Ba Bị, Ngáo
Ộp bắt nạt
trẻ con
http://chimvie3.free.fr/82/nguyendu/nddg_BaBiNgaoOp_082a.htm
Ba Bị, Ngáo Ộp bắt nạt trẻ con
* * *
Hôm nay thay đổi không khí, tôi xin giới thiệt trang nhà: “Chim Việt
Cành Nam” ở bên trời Âu: http://chimvie3.free.fr/index2.htm
Nguyễn Dư
Ngày xưa có ông Ba Bị, ông Ngáo Ộp chuyên đi bắt trẻ con. Cứ nghe tên hai ông là đám tí nhau đã sợ rồi.
Ngày nay có thằng ông mãnh
Covid-19 doạ bắt người lớn. Không biết người lớn có sợ thằng này hay không?
Ờ nhỉ, tại sao không lợi dụng lúc... mắc dịch, đi tìm ông Ba Bị, ông Ngáo Ộp, nhờ hai ông đuổi bắt thằng Covid-19, đập cho chết nhăn răng?
Khốn nỗi chưa biết hai ông Ba Bị, Ngáo Ộp là thần thánh hay ma
quỷ thì tìm bằng cách nào? Phải mời nhà ngoại cảm, thỉnh bà đồng hay rước đệ tử của Thái Thượng Lão Quân nhờ tìm giùm? May mắn có người khuyên không cần phải vàng nhang, chiêng trống, chỉ thành tâm niệm câu thần chú "Úm
ba la, lật Tự điển ra, tra gần tra xa, cho ra manh mối, nguồn cội
các ông" là xong.
***
- Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của và Dictionnaire
Annamite - Français (1898) của J.F. Génibrel không có hai nhân vật Ba Bị và Ngáo Ộp.
- Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa Ba bị là giống quái lạ người ta bịa ra để doạ trẻ con: Ba bị chín quai, mười hai con mắt. Nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí: Đồ ba bị.
Ngoáo (hay Ngáo) là Vật tưởng tượng, đặt ra để doạ trẻ con.
- Tự điển Việt Hoa Pháp (1937) của Gustave Hue có Ông ba bị chín quai là một ông già đeo
ba cái bị có chín cái quai. Ông ba bị tiếng Pháp là Ogre, croquemitaine.
Ngáo ộp (croquemitaine) là vật để dọa trẻ con. Hãi như trẻ con trông thấy ngáo ộp. Làm ông ngáo nạt người. Mặt như mặt ngáo.
- Tự điển Việt
Nam (1971) của Ban tu thư
Khai Trí định nghĩa Ba bị là một thứ ông kẹ bịa đặt để doạ con nít. Ba bị chín quai, ba bị y hà là một thứ ba bị.
Ngoáo là Vật tưởng tượng đặt ra để doạ trẻ con. Ngoáo ộp là ngoáo lớn.
Ông Kẹ là kẻ hung dữ, đáng sợ: Mấy ông kẹ ở nhà quê.
(Ông Kẹ, được Tự vị Huỳnh Tịnh Của giải thích: Tưởng là ông Trị, là người có công dày với đức Cao Hoàng, đến khi phục quấc, người ban cho một cái bài miễn tử; bổn tánh ông ấy thật thà, hay khi bất bình, ai nấy đều sợ, cho nên có tiếng nhát con nít rằng: ý hà ông kẹ!).
Paulus
Huỳnh Tịnh Của or Paulus Huình Tịnh Của was a
Vietnamese Confucian scholar who studied and translated European works,
classical Chinese works and Nôm
works into Quốc Ngữ - modern romanized Vietnamese. Like Trương Vĩnh Ký, Của was a Confucian scholar who converted to Catholicism.
- Từ điển tiếng Việt (1988) của Hoàng Phê cũng
định nghĩa Ba bị là tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để doạ trẻ con. Ba bị còn có nghĩa là Xấu xí, tồi tàn. Thiếu nhân cách, lăng nhăng, chẳng ra gì. Anh chàng ba bị. Đồ ba bị.
Ngoáo ộp là tên gọi một quái vật bịa ra để doạ trẻ con; thường
dùng để ví vật đưa ra để doạ dẫm, uy hiếp tinh thần. Con ngoáo ộp. Lấy vũ khí hạt nhân làm ngoáo ộp doạ mọi người.
- Bộ tranh Oger (1908) có hai tấm Ông Ba Bị và Ngáo Ộp doạ trẻ. Ông Ba Bị râu xồm, đeo ba cái bị đựng trẻ con. Ông Ngáo Ộp mặt mũi méo xệch, xấu xí.
