Monday, December 7, 2015

Truyện Phan Trần


Tôi dùng quyển "Truyện Phan Trần" của nhà xuất-bản Tân-Việt (sáng lập năm 1937), tại 20 Đô-đốc Courbert Sai-gòn (quyển này in theo giấy phép số 101/T.X.B. của bộ Thông-Tin Nam-Việt. Có lẽ vì vậy mà địa chỉ khác với quyển "Lục-Vân-Tiên", in năm 1973)
Toát-Yếu

Phan Trần là một truyện lấy sự tích ở bên Tàu, về đời Tĩnh-khang và Thiệu-hưng nhà Tống (1126-1147). Hai vai chính là Phan-Tất-Chánh và Trần-Kiều-Liên được cha mẹ đính-ước gả cho nhau từ lúc còn ở bào-thai. Khi khôn lớn chưa kịp thành hôn, thì gặp loạn-ly lưu-lạc, tưởng đến phải dở-dang; may có cuộc tình cờ gặp-gỡ mà đôi bên nhận được nhau. Rồi vu-qui với vinh-qui một ngày, sau kết-quả rất là mỹ-mãn.
Truyện do một tác-giả vô-danh Việt-nam diễn ra quốc-âm. Truyện gồm có 940 câu theo thể lục bát, có thể tóm-tắt chia ra làm 6 hồi:
1- Họ Phan và họ Trần Đính-hôn.
Phan-công, Trần-công cùng bằng tuổi nhau, cùng học một thầy, cùng đỗ một khoa. Cùng làm quan một triều, thấu xảo hơn nữa là hai phu-nhân lại cùng hoài thai trong một thời-gian. Bèn đính ước với nhau : Hễ một bên sinh trai, một bên sinh gái, thì gả con cho nhau. Họ Trần đưa trâm ngọc, họ Phan đưa quạt ngà làm làm vật đính hôn. Quả-nhiên họ Phan sinh trai đặt tên là Phan-Tất-Chánh (tức Phan-sinh), họ Trần sinh gái, đặt tên là Trần-Kiều-Liên. Khi hai con đã lớn dần, thì hai ông cùng xin về hưu, chăm lo việc gia-đình dạy-dỗ.
2- Phan-sinh thi hỏng, đi du-học chờ khoa sau:
Phan-sinh vâng lời phụ-huấn đi thi hương đỗ Thủ-khoa (Giải-nguyên), báo tin về rồi lên kinh thi hội luôn, nhưng bị trượt tứ-trường, chàng hổ-thẹn không chịu về, lập chí đi du học để chờ khoa sau quyết thi lấy đỗ.
3- Kiều-Liên chạy loạn, mẹ con lạc nhau:
Trong khi ấy thì Trần-công mất, Đàm-châu có giặc; Kiều-Liên cùng Tần phu-nhân đi chạy loạn, mẹ con lạc nhau mỗi người mỗi người mỗi ngả. Nàng gặp người họ Trương đưa đến tu tại một cửa chùa ở Kim-lăng lấy pháp danh là Diệu-Thường. Khi ở chùa, nàng nhớ mẹ và tưởng đến vị hôn-phu, thường ủ-rũ buồn-rầu, nhờ có sư thầy khuyên giải nên cũng nguôi dần.
4- Phan-sinh ốm tương-tư:
Phan-sinh du-học tại Thành-đô, sực nhớ có cô tu ở Kim-lăng bèn đến thăm; cô lưu ở lại chùa đọc sách. Phan-sinh thấy Diệu-thường "tầm thước trẻ trong" thì phải lòng, mượn bà vãi là Hương-công làm mối; Diệu-thường cự-tuyệt, chàng thất-vọng thành ra ốm tương-tư.
5- Phan-sinh và Diệu-thường nhận nhau:
Phan-sinh đang ốm nặng, được Diệu-thường nể sư cô tới hỏi thăm, thì mười phần bỗng khỏi đến chín.Tối hôm đó, chàng ôm bệnh đến gõ cửa phòng Kiều-Liên đòi vào tạ ơn, nàng sợ chàng quá liều, phải mở cửa cho vào hỏi chuyện. Qua mấy lời trao đổi và đem trâm, quạt ra so-sánh, thành ra hai bên nhận ra được nhau. Nhưng vẫn giữ kín, ở chùa không ai biết.
6- Phan-sinh và Kiều-Liên kết hôn:
Khoa thi ấy, Phan-sinh đỗ Thám-hoa. Đem thực tình bạch với sư cô. Sư cô bàn làm hôn-lễ tại nhà họ Trương rồi cùng nhau vinh-qui bái tổ. Trần phu-nhân sau khi chạy loạn, "trời xui khiến" lại đến nương-náu tại nhà họ Phan . Bấy giờ gặp nhau đủ mặt hai nhà, nỗi mừng tủi bút không thể tả. Rồi Phan-sinh được triệu về kinh cung chức, lại được cử đi dẹp giặc, chiến công rực-rỡ, vinh-hoa phú-quí ai bì!
Sáu hồi trên này có thể chia ra làm 23 đoạn:
1. Mối liên-lạc của họ Phan và họ Trần.
2. Họ Phan và họ Trần đính-ước gả con cho nhau từ lúc còn hoài thai.
3. Họ Phan sinh trai, họ Trần sinh gái.
4. Phan-công và Trần-công cùng về hưu-trí.
5. Phan-công dặn con trước khi đi thi.
Thơ văn đoạn trên
6. Phan-sinh thi đỗ Giải-nguyên.
Phan-sinh thi hội hỏng, lập chí đi du-học để chờ khoa sau.
8. Trần Kiều-Liên chạy loạn, mẹ con lạc nhau.
9. Kiều-Liên gặp họ Trương đưa đến ở chùa, lấy pháp danh là Diệu-Thường.
10. Nỗi buồn của Diệu-Thường trong khi ở chùa
Thơ văn đoạn trên
11. Sư già khuyên giải Diệu-Thường
12. Diệu-Thường yên tâm nương-náu cảnh chùa.
13. Phan-sinh đến Kim-lăng thăm cô.
14. Phan-sinh phải lòng Diệu-Thường, nhờ vãi Hương-Công làm mối.
15. Diệu-Thường mấy lần cự tuyệt lời vãi Hương-Công.
Thơ văn đoạn trên
16. Thất-vọng về tình, Phan-sinh ốm tương-tư.
17. Nể sư già, Diệu-Thường đến thăm bệnh Phan-sinh.
18. Phan-sinh ốm bệnh, cất lẻn đến tạ ơn Diệu-Thường.
19. Sau khi tỏ tình, đôi bê đưa trâm, quạt đối chiếu nhận nhau.
20. Phan-sinh đi thi đỗ Thám-hoa.
Thơ văn đoạn trên
21. Vinh-qui cùng với vu-qui một ngày.
22. Phan, Trần hai họ đoàn-viên một nhà.
23. Đoạn kết..
1.- Mối liên lạc của họ Phan và họ Trần (câu 1 - câu 24)

1.- Trên am thong-thả sách, cầm,
Nhàn nương án ngọc, buồn ngâm quyển vàng.
Thấy trong triều Tống Tĩnh-khang,
Một chàng Hòa-quận, một chàng Đàm-chu,
Bảng vàng, bia đá nghìn thu,
Phan, Trần hai họ,cửa nho dõi truyền.
Kể từ đèn sách thiếu-niên,
Một song tình nặng, một thuyền nghĩa sâu.
Tới tuần hội cả đua nhau,
10.- Bút-nghiên phỉ chí, cung dâu bằng nguyền.
Xem hoa rõ nẻo hồi triên,
Gió đưa hương dạ, sấm rền tiếng xa.
Ơn trên mưa tưới, móc sa,
Cùng làm Phủ-doãn một toà hiển-vinh.
Niềm công chính, dạ trung-trinh,
Nhân-dân sao phúc, triều-đình cột cao.
Ngay tin trời có phụ nào,
Tốt cung quan lộc, vượng hào thê-nhi.
Ứng điềm xà hủy, hùng bi,
20.- Hai nhà chính-thất một kỳ thọ-thai.
Cùng nhau mở tiệc vầy vui,
Huệ lan mừng mặt, trúc mai khoe mình.
Tưng-bừng nhịp sáo, nhịp sênh,
Điệu thông cao thấp, chén quỳnh đầy vơi.
2- Họ Phan và họ Trần đính-ước gả con cho nhau (câu 25 - câu 34)

Trỏ thề trên thẳm dưới khơi,
Cùng nhau chỉ dạ định lời thông gia.
Hai ta đồng học đồng khoa,
Đồng niên đồng cán một nhà đồng thân.
Đổi trao chỉ Tấn tơ Tần,
30.- Họ Phan thì quạt, họ Trần thì trâm.
Mai này dành để giao cầm,
Kẻo quên ước cũ kẻo lầm duyên xưa.
Bỗng may thay sự tình-cờ,
Khéo linh linh miệng, khéo như như lòng.
3-- Họ Phan sinh trai, họ Trần sinh gái (câu 35 - câu 52)

Thẳm ngày khuất tháng vừa đông,
Phan phu-nhân mới khai giòng nước hoa.
Vườn xuân phơi-phới mưa sa,
Quế non Yên đã trổ ra một cành.
Sinh ra nam-tử tốt lành,
40.- Hai vai chĩnh-chện, ba đình nở-nang,
Đành thai phỉ chí bồng tang,
Đặt cho Tất-Chánh rõ ràng là tên.
Đông qua xuân thoắt báo tin,
Trần phu-nhân mới hé then động đào.
Một nàng tiên-nữ xinh sao !
M ày nghênh bán nguyệt miệng chào trăm hoa.
Miả chiều cung quế hằng-nga,
Trần-công mới đặt tên là Kiều-Liên.
Lửa hương đành để bén duyên,
50.- Lòng trời chiều cả hai bên ước cầu.
Tin đi mối lại cùng nhau,
Kẻ nâng-niu ngọc, người trau-chuốt ngà.
4 --Phan-công và Trần-công cùng về hưu-trí (câu 53 - câu 76)

Lần lần hè lại thu qua,
Hai ông thắm-thoắt tuổi đà cao niên.
Tạ triều một thủ thi tiên,
Đem nhau xe hạc về miền hương quan.
Chia tay nam bắc băng ngàn,
Tới quê nhà đã hầu tàn ba trăng.
Đường đi khuất nẻo khơi chừng,
Tuyết sương mấy dặm, suối rừng bao nhiêu.
Dễ mà tin-tức dập-dìu,
Thì đem lòng thắm phú liều trời xanh.
Hãy nuôi con đến trưởng thành,
Sẵn còn trăm nghĩa, quạt tình chẳng quên.
Tơ hồng, lá thắm là duyên,
Dầu bao giờ gặp cũng nên bấy giờ.
Phan thì về chốn lầu thơ,
Khuyên con dòng-dã sớm trưa sách đèn.
Ôn đặt gối, Đổng vây màn
70.- Sớm nhuần kinh-sử, tối bàn văn-chương.
Trần thì về chốn phòng hương,
Dạy con canh-cửi việc thường nữ-công.
Hoa dưới trướng, gấm trên khung,
Gồm hay thi-lễ, lảu-thông cầm-kỳ.
Những mong khuya sớm kịp thì,
Hai nhà con đã đến kỳ xuân-xanh.
5--Phan-công dặn con trước khi đi thi (câu 77 - câu 98)

Phan-công mới dạy Phan-sinh,
Rằng: "Nhà ta nghiệp học-hành xưa nay.
"Bây giờ cha tuổi-tác này,
80.- "Mong con gặp hội rồng mây kịp người.
"Chớ tham tửu sắc chơi bời,
"Lụy mình vả lại thế cười người chê.
"Rày nghe thi tuyển đến kỳ,
"Bút nghiên dòng-dả vào thi họa là.
"Gặp thì thu nguyệt, xuân hoa,
"Làm sao cho trọn quyết khoa thì làm.
"Bõ công luyện-tập mới cam,
"Đừng nghe anh én, chớ nhàm nước mây,
"Nhân-duyên đã chiếc trâm này,
90.- "Của Trần-công để cho mầy đính hôn.
"Tuy rằng cách trở nước non,
"Hãy còn trăng bạc, hãy còn trời xanh.
"Đừng như Ngô-tướng, Từ-khanh.
"Quên bài thuốc dạy, phụ manh áo nguyền.
"Hãy cho công-nghiệp vẹn tuyền,
"Hóa rồng rồi sẽ rước tiên cũng vừa."
Nghe lời"phụ-huấn sau xưa,
Phan-sinh từ tạ bấy giờ bước ra.

Chú thích:
am: nhà nhỏ lợp tranh. Đây nói về nơi đọc sách

sách, cầm: Có bản chép sắt cầm; nhưng có lẽ là sách cầm, bởi chữ cầm thư : đàn và sách, thú vui của các văn-nhân. Còn sắt cầm trong câu "thế tử hảo hợp như cổ sắt cầm" thì lại khác

Tĩnh-khang: niên-hiệu vua Tống Khâm-Tôn bên Tàu, vào khoảng từ năm 1126 trở xuống.

