Sunday, June 20, 2021

 Ngày Lễ của những người Cha

http://www.buctranhvancau.com/new-blog?category=Văn%20Hóa

Ngày Lễ của những người Cha (Vũ Ngọc Hiến)

June 17, 2021

Tình phụ tử. Nguồn internet..

 

Còn ít ngày nữa là tới ngày 20 tháng 6 ngày mà phương Tây gọi là Father’s day (Fête de père), mà người Viêt chúng ta nôm na gọi là Ngày Lễ của những người Cha.

 

Nhân ngày này, tôi xin viết vài dòng về Bố tôi. Trước năm 1954, ông làm công chức trên Chapa, người đồng thời gọi ông là Ông Thừa Kỳ, sau đó ông chuyển về làm ở tỉnh Hưng Yên….Hiệp định Geneve được ký kết, Bố mẹ tôi đã mang 7 anh chị chúng tôi xuống tàu há mồm đi vào Nam tìm tự do, tôi được may mắn hơn các anh chị vì được mẹ cho vào cái thúng để quảy theo, không như các anh chị tay thì xách áo quần, đồ dùng lục tục chạy theo bố mẹ, vì lúc đó tôi chỉ chập chững biết đi….

Vào Nam, bố tôi tiếp tục con đường công chức, ông làm việc tại Phòng Nhân Viên, thuộc Bộ Nội Vụ cho đến lúc về hưu. Trong suốt hơn 45 năm làm việc, ngày về hưu, ông nhận được một phần thưởng tinh thần quý giá đó là Huy chương Hành Chánh Bội Tinh cao cấp, huy chương này là bằng khen cho những công chức trung cấp, trong suốt quảng đời làm việc rất gương mẫu, rất tận tâm ….

Thời gian qua nhanh, khi còn ở Saigon, tôi ít dịp gần gũi với Bố Mẹ, nhưng tôi biết, tôi rất được cả hai thương yêu, tuy sự biểu lộ có khác nhau….Mỗi lần được về phép, Bố tôi thường không “hài lòng” khi Mẹ thường dúi cho tôi ít tiền đi chơi với bạn bè, còn Bố thì lúc nào cũng nói: Được ít giờ phép, không ở nhà với Bố Mẹ , anh chị em mà lại đi la cà…., ngược lại, mẹ tôi cũng “cằn nhằn”... Ông à, con nó sống nay, chết mai, lằn tên mũi đạn nó vô tình…con nó thích gì thì cứ để nó làm…

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, vì thương con, Mẹ tôi đã cho người lên đơn vị nói dối với tôi là bà đau nặng, phải về gấp.Trong thời điểm đó, tôi không thể nào bỏ đơn vị mà đi. Trung Uý Đức, Phân Chi Khu Trưởng, khuyên tôi nên về thăm bà rồi trở về đơn vị cùng anh em. Tôi không đồng ý, nhưng Trung uý Đức cứ nằng nặc khuyên nên tôi đồng ý về và hứa là sẽ quay trở lại, không bỏ anh em

Về đến nhà, quả như tôi dư tính, bà không đau ốm gì cả, Bà lại gạt tôi lần thứ 2, lần đầu, trước đó hơn 1 tuần, bác Chánh, bạn của mẹ tôi, có người con trai lớn ở trong Hải Quân, anh ta dự tính “đào ngũ”, nên bác Chánh hỏi mẹ tôi có muốn cho tôi đi không?. Mẹ đã cho người lên gặp tôi và kêu tôi về, và tôi đã từ chối không tham gia cuộc “đào ngũ” này….

Mặc dầu biết Mẹ gạt, nhưng tôi không giận mà còn lại thương bà vô cùng, hình ảnh bà dội nón lá đi xe ôm lên Phú Hoà Đông, nơi đóng quân thăm tôi, và mang nhang đèn, hoa trái lên cúng vái Thần Đình xã Tân Thạnh Đông lúc tôi về đó giữ chức vụ Phân Chi Khu Phó hiện ra rõ mồn một. Tắm rửa, ăn cơm với gia đình, ngủ lại một đêm….Sáng sớm 29, tình trạng Thiết quân luật được ban hành.. Đeo ba lô lên vai, sau khi kiểm soát lại khẩu Colt 45 đã lên đạn, tôi nói lời từ giả Bố Mẹ để trở về đơn vị. Mẹ đang ngồi têm trầu, còn Bố thì hút thuốc lào. Lời từ giả của tôi khiến bà bật oà lên khóc và nói với bố bằng giọng hốt hoảng: Ông, sao ông nở để con đi vào cõi chết.” rồi bà khóc oả lên.

