Sunday, March 28, 2021

 Thuyết định mệnh (1/3): Vạn vật đều có sinh mệnh, mọi việc đều có định số

https://www.ntdvn.com/chuyen-de/thuyet-dinh-menh-va-thien-dao-thay-doi-menh-p-1-3793.html

Nếu vận mệnh không phải là tiền định thì thuật toán mệnh giờ sinh bát tự căn cứ vào đâu để luận ra được số phận con người? Nếu nó không mang lại giá trị thực tiễn gì thì cũng khó có thể trải qua trên 1200 năm lưu truyền cho đến ngày nay. (Ảnh minh họa).

Thuyết định mệnh (P1): Vạn vật đều có sinh mệnh, mọi việc đều có định số

Tường Hòa • 17:30, 26/07/20 • 2781 lượt xem  

 

Văn hóa truyền thống Á Đông có lịch sử lâu đời, được truyền thừa qua 5000 năm, thời kỳ sớm nhất là văn hóa Thần truyền, có nội hàm rộng lớn tinh thâm: tôn sùng Trời Đất, tín Trời kính Thần, Thiên - Nhân cảm ứng, Thiên - Nhân hợp nhất, tín ngưỡng Phật, Đạo, Thần, niềm tin vào Thiên Đường hay Địa Ngục, sự tái sinh hay luân hồi… Thuyết định mệnh cũng nằm trong số đó. Trong chính sử, bút ký văn nhân, tiểu thuyết các thời đại đều có ghi chép về việc này. Nội hàm trong văn hóa truyền thống Á Đông nhấn mạnh vào sự giáo hóa đạo đức; nhưng không chỉ có tác dụng giáo hóa đạo đức mà còn phản ánh những hiện tượng tồn tại độc lập và khách quan, vượt lên trên những lý luận khoa học thông thường. Ví dụ như sự tồn tại của Phật, Đạo, Thần, hiện tượng thiện ác nhân quả báo ứng, sự tồn tại của đức và nghiệp, vận mệnh tiền định... rất đáng cho người đời nay suy ngẫm và có thêm một góc nhìn khác để chiêm nghiệm cuộc đời.

 

I. Thuyết định mệnh đặt nền móng cho toán mệnh

Càn Long rất khâm phục kỹ năng toán mệnh của ông ta, không nói năng gì đứng dậy rời đi. Sau này ông phong cho thầy toán mệnh họ Lưu này làm chức quan tri phủ...

 

1. Vạn vật đều có sinh mệnh, mọi việc đều có định số

Thuyết định mệnh là chỉ mỗi sự việc của con người xảy ra trong thế gian như sống chết, họa phúc, giàu nghèo sang hèn, thông đạt bế tắc, được mất thành bại, cho đến thi cử đỗ đạt, kinh doanh lỗ lãi, hôn nhân ly tán v.v, đều là chú định, là do Thần (Thượng Đế, Thượng Thiên) an bài.

Thuyết định mệnh không chỉ là chỉ sinh mệnh con người, mà mở rộng đến hết thảy sự vật trong không gian vũ trụ, chúng đều có an bài trước, đều có định số. Con người có quá trình sinh lão bệnh tử, sự vật có quá trình thành trụ hoại diệt, tất cả đều không phải là ngẫu nhiên mà là do Thượng Thiên đã an bài. Một thời đại, một quốc gia có quá trình sinh ra, trưởng thành, bại hoại và diệt vong. Cỏ cây hoa lá, đá, tường, cầu cống, đền chùa, tháp đèn, thành quách... đều có quá trình hình thành và hủy hoại. Những việc này đều không phải ngẫu nhiên. Bởi vậy những cao nhân giỏi thuật số đều có thể tính được chính xác thời gian hình thành và hủy hoại của chúng.

Ví dnhư trong bài viết "Mệnh con người và vận quốc gia đều do Trời định" có một chi tiết kể rằng: Thần núi Đại Minh nghe được các vị Thượng Tiên nghị luận về sự việc 30 năm sau, sau này chứng thực đúng như những gì nghe thấy. Một ví dụ khác trong bài viết "Thiên tài đoán chính xác 511 năm sau mộ sụp đổ" có kể về sự việc một cái quan quách chôn bên vách núi. Trong mộ có một bài minh viết rằng: "Mộ này sẽ sụp đổ sau 186.400 ngày (511 năm sau)". Kết quả diễn ra sau đó không sai lệch một ngày. Cho dù khoa học hiện nay cũng không thể nào đạt đến được. Máy tính điện tử ngày nay cũng không thể tính ra được.

