Wednesday, February 19, 2020


Dưỡng lão… cũng mồ côi

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018
Dưỡng lão… cũng mồ côi - TRÂN THIÊN PHI HUNG


Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ có ý tìm lại cha mẹ. Tôi hiểu rằng những đứa con lai, nhất là lai Mỹ đen như tôi, là những đứa con ngoài ý muốn; hầu như ít khi biết thực sự cha là ai. Tôi bị mẹ của tôi bỏ sau khi sinh ra mới có 48 giờ ở tại nhà thương. Tôi lớn lên trong cô nhi viện và trốn ra khỏi cô nhi viện năm 13 tuổi, ra giang hồ bữa đói bữa lạnh; sau cùng ghép hộ làm con một gia đình có 4 em: 2 trai 2 gái để ra đi sang Mỹ theo diện Con Lai.
<!>
Tôi đến Mỹ năm 20 tuổi và đi làm ngay góp phần nuôi 4 đứa em đi học. Sau 18 năm các em hai đứa là bác sĩ, hai đứa là kỹ sư, tôi bị ba má nuôi đuổi ra khỏi nhà vì gia đình sợ mang tiếng với sui gia nhà trai nhà gái của bốn đứa em kế tôi. Tôi chưa được đến trường ngày nào trên đất Mỹ.
Mới 40 tuổi mà mắt đã mờ! Tôi đến gặp bác sĩ gia đình, xin giấy giới thiệu gặp bác sĩ chuyên khoa để có đốt hay mổ gì thì họ lo chữa cho khỏi mất công. 20 năm rồi trên đất Mỹ, nhưng tiếng Mỹ của tôi chưa đầy lá mít, nên tôi nhờ cô thư ký ở văn phòng bác sĩ gia đình tìm clinic nào có người nói được tiếng Việt. May sao có clinic lớn mà chỉ đợi có hai tuần; nhưng lại phải là giờ cuối cùng sắp đóng cửa!
Đến sớm trước giờ hẹn nửa tiếng, tôi đưa giấy giới thiệu cho một bà Mỹ già rồi ngồi đợi tới phiên. Tôi nhìn quanh coi có ai là Việt Nam mình không, nhưng chẳng thấy ai. Bệnh nhân lần lượt được kêu vào khám rồi ra về gần hết vì sắp đến giờ đóng cửa. Sau cùng tôi cũng được gọi tên do một cô gái có nét Việt Nam mà từ nãy giờ tôi chưa hề thấy. Cô ta nói tiếng Anh với tôi từ lúc gọi đến bảo ngồi ghế nhìn đọc. Tôi không hiểu rõ hết được nên hỏi cô có nói được tiếng Việt Nam không? Cô ta tỏ ra ngạc nhiên:
  Anh không phải là người Mỹ sao?
– Tôi là người Việt Nam.
– Nhưng anh đâu có nét nào giống người Việt đâu?
Như biết mình lỡ lời, cô ta nói thêm tiếng “Sorry”.
– Chị không phải sorry. Tại tôi giống Mỹ Đen. Chị quê ở đâu ở Việt Nam?
– Ba tôi người Mỹ Tho, mẹ ở Bình Dương nhưng tôi sinh ra ở miền Trung. Anh tôi và tôi đều sinh ở Nha Trang vì cha là Hải Quân phục vụ quân trường ở đó.
– Tôi cũng sinh ở Nha Trang… nhưng tiếc là không biết cha mẹ của tôi là ai?
– Anh sinh năm mấy?
Cô ta vừa hỏi nhưng nhớ lại hình như câu hỏi có hơi thừa. Hồ sơ bệnh của tôi đang để trên bàn nên cô ta nhìn và ngạc nhiên nói:
– Ngày tháng năm sinh của anh giống y như của tôi! Có phải anh sinh ở nhà bảo sinh Quân Ðội Nha Trang hay không?
– Đúng rồi, sao cô biết vậy?
– Ba má tôi có kể cho tôi nghe và tôi còn nhớ. Tôi sinh ra lúc 12 giờ trưa thì khoảng 8 giờ tối có một bà nữa sinh một bé trai. Sáng hôm sau, cha tôi vào thăm, mẹ tôi nói là bà mẹ sinh tối hôm qua muốn cho con của bà. Ba tôi nói, vậy mình xin, sẵn nuôi luôn, có gì mướn thêm người giúp việc. Mẹ tôi nói Mỹ đen đó. Nghe vậy, cha tôi đến nhìn thằng bé rồi trở lại bảo nó cũng không đen lắm, trông dễ thương. Nhưng mẹ tôi không đồng ý, nói sợ người ta đàm tiếu. Cha tôi bảo:
