Chuyện thằng lính đỏ
Chuyện thằng lính đỏ
Tháng Chín 12, 2012 bởi nguyenchan
Đôi giòng:
Mỗi người mỗi số phận, hẳn là nhiều người trong chúng ta
đã từng trải “số phận của mình” rất không giống
bất kỳ số phận một người nào khác (như vân tay nơi ngón tay) trên cõi nhân gian
chẳng chút đơn giản này. Chuyện của Đỗ Xuân Tê rất thật, mà cũng rất người. Nó
cho thấy một khuôn mặt khác rất đáng trân trọng của nước Mỹ: chính sách giúp đỡ
những người tàn tật, hỗ trợ những thanh niên ham học, nâng đỡ những người lớn
tuổi còn ý chí, và thiện chí tới trường,..
Xuân Tê
Chuyện thằng lính đỏ
Tôi với bố nó quen biết nhau từ khi gia đình ông di tản từ Quảng Trị vào
Saigòn. Rồi đưa đẩy thế nào, anh em lại ở cùng cư xá, cùng đi tù và ra Bắc. Có
khác là tuổi đời ông hơn tôi nửa con giáp, vai vế là người trên cấp, kinh nghiệm
và sở học đáng bậc đàn anh, về nhân cách, đạo đức là người đáng nể trọng.
Qua tháng tư đen thì mọi chuyện đổi thay. Bất hạnh ập đến, cái vui thì còn
giống nhau, chứ bất hạnh thì chẳng cái nào giống cái nào. Quả thực mỗi nhà mỗi
cảnh, nhà ông, nhà tôi, nhà lối xóm đều có những chuyện phải ứng phó. Đối với
gia đình có người đi tù cải tạo, lúc này mới biết tài xoay sở của mấy bà vợ ‘ngụy’,
trước kia vốn chỉ phụ thuộc vào thu nhập của chồng, nhưng nay phải trực diện với
cảnh chồng xa biền biệt, con cái ấu thơ, sinh nhai tạm bợ, chưa kể còn bị hù dọa,
o ép, kỳ thị, sách nhiễu thì phải nói là tâm thần các bà luôn ở thế bị động.
Nhưng cũng may, nhờ đức nhẫn nại của phụ nữ Việt trỗi dậy, cùng với bản
năng sinh tồn và sức mạnh nội tâm đã giúp nhiều bà thoát được sự hụt hẫng của cảnh
đời đứt quãng. Chung chung thì như vậy, nhưng bà vợ ông thì vẫn có những nét đặc
thù.
Khác với gia đình tôi, sau mấy năm chúng tôi ra Bắc, thì con cái ông có đứa
đã lớn. Nhà lại trai nhiều hơn gái.Thằng trai vừa tròn 18 mới xong cấp 3. Trùng
hợp thời điểm chiến trường Campuchia đang hồi ác liệt, bọn Pôn Pốt ở thế làm
mưa làm gió, nên tổn thất về thương tật do cái bẫy mìn cóc của Trung Quốc làm
cho lực lượng quân ‘ta’ thiếu hụt trầm trọng.
Cho nên dù lý lịch đen, hộ khẩu xám, con trai bọn ‘ngụy’
không được lên đại học nhưng vẫn được chiếu cố cho đi làm bia đỡ đạn xứ người.
Thằng con lớn của ông bỗng trở thành thằng lính đỏ. Chuyện này ông mù tịt, mọi
chuyện ở nhà thôi để cho bà lo.
Đi lính xanh hồi xưa còn mong có tin tức thường xuyên, chứ thời buổi lính đỏ
đi là đi biền biệt, cứ tạm coi như mất một thằng con. Hơn một năm sau, linh
tính như mách bảo chắc có chuyện không hay cho thằng lính đỏ. Thì vào một đêm tối
trời, mưa nặng hạt dưới phố, có một bóng đen dáng bà già, dúi vào cửa nhà bà một
mẩu giấy nhỏ. Bóng đen vụt đi, mẩu giấy nằm lại. Bà đưa cho con gái lớn xem giấy
gì, có khi lại là truyền đơn của mấy ông phục quốc.