Con người có quá trình sinh lão bệnh tử, sự vật có quá trình thành trụ hoại diệt, tất cả đều không phải là ngẫu nhiên mà là do Thượng Thiên đã an bài. (Ảnh: Pexels).

Học giả nổi tiếng đời Minh là Vạn Dân Anh chỉ ra rằng, các cao nhân đạt sĩ cổ kim khảo sát số Trời, suy xét âm dương, dùng Thái Ất số và Kỳ Môn để suy đoán việc hung cát của địa phương, dùng Lục Nhâm và ngày giờ, tháng năm để suy đoán việc hung cát một đời người… nhằm vào các đối tượng khác nhau; lớn thì đoán biết được sự biến hóa của thiên tượng, vận mệnh quốc gia; nhỏ thì đoán biết được sự hưng thịnh suy vong của gia đình họ tộc, họa phúc cá nhân, cho đến sự thành bại được mất của một sự tình nào đó, hung - cát, lấy - bỏ ở một thời không phương vị nào đó, họ đều có thể suy đoán ra. Giả sử không phải do Thần an bài, không phải định số của Thượng Thiên thì làm sao có thể suy đoán trước như vậy được?

 

2. Thuật toán mệnh theo giờ sinh bát tự thể hiện rõ nhất nội dung chủ yếu của thuyết định mệnh

Dùng năm tháng, ngày giờ để suy đoán hung cát một đời người, đó chính là toán mệnh theo giờ sinh bát tự. Thuật toán mệnh cổ đại đã xuất hiện từ thời kỳ Hán Ngụy, đến Lý Hư Trung đời Đường thì chính thức xác lập hệ thống. Lý Hư Trung tên chữ là Thường Dung, đỗ tiến sĩ vào những năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, sau này làm quan đến chức Điện trung thị Ngự sử. Ông nghiên cứu sâu âm dương ngũ hành, có thể căn cứ vào thiên can địa chi, giờ sinh của một người để suy đoán sang hèn thọ yểu, cát hung họa phúc cả cuộc đời người đó, cả trăm điều đều không sai lệch.

Theo bài minh "Điện trung thị Ngự sử Lý Quân mộ chí minh" của Hàn Dũ, người đứng đầu Đường Tống Bát Đại Gia, có ghi chép: "Điện trung thị Ngự sử Lý Quân, tên là Hư Trung, tên chữ là Thường Dung. Từ thuở niên thiếu đã hiếu học, học gì cũng tinh thông, trong đó sâu nhất là thuật ngũ hành. Dựa vào can chi của năm, tháng, ngày, giờ sinh, xem xét thịnh suy tử vong, suy đoán thọ yểu, sang hèn, lợi và bất lợi, đoán trước trăm điều không sai".

Thuật toán mệnh giờ sinh bát tự sau này được Từ Tử Bình đời Tống Sơ phát triển hoàn thiện thêm, được các nhà mệnh lý học đời sau học tập áp dụng rộng rãi. Thuật toán mệnh giờ sinh bát tự từ khi Lý Hư Trung đời Đường chính thức xác lập thành hệ thống cho đến nay đã trải qua trên 1200 năm lịch sử. Trải qua 5 thời kỳ Tống, Nguyên, Minh, Thanh và Dân Quốc, rất nhiều các văn nhân học sĩ, đạt quan quý nhân góp sức hoàn thiện hệ thống lý luận thuật toán mệnh, khiến cho thuật số môn này càng được phát triển mở rộng. Từ thời đó đến nay chưa bao giờ nó bị coi là "phong kiến mê tín" và bị triều đình hoặc quốc gia ngăn cấm, càng không có chuyện huy động toàn bộ bộ máy quốc gia để nhục mạ đả đảo nó. Trái lại rất nhiều quan chức cao cấp đều tin toán mệnh, thậm chí hoàng đế cũng toán mệnh (xem phụ lục "Thầy toán mệnh xem mệnh cho hoàng đế Càn Long"). Bản thân hoàng đế Ung Chính cũng biết toán mệnh, thường lấy giờ sinh của các đại thần ra để xem mệnh.

