Monday, March 30, 2020


Thế giới ngày càng tồi tệ hơn sau cái chết của Việt Nam Cộng Hòa






Saturday, April 27, 2019

Thế giới ngày càng tồi tệ hơn sau cái chết của Việt Nam Cộng Hòa

 Vann Phan/ Quyền Làm Người

(Nhân tin TT Trump kéo dài "social distancing" tới 30/4 làm tôi nhớ́ ngày 30/4 của miền Nam năm xưa, nên tôi đăng lại bài này)



Người dân miền Nam Việt Nam di tản sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Flickr manhhai)


Sau khi Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945) kết thúc hồi tiền bán thế kỷ 20, phần còn lại của thế kỷ này có sáu sự kiện được coi là nổi bật nhất.

- 1/ Đó là việc Cộng Sản Trung Hoa đánh đuổi Trung Hoa Dân Quốc ra đảo Đài Loan và chiếm quyền cai trị tại Hoa Lục (1949),

- 2/ cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-53),

- 3/ cuộc Chiến Tranh Đông Dương (1946-1954),

- 4/ cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975),

- 5/ Sài Gòn thất thủ trước cuộc tấn công của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt (1975),

- 6/ và sự tan rã của Khối Cộng Sản Đông Âu (1989) kéo theo sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết (1991).

Khác với năm sự kiện kia trong hậu bán thế kỷ 20, cái chết của Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, đã dẫn đến những hậu quả khốc liệt và dai dẳng, chẳng những kéo dài sang những thập niên đầu của thế kỷ 21 mà sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập niên tới nữa.


Niềm tin vào công lý và hòa bình hầu như tan vỡ


Thật không thể nào kể hết những hậu quả tồi tệ gây ra cho dân tộc Việt Nam cũng như dân chúng Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới yêu chuộng tự do, dân chủ sau cái chết của Việt Nam Cộng Hòa, một nền Cộng Hòa non trẻ nhưng vẫn là một tấm gương sáng tại vùng Đông Nam Á. 
Bất kể sự thể chính phủ và nhân dân miền Nam Việt Nam thời đó cứ liên tục bị các lực lượng thù địch từ khối Cộng Sản Quốc Tế và từ những quốc gia tự do, dân chủ lầm mê không ngớt đánh phá và rủa sả cho đến khi quốc gia đáng thương này bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Hậu quả trước tiên và trầm trọng nhất của việc để cho Cộng Sản quốc tế ngang nhiên xóa sổ một quốc gia có chủ quyền và từng được hơn 50 nước – tức là hơn 2 phần 3 tổng số thành viên tổ chức Liên Hiệp Quốc thời đó – công nhận là một đòn nặng giáng vào lẽ công bằng và nền đạo lý thế giới.

Đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại khi cái Ác nghiễm nhiên thắng cái Thiện giữa tiếng reo hò đồng lõa chẳng những của phe phản chiến tại Mỹ và dân đòi hỏi hòa bình với bất cứ giá nào tại miền Nam Việt Nam mà còn của đám thiên tả quốc tế, cầm đầu là Thủ Tướng Olof Palme của Thụy Điển. Ông là người chuyên đề cao “chính nghĩa” của Cộng Sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam Tự Do, đồng thời ra sức miệt thị cuộc chiến đấu bảo vệ tự do, dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa, trong khi rõ ràng là những kẻ Ác trong hai trận Thế Giới Đại Chiến và Chiến Tranh Triều Tiên trước đó đều đã bị cái Thiện đánh bại.

Sau Việt Nam Cộng Hòa, niềm tin vào công lý và hòa bình hầu như tan vỡ, và tiền lệ Ác thắng Thiện từ cuộc Chiến Tranh Việt Nam năm xưa đang trở thành thông lệ của thế giới ngày nay, với những “người hùng” mới trong chốn giang hồ, như Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Trung Cộng, Kim Jong Un của Bắc Hàn, Ayatollah Khamenei của Iran, Recep Tayyiv Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, và gần đây nhất là Nicolás Maduro của Venezuela.

Một khi Ác đã thắng Thiện, nền đạo lý của thế giới cứ thế mà liên tiếp suy đồi, tiêu biểu là niềm tin vào tôn giáo cũng như số tín đồ đi nhà thờ hoặc đi chùa dần dà suy giảm, nhất là những tôn giáo có giáo luật khắt khe như Công Giáo La Mã khi các vị chủ chiên phải chứng kiến cảnh giáo dân ngày càng đòi hỏi quyền tự do thoát khỏi các giáo điều nghiêm ngặt, trong khi một số các tu sĩ nay muốn xin hoàn tục để có thể lấy vợ.

