Sunday, March 8, 2020


Tại Sao Một Dân Tộc, Một Nền Văn Hóa Bị Tiêu Diệt

Tại Sao Một Dân Tộc, Một Nền Văn Hóa Bị Tiêu Diệt
 Monday, July 08, 2019  Bình Luận , Bùi Phạm Thành , ĐSLV Đọc: 177


Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)

Ở thế kỷ thứ 15, các quốc gia hùng mạnh về hàng hải của châu Âu bắt đầu tìm cách bành trướng lãnh thổ vượt qua ranh giới của đại dương. Với danh nghĩa truyền bá tôn giáo, khai hóa các giống dân mà dưới mắt nhìn của họ là "chậm tiến" hay "man rợ", các nhà mạo hiểm dựa vào thế lực và tiền tài của giáo hội và giới hoàng gia, quý tộc để xâm lăng, chiếm đoạt tài sản của các quốc gia và dân tộc thua kém họ về kỹ thuật.
Về vấn đề mở mang bờ cõi thì quốc gia nào cũng có làm, bởi vì đã là người thì ai chẳng có lòng tham về tiền tài và quyền lực. Thế nhưng những kẻ tham lam về tiền tài và quyền lực lại đi một bước quá xa và quá tàn ác là diệt chủng, hay ít ra cũng tiêu diệt cả một nền văn hóa của quốc gia bị xâm chiếm. Các quốc gia Nam Mỹ là điển hình của sự tiêu diệt văn hóa. Tuy không bị diệt chủng, nhưng văn hóa và ngôn ngữ đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Thế cho nên, nhìn qua lịch sử, thì thấy rõ rằng:

 Muốn tiêu diệt một dân tộc thì chỉ cần tiêu diệt văn hóa và ngôn ngữ của họ.

Và như thế thì dân tộc Việt Nam đang trên đà bị diệt chủng vì lý do văn hóa Việt Nam đang xuống dốc một cách thảm hại về cả hai phương diện giáo dục học đường và giáo dục xã hội, đồng thời ngôn ngữ của Việt Nam đang bị tàn phá và chà đạp một cách vô tình bởi người Việt ở hải ngoại, hay cố ý một cách ngu xuẩn của những kẻ tự xưng là "đỉnh cao trí tuệ" ở trong nước.
Giáo dục học đường là những gì chúng ta học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giới hạn trong những năm còn ngồi trong lớp học. Giáo dục xã hội là những gì chúng ta được học sau khi rời ghế nhà trường để hội nhập vào xã hội. 

Giáo dục, xã hội là loại giáo dục liên tục, chỉ chấm dứt khi ta lìa trần.

Báo chí hàng ngày ở Việt Nam, cho dù bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước cộng sản, vẫn cho thấy những tệ trạng của nghành giáo dục, hầu hết quá ghê tởm để nhắc lại. Gần đây, tin tức trong nước cho thấy tiếng Nga và Tàu là hai ngoại ngữ không những được đưa vào học đường mà còn dùng trong các khu du lịch. Còn giáo dục xã hội thì cho thấy dân chúng chỉ chú trọng vào việc kiếm tiền, cho dù phương cách kiếm tiền có làm hại cho người khác, như dùng hóa chất của Trung cộng để chế biến thức ăn hay trồng trọt.
Về tinh thần và thể chất thì các quán nhậu, hát karaoke, thi đua văn nghệ đang đầu độc và giết hại từng lớp thanh niên trong nước. Những cuộc biểu tình chống đối đã thưa dần. Những người đối kháng đã vắng dần vì lý do bị đàn áp, bắt bớ, tù đày, hay vùi đầu trong những quán nhậu vỉa hè ở khắp hang cùng ngõ hẻm.