Nhưng
buồn mà vui, té ra thằng con đang nằm ở viện 107 (Tổng y viện Cộng Hòa cũ), bị
mìn phải cưa chân nhưng còn sống.
Ngay sáng hôm sau, vội vàng mua mấy ổ bánh mì, hai lạng
chả heo, cùng ít thuốc trụ sinh còn giữ lại được hồi ông ở đơn vị, bà tất tả đi
thăm con. Dù bảo vệ cho gặp nhưng thằng
lính đỏ cũng bị hạch hỏi sao mẹ mày biết, nó chối nó không biết. Sự thực trên xe tải chuyển về viện, ngang qua
Ngã tư Bảy Hiền nó đã lén quăng mẩu giấy nhỏ có địa chỉ của nhà, một bà già nhặt
được tìm đưa cho mẹ nó. Chuyện khó tin nhưng có sao nói vậy.
Vì con là bộ đội đâu phải vượt biên hay tù cải tạo, nên hai mẹ con được trò
chuyện bình thường. Thằng con không dám khóc sợ mẹ buồn, sợ bị để ý không cho gặp
lâu, nhưng nó cũng tình thiệt kể lể sự tình.
Rằng
nó bị mìn cóc, lúc đầu chỉ phải cưa nửa bàn chân, nhưng vì tải thương chậm, khử
trùng ẩu, thuốc men thiếu, nên bị nhiễm trùng cưa dần lên tận đầu gối. Cho đến
lúc này, dù đang nằm viện cái giò vẫn còn nhiễm độc vì thiếu kháng sinh.
Nó cũng than phiền dù diện thương binh nhưng ăn uống chẳng
bằng ở nhà với mẹ, chuyên đề canh nấu món dưa chua, cơm theo tiêu chuẩn nên
càng thêm xót ruột. Từ đấy, mẹ nó lại phải một tuần hai lần thăm nuôi thằng
lính đỏ.Trước khi về bà không quên nhai dập mấy viên trụ sinh nhét vô miệng nó. Ấy vậy mà vài tuần sau
vết thương cũng lên da non có mòi thoát hiểm, còn phần dưới của chiếc giò thì vĩnh
viễn tặng không cho Pôn Pốt.
*
Ít tháng sau thằng lính đỏ được xuất ngũ, về nhà với diện
thương binh loại hai, kể như nhà phải nuôi báo cô. Vốn óc thực dụng, lấy độc trị
độc, mẹ nó cởi bỏ vai vợ ngụy mặc lấy ‘mác’ mẹ thương binh, trước mắt tận dụng
mọi thuận lợi như bao bà mẹ thương binh khác, cũng gạo tổ, bo bo hàng tháng, thịt
heo ngày tết, phiếu đường, dầu đun hàng quý… Lợi điểm nhất là khỏi bị công an
rượt đuổi khi bán chui ngoài chợ trời, một kế sinh nhai bà làm ăn từ sau ngày đứt
bóng.
Cũng từ khi thằng lính đỏ trở về với cái giò cụt, lối xóm của bà từ công an
khu vực, tổ trưởng dân phố đến các phó thường dân đều nhìn bà và đám con bà với
con mắt khác, không bị coi thường như trước khi con bà đi lính. Thôi thì tái
ông thất mã, trong cái xui có ló cái hên, bà tự an ủi như vậy.
Chuyện thằng trai lớn tạm yên, thì một tin vui lại đến với
bà. Đứa gái lớn cùng gia đình nhà chồng
an toàn đến đảo Bi-đông (Mã lai). Dưới mắt
bà thì từ nay con bà sẽ là cần câu cơm cho mẹ, kẻ cứu đói cho gia đình. Tuy
chưa nhận được tiếp tế từ ngoài, nhưng có con gái làm vật bảo chứng, bà mượn
ngay bảy chỉ vàng của bà tổ trưởng để làm một chuyến ra Bắc thăm ông lính xanh.
