Nhân Quả
Nhân Quả
Posted by BIENXUA on JUNE 29, 2019
PhanTác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp
chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á
Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả
Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
***
Tôi thường đọc sách báo nên cũng thường gặp những câu chuyện, những lý giải về luật nhân quả. Có thể tóm tắt những câu chuyện, những trang sách báo
nói về luật nhân quả là người viết cố gắng trình bày, lý
giải cho một cách sống
tốt đẹp. Người sống thiện lương sẽ có cuộc đời bình an, vô
sự; kẻ giàu lòng thương
người sẽ được ơn trên, hoặc đơn giản là người khác bù đắp cho. Thậm chí có lần
tôi đọc được một tác giả đã khẳng định luôn rằng: Trên đời không có gì công bằng hơn luật nhân quả; hễ người gieo gió thì ắt sẽ gặt bão, người ở hiền mới gặp lành.
Rồi thì gấp trang sách báo lại, tôi cũng tự nhủ lòng ráng sống cho lương thiện. Chuyện
giúp người quả thật là nên làm, nhưng bản thân không có điều kiện thì đành chịu vậy; miễm không làm gì hại người là được, dù khó khăn bao nhiêu cũng
không làm chuyện hại người vì nhân quả nhãn tiền, đã thấy đã nghe…
Nếu ngồi nhớ lại chuyện nhân quả của bản thân thì có lẽ tôi biết và suy nghĩ
về luật nhân quả khi còn rất trẻ. Mới xong trung học tôi đã nhờ bạn bè giúp, kể cả chạy chọt để lên tàu đánh
cá. Mưu vọng cơ hội vượt biên là điều âm thầm và giữ kín trong lòng. Trước mắt là tránh được chuyện
bắt bớ trong đất liền vì thời tôi lớn vào lúc Việt nam
có chiến tranh tây bắc với Trung cộng, chiến tranh tây nam với Campuchia. Thấy
bạn bè cứ cố nán lại Sài gòn bằng cách sống trốn chui trốn nhủi, tôi liều mạnh
ra khơi chứ có biết gì về nghề đánh cá.
Song. Hôm tàu phải về ụ tàu Sao Mai ở cầu Bình Triệu để đại tu.
Đa số anh em trên tàu là dân Vũng Tàu nên họ tranh thủ đi chơi cho biết
Sài gòn. Trong khi tôi sanh đẻ ở Sài gòn nên
sau trung học, bước chân ra phố, đâu đâu cũng thấy dấu tích kỷ niệm với bạn học suốt
bao năm trời; lòng chỉ buồn thôi vì bạn bè bây giờ tan tác, chẳng ai
biết ai giờ nơi đâu, ra sao…?
Tôi cứ ở lì trên tàu, dù tàu nằm ụ. Anh em đi chơi về, chúng mua cho tôi món gì thì ăn món nấy, cứ ăn rồi ở nhà coi chừng đồ cho anh em đi chơi, vì những người thợ sơn sửa tàu cho chúng tôi, thỉnh thoảng họ cũng trộm vặt quần
áo, radio, đồng hồ đeo tay, hay đồ dùng cá nhân của chúng tôi.
Đến hôm ông thuyền trưởng ra lệnh:
Chiều nay nước lớn, tàu của chúng ta sẽ ra ụ. Tụi bay có
đi chơi đâu thì cũng
phải về tàu trước 3 giờ chiều để về Vũng Tàu…
Vậy là anh em kéo nhau vô Sài gòn ăn chơi,
mua sắm bữa cuối. Tôi thức
dậy thấy tàu trống trơn, chẳng còn đứa nào. Bước ra cầu tàu thấy bác bảo vệ già chào tạm biệt tôi vì khi bác lên ca trực tới thì tàu tôi đã đi… Bác cho tôi một túi sách báo như giao hàng lậu vì những sách báo ấy bị cấm vào thời đó! Bác dặn tôi giấu kỹ trên tàu. Đọc lén khi có thể. Và đọc xong thì cho xuống biển luôn nha con. Tội nghiệp mày còn nhỏ, ham đọc, mà phải đi đánh cá. Hễ lúc nào có thể… thì vậy đi nha con!
