Tuesday, May 26, 2020


Hy vọng không ai sẽ bị mất tiền.


jeudi 23 avril 2020
Hy vọng không ai sẽ bị mất tiền.
Kính gửi quý anh chị một bản tin về tiền tệ, hy vọng sẽ không ai bị mất tiền.
Đây là bài tiếp chuyển, link góc nằm trong đừơng dẫn.

Ngân hàng trung ương các nước có thể mất tới 523 tỷ USD nếu không thể hoán đổi ngoại tệ với ngân hàng trung ương Trung Quốc


Ảnh chụp Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 15/7/2015. (Ảnh: Flickr)

Ngân hàng trung ương các nước có thể mất tới 523 tỷ USD nếu không thể hoán đổi ngoại tệ với ngân hàng trung ương Trung Quốc
Trà Nguyễn - Tâm An • 10:17, 29/03/20• 1978 lượt xem

Mặc dù các kênh hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc với các quốc gia trên toàn cầu được thiết kế để củng cố vai trò quốc tế của đồng Nhân dân tệ (CNY), điều này có thể “phản tác dụng” trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu rơi vào vòng xoáy khủng hoảng như hiện nay. Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước có thể sẽ mất tới 523 tỷ USD nếu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không hoán đổi ngoại tệ với họ như đã từng làm trong quá khứ.

NHTW đóng vai trò người đi vay và người cho vay cuối cùng của nền kinh tế, chịu trách nhiệm về vấn đề thanh khoản tiền tệ, ổn định đồng nội tệ và ngoại tệ trong nền kinh tế. Do vậy, trong khủng hoảng tài chính - khi thiếu hụt thanh khoản nội tệ và ngoại tệ là biểu hiện đầu tiên, 
NHTW luôn phải dự trữ đủ ngoại tệ, nội tệ, 
chuẩn bị đủ công cụ phòng ngừa rủi ro thiếu hụt thanh khoản, giống như chuẩn bị bộ đệm dày và mềm để đón cú rơi của thị trường vậy. Bộ đệm mà NHTW chuẩn bị, càng dày (dự trữ lớn), càng mềm (tính thanh khoản cao, công cụ tài chính linh hoạt, hiệu quả) thì tổn thất của hệ thống tài chính sẽ giảm đáng kể, mọi thành viên tham gia thị trường có thể bình tĩnh và lý trí vượt qua khủng hoảng với chi phí thấp nhất có thể.
Do đó, một trong các công cụ mà NHTW các nước sử dụng là dự trữ ngoại tệ, chủ yếu là ngoại tệ mạnh như USD, EUR, YEN… Không chỉ dự trữ, NHTW còn thiết lập các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ song phương với nhau nhằm hỗ trợ kịp thời ngoại tệ khi một trong hai nền kinh tế gặp khó khăn. Do vậy, các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ giữa các NHTW là các phương tiện thường trực sẵn có, và đóng vai trò là chốt chặn thanh khoản quan trọng để giảm bớt căng thẳng trên thị trường vốn toàn cầu, từ đó giúp giảm thiểu tác động của trạng thái căng thẳng này trong việc cung cấp tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Vậy nếu một NHTW thất hứa, không hoán đổi ngoại tệ cho NHTW nước bạn tại thời điểm khủng hoảng thì điều gì sẽ xảy ra?

Hiển nhiên là NHTW nước bạn sẽ chịu “cú sốc” không đủ ngoại tệ đáp ứng thanh khoản trong nước, đẩy bất ổn tiền tệ gia tăng, việc mất niềm tin vào năng lực của NHTW sẽ gia tăng, và việc tháo chạy khỏi thị trường tài chính có thể gia tăng đến mức đủ để làm sụp đổ hệ thống tài chính...