Chuyện ngắn chuyện dài, giãi bày tâm sự, bà khoe ngay
chuyện đứa gái, nhưng đắn đo mãi mới hé lộ chuyện thằng lính đỏ. Nghe xong, vui
buồn lẫn lộn, một đứa an toàn đi thoát, một đứa thương tật trở về, ông nói thôi
sống sót là may. Ông bà chia tay, ông như lên tinh thần, năm năm chịu cảnh mồ
côi nay đã hồi sinh, lại được gặp người vợ thủy chung còn gì phước bằng.
Bà vẫn tiếp tục buôn bán chợ trời, tận dụng cái ô dù bà mẹ thương binh. Được
cái tụi nhỏ rất ngoan, mẹ chỉ nuôi cơm, còn bảo nhau mà học. Hai đứa kế thằng
lính đỏ thuộc loại xuất sắc trong trường, một thằng được cử thi toán toàn
thành, một thằng cấp quận đều được ăn giải. Thuận buồm xuôi gió qua lớp 12, hai
anh em được nhận vào Bách Khoa. Hồ sơ có khai ông bố làm rẫy ngoài Bắc không cần
xác minh, nhưng cột anh em khai anh ruột ‘thương
binh cách mạng’ nhà trường không tin đòi công an phường xác nhận.
Không đầy một năm, vợ chồng đứa gái lớn được nhập cảnh Hoa Kỳ vì có cha
đang đi cải tạo cộng thêm cái bằng tu nghiệp Pháo binh cao cấp tại Mỹ của ông
lính xanh mẹ nó còn dấu được sau ngày ông đi.
Quà cáp bắt đầu rót về, nhưng kém xa mấy ông bà có con làm ‘neo’, vì con
bà tính học lên ngành vi tính. Bà có vẻ
không vui về chuyện này, trách con cứu đói như cứu hỏa, học neo không học, bày
đặt học cao. Nhưng mọi sự ngoài tầm tay,
chim đã sổ lồng, còn chồng của nó nữa.
Thế là bà phải vất vả thêm ít năm nữa.
Ở chế độ nào cũng vậy, có con gái thì đỡ, con trai lắm
chuyện nhức đầu, thời các cụ thì ngược lại, nhưng nay nhức đầu nhất vẫn là cái
gông nghĩa vụ. Chiến trường Campuchia
ngày càng sa lầy, mìn cóc không chết, chỉ gây thương tật rồi trở thành gánh nặng
cho gia đình, xã hội. Tụi Tàu cộng thâm thật, chơi sát ván thằng đàn em cùng
chung biên giới.
Nhà bà sắp phải lo cho thằng trai thứ tư, chẳng phải chuyện vợ con gì mà vẫn
chuyện bị đi lính đỏ. Thằng nhỏ biết mà vẫn lo, từ lo thành sợ bởi ám ảnh cái
giò cụt của ông anh, tối ngày ngồi một chỗ, tâm thần bất ổn như người mất trí.
Lại thằng Đực con bà Năm cùng lầu B, mới đi mấy tháng mà cánh tay từ cùi chỏ đổ
xuống cũng bị mất tiêu. Mải lo chuyện của mình mà nó vẫn nhớ vụ thằng Đực
chuyên thúc cùi chỏ vào ngực nó lúc đá banh chung, lại có phần ghen tị khi nhà
nó được đơn vị thông báo tải thương tử tế vì thuộc diện có công với cách mạng.
Chẳng biết do ai xúi bẩy, thằng nhỏ bảo mẹ để con lo, rồi
dấu mẹ dùng kế…giả điên mỗi lần được gọi đi tái khám sức khoẻ. Chuyện tưởng dễ ăn, ai ngờ lại chuyển theo
chiều hướng xấu, điên giả dần thành điên thật.
Sau một cơn sốt cao, nhập viện ít ngày trở về nhà, tâm thần thằng nhỏ
thay đổi hẳn, lúc cười lúc khóc, tay hay làm động tác giả như bắn súng. Ra ngoài gặp ai cũng pằng pằng, rồi cười
khoái chí. Mặt mũi thì lại hiền khô, không có vẻ gì là người mất trí. Công an
khu vực bắt đầu để ý, theo định kỳ gửi thằng nhỏ lên Chợ Quán để xét nghiệm thực
hư. Bà mẹ ngoài tầm tay, không biết xoay
sở thế nào vì thằng con cũng chẳng còn khả năng tư duy để thú thật mọi chuyện với
mẹ nó.
