Sunday, June 23, 2019


Liệu thế giới có thể… chết vì Trung Quốc? (2/2)

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018
Liệu thế giới có thể… chết vì Trung Quốc? (2)

(Tiếp theo)

Ngày 11/12/2001 Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cũng từ thời điểm đó, 57.000 nhà máy đã “biến mất” tại Mỹ. Hơn 25 triệu người không thể nào tìm được cho mình một công việc đàng hoàng và nước Mỹ phải gánh số nợ nước ngoài lên đến 3.000 tỷ đô la.
Điều trớ trêu, chính từ thời Tổng thống Bill Clinton lại là người ủng hộ hết mình việc Trung Quốc tham gia WTO với tham vọng để một nước theo chủ nghĩa Cộng sản có cơ hội tham gia sân chơi quốc tế và từ đó có thể thay đổi đường lối chính trị độc tài. Ngày 9/5/2000, ông Clinton tuyên bố tại Đại học Johns Hopkins:

“Nếu các bạn tin tưởng vào tương lai cởi mở, dân chủ, tự do cho người Trung Quốc và nếu các bạn tin tưởng hơn vào tương lai thịnh vượng của Hoa Kỳ… chúng ta nên ký kết thỏa thuận để họ gia nhập WTO… Và nếu bạn tin tưởng vào an ninh và hòa bình của Châu Á hay cả thế giới, chúng ta nên đồng thuận. Đây là điều đúng đắn phải làm…”


Tổng thống Bill Clinton phát biểu tại Đại học Johns Hopkins (năm 2000)

Ông Clinton tuyên bố như trên cũng chỉ là theo đuổi “học thuyết” của Tổng thống Richard Nixon khi đến Bắc Kinh để mở ra một “kỷ nguyên mới”. Nixon nói, “Nếu có điều gì đó tôi muốn làm trước khi chết, đó là đi Trung Quốc. Nếu tôi không đi được, tôi muốn các con tôi đi”.

Để dọn đường cho chuyến thăm của Tổng thống Nixon, cố vấn Kissinger đã mau chóng thu xếp 1 chuyến đi “tiền trạm” bí mật sang Bắc Kinh. Ngày 21/2/1972, Air Force One chình thức đáp xuống Thượng Hải, các đài truyền hình Mỹ đồng loạt loan tin Tổng thống vừa đặt chân đến đất Trung Hoa. Đó là môt bản tin gây chấn động toàn cầu.


Tổng thống Richard Nixon và Thủ tướng Chu Ân Lai (năm 1972)

Cả hai vị Tổng thống Hoa Kỳ đã mắc một sai lầm lớn khi “bắt tay” với Trung Quốc. Theo Peter Navarro, tác giả “Dead by China”, nước Mỹ đã bị “lừa bịp về chất lượng hàng hóa đi cùng với một trò chơi bổ sung với cái tên là “Nọc độc Thượng Hải”. Tất cả đều phát xuất từ Trung Quốc.
Ông giải thích, một công ty Mỹ tới Trung Quốc vì muốn cắt giảm chi phí sản xuất, khi tìm được một ứng viên, vị giám đốc trình bày các kế hoạch hay thiết kế chi tiết cho nhà sản xuất Trung Quốc. Một trong ba điều có thể xảy ra:

(1) Trường hợp hoàn hảo nhất là nhà sản xuất Trung Quốc ký một thỏa thuận lâu dài với công ty Mỹ, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao với giá thấp, và hai bên “cùng có lợi”;
(2) Một khả năng rất dễ xảy ra hơn, Navarro gọi đó là “Nọc độc Thượng Hải”: Nhà sản xuất Trung Quốc từ chối lời đề nghị nhưng giữ lại bản thiết kế của công ty Mỹ. Vài tháng sau, chính họ chế tạo mặt hàng của công ty Mỹ để bán như là một đối thủ cạnh tranh bằng cách sử dụng thiết kế “ăn cắp” của công ty Mỹ;
(3) Khả năng thứ ba: Sự “lừa bịp chất lượng” bắt đầu khi nhà sản xuất Trung Quốc nhanh chóng chế ra một “phiên bản thử nghiệm bêta” theo yêu cầu của Mỹ một cách chính xác. Công ty Mỹ sẽ rất rất hài lòng với vụ làm ăn và chi phí được cắt giảm đáng kể (thường là tới 50%). Sau thời kỳ trăng mật này là “sự lừa bịp”. Họ bắt đầu thay thế các nguyên vật liệu hay các bộ phận kém phẩm chất vào để gia tăng lợi nhuận.


