Sunday, June 28, 2020


Bầu cử Tổng thống Mỹ: khó bãi bỏ chế độ đại cử tri

Bầu cử Tổng thống Mỹ: khó bãi bỏ chế độ đại cử tri
Published 1 year ago on 30/05/2019
By Phạm Minh Trung

(Đây là bài nói r về việc bầu cử Tổng Thống ti M. Việc lập ra Đi cử tri đoàn nhằm mc đích ngăn ngừa các tiểu bang lớn tranh quyền đi diện ca các tiểu bang nhỏ)


Cơ chế bầu Đại cử tri khiến cho hoạt động bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ luôn có vẻ quá lộn xộn và phức tạp trong con mắt người nước ngoài.
Ảnh minh họa: Jaime Anderson / The MinnPost.

Chế độ đại cử tri (Electoral College) của Mỹ vốn đã gây tranh cãi, nay lại càng gây tranh cãi hơn. Từ năm 2016 đến nay, ngày càng có nhiều người Mỹ kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ sau khi ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton giành nhiều phiếu phổ thông hơn tỷ phú đảng Cộng hòa Donald J. Trump, nhưng vẫn không thể trở thành tổng thống do không đạt đủ số phiếu đại cử tri tối thiểu.

Theo luật bầu cử tổng thống ở Mỹ, người đứng đầu Nhà Trắng không được chọn trực tiếp từ lá phiếu phổ thông của người dân mà là từ phiếu đại cử tri.

Vậy đại cử tri là ai?
Họ đóng vai trò như thế nào trong việc quyết định ai sẽ trở thành tổng thống?
Và tại sao nước Mỹ khó có thể thay đổi được cơ chế này?


Quang cảnh các đại cử tri chuẩn bị bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 45 nước Mỹ. Ảnh: wbur.org

Bài viết sau đây sẽ trả lời những câu hỏi trên.

Thể thức bầu tổng thống Mỹ

Điều II, Khoản 1, Hiến pháp Mỹ quy định:

“Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ [] Theo thể thức mà cơ quan lập pháp quy định, mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ tại Quốc hội. Thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hay những người giữ chức vụ trong các cơ quan công quyền không được bầu làm đại cử tri”.
Như vậy, về mặt kỹ thuật, các cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu chọn cử tri đoàn (gồm các đại cử tri) chứ không phải bầu trực tiếp cho các ứng viên tổng thống.

Mỗi bang có số lượng đại cử tri (elector) tính bằng số hạ nghị sĩ cộng với thượng nghị sĩ, hợp nhất gọi là cử tri đoàn (electoral college: 

Hạ nghị sĩ thì tính dựa theo quy mô dân số của từng bang, thượng nghị sĩ thì mỗi bang đều có hai. Thống kê dân số được tiến hành 10 năm một lần, do đó, bang nào càng đông dân thì càng có nhiều đại cử tri.

Hiện nay, California là bang đông dân nhất nước Mỹ nên cũng có số lượng phiếu đại cử tri lớn nhất là 55. Tiếp theo là một số bang khác đều có trên 20 phiếu đại cử tri như Texas (38), Florida (29), New York (29), Illinois (20), Pennsylvania (20), Ohio (18),
Bảy bang được ít nhất, mỗi bang thường chỉ có ba phiếu đại cử tri là Alaska, Delaware, Montana, Bắc Dakota, Nam Dakota, Vermont, Wyoming và đặc khu Washington D.C.

Tổng cộng nước Mỹ có 538 đại cử tri (tương ứng với 435 thành viên Hạ viện và 100 thành viên Thượng viện, cộng với 3 đại diện của Quận Colombia – nơi có thủ đô Washington). Để trở thành tổng thống, một ứng viên cần giành được tối thiếu 270 phiếu đại cử tri.

Ở hầu hết các bang của Mỹ, ứng cử viên nào giành được 50,1% số phiếu phổ thông sẽ được trao 100% số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó, tức là “ăn cả”. Riêng bang Maine và Nebraska không tuân theo nguyên tắc “winner takes all” (được ăn cả, ngã về không), hai tiểu bang này chia tỉ lệ phiếu bầu đại cử tri đoàn theo các hạt bầu cử.

Như vậy, có thể nói người đắc cử vị trí Tổng thống không nhất thiết phải giành chiến thắng về số phiếu phổ thông trên cả nước. Ứng viên vẫn có thể vào Nhà Trắng miễn là thu được trên 270 phiếu đại cử tri, dù thua đối thủ về phiếu phổ thông.

