NGƯỜI LÁNG GIỀNG (p2)
http://ykhoahuehaingoai.com/99do/NguoiLangGieng2_HoangLan.html
NGƯỜI LÁNG GIỀNG (p2)
2_Ba tháng sau… luật sư của ông Frank gởi thư gọi bà Tám đến nhận di chúc, và họ nói tốt hơn là bà nên đi với luật sư của bà. Bà nghĩ mình sẽ nhận được vài chục ngàn đô để đi du lịch tour vài
chuyến như ông Frank thường khích lệ, còn lại bà sẽ cúng cho ngôi chùa
thỉnh thoảng bà vẫn đi. Bà ra góc đường nơi có văn phòng của ông luật sư lớn tuổi người Trung hoa nhờ ông đi với bà. Bà ngồi im lặng chờ hai vị luật sư nói chuyện với nhau, rồi ông luật sư của bà ngồi xuống cái bàn bên cạnh nhíu mày chăm chú đọc giấy tờ, xong ông ngừng lại nhìn bà với ánh mắt ngạc nhiên, ông thông báo rằng bà sẽ hưởng được hơn mười lăm triệu đô từ ông Frank, thì ra ông láng giềng đã khai báo bà là common- law của ông, tuy ở hai nhà sát vách nhưng là một vì họ có cái cửa thông thương giữa hai nhà với nhau. Hèn gì hai
năm trở lại đây ông Frank đề nghị cho mở cánh cửa thông qua bếp của nhau để bà qua lại chăm sóc ông dễ dàng, khỏi ra ngoài nhiều lần trong những ngày lạnh giá. Ngày trước căn nhà bà ở là của Paul, anh ta đã theo tiếng gọi của tình yêu qua tận Melbourne nên họ đóng cái kệ bếp chồng lên cánh cửa đó để bán nhà. Ông còn cẩn thận bảo khi không cần cánh cửa ấy thì bà có thể gài then và kéo
cái kệ chén bát để che chắn. Vậy mà cánh cửa ấy có bao giờ khép lại, vì bà Tám muốn nghe ngóng sự đau ốm té ngã bất thường của ông, và giúp ông
giảm bớt lo âu khi cơ thể yếu dần mà không có người quanh mình.
Lòng bà Tám ngẩn ngơ nhưng cố làm mặt lạnh để dấu đi cái cảm xúc quá đỗi ngạc nhiên, làm như bà đã từng là common-law thật của ông Frank trước mặt những người đại diện cho pháp lý. Bà đang choáng ngợp với số tiền mà cả đời nằm mơ cũng không thấy được. Tiền ở đâu mà ông già Frank có nhiều vậy? Nhưng chắc là tiền sạch mới qua giấy tờ của luật sư, chứ tiền bẩn với nợ máu thì không thể qua luật sư và sự chứng giám của cha cố như vậy. Hồi còn trẻ bà đã từng mơ có được một phần nhỏ của số tiền đó là bà hạnh phúc lắm rồi, nhưng giờ thì bà phải làm gì với số tiền nầy đây?
Bà Tám về nhà ngồi lặng người trên chiếc sofa đã sờn rách, cố nhắm mắt lại để thư giãn, cuộc đời của bà tĩnh lặng bấy lâu nay, bỗng dưng dậy sóng với hai tin lớn đến một lần. Bà vừa mất đi người bạn láng giềng thân thuộc, ba năm trở lại đây tình cảm của bà dồn vào ông Frank, bà con thì xa láng giềng thì gần, bà lo cho ông từng bữa ăn, giặt giũ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ như một đứa con gái hiếu nghĩa, và bây giờ là số tiền quá lớn đến với bà ở cái tuổi bà không còn ham muốn nhiều nữa. Tuy vậy ai mà không thích tiền, tiền làm cho ta có quyền lực và làm cho tiếng nói của ta có nhiều người nghe. Bà bỗng rùng mình khi
nghĩ đến chuyện mình phải quản lý số tiền lớn đó. Bà biết sớm muộn gì những đứa con và những người ngoài sẽ biết, thời đại công nghệ mới có gì dấu được đâu, nhất là chuyện tiền bạc trên trời rớt xuống cũng như chuyện trúng số mấy ai giữ kín được riêng cho mình. Những ngày tháng nghèo
khó thì người thân, bạn bè đã làm bà buồn lòng bằng sự xa lánh, giờ có tiền mà không khéo thì chúng sẽ nghiền nát tâm cang của bà bằng sự cấu xé. Bà suy nghĩ nhưng chưa tìm ra lời giải.
