Đọc lại lịch
sử qua hai tác phẩm của học giả Trần Trọng Kim
Đọc lại lịch sử qua
hai tác phẩm của học giả Trần Trọng Kim
Lệ Thần Trần Trọng Kim
(1883-1953) là một sử gia thời cận đại. Người ta biết đến ông qua tác phẩm
chính “Việt Nam sử lược” gồm 5 Phần:
(1) Thượng Cổ thời đại;
(2) Bắc Thuộc thời đại;
(3) Tự Chủ thời đại;
(4) Nam Bắc Phân Tranh thời
đại; và
(5) Cận Kim thời đại.
Trong vai trò của nhà viết sử,
Trần Trọng Kim đã cố gắng kể lại những “thời đại” mà Việt Nam đã trải qua, từ
thời Thượng cổ, khởi đầu từ nước Âu Lạc, đến thời cận kinh dưới triều vua Gia
Long. Bằng một giọng văn, có thể nói là “trung thực” của người chép sử, ông đã
cho người đọc, vốn là những kẻ hậu sinh, có một cái nhìn tổng quát về những
giai đoạn lịch sử.
Học giả Trần Trọng Kim
(1883-1953)
Phần Tựa của “Việt Nam sử lược” tác giả đã nêu lên quan điểm
của một nhà sử học:
“Sử là sách
không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy
xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để
hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một
dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời
soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những
thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”.
Ngược dòng thời gian, mãi đến
thế kỷ thứ 13, nước ta đời nhà Trần mới có lịch sử dưới hình thức ghi chép các
sự kiện quan trọng của các đời vua theo lối “biên niên sử” của Trung Hoa. Lối
ghi chép đó, theo Trần Trọng Kim, thiếu hẳn sự giải thích nguyên nhân cùng những
hậu quả của sự việc.
Vấn đề ở đây là “công tâm” của người viết sử khi kể lại chuyện
lịch sử. Mà đã là con người thì cái vòng “tham, sân, si” luôn luôn chi phối, đối
sừ gia đó cũng không phải là ngoại lệ. Thế cho nên, hậu thế khi đọc sử cần có sự
sáng suốt trong việc đánh giá một sử gia.
“Việt Nam Sử Lược” (bản in
trước năm 1975)
Có điều chắc chắn, một người
viết sử, không ít thì nhiều, luôn bị những tình cảm và chính kiến chi phối khi
kể lại. Trần Trọng Kim nhận xét về lịch sử và trình độ hiểu biết về sử của người
Việt ngày xưa:
“Sử của mình
đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập
của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ,
hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi
thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất
thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần
phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ
đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự
mình thì không có cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn:
"Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình
như thế, cái cảm tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước
mở mang ra làm sao được?”
“Việt Nam Sử Lược” (bản in
sau năm 1975)
Nếu “Việt Nam sử lược” được
coi là “chính sử” thì tác phẩm thứ hai, “Một cơn
gió bụi”, lại được nhiều người đọc gọi là “hồi ức lịch sử”. Khi nói đến “hồi ức” người ta liên tưởng
đến những biến cố mà chính tác giả có dự phần.
Tác phẩm thứ hai của Trần Trọng
Kim lấy bối cảnh là nước Việt Nam từ năm Quý Mùi (1943) đến năm Mậu Tý (1948).
Tác giả kể lại những biến cố trong suốt thời gian được mô tả là “gió bụi” trong
suốt cuộc đời của mình. Đó cũng là giai đoạn mà nước Việt trải qua một xung đột
ý thức hệ chính trị mới, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam với sự tham
gia của hai khối Tư Bản và Cộng Sản. Viết về Việt Minh, sử gia Trần Trọng Kim
giải thích:
“Ðảng Việt
Minh là gì và do đâu mà ra. Trước thì ít người biết rõ căn nguyên, sau đi đây
đó xét hỏi kỹ càng mới biết rõ nguồn gốc. Thoạt đầu vào khoảng năm 1938 ở bắc
việt đã nghe nói có đảng Việt Minh hành động ở mạn thượng du, nhưng lúc ấy ai cũng
tưởng là một đảng cách mệnh mới nào đó nên không để ý đến mấy.