Cái ánh mắt ngầm bảo: Có cơ hội thì vọt ra nước ngoài đi nha con.
Chẳng có gì để vương vấn nơi đây nữa của bác bảo vệ già như kim chỉ nam cho tôi suốt
thời tuổi trẻ. Bác bảo vệ già mà tôi chưa từng gặp lại, nhưng cứ đọc sách báo
là thấp thoáng hình ảnh ông giáo già của chế độc cũ thành người gác gian trong chế độ mới; người ghét chiến tranh nhất thì hoà bình lại ngồi ôm súng thâu đêm; người thầy không trường lớp của
những học trò vô danh mà tôi là một…
Tôi đem giấu túi sách báo trong tàu rồi thả bộ ra ga Bình Triệu.
Định bụng uống ly cà phê đá cho thật ngon, ăn tô hủ tíu có thêm tô xí quách cho đã đời… để ra biển cả tháng có thèm cách mấy thì cũng phải ăn cá trừ cơm
thôi! Nhưng khu ăn uống, nhà trọ ngoài ga sáng nay nhốn
nháo… Tôi chỉ mới hớp mấy ngụm cà phê đã rõ chuyện gì!
Chuyện là: Có chị nọ là con buôn theo đường tàu hoả. Chị mua vải vóc ở Sài gòn
rồi theo tàu hoả ra bán ngoài Nha Trang; sau đó mua thuốc lá sợi Vĩnh Hảo ngoài Nha Trang, đưa vào Sài gỏn bán lại. Đêm qua, chị ngủ phòng trọ để chờ tàu vì hàng vải vóc của chị nhiều. Vậy là chị bị cướp giết chết trong phòng trọ để cướp vải của chị. Dư luận cho là bạn hàng với nhau ra tay chứ
cướp đường làm sao biết được chị ngủ ở đâu, và vải vóc nhiều cỡ nào…?
Tôi uống chưa xong ly cà phê thì có cô
công an, chừng ngoài hai mươi tuổi. Cô đến nhà trọ để lập biên bản về một vụ cướp, có
người chết.
Không lâu sau tôi nghe mọi người bàn tán lung tung, phải tổng hợp tin vỉa
hè lại mới ra nội dung là cô công an đang mang bầu em bé. Cô bước vào phòng trọ có nạn nhân của vụ cướp đã ói mửa, ói tới mật xanh mật
vàng; và sợ tới mặt cắt không còn hột máu…
Tin tiếp theo là tin cô công an nhờ người đàn ông nào đó vô phòng nạn nhân giúp cô việc trở xác chết cho cô ghi biên bản bao nhiêu vết dao
đâm?
Người xem chỉ hiếu kỳ, càng lúc càng đông.
Nhưng chỉ đứng ngoài nhìn vô, rồi trở ra vẽ rắn thêm chân cho dân bán vé số, bán trà đá ở ga thêm kinh hoàng, không ai dám vô giúp cô công an một tay để lập biên bản.
Tin nóng từ trong phòng trọ có xác chết bay ra… Cô công
an bị ngất xỉu!
Rồi thì bà chủ quán cà phê mái che cấp cứu cho cô công an với khăn lạnh vì nhúng thùng nước đá. Cô tỉnh lại như cái xác không hồn. Màu áo công an cô mặc vẫn thấy
ghét, nhưng gương mặt người phụ nữ có thai quá tội nghiệp với sợ hãi và hoảng loạn.
Tôi nhận lời giúp.
Nên tôi với cô công an bước vô phòng trọ của nạn nhân. Trước mắt
tôi là hình ảnh người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, mặc quần
đen, áo hoa, chết gục với nửa thân trước trên giường, nửa thân sau dưới đất.