Trong lịch sử Mỹ có năm lần ứng viên tổng thống giành được hầu hết phiếu phổ thông trên toàn quốc nhưng lại không giành được đa số phiếu đại cử tri. Đó là các năm 1824, 1876, 1888, 2000 và gần đây nhất là 2016.


Ngày 19/12/2016, các đại cử tri bang Pennsylvania gặp nhau tại Harrisburg để bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 45 nước Mỹ. Tỷ phú Donald Trump trước đó đã giành được đa số phiếu phổ thông của bang này. Ảnh: C-SPAN.
Tiêu chuẩn đại cử tri

Hiến pháp Mỹ có rất ít điều khoản
quy định tiêu chuẩn đại cử tri.

Điều II Hiến pháp Mỹ quy định rằng thành viên Quốc hội và những “người đang nắm giữ chức vụ tại các cơ quan công quyền Mỹ” không được chỉ định làm đại cử tri.
Tu chính án thứ 14 Hiến pháp Mỹ cũng quy định các viên chức nhà nước tham gia nổi dậy hoặc bạo loạn chống chính phủ Mỹ, hoặc hỗ trợ, giúp sức cho kẻ thù, không được phép trở thành đại cử tri.

Quy trình chọn đại cử tri gồm hai vòng.

Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng viên đại cử tri để đại diện cho đảng phái và ứng viên của mình trước ngày bầu cử. Trong giai đoạn này, các đảng chính trị ở mỗi bang sẽ kiểm soát quá trình lựa chọn đại cử tri. Mỗi bang có một quy định khác nhau, cũng có thể theo quy định chung cho toàn quốc của đảng đó. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng. Các đại cử tri thường được lựa chọn vì sự phục vụ và cống hiến của họ đối với đảng. Họ có thể là các quan chức được bầu lên ở các bang, các lãnh đạo đảng, hoặc những người có liên hệ mật thiết với ứng cử viên tổng thống.
Tiếp đó, vào ngày bầu cử (ngày thứ ba sau thứ hai đầu tiên của tháng 11), cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống. Tùy thuộc vào quy trình ở mỗi bang, tên của các đại cử tri có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện trên lá phiếu dưới tên của các ứng cử viên tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, về mặt biểu hiện, các cử tri phổ thông vẫn bầu chọn cho vị ứng viên tổng thống ưa thích của mình.
Các đại cử tri ở mỗi bang sẽ gặp nhau vào thứ hai đầu tiên sau thứ tư thứ hai vào tháng 12 để bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ. 


Giấy chứng nhận xác nhận bầu tổng thống của các đại cử tri. Ảnh: History

Điều gì xảy ra nếu không ứng viên tổng thống nào giành đa số phiếu đại cử tri?

Nếu không ứng viên tổng thống nào giành được đa số phiếu đại cử tri, theo điều sửa đổi thứ 12 của Hiến pháp, Hạ viện Mỹ sẽ quyết định kết quả bầu cử. Quyết định của Hạ viện được cho là sẽ phản ánh tốt hơn nguyện vọng của cử tri phổ thông so với Thượng viện do số ghế các bang nắm trong cơ quan lập pháp này tương xứng với tỷ lệ dân số từng bang.
Hạ viện sẽ chọn tổng thống theo hình thức đa số. Việc bỏ phiếu sẽ do các bang tiến hành, đoàn đại biểu của mỗi bang có một phiếu. Điều đó có nghĩa đảng nào chiếm đa số trong nhóm hạ nghị sĩ của bang thì lá phiếu bang đó sẽ thuộc về ứng viên của họ.
Còn trong trường hợp không ứng cử viên phó tổng thống nào giành được đa số phiếu đại cử tri, Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống bằng đa số, mỗi thượng nghị sĩ sẽ chọn một trong hai ứng cử viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri nhất.

Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu như thế nào?

Không có quy định nào trong hiến pháp hay luật liên bang Mỹ bắt buộc các đại cử tri phải bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Dù vậy, một số bang vẫn yêu cầu việc này. Những cam kết như vậy có thể chia thành hai nhóm: đại cử tri bị ràng buộc bởi luật của bang và đại cử tri bị ràng buộc bởi cam kết với đảng của mình.
Qua thực tế lịch sử, các đại cử tri thường bầu cho những ứng viên mà họ đã cam kết ủng hộ từ trước.
Qua thời gian cũng có xuất hiện một số đại cử tri được coi là “lật lọng” (“faithless Electors”) vì bỏ phiếu cho các ứng viên khác so với cam kết ban đầu. Và trong trường hợp này, phiếu của họ vẫn được tính.