Sản phẩm “Made in China” trên thị trường Hoa Kỳ

Peter Navarro cho rằng chính phủ Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến những vấn đề chính trị trong đối ngoại mà hầu như quên hẳn chuyện kinh tế ngay trong nội bộ nước Mỹ. Ngoài trách nhiệm của những chính trị gia, còn có phần thiếu sót của các học giả, nhà báo trước tình trạng kinh tế - xã hội ngay tại nước Mỹ. 
Ông viết:

“Rõ ràng là chúng ta đã từng nghe các học giả uyên thâm như Thomas Friedman của cuốn “Thế giới phẳng” rằng tương lai phồn thịnh của Mỹ nằm ở việc mở rộng nhanh công ăn việc làm trong lĩnh vực dịch vụ mà? Và những cái đầu biết nói như Fareed Zakaria của tờ Newsweek và thậm chỉ cả James Fallows của tờ Altantic luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng việc chuyển dịch công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo từ Mỹ và châu Âu tới các nước có thu nhập thấp như Trung Quốc và Ấn Độ là vấn đề không thể tránh được, cũng như việc thủy triều lên và mặt trời lặn.”

Navarro viết một cách “thẳng thừng”, ông phải xin lỗi trước vì những lời lẽ như sau:

“Bọn họ đều sai lầm “phẳng” như nhau cả thôi. Những gì mà những học giả tịt ngòi này, cùng với những tác giả đồng hạng và quan điểm như họ, tất cả đều mắc sai lầm ở chỗ, họ đã không nắm vững một trong những nguyên lý căn bản nhất của kinh tế học: công nhân người Mỹ có thể cạnh tranh với nhân công ở các nước có thu nhập thấp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, miễn là họ phải hiệu quả và ưu việt hơn - và khi sân chơi tự do thương mại bằng phẳng!”

Cũng cần phải nói thêm, trong cuốn “Thế Giới Phẳng” (The World is Flat), Thomas Friedman có đề cập đến 10 yếu tố tác động đến việc “làm phẳng thế giới” mà ông gọi là “tác nhân làm phẳng” (flattener), trong đó “Flattener #6” là nhân tố mang tên “Offshoring”, tạm dịch là hướng ra nước ngoài (*)


Bìa sách “The World Is Flat” của Thomas Friedman

Cũng vì chính sách “hướng ngoại” nên các nhà máy của Hoa Kỳ đóng cửa để dời ra nước ngoài. Tiền bạc thu về có phần khấm khá cho các công ty nhưng để lại một hậu quả bi thảm cho cuộc sống của người lao động Mỹ và những hệ quả không thể lường trước được như chúng ta thấy ngày nay.
Chính phủ đương thời của Tổng thống Donald Trump phải đương đầu với những đòn “hóa giải” về kinh tế - xã hội” để “Make America Great Again”. Đó cũng là lý do Peter Navarro được Trump tin tưởng trong vai trò phụ trách Ủy ban Thương mại Quốc gia. Và đó cũng là lý do giải thích về “cuộc chiến thương mại” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang xảy ra.

Từ quan điểm của một người đứng bên ngoài nước Mỹ, chúng ta thấy “triều đại” của Tổng thống Trump có rất nhiều chính sách “chưa từng có” trong lịch sử của Hoa Kỳ khiến một số người dân chống đối. Mặt khác, cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc ngày nay lại được đa số người Mỹ ủng hộ. Có lẽ vì ông vốn xuất thân từ thương trường trong khi các Tổng thống tiền nhiệm đều là các chính khách!


Cảnh hoang phế của nhà máy sản xuất tại Mỹ sau khi các công ty chuyển ra nước ngoài

Trở lại với câu hỏi được đặt ra qua tiêu đề của bài viết này: “Liệu thế giới có thể.. chết vì Trung Quốc?”. Hãy còn quá sớm để có câu trả lời “Yes” hay “No” nhưng chúng ta cũng tạm yên tâm khi câu hỏi được đặt ra… dù có vẻ hơi muộn màng. Người Phương Tây vẫn nói “Better late than never”! 
Phần còn lại của thế giới, trong đó có Việt Nam, chỉ biết “trông chờ” vào một kết quả thuận lợi từ “cuộc chiến thương mại” theo từng hoàn cảnh của mỗi quốc gia… Chúng ta chỉ biết… chắp tay cầu nguyện.

“Wait and see”


Tổng thống Donald Trump và tác giả “Dead by China”, Peter Navarro

***
* Như đã nói ở phần đầu, các bạn có thể xem thêm phim tài liệu “Dead by China” tại:
***
Chú thích:
(*) Đọc thêm bài viết về Thomas Friedman, “Trái đất tròn nhưng sao thế giới lại phẳng?”, đã post trên Blogspot tại:
***


No comments:

Post a Comment