Cựu Bộ đội Hồi chánh định cư Diện H.O.
Wednesday, April 17, 2019
Cựu Bộ đội Hồi chánh định cư Diện H.O.
Năng Khiếu
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cộng sản thôn tính toàn cõi Việt Nam. Giở trò dối gạt dân, quân miền Nam. Tháng 5/1975
họ kêu gọi các sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa ra trình
diện, để đi tù với cái tên “Học tập cải tạo”.
Cấp úy thì đem đồ dùng cho mười ngày, cấp tá trở lên thì một tháng. Nhưng
thực tế ít nhất cũng vài ba năm, trung bình 6-7 năm hoặc từ 15… 20 năm. Có người đi mút mùa, chết không có ngày về. Còn miền Bắc thì sao? Có bị lừa không?
Sau đây tôi xin ghi lại theo lời kể
của một sĩ quan cộng sản chiêu
hồi năm
1970.
*
Cuối năm 1977 tôi được chuyển từ trại tù “cải tạo” Thành Ông Năm về Gia Ray Long Khánh. Một hôm bố tôi đi thăm
và cho biết, tôi có một người anh rể con bà bác là cựu trung úy bộ đội đã hồi chánh, tên là Lê Văn Bá đang bị “học tập” với tôi tại khu B trại Gia Rây này, anh ở tổ nuôi heo.
Trại nuôi heo nằm bên
ngoài trại tù
ở, nên phải đợi đến lúc
đi lao động tôi
mới hỏi
thăm và gặp được anh. Dáng người anh gầy gầy, vẻ mặt khắc khổ nhưng hiền lành chứ không
“mã tấu răng hô”
nên vừa gặp, tôi
đã có thiện cảm với anh ngay. Tuy vậy, dẫu là anh em đôi con cô con cậu, nhưng khi tiếp xúc với anh vẫn như còn
bức tường
vô hình chắn ngang, nên tôi luôn thận trọng. Vì tôi có nghe một số các thành viên Việt cộng, được hưởng quy chế chiêu hồi, sau đó
cộng tác với ngành
an ninh quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Nên sau ngày 30/4/1975 đều bị chế độ mới trừng phạt, có người bị xử tử, một số bị bắt đưa vào các trại tù
“cải tạo”,
trong số ít những người chiêu hồi này,
một thời
gian sau biến chất trở thành
những điềm
chỉ viên cho bọn quản giáo. Nhưng cũng có người chiêu hồi thật tâm
dù ở hoàn cảnh nào
sống cũng
rất tử tế.
Rồi từ đó thỉnh thoảng tôi mới gặp anh, chỉ đôi ba câu hỏi thăm sức khỏe, anh ghé vào tai tôi nói
nhỏ:
- Chú
biết không?
Cái đám cai tù ở đây
chúng nó chia làm hai phe, Nam, Bắc ganh tị nhau khiếp lắm, chửi bới
nhau hoài vì
giành ăn. Anh được phe trong Nam thương hại, cũng bị vạ lây nên bị kỷ luật, may mà không bị đem ra Bắc nhốt. Vì có thằng quản giáo nó biết anh là chiêu hồi mà ở ngoài
Bắc có
học chín
tháng sơ cấp về thú
y, nên nó đề nghị cho anh làm tổ trưởng nuôi
heo. Anh phụ trách
chăm khoảng bốn năm chục con heo nái, cả hàng trăm con heo thịt, cực lắm. Nuôi bằng thực phẩm lấy ở Thủ Đức về.
Sau sáu năm lao động cật lực, tôi tốt nghiệp “Học tập cải tạo”
thì ra trường.
Anh cũng được thả sau tôi một năm, về quê vợ ở xứ Bạch Lâm Gia Kiệm, tại đó anh đã trải qua một cuộc sống khó khăn, như nhiều người lúc bấy giờ, còn tôi ở Hốc Môn nên ít có dịp gặp nhau.
Mãi đến đầu thập niên 1990, anh về Saigon nộp giấy tờ đi xuất cảnh
diện HO. Tiện dịp anh hay ghé
vào nhà thăm tôi. Anh rất lo trường hợp cựu tù nhân chiêu hồi như anh, sợ lúc phỏng vấn phái
đoàn Mỹ sẽ đánh
rớt, nên tuy bổn đạo mới nhưng anh rất sốt sắng cầu nguyện, xin ơn Chúa quan phòng.
