Monday, January 13, 2020


40 năm nhìn lại Chiến Tranh Biên Giới tháng hai: Nguyên nhân chiến tranh (2/4)

40 năm nhìn lại Chiến Tranh Biên Giới tháng hai: Nguyên nhân chiến tranh (Kỳ 2)
Bởi AdminTD -15/02/2019
FB Trương Nhân Tuấn
15-2-2019


Kỳ 1

Phía TQ đưa nhiều lý do để biện hộ cho cuộc chiến biên giới tháng Hai năm 1979.

Trang BBC ngày 17 tháng Hai 2006 dẫn hồi ký của Zhou Deli (Châu Đức Lễ), vốn tham mưu trưởng của Quân khu Quảng Châu. Ông này cho biết từ tháng Chín năm 1978 văn phòng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Trung Quốc đã có những cuộc họp mục đích tìm phương pháp “giải quyết vấn đề lãnh thổ bị VN chiếm đóng”:
Tác giả viết:
“Sự tập trung ban đầu là nhắm vào cuộc xung đột biên giới, và đề xuất đầu tiên muốn có một cuộc tấn công nhỏ vào một trung đoàn Việt Nam ở Trùng Khánh, giáp ranh Quảng Tây.
Sau khi nhận được tin tình báo cho biết Việt Nam sẽ tấn công Campuchia, đa số người dự họp cho rằng một cuộc tấn công cần có tác động lớn đến Hà Nội và tình hình Đông Nam Á.
Họ đề nghị tấn công vào một đơn vị quân chính quy Việt Nam ở một khu vực địa lý rộng hơn. Cuộc họp kết thúc mà không đưa ra quyết định nào, nhưng nó tạo tiền đề cho kế hoạch chiến tranh sau đó”.
Nếu dựa trên ý kiến này, vấn đề Campuchia không phải là nguyên nhân “cốt lõi” khiến TQ lấy quyết định đánh VN. Không có vụ Campuchia thì TQ cũng đánh VN, mục đích “giải quyết vấn đề lãnh thổ bị VN chiếm đóng”. Mục tiêu tấn công là một “trung đoàn VN” trong khu vực Trùng Khánh (Cao Bằng, VN).
Tác giả King C. Chen trong “China’s War Against Vietnam” kể lại buổi họp ngày 16 tháng hai 1979 tại Bắc Kinh do Hoa Quốc Phong chủ trì. 17 tiếng đồng hồ trước khi lệnh nổ súng ban ra, Đặng Tiểu Bình có bài thuyết trình cho các lãnh đạo CSTQ về bản chất và mục tiêu cuộc chiến.

Theo họ Đặng bản chất cuộc chiến là “hoàn kích tự vệ”. Cuộc chiến được “giới hạn” về thời gian, không gian cũng như về qui mô. Mục tiêu là dạy cho Việt Nam một “bài học”.
Gọi “hoàn kích tự vệ chiến”, tức đánh trả để tự vệ, bởi vì VN đã “trục xuất kiều dân người Hoa” cũng như bộ đội VN nhiều lần mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ TQ, chiếm đất của TQ cũng như gây nhiều thiệt hại về nhân mạng.
Mục tiêu “cho VN một bài học”, bởi vì “VN cực kỳ ngạo mạn”, xâm lược Campuchia, khoa trương thế lực là “cường quốc thứ ba trên thế giới”.
Học giả TQ, Xiaoming Zhang, trong “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment” viết rằng các cấp lãnh đạo Trung Quốc, trong một cuộc họp Bộ Chính Trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978, đã ra quyết định “dạy cho Việt Nam bài học” vì thái độ “vô ơn và ngạo mạn”.
Theo tác giả, trong 20 năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng sau 1975 VN buộc người Hoa hồi cư đồng thời gia tăng chiến sự trên biên giới. Rõ ràng đây là thái độ phủi ơn và hống hách. Ngoài ra còn có vấn đề can thiệp quân sự vào Campuchia.
Trung Quốc đòi Việt Nam trả nợ chiến tranh
Tác giả cũng dẫn (lại) ý kiến của Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, trong một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng tham mưu QGPND tháng 9 năm 1978. Nội dung nói về “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”.
Cuộc chiến đã xảy ra đúng như họ Đặng đã nói. Thời gian xung đột chỉ trong một tháng (quân TQ hoàn tất việc rút quân vào ngày 17 tháng 3 năm 1979). Địa bàn chiến tranh chỉ ở các tỉnh biên giới. Về “qui mô”, TQ cũng giới hạn không sử dụng hải quân và không quân.