Mấy tài liệu kể trên cho thấy:
Ba Bị và Ngáo Ộp xuất hiện trên giấy trắng mực đen năm 1908.
Hai nhân vật này là Vật tưởng tượng để doạ trẻ
con.
Theo Gustave Hue thì Ba Bị nghĩa là ba cái bị. Ba Bị, Ngáo Ộp của tiếng Việt là Ogre,
Croquemitaine của tiếng Pháp.
(Từ điển Robert
giải thích rằng Ogre,
Ogresse (giống cái)
có nguồn gốc từ tên
hung thần Orcus của thần thoại La Mã.
Trong
các truyện thần tiên,
Ogre là một ông
khổng lồ, mặt mày
xấu xí
khủng khiếp, thích
ăn thịt tươi, khoái
nhậu... thịt người).
Giải thích của Gustave Hue mới lạ, sẽ được tìm hiểu sâu hơn ở phần sau.
Ông Ba Bị
Ngáo
Ộp doạ trẻ
***
Gấp Tự điển lại. Mở đống sách ra...
Ngáo Ộp của trẻ con
Trò chơi Ngáo Ộp doạ trẻ của Tranh Oger (1908) vẽ một người lớn
làm Ngáo Ộp doạ trẻ con.
Vào khoảng năm 1950, trẻ con Hà Nội còn chơi trò Ngáo Ộp. Hò hét vui
nhộn. Không cần phải đuổi bắt nhau. Chỉ cần cho mấy ngón tay vào
miệng, cố kéo cho lệch sang bên phải, méo sang bên
trái. Hai ngón tay trỏ kéo vành mắt xuống. Tròng mắt trợn ngược. Mặt mũi càng xấu càng hay. Mục đích của trò chơi là doạ nhau. Càng sợ càng vui.
Tiếc rằng chẳng cha mẹ nào ưa trò chơi Ngáo
Ộp. Vì thiếu vệ sinh. Người lớn sao mà khó tính thế! Có lẽ vì vậy mà Ngáo Ộp bị chết yểu.
Sách biên khảo về Trò chơi của trẻ con Việt Nam (1943) của
Ngô Quý Sơn không có trò chơi Ngáo Ộp.
Ba Bị của người lớn
Người lớn có nhiều ông Ba Bị. Mỗi ông một vẻ.
- Ông Ba Bị của lịch sử:
Sách Việt Nam ngoại giao sử cận đại của Ưng Trình thuật lại sự nghiệp của các chúa Nguyễn tại Đường trong, có đoạn:
(...) Nguyễn Hoàng có chiến công, có tước Hạ Khê Hầu, sợ bị ám sát như anh, theo lời dự ngôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành
sơn nhất đái,
vạn đại dung thân", mới nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm điều đình với chồng, cho đi cai trị một
xứ dân Chàm; thành thử, được vào Ô châu
làm Trấn thủ.
Đến Nguyễn Phúc Hoạc là đời thứ tám, trong khoảng 170 năm, nhà Nguyễn Phúc đã có thổ vũ từ Hoành Sơn đến Hà Tiên: còn
dân chúng là cháu chắt của những trẻ em, năm xưa (Mậu Ngọ) ngồi trên vai mấy "ông ba bị".
Chú thích:
- Ba bị: theo dã sử thì những tay hào kiệt, bị Trịnh Kiểm nghi kỵ, đều
đi theo Nguyễn Hoàng vào khai thác Ô châu, mỗi người có mang ba cái bị trên vai, trong hai bị, ngồi hai trẻ em, còn một bị là chứa đồ lương thực. Đến đâu cũng nghe tiếng khóc trong bị, người ta đồn rằng "các ông ba bị, đi bắt trẻ em". Sau người ta doạ trẻ em thì cứ nói: ông ba bị[1].
(Năm Mậu Ngọ là năm 1558, Nguyễn Hoàng vào làm
Trấn thủ Ô châu. Nguyễn Phúc Hoạc chính sử chép là Nguyễn Phúc Khoát (còn có danh hiệu là Võ Vương), cai trị từ năm 1738 đến 1765).
Ba Bị có nghĩa là ba cái bị. Ông Ba Bị có từ thời Nguyễn Hoàng.
Dã sử kể chuyện khá hấp dẫn nhưng chỉ nên... nghe cho vui rồi bỏ. Khó tưởng tượng được cảnh một đoàn người, mỗi người vai mang ba cái bị, hai cái đựng con nít, một cái chứa lương thực... Trẻ con hơi
bị nhiều. Nhiều bị quá. Ông bố nào cũng to lớn, khỏe như Lê Phụng Hiểu ném đao của ta hay Hạng Võ cử đỉnh của Tàu.