Cuối cùng Chúa đã nhận lời.
Gia đình
anh được định cư tại Mỹ tháng tư năm 1994
theo diện HO 23. Nhờ có người bà con bên vợ bảo trợ về Riverside, một thành phố cổ nằm cạnh bờ sông Santa Ana, là cái nôi của kỹ nghệ trồng
cam ở California. Gia đình
anh cũng được hưởng mọi đặc ân của chính
phủ Hoa Kỳ, đầy đủ như các gia đình cựu tù nhân Việt Nam Cộng Hòa. Được Hội USCC giúp đỡ một ít
hiện kim, và
thiện nguyện viên
chở đi làm
giấy tờ, từ đó
họ gọi anh là
Ba Le, đổi mới từ tên
tuổi đến con người, mà trước kia anh đã từng một thời phải
đội nón cối, đi dép râu. Anh xin được việc làm trong hãng điện tử, chị thì làm trong hãng may.
Sáu đứa con anh vừa đi học vừa đi làm, chúng như những chồi non đang vươn lên, khi có cơ hội tốt là mau chóng thành công.
Tuy gia đình đông con, nhưng anh đã giáo
dục con cái bằng đời sống gương mẫu, siêng năng đạo đức, ôn hòa và chính trực. Anh được nhiều người yêu mến tin tưởng, bầu làm chủ tịch trong một cộng đoàn giáo xứ người Việt Nam.
Bây giờ anh chị lớn tuổi, đã qua những ngày cơ cực. Các con được học hành đến nơi đến chốn, có cơ ngơi riêng biệt
“Nhìn
lên thì không bằng ai, nhìn
xuống thì
không ai bằng mình”.
Anh mãn nguyện nói như vậy.
Sau hơn hai mươi năm sống tại Mỹ, nhìn về quê nhà anh không khỏi chạnh lòng, nên hay bày tỏ nỗi bất mãn cộng sản. Những bài viết trên online anh thường phê phán nhà
cầm quyền cộng sản
phi nhân. Để đạt được mục đích cuồng vọng xâm lăng, cố chiếm cho được miền Nam bằng thân xác hàng
triệu sinh linh. Rồi
anh sưu tầm những tin tức mà hiện nay cộng sản Việt Nam giấu
diếm. Vạch trần âm mưu bán nước, hại dân của những quan chức tham ô, để gửi thư email đến cho nhiều người.
Anh Ba Lê cũng không quên nhắc đến chương trình chiêu hồi của chính phủ VNCH (được Mỹ yểm trợ) để khuyến khích bộ đội Bắc Việt và các thành phần “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”, quay về với chính phủ VNCH.
Được thành
lập vào ngày 17 tháng 4 năm 1963, tính cho đến tháng Tư năm 1975 đã giúp cho gần 200,000 cán binh Việt cộng ra hồi chánh.
Cũng như anh may mắn nhờ chiêu
hồi, đã tìm được con đường quay về với chính nghĩa quốc gia, làm lại cuộc đời.
Anh Ba Lê so sánh sự khác biệt giữa chính sách nhân đạo của thế giới tự do, với chiêu bài cộng sản “Thà
giết lầm còn hơn bỏ sót”,
nên khi chiếm được miền Nam, cộng sản đã ra tay trả thù tàn ác với những người sĩ quan quân lực VNCH, dù đã buông súng đầu hàng vô điều kiện. Trong khi anh, một người sĩ quan bộ đội
cộng sản đã từng theo lệnh Bắc Bộ Phủ Hà Nội, vi phạm Hiệp Định Genève, xâm lấn miền Nam, quấy phá sự thanh bình của một miền đất tự do no ấm. Anh đã từng là một “khủng bố lén lút” theo lịnh đảng giết hại đồng bào, đã tiếp tay làm chết biết bao quân nhân Mỹ và đồng minh. Vậy mà giờ đây chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ vẫn mở rộng vòng tay đón
nhận anh và gia đình.