– Anh bất cần thiên hạ. Chỉ cần em chịu là anh xin ngay.
Nhưng cuối cùng mẹ tôi không chịu, nói mình đã có một trai một gái, đủ rồi.
Thấy tôi chú ý nghe câu chuyện, cô ta nói tiếp:
– Nếu anh là Mỹ trắng, có lẽ mẹ tôi đồng ý nuôi anh, và anh đã là em của tôi.
Sau phần làm thủ tục, tôi phải vào gặp bác sĩ chuyên khoa, quay ra thì cô ta đã về rồi…
Tôi về nhà mà vẫn bị ám ảnh vì câu chuyện do cô y sĩ nhãn khoa kể lại. Ba của cô ta là người thế nào? Sao ông ta lại có ý tưởng xin tôi để nuôi? Phải tìm gặp ông ta mới được, tôi tự nhủ.
Ít ngày sau, tôi trở lại tìm gặp cái cô khám bệnh cho tôi hôm trước, xin được gặp ba của cô ta. Cô ta bằng lòng ngay, viết cho tôi địa chỉ. Nhìn địa chỉ, tôi hơi ngạc nhiên với 3 chữ “Viện Dưỡng Lão.” Như đoán biết, cô ta nói:
– Ba của tôi mới được đưa vào viện dưỡng lão hôm tháng rồi.
Ngay Chủ Nhật tuần đó, tôi vào viện dưỡng lão xin gặp cái ông đã từng muốn nhận tôi làm con… Nếu đã được nhận là con ông ta, chắc tôi cũng sẽ như ba đứa con của ông đều tốt nghiệp đại học cả. Tôi nghĩ, dù sao những kẻ có lòng tốt thì không để tôi phải thất học.
Một ông trông chừng 65 là cùng (mặc dù người tôi muốn gặp nay đã 71). Ông ta đi còn nhanh nhẹn, lưng không khòm, tay chân nhịp đi, đúng là cốt cách của người lính nhiều năm trong quân ngũ năm xưa, chẳng có vẻ gì là một cụ già đến độ phải vào viện dưỡng lão để chờ chết!
Hình như được con gái báo trước, ông ta đi thẳng đến đưa tay bắt tay tôi và tự giới thiệu:
– Chú tên là Hùng, cứ gọi tên thật của chú cho bớt già hơn là gọi cụ hay bác.
Ông ta nói còn rành rọt, không chút gì run rẩy hay khàn giọng của người già. Ông hỏi tôi dành sẵn bao nhiêu thì giờ để gặp. Tôi nói cả ngày hôm nay cũng được. Ông hỏi tôi có uống cà phê và hút thuốc được không. Tôi nói được cả hai.
Đến viên quản lý xin được tiếp tôi ở phòng riêng, ông bảo tôi đi theo. Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác: Căn phòng có mùi dầu thơm chứ không hôi như thiên hạ thường nói về nơi người già sống… Cái bàn computer có cả máy in TV DVD player và Multimedia player với mấy chồng CD và DVD ca nhạc. Nấu nước pha cà phê phin, ông vừa làm vừa giải thích, đây là cà phê Ý pha với cà phê Ban Mê Thuột cho có đủ vị đắng và thơm. Xong, ông bảo tôi “Đi, mình ra vườn. Bằng cửa này.” Cửa hông từ trong phòng riêng của ông mở thẳng ra vườn. Ông nói, “áp phe” lắm mới được ở cái phòng này để có thể trốn ra ngồi hút thuốc.
Khu vườn thoáng mát, vắng vẻ. Ông lấy ra bao thuốc Vogue mời. Đây là loại thuốc điếu nhỏ chỉ bằng phân nửa điếu thuốc thường nhưng dài và nặng hơn. Ông đưa quẹt gaz để tự tôi đốt lấy. Hớp một ngụm cà phê ông hỏi:
– Vừa không cháu?
– Dạ ngon và thơm lắm…
– Giờ thì cháu muốn biết gì cứ hỏi. Chú nhớ được gì sẽ nói nấy.
