Monday, January 28, 2019

Không chốn dung thân (2/2)

Không chốn dung thân
Truyện ngắn

(Tiếp theo)

Hắn thất vọng vô cùng khi rời trụ sở công an thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này trên mặt sau của tờ Quyết định đã có thêm ý kiến: 
“Không giải quyết cho đương sự được đăng ký hộ khẩu với vợ con vì thành phố Hồ Chí Minh đang có kế họach giãn dân”.

Cả một tương lại u ám hiện lên trước mắt. Không hộ khẩu đồng nghĩa với một cuộc sống bất hợp pháp và có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nhất là vào thời gian ‘cao điểm’ như Quốc khánh 2/9, sinh nhật Bác Hồ 19/5 và một lô những ngày kỷ niệm như Cách mạng tháng tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ... Đó là thời điểm chính quyền tăng cường kiểm tra hộ khẩu vào ban đêm, truy lùng những phần tử chống đối cách mạng nhằm bảo vệ an ninh cho những ngày lễ lớn.

Hắn thuộc lọai ở ‘lậu’ trong gia đình vợ con vì ngay cả giấy tờ tạm trú cũng không có. Nhiều lúc hắn tự đánh giá mình còn thua xa đám xì ke ma túy, đĩ điếm đang lộng hành trong xóm. Tuy thuộc thành phần bất hảo nhưng họ vẫn có quyền công dân, vẫn có hộ khẩu, vẫn có sổ gạo, chỉ có hắn là ‘không-mảnh-giấy-lận-lưng’. Hắn không phải là công dân, dù chỉ là phó-thường-dân hạng bét trong cái xã hội đổi đời này.

Tuy nhiên, khát vọng ‘được-sống-bình-thường’ lúc nào cũng nung nấu trong lòng. Điều phải làm trước mắt là kiếm được một việc làm để xung quanh không dòm ngó. Cuối cùng, qua giới thiệu của bạn bè, hắm tìm được chân ‘lao động phổ thông’ trong một tổ hợp xây dựng. Đã ‘tốt nghiệp cải tạo’ nên hắn rất thấm nhuần tư tưởng ‘lao động là vinh quang, lang thang là chết đói và... phản động là vô tù’.

‘Lao động phổ thông’ là một danh xưng rất kêu nhưng thực chất chỉ là chân sai vặt. Ngay đến cả anh phụ hồ cũng có quyền sai: lấy cái ki, xúc đống xà bần đi, chuyển đống gạch này ra đằng kia... Mấy hôm đầu đi làm lao động phổ thông hắn bị quần tơi tả, làm bù đầu, toát mồ hôi mà vẫn không hết việc. Cũng may, xếp của toán ‘lao động phổ thông’ trước đây là lính không quân, đi học tập tại chỗ có 3 ngày, nên khi biết hắn là sĩ quan cải tạo ‘mới-ra-trường’ nên ưu ái dành cho ‘trung úy’ một công việc cố định: đập gạch.

Những viên gạch bông lót nền nhà cũ được đào lên và công việc của hắn là dùng búa đập nhỏ để sử dụng thay cho đá dăm khi đổ bê-tông. “Cái khó nó không bó cái khôn’, bằng chứng là người ta sáng tạo gạch vụn thay đá dăm. Giữa tình hình khó khăn, người ta thậm chí còn sáng tạo cách đổ ‘bê-tông cốt tre’ thay cho ‘bê-tông cốt thép’...

Công trường xây dựng hắn làm việc ở ngay góc đường Nguyễn Du-Thủ Khoa Huân, đó là một tòa nhà 8 tầng thuộc Công ty Thép miền Nam. Sau này, mỗi khi đi ngang, ngước nhìn tòa nhà sừng sững hắn vẫn tự hào là người trét mát-tít toàn bộ cửa kính tòa nhà sau khi công trình không còn cần đến gạch để đổ bê-tông! Người lao động phổ thông cũng có những tự hào riêng của họ.

Một bà chị họ thấy em út làm lao động phổ thông vất vả quá nên đề nghị hắn vào chợ Bình Tây trông hàng cho bà. Cuộc đời hắn lại bước sang một ngã rẽ bất ngờ khác. Giờ thì được lên chức ‘anh trông hàng’ sau khi từ gĩa chân sai vặt tại công trình xây dựng.