Nhưng điều này hiếm khi xảy ra và chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử.

Tối cao Pháp viện Mỹ không quy định cụ thể về những hình phạt nào có tháp dụng với hành động không bỏ phiếu như cam kết. Tuy nhiên, một số bang thì quy định các “đại cử tri không trung thành” có thể bị phạt hoặc tước quyền bầu cử nếu bỏ phiếu không hợp lệ và sẽ bị thay thế bởi một đại cử tri “dự bị”. Chưa từng có đại cử tri nào bị khởi tố vì không bỏ phiếu như cam kết.

Trong suốt lịch sử Mỹ, hơn 99% đại cử tri đã bỏ phiếu theo ý chí của đa số người dân ở bang mình.


Hội nghị Đại cử tri ngày 18/11/2012, bầu ra Tổng thống Obama, nhiệm kỳ thứ 2.
Ảnh: Time Union.
Vì sao đại cử tri ra đời?

Lý do là vì các nhà lập quốc Mỹ không hoàn toàn tin tưởng mô hình dân chủ trực tiếp.

Họ tin rằng chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông, và đa số cử tri không phải khi nào cũng đưa ra được quyết định đúng đắn. Sự độc tài của số đông (the tyranny of the majority), hay sau này được Alexis de Tocqueville gọi là “sự chuyên chế của đa số” là thứ họ muốn tránh.

Do đó, các nhà sáng lập nước Mỹ muốn trao quyền quyết định chiếc ghế tổng thống cho một nhóm người được lựa chọn, như một chiếc phao dự phòng cần thiết, với niềm tin rằng trong những thời khắc hiểm nghèo, nhóm người nhỏ đại diện cho nhiều lợi ích khác nhau của Hoa Kỳ sẽ có thể thỏa hiệp và và đưa ra quyết định sáng suốt hơn là số đông người dân, vốn rất dễ bị cảm xúc và tâm lý đám đông chi phối. Tuy nhiên, khi không có chuyện gì xảy ra, ý chí của nhân dân vẫn sẽ được tôn trọng.

Mặt khác, các nhà soạn thảo Hiến pháp cũng muốn đảm bảo rằng Tổng thống sẽ có đầy đủ quyền lực và có vị thế độc lập với Quốc hội.
Trong hệ thống nghị viện của Mỹ, Quốc hội không chọn Tổng thống, Tổng thống cũng không phải là lãnh đạo của một đảng tại Quốc hội. Các nhà lập quốc muốn thúc đẩy dân chủ thông qua hệ thống phân chia quyền lực.
Nếu Quốc hội lựa chọn Tổng thống, người đứng đầu nhánh hành pháp chắc chắn sẽ phải lệ thuộc Quốc hội, đặc biệt khi Tổng thống muốn được Quốc hội tái bầu. Các nhà lập quốc lo ngại rằng nếu Quốc hội bầu Tổng thống, vị này sẽ ủng hộ Quốc hội đến mức trở thành con rối của Quốc hội chứ không độc lập nữa.
Tương tự, các nhà lập quốc Hoa Kỳ cũng không cho các bang được bầu Tổng thống trực tiếp do lo ngại người dân sẽ chỉ bầu cho ứng viên người địa phương và các bang lớn đông dân sẽ nắm vai trò thống trị.
Không chỉ vậy, các đại cử tri từ tất cả các bang chỉ gặp nhau bốn năm một lần để bỏ phiếu bầu tổng thống rồi giải tán ngay lập tức. Họ không được phép quy tụ lại với nhau trên tư cách một cơ quan riêng rẽ ở cấp quốc gia. Điều này giải quyết được nỗi lo sợ mất cân bằng quyền lực mà chúng ta đã nói đến ở trên.

Những vấn đề của hệ thống bầu cử đại cử tri

Câu hỏi đặt ra là liệu có bất công hay không khi một ứng viên đắc cử tổng thống thật ra lại nhận được số phiếu phổ thông ít hơn so với người thất bại. Nhiều người coi đây là điểm hạn chế lớn nhất của hệ thống bầu cử tổng thống của nước Mỹ theo hình thức đại cử tri.