*
Giữa lúc này thì ông lính xanh được tha về, vì đã trên 8
năm, con đông, gia đình lại có con thương binh lính đỏ. Ông kiếm được một chân đạp xe ba bánh giao đồ
phụ tùng cho một tiệm buôn ở ngoại thành.
Tuy ra tù, có công ăn việc làm ngay, nhưng lại phải đối phó vì nhiều
chuyện nhức đầu khiến ông nghiệm ra rằng trong tù, ngoài tù mỗi nơi có caí khổ
riêng của nó, bất giác ông cảm thấy thương bà vợ tần tảo của mình.
Tôi vẫn phục ông ở chỗ tuy có máu nhà binh, nhưng không nóng nảy, chuyện gì
cứ từ từ rồi tính. Gần chục năm trong trại làm ông càng thêm nhẫn nại, cam chịu
an bài của số phận, ít khi phàn nàn than trách.
Nhưng chuyện đời khó đoán, bận rộn như vậy nào có ai dè đằng sau cái bề
ngoài an phận ấy, bố thằng lính đỏ vẫn có cái máu muốn làm chuyện khác đời. Ông muốn đòi… quyền làm con người! Ô hay!
Chuyện cứ như đùa? Mà lại đòi vào lúc ‘trên răng dưới dế, quản chế tại gia!’
Tôi vốn hay suy diễn nên ngờ rằng có thể ông gốc người Quảng Trị, vùng Hải
Lăng đất cằn sỏi đá, bão lụt thiếu ăn, dân quê ông chịu bao điều nghiệt ngã,
luôn muốn vùng lên, muốn đấu tranh không phải chỉ cho quê mình mà cho cả những
thân phận đồng cảnh ngộ, chính vậy mà quê ông nhiều người đi làm cách mạng, tất
nhiên cách mạng hiểu theo nghĩa cao quý của nó, chứ không phải kiểu cách miệng
ăn tiền như mấy lúc sau này.
Nhưng lúc này ở hoàn cảnh ông, ông cũng biết đấu tranh là dại, là ngu, nên
ông chọn một phương cách ôn hòa thường được xử dụng trong thời chế độ cũ là … ‘khơi động lương tri thế giới’ bằng cách gửi
thư cho các nguyên thủ quốc gia để cảnh báo về thân phận của quê hương, trong
đó có bi kịch của gia đình ông. Ông cũng nghe có nhiều nhà văn nhà báo đi tù về
họ cũng dám viết bài gửi ra ngoài, có người đã bị bắt lại như cái ông có bút hiệu
công tử gì đó. Ông có lợi thế là giỏi hai ngoại ngữ, tiếng Pháp hồi học trong nhà
dòng, tiếng Anh qua hai lần tu nghiệp Mỹ, nên viết thẳng bằng tay chẳng cần
đánh máy cho đỡ bị lộ.
Nghĩ là làm, ông tìm cách gửi thư cho Tổng thống Reagan, Nữ hoàng Anh, Tổng
thống Pháp, Tổng thống Phi, Vua Thái, Nhật hoàng v.v.… Có hai lá thư gửi cho nguyên
thủ đồng minh ông viết với tất cả tâm tình của một người lính cựu, một cho Tổng
thống Mỹ, lúc này đang có mối quan hệ khá mặn mà với Chủ tịch Gorbachev; một
cho Tổng thống Phi gợi lại tình đồng đội khi ông này chỉ huy một đơn vị dân sự
vụ tại Tây ninh hồi 65.
Chẳng biết có đến tay các vị này không, nhưng dù không có hồi âm, ông vẫn gửi.
Ông thường tiếp cận đám Tây ba lô đường Phạm ngũ Lão, vì ông nghĩ công an ít để
ý và tụi trẻ thường phóng khoáng không nỡ từ chối lời thỉnh cầu của một cựu
binh già cô thế muốn chuyển dùm lá thư riêng hầu mong thoát cảnh kềm kẹp áo
cơm.
Ông có hé lộ với tôi chuyện ông làm.