“Khách
đến nhà
không trà thì rượu” vì thế trà vào lời ra, anh hay kể cho chúng tôi nghe trong niềm xúc động nhạt nhòa, về một giai đoạn cùng khổ, do tà thuyết và chủ nghĩa cộng sản du nhập vào tàn phá đất nước, mà tất cả người Việt từ Bắc chí Nam phải gánh chịu.
Thấy anh Ba Lê đang thao thao kể chuyện, bà xã tôi mạn phép xen vào:
- Thế cấp bậc cuối
cùng của anh là trung úy, vậy lúc ở ngoài
Bắc anh được đào
tạo từ trường sĩ quan nào?
Anh thật thà:
- Đâu có đào tạo hay huấn
luyện trường lớp mẹ gì!.!.
Chỉ đi lính
lâu năm thì lên lon thôi!
Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên, thì anh
tiếp:
- Hồi tôi đang “Cải tạo” ở trại Gia Rây, có biết một tên trung úy Việt cộng, lúc ấy đang làm quản giáo. Hắn ta người miền Nam đi theo cách mạng từ năm 12-13 tuổi, hắn không biết một chữ nhất, chỉ biết ký tên mình là Nam thôi!
Theo như lời anh kể phần nhiều các chính ủy, cán bộ …Thường ít học, chỉ “sống lâu lên lão làng”. Sĩ
quan, binh lính… không được huấn luyện kỹ lưỡng ở các quân trường như quân đội VNCH, chỉ được dạy sơ xài cách sử dụng vũ khí. Thủ trưởng cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội có khi vừa đi vừa huấn luyện, ngay trên đường mòn HCM để vào miền Nam “đánh nhau” theo chiến thuật biển người, đó là lối nướng quân tàn bạo nhất.
Nghe anh Ba Lê nói, tôi không khỏi buồn, vì bao nhiêu
năm chúng tôi uổng phí thời gian, tiêu hao tuổi đời, để phải “học tập” từ
những con người thất học như tên Nam.
*
Anh Ba Lê quê ở Nghệ An Hà Tĩnh. Năm
1960 chưa học hết lớp 10 anh phải nghỉ học ở nhà phụ làm ruộng, như mọi người trong làng. Cha mẹ không có tiền cho con đi học tiếp, dù rất thương con. Anh là thứ năm trong số tám anh em.
Đầu năm 1962 anh được “trúng
tuyển nghĩa
vụ quân sự” (đó là xảo ngôn để lùa đám
thanh niên miền Bắc xâm lăng miền Nam) thật ra anh cũng chẳng muốn nhận cái vinh hạnh “trúng tuyển” ấy. Nhưng chỉ sợ sổ gạo bị cúp cả nhà
đói meo! Rồi anh được bổ xung vào đại đội 3 tiểu đoàn
1 làm công tác vận chuyển súng
đạn đến
biên giới Lào.
Cuối năm 1964 đại đội anh được học “khẩn trương” ở Cửa Lò ba tháng để đi B (là mật khẩu của mặt trận miền Nam). Trước khi đi mỗi người lãnh hai bộ quần áo kaki, màu cứt ngựa rộng thùng thình,
hai bộ bà ba đen, một cái mũ phớt, họ bảo cho hợp với lực lượng “Mặt Trận Giải
Phóng” trong Nam.
Xe khởi hành từ thành phố Vinh lúc một hai giờ đêm bí mật như đi ăn trộm, không đi đường chính mà đi đường vành đai. Chạy suốt đêm qua Thanh Hóa vào tới Quảng Bình, khi đến chân đèo
“ngàn lẻ một” gần làng Tha Hoa, huyện Gio Linh, từ đó đơn vị anh bắt đầu lội bộ lần
theo đường mòn HCM đầy gian khổ, trèo non lội suối bất kể ngày đêm, mỗi người trên lưng đeo 30 ký lô súng đạn, mà chỉ có ba ống gạo, một ký muối và mươi viên thuốc trị sốt rét. Cái dây thắt lưng quanh bụng, móc đầy những đồ chiến lược:
Vải ny-lông che mưa,
băng bông phòng bị thương, một con dao găm cùn nội hóa, một đôi dép lốp, một cây rút quai
dép ….