Hòa-quận, Đàm-chu : Hòa-quận, Đàm-chu : hai huyện bên Tàu, quê họ Phan và họ Trần.

Bảng vàng, bia đá: bởi chữ hoàng bảng thạch bi nói về người thi đỗ được yết họ tên trên bảng vàng và khắc vào bia đá.

Phan, Trần: hai họ tức hai vai chính trong truyện này.

cửa nho: bởi chữ nho môn : cửa nhà nho, nhà học trò.

thiếu-niên: tuổi trẻ.

Một song tình nặng, một thuyền nghĩa sâu.: Một song (đồng song) một thuyền (đồng thuyền), câu này nói tình nghĩa bạn-hữu với nhau rất là nặng-nề và sâu-xa.

cung dâu: Cung dâu do chữ tang hồ : cái cung bằng gỗ dâu. Trong kinh Lễ :Nhà vua sinh thế-tử thì treo cái cung bằng gỗ dâu, cái tên bằng cỏ bồng ra cửa, để tượng trưng con trai chí ở bốn phương, như cung tên bắn tung ra bốn phương trời đất vậy. Sau người ta quen dùng chữ tang hồ bồng thỉ để chỉ chung cả bọn con trai. Cũng có khi nói tắt là tang bồng hay bồng tang cũng thế,

Xem hoa rõ nẻo hồi triên: Xem hoa bởi chữ thám hoa, hồi triên nghĩa là quay roi ngựa. Câu này ý nói thi đỗ thám hoa rồi quay ngựa về vinh qui. Chữ "triên" là roi cũng có âm là "tiên" nên có bản chép là "hồi tiên"

Ơn trên mưa tưới, móc sa: câu này bởi chữ vũ lộ mong ân.

Phủ-doãn: là một chức quan cai-trị thành-phố nơi kinh-đô, ví như chức Phủ-doãn Thừa-Thiên dưới triều nhà Nguyễn.

sao phúc, triều-đình cột cao:Sao phúc bởi chữ phúc tinh, cột cao, bởi chữ chỉ trụ, ý nói người có danh vọng cho dân nước nương nhờ.

Ngay tin: bởi chữ trung tin, ý nói người trung tín ( ngay tin ) thì trời không phụ, cũng như câu "hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân" - trời cao không phụ người tốt bụng. - Có bản chép là nghe tin có lẽ sai.

Tốt cung quan lộc, vượng hào thê-nhi: Cung quan-lộc, cung thê (vợ) và cung nhi (con) là 3 cung trong 12 cung trong số Tử-vi.

Ứng điềm xà hủy, hùng bi:Kinh Thi:
Duy hủy duy xà nữ-tử chi tường, duy hùng duy bi, nam-tử chi tường:
Nằm mơ thấy loài rắn là điềm sinh con gái, thấy loài gấu là điềm sinh con trai.

chính-thất: vợ cả.

Điệu thông: do chữ tùng điệu : tiếng thông reo nghe ra có vần có điệu. Đây là chỉ về âm-nhạc. Có bản chép là rượu thông, nhưng rượu sao lại cao thấp ?

chén quỳnh: do chữ quỳnh bôi: chén ngọc.

Cùng nhau chỉ dạ định lời thông gia: Câu này dịch theo chữ chỉ phúc đính hôn.

chỉ Tấn tơ Tần: Tấn và Tần là hai nước ở về đời Xuân-thu chiến quốc bên Tàu, hai nước này đời đời kết hôn nhân, nên người ta quen dùng tiếng Tấn Tần để chỉ chỗ thông-gia hay là nói đảo lại Tần Tấn cũng thế.

Quế non Yên: Đậu Vũ-Xương đời Tống, biệt hiệu là Yên-sơn - núi Yên - sinh 5 con trai vì biết dạy con theo nghĩa phương, sau đều hiển đạt, người ta ví 5 người con của Yên-sơn quí như 5 chồi quế. Đây mượn chữ "quế non Yên" để ví người con trai họ Phan mới sinh.

ba đình: do chữ tam đình. Theo phép xem tướng của nhà tướng-thuật đem thân người và bộ mặt chia ra làm 3 gọi là tam đình. Nói về toàn thể thì phần đầu là thượng đình, phần lưng là trung đình, phần chân là hạ đình. Nói về bộ mặt thì từ đỉnh đầu dến trán là thượng đình, từ sống mũi đến cằm là hạ đình.

Tất-Chánh: nghĩa đen là tất ngay thẳng.

bán nguyệt: nửa mặt trăng, nói lông mày cong cong như hình nửa vành trăng.

trăm hoa: do chữ bách hoa, nói miệng cười tươi như trăm hoa đua nở.

Miả chiều cung quế hằng-nga: mỉa mai : gần bằng. Cung quế hằng nga là Hằng-nga, trong cung trăng (cung quế) nói người đẹp.

Kiều-Liên: Nghĩa đen là sen tươi đẹp.

Kẻ nâng-niu ngọc, người trau-chuốt ngà.: Câu này nói hai nhà đều quí báu vật đinh-hôn tức là trâm ngọc, quạt ngà.

thi tiên: giấy viết thư. Hai ông về hưu trí, viết thư để lại tạ ơn Triều-đình, tức là thư lưu giản (để lại kính chào) mà ta quen dùng khi các viên chức về hưu hay thuyên đổi đi nơi khác.

xe hạc: bởi chữ hạc giá, hạc là loài chim sống rất lâu, người ta thường dùng chữ hạc để nói về bậc già cả như hạc linh (tuổi hạc), hạc phát (tóc hạc) v.v...

hương quan: cửa làng, nói về nơi quê nhà.

Tới quê nhà đã hầu tàn ba trăng: Câu này ý nói về đến nhà thì đã gần hết 3 tháng .

Sẵn còn trăm nghĩa, quạt tình chẳng quên : Từ câu "đường đi khuất nẻo..." trở xuống đến hết câu này, ý nói tuy đường xa cách, chưa dễ thông tin-tức luôn, đành cứ phó liều, nhưng cứ việc nuôi con đến khi khôn lớn, đã sẵn có trâm, quạt làm tin, thì tình nghĩa quên làm sao được.

Tơ hồng: do chữ hồng ty, lấy tích Trương-gia Chính, Tể-tướng nhà Đường, có 5 con gái, muốn gả cho Quách-nguyên-Chấn một người, nhưng không biết gả ai. Bèn bảo 5 con gái đứng nấp trong bình phong, mỗi người cầm một sợi tơ xuyên qua khe cửa. Quách đứng ngoài rút được sợi tơ của ai thì gả người ấy. Kết quả Quách rút được sợi tơ đỏ trong tay người con gái thứ ba, có nhan sắc hơn cả.

lá thắm: do chữ hồng diệp. Lấy tích Vu-Hựu đời nhà Đường, nhặt được chiếc lá ở trong ngòi nhà vua có đề bài thơ. Vu Hựu cũng đề thơ vào một chiếc lá thả xuống ngòi cho trôi vào trong cung. Cung nữ họ Hàn nhặt được. Sau nhà vua thải các cung nữ, tình cờ Vu-Hựu lấy họ Hàn, cùng đem chiếc lá có thơ đề vẫn giữ, cho nhau xem, mới biết đoạn nhân duyên do chiếc lá kia làm mối. Họ Hàn có câu thơ rằng : "Phương tri hồng diệp thị lương môi" ( mới biết lá thắm là người mối tốt ).

lầu thơ: bởi chữ thư lâu

sách đèn: có bản chép luận bàn, có bản chép học-hành, nhưng học-hành thì không có vần, nên tạm để sách đèn.

Ôn đặt gối: Tư-Mã Ôn-Công đời Tống rất chăm học, có khi đọc sách thâu đêm, trằn-trọc trên gối mãi không ngủ.

Đổng vây màn: Đổng-trọng-Thư đời Hán chăm học, buông màn đọc sách, luôn ba năm không ngó đến vườn.

hội rồng mây: bởi chữ long vân khánh hội nghĩa là rồng mây gặp-gỡ, nói bóng, vua sáng tôi hiền gặp nhau.

thu nguyệt: trăng mùa thu, kỳ thi hương.

xuân hoa: hoa mùa xuân, kỳ thi hội.

quyết khoa: ý nói đi thi khoa ấy quyết lấy đỗ.

Hãy còn trăng bạc, hãy còn trời xanh: trăng bạc trời xanh, bởi chữ thanh thiên bạch nhật. Câu này ý nói tuy hai nhà ở xa cách nhau nhưng mối nhân duyên đã đính uớc rõ ràng, có trời xanh trăng bạc chứng minh.

Ngô-tướng, Từ-khanh: hai tích này chúng tôi còn đương khảo-cứu, đợi xin tục bản. Trong khi chờ đợi, mong thức giả chỉ-giáo cho, chúng tôi cảm tạ lắm.

Hóa rồng rồi sẽ rước tiên cũng vừa: ý nói thi đỗ rồi sẽ cưới vợ.

phụ-huấn: lời cha dạy.

6.- Phan sinh đi thi đỗ giải nguyên (câu 99 - câu 116)

Theo chân, đồng-tử năm ba,
100.- Con long-câu, cái tỳ-bà ruổi mau.
Pha non trúc, trải ngàn dâu,
Vàng hiu-hiu đón, ngọc làu-làu đưa.
Chào én sớm, hỏi nhạn trưa,
Ba tuần trăng đã, thì vừa tới nơi.
Phun châu nhả ngọc đua tài,
Giải-nguyên thoắt đã tên bài bảng ngay.
Đưa tin về đến nhà hay,
Tức thì lại tỏ đường mây tếch chừng.
Bảng xuân nay đã dự mừng,
110.- M uôn hồng nghìn tía tưng bừng đón ai
Qua dậm liễu, khỏi ngàn mai,
Ướm đào, hỏi mận tới vời
thần-kinh.
Phồn-hoa thay, thú hữu tình,
Công-hầu xe ngựa, tường khanh lâu-đài.
Mây tuôn, sĩ-tử đòi nơi,
Mới hay thi mạng, học tài khéo xinh !
7- Phan-sinh thi hội hỏng, lập chí đi du học để chờ khoa sau (câu 117 - câu 114)

Lạ thay danh-giá như sinh,
Bảng người thì bốn, tên mình có ba.
Lòng trời còn dấm tài hoa,
120.- Khôi nguyên dành để đến khoa sau này.
Bước ra thẹn mặt châu mày,
Công danh đôi chữ dễ khuây-khỏa lòng !
Đi không lại trở về không,
Thẹn công chúng bạn, sợ cùng mẹ cha.
Chẳng bằng ta lập chí ta,
Ba thu thấm-thoát có là bao lâu.
Làm chi thắc-mắc thêm sầu,
Chim còn đón gió, rồng hầu đợi mưa.
Biết đâu miệng thế khôn lừa,
130.- Vén mây, nhẩy sóng bấy giờ sẽ hay.
Vả nghe Kim-cải độ này,
Trông lên đường cũ bụi bay lối về.
Mấy tài dẹp loạn phù nguy,
Tay mình thì chửa đến khi phất cờ.
Tống thần những mặt ngẩn ngơ,
Xôn-xao tơ trúc, thờ-ơ bác đồng.
Xanh-xanh chẳng giúp anh hùng,
Thì chi lũ kiến đàn ong tơi-bời.
Cho nên lẩn-thẩn quê người,
140.- Tìm nhà thanh-vắng, tiện nơi tập-tành.
Một đèn, một sách, một mình,
Bướm ong khuất nẻo, én anh khuây đường.
8.- Nỗi buồn của Phan-sinh trong khi du-học (câu 143 - câu 150)

Ngậm-ngùi trông cảnh gia-hương.,
Đã thiên gợi nhớ, lại chương ngậm sầu.
Hơi gió lọt, bóng trăng thâu,
Đòi khi giở chiếc trâm nhau ra nhìn.
Nước non cách mấy dặm nghìn,
Biết lòng còn nhớ hay quên hỡi lòng ?
Chăn đơn, gối chiếc lạnh-lùng,
150.- Tưởng nhân-duyên ấy như vòng tơ vương.
9.- Trần Kiều-liên chạy loạn hai mẹ con lạc nhau (câu 151 - câu 174)

