Monday, April 15, 2019


Hồi ức về ngày 30/4 (2/2)

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012
Khúc quanh lịch sử

Đây là loạt bài hồi ức về biến cố 30/4/1975 theo cách nhìn từ 3 phía: Sài Gòn - Hà Nội - Washington. Người viết cố gắng tổng hợp các nguồn thông tin để người đọc có một tầm nhìn khái quát về một bước ngoặt lịch sử.




Đối với nhiều người, 30/4/1975 là ngày dài nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Tại Sài Gòn và phần còn lại của niền Nam vào những ngày cuối tháng 4/1975, hàng triệu người dân Việt Nam bắt đầu tự đặt cho mình 1 câu hỏi mấu chốt: họ có thể sống được dưới chế độ mới hay tốt hơn là trốn chạy?

Tổng thống Gerald Ford tung ra “Chiến dịch Babylift” (Operation Babylift) ngày 4/4/1975 nhằm di tản những trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam. Một ngày sau đó, cuộc di tản đã diễn ra trong tang tóc khi một chiếc phi cơ vận tải quân sự C-5A Galaxy của Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất đã bị rơi.

Tai nạn xảy ra khiến 138 hành khách bị thiệt mạng, trong đó có 78 trẻ mồ côi người Việt và 35 nhân viên Văn phòng Tùy viên Quốc phòng (Defense Attache Office – DAO) người Mỹ tháp tùng.

Trong ngày 28 và 29/4 từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi Thủy quân lục chiến Mỹ dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác chặt chẽ với họ. Các điểm bốc người di tản bằng trực thăng trở nên hỗn loạn. Lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã phải rất vất vả mới duy trì được trật tự, họ thậm chí còn dùng sức mạnh thô bạo để sẵn sàng gạt phăng những người bạn đồng minh người Việt trong cơn hoạn nạn.


Bức hình cho thấy cảnh tàn nhẫn khi di tản

Người Mỹ đã phải bỏ lại Việt Nam nhiều người bạn lâu năm của mình. Hình ảnh di tản đã in đậm trong trí óc nhiều người Mỹ và Việt như một kỷ niệm đau buồn. Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi sau khi xếp lá cờ Mỹ trong khuôn viên tòa đại sứ. Tuy nhiên, trong số 120.000 người Việt và 20.000 người Mỹ được di tản trong đợt này, không có một người nào bị thiệt mạng do hoạt động quân sự của quân Bắc Việt.

Lực lượng tấn công Sài Gòn dừng lại bên ngoài thành phố một ngày (29/4/1975) để người Mỹ di tản hết rồi mới tiến vào thủ đô của VNCH. Theo lời tướng Trần Văn Trà, họ đã đợi vì mục đích chính là để ‘giải phóng Sài Gòn’ chứ không phải để giết người. Còn theo hồi ký của tướng Hoàng Cầm, cánh quân của Quân đoàn 4 mà ông chỉ huy gặp rất nhiều kháng cự trên đường tiến về Sài Gòn và chỉ đến nơi vừa kịp vào sáng ngày 30/4/1075.

8 giờ sáng 30/4, Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ tổng tham mưu quân đội VNCH hạ lệnh đơn phương ngừng bắn, sẵn sàng đón quân đối phương vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền.

9 giờ sáng, chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời nóc tòa Đại Sứ, tướng Trần Văn Trà lệnh cho quân Giải Phóng tiến vào Sài Gòn từ năm hướng. Họ đã tiến nhanh mà không gặp kháng cự.


Chiếc T-64 đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập

10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng T-64 mang số hiệu 843 húc nghiêng cổng phụ và bị kẹt tại đó. Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng, chỉ huy xe 843) nhảy xuống xe, cầm cờ chạy bộ vào. Xe tăng mang số hiệu 390 húc tung cánh cửa chính của dinh Độc Lập.