Hồi ở Hà Nội nghe cái
tên Trường Sơn thật hùng
vĩ, họ cho bọn anh xem ảnh ai cũng say mê cảnh đẹp thiên nhiên. Nhưng thực tế ở đây cây cối xanh bạt ngàn,
mà chẳng bới đâu
ra cọng rau lúc
đói. Núi đồi trùng
điệp nhưng
nấm thì rất độc, nhiều
người ăn xong lăn đùng
ra chết. Những dòng
suối chảy
êm ả, mà nước không
đun sôi, uống vào
bụng trương
lên như trống làng. Mưa thì dai dẳng đen trời, thối đất. Đêm đêm nhìn cảnh màn trời chiếu đất, những cái võng vải treo tòng
teng, im lìm trong cái tăng (tent) mỏng manh che chắn gió bão. Sáng hôm sau có người bạn nằm cạnh anh, ngủ luôn không dậy, vì
sốt rét cả tuần mà
tìm không có trạm nào
còn viên thuốc ký
ninh. Những con đường chập chùng không tên, cũng như bao con người có tên tuổi, nhưng nằm xuống thành nấm mồ vô
danh.
Trong chốn rừng sâu núi thẳm này cái chết đến dễ dàng, chết vì đói vì
rét, hoặc chỉ một mũi tên tẩm độc của biệt kích thượng. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, có khi nấu xong bữa cơm, che không kỹ để khói bay lên, máy bay đến giáng cho một trận mưa bom, chết vô số kể. Bọn anh hào hứng lúc đi, nhưng chỉ mới qua được hai ba trạm đã thấy nản, thằng nào thằng nấy bất mãn đầy bụng cái đám lãnh đạo Hà Nội vô trách nhiệm.
Đi bộ liên tục dọc theo phía Tây Trường Sơn, hơn một tháng thì đến Tây thừa Thiên, giáp đất Lào, gặp ngôi làng người dân tộc, thì dừng chân. Đơn vị anh được lệnh bổ xung vào mặt trận Tây Đô (đó là ám hiệu). Bọn anh được sát nhập vào đại đội 17 bộ đội chánh quy đã có sẵn từ lâu, thuộc phân khu Thừa Thiên Huế. Lớ ngớ như Mán trong rừng, cả đám chẳng được biết sự gì ngoài biệt danh là G2, họ nói để lỡ bị bắt thì quân đội miền Nam không truy tìm ra địa điểm.
Rồi từ đó
được liên lạc về nhà,
mỗi lá thư bọn anh phải bỏ hai phong bì, phong bì bên ngoài để địa chỉ khống hòm thư ở Hà Nội, dành cho bọn đi B. Phong bì
bên trong để địa chỉ quê
nhà mình, địa chỉ người gửi là
G2, lúc bóc ra người ta sẽ kiểm tra rồi dán tem gửi về cho gia đình.
Mà mình không được nói
linh tinh lộ ra điều gì,
là người ta vứt đi ngay không
đến tay
người nhận đâu!
Người nhà trả lời thư cũng vậy.
Thế nên ở Ngoài Bắc cha mẹ đâu có biết, con em mình đi B đói khát khổ sở như thế nào?
Những người lãnh đạo ngoài Hà nội đã lợi dụng lòng cả tin của mọi người, để biến họ thành công cụ, thỏa mãn cái giấc mơ của HCM, con đường mòn lót bằng xương, bằng máu của những người vượt Trường Sơn,
mà Trung ương đảng lại đem con bỏ chợ, chỉ cung cấp vũ khí và ít lương thực cầm hơi. Đi đến đâu thì phải tự lực cánh sinh, tự túc kiếm sống, không chừa biện pháp cưỡng bức dân chúng cung cấp lương thực, như một đoàn quân “thảo khấu”.
Vì thế những ngày đóng
trên rừng giáp Lào, bọn anh nhờ được người dân tộc, chỉ cho cách đốt rừng, phát rẫy, trồng ngô, trồng sắn mới có cái ăn, để đủ sức canh gác con đường mòn mang tên “bác”. Lúc đó đơn vị anh được lệnh ém quân, không được bắn súng lớn, hay liên thanh, chỉ bắn loại cạc-bin, để cho đối phương không phát hiện ra.