Hay đâu tạo-hóa khôn lường,
Trần-công thoắt đã suối vàng. xa chơi.
Xót nàng mẹ goá con côi,
Phụng thờ hương khói chưa rồi ba năm.
Bỗng đâu binh lửa ầm- ầm,
Gió bay nhà bạc, cát lầm cửa thưa,
Lánh nàn, từng bước ngẩn-ngơ,
Mẹ già đầu bạc, con thơ má đào.
Ngày hỏi khách, tối trông sao,
160.- Dời chân bước thấp bước cao gập-ghềnh.
Thánh-tha bốn giọt lệ tình,
Biết đâu quen thuộc gởi mình được an.
Trải qua một quãng hàn-san,
Chênh-chênh nguyệt đã gác ngàn non mai.
Bỗng nghe trống giục, chiêng hồi,
Đêm khuya rừng rậm, rụng rời biết đâu ?
Pha-phôi dặm cúc, chòm lau,
Kẻ chân bãi nước, người đầu đỉnh non.
Con tìm mẹ, mẹ tìm con,
170.- Cỏ cây man-mác, nước non lạ-lùng !
Xót nàng thơ-yếu trẻ-trung,
Trời xanh nợ phụ má hồng chẳng bênh.
Một mình trong quãng rừng xanh,
Châu-chan má phấn, tằm oanh khúc vàng.
10.- Kiều-Liên gặp họ Trương đưa đến ở chùa lấy pháp-danh là Diệu-thường (câu 175 - câu 212)

Tình cờ gặp ả họ Trương,
Kim-lăng đến, hỏi nường thấp cao :
"Con người yểu-điệu thanh tao,
"Dáng sùi-sụt tủi, chìu ngao-ngán sầu !
"Tên gì, quê, họ nơi đâu ?
180.- "Gặp nhau xin ngỏ cho nhau biết cùng."
Tưởng rằng cùng bạn má hồng,
Đoái thương nên mới gạn-gùng phân minh.
Gạt châu mới kể sự tình,
Nỗi quê cách trở, nỗi mình truân-chiên.
Chẳng cho biết họ tường tên,
Tưởng cơn-cớ ấy, tủi nền-nếp xưa.
Trương ràng: "Thân gái hạt mưa,
"Biết đem mình ấy bây giờ cậy đâu ?
"Gần đây có một cảnh mầu,
190.- "Nữ-trinh, chùa ấy ở đầu Kim-lăng.
"Thênh-thênh cửa bụt đâu bằng,
"Xuất gia tín-nữ, tiểu-tăng cũng đầy.
"Chớ nề dưa muối, am mây,
Hãy nương náu, khỏi nạn này là hơn !"
Giắt tay nàng đến thiền-môn,
Bạch sư mới kể hàn-ôn gót đầu.
Khêu đèn hạnh, thắp hương mầu ,
Chắp tay lạy phật, khấu đầu qui sư.
Sư rằng: "Này đạo Chân-như,
200.- Mênh-mông cửa bụt bi-từ hẹp ai .
"Đã rằng thụ giáo thiền-trai,
"Chớ nề dưa muối, chớ nài nem chanh.
"Tam-qui, ngũ-giới chứng minh,
"Xem câu nhân-quả, niệm kinh Di-đà,
"Sớm cúng quả, tối dâng hoa,
"Duyên xưa nỡ phụ, để già độ cho."
"Trên tứ bảo, dưới tam đồ."
"Lòng tin hai chữ nam-mô báo đền."
Diệu-thường mới đặt là tên,
210.- Hay cho đưa xuống phòng thiền nghỉ-ngơi.
Nàng vâng thụ giáo như-lai,
Nhỏ to mới giã ơn người họ Trương.

Chú thích:
đồng-tử năm ba: bởi chữ đồng tử ngũ lục nhân trong Luận=ngữ, ông Tăng-Điểm nói có 5,6 trẻ đi theo hầu.

long-câu: tức là con ngựa.

tỳ-bà: tức là cái đàn. Hành tang của các văn-nhân ngày xưa đi ra ngoài là cỡi ngựa và mang theo túi đàn.

Vàng hiu-hiu đón, ngọc làu-làu đưa: Câu này tả gió trăng đưa đón.

Phun châu nhả ngọc: câu này do câu thơ" thi thành châu ngọc tại huy hào" nghĩa là làm xong bài thơ thì châu ngọc ở cả nơi ngòi bút vùng-vẫy, nói bóng là văn thơ hay.

Giải-nguyên: đỗ đầu thi Hương, cũng gọi là Thủ-khoa.

Bảng xuân: do chữ xuân bảng về khoa thi Hội.

M uôn hồng nghìn tía: do chữ vạn tử thiên hồng.

thần-kinh: kinh-đô nhà vua.

Bảng người thì bốn, tên mình có ba: Bốn kỳ thi, trượt mất kỳ thứ 4.

Lòng trời còn dấm tài hoa: Ý nói người có tài hoa trời còn để dành (dấm :dìm: nhận)

Khôi nguyên: đỗ đầu.

Ba thu thấm-thoát: ý nói ba năm nữa lại có kỳ thi.

Vén mây, nhẩy sóng: Vén mây bởi chữ phi vân, nhẩy sóng bởi chữ khóa lãng ý nói thi cử bay nhảy.

Kim-cải: chỗ này phải chữ tên xứ vùng quê nhà của họ Trần.

Tống thần: bầy tôi nhà Tống ; trỏ vào các quan triều đời bấy giờ.

Xôn-xao tơ trúc, thờ-ơ bác đồng: tơ trúc là âm nhạc, nói về bên văn, bác đồng là súng đạn, nói về bên võ.

gia-hương: quê-quán làng-mạc nhà mình.

suối vàng: bởi chữ hoàng tuyền, suối ở dưới đất, tức là nơi âm-phủ.

Ngày hỏi khách, tối trông sao: Vì lạc đường không biết lối, nên ban ngày phaỉ đón khách qua đường mà hỏi, ban đêm cứ trông sao để nhận phương huớng mà đi.

hàn-san: nghĩa là núi rét, chỏ nơi rừng núi quạnh hiu lạnh-lẽo.

Kẻ chân bãi nước, người đầu đỉnh non: ý nói hai mẹ con mỗi người lạc mỗi nơi.

Châu-chan má phấn, tằm oanh khúcvàng: Câu này nghĩa là giọt châu chứa-chan nơi gò má, ruột tằm bối rối trong lòng.

Kim-lăng: Một địa-phương bên Tàu, thuộc huyện Giang-ninh tỉnh Giang-tô, ngày trước nhiều triều vua đóng kinh-đô ở đấy.

Thân gái hạt mưa: tục ngữ : con gái như hạt mưa sa, hạt rơi xuống giếng, hạt ra ruộng cày.

thiền-môn: cửa nhà chùa, cửa Phật.

hàn-ôn: rét, ấm, nói bóng là trò-chuyện kể-lể cùng nhau, cũng như hàn-huyên.

Khêu đèn hạnh, thắp hương mầu: Đèn hương nhà chùa.

Chân-như: có hai nghĩa :Theo thuyết nhà Phật thì chân-như là chân-lý nói về thực thể và thực-tính, suốt đời không biến cải. Theo thuyết nhà đạo Lão thì chân-như là do một tính mà nói. Chữ Chân-như trong câu này là theo tính nhà Phật.

Mênh-mông cửa bụt bi-từ hẹp ai: câu này ý nói cửa Phật là phả độ chúng sinh, từ-bi bác-ái rộng mênh-mông. Có bản chép là "viển-vông cửa độ..." có lẽ sai.

thiền-trai: nhà chùa ăn chay.

Chớ nề dưa muối, chớ nài nem chanh: Những món ăn chay của nhà chùa.

Tam-qui: là tiếng nhà Phật : qui-y phật, quy-y pháp, quy-y tăng.

ngũ-giới: 4 điều răn của nhà Phật : không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói càn, không uống ruợu, ăn thịt.

nhân-quả: Tiếng nhà Phật. Nhà Phật cho những việc làm là Nhân, việc ứng lại là Quả, ví như cấy lúa là nhân, gặt thóc là quả. Nhân tốt thì được quả tốt, nhân xấu thì bị quả xấu, đó là lẽ tự-nhiên, cũng như làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác.

Di-đà: kinh nhà Phật

tam đồ: Ba đường hiểm, nhà Phật cho tam đồ là Ngã-quỉ, súc-sinh và địa-ngục. Trong kinh Phật nói rằng : Địa-ngục tên là đường hỏa-đồ, ngã-quỉ tên là đường đạo-đồ, súc-sinh tên là đường huyết-đồ.

nam-mô: là tiếng Phạn, gọi chắp tay cúi đầu là Nam-mô. ( nghĩa là cung kính).

Diệu-thường: pháp hiệu đặt cho Kiều-Liên.

như-lai: hiệu Phật. Kinh Kim-Cương nói : không tự đâu đến cũng không đi đến đâu, nên gọi là Như-lai ( vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh như lai).

10.- Nỗi buồn của Diệu-thường trong khi ở chùa (câu 213 - câu 242)

Thoắt thôi về chốn tĩnh-đường,
Buồn trông phong-cảnh tha-hương ngập-ngừng.
Kìa thì bụt, nọ thì tăng,
Chẳng hay từ-mẫu lạc chừng nơi nao ?
Than rằng: "Đội đức cù lao,
"Bể sâu mấy mấy trượng ? Trời cao mấy trùng ?
"Nếu sinh là kiếp đàn ông,
220.- "Thời tìm nước thẳm, non bồng quản chi ?
"Bởi sinh là phận nữ-nhi,
"Nghĩ thì càng tủi, nhớ thì luống thương.
"Từ-ô chim-chóc vật thường,
Còn mong kiếm chốn tìm đường trả ơn.
"Mưa sầu gió thảm từng cơn,
"Để ai chịu phận thờn-bơn một bề !
"Biết ai giãi tấm lòng quê ?
"Có chăng đợi đức từ-bi chuyển vần."
Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,
230.- Chạnh lòng xảy nhớ Châu, Trần nghĩa xưa.
Giãi-dầu kể mấy nắng mưa,
Thề phai, nguyền nhạt, bây giờ biết đâu ?
Quạt này ai để cho nhau,
Phong phong, mở mở giãi sầu làm khuây.
Chốn Lam-kiều cách nước mây,
Bùi-Hàng kia dễ biết đây nẻo nào ?
Non Thiên-thai mấy trượng cao,
Lưu-Lang chưa dễ tìm vào tới nơi.
Đã đành góc bể bên trời,
240.- Lân-la ngày bạc quá vời xuân-xanh.
Một mình những tủi duyên mình,
Nén hương biếng thắp, quyển kinh ngại nhìn.
11.- Sư già khuyên giải Diệu-Thường (câu 243 - câu 280)

Phải khi sư-phụ bước lên,
Dè chừng mới hỏi rằng "duyên-cớ nào ?
"Ra chiều ủ liễu phai đào,
"Hạt châu lai-láng, quyển bào chưa phai.
"Hay là nhớ chốn Chương-đài,
"Xạ lan mùi cũ, hán hài thói xưa.
"Hay là nhớ nỗi mây mưa,
250.- "Ước ao nghĩa phượng, đợi chờ bạn loan ?
"Hay là tiếc thuở hồng-nhan,
"Sợ phai thức phấn, e tàn nhị hoa ?
"Hay là khổ-hạnh tương cà,
"Hư thân mâm ngọc đũa ngà bấy nay ?"
Diệu-Thường ren-rén thưa bày :
"Nỗi tôi, tôi bạch, lạy thầy, thầy thương.
"Loạn-ly từ cách gia-hương,
"Trông ơn thầy đã rộng đường bao-dong.
"Tưởng câu sắc sắc không không,
260.- "Dám đâu còn bận chút lòng gió trăng !
"Chỉn e từ-mẫu lạc chừng,
"Một mình chẳng biết suối rừng là đâu.
"Mẹ già bóng ngả cành dâu,
"Phòng khi sốt mặt, váng đầu cậy ai.
"Đã lo cầu khẩn bụt trời,
"Nào khoa cứu khổ, nào bài độ sinh.
"Càng trông càng vắng phong thanh,
"Lẽ nào hai chữ ân tình chẳng thương."
Thầy rằng: "Bĩ thái khôn lường,
270.- "Trăng thường tròn khuyết, nước thường đầy vơi!
"Nhịn sầu mà gượng làm tươi,
"Kẻo khi nguyệt mỉa, hoa cười chẳng hay.
"Hãy tu vẹn quả phúc này,
"Đừng long tiết ngọc, chớ lay cơ huyền.
"Kià Điạ tạng, nọ Mục-Liên,
"Độ thân dẫu xuống cửu-tuyền cũng an.
"Lọ là người ở trần-gian,
"Đừng lo -lắng nữa, chớ phàn nàn chi.
"Ở đây nhờ đức Từ-bi,
280.- Mẹ con ắt cũng có khi lại gần."
12-Diệu-Thường yên tâm nương-náu cảnh chùa (câu 281 - câu 302)