Hai tuần sau, bà Tám ngồi mở giấy tờ của nhà băng ra, mười lăm triệu nằm trong trương mục tiết kiệm, số lẻ nằm trong trương mục chi tiêu, nói là lẻ chứ một đời làm lụng chưa chắc đã đạt tới. Bà mỉm cười, từ nay bà có thể phủi sạch những tháng ngày gian
khó. Rồi mắt bà bỗng ngấn lệ tiếc thương ông bạn già, ông Frank là người bạn duy nhất của bà sau ngày nghỉ hưu, bên ngoài ông biểu hiện lạnh lùng nhưng bên trong ông đã âm thầm chăm lo cho bà cẩn thận. Bà đóng sổ băng lại cất kín dưới nệm rồi kéo chiếc ghế ra ngồi trước tượng Phật bằng đá để thiền. Giờ thì bà cần thiền nhiều hơn nữa để tâm bà lắng xuống, không còn tham lam, ghét bỏ hận thù gì nữa bà mới có thể đủ sáng suốt để quản lý số tiền lớn như vậy. Tay bà Tám đang lần chuỗi hột mà ít khi bà dùng đến để tăng sự tập trung, dẫu sao tâm bà cũng đang rạo rực với tiền. Bà ngồi thẳng người, mắt nhìn xuống đất, thỉnh thoảng bà nhìn lên tượng Phật, khuôn mặt Phật hiền hòa bao dung làm
bà nhớ tới lời Phật dạy. Chánh kiến, chánh niệm, chánh tư duy, còn chánh hành động là gì nhỉ… từ lúc biết có số tiền lớn như vậy đầu óc bà bỗng sáng suốt hẳn lên, hình như những cảm xúc mạnh của vui buồn đang kích thích
não bộ bà tiết ra đầy đủ dopamine, hay serotonine gì đó mà có lần bà đã đọc được.
Bà nhận biết ngay việc đầu tiên là bà phải quản lý số tiền đó một mình, không để ai chen vào vì
lòng tham của họ sẽ làm tâm bà bất ổn. Bà không muốn con bà cấu xé bà và đố kỵ lẫn nhau vì những đồng tiền không mồ hôi ấy. Vả lại, bà muốn chúng thương yêu bà như một người mẹ với tình thân máu mủ chớ đâu phải thương yêu đồng tiền của bà, loại tình thương ấy thì lúc nào chẳng có được, chỉ xoè đồng tiền ra thì có yêu thương. Bà Tám cảm thấy đói vì nãy
giờ suy nghĩ nhiều, bà vào bếp nấu tô mì gói ăn trưa rồi nằm nghỉ. Bà tỉnh giấc sau hai tiếng đồng hồ và cảm thấy rất sảng khoái; cả mấy tuần nay bà chỉ có những giấc ngủ chập chờn, giờ mới có được giấc ngủ tuy ngắn nhưng rất sâu.