Đầu năm 1966 (1996?), đơn vị anh được lệnh xuất đầu lộ diện. Mặt trận
lúc ấy bọn anh phụ trách nó mỏng lắm, ngay chỗ eo nhỏ nhất
của nước Việt Nam, bề ngang chỉ độ 40 cây số. Đi từ rừng mất mấy tiếng
là tuột xuống biển. Anh còn nhớ đi qua những ngôi làng, có từng dãy nhà ba gian hai chái, vườn rau ao cá, dân cư sống sung túc, thoải mái, anh rất ngạc nhiên, không thấy Mỹ ngụy kìm kẹp chỗ nào? Như lời tuyên truyền.
Ban ngày thì bọn anh trốn trên rừng, khi bóng đêm bao phủ vạn vật, thì mò xuống mục tiêu để đắp mô cản đường, giật xập cầu, đặt
mìn trên lộ, làm nổ banh nhiều chuyến xe đò, có cả đàn bà và trẻ con, gây bao đau
thương tang tóc, như những hung thần trong bóng tối.
Bọn anh cứ đi theo anh
chính trị viên, anh ta đi chậm thì theo chậm, đi nhanh thì chạy nhanh, không được hỏi con đường mình đang đi
tên gì. Chỉ làm theo mệnh lệnh, có đêm đi tấn công, pháo
kích các đồn biên phòng. Nay bót này, mai đồn khác, để đánh lạc hướng, không đủ sức đối mặt thì như kẻ cắn trộm, đánh nhanh rút lẹ. Có những đêm bị đối phương phản công vừa chết vừa bị thương, không kịp chạy về rừng, mệt mỏi và đói khát, bọn anh đánh liều gõ cửa nhà dân xin trú ngụ, nhưng họ không hề có chút cảm tình gì với các anh bộ đội “cụ Hồ”, vừa mở cửa thấy mình thì sợ hãi, rồi khẩn khoản:
- Lạy các
ông đi ngay cho, các ông đi đến đâu, là cả khu đó tan nát tơi bời! Rồi vội vàng đóng xập cửa lại.
Xem ra dưới con mắt của người dân, họ không mấy thiện cảm với cái hình ảnh, các anh hùng mang “sứ mệnh đi giải phóng”, mà Hà Nội đã tô vẽ cho bọn anh trước khi lên đường. Anh tự hỏi có phải đây là những đồng bào đang chờ mình vào giải phóng, hay ngược lại khi so sánh cuộc sống thiếu thốn của dân chúng miền Bắc, vốn đã đói rách lầm than, mà cha mẹ, anh em của mình và hàng trăm hàng nghìn người dân phải thắt lưng buộc bụng, để đóng góp tiếp tế cho một cuộc chiến tranh xâm lăng.
*
Một cú sốc, khiến anh Ba Lê
tìm đường hồi chánh.
Tết Mậu Thân năm 1968. Cộng sản đã lợi dụng lệnh ngưng bắn trong
Hội Nghị Liên Hiệp: Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Hà Nội với “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” . Giữa giây phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm, đã tấn công bất ngờ những nơi đồn trú xung yếu và quan trọng của Quân Lực VNCH. Bất hạnh cho người dân miền Nam trong ngày tết truyền thống, chưa kịp đoàn viên gia đình, thì tiếng súng cộng quân đã rền vang thay cho tiếng pháo giao thừa.
Trong cuộc tổng tấn công này, việt cộng đã bị đẩy lui. Các địa điểm như Saigon-Chợ Lớn cầm cự được tám chín ngày, còn các nơi khác chỉ một hai ngày hay vài
tiếng đồng hồ. Nhưng đặc
biệt ở Huế, Việt cộng đã chiếm hữu được 25 ngày, bởi vì họ dồn toàn lực lượng chính quy Bắc Việt đã dày dạn chiến trường, được chuẩn bị kỹ lưỡng, thông đồng với bọn chỉ điểm trước
khi phát động tấn công. Thừa lúc quân đội VNCH nghỉ Tết không đề phòng, để đột ngột công phá tối đa.