Dân ta từ xưa quen gồng gánh. Gánh gạo, gánh rau, gánh hàng... Đôi khi không còn đồ để gánh thì vui
vẻ gánh con.
Chuyện các ông Ba Bị đeo trẻ con trên vai thời Nguyễn Hoàng khó tin.
- Ông Ba Bị của Phật giáo:
Sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng toạ Mật Thể
kể chuyện Trung Đình hoà thượng:
Ngài không biết người ở đâu, tên gì,
vì thường trú ở trong đình, nên người ta gọi tên ấy. Ngài thường đi khất thực các làng, trong mình
thường đeo ba cái bị. Một cái nếu ai cho cá thịt gì cũng lấy bỏ vào đó rồi cho kẻ ăn xin khác ; một cái đựng món ăn chay
ngài dùng ; còn một cái lớn để không, hễ tới đâu thì ngài treo lên mái đình mà ngồi vào. Đêm thì trì tụng, ngày thì lang thang khắp nơi, trông hình
dung nhớp nhúa, tóc xù, áo quần không có phải đóng khố, trẻ con trông thấy đều sợ hãi (cái danh từ "ông ba bị" để doạ trẻ con có từ thời ấy, khoảng đời chúa Nguyễn Phúc Thuần 1765-1777).
Khi tu hành đã đắc đạo, ngài tâu xin
lập hoả đàn ở chùa Thiên Mụ, bố cáo cho
thiên hạ biết. Khi mọi người
xin ngài lưu lại cho một chút di thể, thì ngài đưa lên một ngón tay. Khi đốt lửa bốc theo gió lệch cái mũ Quan Âm của ngài đội do vua ban, ngài lấy tay sửa lại, miệng luôn luôn tụng kinh. Người đi xem đông như kiến, giành nhau lấy trầm hương liệng vào hoả đàn. Thiêu xong, quả nhiên còn một ngón tay
không cháy. Người ta nhặt tro ấy xây tháp thờ ở bên chùa Thiên Mụ [2].
Ông Ba Bị Trung đình hòa thượng đeo ba cái bị, có hình dung nhớp nhúa, tóc
xù,áo quần không có phải đóng khố. Ông sống vào thời chúa Nguyễn Phúc Thuần.
- Ông
Ba Bị của văn học:
- Sách Văn đàn bảo giám (1926) của Trần Trung Viên sưu tầm được câu đối của một tác giả khuyết danh[3]:
Hai hạp, ba chủ, một lũ nhà tơ, ngồi chờ quan lớn
Ba bị chín quai, mười hai con mắt, vào bắt trẻ con
- Sách Tục ngữ phong
dao (1928) của Nguyễn Văn
Ngọc chỉ sưu tầm được câu: Ba bị, chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con. Không có câu
trên [4].
- Theo sách Thơ văn Nguyễn Công Trứ (1958) của Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính thì Nguyễn Công Trứ là tác giả vế trên của câu đối:
Hai hạp ba thủ, một lũ nhà tơ ngồi chờ quan lớn
Ba bị chín
quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ con.
Chú thích: Lúc làm quan, một hôm ông (Nguyễn Công Trứ) ra công đường hơi chậm đã thấy mấy người dân và nha lại ngồi chờ, ông tức cảnh đọc đùa câu đối này. Hạp là chức bát phẩm thơ lại ngày xưa, cũng
như đề lại. Thủ là chức lại thuộc (cửu phẩm) làm ở các ty hồi xưa. Tơ là Ty, sở làm việc quan hồi xưa. Nhà tơ là nhân viên trong ty. (Vế thứ hai của câu đối) là câu ca dao tả một người quái gở dữ tợn, người ta bịa ra để doạ trẻ con. Câu đối này có ý mỉa mai quan trường, vế trên tả ông quan có vẻ oai nghiêm, nhưng vế dưới thì tả một người tham lam (nhiều bị) lại hay lừa dối đòi bắt nạt kẻ non yếu [5].
Nguyễn Công Trứ đối lại câu ca dao "Ba bị chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ
con". Ông Ba Bị có từ thời Nguyễn Công Trứ. Ba Bị là ba cái bị (nhiều bị).
Nguyễn Công Trứ là một ông quan lớn, hàng ngày sai bảo đám nhân
viên dưới quyền, làm việc trong ty. Đồng thời, Nguyễn Công Trứ còn là tác giả của nhiều bài ca trù nổi tiếng. Ông thích
nghe nhà tơ hát. Ông thừa biết rằng nhà tơ không phải là nhân viên trong ty.