Bà vào lấy thư ông Frank ra đọc lại, bà mới nhận ra rằng bà đã bỏ qua trang sau của lá thư. Ông Frank bảo bà đừng lo ngại số tiền lớn vì tất cả là tiền hợp pháp từ công sức của ông và con ông. Hồi làm janitor, nhờ sự giúp đỡ của chủ, ông đã mua lại hai cái building
nhỏ với giá cả của thập niên bảy mươi và tám mươi khi họ về hưu và chuyển vùng, rồi ông quản lý chúng cho đến lúc già yếu thì ông quyết định bán đi để giúp vốn kinh doanh địa ốc cho con trai của ông ở Úc, và vào thời điểm đó thì giá nhà downtown đang tăng
cao ngất ngưởng. Đến ngày con ông mất thì một số tiền lớn hơn chuyển về lại cho ông từ một trustee vì Paul sau những mối tình tan vỡ anh ta trở thành độc thân không vợ con. Ông chẳng còn biết làm gì với tiền nữa nên để lại cho tới khi cánh cửa thông qua hai nhà đã mở ra ông mới đến ông luật sư quen biết ở nhà thờ làm lại di chúc. Đọc đến đây bà Tám rất cảm động với tấm lòng của ông già, trời đất đã ban cho bà một người cha không máu mủ, và một gia tài khổng lồ vào cuối đời, một đời gian nan
của bà. Bà phải làm gì cho chính đáng với số tiền đó, và làm thế nào để được an toàn cho một người già ôm số tiền khổng lồ mới có giữa đô thị.
Một ý nghĩ đến với bà là bà nên đi xa tới một thành phố khác để được yên ổn và suy nghĩ tốt hơn. Bà quyết định đi Vancouver, thành phố ấm áp ở phía tây mà bà thường nghe nói đến. Bà phải đi ngay trước khi tin tức lan truyền phát tán ra xa. Bà lấy taxi ra công ty du lịch trong mall nói với họ những gì mình muốn không cần biết giá cả bao nhiêu, bà nhờ họ đăng ký wheelchair để được đẩy tới chỗ chờ lên máy bay khỏi bị lạc trong những phi trường rộng lớn. Bà cũng không quên đổi message
trong phone để cảnh sát khỏi phá cửa tìm bà lỡ con bà báo sự vắng mặt bất ngờ của bà. Bà mò mẫm trong cuốn sổ tay rồi bắt đầu với giọng nói đầy Vietnamese accent: “Hello, I am on
my vacation now. I’ll be back in July, two thousand seventeen.”
Chảnh thiệt!
Sáng hôm sau taxi chở bà tới phi trường Pearson vào lúc sáu giờ sáng và đến Vancouver lúc ba giờ chiều. Bà đến khách sạn năm sao trên bờ biển trong bộ quần áo quá bình thường ở một nơi chốn sang trọng, nhưng chẳng sao, số tiền quá lớn trong sổ băng làm bà tự tin hẳn.
Ngồi trên chiếc sofa đời mới màu vàng sẫm, trước mặt bà là mặt biển bao la xanh biếc, bà Tám cảm thấy mười lăm triệu chẳng là bao, mây trả về cho mây, gió trả về cho gió, cộng đồng trả về cho cộng đồng. Bà nhớ lại những năm tháng đầu của tuổi sáu mươi, bà theo tập những lớp thể dục trong những trung tâm gần nhà thường đông đúc, có khi hai nhóm một lần. Họ chen chúc tập luyện trong không gian chật hẹp, không khí của người này vừa thở ra thì người kia đã hít vào. Rồi những ngày tháng đơn chiếc từ khi chồng bà bỏ đi, bà đã hiểu được cô đơn là thế nào nên bà không một chút do dự khi Paul gởi gắm ông Frank cho bà. Có lẽ ông Frank cũng cô quạnh không kém từ lúc vợ ông ra đi. Vậy thì dùng số tiền đó để trả lại cho cộng đồng bằng cách giúp những người cô đơn trong thành phố lớn. Cô đơn là sản phẩm phụ của tiền trong những thành phố nặng về vật chất.
