“Hoa đào y cựu”
Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020
“Hoa đào y cựu”
Tôi vừa nhận được một bài viết của tác giả Thần Phong. Người bạn gửi bài này có lẽ quên không ghi tựa đề của câu chuyện. Cũng có thể đây là một bài viết không tên
chăng?
Xin mạn phép tác giả và người bạn thêm vào một tựa đề: “Hoa đào y cựu”, lấy từ bài thơ của Thôi Hộ mà trong bài viết có nhắc đến.
Nhân dịp xuân về xin post bài này để các bạn cùng thưởng thức. Mong rằng giữa bề
bộn của cuộc đời, chúng ta hãy tạm quên hết để chỉ thả hồn theo bài viết. Thiết nghĩ, chúng ta rất cần những giây phút như vậy!
***
Mùa xuân năm ấy trong thành Hạc Hoa xuất hiện một vị du sĩ
rất lạ lùng. Ông mang một cành đào rao
bán, phố phường xôn xao. Nhiều người hỏi mua, nhưng chẳng ai mua được. Có một người phục sức sang trọng,
trông khệnh khạng ra vẻ đại gia lắm. Y gặp vị du sĩ kia và hỏi:
- Cành
đào của ông
giá bao nhiêu?
Vị du sĩ bảo:
- Mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng
Y trố mắt lên:
- Hoa
đào của ông
có gì mà mắc thế?
Du sĩ bảo:
- Nếu ông
biết thì
tôi không cần phải nói,
nếu ông
đã không biết thì
tôi nói cũng bằng thừa.
Nói xong vị du sĩ bỏ đi, y đứng giữa đường chỉ chỏ với những
người hiếu kỳ xung quanh và bảo:
- Đồ điên!
Vị du sĩ cũng chẳng bận tâm y nói gì, ông vẫn ung dung bước, vẻ mặt rất
thanh thản. Ông đi giữa thành mà như
chẳng thấy bóng người. Ông bước đi mà tâm trí của ông như ở một phương trời mộng nào đó, chứ chẳng phải giữa thành Hạc Hoa này. Cuối đường, ông ghé vào
một quán nước đơn sơ ở góc thành, trong quán có vài vị khách trông cũng rất nhàn hạ. Đối diện bàn ông có
chàng trai trẻ ngồi một mình độc ẩm. Một lát sau, dường như chàng trai nhìn thấy ông bèn gật đầu chào. Chàng
buộc miệng khen:
- Hoa đào
đẹp quá!
Ông mỉm cười nói:
- Mỗi nụ hoa một
đồng tiền vàng.
Chàng trai bảo:
- Mỗi nụ chỉ một đồng tiền vàng thôi sao?
Bây giờ thì đến lượt vị du sĩ giật mình, ông hỏi:
- Cậu mua nổi sao?
Chàng trai bảo:
- Tiểu bối này
một xu cũng không
có, nhưng có vật này
có thể đổi được chăng?
Nói xong chàng ta bèn lấy giấy bút trong túi thảo bốn câu thơ:
“Hồng lên xuân sắc hoa đào
Vô
ngôn biệt ý
xin chào người dưng
Vì
chưng thương nhớ quá
chừng
Giang hà
một cõi
đã từng quen nhau?”
Viết xong, chàng trao cho vị du sĩ, ông ấy đọc lướt, nét mặt thoáng chút ngẩn ngơ, cầm tờ hoa tiên trên tay nhìn thẳng vào mắt chàng trai:
- Ta
đã rao bán mỗi nụ hoa một đồng tiền vàng, cả thành Hạc Hoa này đều bảo ta điên.
Giờ đây
ta gặp cậu, ta sẽ tặng cậu cành hoa này mà không lấy một xu. Không lẽ ta điên thật sao? Mấy mươi năm ngao du khắp sơn
hà, hôm nay ta gặp cậu kể cũng
như có
duyên nhau. Người trong thiên
hạ có
muôn vạn, nhưng dễ gì gặp được tri kỷ. Người xưa từng bảo: “Đắc nhất tri kỷ
khả dĩ bất hận”. Ta hôm
nay mãn nguyện lắm rồi! Cành
đào này là của cậu, cậu hãy
lấy nó
đi!