Ngày nay, tiếp theo sau sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, tổ chức Liên Hiệp Quốc, ra đời từ sau Thế Chiến Hai với mục đích duy trì trật tự thế giới, bảo vệ nhân quyền và ngăn ngừa các nước lớn khỏi thôn tính các quốc gia nhỏ yếu, đành bất lực. Liên Hiệp Quốc chỉ biết đứng nhìn trật tự thế giới bị đảo lộn, nhân quyền bị vi phạm khắp nơi, và các nước mạnh tha hồ sáp nhập lãnh thổ của các nước yếu mà thế giới vẫn tỉnh bơ chẳng nói năng gì, từ bán đảo Crimea ở Ukraine qua đồi Golan Heights ở Syria cho đến các hải đảo thưa người trên Biển Đông (South China Sea).

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, một thế giới đang hớn hở vì việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam bỗng bàng hoàng khi phải chứng kiến cảnh hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi để lánh nạn Cộng Sản – một chế độ cai trị mà cộng đồng quốc tế lúc bấy giờ vẫn lầm tưởng là sẽ đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam.

Theo đó hàng trăm nghìn thuyền nhân (boat people) đã bỏ mạng trên đường vượt biển qua Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Indonesia, và Singapore, trong khi một số nhỏ hơn gồm các bộ nhân cũng đã chết vì bị truy đuổi hoặc kiệt sức trên đường vượt biên giới Việt Nam để qua Cambodia và Lào trên đường tới Thái Lan.

Làn sóng thuyền nhân Việt Nam vượt biển tìm tự do trong các thập niên 1970, 80 và 90 đã tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo không tiền khoáng hậu trong lịch sử của Liên Hiệp Quốc, với việc Phủ Cao Ủy Ty Nạn của tổ chức này đã phải vất vả huy động tài nguyên để cứu trợ dân ty nạn và tìm kiếm các đệ tam quốc gia chịu đón nhận những con dân Việt Nam đã đánh mất quê hương đến tái định cư.



Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, một thế giới đang hớn hở vì việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam bỗng bàng hoàng khi phải chứng kiến cảnh hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi để lánh nạn Cộng Sản. (Hình: Flickr manhhai)


Miếng mồi ngon của chủ nghĩa vật chất


Đối với nước Mỹ, kẻ đã chọn nhân dân miền Nam Việt Nam làm bạn đồng minh trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản quốc tế, để rồi sau đó bỏ rơi nửa chừng các chiến hữu của mình vào tay kẻ thù chung, hậu quả của việc đánh mất miền Nam Việt Nam cũng thê thảm không kém.

Trước hết, phong trào phản chiến tại Mỹ và phong trào híp-pi (hippie) đòi tự do tuyệt đối chống các giá trị truyền thống, cùng với cuộc cách mạng tình dục (sex revolution) nằm trong hệ tư tưởng mà các nhà nghiên cứu gọi là “ý thức hệ thập niên 1960” (“1960s ideology”) từng làm rung chuyển tận gốc rễ các xã hội bảo thủ tại nhiều quốc gia Tây phương, đã được hà hơi, tiếp sức bởi chiến thắng của phe Cộng Sản tại Việt Nam.

Hậu quả của ý thức hệ mới này là đại đa số dân chúng tại các quốc gia Tây phương đều dần dà trở thành miếng mồi ngon của chủ nghĩa vật chất (materialism), với khuynh hướng thủ đắc và hưởng thụ các khoái lạc vật chất thay vì xả thân cho các lý tưởng, trong đó có lòng yêu nước (patriotism) từng là vốn quý của các nhà lập quốc Mỹ (founding fathers) trong sự nghiệp đánh đuổi thực dân Anh để giành độc lập cho Mỹ Quốc hồi hạ bán thế kỷ 18.

Sau Việt Nam, nước Mỹ thụt lùi mãi trên võ đài thế giới, và lần lượt để mất Mozambique (Tháng Sáu, 1975) rồi Angola (Tháng Mười Một, 1975) vào tay phe Cộng Sản, Iran (Vương Quốc Ba Tư) vào tay phe Hồi Giáo chính thống triệt để chống Mỹ (Tháng Giêng, 1979), và Nicaragua vào tay phiến quân cánh tả được Cộng Sản ủng hộ (Tháng Bảy, 1979).