Trải qua 5 thời kỳ Tống, Nguyên, Minh, Thanh và Dân Quốc, thuật toán mệnh chưa bao giờ bị coi là "phong kiến mê tín" và bị triều đình hoặc quốc gia ngăn cấm, càng không có chuyện huy động toàn bộ bộ máy quốc gia để nhục mạ đả đảo nó. (Ảnh: Shutterstock).

Thời kỳ Dân Quốc, phong trào tướng thuật mệnh lý càng thịnh hành, rất nhiều những nhân vật cao cấp, giới quân sự chính trị thích xem quẻ hỏi mệnh. Trương Kỳ Hoàng, người từng đảm nhiệm các chức vụ Sở trưởng Sở quân vụ Đô đốc phủ Hồ Nam, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Tây, Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Liên quân đánh giặc 14 tỉnh, đối với thuật số như mệnh lý, xem sao xem tướng, ông đều có nghiên cứu và có thành tựu rất sâu. Ngô Bội Phu, một trong những nguyên soái quân phiệt lớn mạnh nhất thời Dân Quốc cũng biết toán mệnh. Hai người đã từng giao lưu và toán mệnh của nhau.

Nhà mệnh lý học thời kỳ Dân Quốc là Viên Thụ San đã từng toán mệnh cho Hà Ứng Khâm, tướng lĩnh cao cấp của Dân Quốc, đồng minh của Tưởng Giới Thạch. Hà Ứng Khâm đưa ông đến toán mệnh cho Tổng thống Tưởng Trung Chính (tức Tưởng Giới Thạch, Giới Thạch là tên chữ), được tổng thống đánh giá rất cao. Thế là những nhân vật trọng yếu trong chính giới, các đại thương nhân đều coi việc có được tờ toán mệnh của Viên tiên sinh là niềm vinh hạnh.

Nếu vận mệnh không phải là tiền định thì thuật toán mệnh giờ sinh bát tự căn cứ vào đâu để luận ra được số phận con người? Nếu nó không mang lại giá trị thực tiễn gì thì cũng khó có thể trải qua trên 1200 năm lưu truyền cho đến ngày nay. Do đó, thuật toán mệnh giờ sinh bát tự thể hiện rõ nhất nội dung chủ yếu của thuyết định mệnh.

 

3. Thầy toán mệnh toán mệnh cho hoàng đế Càn Long

Khi hoàng đế Càn Long đi tuần thú Giang Ninh, ông mặc thường phục đi du ngoạn, gặp một thầy toán mệnh họ Lưu. Tâm hiếu kỳ nổi lên, ông tìm đến để toán mệnh. Thầy toán mệnh xem can chi giờ sinh của Càn Long, lặng lẽ tính toán một lúc, mặt bỗng lộ vẻ kinh ngạc, lắc đầu than mãi không thôi. Càn Long cảm thấy hết sức kỳ lạ bèn hỏi nguyên nhân. Thầy toán mệnh nói: "Tôi đã toán mệnh hơn 30 năm nay, tự tin rằng xem hung cát họa phúc, không gì là không ứng nghiệm như Thần. Lúc nhàn rỗi tôi cũng xem mệnh lưu niên cho mình, tính ra mình lẽ ra có chút phú quý, thụ hưởng bổng lộc 2000 thặng cũng không phải là quá khó. Nhưng hiện nay tôi lại nghèo khổ khốn đốn như thế này. Hôm nay lại xem mệnh ngài, lẽ ra phú quý tột đỉnh, cho dù không có hồng phúc nắm thiên hạ thì cũng là cao quan mặc áo mãng bào đeo ngọc bội. Thế mà tại sao hai chúng ta lại gặp nhau ở chốn chợ búa như thế này? Quả là đáng buồn thay, chao ôi, đáng buồn thay".

Càn Long rất khâm phục kỹ năng toán mệnh của ông ta, không nói năng gì đứng dậy rời đi. Sau này ông phong cho thầy toán mệnh họ Lưu này làm chức quan tri phủ.

 

Xem tiếp:

Phần 2: https://www.ntdvn.com/van-hoa/thuyet-dinh-menh-va-thien-dao-thay-doi-menh-p-2-3803.html

Tường Hòa (biên dịch)

Theo Thái Nguyên - epochtimes.com

No comments:

Post a Comment