Trong những thành phố này thì hầu như mọi người đều tranh đua học cách kiếm tiền, càng nhiều tiền thì càng thành công. Có những người suốt ngày chỉ biết ngồi nghĩ đến tiền, mấy ai biết học cách cho đi hoặc dừng lại để biết đủ là đủ. Hồi còn đi tập thể dục bà thường nghe mấy người chung quanh bàn tán với nhau, có người bảo sao con cái họ làm tiền dễ dàng, suốt ngày chúng chỉ ngồi nhấp nhấp con chuột là ra tiền, nhưng rồi cái bụng chúng càng ngày
càng to ra; có ông khoe nghe theo lời con bỏ chục ngàn đô mua stock của facebook hơn chục năm về trước giờ ngồi đếm tiền, nhưng con cháu cứ đến thăm viếng hoài không có thì giờ nghỉ ngơi; bà khác thì mua được ba bốn căn nhà cho thuê giờ cũng trúng to nhưng phải lo lắng nhiều nên sinh bệnh. Họ ngồi kể công kể tội của tiền, sướng nhờ tiền khổ vì tiền, bệnh bởi tiền khỏe do tiền, vui có tiền buồn cũng vì tiền… bà còn nghe họ nói về những người sống trong nhung lụa nhưng vẫn cảm thấy trống trải trong lòng, đôi khi phải dùng tới thuốc men để giảm đi sự trống trải đó, họ chẳng có ai để chia xẻ vui buồn, ngay cả người trong gia đình.
Bà Tám mỉm cười biết mình đã tìm ra được lời giải, thì ra đồng tiền không sinh ra rắc rối, mà người cầm nó mới gây nhiều thương đau bởi lòng tham không đáy. Có một họ muốn thành hai, có hai muốn thành bốn, có bốn muốn thành tám…, cứ tiếp tục nhân lên theo từng cấp số. Có nhà nhỏ thì muốn đổi nhà lớn, có xe thường thì muốn đổi xe sang, đầu tư nhỏ chuyển sang đầu tư lớn, cứ mãi lớn dần và lớn dần… chỉ có vợ thì đổi vợ lớn thành vợ bé, càng ngày càng bé đến nỗi chỉ bằng tuổi của con gái út,… họ cứ theo tiếng gọi của lòng tham cho đến ngày đầu óc họ rạn nứt mà vẫn chưa thỏa mãn với một cảm giác hạnh phúc thật sự nào; chẳng khác gì câu chuyện bó rơm treo trước mặt con lừa, nó cứ tăng tốc độ kéo xe đi
mãi mong cạp được bó rơm đó nhưng chẳng bao giờ có được.
Cả tuần nay bà Tám tắt volume của phone, giờ mới ngồi mở mấy cái tin nhắn của nhà băng, của hội từ thiện và những nhà đầu tư bảo bà gọi lại để nói chuyện đầu tư. Bà còn nghe lời nhắn của con gái Lelan trong phone:
“Mẹ hãy để
con giúp mẹ
quản
lý số
tiền đó,
mẹ
không thể
giữ
nó một
mình, nguy hiểm
lắm,
mẹ
nhớ
gọi
lại con.”
Đã lâu rồi bà chưa nghe giọng nói của con, mấy năm trở lại đây nó không gọi và cũng không bắt phone của bà, chỉ khi bà text thì nó
mới trả lời mấy chữ ngắn gọn. Rồi giọng bập bẹ bằng tiếng Việt của cô dâu tây
“Ma,
cuối
tuần
này Dan sẽ đến
chở
ma về
ở
lại
với
tụi con, con đang dọn một
phòng lớn
dành cho ma ma.”
Mặc dù chúng đã nghe tin nhắn mới trong phone bà vẫn thấy chúng còn gọi thêm vài ba lần nữa. Đã có lúc nào cô dâu gọi bà đâu nhỉ, ngay cả khi bà gọi, nó bắt phone nhanh chóng trả lời “Dan
is not here” rồi vội tắt. Những lúc đó bà chỉ tự an ủi một mình, tụi nó bận quá mà. Cuối cùng là lời nhắn của thằng út Don bảo bà gọi lại nó để nó sắp xếp thời gian về thăm bà. Bà Tám ngồi chửi thầm:
“Tổ cha tụi bây, mấy năm nay tao đi về trong tuyết lạnh
lên xuống
xe tàu một
mình với
những
xách đồ ăn nặng
trĩu
nguy hiểm
hơn
nhiều,
có đứa
nào biết
tới.”