– Cháu không có mục đích tìm lại được cha hay mẹ… Có muốn chắc cũng không bao giờ tìm được… Mà tìm để làm gì nữa!… Cháu muốn biết hết những gì chú còn nhớ được…
– Con trai lớn và sau đó là đứa con gái của chú đều sinh ở bảo sinh viện Quân Đội thành phố Nha Trang. Con gái  chú sinh lúc 12 giờ trưa. 2 giờ chiều chú mới vào thăm sơ rồi phải đi làm.Chiều vào nữa… đến gần 7 giờ thì về nhà. Sáng hôm sau chú vào sớm trước khi đi làm, thì phòng bên có thêm một sản phụ mới. Vợ chú nói bà ta mới sinh lúc 9 giờ tối hôm qua, nhưng không muốn nuôi… Chú có bước sang đứng cửa phòng bên cạnh nhìn vào hơi tối nhưng cũng thấy được mặt cháu, bình thường như bao trẻ khác và xem ra còn đẹp hơn con gái chú  nữa… Con bé của chú mới sinh mà trán nhăn ba lằn, giống y như chú, mũi gãy trán gồ cao… Chú nói với vợ là mình có thể xin đứa bé. Nếu nuôi luôn hai đứa thì chú sẽ mướn thêm người giúp việc. Nhưng vợ chú bảo “con Mỹ đen đó. Anh không sợ nhưng em sợ miệng đời.” Chú nói, không lẽ sinh đôi mà một đứa Việt Nam, còn đứa kia là Mỹ hay sao mà sợ.. Vợ chú bảo thôi, nếu trắng em mới nuôi… Chú sorry với cháu. Tại chú cháu mình không có cái duyên làm cha con với nhau!
Thấy tôi chăm chú nghe, ông kể tiếp:
– Chiều hôm đó chú vào thăm thì thấy má của cháu đi lại nhanh nhẹn chứ không phải nằm liệt như vợ chú. Mẹ của cháu là người cao lớn, đẹp, coi mạnh khỏe và lanh lợi hơn vợ chú… Nghe nói mẹ cháu ở đâu ngoài Chu Lai hay Qui Nhơn gì đó vào Nha Trang sinh. Chồng bà là trung úy Biệt Kích đi hành quân Vùng Một, ít khi về thăm. Có lẽ má cháu làm sở Mỹ nên khi có bầu không biết là con của chồng mình hay với ai nên cứ sinh rồi mới tính: Nếu là con Việt thì đem về nuôi mà là con lai thì cho luôn. Ngày hôm sau nữa, khi chú vào thăm thì vợ chú cho biết, người đàn bà đó đã bỏ con và rời nhà thương lúc nửa đêm. Nhà thương giao cháu cho Ban Xã Hội của Quân Đội lo. Hầu hết trẻ như vậy là đem vào viện mồ côi. Chú chỉ biết bao nhiêu đó…
– Bấy lâu cháu thắc mắc “Tại sao không muốn sinh con mà không phá thai. Sinh ra để bỏ thì sinh làm gì?” Nay nghe chú nói, cháu mới thấu hiểu, lý do của chú có lẽ là cách giải thích hợp nhứt cho trường hợp của cháu… Cháu hận mẹ, hận cha mặc dù cháu không biết họ là ai. Từ thời thập niên 60 đến 1975 không biết đã có bao nhiêu trẻ mồ côi như cháu. Cháu hận luôn đàn bà nên đến nay, cháu vẫn chưa lập gia đình!…
Mồi thêm điếu thuốc… rồi ông đột nhiên cười khá lớn, ngó vào mắt tôi:
– Cháu có biết viện dưỡng lão để làm gì không?
– Thì để cho người già sống.
– Ừ… Cả miền Nam Việt Nam trước 75 chú chỉ biết có một viện dưỡng lão ở Thị Nghè gần Xa Lộ Biên Hoà. Ở đấy cũng chỉ có mấy chục người, họ gồm những người không nhà, không con cháu không thân nhân mà người ta gọi là tứ cố vô thân. Tại Việt Nam trước đây, hầu hết người già đều sống nhờ vào con cháu cả… Còn xứ tư bản này, mỗi tiểu bang có hằng trăm viện dưỡng lão. Già thì dù có con hay không con, có nhà hay không nhà, giàu sang cũng như nghèo mà khi không còn tự lo cho thân mình nữa thì cũng đều phải vào viện dưỡng lão, bởi lý do con cháu ai cũng bận đi làm, không chăm sóc hằng ngày và lâu dài mãi được.