“Nguyên từ khoảng
1925-1926 trở đi, ở Việt Nam đã có người nói đến chủ nghĩa cộng sản. Lúc ấy có
một thiếu niên tên Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1894, con nhà thi lễ, quê làng
Kim Liên huyện Nam Ðàn thuộc tỉnh Nghệ An. Trước học trường trung học ở Huế rồi
bỏ sang Pháp theo Xã Hội Ðảng, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc.
“Sau lại sang
Nga vào đảng Cộng Sản, đến khoảng 1929-1930 ông trở về gây phong trào cộng sản
cách mệnh ở vùng Nghệ Tĩnh. Lúc ấy chính phủ bảo hộ Pháp dùng võ lực đàn áp một
cách tàn nhẫn. Việc ấy thất bại, đảng cộng sản tuy phải im hơi lặng tiếng,
nhưng vẫn ngấm ngầm tuyên truyền trong đám dân gian và thợ thuyền, theo đúng
phương pháp đã định ở Mạc Tư Khoa bên Nga.
“Trong khoảng
thời gian ấy, Nguyễn Ái Quốc lánh sang Hương Cảng, bị người Anh bắt. Người Pháp
muốn đòi người Anh giao trả cho chính phủ Ðông Dương, song theo tục lệ Anh, người
Anh không giao trả những người can phạm vào việc chính trị, vì vậy ông phải
giam ít lâu rồi được tha và bị đuổi ra khỏi Hương Cảng.
“Ông Nguyễn Ái
Quốc sang Quảng Châu và phao tin rằng ông đã chết trong ngục khi bị bắt ở Hương
Cảng, và lại đổi tên là Lý Thụy rồi chen lẫn với những người cách mệnh Việt Nam
ở bên Tàu. Vào khoảng 1936-1937 ông lập ra đảng cộng sản gọi là Việt Nam Ðộc Lập
Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh, và cho người về hoạt động ở miền thượng du Bắc
việt. Vì vậy thuở ấy người ta mới biết là có đảng Việt Minh.
“Ðến cuối năm
1940 nhân khi quân Nhật Bản ở Quảng Tây đánh vào Lạng Sơn, những người như bọn
ông Trần Trung Lập trong đảng Việt Nam Quang Phục Hội của ông Phan Bội Châu lập
ra khi trước, theo quân Nhật về đánh quân Pháp hồi tháng chín năm 1940. Sau vì
người Nhật ký hiệp ước với người Pháp rồi trả lại thành Lạng Sơn cho người
Pháp, ông Trần Trung Lập bị quân Pháp bắt được đem xử tử. Toán quân phục quốc vỡ
tan, có một số độ 700 người, trong số ấy có độ 40 nữ đảng viên theo ông Hoàng
Lương chạy sang Tàu.
“Vậy các đảng
của người Việt Nam ở bên Tàu vào khoảng năm 1942 trở đi, có Việt Nam Phục Quốc Ðồng
Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Ðảng và những người cách mệnh không có đảng phái
v...v...
(hết trích)
“Một cơn gió bụi” (bản in
sau và trước 1975)
Chính phủ
Trung Hoa thấy những đảng viên Việt Minh có khuynh hướng theo chủ nghĩa cộng sản
nên ra lệnh giải tán và bắt Lý Thụy giam trong hang đá ở Liễu Châu. Mặt khác, họ
ra lệnh cho tướng Trương Phát Khuê tập hợp các đảng phái cách mệnh Việt Nam lập
thành một đảng để hành động cho có hệ thống. Trương Phát Khuê giao cho ông
Hoàng Lương trù liệu việc ấy.