Anh Ba Lê kể rằng, trung đội anh cũng nhận lệnh tham dự tấn công cổ thành Huế vào giữa đêm ba mươi, từ phía Tây Bắc dưới sự hỗ trợ của các tiểu đoàn đặc công. Nhờ yếu tố bất ngờ đơn vị anh
nhanh chóng chiếm được một vùng trong
thành.
Nhưng “quân giải phóng”
đi tới đâu dân bỏ chạy tới đó, họ không kịp mang theo gạo,
thịt, bánh, mứt dự trữ ngày Tết. Thế là đạo quân “chiến thắng” đói
kinh niên, được no nê trước khi chết. Bọn
anh sáng mắt lên
với những
kho lương thực, mà cả đời chưa bao giờ thấy, rồi hè nhau thồ bằng xe đạp, hoặc
xe “cải tiến” để khuân hết “của ăn của
để” lên
rừng.
Chú biết không? Nhìn cảnh này anh thầm nghĩ:
“Đây có phải là vùng đất đang chờ được giải phóng không? Nhìn lại bản thân mình, anh thấy một tình cảnh trái ngược, chính mình bây giờ đang cướp lấy miếng ăn, từ những con người tưởng
là cùng khổ. Có phải là cay đắng lắm không?”
Đâu được hơn một tuần, thì quân tiếp viện của quân lực VNCH từ Quảng Trị đến, đụng trận Việt cộng chịu không thấu chết hơn một nửa. Tuy lúc đó đa số cộng quân chiếm được các mục tiêu, nhưng
vì hết súng đạn, đành thúc thủ, như trung đội anh còn 9-10 đứa và một khẩu pháo làm cảnh.
Đến ngày
thứ mười
bọn anh đang đánh
nhau lại được lệnh rút
lui, nghe rút anh mừng lắm, vì
biết mình còn được sống, nhưng lại bảo rút theo đường cũ, trong lòng
anh cũng nghi nghi. Ngày hôm sau trung đội anh được lệnh khiêng khẩu pháo
đi lên rừng, rồi lại khiêng
xuống thành Huế. Những thân
thể gầy
đét, suy nhược vì những ngày
kham khổ vượt Trường Sơn, phải thay đổi nhau khiêng cái đế pháo
tháo rời nặng chịch, muốn gục xuống. Hai thằng khác khiêng nòng súng, tay vịn cái đòn đang chĩu trên vai, tay chống gậy cho vững
kẻo trượt chân. Vậy mà bọn anh theo mệnh lệnh cứ luẩn quẩn lên xuống mãi
con đường chết tiệt, lết tới lết lui, mục đích để dân
chúng nhìn thấy mà
đồn rằng,
bộ đội còn nhiều súng lớn. Lúc
lên rừng anh suy nghĩ, thì
ra đơn vị mình
là đánh nghi binh chứ không
phải rút lui về đường cũ.
Vì hầu hết đoàn quân nó rút qua những con đường bí mật, còn đơn vị anh thì nó bắt mình đi trên lộ chính. Qua làng Quế Chử, bọn anh tính ghé vào
nghỉ chân, nhưng rồi lại dắt nhau lội ruộng theo đường chiến lược. Tự nhiên ở đâu có con chó đen to lắm nó theo anh, rồi nó đi trước, mình cứ vậy mà theo con chó gần hai chục cây số, nó đưa bọn anh qua một chiếc cầu, về
đến sát rừng dẫn tuột xuống con suối.
Mấy thằng lính nói: -“Anh Bá ơi để tôi trói con chó này về tới rừng mình làm thịt”.
Nhưng anh bảo: “Tao
không
nhất trí
cái đó, đứa nào
ăn thì làm”.
Sau súng bắn rát quá chó chạy biến mất, anh linh tính oan hồn của những thằng bạn mới
chết, nhập vào nó dẫn đường cho bọn anh.
Leo lên đến rừng quay nhìn lại, quân đội VNCH đông như kiến, Con đường chính hồi nãy bị pháo từ rừng bắn xuống. Pháo binh của VNCH bắn lên, chặn đường đi, nếu không nhờ con chó dẫn đường, thì bao nhiêu súng nó châu vào bọn anh chết banh xác hết.