Nàng nghe thầy dạy ân-cần,
Tát vơi bể Sở, khơi dần sông Nghiêu.
Muối dưa đắp-đổi ít nhiều,
Sớm khua mõ cá, tối khiêu chuông kình,
Vầng trăng bạc, ngọn đèn xanh,
Dâng hương ngũ-vị, tụng kinh tam-thừa
Nhân hẩy gió, đức nhuần mưa,
Vượn dâng quả cúng, chim đưa hoa mừng.
Đàn thông, phách suối vang lừng,
290.- Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.
Mây phủ tán, liễu che mành,
Nước non Thiên-trúc, cung đình Bồng-lai.
Hoa thơm cỏ lạ đòi nơi,
Đã hay rằng cảnh có người mới yêu !
Vãng lai quan-khách dập-dìu,
Kẻ lên lễ phật, người vào bạch sư.
Nơi viết kệ, chốn đề thơ,
Mắt trần càng nhộn, lòng từ càng thanh.
Rửa không thế-tục thường tình,
300.- Một bình-tĩnh-thủy, một cành dương-chi.
Nhữ mong nương náu qua thì,
Biết đâu cơ-tạo, chắc gì nhân-duyên.
13-Phan-sinh đến thăm cô ở Kim-lăng (câu 303 - câu 352)

Ai ngờ một tấm tự-nhiên,
Có khi cũng động đến trên chuyển vần.
Hai phương chỉ Tấn, tơ Tần,
Bỗng đâu như giắt dần-dần lại cho.
Phan-sinh từ ở Thành-đô,
Lần lần nắng hạ, mưa thu từng ngày.
Nhớ song thân, ngậm-ngùi thay,
310.- Nhớ hương-thôn, cách nước mây mấy từng.
Nhớ xưa còn nhỏ nghe rằng :
Có cô tu ở Kim-lăng cũng gần.
Tức thì trỏ nẻo dời chân,
Thênh-thênh bãi bạc, lần lần dậm xanh.
Mới hay sơn thủy hữu tình,
Cỏ hoa đón khách, én anh đưa người.
Cửa chùa phơi-phới gần nơi,
Nhác trông cảnh bụt bầu trời lạ sao !
Chập-chồng quán thấp, lầu cao,
320.-Hương nghi-ngút tỏa, hoa ngào-ngạt bay.
Chuông rền, mõ ruổi, khánh lay,
Thông già điểm trống, trúc gầy khua sênh.
Thầy đương kinh-giáo tập-tành,
Diệu-Thường đứng tựa bên mành câu-lơn.
Nhác trông ra mái tam-quan,
Thấy chàng niên-thiếu lạc ngàn ngẩn-ngơ.
Lạ con mắt, hãy còn ngờ,
Thác mành-mành, hỏi: "Khách thơ quê nào ?
"Vả con người cửa mận đào,
330.- "Việc gì mà khéo tìm vào non sâu ?"
Sinh nghe khúm núm dưới lầu,
Gửi rằng: "Con cháu sang hầu sư cô.
"Trình tên tuổi, bạch duyên-do,
"Giở nông-nỗi trước, kể trò-chuyện sau."
Sư nghe lặng ngắm giờ lâu,
Quyển vàng sẽ gác, hạt châu sụt-sùi.
Dạy rằng: "Hãy bước vào ngồi,
"Thế mà cô nghĩ là ai, vô tình !
"Mới thăm hỏi sự nhà mình,
340.- Anh thong-thả, chị bình-ninh, cô mừng.
"Khen ai tỏ nẻo đưa chừng,
"Cho con lặn suối, băng rừng tới đây !
"Đây tuy thú mọn cỏ cây,
"Thanh nhàn cứ ở lâu ngày cũng quen.
"Gần cô cho tiện sách đèn,
"Lọ là khuất-nhiễu chốn phiền-hoa chi !
"Cũng đừng áy-náy lòng quê,
"Bao giờ áo gấm mặc về mới cam !
"Ngựa hồng, đai bạc, áo lam,
350.- "Trời cho, vả có chí làm thì nên !
"Phải khi hương lửa bén duyên,
"Bõ công tuổi-tác, rạng nền tổ-tông."
14-Phan-sinh được sư cô lưu ở chùa đọc sách (câu 353 - câu 386)

Dạy thôi mới dặn Hương-Công,
Đưa chàng về mái tây phòng nghỉ chân.
Trải xem thú lạ chiều xuân,
Hoa kề cửa động, đá ngăn vách chiền.
Người thành-thị, kẻ lâm-tuyền,
Đòi phen thấy cảnh, đòi phen chạnh niềm.
Tưởng người nương cánh hé rèm,
360.- Gọi Hương-Công mới dò xem sự lòng :
"Ấy ai tầm thước trẻ-trung,
"Chực hầu sư-phụ đứng trong giảng-đường.
Bấy giờ e-lệ chưa tường,
"Lâu lâu lại thấy thoáng gương ả hằng ?"
Thấy lời, Hương mới thưa rằng:
"Người đâu chẳng biết, lạc chừng tới đây.
"Vả khi lỡ bước đường mây,
"Nàng Trương đưa lại chốn này qui-y.
"Khách đà về đạo từ-bi,
370.- "Nhìn làm chi ? hỏi làm chi ? hỡi chàng !
"Già nua thưa-thốt sỗ-sàng,
"Thôi thôi xin xuống tĩnh-đường hầu cô."
Nghe lời sinh mới thẹn-thò,
Gượng thưa rằng: "Hãy xét cho, chớ cười.
"Lạ lùng nên mới hỏi chơi,
"Há rằng đã tận tình ai ru mà !"
Vãi Hương từ trở lại nhà,
Một mình chàng chốn lầu hoa, lại càng.
Thôi thắc-thỏm, lại mơ-màng,
380.- Đèn xanh một ngọn, quyển vàng ba con,
Biết ai mà được nỉ-non,
Tối than trăng chị, ngày đon gió dì.
Niềm riêng khôn chút tả đề,
Hoàng-oanh hót nhớ, tử-qui kêu sầu.
Bồi-hồi tháng trọn, ngày thâu,
Trong lòng đã vậy, trên đầu chưa hay.

Chú thích:
tĩnh-đường: nhà im-lặng, nơi tu-hành. Hay là tĩnh đường : nơi trong sạch.

tha-hương: Làng khác, quê người

từ-mẫu: mẹ hiền, mẹ đẻ.

cù lao: khó nhọc, bởi câu ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. thương thay cha mẹ, sinh ra ta khó nhọc.

nước thẳm, non bồng: chỉ về cõi tiên xa cách với trần-thế.

Từ-ô: con quạ hiền, giống chim có hiếu, thường đi kiếm mồi về mớm trả mẹ.

chịu phận thờn-bơn một bề: Tục ngữ có câu "Thờn bơn chịu ép một bề". Câu này ý nói đối với tình cảnh ấy, dễ ai mà ngồi yên được. Thờn-bơn : cá lưỡi trâu.

từ-bi: Hiền lành, thương xót. Biểu hiệu của đức Phật từ-bi lân mẫn chúng sinh.

Châu, Trần: Hai thôn ở bên Tàu, đời đời thông hôn với nhau.

Quạt này ai để cho nhau: Quạt này là cái quạt của nhà họ Phan trao cho họ Trần làm vật đính hôn.

Lam-kiều: Lam-Kiều : tên một cái cầu ở Trường-an(bên Tàu). Bùi-Hàng người đời Đường, hỏng thi, đi chơi phiếm, gặp tiên nữ đưa cho bài thơ rằng:
Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh,
Nguyên sương đảo tận kiến Vân-Anh,
Lam-kiều tiện thị thần tiên quật,
Hà tất khi khu thướng ngọc kinh.
Nghĩa là :
Một nhắp rượu quỳnh tương thì trăm mối cảm tưởng sinh ra, song có tán hết thuốc nguyên sương ( thuốc trắng như sương ) mới thấy Vân-Anh . Cầu Lam chính là chỗ thần tiên ở, cần gì phải vất vả lên ngọc kinh ). Sau Bùi-Hàng qua Lam-kiều, khát nước vào hàng một bà già, bà gọi con gái là Vân-Anh lấy nước cho uống. Thấy đẹp, Bùi-Hàng mượn mối đến hỏi làm vợ. Bà già thách cưới có chày và cối giã bằng ngọc, dùng làm sính lễ để tán thuốc, mới lấy được Vân-Anh. Kết cục vợ chồng đều được lên cõi tiên. - Rút trong " Thái-bình quảng-ký ".

Bùi-Hàng: Xem chú thích số 11.

Thiên-thai: núi thuộc tỉnh Triết-giang bên Tàu.

Lưu-Lang: tức Lưu-thần đời Hán, ngày tết Đoan-ngọ, cùng Nguyễn-Triệu vào Thiên-thai hái thuốc gặp tiên, chung sống trong nửa năm, khi trở về đã đến đời thứ 7.

Đã đành góc bể bên trời: góc bể bên trời, bởi chữ hải giác thiên nhai.

Lân-la ngày bạc quá vời xuân-xanh: ngày bạc bởi chữ bạch nhật, xuân xanh bởi chữ thanh xuân, nói theo ý trong câu thơ bạch nhật mạc nhàn quá, thanh xuân bất tái lai, ngày bạc đừng bỏ qua, xuân xanh không trở lại.

sư-phụ: ở đây chỉ vào người sư-trưởng trong chùa : Sư thầy.

Chương-đài: tên một cung dựng từ đời Tần. Tiếng thông xưng các nơi cung điện lâu-đài đời Chiến-quốc. Đây nói về nơi đài-các lịch-sự.

sắc sắc không không: tiếng nhà Phật. Sắc, nói về hết thảy những cái có hình-tượng hiện rõ ra ngoài. Không là hư-không chẳng có gì cả. Người ta đã dịch bốn chữ sắc sắc không không thành câu lục bát:
Có thì có tự mảy may,
không thì cả thế-gian này cũng không.

cành dâu: do chữ tang du. Khi mặt trời sắp lặn, bóng nắng còn sót lại trên cành dâu, người ta quen dùng chữ tang du chỉ về cảnh già. Câu này cũng theo ý ấy, nói mẹ già chẳng biết sống được bao nhiêu nữa, như bóng mặt trời đã ngả sắp lặn về tây.

cứu khổ, nào bài độ sinh.: Cứu khổ, độ sinh là những khoa phạm của nhà Phật nói về cứu độ chúng sinh.

Điạ tạng: danh-hiệu một vị Bồ-Tát, phát thệ độ hết 6 đạo chúng sinh mới mong thành Phật.

Mục-Liên: cũng gọi là Mục Kiêu Liên, đệ-tử nhà Phật, có phép thần thông, từng vào địa ngục để cứu mẹ. Vì đó thế-tục mới có hội " vu lan bồn " : Lấy chậu chứa bách vị cúng dâng chư phật, để giải cái tai ách treo ngược cho chúng sinh. Hội này cử hành vào tiết Trung-nguyên tháng 7, tức là ngày Mục-Liên xuống địa-ngục cứu mẹ. Vì mẹ Mục-Liên ở địa-ngục, hễ ăn thứ gì vào miệng thì lập tức cháy thành lửa, nên nhà Phật làm thế để độ nạn.

Độ thân: cứu độ dâng thân ( cha mẹ ).

cửu-tuyền: nơi chín suối, dưới âm-phủ .

Tát vơi bể Sở, khơi dần sông Nghiêu: cũng như bể khổ sông mê, nói bóng về những nỗi phiền-não của loài người bị chứa chất trong tâm thân.

Sớm khua mõ cá, tối khiêu chuông kình: mõ chế hình con cá, chuông chạm hình cá Kình ( thứ cá to ngoài bể ).

ngũ-vị: năm mùi thơm.

tam-thừa: ba cỗ xe nghĩa là chuyên chở, tiếng nhà Phật, tam-thừa là : Bồ-tát-thừa, tích-chi-thừa, Thanh-văn-thừa do các nhà tu năng-lực khác nhau, nên phân làm 3 hạng ấy.

Vượn dâng quả cúng, chim đưa hoa mừng : Loài vượn loài chim dâng quả dâng hoa cúng Phật.

Đàn thông, phách suối vang lừng: Cây thông lá reo có dịp-dàng tựa như đàn gảy, suối nước chảy róc rách như tiếng gõ phách, nên gọi là đàn thông phách suối.

Thiên-trúc: là nước Phật.

Bồng-lai.: là cõi tiên.

Đã hay rằng cảnh có người mới yêu: Câu này ý nói đã hay là có cảnh đẹp, nhưng có người thì cảnh mới thêm đáng yêu.

Một bình-tĩnh-thủy, một cành dương-chi: tĩnh-thuỷ : nước trong sạch. Dương-chi : cành dương, đều lấy tích nhà Phật : Phật-đồ-Trừng người nước Thiên-trúc, có con bị bạo tử ( chết tươi ), lấy cành dương sấp nước vẩy vào mặt lại sống lại.( theo sách Pháp-Uyển châu lâm ).

một tấm tự-nhiên: là tấm lòng.

Thành-đô: thuộc tỉnh Tứ-Xuyên bên Tàu.

Kim-lăng: xem chú thích ở trên.

cửa mận đào: mận đào do chữ đào lý , cửa mận đào là nơi quyền-quí sang-trọng : ( đào, lý công-môn )

áo gấm mặc về: do câu mã thượng cẩm y hồi; ý nói thi đỗ cỡi ngựa mặc áo gấm vinh-qui.