11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận đã hạ lá cờ VNCH trên nóc dinh Độc Lập, thay vào đó là cờ màu đỏ-xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Cùng lúc này, Đại úy trung đoàn phó Trung đoàn 66, Phạm Xuân Thệ, cùng lực lượng đột kích thuộc Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập, tiếp cận với Tổng thống cuối cùng của VNCH là ông Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính phủ Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Khoảng 12 giờ trưa, Đại úy Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên xe Jeep để đến đài phát thanh Sài Gòn. Chiếc xe thứ hai chở Trung tá chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng hai nhà báo Borries Gallasch (người Đức, báo Der Spiegel) và Hà Huy Đỉnh (hãng thông tấn AP). Tại đài phát thanh, Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thay mặt các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập, Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận đầu hàng. Chiến tranh kết thúc.

Theo Jean Louis Margolin, tác giả xác nhận là không có tắm máu trong ngày quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn nhưng sau đó đã đưa ra con số 200 ngàn người bị giam giữ theo xác nhận của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, về việc này, tác giả ghi thêm: "Những ước tính nghiêm chỉnh nói từ 500 ngàn đến một triệu tù nhân trong tổng số dân là 20 triệu".

***

Báo Tuổi Trẻ có một bài viết về hoạt động của Tướng Dương Văn Minh vào sáng ngày 30/4/1975 như sau:

“… Sau khi được thông báo trả tự do, tướng Dương Văn Minh đã có cuộc gặp gỡ thân mật với tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định.

“Đoàn xe chở Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu chạy theo đường Thống Nhất [bây giờ là đường Lê Duẩn], quẹo trái qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để đến Đài phát thanh. Dù khá mệt mỏi và căng thẳng trước những gì vừa diễn ra, tướng Minh vẫn ôn tồn chỉ đường cho lái xe Đào Ngọc Vân.


Tổng thống Minh và Thủ tướng Mẫu
được đưa qua Đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng

“Trụ sở Đài phát thanh lúc đó khá vắng lặng, dù đã được quân giải phóng và anh em sinh viên tiếp quản. Nhân viên đã “biến” hết sau khi hay tin quân giải phóng đã chiếm được dinh Độc Lập.

“Việc đầu tiên là phải tìm cho được những người có thể vận hành đài phát. Anh em sinh viên tìm được anh Trần Văn Bảng, nhân viên kỹ thuật phát sóng trú ngụ ở gần đó. Còn nhà báo Kỳ Nhân lại tức tốc lái chiếc UTE của Hãng tin AP chở hai anh bộ đội về làng báo chí Thủ Đức để mời hai anh Trọng Liêm và Tự Lập đến đài.

“Sau khi lời tuyên bố đầu hàng đã được chỉ huy quân giải phóng soạn thảo, ông Dương Văn Minh lúc đó phải đọc và ghi âm hai lần vào máy của nhà báo Borries Gallasch [máy cassette hiệu Hitachi của quân giải phóng bị rối băng liên tục, không dùng được]. Lần đầu, ông Minh có lẽ hơi bị xúc động nên đọc không tự nhiên và bị vấp, đồng thời khi bật máy nghe lại băng thì giọng ông Minh... nhão nhoẹt vì máy yếu pin. Anh em sinh viên có mặt lúc đó phải chạy ra ngoài, tìm đâu đó được mấy cục pin mới.

“Tiếng nói của ông Minh phát trên đài nghe nhẹ và chậm rãi. Còn lời chấp nhận đầu hàng của viên Trung tá chính ủy người Đà Nẵng, Bùi Văn Tùng, lại vang lên khá dõng dạc và mạnh mẽ. Mà cũng lạ, vào lúc ấy rất nhiều giọng Đà Nẵng xuất hiện trên sóng phát thanh: Trung tá Bùi Văn Tùng, nhà báo Kỳ Nhân, sinh viên Nguyễn Hữu Thái….


Văn kiện đầu hàng và chấp nhận đầu hàng của Tướng Minh
do Phạm Xuân Thệ và Bùi Văn Tùng soạn

“Nhà báo Kỳ Nhân “kêu gọi anh em ký giả hãy bình tĩnh, hãy tập trung ở số 15 Lê Lợi để cùng trao đổi và làm việc [lúc này tự nhiên có tiếng súng nổ vang dội vào Đài phát thanh, anh Kỳ Nhân dù chưa biết chuyện gì cũng “ứng khẩu” luôn]… “Đó là tiếng súng bắn mừng của quân giải phóng. Chúng ta đã thấy hòa bình trên đất nước của chúng ta”.