Toàn căn phòng trọ nồng nạc mùi máu tươi…
Cô công an lại xỉu. Tôi dìu cô ra ngoài để hít thở không khí vì trong phòng chỉ có tử khí.
Tôi lập biên bản vụ án thay cô.
“Nạn nhân bị tấn công khi ngủ, nên bị hai nhát dao đâm ở phía trước là ngực bên phải, và giữa ổ bụng. Sau đó nạn nhân có chống trả kẻ tấn công nên có nhiều vết bầm và chấy xước trên hai cánh tay, trên mặt nạn nhân.
Có lẽ do máu ra nhiều từ hai vết thương nặng phía trước và nạn nhân kiệt sức
do chống trả nên đổ gục xuống giường trong tư thế nằm sấp với nửa thân trên
trên giường và nửa thân dưới còn dưới đất.
Phía sau lưng nạn nhân có năm vết dao đâm từ thắt lưng lên ngang ngực. Vết
nghiêm trọng nhất là dù đâm từ sau lưng nhưng đúng ngay vị trí tim.
Nạn nhân qua đời về sáng chứ không phải nửa đêm vì máu tươi còn rỉ ra từ vết thương nghiêm trọng này…”
Về tài sản của nạn nhân: Chỉ có bộ quần áo trên người và một tấm vé số trong túi áo bà ba. Không có
tiền bạc, nữ trang, và bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Kẻ cướp đã lấy hết để che giấu tông tích nạn nhân…”
Mọi người hoan nghênh tôi quá chừng! Nào là chàng trai can đảm,
mà lại nhân đạo nữa mới ghê! Có lẽ không ai biết tôi nín ói,
ráng dữ lắm chứ không cũng nôn thốc nôn tháo như cô công an. Chắc nhờ chưa ăn
sáng nên trong bụng không có gì để ói. Rồi thì mùi máu ám ảnh tôi tới không biết bao lâu sau đó, cứ đưa bàn tay mình lên mặt là tôi nghe mùi máu.
Nhưng nhớ hôm đó! Mọi người đề nghị cô công an không ghi vô biên bản về tờ
vé số trong túi áo nạn nhân. Mọi người đề nghị cô công an cho tôi tờ vé số để đền
ơn tôi đã giúp nạn nhân được nằm ngay ngắn trên giường, và đắp chiếu.
Cô công an đồng ý với quần chúng nên tôi được
nhận tờ vé số, lại không dính máu me.
Tôi trở về tàu, bắt đầu ói mửa tới mật xanh mật vàng, rồi lên cơn sốt.
Tàu ra ụ. Chạy thẳng ra Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Côn Đảo ngoài Vũng Tàu.
Tôi nằm mê man suốt ngày hôm sau vì tàu phải lên muối, nước đá, và đổ
dầu chạy máy để ra biển ba mươi ngày. Thằng bạn dẫn dắt tôi đi tàu đánh cá thì tàu nó mới vô bờ sau ba mươi ngày ngoài biển, tàu tôi ra khơi là thay chỗ tàu nó.
Nó vô bờ là rủng rỉnh tiền trong túi nên sang tàu tôi tìm tôi đi ăn nhậu cho đã đời trước khi tôi ra khơi. Nó không ngờ tôi nằm thiếu điều liệt giường trên tàu tôi. Nó chỉ lôi được tôi ra quán cho tôi ăn tô hủ tíu cho tỉnh người trước khi tôi ra
khơi…
Trời ơi! Tôi còn không ngờ được tấm thân vai u thịt bắp của mình mà lê chân không nổi, vì ăn xong tô hủ tíu nóng hổi thì có tỉnh người, nhưng tỉnh người
ra thì nghe đâu cũng toàn mùi máu. Tôi cảm nghĩ mình vừa ăn một tô
máu nóng… nên ói thốc ói tháo.