Ngựa hồng, đai bạc, áo lam: Cỡi ngựa hồng, đeo đai bạc, mặc áo lam đều là những nghi-vệ, phẩm-phục sau khi đã thi đỗ.

Hương-Công: Tên một bà vãi ở chùa.

giảng-đường: Nhà giảng kinh, nhà dạy học.

tĩnh-đường: Xem chú thích ở trên.

Tối than trăng chị, ngày đon gió dì: Trăng chị bởi chữ nguyệt tỷ, chỉ nàng tiên trong cung trăng. Thơ của Lý-Thương-Ẩn : nguyệt tỷ tằng phùng hạ thái thiềm : chị nguyệt từng gặp tới cung trăng. Đon : Hỏi đon hỏi ren.

Hoàng-oanh hót nhớ, tử-qui kêu sầu: Hoàng-oanh là chim vàng anh, tiếng hót véo von nghe rất vui tai. Tử-qui là chim quốc, tiếng kêu khắc-khoải nghe ra sầu thảm. Câu này ý nói cảnh buồn. Và còn tả cảnh cuối xuân ( oanh ) sang hạ ( tử-qui ) .

15.- Phan-sinh gặp Diệu-Thường lần đầu (câu 387 - câu 410)

Bỗng may may khéo là may,
Nhác trông ra mái lầu tây thấy nàng.
Thẩn-thơ trước dãy hành-lang,
390.- Vin cành biếc, hái hoa vàng làm thinh.
Xa xa phảng-phất dạng hình,
Đức Quan-Âm đã giáng-sinh bao giờ !
Vội-vàng làm cách bơ-lơ,
Đến gần ướm hỏi khách thơ một lời :
"Kể từ đến cảnh bồng-lai,
"May thay đã trộm thấy người tiên-cung.
"Mới hay hai chữ sắc, không,
"Chẳng tơ mà dễ rối lòng trần-duyên.
"Ba sinh ước vẹn mười nguyền,
400.- "Chiêm-bao luẩn-quẩn ở bên giảng đình.
"Sư còn lân-mẫn chúng-sinh,
"Xin thương đến tấm lòng thành với nao !"
Bỗng nghe tiếng lạ-lùng sao,
Trái tai khôn biết lẽ nào dám thưa.
Nghĩ mình ở đám muối dưa,
Há nên tìm tiếng đong-đưa cùng người.
Làm thinh thà chịu kém lời,
Thềm hoa lẩn bóng, phòng trai trở giày,
Vội vàng khép bức rèm mây,
410.- Ngoài hiên còn chút hương bay với chàng.
16- Phan-sinh phải lòng Diệu-Thường, nhờ vãi Hương-Công làm mối (câu 411 - câu 502)

Một mình lui tới bẽ-bàng,
Khôn về năn-nỉ, dễ đường nhắn-nhe !
Đeo sầu chàng trở ra về,
Xem chiều thèn-thẹn, e-e nực cười.
Trách người một, trách ta mười !
Bởi ta sàm-sỡ nên người dẩy-dun.
Còn trời, còn nước, còn non,
Còn trăng, còn gió hãy còn đó đây.
Trăng trăng, gió gió, mây mây,
420.- Biết là giở nỗi nước này cùng ai !
Chờ khi vắng-vẻ hiên mai
Tìm Hương mà lại giãi-bày cùng Hương:
"Rằng đây là khách tầm-thường,
"Đem thân đài-các mà nương cửa chiền.
"Một là an phận chờ duyên ?
"Hai là thong-thả sách đèn cũng vui.
"Cho nên dưa muối phải mùi,
"Những say mùi đạo mà nguôi nỗi nhà.
"Sớm trưa ai kẻ biết ra,
430.- "Đã quen làm nũng với già bấy lâu.
"Nghĩa sâu đành trả ơn sâu,
"Bây giờ phải gỡ mối sầu cho xong.
"Kià ngọc-nữ, nọ kim-đồng,
"Phật-bà chẳng xét thấu lòng ấy chăng ?
"Cửa Từ phương-tiện đâu bằng,
"Kim-thằng xin đổi xích thằng này cho.
"Ở đây về cảnh nhà chùa,
"Lẽ đâu có dám chuyện-trò trăng hoa.
"Nhưng vì duyên-kiếp thế mà,
440.- "Đẫu làm sao cũng cậy già giúp nao!"
Lặng nghe lời nói thấp cao,
Gửi rằng: "Già biết làm sao sự này !
"Nương mình cửa bụt bấy chầy,
"Non ngăn thói tục, gió bay niềm trần.
"Hương đèn khuya sớm độ thân,
"Biết đâu quán Sở, lầu Tần viển-vông.
"Nghe lời cũng trộm xét lòng,
"Tu-hành chẳng lẽ lộn vòng gió trăng.
"Vả nàng cùng bạn thiền-tăng,
450.- "Ra vào sượng mặt, nói năng ngại điều.
"Một niềm vàng đá nâng-niu,
"Bây giờ sao nỡ giật-gìu mưa mây.
"Huống chi những tiếng thày-lay,
"Tuổi này đã trót mũ này che tai.
"Đa-mang chẳng dám chịu lời,
"Mặc người Tần Tấn, mặc ngưòi Trần Châu."
Chàng nghe ngẫm nghĩ giờ lâu,
Tưởng lời Hương nói ra màu đẩy-đưa.
Hai hàng lã-chã nhường mưa:
460.- "Biết đem lòng ấy bây giờ cậy ai.
"Vì duyên nên phải vật nài,
"Có thương thì xét mà cười thì oan.
"Ba trăng nấn-náthiền-quan,
"Nghĩ quen thuộc ấy mà van-vỉ cùng.
"Nào ngờ ngại tiếng, quản công,
"Nào lòng quảng-đại, nào lòng từ-bi.
"Chẳng yêu, chẳng xót, chẳng vì,
"Lại còn bịn rịn làm chi cảnh này ?
"Bụt trời xin chứng lòng ngay,
470.- "Duyên kia dù rủi dù may tại già."
Nghe lời năn-nỉ thiết-tha,
Ngọt-ngào đầu lưỡi, mặn-mà lỗ tai :
"Vâng ra thì tiếng để đời,
"Chẳng vâng thì bỏ lòng người biết bao !
"Tận-từ dám tiếc công nào,
"Còn e lòng khách động đào khứng chăng!
"Bây giờ làm khách thiền-tăng,
"Say-sưa mùi đạo, dửng dưng bụi hồng.
"Lệ chi hoa chẳng chiều ong,
480.- "Uổng công tuổi-tác, thẹn lòng văn-nhân."
Chàng rằng: "Già hãy ân-cần,
"Đàn này tai ấy dần-dần cũng êm.
"Ai hay rằng chẳngcải-kim,
"Đã nơi gian-gíu nên tìm tới đây.
"Hãy về gìn-giặt cho hay,
"Dẫu làm sao quả phúc này cũng nên."
Nghe chàng gắn-bó cần-quyền,
Vâng lời Hương mới về bêntĩnh-đường,
Canh khuya nguyệt gác cành sương,
490.- Nằn-nì thử ướm xem nường ra sao.
Rằng đây cảnh quạnh, non cao,
"Xưa nay biết mận quen đào là ai.
"Phải khi qua chốnthư trai,
"Thấy chàng khắc khoải một lời mà thương.
"Lân-la bỗng giở sự nường,
"Mấy lời thì bấy nhiêu hàng hạt châu.
"Xin người, đã bạch gót đầu,
"Rừng thiền xin chớ những màu én anh.
"Càng van càng một đinh-ninh,
500.- "Rằng duyên, rằng nợ, rằng tình, một hai.
"Nể lời ta chót chịu lời,
"Chiều ai hay chẳng chiều ai, mặc nàng."
17-Diệu-Thường mấy lần đều cự-tuyệt vãi Hương-công (câu 503 - câu 588)

Lời đâu thêm động lòng vàng,
Trách ai sao khéo đặt đàng cho nên :
"Gập-ghềnh lỡ bước thuyền-quyên,
"Đem thân bồ-liễu nương miền tùng-lâm.
"Đã mừng khuất nẻo tiếng tăm,
"Bướm ong đâu lại ầm-ầm bên tai.
"Già vâng, tiểu gửi lại người,
510.- "Chốn này chẳng khá dạy lời ong ve,
"Kiếp tu đã nguyện bồ-đề,
"Lòng son bảy mối, tóc thề mười phương.
"Một đèn một sách, một hương,
"Dám còn để mối tơ vương bên lòng .
"Vả người là đấng thư-trung
"Tấc mây đâu nỡ để lồng gương thu.
"Bao-dung xin hãy xét cho,
"Từ rày những tiếng nhỏ to gác ngoài."
Xem nàng vàng đá chẳng dời,
520.- Vội-vàng lại đến thư-trai trình chàng :
"Đá vàng uyển-chuyển trăm đường,
"Khăng khăng khóa ngọc, then vàng chẳng long.
"Ai ngờ con trẻ lạ lùng !
"Kiên gan có lẽ ép lòng làm sao.
Chàng rằng: "Nghe rõ tiêu-hao,
"Như nung dạ sắt, như bào lòng son.
"Đem mình làm khách thiền-môn,
"Gió lay trướng ngọc, tuyết mòn án nghiên.
"Vẻ chi hai chữ tình duyên,
530.- "Nhẹ danh tài-tử, nặng nguyền giai-nhân.
"Đem mình van thiết mấy lần,
"Mười phần mà chẳng một phần ủ-ê.
"Ai hay phép Phật cả nề,
"Ở thì cũng thẹn, về thì chẳng xong.
"Âu là già hãy giúp công,
"Lại lần này nữa xem lòng ra sao ?
"Dặn rằng đã quyết chí cao,
"Nợ lòng để đến kiếp nào trả cho ?
"Chẳng thì ra trước cửa chùa,
540.- "Mà nghe khách niệm nam-mô một lời.
"Đoạn rồi nam bắc đôi nơi,
"Nỗi niềm phó mặc bụt trời chứng minh."
Nghe lời chàng, đã biết tình,
Trở về Hương mới đinh-ninh gót đầu.
Rằng: "Xin nửa khắc đến hầu,
"Đợi nàng một tiếng giã nhau mà về."
Thấy người đeo-đẳng mọi bề,
Ngập ngừng trước mặt, liễu e cúi mày.
Van rằng: "Đừng nỗi bèo mây,
550.- "Phận này ngỡ được chốn này là yên,
"Ai ngờ quả kiếp xui nên,
"Một thân thiếu nữ truân-chuyên mấy lần.
"Đã nhờ tình thực ân-cần,
"Chẳng thương mà dạy nợ-nần trăng hoa.
"Phỏng khi sư-phụ biết ra,
"Người là thân-thích, ta là ngược xuôi,
"Gió bay lời thế xa-xôi,
"Thì ta hồ dễ đứng ngồi dược đây !
"Âu là chịu bạc cùng thầy,
560.- "Liệu đường mà giã cảnh này cho xong.
"Phận bèo bao quản long-đong,
"Thà rằng lánh trước hơn rằng lụy sau."
Thấy chiều lan thảm, huệ sầu,
Xót nàng, Hương mới ra màu van-khuyên:
"Lạy nao, xin chớ vội phiền,
"Trót đà lỡ miệng, rày xin kín lòng.
"Miễn nàng tuyết sạch giá trong,
"Vàng không thẹn lửa, sen không nhuốm bùn.
"Quả tu ve-vuốt cho tròn,
570.- "Bỗng mà ruồng-rẫy nuóc non sao đành !
"Ba trăng tiếng kệ câu kinh,
"Bạch-viên sao nỡ phụ tình Huyền-Trang."
Nàng nghe Hương nói nể-nang,
Kấp sầu lại mở quyển vàng làm khuây.
Xăm-xăm Hương một lòng ngay,
Lại sang đến chốn mọi ngày đinh ninh.
Rằng: "Chàng cửa tướng nhà khanh,
"Lứa đôi há hiếm cầm lành đưa duyên.
"Khuyên người đèn sách bút nghiên,
580.- "Sự nàng xin chớ cần-quyền nữa chi.
"Nếu nàng phải bước ra đi,
"Nữa oan lòng khách tội thì tại ai ?"
Bỗng không thấy thốt hãi người,
Van rằng: "Chẳng dám ép-nài nữa đâu !
"Xin đừng để tiếng cho nhau,
"Chẳng thì non thẳm, vực sâu cũng tìm.
"Cậy già về giữ cho im,
"Dám còn nhắn cá gửi chim nữa nào !
18--Thất-vọng về tình Phan-sinh ốm tương-tư (câu 589 - câu 612)