Chợ Bình Tây được một người Hoa – Quách Đàm – xây dựng vào năm 1928. Quách Đàm xuất thân nghèo khổ, làm nghề mua bán ve chai, sau đó đổi sang các nghề mua bán da trâu, vi cá và bong bóng cá. Khi đã có chút vốn, Quách Đàm bước vào nghề mua bán lúa gạo và trở nên giàu có với hãng buôn Thông Hiệp.

Giữa nhà lồng chợ Bình Tây có vườn hoa phun nước và Quách Đàm cho đặt một bức tượng của mình bằng đồng với kích thước như người thật, xung quanh có 4 con sư tử cũng bằng đồng. Sau 30/4, bức tượng bị ‘hạ bệ’ và thay vào đó là một bàn thờ bằng kính để bạn hàng thắp nhang cầu ‘mua may, bán đắt’.

Chợ Bình Tây là đầu mối xuất hàng từ Chợ Lớn đi các tỉnh miền Tây. Việc mua bán giữa các bạn hàng chủ yếu dựa trên chữ tín, chẳng cần hoá đơn phức tạp, không cần chữ ký rườm rà mà chỉ là cuốn sổ để ghi hàng nhận và giao. Khách hàng ở tận miền Trung hay miền Tây chỉ cần gởi giấy yêu cầu cho một người quen mang tới là hàng hóa giao đến tận nơi. Ngược lại, đối với các chủ sạp, việc quan hệ với nhà phân phối cũng diễn ra dưới hình thức ‘gối đầu’ hoặc ký gởi hàng để hưởng hoa hồng. 

Hàng ngày chợ nhộn nhịp mua bán, hàng được đóng thành những gói nhỏ để dễ tẩu tán khi qua các trạm kiểm soát. Tất cả những lọai hàng không qua tay ngành thương nghiệp đều được coi là hàng lậu. Chính vì thế, hầu như chủ hàng trên đường di chuyển đều được xếp vào lọai ‘con phe’, một từ mới chỉ dân buôn lậu. Công an, thuế vụ, quản lý thị trường có thể kiểm tra túi, thúng, bao, sọt của bất kỳ người nào khả nghi và bất kỳ ở đâu. Ở nhiều nơi, chỉ một đọan đường vài cây số các địa phương có thể đặt gần chục trạm kiểm soát hàng hóa. Sau này, nhà nước phải nhìn nhận hiện tượng ‘ngăn sông, cấm chợ’ là một trong những chính sách sai lầm của chính quyền cách mạng.

Để đối phó với những trạm kiểm soát, dân buôn cũng sáng tạo ra 1001 cách qua mặt. Buôn nhỏ thì mặc quần 2 lớp để đựng gạo đem từ miền Tây về Sài Gòn. Buôn thịt thì đắp thịt heo quanh người, thậm chí còn giả làm đàn bà chửa, để vượt trạm. ‘Mánh’ độc đáo nhất là một con heo sau khi làm thịt được vận chuyển bằng cách giả làm người ngồi hai chân dạng sang hai bên, áo mưa trùm kín và trên đầu đội thêm cái nón để qua trạm kiểm soát... 

Từ ngày lên chợ Bình Tây trông hàng cho bà chị họ, cuộc sống của hắn và gia đình có vẻ khá hơn trước. Bữa cơm trưa tại chợ có phần ‘chất lượng’ hơn, chiều về bà chị còn san sẻ ít thịt để “thím nó và các cháu thêm chút bồi dưỡng”. Tuy nhiên, hắn vẫn cảm thấy có gì không ổn trong tiến trình đổi đời từ một giảng viên rớt xuống anh trông hàng mgoài chợ... Dù cuộc sống ở chợ có phần dễ thở hơn nhưng hắn muốn tự lập, tự thân làm một việc gì đó bằng chính sức lực của mình chứ không thể suốt ngày dơ ‘bộ-mặt-mốc’ đứng trông hàng.