Nguyên nhân cuộc chiến, từ phía TQ:

Thứ nhứt là vấn đề “lãnh thổ”. VN đã “chiếm đóng” lãnh thổ của TQ (?)
Thứ hai “thái độ vô ơn và ngạo mạn”, bao gồm việc VN “phủi ơn” và “nạn kiều”.
Thứ ba, vấn đề Campuchia.

1/ Vấn đề “VN chiếm đóng lãnh thổ của TQ”.

Xét tài liệu “mật” của CIA Mỹ về cuộc chiến 1979 đã được bạch hóa. Theo tài liệu này VN chiếm khoảng 60km² đất của TQ.
Nếu “vùng lãnh thổ” có diện tích khoảng 60Km² là (một trong những) nguyên nhân đưa tới TQ quyết định mở cuộc “phản công tự vệ chiến”, thì đây là cuộc chiến “sai lầm”. Chưa thấy một học giả bất kỳ trưng bằng chứng cho thấy VN “chiếm 60km² đất” của TQ hết cả.
Vậy 60km² đất (mà tài liệu CIA nói tới) từ đâu mà có?
Theo nghiên cứu của cá nhân, bằng những tài liệu CAOM (Trung tâm văn khố hải ngoại Pháp tại Aix-En-Provence), hoặc lãnh đạo TQ đã “ngộ nhận”, hiểu sai về nội dung Công ước Phân định biên giới 1887 (giữa Pháp và nhà Thanh). Hoặc là lãnh đạo TQ “bịa đặt” để “lấy cớ” đánh VN.
Về Công ước 1887, công tác phân giới, cắm mốc kéo dài 10 năm (kết thúc năm 1897, đồng thời với việc phân định biên giới đến sông Mékong). Nội dung Công ước 1887 có nhiều thay đổi, như được bổ túc thêm qua Công ước 1895 và các biên bản cắm mốc. Một số vùng lãnh thổ dịp này thay đổi chủ quyền.
Nguyên tắc “lãnh thổ đổi quyền lợi kinh tế” của viên Đặc sứ người Pháp phụ trách phân định biên giới năm 1887 tại Bắc Kinh, 
Thanh triều đồng ý “mở cửa” cho Pháp vào “làm ăn” ở các tình Hoa Nam, đổi lại Pháp nhượng một số lãnh thổ để “đền bù”. Kết quả hai bên phân định “trên những bản đồ” (rất sai) do người Hoa cung cấp, một số địa danh của VN phải mất cho TQ. Quan trọng là tổng Tụ Long (vùng trũng trên bản đồ phía bắc Hà Giang, 700km²), tổng Đèo lương (Cao Bằng, 300km²), các xã thuộc các tổng Kiến Duyên và Bắc Tràng (có thể lên tới vài ngàn km²), vùng đất thuộc mũi Bạch Long với huyện Giang Bình…
Ngoài ra để thuận tiện việc cắm mốc cũng như về an ninh phòng vệ hay để bảo toàn các đơn vị hành chánh địa phương, các nhân viên phụ trách việc phân giới sử dụng nguyên tắc “trao đổi”, lãnh thổ lấy lãnh thổ
Công ước bổ túc 1895 ra đời trong dịp này. 
Một số thí dụ tiêu biểu, Pháp đổi một phần đất thuộc xã Phấn Vũ (thuộc tổng Phương Độ, tỉnh Hà Giang) để lấy vùng đất hữu ngạn sông Đà. Đất này vốn do các thổ ti thuộc giòng họ Đèo (người Nùng) cai trị từ lâu đời mà hậu duệ Đèo Văn Trị thần phục Pháp (thay vì nhà Thanh). VN được lợi về diện tích nhưng ít quan trọng về kinh tế.
Thí dụ khác, các nhân viên phân giới Pháp trao đổi đất đai để có đường biên giới “an ninh”. 
Họ lấy một phần đất còn lại thuộc xã Phấn Vũ (tổng Phương Độ) đổi lấy dãi núi phía bắc suối Thanh Thủy. Đường biên giới khu vực này thay đổi, không theo nội dung các công ước (1887 hay 1895), mà theo nội dung các biên bản phân giới. Đường biên giới thay vì đi theo con suối Thanh Thủy (như xác định theo các công ước 1887 và 1895) lại được dời về phía bắc, theo đường nối các đỉnh cao (đường phân thủy – ligne partage des eaux). VN được lợi về “an ninh”, do kiểm soát được các cao điểm chế ngự Hà Giang, sông Lô (rivière Claire) và các của ải thông thương đồng thời với dãi đất diện tích khoảng 50 km² (ước tính theo chiều dài con suối Thanh Thủy với bề rộng giữa con suối này với đường nối các đỉnh cao). Nhưng VN mất phần đất tương đương diện tích, có giá trị kinh tế vì có nhiều quặng mỏ kim loại quí.
Cuộc chiến “phản công tự vệ kéo dài”, từ 1984 cho đến những năm 1988, 1989, nếu ta xét trên toàn cục, chiến trường chỉ tập trung trong khu vực suối Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà giang). Các “trận địa” đẫm máu được nghe nói tới như Giảm Sơn, Lão Sơn… đều là những cao điểm (thuộc về VN) nằm trên đoạn biên giới này.