Chàng từ thưa-thớt âm-hao,
590.- Tới lui ngần ngại, ra vào dở-dang.
Gió từ hây-hẩy đưa hương,
Lạnh lùng áng tuyết đoạn trường đòi nau !
Trăng thiền vằng-vặc in lầu,
Lâm-râm đèn hạnh gượng sầu thiu-thiu.
Tiếng chuông, tiếng cảnh, tiếng tin,
Sách nhìn biếng đọc, cầm treo biếng đàn.
Bấy nay nương-náu thiền-quan,
Muối dưa nhạt nhẽo, sương hàn pha-phôi.
Lại thêm sầu não đứng ngồi,
600.- Đá kia cũng đổ bồ-hôi lọ người !
Bệnh tương-tư cũng nực cười,
Dễ phương ngũ-tích, dễ bài bát-trân.
Bùa nào giảm, thuốc nào dằn,
Dược-sư ngán nỗi, Lão quân khôn điều.
Có chăng liên-nhục, liên-kiều.
Dùng thang đồng-nữ mới tiêu bệng chàng.
Lòng cô còn rộn trăm đường,
Mười phương đã khắp, nén hương đã tàn (?).
Bói thì ra quẻ Phong-san,
610.- Động hào thiếu-nữ ai bàn cho ra.
Có chăng ta biết sự ta,
Diệu-Thường là một, vãi già là hai.
19--Nể sư già, Diệu-Thường đến thăm bệnh Phan-sinh (câu 613 - câu 646)

Vì sư vả cũng nể người,
Nàng theo Hương đến phòng trai thăm chàng.
Nghiêng mình hé bức rèm sương,
Chiều thanh khép nép, tiếng vàng khoan-thai :
"Trộm nghe sương tuyết hơi hơi,
"Thuốc xơi giảm mấy, cơm xơi thế nào ?
"Lạy trời cho mát-mẻ nao,
620.- "Kẻo sư tuổi-tác ra vào băn-khoăn."
Bên tai nghe tiếng nàng gần.
Mười phần phiền-não, chín phần đổ sông.
Vội-vàng tay gạt đôi giòng,
Bạch rằng: "Đã đội ơn lòng đến đây.
"Bệnh sao cơn tỉnh cơn say,
"Mới rồi thì thế lúc này thì không.
"Như lúc này thế đã xong,
"Rồi ra nào biết được thong-thả này !
"Vì ai trời nhẽ có hay,
630.- "Độ-trì cho họa là may chút nào."
Hạt châu thánh-thót quyển bào,
Xem hoa dường võ, xem đào dường phai.
Chiều lòng nàng phải lựa lời,
Rằng: "Người thành-kính thì trời chứng-tri,
"Hãy xin hỉ-xả từ-bi,
"Cơn này đừng thắc-mắc chi thêm càng."
Sinh đương nấu sắt nung vàng,
Bỗng nghe như nước cành dương tưới nhuần.
Thảnh-thơi thư-sảng tinh-thần,
640.- Thiều-quang đem lại, phong-trần giũ bay.
Vừa mong giở nỗi niềm tây,
Ngoài hiên nghe xịch tiếng giày xa xa.
Giã sinh nàng trở gót hoa,
Khơi mành-mành thấy sư già xuống thăm.
Thấy chàng tựa án nâng cầm,
Nhẹ-nhàng sư mới bình tâm trở về.

Chú thích:
hành-lang: dãy nhà ngang chạy dài ở các nơi cung-điện đền-miếu nào.

Quan-Âm: tức Quan-thế-âm, danh hiệu đức Phật, vì đời Đường kiêng tên vua Thái-Tôn, bỏ bớt một chữ Thế, chỉ gọi có hai chữ Quan-âm. Tượng Phật Quan-Âm tô theo hình đàn-bà, diện-mạo đẹp-đẽ lộng lẫy. Đây nói người đẹp tưởng như đức Quan-Âm giáng-sinh, chỏ Diệu-Thường.

bồng-lai: đã chú thích.

sắc, không: đã chú thích.

giảng đình: cũng như giảng-đường

lân-mẫn : thương xót.

đài-các: đây nói về nhà quan tư sang-trọng khác hẳn bình-dân.

Kià ngọc-nữ, nọ kim-đồng: Kim-đồng, Ngọc-nữ tức thiện tài, lượng nữ là đệ-tử trai và gái theo hầu đức Phật.

Kim-thằng: dây vàng nhà Phật buộc kinh.

xích thằng: dây đỏ của nguyệt-lão xe duyên vợ chồng cho thế-gian, lấy ở tích Vy-Cố.

thiền-tăng: Nhà sư ở chùa, đây nói là cùng bạn sư vãi với nhau .

người Tần Tấn, mặc ngưòi Trần Châu: đã chú thích.

thiền-quan: Cửa nhà chùa.

Say-sưa mùi đạo, dửng dưng bụi hồng: Mùi đạo chỏ về phái xuất gia, bụi hồng chỏ về phái tại gia còn trong đám hồng trần.

Uổng công tuổi-tác, thẹn lòng văn-nhân: Tuổi tác : vãi Hương tự xưng, vì mụ đã có tuổi; van-nhân là chỏ Phan-sinh

cải-kim: do câu : châm năng thập giới cái kim (có từ thạch) hút được hạt cải. Cải-kim hay kim-cải ý nói tính tình hợp nhau.

tĩnh-đường: đã chú-thích.

thư trai<: nhà học, chỗ Phan-sinh ở.

Rừng thiền: do chữ Thiền-lâm tức nhà chùa.

bồ-liễu: giống cỏ cây mềm-yếu, ví bọn nữ-lưu.

tùng-lâm.: nơi tăng-đồ tụ-họp đông đủ, tức cảnh nhà chùa.

bồ-đề: Tiếng Phạn, cũng như nói chính-giác ( biết sự ngay thẳng).

bảy mối: tức thất tình : mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn.

mười phương: do chữ thập phương, kinh Phật gọi đông, tây, nam. bắc, đông-nam, tây-nam, đông-bắc, tây-bắc và trên, dưới là 10 phương, mỗi phương có một Phật.

thư-trung: Cổ thi : Thư-trung hữu nữ nhan như ngọc : trong sách có gái đẹp như ngọc. Chữ thư-trung nơi đây ý nói Phan là bậc học trò giỏi, chịu khó đọc sách khắc có vợ đẹp.

nỗi bèo mây: Đám bèo mặt nước, đám mây trên không đều là vật trôi nổi phút hợp phút tan không nhất định. Đây ví với nông-nỗi của người con gái gặp bước lạc-loài.

Bạch-viên sao nỡ phụ tình Huyền-Trang: Vượn trắng, Huyền-Trang tức Đường-tăng, người Yển-sư, xuất gia từ thuở nhỏ, học khắp các kinh sách nhà Phật, từng đi sang Ngũ Ấn- độ đem về được hơn 650 bộ kinh, cùng đệ-tử dịch được75 bộ, thành 1338 quyển. Phật-giáo ở Trung-quốc thịnh-hành từ đấy. Đường-Tăng có nuôi một con vượn trắng, rất tinh khôn, sau đem dâng Đường-Minh-Hoàng, hồi loạn An-lộc-Sơn tự nhiên mất. Hơn 10 năm sau, một hôm có Viên-phu nhân, vợ Tôn-Khác, Phán-quan ở Nam-Khang đến lễ chùa, cung-tiến một cái vòng bích-ngọc, nói là của chùa xin trả lại. Đường-tăng nhận ra thì là chiếc vòng buộc ở cổ con vượn trắng ngày trước. Ngảnh lại đã thấy phu-nhân hóa thành vượn trắng leo lên cây chuyền vào rừng xanh.

Kấp: lấp. Giập: giẹp.

ngũ-tích, dễ bài bát-trân./a>: Ngũ-tích, Bát-trân : tên hai bài thuốc chữ bệnh thất-tình, nội thương.

Dược-sư ngán nỗi, Lão quân khôn điều: Dược-sư : Thầy thuốc, nhà Phật có kinh Dược-sư, tụng để tiêu tai diên thọ ( trút bỏ tai-nạn cho được sống lâu). Lão-quân tức Thái-thượng lão-quân bậc tối cao của đạo-gia phụng-sự. Câu này ý nói bện khó-khăn, dẫu bực thiêng-liêng cao cả đến đâu cũng khó chữa.

liên-nhục, liên-kiều: tên hai vị thuốc, dùng cho bệnh-nhân uống để khai-uất.

đồng-nữ /a>: tức là vị thuốc "bạch-đồng-nữ", một vị thuốc để chữa bệnh. Chữ đồng nữ đây nói bóng về Diệu-Thường.

Phong-san: Kinh Dịch, một bộ sách bói của đời xưa, có 64 quẻ mỗi quẻ 6 hào hoặc âm hoặc dương, đây đương bệnh mà bói được quẻ phong-san ( gió, núi) thì rõ là động về âm, đông hào thiếu-nữ chẳng còn sai, vì Phong-san là quẻ Tiệm, một quẻ trong 64 quẻ, mà theo thóan-từ (lời đoán) thì chỉ gả con gái là tốt ( nữ qui cát)

Động hào thiếu-nữ : Xem chú-thích số 33 trên đây.

quyển bào: Vạt áo cuốn lại.

Thiều-quang: Đẹp-đẽ, sáng-sủa như cảnh mùa xuân.

phong-trần: gió bụi, nhem nhuốc.

20.- Phan-sinh ốm bệnh cất lẻn đến tạ ơn Diệu-Thường (câu 647 - câu 730)

Đêm thanh nguyệt gác rèm the,
Xa trông bóng đã đèn khuya cách lầu.
Sầu vừa ngớt, ngớt lại sầu,
650.- Sông Ngân thử bắc lấy cầu Ô xem.
Sao tàn, sương dịu, tuyết êm,
Góc tường ẩn bóng bên thềm lân-la.
Thừa khi gió quạt cánh gà,
Lay mành mượn tiếng nàng ba lọt vào:
"Thương với nao ! nể với nao !
"Làm sao trong ấy ? làm sao ngoài này ?
"Một lời công đức nặng thay,
"Nên bây gìờ phải đến đây tạ lòng.
"Đã rằng hỉ-xả bao-dong,
660.- "Gió sương nỡ để lạnh lùng sao an !"
Nàng đương khêu ngọn đèn tàn,
Véo-von nghe tiếng ngoài hiên rụng-rời.
Thưa rằng: "Rừng mạch vách tai,
"Đêm hôm xin chớ lắm lời làm chi.
"Xưa nay đã giữ một bề,
"Thương thì cũng đội, trách thì cũng vâng.
"Rút dây chẳng nệ động rừng,
"Làm chi để tiếng lố-lăng thế cười.
"Thôi thôi tôi cũng lạy người,
670.- "Mới thong-thả, hãy về ngơi, kẻo mà!"
Chàng rằng: "Ta những giận ta,
"Bước ra gặp vía Hằng-nga bẽ-bàng.
"Bấy nay vâng phép Tạng-vương,
"Dám còn đeo thói Thọ-dương chốn này.
"Vì ơn nên phải đến đây,
"Chẳng thương để tiếng nước mây oan người,
"Hẹp gì một cánh cửa ngoài,
"Chẳng cho vào bạch Như-lai một điều.
"Kiếp này phụ, kiếp sau yêu,
680.- "Lại như ả Bích, quyết liều cho xong.
Sởn gai, lời thốt lạ-lùng,
Nếu thi gan với anh-hùng thì thua.
Ai cười, trời Phật xét cho,
Cho vào mà kể duyên-do mới tường!
Cửa mây vừa hé then sương,
Dưới đèn lóng-lánh mặt gương quảng hàn.
Lan mừng huệ, huệ mừng lan,
Ngọc quan khấp-khởi, từ-nhan ngập-ngừng.
Nỉ-non chàng mới hỏi rằng :
690.- "Bấy lâu mượn gió Các-Đằng truyền hơi.
"Dương-đài đã trộm Chương-đài,
"Căn-nguyên phải gạn một lời làm sao.
"Tên gì, quê, họ, nơi nao ?
"Vì đâu xui khiến cho vào đến đây ?
"Nguồn cơn xin dạy cho hay,
"Nhật tiền quán nước, làng mây thế nào ?"
Nàng nghe lời nói bẽ chiều (?),
Giở sao xiết nỗi, nói sao nên lời.
Gửi rằng: "Phận cánh hoa rơi,
700.- "Bây giờ còn dám giấu người sao nên !"
Nằn-nì mới ngỏ sự duyên,
Dẫu lòng vàng đá, cũng nghìn xót-xa :
"Đàm-Châu, quê thiếp còn xa,
"Họ Trần, tên đặt vốn là Kiều-Liên.
"Bào-thai đã hẹn nhân-duyên,
"Quạt ngà, trâm ngọc kết nguyền họ Phan.
"Rồi ra cách trở quan-san,
"Chẳng may bóng hạc khơi ngàn non Hoa.
"Cô-đơn con trẻ, mẹ già,
710.- "Phấn trôi cuốn má, sương pha bạc đầu.
"Cửa nhà binh lửa đâu đâu,
"Tuyết sương quảy một gánh sầu ra đi.
"Đoạn-trường thay lúc phân-kỳ,
"Mẹ thì bãi bắc, con thì non tây.
"Khóc than cũng thấu cao dày,
"Xui nàng Trương lại giắt tay cửa thiền.
"Oan chi chút phận thuyền-quyên,
"Chữ tình cám cảnh, chữ duyên bẽ-bàng.
"Rừng thiền ơn đã rộng thương,
720.- "Khẩn-cầu vả sẵn đèn hương cửa người.
"Họa chi giun-giủi ơn trời,
"Đền công sinh nặng, giải lời nguyền sâu.
"Thân này mà dở-dang nhau,
"Thì xin tu lấy thân sau để dành.
"Hoa trôi nước chảy lênh-đênh,
"Mặt nào còn giở tâm-tình cùng ai !
"Dù chàng ép trúc nài mai,
"Tìm nơi giếng cạn thấy người hồng nhan.
"Để ai ngọc nát, hoa tàn,
730.- "Giải oan chàng phải lập đàn cho nhau !"
21-- Sau khi tỏ tình đôi bên đưa trâm quạt, đối chiếu nhận nhau (câu 731 - câu 768)