Ngày
1/10/1942, tại Liễu Châu, ông Hoàng Lương tập họp các nhà cách mệnh để thành lập
một đảng lấy tên “Việt Nam Cách Mệnh Ðồng Minh Hội”, gồm đại biểu các đảng
Việt Nam Phục
Quốc Ðồng Minh Hội (Hoàng Lương và Hồ Học Lãm), Việt Nam Quốc Dân Ðảng ( Vũ Hồng
Khanh và Nghiêm Kế Tổ). Bên cạnh đó còn các thành phần “không đảng phái” gồm
các ông Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Trần Báo, Trương Trung Phụng. Số phận
của Lý Thụy (người sau này có tên Hồ Chí Minh) được Trần Trọng Kim tiết lộ như
sau:
“Lúc ấy Lý Thụy
còn phải giam, ủy ban trừ bị đứng ra bảo đảm với chính phủ Trung Hoa, xin lĩnh
ra để cùng làm việc. Theo lời một người Việt Nam có mặt trong hội nghị ấy đã
nói: Lý Thụy có kết nghĩa với một người cộng sản Tàu tên là Hầu Chí Minh, làm
chức thiếu tướng trong quân đội thuộc quyền chỉ huy của Trương Phát Khuê. Khi ở
nhà ngục ra, ông muốn tỏ tình thân ái với bạn mới lấy tên là Hồ Chí Minh. Khi
ông được tha ra, liền tuyên thệ xin hết lòng trung thành với Việt Nam Cách Mệnh
Ðồng Minh Hội mà làm việc”.
Nhật báo Điện
tín loan tin Đế quốc Việt Nam độc lập năm 1945
Thời điểm nổi bật trong cuộc
đời “chính trị bất đắc dĩ” của nhà viết sử
họ Trần là lúc ông đứng ra thành lập chính phủ năm 1945 trong tình trạng Pháp và
Nhật đang tranh dành ảnh hưởng tại Việt Nam. Trước đó, tiên sinh đã rời đất nước
để sang “tị nạn” tại “Chiêu Nam Đảo” mà
ngày nay là đất nước Singapore. Từ Singapore ông lại đi xe lửa về Bangkok, Thái
Lan, và cuối cùng là về Huế để thành lập
chính phủ theo yêu cầu của Vua Bảo Đại với sự hỗ trợ của người Nhật.
“Một cơn gió bụi” ghi lại những
cảm tưởng về Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, qua cuộc hội kiến lần
đẩu tiên tại Huế:
“Từ trước tôi
không biết vua Bảo Ðại là người như thế nào. Vì trong thời bảo hộ của nước
Pháp, hình như ngài chán nản không làm gì cả, chỉ săn bắn và tập thể thao. Hôm
mùng 7 tháng tư tôi vào yết kiến thấy có vẻ trang nghiêm và nói những điều rất
đúng đắn.
“Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không
giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm
1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải
đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.“
“Tôi tâu rằng: “Việc lập chính phủ, ngài nên dùng những người đã dự định
từ trước, như Ngô Ðình Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sẵn sàng. Tôi nay thì phần
già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị,
tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.“
“Ngài nói: “Trẫm có điện thoại gọi cả Ngô Ðình Diệm về, sao không thấy
về.“
“Tôi tâu: “Khi tôi qua Sài gòn, có gặp Ngô Ðình Diệm và ông ấy bảo
không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện
lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc”.
“Ngài nói: “Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.“
“Lúc ấy tôi mệt
nhọc lắm, và có mấy người như bọn ông Hoàng Xuân Hãn đều bảo tôi trở lại. Tôi
chờ đến gần mười ngày. Cách độ ba bốn hôm tôi lại đi hỏi ông tối cao cố vấn Nhật
xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở
đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời tối cao cố vấn, chứ tự ông Diệm
không có điện riêng xác định lại.
“Vua Bảo Ðại thấy tình thế
kéo dài mãi cũng sốt ruột, triệu tôi vào bảo tôi chịu khó lập chính phủ mới.
Ngài nói: “Trước kia người mình chưa độc lập.
Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư
cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ
lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa
vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.“
“Tôi thấy vua Bảo Ðại thông
minh và am hiểu tình thế, liền tâu rằng: “Nếu vì
quyền lợi riêng tôi không dám nhận chức gì cả, xong ngài nói vì nghĩa vụ đối với
nước, thì dù sao tôi cũng cố hết sức. Vậy xin ngài cho tôi vài ngày để tôi tìm
người, hễ có thể được tôi xin tâu lại.“
“Tôi ra bàn với
ông Hoàng Xuân Hãn để tìm người xứng đáng làm bộ trưởng. Nguyên tắc của tôi định
trước là lựa chọn những người có đủ hai điều kiện. Một: phải có đủ học
thức và tư tưởng về mặt chính trị, hai: phải có đức hạnh chắc chắn để
dân chúng kính phục”.