Năm 2000, ứng viên đảng Dân chủ Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông toàn quốc so với đối thủ phe Cộng hòa George Bush được 47,87%. Dù vậy, ông Bush vẫn giành chiến thắng do nhận được 271 phiếu đại cử tri so với 266 của Al Gore. Bang quyết định là Florida, nơi tất cả 25 phiếu đại cử tri rơi vào tay Bush dù chênh lệch giữa hai ứng viên về phiếu phổ thông tại bang này chỉ là 537. 

Tình huống tương tự xảy ra vào năm 1888 khi Benjamin Harrison giành chiến thắng nhờ có hơn phiếu đại cử tri, dù ít phiếu phổ thông hơn so với đối thủ Grover Cleveland. 

Năm 2016 cũng là một ví dụ điển hình khi tỷ phú Donald Trump đã đắc cử tổng thống dù ít phiếu phổ thông hơn bà Hillary Clinton.

Một mặt trái khác của hệ thống bầu cử theo đại cử tri là những lá phiếu của hàng triệu cử tri cuối cùng không được tính. 
Ví dụ, nếu bạn là một người ủng hộ đảng Cộng hòa ở New York hay California là các tiểu bang có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, hoặc là một người ủng hộ đảng Dân chủ tại tiểu bang Wyoming hay Mississippi là các tiểu bang thiên về đảng Cộng hòa, lá phiếu bầu tổng thống của bạn thật sự không có ý nghĩa gì.

Thật vậy, trên khắp nước Mỹ chỉ có khoảng 10 tiểu bang
được coi là các tiểu bang “dao động” (swing state), tức các tiểu bang lần bầu cử nào cũng do dự xem nên bầu cho ứng cử viên của đảng nào. Phần lớn còn lại được coi là các tiểu bang “an toàn” cho đảng này hay đảng kia.

Chính vì vậy, các ứng viên sít đầu tư tới vận động tranh cử tại các bang được cho là đã “an bài” đó.

Một hạn chế nữa sẽ xảy ra trong trường hợp không ai thắng 270 phiếu đại cử tri. 

Bởi khi đó, cuộc bầu cử được chuyển tới Hạ viện, nơi mà mỗi phái đoàn tiểu bang có một phiếu duy nhất, bất kể số lượng cử tri mà phái đoàn đó đại diện là bao nhiêu. 
Dù là Wyoming (có dân số khoảng 585.000 người) hay California (có dân số hơn 39 triệu người), 
mỗi tiểu bang cũng chỉ có một phiếu bầu. Và cũng không thể nhắc đến việc lá phiếu “bất tín” của đại cử tri (bỏ phiếu ngược lại với cam kết ban đầu của mình) vẫn sẽ được tính.


10 thành viên cử tri đoàn bang Maryland đang xác nhận bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: The Baltimore Sun

Lợi ích của hệ thống bầu cử đại cử tri là gì?

Một lợi ích của hệ thống này là tạo cho các bang nhỏ tầm ảnh hưởng trong việc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Ví dụ, bang lớn nhất California chiếm 12,03% dân số nước Mỹ, nhưng cử tri đoàn gồm 55 đại cử tri của họ chỉ chiếm 10,22% số đại cử tri trên cả nước. 
Trong khi bang Wyoming có dân cư thưa thớt chỉ chiếm 0,18% dân số nước Mỹ nhưng họ có ba phiếu đại cử tri, chiếm 0,56% tổng số đại cử tri Mỹ.

Bên cạnh đó, 10 tiểu bang “chiến trường” cũng chính là những tiểu bang mà các ứng viên tổng thống sẽ dồn phần lớn nguồn lực để vận động.
Ví dụ, bang Ohio, tiểu bang mà lần bầu cử tổng thống nào cũng có sự “dao động”. Theo truyền thống, không ứng cử viên đảng Cộng hòa nào có thể thắng cử tổng thống mà không giành chiến thắng ở đó. Chính vì vậy, các ứng viên luôn dành rất nhiều thời gian tới thăm và vận động tranh cử ở đây.
Các tiểu bang khác cũng được coi là hết sức quan trọng đối với chiến thắng của cả hai đảng là Florida và Pennsylvania.
Hệ thống đại cử tri cũng đồng nghĩa với việc một ứng viên muốn chiến thắng phải nhận được sự ủng hộ của các lá phiếu trên phạm vi toàn nước Mỹ. Do đó, ứng viên đó phải thực sự là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn.