Sinh nghe ngẩn mặt giờ lâu,
Ngẫm rằng: "Con tạo cơ mầu khéo thay !
"Bấy lâu mơ tưởng đêm ngày,
"Ai ngờ Phan đó, Trần đây mà lầm.
"Tri-âm chưa tỏ tri-âm,
"Thì xin bên quạt bên trâm sáng vào !"
Vội vàng mở tráp tay trao,
Nhìn xem nào có chút nào là sai.
Cành trâm thích, quạt chữ bài,
740.- Rành-rành tên họ hai người song-song.
Mừng nhau lần kể sự lòng,
Gian-nan ngày trước, lạnh lùng bấy nay.
Biên lời đó, chép lời đây,
Bứt hoa dẫu vạn, tờ mây dẫu nghìn.
Xe vàng lẩn, áo hồng-xen (?),
Hết phen sầu-não, tới phen vui-mừng.
Rỉ tai chàng mới dặn rằng :
"Ở đây nương-náu hãy đừng hở-hang.
"Công-danh chờ thuở xuân sang,
750.- "Thế nào rồi sẽ phượng hoàng rủ nhau."
Dặn-dò chưa dứt cạn sâu,
Trên am một tiếng chày đâu hãi người.
Vội-vàng sinh trở gót hài,
Ngoài hiên oanh đã nhộn cười cùng oanh.
Non đông lò lửa hé mành,
Tiếng cầm bên ấy, tiếng kinh bên này.
Sự tình một đó một đây,
Dẫu bà nghìn mắt, dẫu thầy tám tai.
Thông thông, trúc trúc, mai mai,
760.- Ngày, người đất bụt; đêm người động tiên.
Đầu gành còn điểm mõ quyên,
Vo-ve đàn dế bỗng chen gió vàng.
Khúc cầm thông mới dạo sương,
Chào oanh, sớm đã vội-vàng tin mai.
Lân-la tháng bụt ngày trời,
Hạ qua, thu tới, đông rồi lại xuân.
Vũ-môn mừng đã đến tuần,
Phượng loan rày gặp phong-vân phải tầm.
22--Phan-sinh đi thi đỗ Thám-hoa (câu 769 - câu 822)

Giục đồng quảy tráp, ôm cầm,
770.- Lên chùa bạch đã, xuống thềm bảo qua.
Nàng rằng: "Chàng học quyết khoa,
"Bõ ngày áo gấm xem hoasẽ về.
"Ở đây nương-náu bồ-đề,
"Chăm-chăm một tấm lòng quì hướng dương.
"Ngùi ngùi dậm liễu, ngàn sương,
"Tiễn đưa hai chữ bình-khương với lòng."
Thoắt thôi ngang dọc tây đông,
Ngựa theo đường cũ ruổi-dong tếch chừng.
Thông reo, vượn hót, chim mừng,
780.- Hương chùa đưa gió, huê rừng phun sương.
Tuần dư vừa tới cửa trường,
Danh tài mây hợp, hiền lương sao bày
Cùng vào vâng mệnh năm mây,
Côn bằng phỉ sức, rồng mây phải thì.
Thám-hoa vào lạy đan-trì,
Cẩm-bào phô cật, hoa chi giắt đầu.
Tiếng thơm lừng-lẫy đâu đâu,
Kẻ siêng ong bướm, người mau cá nhàn.
Ngán thay hỡi bạn hồng-nhan,
790.- Làm chi rác lỗ tai quan khéo là !
Một thư nhắn gửi về nhà,
Một thư đưa đến cửa già báo tin.
Từ ngày chàng ruổi dặm nghìn,
Tấm lòng dựa cánh cửa chiền đăm đăm.
Bên tai thoạt mảng hảo âm,
Hoa mơi (?) điểm tuyết, trăng rằm vén mây.
Cô nghe tin cháu mừng thay,
Đành thay tông-tổ đức dày nhi tôn.
Thám-hoa ngày ở từ môn,
800.- Trai thành nên đức Thế-tôn độ người.
Mới hay bĩ cực thái lai,
Còn trong trần-lụy biết ai vương-hầu.
Chẳng yêu nhau, chớ dể nhau,
Những loài yến-tước biết đâu chí hồng.
Đương mừng náo-nức tưmg bừng,
Đình phô (?) nghe đã ruổi-dong gần miền.
Xe xe, ngựa ngựa lần chen,
Hoa quen mừng rước, chim quen đón chào.
Chênh-vênh ngoài chốn non cao,
810.- Áo hồng, đai bạc, bước vào cửa không.
Chuông kêu lẫn tiếng thiều rung,
Cờ xen bảo-cái, tán lồng tràng-phan.
Hương đèn tạ phật vừa an,
Mới đem trâm, quạt đến bàn cùng sư.
Sư rằng phận đẹp duyên ưa,
"Mừng cho đôi lứa đã vừa đồng cân.
"Song đây là cảnh chân-chân,
"Tăng già chịu việc hôn-nhân trở lời.
"Gần đây đã có một người,
820.- "Đưa nường đến chốn phật-đài ngày xưa.
"Cậy người biện lễ ông Tơ,
"Xin hầu sang đó mà đưa nàng về.
23--Vinh-qui cùng với vu-qui một ngày ! (câu 823 - câu 846)

Mừng hầu phỉ chí nam nhi,
Vinh-qui cùng với vu-qui một ngày.
Bén rồng, ôm phượng ra tay,
Mặc cô kinh-kệ ở đây khấn-cầu.
Tạ từ cùng bước xuống lầu,
Thám-hoa thì trước, mà sau Diệu-Thường.
Áo hồng đã ruổi xe vàng,
830.- Trên lầu còn thoáng mùi hương lạ đời.
Chàng liền thay chuỗi hạt trai,
Đã phô thức phấn, lại gài then mây.
Lên chùa lạy bụt, lạy thầy,
Giã Hương-Công, đội ơn thầy chẳng quê.
Giã non, giã nước, giã chiền,
Giã mai, giã trúc, giã miền cỏ hoa !
Cảnh này trong chốn đường hoa
Vào chơi thết-đãi, bước ra phụng-chiều.
Thoắt thôi xe ngựa dập-dìu,
840.- Sang Kim-lăng, cứ như điều nhà sư.
Tiệc thời mười lạng vàng đưa,
Nước non kể mấy tóc tơ thẹn-thùng !
Thế này của chửa xứng công,
Nặng ơn Phiếu-mẫu, nhẹ lòng Vương-Tôn.
Rạng ngày lại ruổi nước non,
Giải rong cờ bướm, dậm dồn vó câu.
24--Phan, Trần hai họ đoàn-viên một nhà (câu 847 - câu 930)

Vui lòng nhẹ bước nên mau,
Ba trăng đã đến Hòa-châu cảnh nhà.
Thung-huyên đôi khóm già già,
850.- Trên đầu vẻ bạc, ngoài da thức mồi.
Rỡ phô tiệc nhộn đầy vơi,
Dưới hiên lần chuốc thọ bôi đôi tuần
Môn-đình xuân lại thêm xuân,
Thi thư rạng nước, đai cân nối nhà.
Thám-hoa quì lạy thềm hoa,
Niềm xưa, nỗi trước lân-la bày tường:
"Con từ du-học bốn phương,
"Thần-hôn đành lỗi đạo-thường làm con.
"Phúc thừa muôn đội tùng môn,
860.- "Bảng vàng may trộm chữ son tên đề.
"Nhân-duyên vâng lĩnh quạt thề,
"Nhờ tay nguyệt-lão khéo xe lạ-lùng.
"Ngửa trông trời bể bao-dung,
"Thứ cho dưới gối tấm lòng tiểu-nhi."
Rằng: "Từ con cách đình vi,
"Ngán lòng nương cửa mọi bề nhớ trông.
"Nhờ hồng-phúc, đội âm-công,
"Gặp khi kim-bảng, động-phòng cả hai.
"Rồi đem nhau đến thọ-đài,
870.- Lạy bà Trần-thị kẻo người nhớ mong.
"Người từ lỡ bước long-đong,
"Trời xui nghìn dặm để lòng tới đây.
"Nặng bên tình nghĩa xưa nay,
"Rước về phụng-dưỡng đêm ngày thay con.
"Chữ duyên rày đã vuông tròn,
"Đem tin mừng lại kẻo buồn bấy lâu."
Tạ ân nàng lại khấu đầu,
Cùng chàng vâng mệnh sang hầu từ-thân.
Bước vào vừa đến giữa sân,
880.- Song-song cùng đặt bức khăn lạy chào.
Sụt-sùi kể-lể thấp cao,
Nỗi con, nỗi mẹ, tiêu-hao tỏ tường :
"Mừng con và đội ơn chàng,
"Thân già được thấy giàu-sang ai ngờ ?"
Lạy thôi, nàng giở sau xưa:
"May nhờ một sớm móc mưa tưới nhuần.
"Xiết bao giở nỗi gian-truân,
"Một nhà sum-họp Tấn, Tần từ đây.
"Duyên hương-lửa, hội rồng-mây,
890.- Bõ công ly-biệt, bõ ngày tân-toan"
Thoắt thôi từ tạ dưới màn,
Về lầu mở tiệc đoàn-viên chúc mừng.
Chơi-vơi hoa-chúc tưng-bừng,
Véo-von đàn hát, vang lừng phách sênh.
Cung nam, cung bắc, cung huỳnh,
Đọ như tiếng kệ, tiếng kinh chẳng nhường.
Có khi cợt phấn, diễu hương,
Sau dường Bồ-tát, trước dường tiên-nga.
Có khi ướm nguyệt, chào hoa,
900.- Lầu son phảng-phất cửa già gió trăng.
Huệ lan đương rộn tiệc mừng,
Tin hay đã thấy tưng-bừng sứ hoa.
Việc quan hẳn khác việc nhà,
Lạy nghiêm-từ dã, lạy bà từ-thân.
Cùng nàng xe ngựa dời chân,
Nước-non lặn-lội ba tuần tới nơi.
Bệ rồng gang tấc mặt trời,
Tâu lời trung-nghĩa, dâng bài tu-nhương.
Phải duyên ngư-thủy nhất đường,
910.- Ấn son kén mặt, gươm vàng trao tay.
Mệnh trời vâng chiếu năm mây,
Ra tài Khấu, Đặng, thử tay Tiêu, Tào.
Đông-nam chỉ ngọn cờ mao,
Non xanh sấm dậy, sóng đào gió rơi.
Cáo, kình im-lặng tăm-hơi,
Doành ngâm rửa mác, non đoài treo cung.
Khải-ca lừng-lẫy phu công,
Đã ngoài nanh vuốt, lại trong cột-rường.
Giơ hốt ngọc, giắt ấn vàng,
920.- Cõi bờ mở rộng, mối giềng xây nên.
Đồng-hưu rờ-rỡ thẻ khuyên,
Công ghi gác phượng, danh truyền đài lân.
Nhà chung-đỉnh, cửa đai-cân,
Vinh-phong sắc Quận phu-nhân cho nàng.
Móc mưa nhuần gội ân sang,
Nền nhân, cây đức rạng hàng quế-lan.
Trăm năm duyên sánh phượng loan,
Tao-khang hai chữ, Trần, Phan dõi truyền,
Tốt tươi hai khóm thung-huyên,
930.- Thêm mừng nước trị nhà yên đời đời.

ĐOAN KET

Lạ thay cùng đạt cơ trời,
Chớ khoe quyền thế, chớ cười hàn-vi.
May ra ai cũng một thì,
Hơn nhau hai chữ nhân-nghì là hơn.
Người quân-tử, khách hồng-nhan,
Kiền-khôn còn rộng tạo-đoan còn dài.
Nôm-na chép truyện mà chơi,
Xét cơn bĩ, thái, dám lời khen chê.
Thực-thà dám sánh tân kỳ,
940.- Gọi là lảm-nhảm để ghi sau này.
=HET= |

Chú thích:
Sông Ngân thử bắc lấy cầu Ô: Sông Ngân bởi chữ Ngân-hà. Cầu ô, bởi chữ ô-kiều hay thước-kiều. Tục truyền tối mùng 7 tháng 7, chim quạ đi đội cầu qua sông Ngân-hà làm đường cho Ngưu-lang và Chức-nữ hội kiến với nhau; vì phải đội cầu, nên con quạ nào cũng trụi cả lông ngôi. (Phong-tục ký)

nàng ba lọt vào: Ý nói nhờ gió lay mành mành đưa tiếng nói lọt vào trong phòng. Nàng ba chỏ thần gió.