Giải thích rằng "Tơ là ty, là sở làm việc quan hồi xưa. Nhà tơ là nhân viên
trong ty" là không đúng.
Nói tóm lại, Nhà tơ có nghĩa
là... nhà tơ, con hát. Câu đối (được gán cho Nguyễn Công Trứ) không có ý mỉa mai quan trường tham lam, bắt nạt kẻ non yếu.
(Trần Trung Viên không nói Nguyễn Công Trứ là tác giả câu đối).
Còn một giai thoại khác cũng
liên can đến Nguyễn Công Trứ:
Trong bữa tiệc có tổ chức ca trù mừng chiến thắng dẹp được cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ có nói một câu được mọi người tán thưởng là: Ông Ba Vành là anh ông Bảy cạp, Ông Bảy cạp lại đạp ông Ba Vành.
Câu nói được lưu hành đến nay ở Thái Bình.
Ba Vành là Phan Bá Vành. Nguyễn Công Trứ tự ví mình là Bảy Cạp. Thúng bảy cạp chắc hơn thúng ba vành [6].
Ba Vành bảy cạp, ba bị chín quai, ba
đầu sáu tay, ba hồn chín vía... trẻ con vừa sợ vừa thích là phải.
- Ông
Ba Bị của dân
gian:
Tranh Oger vẽ Ông Ba Bị râu xồm, xấu xí, trán có nhiều nếp nhăn, quần áo tươm tất, vai đeo ba cái bị. Mỗi bị đựng một, hai đứa bé con.
***
Rốt cuộc, câu hỏi ông Ba Bị là ai, từ đâu ra vẫn chưa được trả lời.
Theo Gustave Hue thì Ba Bị là Ogre, Croquemitaine. Ngáo Ộp cũng là Croquemitaine. Như vậy thì có thể suy ra rằng Ba Bị có họ hàng với Ngáo Ộp! Muốn biết thực hư ra sao có lẽ chỉ còn nước đi hỏi ông tổ của Ogre, Croquemitaine.
Charles Perrault (1628-1703) là nhà văn, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp. Ông viết nhiều truyện thần tiên nổi tiếng như Thằng bé tí hon (Le Petit Poucet), Yêu râu xanh (Barbe-Bleue), Cô bé quàng khăn đỏ (Le Petit Chaperon rouge) v.v..
Charles
Perrault was a
French author and member of the Académie Française. He laid the foundations for
a new literary genre, the fairy tale, with his works derived from earlier folk
tales, published in his 1697 book Histoires ou contes du temps passé.
Thằng bé
tí hon (Le Petit Poucet):
Ngày xưa có một cặp vợ chồng tiều phu sinh được bảy đứa con
trai. Thằng út lúc đẻ ra bé tí tẹo, nhỏ như ngón tay. Lớn lên, tuy thân hình chỉ bằng nửa các anh nhưng
nó lại là đứa thông minh, tháo vát nhất.
Gia đình bác tiều phu rất nghèo, sống chật vật qua ngày. Gặp năm đói kém, người cha đành phải đem bầy con bỏ rơi trong
rừng. Thằng bé tí hon phải lần mò, dẫn dắt mấy anh em, tình cờ đến được nhà một cặp vợ chồng ogre, có bảy đứa con gái. Gã ogre này thích ăn thịt tươi, mỗi bữa nhâm nhi một hai con cừu, con heo. Đánh hơi thấy mùi anh em thằng bé tí hon, hắn muốn nhậu liền. Mụ vợ
khuyên chồng hãy ăn cho hết con bê, hai con cừu, nửa con heo đang có sẵn. Ngày mai hãy ăn mấy đứa bé.
Nửa đêm, thằng bé tí hon
dùng mưu làm cho gã khổng lồ giết nhầm bảy đứa con gái của mình. Cả bọn trốn thoát. Gã ogre tức giận dùng đôi hia
bảy dặm đuổi theo. Nhân lúc gã mệt, ngủ thiếp đi, thằng bé tí hon lấy được đôi hia bảy dặm. Sau khi chỉ đường cho các anh về nhà bố mẹ, nó trở lại nhà ogre, lừa mụ vợ, cuỗm hết tiền của.
Nhờ có đôi hia bảy dặm, thằng bé tí hon được tuyển làm người đưa tin đánh giặc cho nhà vua. Được vua ban thưởng rất hậu.
Thằng bé tí hon giàu có, ôm tiền bạc trở về sống bên cha mẹ và các anh.