Bãi bỏ cử tri đoàn? Không đơn giản như vậy

Nhiều người Mỹ muốn thay đổi hình thức bầu cử tổng thống, chuyển sang chỉ bầu trực tiếp mà thôi. Nhưng điều đó ít có khả năng xảy ra vì việc sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi phải có sự đồng thuận mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ liên bang đến tiểu bang, cũng như Nghị viện Hoa Kỳ. Do vậy mà trong hơn 230 năm qua, mới chỉ có 27 Tu chính án được thông qua. 
Ý kiến đòi bãi bỏ cử tri đoàn vấp phải sự phản đối từ các bang nhỏ có tỉ lệ đại diện thấp trong cử tri đoàn, sự phản đối từ những người ủng hộ hệ thống hai đảng và những người ủng hộ hệ thống chính phủ liên bang.

Lý do thứ nhất khiến hệ thống cử tri đoàn dường như rất khó thay thế, trước tiên, là vì quy trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp Hoa Kỳ.
Quy trình này đòi hỏi, trước tiên Quốc hội Mỹ phải thông qua đề xuất sửa đổi với tỷ lệ đồng ý là 2/3 ở cả Hạ viện và Thượng viện; sau đó ¾ tổng số các bang (38/50 bang) phải phê chuẩn đề xuất này.
Như vậy, nếu không có sự đồng thuận cực kỳ mạnh giữa các đảng phái với nhau, cũng như giữa các bang với nhau, thì việc xóa bỏ hệ thống cử tri đoàn sẽ phải vượt qua vô vàn rào cản để được phê chuẩn.
Hiện nay, nhiều đảng viên Dân chủ nghĩ rằng thất bại của ứng viên tổng thống của đảng mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 và 2016 chỉ ra tính cấp bách của cải cách hệ thống bầu cử, nhưng nhiều đảng viên Cộng hòa lại cho rằng đó là những nỗ lực nhằm hạ bệ danh tiếng chiến thắng của ứng viên thuộc đảng của họ.
Mặc dù vẫn có sự ủng hộ từ phía một số thành viên khác trong đảng, song vẫn chưa có sự đồng thuận thực sự lớn, đủ để sửa đổi Hiến pháp.


Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ tham dự phiên họp chung của Quốc hội để kiểm phiếu đại cử tri cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 tại Đồi Capitol, ngày 8/1/2009. Ảnh: Getty Images

Thứ hai là việc các bang luôn ở tình trạng “dao động chính trị”, chưa sẵn sàng từ bỏ đặc quyền mà họ hiện đang thụ hưởng, là đặc quyền được quan tâm nhiều hơn từ các ứng viên tổng thống.

Thứ ba, tuy các nhà sáng lập nước Mỹ không có ý định lập ra cử tri đoàn để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hai đảng phái, nhưng theo thời gian, cử tri đoàn trên thực tế đã củng cố sự tồn tại của hệ thống lưỡng đảng, mà khá chắc chắn là cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều không mong muốn một đảng thứ ba được chen chân vào.
Thật vậy, theo nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” vận hành cử tri đoàn, một đảng phải đủ mạnh để chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử phổ thông ở từng bang, chứ không phải đơn giản chỉ giành được một tỷ lệ phiếu bầu đa số vu vơ nào đó.
Kể từ năm 1972, không một ứng cử viên đảng thứ ba từng giành được đa số phiếu dù chỉ ở một bang. Ngay cả ứng viên Ross Perot giành được gần 20%
phiếu phổ thông năm 1992, cũng không thật sự đủ lực để giành được đa số phiếu ở bất cứ một bang nào.
Trong lịch sử Mỹ, những ứng viên của các đảng thứ ba chưa bao giờ thắng cử  tổng thống hoặc giành được số ghế đáng kể tại Quốc hội.

Cuối cùng, nhiều người Mỹ cho rằng hệ thống cử tri đoàn phản ánh bản chất liên bang của Hoa Kỳ và phản đối mọi nỗ lực nhằm xóa bỏ hệ thống này, bởi họ coi việc xóa bỏ phiếu đại cử tri giống như là một hành vi tấn công chế độ liên bang và làm tổn thương quyền lực hiến định của các bang.

Từ khóa:

cử tri đoàn: electoral college (np)
đại cử tri: elector (n)
cuộc chạy đua cho chức tổng thống Mỹ: US presidential race (np)
phiếu đại cử tri: electoral vote (np)
đảng chính trị: political party (np)
Hạ viện: House of Representatives, Lower House (n)
Thượng viện: Senate, Upper House (n)
ứng viên tổng thống: presidential candidate (np)
tiêu chuẩn đại cử tri: qualifications of electors (np)
Tu chính án thứ 14: the 14th Amendment

No comments:

Post a Comment