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, FED đã thực hiện hoán đổi 580 tỷ USD với NHTW các nước để đảm bảo tính thanh khoản đồng đô la M

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã hiện thực hóa các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với 14 NHTW các nước phát triển và mới nổi. Đây là một phản ứng khẩn cấp đối với tình trạng thiếu thanh khoản bằng đô la Mỹ xuất hiện từ tháng 8/2007, và nhằm tránh các tác động tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu và Hoa Kỳ. Đỉnh điểm là vào ngày 10/12/2009, FED giải ngân cho các NHTW này số tiền 580 tỷ USD qua hợp đồng hoán đổi ngoại tệ. Số tiền này tương đương với 1/4 tổng tài sản của FED, và chiếm 168% cân đối của FED tại thời điểm đó.
Kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng trước cho thấy hiệu quả của các hợp đồng hoán đổi song phương. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng việc này chỉ hữu hiệu khi các bên là “đáng tin cậy”.
Tại thời điểm đó, NHTW Trung Quốc (PBoC) chưa gia nhập thị trường hoán đổi ngoại tệ như một “leader”, một trung tâm hoán đổi ngoại tệ như hiện nay. Một phần vì đồng Nhân dân tệ (CNY) còn yếu và chưa trở thành ngoại tệ dự trữ của NHTW các nước như vai trò của FED với đồng USD Mỹ.
Gần đây (15/03/2020), FED đã đồng ý hạ lãi suất trên các hợp đồng hoán đổi thanh khoản đô la Mỹ thường trực xuống 25 điểm phần trăm. Do đó, tỷ giá mới sẽ là tỷ giá hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS:  overnight indexed swap) của đồng đô la Mỹ cộng với 25 điểm phần trăm để chống đỡ nguy cơ thiếu hụt thanh khoản đồng đô la Mỹ đến từ mối đe dọa khủng hoảng tài chính - kinh tế do virus Corona Vũ Hán. Hiện nay, tổng giá trị hợp đồng hoán đổi ngoại tệ của FED với NHTW các nước khoảng 450 tỷ USD.
Không phải là FED, hiện PBoC mới là NHTW “bành trướng” về hoán đổi ngoại tệ với NHTW các nước khác (hơn 523 tỷ USD) nhưng lại đưa đến rủi ro cao
Không giống FED có sức mạnh điều tiết giá trị và khối lượng của đồng đô la Mỹ, bởi đây là đồng nội tệ của FED và cũng là đồng tiền mạnh nhất thống trị các giao dịch thương mại toàn cầu (88,3%), PBoC chỉ có sức mạnh với đồng Nhân dân tệ (CNY) mới chiếm 4,3% tổng giao dịch thương mại toàn cầu sau 5 năm tham gia rổ tiền tệ. Nhưng PBoC đã vượt trên cả FED về tổng giá trị hợp đồng hoán đổi ngoại tệ lên tới 523 tỷ USD: đổi đồng CNY lấy USD (cũng chỉ là ngoại tệ dự trữ) tại PBoC. Tổng giá trị hợp đồng hoán đổi ngoại tệ của PBoC hiện đã gấp 20 lần so với thời điểm năm 2008 (25 tỷ USD). Các NHTW tin tưởng và ký kết hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với PBoC hầu hết là NHTW các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
PBoC lấy được niềm tin của NHTW các nước nhờ vào khoản dự trữ ngoại hối ở mức hơn 3.800 tỷ USD thời đạt đỉnh cao (2015) và hiện chỉ còn 3.107 tỷ USD. Ngoài ra, việc chính quyền Trung Quốc cũng như PBoC tích cực tuyên truyền về triển vọng kinh tế xán lạn và đưa ra các con số thống kê được “làm đẹp” về tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới, nợ xấu ở mức an toàn (hiện mới 2,08%), tăng trưởng 2 con số và “hình thế xã hội tốt đẹp, ổn định” cũng là nguyên nhân giúp PBoC mở rộng “phối hợp” và có vai trò dẫn dắt trong thị trường công cụ phái sinh ổn định thanh khoản nếu nền kinh tế các nước đối tác thiếu hụt đồng đô la Mỹ.
Khi ký hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với FED, NHTW nước A chỉ cần đổi đồng nội tệ của họ trực tiếp lấy USD của Mỹ. Còn khi ký với PBoC, NHTW nước A dự trữ bằng đồng CNY của Trung Quốc, họ đổi CNY của Trung Quốc lấy USD tại thời điểm khủng hoảng thanh khoản. Đây chính là mấu chốt rủi ro lớn với cả đồng CNY của Trung Quốc (đe dọa giảm giá của đồng CNY khi khủng hoảng) và cả nguy cơ NHTW nước A không nhận được đồng USD mà họ đang cần gấp để hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế của họ nếu PBoC thất tín.