Bà xuống lầu bước qua tiệm Bell bên cạnh mua cái Iphone với số mới, rồi về lại khách sạn ăn tối, xong lên
phòng đánh một giấc ngủ dài tới sáng.
Sáng hôm sau bà Tám đến chỗ tiếp tân lấy tờ báo địa phương mở ra tìm kiếm gì đó rồi bỗng gấp lại, bà đến hỏi người tiếp tân đang rảnh rỗi:
“Anh
có biết
người địa
ốc
nào tốt
ở
dowtown không?”
Người tiếp tân trả lời: “Thật lòng tôi không biết nhưng
cách đây vài ba năm cũng có người hỏi
tôi như
vậy, sau đó
họ
tự
gọi
người
quảng
cáo trước
trang bìa và họ
rất
hài lòng với
dịch
vụ.”
Bà Tám cám ơn rồi trở về phòng, bà ngồi duỗi chân trên chiếc sofa nghĩ ngợi bâng quơ về cuộc đời của mình, rồi tự tính toán lại kế hoạch trong đầu vì bà chẳng còn ai để bàn bạc.
Bà nhớ lại, từ một giáo viên dạy văn cấp ba ở một tỉnh lỵ của miền Trung nghèo nàn, bà đã làm nhiều nghề để sinh sống sau khi chồng bà bỏ đi để lại cho bà cái bầu của thằng út và mảnh giấy “Anh không còn chịu đựng được nữa, anh ra đi để cứu
giúp gia đình trong tương
lai,” ông giỏi về máy móc nên xin làm phụ tài công để được đi vượt biên một mình vì không chịu nỗi cảnh nghèo đói, và bà đã trở thành mất dạy sau đó. Bà không tiếc nuối gì với cái nghề dạy văn nữa, văn chương ích gì cho buổi ấy…, họ chuyển bà sang dạy chính trị về chế độ cộng sản của các bác Mác, bác Lê, bác Hồ,… đó là chế độ của dân nghèo mà sao dân lại nghèo thêm, đói khát vẫn dài dài. Bà phải liều gởi con cho ông bà ngoại già yếu trông coi để đi buôn đường dài, bà không thể ngồi nhìn cả nhà đói cơm. Bà bán đi sợi dây chuyền của ngày cưới để làm chút vốn. Bà buôn đủ thứ thuốc, nào là thuốc tây, thuốc lá, thuốc lào, thuốc mập, thuốc ốm,… từ những tài xế xe tải chạy đường Lào, họ đem về những sản phẩm có bao bì đẹp của Thái Lan, và những bao nylon đựng những viên thuốc con nhộng đầu đỏ đầu trắng không nhãn hiệu mà người dân chỉ biết gọi đó là viên Ampi, cảm cúm viêm họng hay bệnh gì đi nữa uống vô vài viên là xong ngay. Những bao nylon tí hon khác đựng vài viên thuốc nho nhỏ đủ màu xanh đỏ tím vàng cũng không dán nhãn gọi là thuốc mập vì dân ta lúc đó đói meo,
có mấy bà mấy cô gầy gò đen đủi, uống vào mấy viên là ăn ngon ngủ kỹ, mặt mày tròn trịa như bơm. Dần dần bà gầy vốn buôn thêm mấy loại sản phẩm xa xỉ như bánh kẹo, xà phòng, thuốc gội… trong những hộp giấy hay hộp nhưạ đẹp đẽ, để khi dùng xong rồi người ta vẫn còn tiếc rẻ không dám vứt đi, cất dùng vào
việc khác. Hết buôn đường dài thì buôn đường ngắn vì mẹ bà đã qua đời không ai trông con, bà ngồi làm đủ thứ bánh trái để bỏ mối, đắt thì bữa đói, ế thì bữa no cũng qua ngày. Rồi người cha tàn phế vì bệnh tật cũng ra đi trong cảnh nghèo nàn khi bà
chưa kịp đền ơn trả nghĩa sinh thành.