Ông thở khói rồi tiếp:
– Chú có ba người con, ba cháu nội thì còn quá nhỏ không tính… Cả đời, chưa bao giờ chú để các con của chú đói lạnh. Sau 75 khổ sở thế nào, con của chú vẫn không bị ăn độn. Sau đó, chú đi vượt biên để được sống tự do. Vợ con của chú sang đây bằng máy bay do chú bảo lãnh… Ngày xưa chú còn trẻ, sinh con bận bịu đến thế mà tại sao chú không gởi vào viện mồ côi để được rảnh đi làm và hưởng thụ cái tuổi hoa mộng của chú. Bận rộn đi làm lắm khi đói khổ vẫn không bỏ các con… Cháu có biết tại sao chú còn mạnh khỏe, đáng lý chưa đến độ vào đây, thế mà chú lại ở đây! Chú cũng còn là con người biết đủ hỷ nộ ái ố lạc.. 71 tuổi là già mà chú chưa mất trí, còn tự mình chăm sóc được… Nhưng chú bị nghẽn mạch máu, tim ngừng đập nên xe cứu thương đưa vào bệnh viện. Từ bệnh viện người già có thể được đưa trực tiếp vào viện dưỡng lão: Hồ sơ không bị xét lâu, mà cũng chẳng bị phỏng vấn phiền toái coi xem có thực sự già lú như trường hợp ở nhà mà được gởi vào viện…
Người trẻ kia còn lắm khi quên tắt lửa lò bếp, quên chìa khóa, quên bóp. Già mà bị tố là có lắm cái quên như thế thì bị kết tội là “lú lẫn”… Trường hợp của chú mà được đưa thẳng vào viện dưỡng lão thì giản tiện hơn là sau nầy về nhà rồi lú lẫn thì cũng sớm muộn gì cũng phải vào đây... .Có con cháu thì đứa nào cũng bận rộn đi làm, chúng đều có đời sống riêng cả. Việc chăm sóc cho cha mẹ già một cách lâu dài là cả một vấn đề hết sức nan giải cho chúng… Cháu thấy chú quyết định như thế này hợp lý chứ?
Nghe ông hỏi, tôi không biết trả lời sao. Vẫn với giọng tỉnh queo, ông tiếp tục nói:
– Tuổi trẻ chú bận học rồi vào lính. VC chiếm miền Nam thì hầu hết người dân phải cơ cực lầm than, dễ gì đủ ăn no lòng. Sao chú lại khờ dại không bỏ con mà chạy lấy thân, vui cuộc đời Việt kiều độc thân. Tại sao phải thí mạng vượt biên, làm ăn cực khổ rồi còn bảo lãnh con, nuôi con cho nên người.. để rồi chính các con cháu của mình cũng một thời tuổi trẻ bận bịu lăn lộn trong đời sống như mình. Chính chúng cũng không nỡ bỏ mình, như ngày xưa mình đã không mặc bỏ chúng. Cháu biết tại sao không? Là tại mình ngu.. Hay là tại cái số mình nó như thế!…
Ông ta cười lớn… nhưng sao cái cười đượm chua chát:
– Cháu về nên bỏ hết, quên hết đi cái đời mồ côi của cháu  mà vui sống. Vì cháu, người ta mới lập “Viện Mồ Côi.” Và cũng vì có chú nên người ta mới lập “Viện Dưỡng Lão.”

Lời tâm sự của người từng có ý định làm cha nuôi của tôi khiến tôi thấy mềm lòng. Nhìn ông, người cha có con cái thành đạt mà tự động vào sống ở viện dưỡng lão, tôi thật cũng muốn nói điều gì đó an ủi ông, nhưng không biết phải nói ra sao đây…

Được đăng bởi Unknown vào lúc 18:46

No comments:

Post a Comment