Chẳng sợ mếch lòng, tôi nói thẳng thừng chẳng ăn cái giải gì, vừa tốn
thì giờ, vừa nguy hiểm. Ông không nghe, cũng chẳng giận, vẫn tiếp tục gửi, danh
sách nguyên thủ ngày càng dài thêm.
Vài năm sau, khi mấy đài BBC, VOA (vợ ông là thính giả chui từ sau 80) cho
biết dường như có sự thương thuyết Mỹ-Việt liên quan đến số phận các tù cải tạo. Ông không tin, nhưng ngưng viết, nghe ngóng
tình hình. Ấy thế mà chuyện nghe như thần
tiên dần dà lại biến thành hiện thực.
*
Đầu 90, ông lính xanh nạp đơn xin cho gia đình đi Mỹ theo
diện H.O. Ngày phỏng vấn, ông bà và sáu
đứa con lần lượt được mời vô. Ông Mỹ từ
Bangkok đã xem hồ sơ gia đình chẳng cần hỏi gì thêm, chỉ nhìn thẳng vào thằng cụt
chân rồi quay đi.
Sau phần phỏng vấn là phần bắt tay chúc mừng, đột nhiên thằng giả điên, tay
giơ ra không bắt lại làm động tác giả như bắn súng, chĩa thẳng vào ông Mỹ miệng
hô “pằng pằng” như lúc ở nhà. Bố thằng
nhỏ hốt hoảng, xin phép người thông dịch nói thẳng bằng tiếng Anh vừa xin lỗi
ông Mỹ vừa kể lể sự tình.
Cuối cuộc phỏng vấn, thằng giả điên bị từ chối, số còn lại
được chấp thuận lên đường.
Ông lính xanh vốn thương con, muốn
đi thì đi cả, không được thì ở lại chờ con.
Ông
Mỹ như hiểu hoàn cảnh khuyên gia đình nên đi trước, ông hứa sẽ báo cho IOM (Tổ
chức Di Dân Thế Giớ) lo thuốc men chữa trị cho con ông, khi nào nó ổn định sẽ
cho sang sau. Ông bố chịu nghe, tin vào lời hứa của giới chức Mỹ. Ấy vậy mà mãi
bảy năm sau, thằng nhỏ mới đến được Cali. vì mỗi lần tái khám để đi thì lại “pằng
pằng” mấy ông bác sĩ Thụy điển nên bị kẹt lại.
*
Năm 2000, thiên niên mới của trái đất, gia đình ông lính
xanh mới thực sự đoàn tụ. Ngoái cổ nhìn lại, gia đình ông quả có nhiều thay đổi.
Trước hết nói về thằng lính đỏ. Sang Mỹ được hai tháng, cơ quan y tế giám định
lại quyết định cho nó ăn trợ cấp tàn tật và hưởng Medi-Cal. Mấy tháng sau cấp
cho một căn hộ khang trang nên nó ra ở riêng không phụ thuộc gia đình. Biết ơn
nhất là chiếc chân giả của cơ quan chỉnh hình vừa nhẹ, vừa dễ tháo ra lắp vô,
đi lại thoải mái, dẹp đi được cái của nợ cả chục năm vừa thô vừa nặng.
Nhưng về mặt tinh thần thì vết hằn nằm sâu trong não biến thành nỗi hận kể
từ ngày ở Campuchia về, nó chẳng thiết gì chuyện làm lại cuộc đời. Học thêm, học cao nó có thể làm được, thiếu
gì gương thành đạt của người tàn tật ở xứ này, nếu không muốn nói nước Mỹ là
thiên đường của người tàn tật. Nó biết
nhưng nó không ham. Nó quyết định sống độc
thân để khỏi phiền ai trong quãng đời còn lại.
Trong số các con, nếu ông thương yêu và dành sự săn sóc đặc
biệt cho thằng giả điên, thì bà mẹ không dấu tình cảm sâu nặng của mình cho đứa
trai đầu lòng, vì dù sao nó là đứa đã chia xẻ với bà gần như trọn vẹn những
long đong sau ngày ‘giải phóng’.