Đang đi gặp toán bộ đội trinh sát nó còn hỏi:
Các anh đi đường nào lên
đây? Có ghé vào làng Quế Chử gặp đơn vị của Mỹ đóng tại đó không?
Anh trả lời: – Bọn
tao đâu có
ghé vào làng đâu mà gặp!
Sau này anh suy nghĩ, vậy là tụi nó tính hết rồi. Nếu mình không nhanh trí thì đơn vị mình làm con tốt thí trên bàn cờ. Hôm đấy lên đến rừng, tụi lính hì hục đào hầm tránh bom, chứ nếu bắt con chó đen, mải làm thịt thì cũng chết hết. Vì đêm đó
máy bay thả trái sáng đầy một vùng trời, B52 nó dập tơi bời ngay mục tiêu, cái hầm bên cạnh anh, cách mấy thước chết không còn một mống.
Khoảng ngày thứ hai mươi, Việt Cộng đã kiệt sức và hết đạn, cố gắng giao tranh thêm vài
ngày nữa, thì rút lui
hoàn toàn. Vì chết rất nhiều, không như báo cáo
láo, trong các cuộc chiến mà đảng cộng sản thường phát động, ta chiến thắng vẻ vang.
Mà sự thực là: “Địch chết ba ta
chết ráo”.
Tàn quân trốn lên rừng, những chiến lợi phẩm lấy được của dân đem chất ở ven rừng, bị quân đội VNCH phản kích tịch thu hết, nên từ đó những thằng sống sót lại phải chống chỏi với cái bụng đói rã, còn được tí gạo nào thì
bọn bộ đội ở Bắc mới
vào nó ăn hết. Bọn anh phải mót lại những búp măng gầy ăn qua ngày, muối cũng không có mà chấm, phải kiếm lá rừng ăn thay. Bị bệnh kiết lỵ
chết thêm một mớ nữa.
Thật tình anh và nhiều đồng đội chán nản lắm rồi. Ngay từ lúc xâm nhập sâu vào vùng đất trù phú, đã mở mắt ra để biết mình lầm, nhưng không thằng nào dám mở miệng. Hàng ngày cứ nghe tiếng máy bay ù…ù…quen thuộc, rồi tiếng người cất lên oang oang như tiếng sấm trốc đầu:
“Hỡi các
anh cán binh cộng sản. Miền Nam chúng tôi không cần các anh giải phóng, tại sao các anh phải chịu đựng vất vả đói khát làm gì, các anh hãy hồi chánh trở về với chính nghĩa quốc gia, chúng tôi sẵn sàng đón tiếp các anh em…. “
Rồi những tờ giấy thông hành, được thả xuống bay rợp trời, nhưng bọn anh chỉ đứng xa mà nhìn, vì tuyệt đối không ai được lưu trữ, hoặc lén đọc, sẽ bị qui kết vào tội tư tưởng phản động.
*
Nói về diễn tiến hồi chánh, anh Ba
Lê kể:
– Anh còn nhớ như in vào khoảng hai giờ, một đêm mưa tầm tã tháng 6/1970. Đơn vị anh được lệnh tấn công một cái đồn trên cao điểm 820, nằm trong lòng Trường sơn. Bao vây, rồi lùa lên xung
phong, vẫn theo lối đánh thí mạng, đánh xối xả, dù biết rằng đang lao vào chỗ chết.
Anh cay cú tiếp:
“Chú mày biết không? Trong chiến tranh một trong những vấn đề đặt
lên hàng đầu là phương tiện, vũ khí và lực lượng phải tương quan, thì người lãnh đạo sáng suốt mới nghĩ đến, xua quân vào đánh đấm”.
Đàng này tấn công mà chỉ biết đối phương trên khái quát, không cân sức. Rốt cuộc đơn vị anh tan nát ngay từ phút đầu, chưa tiến đến mục tiêu, pháo binh của địch đã nã trước mình, rồi máy bay tới quạt lia lịa, nhiều người
trúng thương, máu me cùng mình, mạnh ai nấy chạy bạt mạng dưới
làn mưa đạn.