(hết trích)
Vua Bảo Đại ở
Hồng Kông năm 1948 sau khi chấp nhận sống lưu vong
Cuối cùng, nội các Trần Trọng
Kim cũng ra mắt đồng bào ngày 17/04/1945 với thành phần gồm một giáo sư, hai kỹ
sư, bốn bác sĩ và bốn luật sư. Nhà sử học, nhà giáo và là “nhà chính trị bất đắc
dĩ” Trần Trọng Kim tiết lộ trong hồi ức của mình:
“Có một điều
nên nói cho rõ, là trong khi tôi chọn người lập chính phủ lúc ấy, người Nhật Bản
không bao giờ hỏi tôi chọn người này người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy
người mà làm việc. Và tôi đã định từ trước rằng nếu người Nhật can thiệp vào việc
trong nước thì tôi thôi ngay, không làm nữa”.
Nội các Trần Trọng Kim có
danh sách cụ thể như sau:
- Nội các Tổng trưởng: giáo sư Trần Trọng
Kim;
- Nội vụ Bộ trưởng: y sĩ Trần Ðình Nam;
- Ngoại giao Bộ trưởng: luật sư Trần Văn
Chương;
- Tư pháp Bộ trưởng: luật sư Trịnh Ðình Thảo;
- Giáo Dục và Mỹ Nghệ Bộ Trưởng: toán học
thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn;
- Tài Chánh Bộ Trưởng: luật sư Vũ Văn Hiền;
- Thanh Niên Bộ Trưởng: luật sư Phan Anh;
- Công Chính Bộ Trưởng: kỹ sư Lưu Văn
Lang;
- Y tế Bộ trưởng: y khoa bác sĩ Vũ Ngọc
Anh;
- Kinh tế Bộ trưởng: y khoa bác sĩ Hồ Bá
Khanh;
- Tiếp tế Bộ trưởng: cựu y sĩ Nguyễn Hữu
Thi.
Tiếc thay, nội các “Đế quốc
Việt Nam” của học giả Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn 4 tháng, từ ngày 17/04 đến
25/08/1945. Tuy nhiên, có 4 điều đặc biệt mà nội các này đã thực hiện:
(1) Lập lại quốc
hiệu Việt Nam;
(2) Dùng tiếng
Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục;
(3) Đòi lại Nam kỳ
(Cochinchine) để thống nhất lãnh thổ; và
(4) Soạn hiến pháp
nhấn mạnh tự do và độc lập.
Điểm yếu của nội
các là chưa có đủ thời gian cần thiết để thành lập Quốc hội, chưa có quân đội
và chưa được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản. Nội các này, sau hơn 4
tháng đã tan rã khi bị Việt Minh “cướp chính quyền”.
Đây là cụm từ không mang tính miệt thị, mà trái lại Việt Minh rất tự
hào khi thừa nhận họ đã “cướp chính quyền”!
Nội các Trần Trọng Kim
“Một cơn gió bụi” có đoạn viết
về đảng Việt Minh thời 1945, khi đó đang hoạt động mạnh, trong khi lính bảo an ở
các địa phương bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống
cự nữa. Trần Trọng Kim viết:
“Dân gian bấy
giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp,
chưa kịp sắp đặt gì cả. Công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự
tuyên truyền của Việt Minh, nói họ đã có các nước Ðồng Minh giúp đỡ cho nước Việt
Nam được hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao
khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói thế, lại nghe nói đảng Việt Minh lên cầm
quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh
phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do bộ
Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngã về Việt Minh”.
