Còn Lại Gì Sau Khi Chết?
Còn Lại Gì Sau Khi Chết?
Posted on December 6, 2019 by dongsongcu
Khuất Đẩu
Chết là
hết.
Thì đúng là
hết thở.
Hết nói. Hết cười.
Hết ăn. Hết ngủ.
Hết sướng. Hết khổ.
Nhiều thứ hết lắm.
Cả một đời đều chấm hết.
Nhưng hãy
còn cái xác kia, vẫn chưa hết làm khổ cho những người còn sống.
Cả một đống việc. Nào mua sắm áo quan, nào lo nhà đòn, nào mời thầy tụng hay cha cố làm lễ, …rồi phải thay người chết vái lạy trả lễ những
người đến phúng điếu.
Giờ, có cái mốt để Phật dẫn đường như police ngồi xe phân khối lớn, cầm gậy
chạy trước các đoàn xe đón đưa khách VIP. Sau Phật là các vị hòa thượng, áo vàng sáng lóe, bàn tay trắng múp với năm ngón chuối ngự vừa lần
tràng hạt vừa tụng niệm ê a. Đội kèn ta thì ỉ eo xàng xê liu cống. Đội kèn tây thì nhạc Trịnh đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt… rồi xây mồ ốp đá, rồi cúng thất
cúng tuần … bia rượu đãi đằng.
Đúng là
mệt muốn…chết
luôn!
Tôi chỉ mong một chiếc hòm gỗ tạp, bốn cậu con trai khiêng ra xe, rồi vèo một
cái ra nghĩa địa, không trống không kèn, lấp đất thế là xong. Chỉ sợ, bị làng nước cười chê là bất hiếu, chúng nó lại phải bày ra đủ trò!
Đám tang của người Việt mình, đã mấy ngàn năm bắt chước Tàu ồn ào không chịu được, là vậy đó. Muốn thoát Trung, thì ngay sau cái chết hãy tổ chức tang lễ như người Tây, yên lặng và trang nghiêm, buồn nhưng
không bã.
Nhưng đấy là gia tang của thường dân, to hơn một chút là của đại gia, còn quốc tang của các vị trong tứ trụ thì cực kỳ hoành tráng, khỏi phải nói.
Mới đây, ngài nguyên chủ tịch nước không phải “đang sống bỗng sang từ trần” mà chờ hoài đến hơn 100 năm mới
chịu đi gặp Bác. Nhà tang lễ ở Hà Nội sáng choang với hàng trăm vị chức sắc đã mất chức hay đang tại chức, còm lê đen bóng lộn, sắp hàng hai theo cấp bực lớn trước nhỏ sau, lần lượt đến phúng viếng. Trong không khí làm ra
vẻ thành kính nhưng không được linh thiêng, nên có một vị nhoẻn miệng cười rất
tươi khiến cho báo chí vừa giật mình vừa thích thú.
Mạng xã hội, cái mạng mà người đứng đầu văn hóa tư tưởng của đảng bảo đó là
cái xa lộ có nhiều làn, nhà nước muốn cho chạy làn nào chỉ được chạy làn đó, lạng
quạng là bị cảnh sát tư tưởng tuýt còi. Thế mà không hiểu sao, lại cứ
bàn tán khen chê ì xèo đến cả tháng trời mới dứt.
Ngoài của chìm của nổi,
các ngài còn để lại một thứ mà
các vị trong bộ cờ tờ ai cũng muốn nhưng không dễ gì tranh được. Như chiếc ghế số 2 của ngài Đại Quang. Theo nhẽ thì bà chị phó được quyền ngồi lên cho sướng một đời, nhưng vì không có chân trong bộ cờ tờ nên cực chẳng đã ngài tổng bí, dù đang nhễ nhại mồ hôi vì phải đốt lò,
vẫn phải
mỗi ghế ngồi một chút, hết tổng sang chủ, rồi hết chủ sang tổng, thành ra cụ cứ
loay hoay hoài, chẳng còn thì giờ đâu mà
làm việc nhớn.
Sống ngót nghét đến bốn phần năm thế kỷ, tôi nhận ra một điều đáng buồn của
những tên độc tài. Đó là sống và chết trong lo sợ.
Sợ bị mưu sát.
Sợ bị trả thù.
Ngất ngưởng trên đỉnh quyền lực tên nào cũng tưởng cái bóng của mình bao trùm hết cả thế giới. Có biết đâu rằng khi lịch sử sang trang, thì những cái bóng cho dù đồ sộ như của Hitler, của Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông…cũng không thể tồn tại trong bóng tối.
Có lẽ sớm nhận ra như thế, nên Phidel Castro, là một nhà hùng biện
trước khi trở thành một kẻ độc tài, đã không cho làm quốc tang, không xây lăng, không dựng
tượng, chỉ để một tảng đá trên
mộ mà thôi.
Những tượng Lênin bị kéo ngã ở đông Âu, ở Mông cổ chắc hẳn
đã làm ông giật mình, nên chi mới có một sự thu xếp phải nói
là khiêm tốn và rất khôn ngoan như vậy.
Các bạo chúa ngày xưa còn hơn thế nữa. Như Tần Thủy hoàng. Dù đã xây cả một cung điện ngầm với hàng trăm cung phi bị chôn sống cùng với hơn 3000 lính đất nung, vẫn phải ngụy trang thành một
ngọn đồi cao và to, trồng cây gây rừng mãi
đến cuối
thế kỷ 20 mới có một anh nông dân nghèo
tình cờ khám phá.
Còn Tào Tháo, nổi tiếng là một kẻ gian hùng,
thì mộ chôn dấu ở đâu đến nay vẫn là
một bí
mật còn hơn cả phần không được chiếu sáng của mặt trăng.
Sau khi chết, cái gọi là miệng đời, tức là những phẩm bình của hậu thế, sẽ quật đập tơi bời những cái uy danh hão, lột truồng ra để phơi bày sự thật.
Stalin, hiu hiu tự cho mình là kẻ chiến thắng phát xít,
Mao Trạch Đông tự phong là người cầm lái vĩ đại,
sau khi chết, hóa ra là những tên đồ tể giết người. Số người chết dưới tay họ
nhiều gấp nhiều lần số người chết trong thế chiến thứ hai.
Trở lại đời thường, một người có cuộc sống hẩm hiu, là nhạc sĩ Trúc Phương, khi chết, tài sản chỉ có mỗi một đôi
dép cùn. Thế nhưng cái ông để lại là hàng trăm nhạc phẩm, vẫn được tiếp tục hát
qua nhiều thế hệ.
Nữ Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị để lại cho nước Pháp và xứ
Huế quê hương những pho tượng đẹp và những mẫu tượng để xếp hình độc đáo. Suốt một đời, bà chỉ ca tụng cái đẹp và
tình mẫu tử, thì không một kẻ ngu nào dám đập phá tượng của bà.
Còn Yersin, một ông tây thuộc
địa, đã chọn xóm Cồn Nha
Trang nghèo đói và nhiều bệnh tật, để
sống, để yêu thương và để chết,
thì tượng của ông cũng
không bao giờ bị xô ngã vì
đã được dựng giữa trái tim của những người dân đã để tang cho ông như tang cha.
Vậy thì, nếu không đủ sức đủ tài làm cho đời đẹp hơn, thì cũng xin đừng vì cái ác
cái hèn mà làm cho đời xấu hơn.
Hãy
trân trọng cái lưu danh muôn thuở và phải biết sợ cái lưu xú vạn
niên.
Khuất Đẩu
No comments:
Post a Comment