại. Hắn hỏi, có vẻ bực tức:
– Cô chở bà nội tôi đi đâu vậy ?
Cô giáo cũng bực tức, to tiếng:
– Bộ anh tưởng tôi có thì giờ ở không để chở bả đi chơi, hả ? Thấy bả đi lạc mà muốn về nhà nên mẹ con tôi tội nghiệp mới chở bả đi giùm. Anh hiểu chưa ? Nè ! Tôi trả bả lại cho anh đó !
Thanh niên dịu giọng:
– Vậy hả ? Làm từ trưa tới giờ, cha con tụi này chạy kiếm tùm lum. Mất cha nó mấy cái áp phe !
Trong lúc cô bé đỡ bà già lên vỉa hè, hắn vẫn ngồi chàng hảng trên Honda, vừa kể vừa huơi tay ra bộ:
– Bả kỳ lắm ! Hồi trưa này, trên đường chở bả lại gởi ở nhà cô Út, tụi này ghé Ủy Ban Nhân Dân có chút việc. Biểu bả đứng coi chừng xe, mà một hồi ra thấy bả đâu mất ! Có hẹn mấy áp phe “xịn” mà phải bỏ để chạy đi kiếm. Í hị… Mấy bà già… Thiệt… Khổ quá !
Cô giáo Kiều phát ghét, không muốn nói thêm một lời. Nhưng vì tò mò nên vẫn hỏi:
– Bà nói nhà bà ở xóm Cầu Ngang gần nhà thờ… Là ở đâu vậy ?
Gã thanh niên cười hắc hắc:
– Đó là nhà bả ở dưới quê gần Vĩnh Long, á ! Bây giờ tiêu hết rồi. Hồi đó biểu bán không chịu bán để bây giờ đất đai nhà cửa bị lấy hết. Lên đây, tối ngày cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ !
Vừa nói hắn vừa nhìn quanh như tìm cái gì. Hắn thấy ngang chỗ hai người đậu Honda, có một cửa hàng cho mướn điện thoại. Hắn dựng xe, bước xuống:
– Để tôi kêu về nhà cho ba tôi hay.
Hắn điện thoại mà nói lớn tiếng như sợ ở đầu kia không nghe.
– A-lô ! A-lô ! Ờ ! Kiếm được bà nội rồi, nghen ! Không có sao hết. Bây giờ ba đi vụ cái Toyota, đi ! Để cái Mercedes tôi lo. Tôi đưa bả lại cho cô Út rồi chạy vụ cái xe này. Thôi ! Cúp !
Trả tiền điện thoại xong, hắn bước lại bà già cằn nhằn:
– Nói đứng đâu thì đứng đó giùm một cái. Bà nội đi đâu báo hại người ta kiếm muốn chết. Thôi ! Mình đi !
Hắn đỡ bà già lên xe, đặt hai chân của bà lên bàn đạp, vừa làm vừa nói:
– Để chân đây cho chắc. Đừng huơi huơi rồi làm rớt dép như hôm trước, tôi không lượm đâu, nghen !
Bà già làm thinh. Hắn trèo lên ngồi:
– Ôm eo ếch cho kỹ nghen. Chạy à !
Rồi hắn quay sang cô giáo Kiều:
– Thôi. Đi nghen !
Hai mẹ con cô giáo không còn lời để nói ! Nhìn theo, thấy bà già tóc trắng ôm chặt lưng thằng cháu nội, giống như người ta ôm một cái phao !..
Trên đường Đồng Khởi, người qua kẻ lại…
tieutu_sign

No comments:

Post a Comment