Trong thời gian ngồi chợ Bình Tây, hắn làm quen với một cơ sở làm bếp lò dầu hôi trong Chợ Lớn, vốn là bạn hàng cung cấp sản phẩm cho cửa hàng của bà chị. Ông chủ là người Hoa, vui tính và rất thông cảm với người đi cải tạo về. Sản phẩm của ‘xì thẩu’ là họng lò dầu hôi, hình tròn có khoảng 12 tim nối bình chứa dầu hôi với miệng lò. Ngoài ra còn có những linh kiện như ống lon úp ngược lên miệng lò và một chụp lò có đục lỗ thông hơi giúp ngọn lửa lên thẳng miệng lò. Dầu lửa là một nhu yếu phẩm thuộc nhón chất đốt do nhà nước bán theo tiêu chuẩn nên lò dầu hôi khá phổ biến với các bà nội trợ vì sạch sẽ và tiện lợi hơn lò dùng than hay củi.

Thời thế tạo anh hùng, dù chỉ là ‘anh hùng’ trong việc bỏ mối họng lò dầu hôi. Với chiếc xe đạp mini mượn của một bà cô, hằng ngày hắn rong ruổi đạp xe đến các chợ để bỏ mối họng lò. Hắn lên một lộ trình thật ‘khoa học’ để sao cho các mối hàng được ghé mỗi tuần. Gần như mọi chợ ở Sài Gòn đều có vết chân hắn: mới đầu là các chợ nhỏ như chợ Ông Tạ, chợ Lăng Cha Cả, chợ Phú Nhuận, chợ Thiếc, chợ Hòa Hưng, chợ Gò Vấp, chợ Quang Trung, chợ Xóm Chiếu, chợ Đa Kao, chợ Thái Bình, chợ Bàn Cờ, chợ Thị Nghè rồi lan rộng đến các chợ có tầm vóc hơn như chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Bến Thành.

Hằng ngày, nắng cũng như mưa, hắn rong ruổi trên chiếc xe đạp mini đến khắp các chợ. Trên ghi đông và yên sau xe treo lủng lẳng họng lò, ống bơ, chụp lò để ‘tiếp thị’ các bạn hàng. Những lần tiếp xúc đầu tiên các bà chủ xạp có phần ngạc nhiên khi anh chàng ‘thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ’ đến bắt mối. Giải thích với các bà chủ xạp là ít vốn nên hắn chỉ ‘mua đứt, bán đọan’ chứ không thể ‘gối đầu’, các bà cũng thông cảm, hơn nữa không phải mất công vào tận Chợ Lớn lấy hàng.

Sáng sớm hắn đi xe buýt đến nhà bà cô gần chợ Thái Bình mượn xe đạp rồi đạp thẳng vào Chợ Lớn lấy hàng. Từ đó hắn tỏa đi khắp các chợ theo một lộ trình đã sắp xếp trước. Chiều về bà cô trả xe, đi bộ ra chợ Bến Thành rồi từ đó đón xe buýt Lăng Cha Cả về đến nhà. Cứ thế, cuộc đổi đời diễn ra một cách trầm lặng.

***

Cuối thập niên 70 người Sài Gòn âm thầm vượt biên. Bạn bè chừng một tuần không thấy mặt là người ta nghĩ ngay đến những chuyến vượt biển. Gặp lại người quen với cái đầu trọc lóc ta nghĩ ngay đến chuyện ra khơi nhưng không gặp may mắn nên bị cạo đầu ngồi tù. Cửa nhà bỗng nhiên khóa im ỉm sẽ được suy diễn là cả gia đình đã ra ra đi.

Cơn sốt bỏ nước ra đi diễn ra ngày càng tăng nhiệt kéo theo phong trào học tiếng Anh lén lút. Gia đình khá giả thì mời thầy đến tận nhà kèm riêng hoặc một nhóm góp chung tiền mời thầy đến để luyện tiếng Anh. Cái nghề giảng viên Anh ngữ của hắn tưởng chừng như đã hết đất dung thân nay bỗng nhiên sống lại. Thế là một cuộc ‘đổi đời’ lại bắt đầu: đang từ anh bỏ mối lò dầu hôi nhảy lên làm thầy.

Năm 1971, hắn được đào tạo giảng viên Anh ngữ tận bên Hoa Kỳ, sau đó lại được Trường Sinh ngữ Quân đội gửi đi tu nghiệp một lần nữa năm 1974. Với trình độ tiếng Anh và kinh nghiệm giảng dậy, anh bán lò trở thành một người thầy đáng tin cậy của những người ôm mộng vượt biên.