Yêu
Râu-Xanh (Barbe-Bleue)
Ngày xưa có một đại gia giàu nứt đố đổ vách. Nào là biệt thự, lâu đài. Nào là chén bát bằng vàng bạc... Nhưng, không may bộ râu của đại gia lại xanh lè, làm cho gương mặt xấu khủng khiếp. Đàn bà con gái ai trông thấy cũng phải bỏ chạy.
Có bà hàng xóm có hai cô con gái chân dài
xinh đẹp. Đại gia Râu-Xanh muốn xin cưới một cô. Chẳng cô nào chịu. Nhất là lại nghe nói Râu-Xanh có nhiều đời vợ, chẳng biết số phận ra sao.
Râu-Xanh liền mời mẹ con bà hàng xóm
tham dự tiệc tùng, vui chơi, săn bắn, câu cá, kéo dài suốt tám ngày. Cô
em thấy Râu-Xanh cũng hiền lành, dễ thương. Cô bằng lòng lên xe hoa.
Một hôm Râu-Xanh có việc phải đi xa độ một tuần, dặn vợ ở nhà muốn làm gì thì làm, tha hồ mời họ hàng, bạn bè. Nhưng cấm không được vào một căn phòng.
Cô vợ tò mò. Mở cửa vào phòng. Thấy một dãy xác đàn bà treo trên tường. Cô bủn rủn chân tay, đánh rơi chiếc chìa khoá xuống sàn nhà bê bết máu. Mấy vết máu như có
phép lạ, bám vào chiếc chìa khoá, lau không sạch.
Trên đường đi, Râu-Xanh được tin công việc đã thu xếp xong, bèn quay trở về. Sáng hôm sau, hắn đòi vợ đưa trả chìa khoá. Biết vợ đã khám phá ra điều bí mật của căn phòng, hắn quyết định giết cô.
May thay cô vợ được hai người anh là lính ngự lâm đến thăm đúng lúc sắp bị giết.Hai người anh kịp
xông vào đâm chết Râu-Xanh.
Cô vợ được hưởng gia tài kếch xù của Râu-Xanh. Cô chia một phần giúp chị đi lấy chồng, một phần giúp hai anh mua chức cao hơn. Phần còn lại cô tự lo cho mình... đi lấy chồng khác.
Truyện Thằng bé tí hon (Le Petit Poucet)
Yêu Râu-Xanh (Barbe-Bleue) của Charles Perrault được đưa
vào Việt Nam khoảng cuối thế kỉ 19 hay đầu thế kỉ 20. Ogre được Việt hoá thành Ộp. Barbe-Bleue được Việt hoá thành Ba-Bị.
Ộp thích ăn thịt trẻ con. Ộp (hay Ngáo Ộp) được dùng để doạ trẻ con.
Ba-Bị xấu xí, thích bắt gái đẹp.
Câu ca dao "Ba bị chín quai, mười hai con mắt, hay bắt trẻ
con" mới có từ khoảng đầu thế kỉ 20. Sau thời Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Hoàng.
Ta lẫn lộn hai con yêu tinh của Perrault. Cho Ba-Bị đi bắt
cả trẻ con. Đáng tiếc hơn cả là tên Ba-Bị bị hiểu sai thành ba cái bị. Sai một li bằng đi... hia bảy dặm!
Ba cái bị đã đẻ ra nhiều giai thoại. Chỉ
khổ cho mấy nhân vật lịch sử bị ba cái bị quấy rầy.
Tìm ra được Ba-Bị, Ngáo Ộp. Nhờ hai ông đập chết thằng Covid-19. Muốn biết kết quả ra sao, xin đón đọc hồi sau...
Nguyễn Dư
(Lyon, 5/2021)
[1]- Ưng Trình, Việt Nam ngoại giao sử cận đại, Văn Đàn, 1970, tr. 11.
[2]- Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản, 1960, tr. 208.
[3]- Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám, Mặc Lâm tái bản, 1968, quyển IV, tr. 198.
[4]- Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, Mặc Lâm tái bản, 1967, tr. 39.
[5]- Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Văn Hoá, 1958,
tr. 91-92.
[6]- Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Công Trứ, Văn Hoá, 1983, tr. 117.
Gánh con ngoài Bắc
Gánh
con trong Nam
Về tác giả
- Du học qua Pháp năm 1964
- Tiến sĩ Khoa Học
- Nguyên Giáo sư trường Kỹ sư Ecole Centrale de Lyon
- Thành viên biên tập sáng lập Website : Chim Việt Cành Nam
No comments:
Post a Comment