“Còn sinh viên Nguyễn Hữu Thái lại trở thành người dẫn chương trình bất đắc dĩ. Anh liên tục thông báo, liên tục trấn an đồng bào và kêu gọi anh em công chức, nhân viên các cơ quan hãy trở lại nhiệm sở để giúp cho sinh hoạt ở Sài Gòn trở lại bình thường.

“Tất cả đều nói thẳng vào máy phát nên nhiều khi ý tứ nghe rất ngộ, thí dụ: “Đây là tiếng nói của các Ủy ban Cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi yêu cầu tất cả đồng bào, anh chị em công nhân, nhất là anh chị em nhân viên các nhà đèn, các nhà nước [chắc ý nói công ty thủy cục – Chú thích của NNC] và tất cả SVHS tụ họp để mà có những cuộc điều động của Ủy ban Nhân dân Cách mạng…”.

“Xen lẫn với những lời kêu gọi, tuyên bố là tiếng vỗ tay, tiếng người nói chuyện bàn tán qua lại. Thậm chí ngay sau khi chính ủy Bùi Văn Tùng tuyên bố rất hùng hồn thì bỗng phát ra một đoạn cải lương inh ỏi…

“Đặc biệt, người dân Sài Gòn lần đầu tiên nghe đến tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh từ buổi phát thanh “tự phát” này. Nguyễn Hữu Thái lúc đó nói:

“Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái. Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng…”.

“Không ai phân công, không ai duyệt nội dung, không ai chỉ đạo định hướng gì, nhưng quả tình những lời kêu gọi, thông báo “tự biên tự diễn” đầy rạo rực và chân tình đó đã có tác dụng rất lớn đối với đồng bào trong giờ phút căng thẳng. Cần phải hiểu là trong thời khắc “đổi đời” lịch sử đó, sự âu lo tràn ngập nhiều gia đình, nhất là những gia đình có người thân tham gia bộ máy chính quyền hoặc quân đội VNCH. Sài Gòn trước đó đã lan truyền tin đồn về một cuộc “tắm máu” và những biện pháp bạo lực của Việt cộng.

“14h. Đoàn xe đưa ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu từ Đài phát thanh trở về dinh Độc Lập. Họ được đưa vào một gian phòng lớn gần tiền sảnh, có bộ đội vũ trang đứng gác thường trực bên ngoài. Đó cũng là nơi các thành viên nội các, dân biểu, nghị sĩ... có mặt ở dinh Độc Lập sáng 30/4 phải sống 48 giờ mà không được liên lạc gì với bên ngoài.

“15h45. Những tiếng nổ lớn bắt đầu từ phía công viên Tao Đàn, phía sau dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại. Vài giây sau, đạn cối rơi xuống nổ liên tiếp giữa sân dinh, đúng lúc tướng Nguyễn Hữu An, tư lệnh Quân đoàn 2 quân giải phóng đang đi bách bộ cùng một sĩ quan tác chiến tên Duyến. Duyến bị mảnh đạn cối găm vào mắt. Tư lệnh Nguyễn Hữu An không bị sao. Lực lượng bộ đội bảo vệ dinh báo động: “Quân địch phản công!”.

“Ông Dương Văn Minh và gần 20 người khác được đưa từ gian phòng nói trên xuống một căn hầm bên dưới hội trường lớn. Gần 60 phút trôi qua. Mọi người bắt đầu bị ngợp. Dân biểu Nguyễn Văn Binh lần dò ra cửa, đề nghị anh bộ đội cho ra ngoài lấy nước. Ông lượm một cái nón sắt cũ, hứng nước ở vòi nước máy rồi mang vào căn hầm. Cái nón sắt được chuyền từ người này sang người khác. Mọi người cứ bưng nón sắt mà uống. Ông Minh cũng vậy.

“Rồi tiếng súng tự nhiên im bặt. Hóa ra là “quân ta đánh quân mình”: Một đơn vị quân giải phóng từ hướng nam về không có ám hiệu đúng, thế là…

“Mọi người được đưa trở về căn phòng cũ và trải qua hai ngày đêm đáng nhớ ở đó. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng bị “giam lỏng” như thế. Sự quản thúc chỉ được chấm dứt vào chiều tối 2/5.

“Ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Binh… được trả tự do. Quyết định trả tự do của Ủy ban quân quản được thông báo tại buổi lễ trang trọng và thân mật tại hội trường dinh Độc Lập tối 2/5/1975. Tại buổi lễ này, Phó chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Định Cao Đăng Chiếm đã phát biểu với một chất giọng miền Nam trầm ấm:

“...Nhân dân Việt Nam chúng ta đã trải qua cuộc đấu tranh anh dũng và khốc liệt, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh để giành thắng lợi vĩ đại và vô cùng to lớn từ xưa đến nay.

“Thi hành chính sách của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, Chính phủ mong rằng trong tình hình mới, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng lại Tổ quốc của chúng ta, làm cho nhân dân chúng ta giàu mạnh, Tổ quốc của chúng ta hùng cường. Do đó, chúng tôi mong rằng mỗi người VN chúng ta đều tùy theo khả năng của mình, góp công sức vào việc xây dựng Tổ quốc của chúng ta.

“Bữa nay, thi hành lệnh của cấp trên, các anh được tự do về với gia đình. Chúng tôi sẽ tổ chức đưa các anh về đến nơi đến chốn…”. [Trích băng ghi âm]

Đáp lại, ông Dương Văn Minh nói ngắn gọn thế này:

“ …Ngày hôm nay, đại diện cho các anh có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước.

“Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”. [Trích băng ghi âm]

“Mọi người được về với gia đình ngay sau buổi lễ đó. Chiếc xe Ford màu xanh dương đậm đưa ông Minh ra khỏi dinh Độc Lập lúc 22 giờ. Khi xe chuyển bánh, vị Tổng thống 48 giờ nói:

- Thôi, giã từ quá khứ chết chóc. Vĩnh viễn hòa nhập vào đời sống hòa bình.

***

Theo nội dung bài báo Tuổi Trẻ nêu trên, có thể nói, Nguyễn Hữu Thái, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964) và sau này là một kiến trúc sư, là người đầu tiên đề cập đến việc Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh ngay ngày 30/4/1975: “…Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng…”. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 2/7/1976 tức là 3 tháng sau, Quốc hội nước Việt Nam Thống nhất mới quyết định đổi tên Sài Gòn thành "Thành phố Hồ Chí Minh".

Trong bài “30/4/1975, Dương Văn Minh và Tôi”, viết vào tháng 3/2008, Nguyễn Hữu Thái đã kể lại hoạt động của mình trong ngày 30/4/1975:

“Sáng tinh mơ ngày 30/4, từ cơ sở chuẩn bị nổi dậy của sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh (gần chợ Trương Minh Giảng), tôi bàn với Nguyễn Trực người thân cận với Thượng tọa Trí Quang rồi chạy vội lên chùa Ấn Quang (đường Sư Vạn Hạnh) gặp vị sư lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn trên nhóm Dương Văn Minh này.

“Lâu nay tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với ông, tuy ông biết rõ tôi đến từ phía nào rồi. Tôi báo ngay: “Tình hình cấp bách quá rồi, xin Thầy làm sao tác động gấp nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ máu và tàn phá Sài Gòn. Các đường giây liên lạc với bên kia nay đã đứt hết rồi, không còn thì giờ đưa giải pháp này nọ nữa đâu…”

“Thượng tọa Trí Quang hiểu ngay và choàng áo sang phòng bên gọi điện thoại. Tôi nghe vị Thượng tọa nói chuyện qua lại một hồi, rồi quay về cho biết:

- Thái cứ yên tâm, Thầy không gặp được ông Minh [Tổng thống mới nhậm chức], nhưng đã nói chuyện với ông Mẫu [Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng nội các mới], có lẽ họ cũng nhanh chóng hành động theo hướng đó…

“Tôi quay về Đại học Vạn Hạnh và khoảng hơn 9 giờ [giờ Sài Gòn thời đó, sớm hơn ngày nay một giờ], thì nghe tướng Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn:

“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”. [Theo băng ghi âm của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nay còn cất giữ].