So sánh giữa hai thái độ:

Tranh đấu để vào tù hoặc ít ra cũng bị đàn áp, đánh đập
Ăn nhậu và ca hát thì chẳng bị ai làm phiền

Chẳng cần phải là triết gia, hay chuyên viên trong nghành phân tích thì cũng có thể biết phần thắng sẽ nghiêng về bên nào. Chả thế mà Việt Nam là quốc gia đứng đầu châu Á về tiêu thụ rượu bia!
Về ngôn ngữ thì kể từ sau năm 1975 đã xuất hiện một thứ ngôn ngữ ngây ngô, vô nghĩa và những từ ngữ dịch từ tiếng ngoại quốc không theo quy luật về ngôn ngữ và văn phạm của Việt Nam. Rồi mấy năm gần đây lại có một "học giả" đề nghị thay đổi chữ viết đã thành một trò cười cho người Việt trong cũng như ngoài nước. Chuyện này đã được bàn tán rất nhiều trong hai năm qua, thiết tưởng không cần nói thêm hoặc nhắc đến tên của "học giả" đó nữa.

Ngày Trở Về Của Điệu Nhạc Bolero

Gần đây, nhạc điệu Bolero và những bài "Nhạc Lính" đã bùng phát, trở thành một hiện tượng mới lạ cho nền ca nhạc trong nước. Vài nhà phân tích hay văn sĩ đã vội vã tuyên bố rằng "Nhạc Bolero, nhạc vàng, sẽ chiến thắng, hay ít ra cũng thay đổi thể chế, đường lối cai trị của đảng cộng sản Việt Nam." Đây là một hy vọng viễn vông, vì chỉ căn cứ vào bề mặt của dữ kiện, chứ không nhìn sâu để suy nghĩ về hậu quả lâu dài của nó.
Về bề mặt thì khơi lại dòng nhạc Bolero là điệu nhạc kể chuyện có nhiều liên hệ đến cuộc chiến Quốc-Cộng vừa qua, đặc biệt là với người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH). Sự trở về của điệu nhạc Bolero không mang ý nghĩa của sự thay đổi về văn hóa hay chính trị, mà nó thực sự là một công cụ để hướng dẫn giáo dục xã hội của nhà cầm quyền cộng sản, ru ngủ lớp thanh niên, thiếu nữ trong nước. Việc "cả nước hat Bolero" đã tạo nên một thứ "thanh bình giả tạo" của "thiên đường xã hội chủ nghĩa" trong đó có đèn màu, sân khấu, nhạc Bolero và bia rượu tràn đầy, che khuất những tệ trạng xã hội như hối lộ, tham nhũng, ấu dâm, và nhất là che dấu được những dự án "đặc khu" và tình trạng Trung cộng xâm lăng Biển Đông. Những tệ trạng xã hội, chính trị và an ninh quốc gia đều đã bị tiếng nhạc Bolero lấn át và những ly bia cuốn trôi, rửa sạch!
Trong tất cả các video về nhạc Bolero ở Việt Nam được đăng trên youTube cho thấy gần như 100% khán giả và ca sĩ là ở trong tuổi thanh niên (từ 15 đến 35 tuổi). Thanh niên là rường cột của quốc gia, thế mà thanh niên Việt Nam chỉ chú tâm vào nhạc Bolero và rượu bia. Rường cột như thế thì còn bao lâu nữa ngôi nhà Việt Nam sẽ xụp đổ? Thời gian qua đi như tên bay, thế cho nên câu trả lời là chẳng còn bao lâu nữa.
Mặt trái của ngày trở về của dòng nhạc Bolero là điệu nhạc ru hồn, đưa thanh niên Việt Nam vào hố thẳm của nghĩa trang. Việt Nam đã được ví như là một nhà tù vĩ đại, tương lai sẽ trở thành một nghĩa trang rộng ngoài tầm mắt của một dân tộc đã từng có hơn bốn ngàn năm văn hiến.
Mỗi lần điệu nhạc Bolero trổi lên là một lần oan hồn của những tử sĩ của QL/VNCH lại phải nhỏ giọt lệ máu khóc than cho một quốc gia, một nền văn hóa lẫy lừng đang bị thiêu hủy theo từng nốt nhạc, từng bọt bia của tuổi trẻ Việt Nam.
Chúng ta đã biết mệnh đề thứ nhất là 
"Muốn tiêu diệt một dân tộc thì chỉ cần tiêu diệt văn hóa và ngôn ngữ của họ."
Và mệnh đề thứ hai 
"Muốn tiêu diệt khả năng phấn đấu của một dân tộc thì đầu độc tinh thần và thể chất thanh niên của họ."
Nhạc Bolero và rượu bia là hai yếu tố sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ diệt vong.