Đúng là tôi lê thân ra khơi vì thằng bạn chung xóm chung trường,
nhưng lớn hơn tôi hai tuổi, nó học trước tôi hai lớp. Nó đi đánh cá đã hai năm sau trung học rồi. Nay nó giúp tôi không đơn giản chỉ là xin việc mà còn bao nhiêu móc nối,
hối lộ, khai man lý lịch thì tôi mới được đi tàu đánh cá,
chứ tôi con nhà ngụy thì ai cho tôi ra biển… để vượt biên à? Nhưng lại được phát cho khẩu
súng AK 47 vì sau khi ông Lê Duẩn vào thăm xí nghiệp rồi tuyên bố:
Mỗi người thủy thủ của xí nghiệp quốc doanh đánh cá Côn Đảo
là một người chiến sĩ giữ gìn
tài sản quốc gia trên biển.
Ôi lạy Chúa tôi! Lương thủy thủ tàu đánh cá quốc doanh thời đó sống được là
nhờ ăn sống nuốt tươi tôm, mực đánh bắt được ngoài biển, chứ căng ra vài ba ký gạo một tháng thì ăn cháo. Vậy là ôm thêm
khẩu súng không công,
không lương để đánh đuổi bọn Thái Lan ưa đánh cá lậu trên vùng biển Việt nam thời
ấy, chứ đám Trung quốc thuở ấy còn chưa có gì để làm trời làm đất ngoài biển đông.
Ôi thằng bạn chung trường, thằng anh em chung xóm. Nó nghe tôi kể chuyện vụ
án chết người ở ga Bình Triệu, rồi đưa cho nó tấm vé số
vì tôi ra biển thì ba mươi ngày sau mới vô bờ.
Đâu ngờ tấm vé số ấy trúng lô an ủi. Mà trúng lô an ủi ở Việt nam thì cũng được nhiều tiền lắm chứ không ít như trúng lô an ủi của vé số bên Mỹ bây giờ. Nó đem đến nhà tôi, đưa cho mẹ tôi hết số tiền, và chỉ nói là tiền lương với tiền thưởng của tôi gởi về nhà.
Hôm tàu tôi về bến, tôi về thăm gia đình. Ngồi kể cho mẹ tôi nghe chuyện
vụ cướp chết người ở ga Bình Triệu, vụ tấm vé số của nạn
nhân… Mẹ tôi linh tính ra liền,
“Hèn chi thằng Tuấn Khanh bạn con, nó đưa cho mẹ nhiều tiền
lắm. Nó nói là tiền lương tiền
thưởng của con gởi về nhà…”
Mẹ tôi kết luận, “
Thôi thì
chuyện người mất đã mất. Tội nghiệp cô ấy thật, nhưng là số phần mỗi người thì biết tránh sao cho khỏi. Nhưng luật nhân quả ở đời, con thấy
đấy! Con giúp người thì
trời giúp con, giúp gia đình mình. Con có biết gì về nghề đánh cá ngoài biển đâu, thế mà cũng đi được, làm được. Yên thân con, không phải đi nghĩa vụ
quân sự; lại còn
giúp được gia đình trang trải nợ nần chứ mình mẹ lo không xuể chi phí gia đình, lại còn khoản đi thăm nuôi cha anh của
con trong tù cải tạo mới tốn
kém…”
Những đêm ra khơi, lênh đênh ngoài biển với sao trời và sóng bạc
đầu. Tôi nghĩ tới gia đình, mẹ tôi lam lũ sau hoà bình,
cha anh trong tù cải tạo… Đúng là bế tắc, nhưng luật nhân quả
không để ai cùng đường. Trong bế tắc nào cũng có sinh lộ không ngờ, chỉ cần ăn ở
thiện lương, có thiện tâm thì trời không bỏ ai.