Ngược lại. trong lúc đó, Bố rất trầm tĩnh nói với tôi:

“Bố không có gì để nói với con cả. Đây là giây phút của con quyết định. Sự quyết định này sẽ làm cho con sau này con có thể ngước mắt nhìn anh em, binh lính của mình mà con không hổ thẹn.”

Lời ông nói như một nguồn năng lượng làm bừng nóng chạy dài theo suốt cột sương xống.

Tôi cắm đầu bước nhanh ra khỏi cửa, không đủ cam đảm quay lại nhìn Mẹ tôi.

Tôi được may mắn sống với  những năm tháng cuối đời của ông, những năm tháng mà cặp mắt của ông hầu như không còn  nhìn được ánh sáng…Tôi thường dẫn ông đi bộ, ra park ngồi nghỉ ngơi, ông thường kể cho tôi nghe những việc ông làm lúc trước, như việc khi còn làm việc trên Chapa, khi được dân bản địa báo cáo có án mạng xảy ra ở vùng sâu, ông đã một mình đi điều tra án mạng trong khi thượng cấp từ chối vì sợ đường xa, cố tình bỏ qua thủ phạm. Tôi có hỏi lý do tại sao Bố lại đi một mình, ông trả lời vì đó là bổn phận của mình….

Ông kể có lần ông bị mật thám Tây “bắt nhầm”, đem giam, một hôm ông được cho ra ngoài lao động, tình công Quận đi ngang nhìn thấy, ông quận hỏi có phải anh Thừa Kỳ đó không? Bố tôi trả lời dạ đúng tôi. Ông Quân nói tiếp sao anh không lên gặp tôi, bố tôi nói gặp anh để làm gì? Ông làm việc, ông phải biết việc của nhân viên mình làm, họ làm gì đúng, làm gì sai., mình phải có trách nhiệm việc quản lý nhân viên của mình. Sau đó ông quận cho điều tra thì biết là họ bắt nhầm bố tôi, thay vì một ngưòi cùng tên nhưng làm thầy giáo làng theo Việt minh.

 Việc ông dạy bảo những nhân viên làm việc trong phòng lương bổng cho Cô Nhi Quả Phụ ở quận 3, Saigon, khi chị tôi lên làm hồ sơ khi chồng tử trận trong phi vụ với cố Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh đã bị làm khó dễ, đòi hối lộ. Ngày hôm sau, ông cùng chị Chi quay lại phòng Cô Nhi Quả Phụ, trong phòng người ngồi chờ đợi đông nghẹt, nhân viên phụ trách thì làm việc tà tà, người thì ngồi giũa móng tay, người thì ngồi cắn bút  ngó mơ màng, nhìn cảnh trái tai gai mắt này, bố tôi cố dằn cơn giận tiến tới và nói với một cô nhân viện: “Cô có biết những người ngồi kia là ai không? Không đợi cho cô ta trả lời, ông nói tiếp, họ là những người kém may mắn, họ là những người chồng chết, con chết…để bảo vệ tổ quốc, tại sao các cô lại không biết ơn họ mà còn làm khó dễ họ, nhờ họ mà các cô câu mới có việc làm…Cô thư ký ngắt ngang lời bố tôi và nói bằng giọng hằn học, quát mắng: Tôi không cần ông dạy, ông đi ra nếu không tôi kêu  người tống cổ ông ra…Vẫn thái đô bình tĩnh, ông cười to rồi nói: Vậy cũng được, nếu tôi nói với cô không được thì để tôi kêu ông Phó Quận của cô ra để chỉ dạy nhân viên của mình, và ông kêu đích danh ông Phó Quận Hành Chánh Quận 3 ra giải quyết.. mỗi câu chuyện ông kể mang lời nhắn nhủ, mang một thông điệp riêng của nó và tôi đã được bố truyền tải những đức tính đó vào huyết mạch.

Hôm nay viết vài hàng về Bố. Bố ơi, nơi suối vàng, chắc Bố cũng nở nụ cười mãn nguyện vì con của bố lúc nào cũng:

Ngước thẳng vào đời không hổ thẹn

Hiếu Trung trọn vẹn với lương tâm.

 

 Con của Bố Mẹ

Vũ Ngọc Hiến

No comments:

Post a Comment