Nhưng thảm bại đau đớn nhất vẫn là sự suy thoái của ảnh hưởng Mỹ tại Á Châu-Thái Bình Dương, trong đó phải kể đến việc đồng ninh Phi Luật Tân bất ngờ yêu cầu Mỹ đóng cửa Căn Cứ Không Quân Clark (Clark Air Base) hồi năm 1991 và Quân Cảng Subic (Subic Bay) hồi năm 1992.

Và kế đó là việc Trung Cộng liên tục lấn chiếm các hải đảo và bãi đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông (mà quốc tế gọi là South China Sea) từ năm 1988 (lúc Trung Cộng đánh chiếm nhóm đảo Gạc Ma, tức Johnson South Reef, của Cộng Sản Việt Nam) để thiết lập các pháo đài kiên cố trên vùng biển này, có diện tích bao trùm ba phần tư Biển Đông, với mục đích bành trướng lãnh thổ và khống chế con đường hàng hải quốc tế từ Tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương.

Trung Cộng làm được điều này vì sau khi chính quyền Nixon-Kissinger, dưới áp lực của Quốc Hội Mỹ do đảng Dân Chủ nắm quyền, đã để mất quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam Cộng Hòa đang sở hữu vào tay Trung Cộng hồi Tháng Giêng, 1974, trước khi nước Mỹ chính thức bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay các lực lượng Cộng Sản quốc tế, trong đó chủ yếu là Trung Cộng, hồi Tháng Tư, 1975.


Hoa Kỳ nịnh nọt kẻ thù cũ của mình


Ăn năn thì đã muộn rồi, Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Barack Obama (2009-2017) đã phát động một chính sách Á Châu-Thái Bình Dương mới, gọi là Chuyển Trục Về Á Châu (Pivot to Asia), gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự ngày một nguy hiểm hơn của Trung Cộng tại Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng Đông Nam Á.

Chính sách mới của Mỹ từ sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam đặc biệt chú trọng tới hai nước Phi Luật Tân, một đồng minh lỏng lẻo của Mỹ (sau khi Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa khiến Phi Luật Tân mất tin tưởng vào việc liên minh gắn bó với Mỹ) và Cộng Sản Việt Nam, kẻ cựu thù của Mỹ trong chiến tranh, nước đang thay thế Việt Nam Cộng Hòa cũ để duy trì chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị các nước Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai Á, Indonesia, Brunei, và nhất là Trung Cộng, tranh chấp quyết liệt.

Đối với Phi Luật Tân, vào năm 2014. Mỹ đã dụ dỗ và ký được Thỏa Hiệp Tăng Cường Cộng Tác Quốc Phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement) với họ, cho phép Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự mới tại quốc gia Đông Nam Á này, sau khi đã bị hất cẳng ra khỏi các căn cứ hải và không quân tại Phi Luật Tân hồi đầu thập niên 1990.

Đối với Cộng Sản Việt Nam, Mỹ lại càng ráo riết ve vãn gấp bội để nước này trở thành một đối tác chiến lược quan trọng trong vai trò chận đứng sức mạnh quân sự ngày một to lớn của Trung Cộng trên Biển Đông, mặc dù Hoa Kỳ thừa biết rằng Cộng Sản Việt Nam, trước sau như một, vẫn là đệ tử ruột của Bắc kinh vì họ cùng chung ý thức hệ Cộng Sản.

Thật tội nghiệp cho Hoa Kỳ dưới các chính quyền Barack Obama và Donald Trump khi cường quốc này có những hành động gần như nịnh nọt kẻ thù cũ của mình chỉ để được cái vinh dự tặng không cho Cộng Sản Việt Nam các tàu tuần duyên dùng trong lực lượng Cảnh Sát Biển. Không chỉ vậy, còn để họ cho phép Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ (U.S. Pacific Fleet) đưa tàu chiến, kể cả hàng không mẫu hạm, đến cập cảng Vịnh Cam Ranh cho đỡ nhớ nhung “thuở tung hoành hống hách những ngày xưa” chứ chẳng có hy vọng gì lôi kéo được nước chủ nhà theo chế độ cộng sản này về phía mình để chống Trung Cộng cả.

Lẽ ra thì ngày nay Hoa Kỳ không cần phải làm thế nếu họ đã không phạm một sai lầm chiến lược cực kỳ tai hại, đó là bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay Cộng Sản hồi năm 1975.