Mười năm sau bà nhận giấy bão lãnh của chồng, bà và ba con sang Toronto. Đến đây bà mới biết ông đã có người phụ nữ khác. Bà rất buồn nhưng không ngạc nhiên lắm vì bà biết nhu cầu của ông trong mười năm xa cách qua những chuyến buôn đường dài với tài xế xe tải chạy thâu đêm. Từ đó bà trở thành cô quả trên mảnh đất xa lạ không cùng ngôn ngữ và văn hóa. Một năm sau bà ký giấy ly hôn và được cấp duỡng để đi học ngành child care, rồi đi làm cho tới tuổi nghỉ hưu. Bây giờ là sự đền bù cho những ngày tháng cơ cực đó, nhưng số tiền bà có được quá lớn, bà không muốn hưởng trọn một mình, bà còn phải nhớ tới cuộc đời của ông Frank, bà phải làm gì với số tiền đó để ông có thể mỉm cười nơi chín suối.
Bà Tám đã có quyết định trong đầu, bà đứng dậy cầm phone gọi ông địa ốc trên trang bìa, ông sẽ gặp bà trưa nay. Sau bữa ăn trưa bà đến lobby thấy ông địa ốc đang chờ.
Bà bảo bà muốn tìm mua một building cho việc mở văn phòng cỡ mười triệu đô ở downtown. Ông địa ốc bảo sẽ về tìm kiếm rồi gặp bà ngày mai. Bà Tám đã chọn được một trong những building của ông địa ốc dẫn đi xem vì nó hợp với ý định của bà để mở một studio thể dục dành cho những người cô đơn, cô độc, cô quả gặp gỡ luyện tập hay những nhóm bạn đến đây sinh hoạt để duy trì tình bằng hữu.
Building nằm ngay góc đường có trạm xe bus trước mặt, rộng trên tám ngàn square feet gồm ba tầng, tầng dưới là hai cửa hàng đang cho thuê với số tiền khá lớn vì nó nằm ngay trong khu vực mua bán khá sầm uất, tầng hai có bốn phòng được phân chia bằng cửa kính, tiện cho việc sinh hoạt nhóm nhỏ, tầng ba là hai phòng lớn tiện cho vịêc tập thể dục của nhóm lớn… Mỗi tầng đều có một quầy bar nhỏ, thiết kế WR đầy đủ, có sự cách âm và lối đi riêng bên cạnh. Tiện quá không cần sửa sang gì nữa, lại có thêm số tiền thuê của hai cửa hàng bên dưới để có thể trang trải chi phi của building.Trước sự quyết định nhanh chóng của bà, ông địa ốc phải ngồi lại bàn bạc một hồi lâu trước khi ký offer. Bà
bảo bà không cần qua nhà băng làm ông địa ốc ngạc nhiên nhìn bà quá đơn sơ mà sao giàu có.
Mấy hôm sau ông địa ốc đem theo bà vợ Jenny để xem cô ta có thể giúp gì cho bà Tám
vì biết bà từ xa tới. Sau những lần uống trà và nói chuyện sau nhà kính của khách sạn, bà cảm thấy tin tưởng hai vợ chồng nầy và giao sự quản lý của building cho họ qua giấy tờ phân minh của một luật sư tên tuổi trong thành phố. Bây giờ bà đã là boss, Jenny là nhân viên trợ lý của bà, cô ta đã xin nghỉ công việc ngồi chuyển đẩy giấy tờ trong văn phòng luật sư để làm việc hẳn với bà cùng sự hỗ trợ của chồng. Jenny luôn mơ ước làm được công việc có ý nghĩa hơn nhưng không có điều kiện, giờ gặp bà Tám cần thì cô ta thích
thú nhận lời ngay. Họ không biết gì về quá khứ của bà Tám nên dễ làm việc hơn. Jenny đã viết ra những công việc cô phải làm như một trợ lý của bà, và hai bên ký
vào đó để có sự phân minh. Bà Tám
cảm thấy mọi việc trong đầu của bà đang ráp thành hiện thực nhanh chóng, hình như ông Frank cũng đồng ý với bà nên được ông phò hộ dẫn đường cho bà gặp may mắn.