Mùi máu tươi trên hai bàn tay tôi bốc hơi sau nhiều tháng không thể cầm tay
không miếng bánh, miếng trái gì mà bỏ vô miệng để ăn, vì cứ đưa lên đến miệng là nghe mùi
máu. Rồi những đêm không khoẻ trong người, ngủ không tròn giấc, trong lơ mơ ẩn hiện hình ảnh chị con buôn chết thảm. Sáng ra tôi lại nhắc mẹ tôi hôm nào mẹ đi chùa, nhớ đọc kinh cầu siêu cho chị…
Nhân quả theo thời gian, theo tôi đã quá nửa đời người. Đôi khi ngẫm
nghĩ lại người xưa có lý lẽ của người xưa để giải thích những hiện tượng, sự việc
trong trời đất, trong cuộc sống xưa. Khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển như
bây giờ thì người xưa tin nhiều hơn vào huyền bí, thần linh.
Nhưng rồi khoa học kỹ thuật phát triển, mở ra những cánh cửa huyền bí xa xưa.
Bây giờ chạy máy điện tâm đồ có thể giải mã được giấc mơ của con người, nên mờ nhạt đi chuyện ông bà đã quá vãng từ lâu, nhưng về báo mộng cho
con cháu biết ngôi mộ mình bị sạt lở. Con cháu ra viếng
mộ và sửa chữa, về nhà cúng kiếng ông bà linh thiêng…
Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Khoa học dù có phát triển hơn
nữa. Con người rồi sẽ đặt chân lên Sao Hoả, phi thuyền lại bay đến những hành
tinh xa xôi hơn Sao Hoả để thăm dò, khám
phá… Ngày ngày xem tivi, đọc báo khoa học, những chiếc xe không người lái đã lăn bánh trên đường. Đó là khoa học giả tưởng của thế kỷ trước thì thế kỷ này đã là hiện thực. Nhưng trên mặt đất này, luật nhân quả vẫn
tuần hành từ vô biên tới vô biên, nếu ta nhìn ở góc độ tâm linh…
Hôm qua đi làm về, tôi ngồi rất lâu sau khi cởi đôi giày ngoài garage. Ngồi suy nghĩ về câu chuyện của ông bạn tôi. Anh là lính cũ – Trung úy Hải quân. Anh từng tốt nghiệp đại học trong nước
trước khi có lệnh tổng động viên.
Biến cố
tháng Tư năm 1975, tàu anh đi luôn ra Đệ thất hạm đội. Anh lại một lần nữa đi học
đại học ở Mỹ. Một người đã hai
lần đi
đại học, tiếng Anh lưu loát, tính tình
dễ
thương, làm việc giỏi… Nhưng số phận không may nên anh cứ lầm lũi đi làm công nhân hết hãng này tới hãng khác.
Nay bảy mươi tuổi rồi mà vẫn còn đi làm.
Đôi khi những người bạn trẻ
nói vui theo suy nghĩ thiếu suy nghĩ của họ thôi chứ họ không có ác ý gì với anh. Hay tại tôi hơi nhạy cảm nên tôi thấy những nhát dao sắc lẹm khứa
vào anh…
“Ông già ơi! Về nghỉ hưu đi cho. Ông làm sai cái này nữa
rồi!”
Anh nhỏ nhẹ xin lỗi, để tôi làm lại. Hay người bạn trẻ khác hay đùa,
“Bộ tiền già không đủ trả tiền child support sao mà đi
làm hoài vậy tía?”
Anh cười ruồi cho qua, nhẫn nhịn hay nhẫn nhục cứ pha trộn trên gương mặt
già nua, mệt mỏi của anh. Chắc đồng nghiệp chỉ mình tôi biết về hoàn cảnh anh. Hai vợ
chồng già không có phần phước nhiều về chuyện con cái nên đứa con gái có lòng với cha mẹ thì nó lại nghèo, lo gia đình riêng của cô ấy thôi đã đuối thì lấy đâu ra giúp cha mẹ nhiều. Trong khi anh con trai có điều kiện hơn em gái
trong việc giúp đỡ cha mẹ lúc về già thì anh lại thiếu tấm lòng hiếu thảo…
Anh bạn vì thế mà cứ phải đi làm khi đã bảy mươi để lo cho người vợ bệnh
quanh năm suốt tháng. Tiền già của hai người đâu đủ sống nên anh bán căn nhà để
bớt chi phí. Hai vợ chồng dọn ra ở chung cư cho đỡ tốn tiền từ hôm anh bị mất
việc.