Chàng trai trẻ cũng ngạc nhiên không
kém, cậu ta vừa chạm tay vào cành đào thì nó lập tức biến thành vàng ròng trông rất rực rỡ. Cậu ta ngạc nhiên và rụt tay lại:
- Xin đa tạ vị tiền bối! Tiểu bối không cần thứ hoa vàng này, ngài hãy giữ lấy!
Vị du sĩ cười vang vang, quả thật ta không lầm người. Này chàng trai trẻ hãy cầm lấy cành hoa của cậu đi!
Nói xong, ông trao cành hoa cho chàng, lập tức cành hoa trở lại tươi thắm như thuở ban đầu. Chàng trai
vui mừng cảm ơn ông rồi hỏi tên họ, nhưng ông cười:
- Tên
họ mà
chi? Xác thân tứ đại này
vốn là
vật ô
hợp, nó
đã sanh ra thì nó sẽ hoại đi bất cứ lúc nào. Nó đã vốn mong manh vô thường mà còn cho nó một cái tên nữa, thì khác chi giữa cơn mộng còn mộng thêm
một giấc mộng con.
Chàng trai mời vị du sĩ một chén rượu thì ông lại bảo:
- Nó
là thứ độc dược, hại không biết bao nhiêu người trên thế gian này. Ta giữ giới không thể nhận, mong cậu không phiền lòng!
Chàng trai nói:
- Thưa
ngài, y theo nghĩa lý thì được, chấp ở văn tự thì há chẳng phải hủ nho sao? Người như lão tiền bối đây lẽ nào
lại dính
mắc?
Vị du sĩ đứng phắt lên, vỗ lấy vai chàng trai:
- Mấy mươi năm
rong ruổi, chưa có ai
nói với ta như thế! Cậu trẻ người mà kiến thức quảng bác, trông giản dị mà sâu sắc vô cùng. Rượu là nước mắt của thế nhân. Hôm nay, ta sẽ uống cạn chén này và sẽ chỉ một lần này thôi!
Nói xong ông cạn chén rượu rồi từ tạ quay bước đi.
Chàng trai vội theo hỏi:
- Thưa bậc tiền bối, ông đi về đâu? Ngày sau còn gặp lại nhau?
Ông cười bảo:
- Về đâu
ư? Ta về nơi ta đã
ra đi, thế gian này
như quán trọ bên
đường, cậu bận tâm làm gì? Còn mai này có gặp lại nhau
hay không,
làm sao ta biết được? Nếu có duyên thì gặp lại thôi! Một sát-na này cũng là trăm năm. Quá khứ đã qua, hối tiếc làm gì, tương lai chưa đến, mong mỏi mà chi, hãy vui với hiện tại này là đủ lắm rồi. Lẽ nào cậu chưa hiểu ra?
Nói xong vị du sĩ bỏ đi, chàng trai đứng nhìn theo cho đến khi bóng dáng ông xa hút cuối chân trời. Chàng quay lại cầm cành đào
trong tay lòng mang mang, rồi chàng quyết định đem lên chùa lễ Phật. Trên đường đi, người phố thị nhìn cành đào, nhìn
chàng chỉ trỏ, bàn tán xôn xao:
- Sao anh ta mua nổi cành đào mà
mỗi nụ hoa là một đồng tiền vàng?
- Anh ta bỏ ra cả gia tài lớn mới mua nổi cành đào này?
- Anh ta mua nó để làm gì vậy?