Hoa Kỳ phạm một sai lầm chiến lược cực kỳ tai hại, đó là bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vào tay Cộng Sản hồi năm 1975. (Hình: Flickr manhhai)


Thế giới đang ngày càng bất an hơn


Một sự kiện tiêu biểu cho niềm ân hận sâu xa của dân tộc Mỹ khi trót lỡ để mất tiền đồn Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Cộng cách nay nửa thế kỷ vào tay Cộng Sản là việc Thượng Viện California vừa thông qua Nghị Quyết SCR 7 “Black April-Tưởng Niệm Tháng Tư Đen” do Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Tom Umberg, là đồng tác giả cùng với Dân Biểu Dân Chủ Tom Daly và Dân Biểu Cộng Hòa Tyler Diệp, đệ trình bằng ty số phiếu tuyệt đối 36/0.



John Umberg



Tom Daly

Thông cáo báo chí của văn phòng Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg cho biết Nghị Quyết SCR 7 mang nội dung tưởng niệm 44 năm ngày Sài Gòn thất thủ và quy định Tháng Tư, 2019, là “Black April-Tưởng Niệm Tháng Tư Đen,” một thời điểm đặc biệt để người dân California tưởng nhớ về vô số sinh mạng đã nằm xuống trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam, hướng đến công lý, tự do và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.

Dịp này, Thượng Nghị Sĩ Umberg tuyên bố: 
“Điều quan trọng là chúng ta không bao giờ quên thảm kịch ‘Black April-Tháng Tư Đen’ và nhận thức được mối quan tâm hàng đầu hiện nay của những người Mỹ gốc Việt là nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ, và đấu tranh chống lại nguy cơ đất nước Việt Nam bị ngoại bang xâm lược.”

Cách đây mấy năm, nhân tưởng niệm 41 năm ngày Việt Nam Cộng Hòa, biểu tượng của nền tự do, dân chủ và tính nhân bản của con người, sụp đổ trước đoàn quân xâm lược của Cộng Sản Bắc Việt, một số tác giả cho rằng thế giới đang ngày càng bất an hơn, thế giới còn gian dối hơn, nham hiểm hơn, phản phúc hơn, vô liêm sỉ hơn, vô thần hơn, ham mê vật chất hơn, và vô đạo đức hơn.

Một lý do đơn giản là sự phản bội “vĩ đại” của thế giới – không riêng gì Hoa Kỳ là nước triệt để theo thực dụng chủ nghĩa – đối với Việt Nam Cộng Hòa đã là nguồn cảm hứng vô song cho cái Ác tiến lên giữa lúc cái Thiện đang ngày càng co rúm lại trên đường rơi xuống vực thẳm của hư không.

Tình trạng tồi tệ này của thế giới ngày nay đang được nhận thấy rõ ràng với sự ra đời của tổ chức khủng bố ISIS thuộc Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic Caliphate), các hoạt động thủ đắc võ khí nguyên tử, gây bất an và tạo mầm mống xung đột tại vùng Trung Đông của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.

Việc Liên Bang Nga của Vladimir Putin ngang nhiên đưa quân vào uy hiếp thủ đô Tbilisi của Georgia để yểm trợ cho tỉnh South Ossetia ly khai khỏi nước này, việc Liên Bang Nga cưỡng chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine đồng thời đưa nhân sự và vũ khí vào yểm trợ cho vùng Donbass (Đông Ukraine) ly khai.

Hành động ngang ngược của Trung Cộng từ việc bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông và hiếp đáp các quốc gia nghèo trong sáng kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative) cho tới hành động do thám để phá hoại an ninh thế giới của tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), kế hoạch phát triển bất hợp pháp võ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn nhằm đe dọa an ninh của Nam Hàn, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ.

Cuộc thanh trừng và đàn áp không nương tay phe đối lập và nhóm người Kurds thiểu số trong nước của chính quyền Tayyiv Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, hành động bỏ đói và đàn áp dân chúng của chính quyền Nicolás Maduro tại Venezuela, và ngay cả tình trạng chia rẽ vì bè phái chưa từng thấy trong lịch sử của nước Mỹ trước và sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ hồi năm 2016, dẫn đến việc tỷ phú Donald Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.


Thay lời kết


Tình trạng tồi tệ này của thế giới ngày nay phát sinh từ thái độ hèn nhát và hùa theo “công lý kẻ chiến thắng” (“victor’s justice”) của quốc tế trước cái Ác sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay quân Cộng Sản, khởi đầu từ sự thể cộng đồng thế giới đã dửng dưng đứng nhìn Cộng Sản Bắc Việt trắng trợn xé bỏ Hiệp Định Paris 1973 lập lại hòa bình tại Việt Nam (Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Viet Nam).