Bài viết trên BBC hay bài viết trên trang Facebook cá nhân có ghi lại dữ kiện này.
Theo tôi, có thể vì các lý do vô ý hay hữu ý, hay vì sự phức tạp của lịch sử phân định biên giới Pháp Thanh 1887-1897, đã gây ra sự “ngộ nhận” về việc VN “chiếm 60km²” đất của TQ.

Nếu phía TQ quyết định chiến tranh chỉ vì việc này, rõ ràng là điều đáng tiếc.

Nhưng vấn đề “lãnh thổ của TQ do VN chiếm đóng” mà học giả TQ đã nói ở trên, có thể là quần đảo Trường Sa.
Vấn đề là đến nay chưa thấy tài liệu nào cho thấy có sự liên quan giữa cuộc chiến Biên giới tháng Hai 1979 với tranh chấp Trường Sa (nói riêng) và Biển Đông, nói chung.
Ngoài ra cũng có dư luận cho rằng nguyên nhân cuộc chiến đến từ việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.
BBC đăng bài viết của tác giả người Hung, Tiến sĩ Balazs Szalontai, tựa đề 
“Đàm phán biên giới Việt Trung 1974-1978”. 
Tác giả cho biết nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa VN và TQ là vấn đề “tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa”: “tài liệu từ văn khố Hungary đã hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới: đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.”
Hoàng Sa đã bị TQ cưỡng chiếm bằng vũ lực trên tay hải quân VNCH từ 17 đến 19 tháng Giêng năm 1974. 
Người ta không tìm thấy một tài liệu nào của VNDCCH mang nội dung chống, hay chỉ trích thái độ vi phạm Hiến chương LHQ (dùng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ) trong vấn đề hoàng Sa. Mặc dầu Hoàng Sa là một lãnh thổ của VN. Mọi “bên” VN, phía nào cũng có trách nhiệm như nhau trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ. 
Tức là, trên quan điểm Công pháp quốc tế, thái độ “im lặng” của VNDCCH là thái độ “đồng thuận ám thị” việc TQ sử dụng vũ lực chiếm Hoàng Sa.
Đến năm 1979, lúc khai chiến, TQ đã nắm vững trong tay quần đảo Hoàng Sa.

Cho rằng TQ khai chiến vì Hoàng Sa là không có cơ sở, logic lẫn lịch sử và pháp lý. “Cái đó” đã nằm trong tay tôi rồi, lý do gì tôi “gây chiến” với người khác vì “cái đó” nữa?

Còn nói về “đàm phán biên giới Việt-Trung 1974-1978”. Với tư cách một người nghiên cứu về biên giới VN và TQ từ nhiều năm, tôi chưa hề thấy có mối tương quan nào giữa quần đảo Hoàng Sa và hai đường biên giới phải phân định lại giữa VN và TQ:
Biên giới trên đất liền và Biên giới trong vịnh Bắc Việt.
VN có đặt vấn đề về quần đảo Hoàng Sa trong quá trình đàm phán hay không? Theo nghiên cứu của tôi, nếu có đặt ra thì việc này không đem lại lợi ích nào cho VN.

Trên đất liền VN mất một số đất dọc trên biên giới (diện tích giới hạn vài trăm cây số vuông). Trong vịnh Bắc việt VN bị thiệt hại khoảng 11.000 cây số vuông.

Trong khi đó VN có thể đòi lại những vùng lãnh thổ đã bị mất cho TQ năm 1887. Đơn thuần vì Công ước này mất hiệu lực do hệ quả “Dol”, tức “bội ước”. Các quan chức Pháp vi phạm các hiệp ước 1874, 1884… cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ VN.

Tóm lại, cho rằng nguyên nhân cuộc chiến đến từ việc VN chiếm 60km² đất của TQ là không có căn cứ.

TQ “trừng phạt” VN vì các lý do “bội ước”, “phản phúc”, “ngạo mạn”… hay vì cuộc chiến Campuchia. Các việc này sẽ bàn lại phần dưới.
(còn nữa)

No comments:

Post a Comment