Hãng xưởng thì khi hết việc làm, họ cho công
nhân tạm thời nghỉ hết vẫn chưa đủ thì sẽ tới công nhân chính thức cũng
bị layoff. Và đương nhiên là những người già bị loại sớm
hơn người trẻ. Anh không oán trách ai, không buồn phiền gì hết. Về. Liệu cơm gắp mắm sống qua ngày hai vợ chồng già.
Tôi vẫn gọi thăm hỏi anh mỗi cuối tuần. Vậy mà đã ba tháng từ khi anh bị cho thôi việc. Hôm qua, anh đột ngột trở lại hãng, vô làm việc bình thường lại. Anh chỉ nói với tôi,
“Trời cứu! Anh gặp sếp lớn ngoài chợ. Bà ấy thăm hỏi anh,
thì có sao anh nói vậy! Bà ấy
không hứa, nhưng đã xin
cấp trên cho anh trở lại làm. Anh thì hứa không nói ai biết
chuyện này sau khi bà ấy gọi điện thoại cho anh, nên xin lỗi chú em…”
Tôi có gì đâu mà giận với hờn. Lo không hết
chuyện chống đỡ dư luận búa rìu cho anh…
“Ôi.
Ông già đó giỏi tiếng Anh, lại khéo miệng thì… chuyện gì chả được!”
Người cay cú hơn lại bảo,
“Ông xã
tui còn nhỏ tuổi hơn ông ấy, khoẻ mạnh hơn ông ấy; nhưng không giỏi
tiếng Anh và khéo miệng nên không được kêu lại…”
Người khác nữa lại cho là anh “có tay
trong”. Lớn tuổi quá rồi thì cùng nghỉ một lượt với những người còn ít tuổi hơn, thậm chí còn trẻ để không ai phân bì, khiếu nại. Nhưng có tay trong thì trở lại dễ dàng!
Ôi thôi… thì ôi thôi chuyện đời. Có gì không thể xảy ra trong cõi ta bà
này. Tôi ta bà đến hôm gặp bà sếp lớn của hãng đang bưng đồ
lủ khủ ra xe nên giúp bà ấy một tay. Mặc kệ những con mắt nhìn không dám
nhìn thẳng, những nụ cười không cười không chết ai hết nhưng sao lại cười không
cần thiết thế chứ? Tôi cứ kệ cái thế gian mắt trắng như ngân nhũ này. Khi bà sếp
cảm ơn tôi giúp bà đem nhiều thùng giấy tờ ra xe bà. Tôi cũng cảm ơn bà đã giúp đỡ cho anh bạn tôi được trở lại làm việc…
Dường như bà ấy quên hết việc bà đang cập rập với mấy thùng giấy tờ, bà
quên mệt tới đồ mồ hôi trán trong cái nắng hạ ở xứ này… Bà nói với tôi, bà nói
với bà, bà nói với cuộc đời không có màu da, tiếng nói khác biệt; chỉ có lòng người phân biệt nhau thôi… Bà nói, “Tôi gặp
ông ấy trong chợ. Tôi không định đến chào hỏi ông ấy vì làm việc chung hãng với nhau bao năm trời.
Không ngờ có ngày
chính tôi phải thông báo cho ông ấy biết ông ấy có tên trong danh
sách cắt giảm công nhân của hãng, nên tôi ngại đến chào hỏi ông trong chợ.
Chỉ có điều… không rõ nguyên nhân. Khi tôi ra xếp hàng để trả
tiền những thứ tôi mua. Người đang trả tiền cho cô thâu ngân là một người mẹ da đen, có mấy đứa con nhỏ… rất làm phiền.
Người kế tiếp người mẹ và mấy đứa con ồn ào đó là ông bạn của chúng ta. Rồi chừng
mười người nữa mới đến lượt tôi, nên ông không hề thấy tôi.