Mặc cho tiếng người bàn tán, mặc cho bao ánh mắt tò mò… Chàng đi thẳng đến chùa dâng
cành đào lên cúng dường Thế Tôn. Ra về lòng dạ lâng lâng, đêm chàng trở về căn phòng của mình chong
đèn viết:
- Ngàn năm trước, Thôi Hộ viết: “Đào
hoa y cựu” làm thao thức bao khách văn chương,
thời gian xóa nhòa tất cả, chôn vùi tất cả, ấy vậy mà cảm xúc của “Đào hoa y cựu” vẫn cứ thanh tân như thuở nào. Ngàn
năm đã qua rồi, ngàn năm nữa sẽ đến. Hoa đào nở rồi, cánh hoa rụng về cội cũng giống như ta vậy thôi. Ta đến đây, rong chơi trong thế gian này rồi ta lại đi. Ta chết đi, chỉ là cái xác thân tứ đại thôi, cái “thức” nó vẫn còn mãi mãi… Nó sẽ lên cao hay
xuống thấp tùy vào những việc ta làm, ta nói, ta nghĩ trong cuộc đời này! Người ta đến với nhau trong cuộc đời này, thương
hay ghét cũng đều có cái nhân sâu xa của nó. Khi đến, mình không thể lựa chọn vì việc đã thành rồi, ta chỉ có thể chuyển hóa nó cho mai sau mà thôi! Xác thân này
đã là hư huyễn, vậy thì cái gọi công danh
sao có thật được? Một cái huyễn chồng lên một cái huyễn. Vậy mà con người ta cứ khổ đau, cứ hại nhau… để chiếm cho được cái công danh kia! Nếu nói công danh thì thế gian này ai hơn được Thế Tôn, ấy vậy mà Ngài coi như đôi dép rách! Nối tiếp Ngài, chư tổ cũng vậy: Ngài Bồ Đề Đạt Ma, ngài An Sĩ
Cao… Đều là công danh bậc nhất, nhưng các ngài vứt bỏ như không! Hôm nay, ta gặp một bậc du sĩ kỳ lạ ở thành Hạc Hoa. Ông ta rao bán cành đào mà mỗi nụ hoa là một đồng tiền vàng, rồi ông ta tặng ta lại biến nó thành vàng ròng… Cái ta cần nào phải là hoa đào,
thì ra ông ấy thử lòng ta! May mà ta không trở nên hèn kém trong cái sát-na đầy ma quái ấy! Hoa đào mùa xuân, ao sen mùa hạ, lá vàng mùa thu, tuyết bạch trời đông. Thời gian cứ mãi xoay
vòng, ta sanh ra rồi lớn lên, lại già đi rồi chết… thế là lại một vòng quay mới. Cái vòng
quay miên viễn không dừng lại bao giờ! Ta biết Thế Tôn và các vị giác ngộ đang ngồi xem cái vòng
quay bất tận miên man này! Hoa đào năm nay rực rỡ nào có kém gì hoa đào ngàn năm trước của Thôi Hộ, hoa đào nở, cánh bay
trong gió, cánh rụng về cội, thảm cỏ xanh hồng lên sắc hoa đào.
“Thương
nhau tình thắm cánh
hoa đào
Trời phương ngoại
mùa xuân lòng nao nao
Người đâu?
Ta
đâu?
Nay
nhặt cánh
hoa mai về bên
ấy!
Một trời trắng mây.”
Hoa nở rồi rụng, người đến rồi đi, xác thân sẽ hoại, lưu lại chút tình, ai nhớ ai quên, dù quen dù lạ… Một ngày mùa xuân ngôn ngữ sao tả được? Chữ nghĩa mà chi? Dù thân sơ, dù sang hèn… đã đến nơi đây thì đã lưu
lại chút tình hoài!
THẦN PHONG
PHỤ LỤC:
BÀI THƠ HOA ĐÀO – Thôi Hộ
Posted on June 25, 2018 by Vân Đạm
Đề Đô Thành Nam Trang
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân
diện đào
hoa tương ánh hồng.
Nhân
diện bất tri hà
xứ khứ,
Đào
hoa y cựu tiếu đông
phong*.
(*Có bản đề là “xuân
phong”. Tuy nhiên, đông phong và xuân phong đều mang ý nghĩa là
cơn gió của mùa xuân)
Nguyên tác:
題 都 城 南 莊
去 年 今 日 此 門 中,
人 面 桃 花 相 映 紅。
人 面 不 知 何 處 去 ?
桃 花 依 舊 笑 東 風。
Bản dịch nghĩa:
Bài thơ đề ở ấp phía nam Đô Thành*
Năm trước ngày này ngay cửa này,
Mặt người, hoa
đào
ánh hồng lẫn nhau.
Mặt người chẳng biết đã đi đâu?
Hoa đào vẫn như
xưa cười với gió đông.
(*Đô Thành:
tức thành Trường An – kinh đô của nhà Đường)
Thiên Thai - Văn Cao - Hoàng Oanh
No comments:
Post a Comment