Tài liệu giảng dạy vào thời điểm đó chỉ dựa vào các bộ sách English for Today, English 900 và American Streamline. Cái khó là thầy phải sáng tạo một số giáo trình đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học: làm sao giao tiếp được với người bản xứ, nghĩa là chú trọng đến phần đàm thoại, không câu nệ văn phạm, văn viết hoặc đọc.

Hắn đã từng mất rất nhiều học trò, ra đi vội vã không kịp từ giã thầy. Chẳng biết họ có đến được đảo hay bỏ mình giữa biển khơi. Người Sài Gòn thường nói “nếu con đi thoát thì con nuôi má nhưng nếu con chết thì... con nuôi cá”.

Học trò ra đi nhiều, chỉ mỗi ông thầy là ở lại vì... thiếu ‘cây’ để lên tầu. Người Sài Gòn khi đó có thói quen gọi 1 lượng vàng là ‘cây’. Hắn lo phải chạy ăn từng bữa cũng đã thấy bở hơi tai thì ‘cây’ đâu để tính chuyện vượt biên? Nhưng có lẽ ‘thánh nhân đãi kẻ khù khờ’ nên có một gia đình học trò người Hoa khá giả, đăng ký cho hắn một xuất ‘vượt-biên-bán-chính-thức’. Điều kiện khá dễ dãi: ‘đi trước, trả sau’! Có lẽ họ cũng tin tưởng vào trình độ Anh văn của thầy giáo sẽ hỗ trợ gia đình họ trong những bước đầu...

Sài Gòn rầm rì bàn tán về chính sách ‘vượt-biên-bán-chính-thức’ của nhà nước dành cho các ‘xì thẩu’ Hoa kiều. Đơn giản vì họ là những người giàu nhất nước, tha hồ mà thu hàng đống ‘cây’ vàng. Người ta còn đồn họ vượt biên bán chính thức bằng cả tàu sắt nhưng lại cũng có tin nhiều chuyến đi đã bị lừa.

Sau một đêm suy nghĩ, đắn đo, hắn quyết định phải chụp lấy cơ hội để thoát. Không đất dung thân cho hắn ở nơi này. Không hộ khẩu, không việc làm ổn định, không tương lai nếu cứ tiếp tục cuộc sống bên lề xã hội. Ra đi cũng đồng nghĩa là đương đầu với những bất trắc nhưng ít ra cũng còn một chút ánh sáng nơi cuối đường hầm với hy vọng cứu được vợ con. Ở lại là tiếp tục mò mẫm trong một đường hầm tăm tối, hoàn toàn không có lối ra.

Chiếc tàu chở hắn vượt biên ‘bán chính thức’ đón khách ngay tại chân cầu Cát Lái thuộc địa phận Thủ Đức. Người ta lên tàu vào buổi chiều, có cả một số thân nhân đưa tiễn. Tàu bằng gỗ, chỉ dài hơn 10m, khoang bên dưới đàn ông ngồi bó gối, xếp lớp như cá mòi, phía trên là trẻ em và phụ nữ. Dù mang tiếng là đi ‘bán chính thức’ nhưng mọi người vẫn căng thẳng trước những bất trắc của cuộc hành trình hứa hẹn nhiều sóng gió.

***

Sóng gió đâu chưa thấy mà chỉ nghe tiếng súng AK đồng loạt nổi lên cả ở hai bên bờ. Lực lượng vũ trang quận Thủ Đức lên tàu, ra lệnh cho tài công lái tàu về... bến Bạch Đằng. Tại đây có hai chiếc Molotova chờ sẵn để đưa những người vượt biên về thẳng... khám lớn Chí Hòa. Thủ tục nhập trại giam tiến hành một cách nhanh chóng: phụ nữ và trẻ em được thả ngay còn đàn ông sau khi khai báo họ, tên, địa chỉ được đưa vào 2 phòng giam thuộc khu AH trong lò ‘bát quái’ Chí Hòa.

Không ảnh khám Chí Hòa
 
Có nhà văn đã từng viết: đối với người tù Sài Gòn, khám Chí Hòa được ví như trường đại học Harvard của Mỹ, Eton của Anh và Sorbonne của Pháp. Có lẽ ông nhà văn muốn ám chỉ ‘bất đáo Chí Hòa phi hảo hán’?