Người mẹ kia đã hầu như móc hết những cái thẻ nhựa trong bóp tay của bà ra
để trả tiền, nhưng không có cái thẻ nào được chấp nhận. Trong khi cả hàng người
xếp hàng sau giờ tan hãng
thì ai cũng mệt mỏi, muốn mau về nhà để tránh kẹt xe, nên họ bắt đầu có phản ứng. Người mẹ da đen đành để lại cái xe chợ có nhiều thức ăn của
bọn trẻ, nhưng bọn trẻ làm
ẩm lên, la khóc, chứ không chịu theo mẹ ra về tay không…
Chính ông bạn của chúng ta đã trả tiền cả xe thức ăn cho bọn trẻ không quen biết ấy,
trong khi ông ấy mua có mỗi hộp trứng và bình nước cam. Ông ấy đã làm thay đồi suy nghĩ ban đầu của tôi là tránh mặt ông ấy vì tôi ngại ngùng. Tôi
quyết định đẩy cái xe chợ của tôi sang một bên. Tôi tiến đến ông để bắt tay và thăm hỏi ông.
Trò
chuyện với ông tôi mới biết là ông đang rất khó khăn tài chánh vì tiền thất nghiệp không đủ cho ông
trang trải chi phí gia đình
trong hoàn cảnh vợ ông đang bệnh nặng, phải đi bác sĩ, vô nhà thương đều đều…
Tôi bỏ luôn cái xe chợ, quyết định không mua gì nữa. Tôi về nhà với mấy đứa trẻ của tôi cũng đang kêu đói bụng ầm lên… Nhưng tủ lạnh nhà tôi có sẵn pizza
đông lạnh, có đồ hộp trong tủ đồ khô… chỉ có tôi đói, nhưng không phải đói thức
ăn. Tôi nghĩ mình
phải làm một việc gì đó hơn là ăn chút gì đó cho qua bữa chiều.
Tôi quyết định sau buổi họp với ban lãnh đạo hãng vào ngày mai. Tôi sẽ gặp riêng
ông chủ hãng và xin ông ấy cho ông bạn của chúng ta trở lại làm việc vì ông đã làm việc lâu năm ở hãng này, nay tuổi cao nên cũng khó xin được việc ở
hãng khác, mà hoàn cảnh của ông ấy
thì rất cần việc làm.
Tôi cũng không rõ nguyên nhân ông chủ đồng ý. Nên tôi gọi ông bạn của chúng ta trở lại làm
việc. Tôi chỉ giúp ông ấy được mỗi việc giữ nguyên quyền lợi cũ cho ông ta vì việc ấy thuộc
thẩm quyền tôi có thể quyết định.”
Tôi chào bà sếp lớn, cảm ơn bà lần nữa dù bà giải thích thế
nào để phủ nhận công sức của bà đã giúp ông
bạn tôi. Có thể là
tôi cảm ơn cuộc đời vẫn còn bà, vẫn còn ông bạn già của tôi,
những người đã dừng lại một bước trong đời vội vã để chia chung đói nghèo với đồng loại, thắp lên ngọn nến lòng trong tim băng
giá của tình người hôm nay…
Vì thế ông bạn già
của tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng là hãng
có việc làm trở lại nên kêu người người cũ trở về! Ông mặc kệ
tôi lặng thinh trong suy nghĩ đúng là luật nhân quả có thật và còn hiện hành vì trẻ khoẻ như tôi trong hãng mà tuần chỉ làm có ba ngày, phải lấy hai ngày vacation bỏ vô
cho được bốn mươi tiếng/ tuần mà
ăn lương căn bản để sống qua ngày.
Hãng không có lý do để gọi một ông già
bảy
mươi trở lại làm việc trong tình
hình tệ hại của hãng. Nhưng luật nhân quả như mạch nước ngầm vẫn
chảy trong nhân sinh để nuôi dưỡng tình
người
qua những sẻ chia đời sống…
Phan