PBoC từng “thất tín” và không hoán đổi ngoại tệ cho NHTW Argentina năm 2015, vào thời kỳ dự trữ ngoại hối của PBoC đạt đỉnh
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 6/3, ông Mansoor Mohi-uddin, nhà phân tích ngoại hối kỳ cựu và là chiến lược gia vĩ mô chính cho chi nhánh ngân hàng đầu tư của Tập đoàn Ngân hàng Hoàng gia Scotland NatWest Markets ở Singapore, đã phân tích với Bloomberg rằng điều nguy hiểm trong quan hệ hoán đổi ngoại tệ với PBoC là các NHTW nước ngoài sẽ đổi tiền của họ để lấy đồng CNY với PBoC, sau đó sử dụng khoản tiền đó để đổi lấy đô la Mỹ nếu khủng hoảng xảy ra.
Ông Mohi-uddin viết: “Điều này sẽ gây áp lực mất giá lên tỷ giá hối đoái của CNY so với USD ngay tại thời điểm mà PBoC đang cố gắng vực dậy giá trị của đồng CNY”. Ông Mohi-uddin nhấn mạnh với Bloomberg rằng: “Hoán đổi với PBoC theo cách này có thể trở thành điểm liên kết yếu nhất của đồng CNY trong một cuộc khủng hoảng tài chính lớn”.
Mặc dù hiện nay đồng Nhân dân tệ đã chính thức được xem là một loại tiền tệ dự trữ (với sự công nhận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế), một sự hoán đổi như vậy sẽ làm nổi bật sự chênh lệch yếu kém trong sức hấp dẫn toàn cầu của nó so với đồng đô la Mỹ. Tiền tệ Trung Quốc được sử dụng trong 4,3% giao dịch ngoại hối toàn cầu, trong khi tỷ lệ này lên đến 88,3% ở đồng đô la Mỹ, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Theo phân tích của NatWest, không giống như các kênh hoán đổi của Cục Dự trữ Liên bang với khu vực các nước sử dụng đồng euro, Nhật Bản, Canada, Vương quốc Anh và Thụy Sĩ, các thỏa thuận của PBoC không yêu cầu phê duyệt để kích hoạt. PBoC đã không đưa ra phản hồi ngay lập tức cho một yêu cầu được fax đến về vấn đề phê duyệt để kích hoạt các lệnh trao đổi.
Bloomberg đã lấy dẫn chứng giao dịch hoán đổi ngoại tệ giữa PBoC và Argentina một vài năm trước để minh họa cho rủi ro này. Quốc gia Nam Mỹ này đã bắt đầu tích lũy CNY thông qua kênh hoán đổi với PBoC vào cuối năm 2014. Sau đó, vào tháng 12 năm 2015, họ đã trao đổi Nhân dân tệ lấy đô la Mỹ, vào thời điểm Trung Quốc đang chiến đấu với vấn đề “bay vốn” (xảy ra khi tài sản hoặc tiền nhanh chóng chảy ra khỏi một quốc gia, do một sự kiện hậu quả kinh tế). Khi đó, Trung Quốc chật vật trong việc đảm bảo lượng đô la Mỹ đủ cho thanh khoản, dù đây là thời điểm dự trữ ngoại hối của PBoC đạt đỉnh.
Ông Mohi-uddin đã theo dõi thị trường tiền tệ trong hơn hai thập kỷ qua, và cho biết rằng mặc dù Trung Quốc luôn có thể kết hợp các kênh trao đổi của mình để kiểm soát mọi áp lực đối với đồng CNY, nhưng cách làm này của PBoC sẽ làm Trung Quốc phải trả giá nặng thêm nếu khủng hoảng xảy ra, và cũng làm trầm trọng thêm khủng hoảng của thế giới do NHTW các nước đối tác của PBoC không đổi được đồng USD kịp thời.
“Họ có thể làm điều đó, nhưng sau đó sẽ phải đặt lại mục tiêu dài hạn của mình là khiến đồng CNY trở thành một loại tiền tệ được giao dịch chính”, ông Mohi-uddin cho biết trong một email gửi Bloomberg.
Virus Corona Vũ Hán có thể làm vỡ bong bóng nợ của Trung Quốc, hãy cảnh giác trước tuyên truyền “phối hợp chính sách quốc tế” với PBoC gần đây