Qua tháng Bảy, Jenny lập cho bà Tám một email mới, bà mở sổ tay chậm rãi email ba đứa con của bà bảo bà sẽ gởi tặng mỗi đứa ba trăm ngàn đô để trả nợ tiền nhà, trong lòng bà muốn chúng phải đi làm và giữ cuộc sống bình thường không ỷ lại tiền. Bà bảo số tiền còn lại bà đã bỏ vào một hội từ thiện như sự mong muốn của người quá cố, và bà đang dọn đến một nơi nắng ấm để duỡng già. Bà sẽ không cho chúng biết địa chỉ và số phone mới của bà trong một thời gian dài, để chúng biết cái thân thể mỏi mòn ấy đã đong đầy cho chúng những hình hài đẹp đẽ và những bộ óc thông minh, để chúng có cơ hội nhận ra rằng chúng đã thiếu đi một phần quan trọng để giữ cái gốc rễ của một con người, đó là hai chữ hiếu nghĩa, điều mà bà không đủ sức dạy chúng hồi còn nhỏ.
Nước mắt chảy xuôi, bà mẹ cứ tiếp tục cho đi tất cả những gì bà có thể cho được, đến lúc bà chẳng còn gì để cho. Người con cứ vô tư nhận cho tới lúc không còn nhận được gì nữa thì hững hờ quay đi vì chữ hiếu không có trong đầu của chúng.
Còn ông chồng cũ thì sao? Làm sao bà quên được những ngày tháng mới đặt chân trên đất lạ, ông vui với duyên mới trước mặt bà, coi bà như một bóng ma vô hình. Thôi chuyện cũ bỏ đi, dẫu sao ông cũng không quên lời hứa năm xưa bảo lãnh mẹ con bà qua đây trong lúc bà đã cảm thấy quá mệt mỏi vì phải lăn lộn với cơm áo hằng ngày.
Bà quyết định tặng ông cái nhà cũ để ông bán đi thanh toán nợ nần rồi nghỉ hưu. Có lẽ cả đời của ông cũng vất vả như bà với cô vợ trẻ và hai đứa con sau.
Bà Tám đã quyết định dọn hẳn chỗ ở qua Vancouver nên không về lại Toronto nữa. Ở đây bà cảm thấy thoải mái, quên hết những chuỗi ngày nghèo khó, cô quạnh, nhất là vào mùa đông giá lạnh. Một hôm bà đang mở cửa bước vào cái condo bà vừa mới mua trong một building mới mẻ thì gặp người láng giềng đối diện mở cửa bước ra, họ chào nhau và hẹn gặp bữa ăn trưa làm quen ngày mai; con người là sinh vật sống đàn bầy chớ đâu sống một mình được, thì ra bà Zu Lay
cũng sống một mình và đang đi làm ở văn phòng bác
sĩ. Từ đó hai bà trở thành đôi bạn, bà Tám còn được gia nhập vào nhóm bạn của bà ấy để đi du lịch đó đây.
Sáu tháng sau bà Tám đã ổn định cuộc sống, trông bà khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn. Tiền đang nuôi dưỡng bà bằng những bữa ăn cân đối và đang đồng hành với bà trong những buổi luyện tập, xã giao. Người ta thường thấy bà mỉm cười thân thiện với những người chung quanh, ai cũng nhìn bà với ánh mắt thiện cảm và nể nang.