Tạng-vương: tức Địa-tạng-Vương danh-hiệu một vị Bộ-tát ( xem chú-thích trên.Người ta vẵn thường tụng-niệm danh-hiệu này cùng với Quan-Thê-Âm Bồ-Tát...Đại-Thế-Chi Bồ-Tát...v.v...

Thọ-dương: tức Thọ-dương công-chúa con gái Tống-Vũ-đế (bên Tàu) giữa ngày mồng 7 tháng giêng nằm dưới hiên điện Hàm-chương, họa mai rụng xuống trán, thành đóa hoa 5 cánh, gọi Mai-hoa-trang. Chữ Thọ-dương trong câu này chỉ là mượn chữ để chỏ những thói trăng hoa trần-tục.

như ả Bích, quyết liều cho xong: Cổ Bích-ngọc ca : "Bích-ngọc tiểu gia nữ, bất cảm phan quí đức Bích-ngọc gái nhà xoàng, chẳng dám vin chỗ sang. Chỗ này Phan-sinh có ý bảo Diệu-Thường : nếu nàng cứ nhún mình như ả Bích-ngọc thì chàng quyết liều... để đến kiếp sau yêu nhau vậy.

quảng hàn: do chữ Quảng-hàn-cung (cung rộng rãi mà lạnh lẽo) tức là cung trăng. Đây nói mặt gương quảng-hàn nghĩa là nét mặt sáng-sủa lộng-lẫy như mặt trăng.

Ngọc quan: mũ ngọc, ví với người đẹp trai, đây chỉ Phan-sinh.

từ-nhan: mặt nhân-từ lại có nghĩa là nét mặt từ-bi của người tu-hành, đây chỏ Diệu-Thường.

Các-Đằng: bởi chữ Đằng vương-các : một cái các rất cao của Đằng-Vương là con vua Đường, cổ thi có câu " thời lai phong Tống Đằng-Vương-Các " nên người ta hay nói "gió Các-Đằng".

Dương-đài: Tên một ngọn núi ở tĩnh Hồ-bắc bên Tàu. Nơi Sở Trang-vương nằm mơ cùng với thần-nữ gặp gỡ mây mưa ở đấy.

Chương-đài: Đã chú-thích.

bẽ chiều: vẻ mặt buồn-rầu.

quan-san: nơi cửa ải và núi, chỏ về địa-phương hiểm-trở xa cách.

Chẳng may bóng hạc khơi ngàn non Hoa: Câu này bởi câu " nguyệt-minh hoa biểu hạc qui trì ( Trăng soi chốn Hoa-biểu chim hạc về muộn ). Hoa-biểu là hòn đá đánh dấu mả ( mộ chí). Bóng hạc khơi ngàn non Hoa nghĩa là từ-trần.

cuốn: nhăn

phân-kỳ: chia đường mỗi người đi một ngả

cao dày: trỏ trời đất, bởi chữ thiên cao địa hậu trời cao đất dầy.

phượng hoàng: giống chim quí, đứng đầu các loài có cánh, con trống là phượng, con mái là hoàng.

am: đây là chỏ vào am chùa.

lò lửa hé mành: Lúc mặt trời hé tia lửa từ phương đông, nghĩa là buổi sớm mai.

Tiếng cầm bên ấy: Phan-sinh gảy đàn tại thư-phòng, bên ấy.

tiếng kinh bên này: Diệu-Thường tụng kinh tại tĩnh-đường bên này.

Ngày, người đất bụt; đêm người động tiên: Ý nói hai người gặp nhau vẫn giữ kín đáo, ban ngày cùng là người ở chùa, mà đêm đến thì thành ra người ở động tiên, nghĩa là vui vẻ xum-họp như ở cõi tiên vậy.

quyên: tức đỗ-quyên : chim quốc kêu như gõ mõ, nói về cảnh mùa hè.

Vo-ve đàn dế bỗng chen gió vàng: dế là đàn dế ở dưới đất, gió vàng, bởi chữ kim phong, câu này tả cảnh đã sang thu.

Khúc cầm thông: Thông là giống cây ưa chịu sương giá, dù gặp mùa rét vẫn xanh tươi. Câu này tả cảnh mùa đông, thông có lá reo dịp-dàng như cung đàn, nên gọi là khúc cầm thông.

Chào oanh, sớm đã vội-vàng tin mai: Chim oanh hót, hoa mai nở là báo tin xuân, câu này tả cảnh mùa xuân.

Vũ-môn: bởi câu "vũ môn tam cấp lãng" (Ba tầng sóng cửa Vũ) ví người đi thi đỗ như cá vượt ba tầng sóng hóa rồng. Câu này nói đã tới tuần thi-cử bay nhảy.

đồng: là hề đồng đầy tớ theo hầu.

quyết khoa<: Đã chú-thích.

áo gấm xem hoa: do chữ y-cẩm khán-hoa ý nói thi đỗ được ban áo gấm vào vườn thượng-uyển (vườn nhà vua) xem hoa.

bồ-đề: đã chú-thích.

quì hướng dương: là một thứ hoa cứ nghiêng-nghiêng về phía mặt trời, nên có câu "quỳnh tâm hướng nhật hay là hướng dương, nghĩa là lòng quì hướng về phía mặt trời.Câu này ý nói xin như hoa quì, nghiêng lòng hướng theo mặt trời.

Tuần dư: hơn 10 ngày.

Danh tài mây hợp, hiền lương sao bày: ý nói các bậc nhân-tài đông như mây và sao tụ-họp trên trời.

năm mây: do chữ ngũ vân: mây năm sắc, nơi vua ngự.

Côn bằng: Côn: cá côn; Bằng: chim bằng.

đan-trì: sân đỏ, sân nhà vua.

Cẩm-bào: áo gấm.

hoa chi: cành hoa (mũ giắt cành hoa).

rác lỗ tai quan: Đoạn này ý nói thiên-hạ tranh nhau tin-tức mối lái nhưng ngán cho những ả chực lấy chồng quan, chỉ làm rác tai thôi.

cửa già: tăng già.

Thế-tôn: Đức Phật.

bĩ cực thái lai: sự rủi ro hết, sự may-mắn đến.

yến-tước biết đâu chí hồng: loài di sẻ biết thế nào được chí-khí của loài chim hồng chim hộc.

cửa không: bởi chữ không môn. Theo thuyết nhà Phật thì thế-giới nhất thiết cái gì cũng là không cả, nên thế tục cho cửa Phật là cửa không.

bảo-cái, tán lồng tràng-phan: bảo cái: lọng quí; tràng-phan:phướn dài. Hai thứ đều là nghi-trượng củ nhà Phật.

chân-chân: thực-thực, tiếng nhà Phật.Chân-chân đây là trỏ về cõi Phật.

Tăng già: nhà sư ở chùa.

phật-đài: nơi thờ phật.

ông Tơ: tức ông Tơ-hồng, một vị làm chủ xe duyên cho vợ chồng lấy nhau.

hầu: bởi chữ quân hầu: tiếng gọi tôn, đây dùng gọi Phan-sinh.

Vinh-qui cùng với vu-qui: thi đỗ trở về bái-tổ, vu-qui: gái về nhà chồng.

Bén rồng, ôm phượng: bởi chữ phan-long phụ-phượng ý nói phụ tá nhà vua.

Vương-Tôn: tức Hàn-Tín, lúc còn han vi, nhịn đói câu cá dưới thành Hoài-âm, gặp phiếu-mẫu (đàn bà giặt thuê) cho ăn cơm, sau Hàn-Tín làm tướng nhà Hán, có công được phong vương, đem nghìn lạng vàng tạ ơn phiếu-mẫu.

Hòa-châu: tức Hòa-quận, quê Phan-sinh.

Thung-huyên</: Thung hay xuân, một thứ cây 8000 năm một lần nở hoa, 8000 năm một lần có quả, người ta dùng để ví với cha, thủ nghĩa mong cho cha sống lâu. Huyên một thứ cỏ sống lâu, có tính vui quên lo, hay trồng ở phía bắc buồng ngủ, người ta dùng để ví với mẹ.

thọ bôi: Chén rượu chúc thọ.

Môn-đình: môn : cửa; đình : sân. Nói chung về gia-đình

Thần-hôn: sớm thăm tối viếng, chức-vụ thờ cha mẹ của người làm con.

nương cửa: Nương cửa do chữ ỷ-môn : Theo tích đời Chiến-quốc, mẹ Vương-tôn-Giả bảo con :"mày đi buổi sớm mà chậm chưa về, thì ta tựa cửa đứng trông, đi buổi chiều mà chậm chưa thấy về thì ta tựa cửa đứng ngóng, vậy "nương cửa" là chỏ vào người mẹ.

tân-toan: cay chua. Nói về những ngày khổ-sở.

đoàn-viên: sum họp vuông tròn.

cửa già: cửa nhà chùa, cũng như Thiền-môn hay không-môn.

nghiêm-từ dã, lạy bà từ-thân: bố và mẹ; Từ-thân: mẹ hiền. Đây nói vợ chồng Phan-sinh từ-tạ ông bà Phan-công cùng Trần-phu-nhân để đi nhậm-chức.

Bệ rồng gang tấc mặt trời: Câu này dịch câu chữ nho "chỉ xích thiên nhan" : gang tấc mặt trời, ý nói coi vua như ở ngay trước mặt.

tu-nhương: bởi chữ "Nội tu chính sự, ngoại nhương di dịch" nghĩa là trong sửa việc chính trị, ngoài đuổi rợ di-dịch, nói về công việc của bậc trọng-thần giúp nhà vua.

ngư-thủy nhất đường: ý nói vua tôi hợp nhau như cá gặp nước.

Ấn son kén mặt, gươm vàng trao tay: Câu này nói chức kiêm cả văn lẫn võ.

Ra tài Khấu, Đặng, thử tay Tiêu, Tào: Khấu là Khấu-Tuân, Đặng là Đặng-Vũ, công-thần của vua Quang-vũ đời Đông-Hán. Tiêu tức Tiêu-Hà, Tào tức Tào-Tham, công-thần của vua Cao-Tổ đời Tây-Hán bên Tàu.

cờ mao: cờ làm bằng thứ lông trắng, quen gọi cờ tuyết-mao, một thứ cờ của quan võ đi đánh giặc.

Cáo, kình im-lặng tăm-hơi: ý nói giặc-giã đã dẹp yên.

Doành ngâm rửa mác, non đoài treo cung: ý nói công việc chinh chiến đã xong, võ-khí rửa treo lên không dùng đến nữa.

Khải-ca: Tiếng hát của đoàn quân thắng-trận trở về gọi là khải ca hay là khải hoàn ca.

Đã ngoài nanh vuốt, lại trong cột-rường: Nanh vuốt bởi chữ chảo-nha; cột-rường bởi chữ lương-đống, ý nói ngoài thì làm nanh vuốt (quan võ) trong thì làm rường-cột 9quan văn) cho nhà nước

Đồng-hưu: do chữ "giữ quốc đồng-hưu thích": với nước cùng chung vui,lo.

Công ghi gác phượng, danh truyền đài lân: Các-phương, bởi chữ phượng các : gác vẽ hình chim phượng; đài lân bởi chữ kỳ lân đài: đài xây hình kỳ-lân. Hai nơi này đều dùng để ghi khắc tên họ các công-thần cũng như đài kỷ-niệm các tướng-sĩ vậy.

chung-đỉnh: Chung cái chuông; đỉnh cái vạc, hai thứ đồ dùng của những nhà giàu có sang trọng, vạc đựng đồ ăn, chuông gọi người hầu, nên có câu" chung minh đỉnh thực chi gia"

quế-lan: bởi chữ quế-tử lan-tôn, con như cây quế, cháu như khóm lan, quí-hóa đông-đúc.

Tao-khang: Tấm cám, chỏ người vợ lấy từ lúc hàn-vi. Hai chữ này do tích Tống-Hoằng không chịu phụ vợ cả để lấy em gái vua Quang-vũ nhà Hán mà từ chối rằng: Tao-khang chi thê bất khả hạ đường : người vợ tấm cám không thể tình-phụ để xuống dưới.


Kiền-khôn còn rộng tạo-đoan còn dài: Câu này bởi câu quân-tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ : Đạo người quân-tử dựng mối bắt đầu từ việc vợ chồng. Đây nói kiền-khôn là trời đất còn rộng thì cái đạo ấy vẫn còn lâu dài mãi-mãi không thể bỏ mất được.

No comments:

Post a Comment