Việc này có chữ ký của bốn thành phần lâm chiến là Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và có sự bảo đảm của các cường quốc trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc – khi họ xua quân đánh chiếm Miền Nam Việt Nam, làm tan vỡ niềm tin của nhân loại vào công lý và hòa bình và mở rộng cánh cửa cho kẻ mạnh dùng những phương tiện tàn ác để hà hiếp kẻ yếu trong tương lai.

Cái gì là nguyên nhân gây ra tình trạng bi thảm này của thế giới ngày nay? Xin thưa: đó là chủ nghĩa vật chất (materialism), kẻ hiện đang thay thế Ông Trời ngự trị thế gian này: 
Đồng tiền là Tiên, là Phật…

Chủ nghĩa vật chất đã có từ lâu chứ chẳng mới lạ gì, được nhìn thấy rõ nét qua cuộc cách mạng khoa học và kỹ nghệ cùng công cuộc phát triển thương mại quốc tế từ hồi thế kỷ 18 tại các nước Tây phương.

Điều này dẫn đến chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa tại Phi Châu, Nam Mỹ, và Á Châu, tạo cơ hội cho liệt cường Âu Mỹ xúm lại xâu xé nước Trung Hoa cổ hủ hồi thế kỷ 19, giúp quân đội Thiên Hoàng của Đế Quốc Nhật tấn công và chiếm đóng các quốc gia vùng Đông Bắc và Đông Nam Á và quân đội Đức Quốc Xã tiến hành cuộc xâm lược các quốc gia Âu Châu và Bắc Phi, châm ngòi cho Thế Chiến Thứ Hai (1939-1945).

Và chủ nghĩa vật chất ngày càng phát triển không có gì cưỡng nổi nhờ sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng Sản, để rồi trở thành cùng đích của hai chủ nghĩa đối nghịch nhau đó.

Các biến cố như sự ra đời của ý thức hệ thập niên 1960” cổ võ cho nếp sống tự do buông thả và hưởng thụ của giới trẻ thế giới, tâm trạng sống cuồng, sống vội của con người trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, chiến lược đầu tư tiền bạc vào các quốc gia Cộng Sản như Trung Quốc và Việt Nam té ra chỉ tạo thêm nanh vuốt cho các chế độ độc tài, phi nhân đó thay vì thúc đẩy họ tiến lên con đường dân chủ hóa. Và đặc biệt là sự trỗi dậy đáng sợ về mặt kinh tế, khoa học-kỹ thuật và quân sự của Trung Quốc, tất cả chỉ là hậu quả của một thế giới say mê chủ nghĩa vật chất.

Khi nước Mỹ dưới thời các Tổng Thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama ngoảnh mặt làm ngơ hoặc âm thầm khuyến khích để cho các công ty thương mại Mỹ bán đứt những kỹ thuật tân tiến và vô giá của họ cho Trung Cộng nhằm đổi lấy mối lợi được xâm nhập vào thị trường khổng lồ hàng tỷ người tại Hoa Lục thì chuyện này là do chủ nghịa vật chất xúi giục.



Bill Clinton



George W. Bush



Barack Obama

Khi các quốc gia như Tích Lan (Sri Lanka), Djibouti, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ý tham gia vào sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Cộng thì cũng là do chủ nghĩa vật chất thôi thúc, và khi một số nước, kể cả các đồng minh của Mỹ, sẵn sàng đánh đổi an ninh quốc gia để có được kỹ thuật viễn thông 5G do tập đoàn Hoa Vi cung cấp thì đó cũng chính là vì họ bị chủ nghĩa vật chất sai khiến.



Tích Lan (Sri Lanka)



Djibouti

Trông người lại ngẫm đến ta. Bốn mươi bốn năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa bị thôn tính, chính quyền Cộng Sản Việt Nam ngày càng tham nhũng, bóc lột dân chúng nhiều hơn, và còn tùy thuộc kinh tế nặng nề hơn vào các đồng chí của họ tại Bắc Kinh, thậm chí đang mang thân phận của một con cá bé bỏng, tội nghiệp, ra sức dẫy dụa một cách tuyệt vọng trên chiếc thớt thịt tanh hôi của Trung Cộng.

Bao giờ đến lượt Hoa Kỳ đây giữa bối cảnh chính siêu cường này đang bị phân hóa đến cùng cực trong khi giới tư bản đỏ cùng các gián điệp của Trung Cộng đang nỗ lực xâm nhập vào guồng máy kinh tế và quốc phòng đầy những kẽ hở của Mỹ?

Tất cả cũng chỉ vì chủ nghĩa vật chất mà ra.

Vann Phan

Posted by Anges at 6:22 PM

No comments:

Post a Comment