Hôm nay bà Tám cùng đi với bà láng giềng đến thăm cái building đã được Jenny tân trang trong lúc chờ đợi giấy phép hoạt động như một tổ chức non-profit. Jenny đặt tên cho studio nầy là: “Club One”, và theo lời đề nghị của bà Tám, một dòng chữ nhỏ khắc vào bên dưới của tấm bảng bằng kim loại: “In the memory of Frank Capri
1931-2017.” Vừa bước chân vào tầng hai bà cảm thấy một luồng không khí thoáng
mát thơm tho dễ chịu, màu sắc và ánh sáng dịu dàng. Những căn phòng được phân chia bằng cửa kính dọc hai bên hành lang sáng sủa. Lên tới tầng ba là hai gian phòng rộng rãi với những cửa sổ lớn và những chậu cây xanh tươi tốt rất tiện cho việc thiền tập, yoga, taichi, dancing…
Khu đất trống dơ bẩn phía sau building đã được Jenny dọn sạch sẽ, đặt vào những chiếc ghế gỗ dài dưới những tàng cây nhỏ mới trồng sát khu đất của building bên cạnh, bà phải chờ tới mùa Xuân để thấy thêm hoa lá chung quanh. Bà Tám đứng yên dưới tàng cây nhỏ ấy khá lâu, mặc cho bà láng giềng và Jenny đang chờ đợi bên trong, bà đưa mắt nhìn lên bầu trời có mây trắng, có đám mây như hình mặt người với chòm râu và chiếc mũi to, có lẽ ông Frank đang mỉm cười với bà đâu đó trên bầu trời xanh.
Bây giờ bà Tám đã đổi mới. Mái tóc muối tiêu của bà được cắt tém gọn gàng với cái mái dày rẽ sang một bên, bà mặc quần thể thao màu đen kiểu tân thời với phần lai ống túm lại, mang giày đi bộ thể thao màu xanh xám, bà khoác lên chiếc áo jacket màu kem
với những đường may sắc sảo ôm gọn cái thân hình rắn rỏi của bà, một chuỗi hột turquoise lớn màu xanh đậm đeo ở cổ làm mặt bà sáng lên,
trông bà lịch lãm tân thời. Bà chẳng cần son phấn áo quần se sua, trông bà đẹp đẽ như tiên giáng thế. Tiền đã làm thay đổi hẳn diện mạo và tâm tư của bà. Người bà Tám như viên đá quý bám đầy gợn bẩn trôi dạt trên bờ, được anh Tiền lượm lên đánh bóng thành viên ngọc sáng. Giờ thì con bà có đi tìm cũng không nhận ra bà nữa. Mọi người nhìn bà Tám như một triệu phú thuở nào, không ai có
thể hình dung được rằng mới sáu tháng trước đây bà Tám chỉ là bà già khù khờ nghèo khó ở góc đường Manning trong chiếc áo choàng lông ngỗng màu đen to phồng và chiếc mũ tút màu nâu nhạt trùm lên mái tóc bạc phủ ngang vai.
Bà Tám không còn cô đơn cũng không cô độc giữa
thành phố lạ nữa. Đi đâu
bà cũng có anh Tiền làm
bầu bạn. Ừ nhỉ, mà
sao bà có thể thay đổi
nhanh chóng để trở thành người đàn
bà tuy lớn tuổi nhưng đầy
tự tin và sức sống, phải chăng đó
là sự phơi phới
trong lòng bà. Anh Tiền đã
thay đổi hẳn cuộc sống của bà, giúp bà thỏa mãn với những ước
mong từ lâu.
Hai trợ lý của bà đang cộng
tác rất tốt, cả hai đều
thông minh lanh lẹ, họ hiểu ý
bà dễ
dàng. Bà cũng không quên làm tờ di
chúc để
không phiền hà
người còn sống
khi bà ra đi, thân bà như
chiếc lá vàng trên cây rụng rơi lúc nào đâu biết
được, bà phải sống
quãng đời còn lại có
phẩm chất và
ý nghĩa. Có tiền
không mua tiên, bà Tám cũng trở
thành tiên.
Hoàng Lan
No comments:
Post a Comment