Nếu ở Mỹ có Ngũ Giác Đài, còn gọi là Lầu Năm Góc, thì ở Việt Nam có Chí Hòa là một công trình xây dựng hình bát giác khép kín với một tầng trệt và 3 tầng lầu. Mỗi cạnh của hình bát giác là một ô, được đánh số từ A đến H. Toàn bộ nhà tù được chia thành 6 khu, trong đó khu ED là tù chính trị, AH dành cho tù vượt biên và các khu còn lại dành cho tù hình sự, trong khu FG còn có cả các phòng tù nữ.

Trên một khu đất rộng khoảng 7 hécta, hơn 200 phòng giam đều hướng về tâm hình bát giác, nơi có một tháp nước với lỗ châu mai hướng về các phòng giam với 4 loa phóng thanh và trên đỉnh là một cột cờ. Tháp mước mang hình tượng một thanh gươm lớn yểm âm dương, càn khôn, vũ trụ. Thanh gươm cắm mũi xuống đất nhắc nhở một khi đã lọt vào vòng bát quái rất khó tìm được lối ra.


Thanh gươm "yểm" lò bát quái

Chí Hòa là vùng đất ‘linh thiêng’ vẫn thường xảy ra sấm sét mỗi khi giông bão. Có đến ngàn lẻ một huyền thoại về khám Chí Hòa, điển hình như ‘con-ma-vú-dài’ thỉnh thỏang vẫn chọc phá tù nhân. Tại đây còn lưu lại máy chém có từ thời Pháp thuộc được chuyển từ khám Catinat sang và do Đội Phước phụ trách. Người cuối cùng chết dưới máy chém này là Ba Cụt, tức Lê Quang Vinh, tướng Hòa Hảo, dưới thời Ngô Đình Diệm.

Có những đêm khuya thanh vắng hắn giật mình tỉnh giấc vì tiếng hét lanh lảnh của phạm nhân: “Báo cáo cán bộ, phòng... có người cần cấp cứu!”. Hai chữ ‘cấp cứu’ dội lại trong lò bát quái nghe như tiếng gọi của tử thần từ một nơi xa xăm nào đó.

Có những đêm giã từ Chí Hòa của những phạm nhân vừa ra tòa nhận án để lên đường đến các trại cải tạo lao động. Họ tổ chức đêm ‘nhạc sống’ từ phòng giam. Họ hát từ nhạc vàng đến vọng cổ, từ blue đến rock để các bạn tù ở phòng khác cùng thưởng thức. Họ bất cần vì đã nhận án và sẽ sớm gĩa từ Chí Hòa. Xen lẫn với giọng nam có cả những giọng nữ cũng tham gia văn nghệ ‘live show’ bỏ túi...

Cuộc sống tại Chí Hòa khác hẳn với sinh hoạt ở trại cải tạo. Ở Chí Hòa chỉ quanh quẩn với 3 bức tường và 1 hàng chấn song sắt. Ngày hai bữa cơm, tuần được phép xuống sân tắm rửa, giặt giũ một lần trong vòng 20 phút. Ở trại cải tạo, dù cũng mang tiếng là ở tù, nhưng không gian rộng rãi hơn để sinh họat. Quan trọng hơn cả, Chí Hòa gom đủ thành phần xã hội phức tạp trong khi cải tạo chỉ chung một thành phần sĩ quan ‘ngụy’.

Tiếng là khu tù vượt biên nhưng trong phòng cũng xen lẫn một số tù hình sự chưa kết án. Đám thiểu số này lại nổi bật giữa đám tù vượt biên, nắm trọn quyền ‘sinh sát’, chúng giữ từ chức Trưởng phòng, Phó phòng đến Trật tự viên, Thư ký, Tổ trưởng. Trong phòng luôn xảy ra chuyện ‘đi-chợ-đêm’, nhất là sau những ngày thăm nuôi. Thủ phạm thường là những tay hình sự, không thăm nuôi. Bọn chúng ra tay vào ban đêm khi những người tù ngủ say, chúng lục giỏ cói để tìm thức ăn khô và thường thanh toán ‘chiến lợi phẩn’ ngay tại chỗ để phi tang.