Gần đây, PBoC đã đẩy mạnh tuyên truyền về năng lực tài chính của Trung Quốc và dư địa chính sách dồi dào của nước này để ứng phó khủng hoảng. PBoC chứng minh bằng các con số nợ xấu thấp 2,08%, dự trữ ngoại hối cao (3.107 tỷ USD), tỷ lệ dự trữ bắt buộc lớn (hiện là 12,5% với các ngân hàng thương mại lớn) là dư địa rất lớn cho chính sách tiền tệ khi sản xuất khôi phục, dịch bệnh được đẩy lùi… Việc này nhằm kêu gọi tăng cường phối hợp chính sách quốc tế ứng phó với khủng hoảng. Không loại trừ, các biện pháp này bao gồm cả những hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với PBoC, kêu gọi các dòng tài chính ngoại chảy vào Trung Quốc để lấp đầy “khoảng trống” đói khát nhưng đầy rủi ro của nền kinh tế đang tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa này.
Tuy nhiên, phân tích sâu vào cấu trúc tài chính, cơ cấu nợ, cách phân loại quản lý nợ bất minh, trái ngược với thông lệ minh bạch và an toàn tài chính quốc tế của Trung Quốc sẽ thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm tại Chuyên đề “Mổ xẻ nợ Trung Quốc” của NTDVN với 07 bài phân tích từ nợ công, nợ doanh nghiệp, cho tới bong bóng bất động sản và cách che giấu nợ xấu thực sự của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Trung Quốc.
Thực tế, viễn cảnh mà PBoC vẽ ra để tuyên truyền đều bị phủ nhận bởi các con số thống kê và góc phân tích sâu từ chuyên gia kinh tế - tài chính toàn cầu. NTDVN, trong một phân tích gần đây, đã đưa ra 5 bằng chứng phủ nhận viễn cảnh kinh tế mà PBoC đang vẽ ra (chi tiết mời quý độc giả xem thêm tại đây):
Thứ nhất, Trung Quốc chưa thoát khỏi dịch bệnh virus Corona Vũ Hán, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng quay trở lại sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, các tổ chức tài chính quốc tế liên tiếp giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ mức 5,5% xuống còn 4% thậm chí 0% năm 2020.
Thứ ba, lạm phát của nền kinh tế này đang tăng vọt, đặc biệt là giá lương thực do nguy cơ thiếu hụt lương thực nhãn tiền.
Thứ tư, nợ xấu tại Trung Quốc đã cao hơn con số công bố của PBoC tới 10-15 lần.
Thứ năm, dư địa chính sách tiền tệ của Trung Quốc không còn nếu nợ xấu được hạch toán lại theo thông lệ quốc tế.
Trước thực trạng tài chính - kinh tế như vậy, Trung Quốc nói chung và PBoC nói riêng có thể là nhân tố làm trầm trọng thêm khó khăn cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khủng hoảng cận kề do đại dịch viêm phổi Vũ Hán đến từ Trung Quốc, và đang bùng nổ khắp toàn cầu. Không nghi ngờ gì nữa, không chỉ virus Corona Vũ Hán, kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ của nước này cũng có thể lây nhiễm rủi ro trên toàn cầu.
Trà Nguyễn - Tâm An

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tresor - Economics, The global network of central bank swap lines, No. 231  November 2018;
China’s plan for the yuan could backfire in any crisis - strategist, www.teletrade.eu 
Daniel McDowell, The (Ineffective) Financial Statecraft of China's Bilateral Swap Agreements, International Institute of Social Studies, the Hague, 01/2019.

Xem thêm:
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ráo riết bơm tiền để cứu vớt thanh khoản ngân hàng thương mại - dấu hiệu khủng hoảng ngày một rõ

S&P cảnh báo: Các ngân hàng Trung Quốc có thể phải đối diện với khoản nợ xấu tăng thêm là 1,1 nghìn tỷ đô la

Bloomberg: Trung Quốc ra sức che đậy nợ xấu chồng chất lên ngân hàng do đại dịch

FED: Phối hợp hành động của Ngân hàng Trung ương để tăng cường cung cấp thanh khoản đô la M

Phần 5: Vì sao nói thế giới đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử?

IIF: COVID-19 lây nhiễm vào thị trường nợ doanh nghiệp - chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng

Publié par Caroline Thanh Huong à jeudi, avril 23, 2020

No comments:

Post a Comment