Đám em thằng lính đỏ sang đất Mỹ quyết chọn con đường đi học lại, không ham
các nghề có thể kiếm tiền ngay. Chúng chọn các ngành khoa học tuy có đánh vật với
tiếng Anh nhưng cũng tốt nghiệp không mấy khó khăn. Vợ chồng cô gái lớn đã ra kỹ
sư công chánh làm cho quận hạt dưới San Diego. Hai ông bách khoa như rồng gặp
mây, chỉ hai năm ở đại học cộng đồng chuyển thẳng lên UC Berkeley. Một ông xong
cao học về cơ khí, ông kia xung hơn lấy luôn hai bằng M.S. vừa cơ khí vừa
Computer Science, cả hai đều làm cho bên quân đội. Hai đứa út một trai, một gái
cũng xong cử nhân ngành Hóa và có việc làm ổn định dưới L.A.
Nói chung về mặt học hành anh chị em thằng lính đỏ thuộc loại thành đạt ở Mỹ,
đem lại sự an ủi cho gia đình và hãnh diện chung cho cánh con cái của các ông
lính xanh diện H.O.
Nhưng đáng nể nhất là ông già gân. Dù tuổi cao, chia trí
với trăm thứ bà giằng, chuyện nhà bên Mỹ, chuyện thằng con bên mình, vậy mà ông
vẫn đi học full-time lấy luôn hai bằng B.A. về Pháp ngữ và Political Science
trong vòng 5 năm. Pháp ngữ thì coi như học lại, ông có phần “trội” hơn giảng
viên, mất thì giờ là cho môn học kia. Học tiếp lên Cao học về Bang giao quốc tế
được hơn một năm thì ông nghỉ vì mấy loại bệnh của tuổi già. Nghỉ thì nghỉ
nhưng tôi biết ông vẫn còn thích học.
Ông vốn khiêm tốn về nhân cách, nhưng lúc học hành cũng hay làm thầy bà
nhức đầu, vì có lối tranh luận khác đời, cứ hỏi các bạn cùng lớp ở Cal State
/San Bernardino thì rõ.
Người chót được nhắc đến, nhưng không chót về vai vế, đó là bà ‘mẹ thương binh’. Trước sau bà vẫn là người cầm
càng trong cái gia đình đông con này. Như đã nói từ đầu, ngựa hay đường dài cũng
thấm mệt, thân cò lặn lội mãi cũng có lúc tiêu.
Bà bị suy thần kinh, suy tim xuống sức.
Sau khi thay bốn van tim, bà trở thành diện mất sức khi tuổi chưa đầy
60. Nhớ lúc đưa vô nhà thương trong tình trạng trụy tim, bà từ chối giải phẫu,
không chịu ký đơn, bảo ông mời cha xứ đến viện cớ đã thấy thiên thần, phần đời
sống thế đủ rồi. Đứa gái út khóc quá sợ
mẹ đi luôn. Động tình mẫu tử bà đổi
ý. Ấy thế mà số Trời cho sống là sống,
nay đã thêm được mười năm và khi hiệu đính những dòng này tôi được ông báo cho
biết bà vừa về nước Chúa.
*
Chuyện gia đình thằng lính đỏ xem ra trên đất Mỹ chẳng có
gia đình nào có cùng hoàn cảnh. Số phận,
dòng đời, ngọt bùi, cay đắng, phước họa khôn lường như đan quyện vào nhau, tưởng
có lúc không ngóc lên được. Nhưng gia đình nó đã sống sót.
Bằng sự thành đạt qua quá trình hội nhập nơi đất mới, anh em nó đã trải
nghiệm được cái giá của tự do để cùng bố mẹ chúng nối lại được nhịp cầu của cảnh
đời đứt quãng. Tất nhiên thế mạnh của đức tin là một yếu tố không thể thiếu,
như ông già gân có lần chia xẻ với tôi trước ngày xa xứ.: “ Sức người có hạn,
phải có sức mạnh của tâm linh mới vượt qua nghịch cảnh của đời này.” Câu nói ấy
đối với tôi giờ này vẫn còn chí lý.
Đỗ Xuân Tê
(viết lại như tấm hương lòng gởi bà chị Huệ)
Nguồn: T. Vấn & Bạn Hữu
No comments:
Post a Comment