Người nằm bên cạnh ‘khổ chủ’ dù có thấy nhưng vẫn phải làm ngơ vì sợ trả thù. Hình thức trả thù kinh sợ nhất là màn ‘hỏa tốc’: đốt bao nylon cho chảy thành nhựa rồi quăng vào nạn nhân. Nhựa nylon nóng hổi bám chắc vào da thịt với âm thanh xèo xèo nghe rợn tóc gáy. Nhựa nylon cũng còn được tận dụng trong việc chế tác những vật dụng giải trí như đổ quân cờ domino và cờ tướng. Trong phòng hắn có một cao thủ, cựu đại úy không quân ‘ngụy’, chuyên đánh ‘cờ mù’, nằm vắt tay lên trán trong khi những tù khác quây quần quanh bàn cờ, ‘bề-hội-đồng’ mà vẫn không sao thắng nổi kẻ nằm thảnh thơi không nhìn bàn cờ!

Ghẻ là căn bệnh phổ biến nhất ở Chí Hòa. Thoạt đầu chỉ xuất hiện một cách nhẹ nhàng, thấy ngứa giữa những kẽ tay, sau đó hình thành những mụn nước rồi mụn mủ sưng tấy và ngứa ngáy khắp thân thể, nhất là vào ban đêm. Cái ghẻ lây từ người này sang người khác trong điều kiện tắm giặt hạn chế và vệ sinh thiếu thốn nên trong phòng lúc nào cũng có mùi tanh tanh khó chịu. Tuy nhiên, gãi ghẻ cũng có cái thú-đau-thương của nó.

Khởi đầu là ‘bản đàn’ du dương, rần rần vì... ‘gãi-đúng-chỗ-ngứa’. Khi cơn sướng đạt đỉnh điểm, ngón đàn mang lại sự đau đớn, tê rát lúc mụn ghẻ tóe máu. Sự nhức nhối biến thành một cực hình, nhất là vào ban đêm. Đó là thời gian lý tưởng nhất để những con cái ghẻ đục khoét dưới da và mò sâu vào thịt.        

Hắn và những người ‘đồng hội đồng thuyền’ sống chung với ghẻ đúng 9 tháng, tương đương với 3 lệnh tạm giam, mà không hề trải qua một cuộc ‘chấp pháp’ tức thẩm vấn điều tra. Tất cả đều khai trong lần làm thủ tục vào Chí Hòa là họ ra đi ‘bán-chính-thức’ sau khi đã đóng ‘nghĩa vụ’ với nhà nước.

Ngày ra khỏi lò bát quái, những người đi cùng chuyến tàu được tập họp điểm danh rồi được dẫn ra đến cửa khám, hoàn toàn không một mảnh giấy lận lưng. Hắn lại tiếp tục sống bên lề xã hội. Không chốn dung thân!
 
(Trích Hồi Ức Một Đời Người)

***
6 Comments on Multiply

nguoigiaonline wrote on May 5, '11
Rất hay, rất thật... Chờ anh viết tiếp, chúc khỏe nghen :-))

andropause wrote on May 6, '11
Viết hay hơn “Saigon Stories” rồi!

caibang9 wrote on May 6, '11
nguyenngocchinh said “Người cuối cùng chết dưới máy chém này là Ba Cụt, tức Nguyễn Văn Vinh, tướng Cao Đài, dưới thời Ngô Đình Diệm.”
Xin GS NNC chỉnh lại tên của Tướng Ba Cụt là Lê Quang Vinh cho chuẩn. Xin đa tạ,
Quý bạn nào muốn biết thêm về Tướng Ba Cụt-Lê Quang Vinh xin vào

nguyenngocchinh wrote on May 6, '11
caibang9 said “Xin GS NNC chỉnh lại tên của Tướng Ba Cụt là Lê Quang Vinh cho chuẩn. Xin đa tạ,”
Xin cám ơn anh LHQ về tên của tướng Ba Cụt. Tôi đã chỉnh sửa.

caibang9 wrote on May 6, '11
nguyenngocchinh said “Xin cám ơn anh LHQ về tên của tướng Ba Cụt. Tôi đã chỉnh sửa.”
:>))))

thahuong82 wrote on Sep 26, '11

Rất hay, rất trung thực vì tôi cũng trải qua hòan cảnh tương tự như anh và phải 3 chìm,7 nổi 6 cái linh đinh mới tới được bến tự do…

No comments:

Post a Comment