Trong tình cảnh này, anh quyết định rời hàng ngũ, âm thầm một mình ra đi, dù biết đi như vầy là một sống hai chết. Ngày thứ nhất nhìn qua đồi bên kia nhắm hướng, nhưng bom bỏ nhiều
quá không đi được. Ngày thứ hai may quá không thấy máy bay quần thảo, anh liều trốn qua bên kia đồi, đang mò mẫm tìm đường, anh
giật mình sợ hãi khi gặp toán tiền tiêu (tiền sát) của Việt Nam Cộng Hòa. Họ hờm súng ra hiệu cho anh bỏ hai tay xuống. Anh trình bày xin chiêu hồi. Một người xáp vào khám xét,
ngoài những thứ “gia bảo cụ
Hồ” để lại, họ lôi ra một khẩu súng ngắn trong túi quần. Rồi dẫn anh lên đồn, đó là tiểu đoàn 1 trung đoàn 2, sư đoàn 2 Bộ binh.
Anh được đối đãi tử tế như khách.
Ngồi chờ
chưa đến nửa ngày
thì có máy bay chở anh về căn cứ trung đoàn ở Quảng Trị. Hai ngày
sau anh được đưa về Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1. Tại đây anh đã thành thật khai báo về bản thân
và những gì
mình biết.
Vài ngày sau anh được chuyển về Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương ở Thị Nghè Saigon. Anh được học một lớp chính huấn khoảng 1 – 2 tháng. Sau đó được nhận vào làm công tác võ trang tuyên truyền, dưới quyền của ông Võ Đại Tôn. Mục đích kể lại sự thực mắt thấy tai nghe về những dã tâm của cộng sản. Lúc đó ông Hồ văn Châm làm Bộ trưởng Bộ Chiêu Hồi.
Tại đây anh được chính
quyền cho
thụ hưởng đầy đủ quyền công
dân, giúp đỡ hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng dân
tộc và hướng dẫn cho anh hòa
nhập vào nếp sống mới tại miền đất tự do.
Nhờ người quen mai mối anh Ba Lê đã lập gia đình với người chị họ của tôi (đạo Công Giáo). Anh được rửa tội vào mùa lễ Phục Sinh ngày 16 tháng
4 năm 1971 tại nhà thờ Tân Châu.
Anh sống những ngày bình yên bên vợ con, cho đến ngày mất miền Nam.
Sau 30/4/1975, anh
ra trình
diện ở Bộ
Xây Dựng Nông Thôn. Nhà cầm quyền mới nhốt anh tại nhà tù Biên Hòa một thời gian, rồi đưa anh đi “cải tạo”
ở trại Gia Rây.
Bây giờ mỗi lần nhớ đến những kỷ niệm kinh hoàng về cuộc chiến tranh tương tàn, như vẫn còn in đậm trong ký ức của anh Ba Lê. Anh nghiệm ra rằng, có trải qua những ngày tháng thiếu thốn đói nghèo ở miền Bắc, có lê gót trên đường mòn HCM, để chống chỏi với thời tiết
khắc nghiệt, với bệnh tật và tranh dành từng miếng ăn.
Có đánh đổi xương máu trên rừng Trường Sơn, theo đoàn quân cộng sản không phải để “giải phóng” mà là
phá hoại miền Nam, mới biết
ơn chính phủ VNCH đã bắc nhịp cầu thông cảm, cứu giúp những cán binh cộng sản muốn hối cải quay về.
Để như trường hợp gia đình anh Ba Lê hiện nay, may mắn được đất nước Hoa Kỳ,
chấp thuận cho tị nạn, thoát
khỏi chế
độ độc tài cộng sản Việt
Nam. Đặc biệt là con
cháu của anh có
cơ hội sống và
học hành tại một nơi có
nền giáo dục tốt nhất và
nhiều cơ
hội tiến thân, công ăn việc làm vững chắc. Để chúng
có dịp góp
tay xây dựng và
tri ân đất nước đã
cưu mang mình.
16/04/2019
Năng Khiếu
Posted by Anges at 3:06 AM
Hoàng Oanh - Về Đây Anh
(Nguyễn Hiền & Nhật Bằng) PBN 74