Trong một lần tiếp xúc với một
cán bộ Việt Minh, người này đã khẳng định với Thủ tướng Trần Trọng Kim: “Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước Ðồng Minh biết
chúng tôi mạnh, chứ không chịu để ai nhường”. Cụm từ “cướp chính quyền”
đã trở thành sự thật khi Nhật Bản đầu hàng vì hai quả bom nguyên tử. Diễn biến
lịch sử được nhà sử học thuật lại như sau:
“Vua Bảo Ðại gọi tôi vào
nói: "Trong lúc rối loạn như thế này,
các ông hãy lập ra lâm thời chính phủ để đợi xem tình thế biến đổi ra sao
đã". Tôi bất đắc dĩ phải tạm ở lại. Lâm thời chính phủ vừa
làm việc mấy ngày, ông Phan Kế Toại điện vào xin từ chức. Lúc ấy bọn ông Nguyễn
Xuân Chữ, Trần Văn Lai xin lập Ủy Ban Cứu Quốc. Chính phủ nhận lời.
“Cách hai ngày sau, ngày
19/8, các công chức ở Hà Nội nghe bọn Việt Minh xúi tổ chức cuộc biểu tình. Ðảng
Việt Minh nhân cơ hội ấy chiếm lấy Bắc Bộ. Ðược mấy ngày ông Hồ Chí Minh về làm
chủ tịch chính phủ lâm thời. Các đoàn thể thanh niên và các người trí thức ở bắc
bộ điện vào Huế xin vua Bảo Ðại thoái vị và nhường cho Hồ Chí Minh.
“Trong tình thế nguy ngập
như thế, ở Huế còn có người bàn sự chống cự. Tôi muốn biết rõ sự thực, liền gọi
trung úy Phan Tử Lăng người đứng coi đoàn thanh niên tiền tuyến ở Huế, hỏi xem
có thể trông cậy bọn ấy được không. Trung úy Trương Tử Lăng nói: "Tôi có thể nói riêng về phần tôi thì được. Còn về
phần các thanh niên tôi không dám chắc".
“Bọn thanh niên tiền tuyến
trước rất nhiệt thành nay còn thế, huống chi những lính bảo an và lính hộ thành
tất cả độ vài trăm người; những lính để canh giữ công sở, súng ống không ra gì,
đạn dược không đủ, còn làm gì được, cũng bị Việt Minh tuyên truyền xiêu lòng hết
cả rồi. Lúc ấy chỉ còn cách lui đi là phải hơn cả.
“Tôi vào tâu vua Bảo Ðại: "Xin ngài đừng nghe người ta bàn ra bàn vào. Việc đã
nguy cấp lắm rồi, ngài nên xem lịch sử của vua Louis XVI bên Pháp và vua
Nicholas II bên Nga mà thoái vị ngay là phải hơn cả. Vì dân ta đã bị bọn Việt
Minh tuyên truyền và đang hăng hái về việc cách mệnh như nước đang lên mạnh,
mình ngăn lại thì vỡ lở hết cả. Mình thế lực đã không có, bọn Việt Minh lại có
dân chúng ủng hộ, nên để cho họ nhận lấy trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của nước".
“Vua Bảo Ðại là ông vua
thông minh, hiểu ngay và nói: "Trẫm có
thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nền tự chủ của nước nhà
là đủ. Trẫm muốn là người dân của một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô
lệ".
“Nhờ ngài có tư tưởng quảng
đại nên có tờ chiếu thoái vị. Khi tờ chiếu ấy tuyên bố ra, nhân dân có nhiều
người ngậm ngùi cảm động, nhưng lúc ấy phần tình thế nguy ngập, phần sợ hãi,
còn ai dám nói năng gì nữa. Ðến bọn thanh niên tiền tuyến, người chính phủ tin
cậy cũng bỏ theo Việt Minh, bọn lính hộ thành của nhà vua cũng không nghĩ đến nữa.
Còn các quan cũ lẫn nấp đâu mất cả. Thật là tình cảnh rất tiều tụy. Nếu không
mau tay lui đi, tính mệnh nhà vua và hoàng gia chưa biết ra thế nào.
“Lúc bấy giờ người Nhật có đến
bảo tôi: "Quân đội Nhật còn trách nhiệm
giữ trật tự cho đến khi quân Ðồng Minh đến thay. Nếu chính phủ Việt Nam công
nhiên có lời mời quân Nhật giúp, quân Nhật còn có thể giữ trật tự". Tôi
nghĩ quân Nhật đã đầu hàng, quân Ðồng Minh sắp đến, mình nhờ quân Nhật đánh người
mình còn nghĩa lý gì nữa, và lại mang tiếng "cõng
rắn cắn gà nhà". Tôi từ chối không nhận.