Trách Nhiệm Của Người Việt ở Hải Ngoại

Trong lịch sử, người Tàu đã có một thời gia rất dài để cai trị và tiêu diệt văn hóa Việt Nam, từ chữ viết đến phong tục, quần áo và thức ăn, nhưng họ đã thất bại. 
Rồi đến người Pháp cũng làm như thế và cũng chẳng thành công. 
Có thể nói Việt Nam là quốc gia duy nhất bị chiếm làm thuộc địa lâu đời mà vẫn còn giữ nguyên được văn hóa và ngôn ngữ.

Trong tạp chí Nam Phong số 86 (năm 1924), Phạm Quỳnh viết:

"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn;
Tiếng ta còn, nước ta còn."

Ngôn ngữ quan trọng là như thế, lịch sử đã chứng minh các dân tộc Nam Mỹ, người Chàm và người Khmer Krom ở Việt Nam tuy chưa bị diệt chủng, nhưng văn hóa và ngôn ngữ của họ đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Hiện nay trên tất cả các phương tiện truyền thông ở hải ngoại, loại ngôn ngữ của cộng sản Việt Nam đang được dùng và phổ biến rộng rãi đến cộng đồng người Việt, thế cho nên tác giả Trần Văn Giang đã phổ biến trên mạng lưới điện toán toàn cầu (Internet) một bản đối chiếu về từ ngữ Việt cộng và Việt Nam Cộng Hòa (1). Tuy chưa có thể xem là đầy đủ, nhưng ít ra cũng là bước khởi đầu cần thiết và đáng ca ngợi. Trách nhiệm của chúng ta, người Việt hải ngoại, là không dùng hoặc phổ biến từ ngữ cộng sản. Vì nếu tiếng cộng sản lấn áp tiếng ta thì nước ta và dân tộc ta, Việt Nam, nếu không bị diệt vong thì cũng trở thành thuộc địa của Trung cộng.

Thế Giới Chuyển Mình Với Tuổi Trẻ Hồng Kông

Tóm lại, người Việt ở hải ngoại đừng để ngôn ngữ Việt cộng lấn áp ngôn ngữ VNCH, và người dân trong nước, đặc biệt là giới trẻ, đừng để điệu nhạc Bolero mang oan hồn của tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa về quê hương để nhỏ lệ lần thứ nhì, mà hãy biến Bolero thành một nơi tụ họp của tuổi trẻ Việt Nam với linh hồn của tử sĩ VNCH cùng chung sức để lật đổ tà quyền cộng sản. Không để những tiếng đàn, giọng hát, ánh đèn sân khấu làm phai nhạt ý chí quật cường của dân tộc. Hãy để những lời ca của "Nhạc Lính" và điệu Bolero nhắc nhở những người thanh niên trong nước rằng hãy cùng nhau chung sức xóa tan chủ nghĩa cộng sản, lật đổ đảng cộng sản và bè lũ cầm quyền độc tài, chuyên chế ở Việt Nam để cứu lấy quê hương. Thù trong là Việt cộng và giặc ngoài là Trung cộng. Sự tồn vong của quê hương Việt Nam đang nằm trong tay của giới trẻ ở Việt Nam. Hãy nhìn vào Hồng Kông để thấy rằng sức mạnh của dân chúng, của tuổi trẻ là mãnh lực gìn giữ và mang lại hòa bình, tự do và nhân quyền cho quốc gia. Đừng bị ru ngủ bởi nhịp điệu Bolero, mà hãy tỉnh thức với "Nhạc Lính".

Hẹn một ngày gặp lại các bạn trẻ để cùng hát lại những bản nhạc nhạc lính của một thời vàng son của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.

Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)
(1) Bản Đối Chiếu - TỪ NGỮ Việt cộng & TỪ NGỮ Việt Nam Cộng Hòa

Download:

No comments:

Post a Comment