“Sau thấy những
người ở ngoài không biết rõ tình thế nói: lúc ấy giá chính phủ không lui vội,
tìm cách chống cự lại, Việt Minh không làm gì được, vì họ không có binh lực gì
cả. Về đường binh lực, lúc ấy Việt Minh không có gì thật. Nhưng cái phương lược
của họ đánh bằng tuyên truyền, bằng lối quỉ quyệt lừa dối để lôi kéo dân chúng
đi theo, chứ không đánh bằng binh khí. Sự tuyên truyền của họ đã có ngấm ngầm từ
lâu trước khi quân Nhật đảo chính chứ không phải bây giờ mới có. Mình đem một
vài trăm người trông cậy được ra chống với mấy vạn người toàn thanh niên thuyền
thợ và đàn bà trẻ con, lại có những người Việt Minh táo tợn đứng sau lưng xui
khiến, chống sao được? Chẳng qua chỉ gây một cuộc đổ máu vô ích, cốt chỉ bảo
cho Việt Minh chớ có cướp phá. Mình đã mở cửa mời họ còn đánh phá gì nữa. Lúc bấy
giờ chúng tôi nghĩ: họ đã thắng thế, dù sao họ cũng lo đến sự kiến thiết của nước
nhà, nên chúng tôi mong ít có sự phá hại.
(hết trích)
Thế là Việt Minh “cướp chính
quyền”, vua Bảo Ðại thoái vị, và ông Trần Trọng
Kim ra ở nhà đã thuê từ trước tại làng Vĩ Dạ gần Huế. Ðược mấy ngày,
Việt Minh vào đưa vua Bảo Ðại, bấy giờ gọi là công dân Vĩnh Thụy, ra làm Tối
Cao Cố Vấn ở Hà Nội để dễ quản thúc.
Người dân một phần vì tuyên
truyền của Việt Minh, một phần vì không nắm rõ tình hình nên có thái độ coi
chính phủ non trẻ của ông Trần Trọng Kim là “bù nhìn” do người Nhật sai khiến.
Chính vua Bảo Ðại khi “lưu
vong” ở Hồng Kông có nói chuyện với một phóng viên của một tờ báo bên Pháp: "Người Nhật thấy chúng tôi cương ngạnh quá, tỏ ý tiếc
đã để chúng tôi làm việc".
Về sau, khi vua Bảo Đại gặp
lại Trần Trọng Kim tại Hồng Kông, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã nói một
câu chua chát: “Chúng mình một già một trẻ mắc lừa bọn du côn” với hàm ý đã nghe lời tuyên
truyền của Việt Minh.
Hồ Chí Minh và
“công dân” Vĩnh Thụy
Để kết thúc bài viết này về
sử gia Trần Trọng Kim, chúng tôi xin trích một đoạn nói lên nỗi lòng của ông:
“Cuộc đời của
tôi đi đến đấy đối với người ngoài cho là thật hiu quạnh, song tự tôi lại thấy
có nhiều thú vị hơn là những lúc phải lo toan làm công việc nọ kia, giống như
người đóng tuồng ra sân khấu, nhảy múa nhọc mệt rồi hết trò, đâu lại vào đấy.
Ðàng này ngồi yên một chỗ, ngắm rõ trò đời và tự mình tỉnh sát để biết cái tâm
tình của mình. Tôi nhớ lại câu cổ nhân đã nói:
"Hiếu
danh bất như đào danh, đào danh bất như vô danh". Muốn có danh không bằng
trốn danh, trốn danh không bằng không có danh”.
***
Tham khảo:
· “Việt Nam Sử Lược”: http://vnthuquan.net/truyen0/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn2nqn1n31n343tq83a3q3m3237nvn
· “Một Cơn Gió Bụi”: http://vnthuquan.net/truyen0/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnnmn4n4n31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu=
***
No comments:
Post a Comment