“Sinh viên chúng tôi bèn chia làm 2 mũi lên đường hướng về các đài phát thanh và truyền hình nhắm chiếm đài, phát đi tiếng nói cách mạng. Một nhóm anh em sinh viên có trang bị vũ khí nhẹ lên xe ca đến Đại học Nông lâm súc, áp sát chuẩn bị xâm nhập vào các đài. Tôi cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư Huỳnh Văn Tòng [tiến sĩ sử học ‘tiến bộ’ ở Pháp về, giảng dạy báo chí ở các đại học] vào dinh Độc Lập nhằm thuyết phục những người quen biết trong chính quyền tướng Minh bàn giao chính quyền VNCH cho phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng một cách êm thắm nhất.

“Khoảng 10 giờ, chúng tôi lên chiếc xe Renault 8 màu xanh của Hồng. Nhà báo có giấy phép đặc biệt vào ra Phủ Tổng thống nên chắc không có gì trở ngại. Nhưng khi xe chạy vào cửa hông đường Nguyễn Du, thấy vắng tanh nên tiến thẳng luôn vào thềm dinh. Tôi vội vàng đi tìm Lý Qúy Chung, lúc đó là Tổng trưởng Thông tin duy nhất được chỉ định chính thức trong Nội các mới. Chung đồng ý ra đài phát thanh ngay với chúng tôi trên một công xa, nhưng không một tài xế nào chịu lái đi vì sợ bị bắn. [Nhân vật Lý Quí Chung được đề cập đến trong cuốn Saigon Stories của Sam Korsmoe, trong Hồi ức một đời người – Chương 7: Thời mở cửa – Chú thích của NNC]

“Chúng tôi đang loay hoay thì bỗng mọi người cùng hướng nhìn về đại lộ Thống Nhất [Lê Duẩn ngày nay]. Một cảnh tượng hùng tráng diễn ra: một đoàn xe tăng rầm rộ tiến về hướng dinh. Bổng chốc cổng dinh bị húc đổ, đoàn tăng cày lên thảm cỏ, tiến thẳng đến thềm dinh. Tôi và anh Huỳnh Văn Tòng giúp người bộ đội xe tăng cầm cờ Giải phóng cắm lên nóc dinh.

“Phải ra ngay đài phát thanh, tôi tháp tùng xe của Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng các nhà báo Tây Đức Von Boric Gallasch và Hà Huy Đĩnh đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quí Chung ra đài phát thanh.


Bùi Văn Tùng và phóng viên Borries Gallasch

“Anh em sinh viên đã cùng bộ đội chiếm giữ đài rồi nhưng không vận hành được cũng như không biết phát đi nội dung gì. Chúng tôi tìm được anh Trần Văn Bảng, kỹ thuật viên phát thanh vận hành lại đài, còn nhà báo Đức thì cho mượn chiếc cát-xết thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi văn Tùng, do chính ông Tùng soạn thảo.

“Tướng Minh nhìn thấy tôi trong đám người này có vẻ cũng yên lòng. Trông ông mệt mỏi và không mấy vui. Thân hình ông vẫn to lớn nhưng mặt ông hơi hốc hác. Dẫu sao ông cũng đã hy sinh danh dự của một tướng lãnh (dù là một tướng bại trận) để thực sự cứu thành phố này khỏi cảnh tàn phá và đổ nát.

“Sau này tôi mới biết là ông và bộ tham mưu từ mấy ngày qua đã quyết định đầu hàng dẫu có bị đối xử không tương xứng của phía đối nghịch. Đó cũng là một hành động can đảm và đáng ca ngợi của một Phật tử vào cuối đời. Có lẽ ông chưa bao giờ thành công trong hoạt động chính trị. Ông chỉ là nhân vật cần thiết của tình thế nhưng không nắm được quyền lâu dài.

“Vào năm 1963, không ai ngoài ông trong số tướng lãnh đủ uy tín đứng ra lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lần này, có lẽ chính quyền VNCH cũng không còn con bài nào khác để chấm dứt cuộc chiến một cách êm thắm. Ít ra ông còn giữ được nguyên vẹn Sài Gòn và phần còn lại của miền Nam tránh khỏi đổ nát và đổ máu thêm một cách vô ích trong cuộc thư hùng cuối cùng giữa những người anh em ruột thịt.

“Tôi nhìn sang Giáo sư Vũ Văn Mẫu, ông có vẻ bình thản trong bộ complê màu xanh nhạt luôn chỉnh tề của một nhà giáo đại học. Khi còn học ở khoa Luật, tôi rất thích lối giảng các bài pháp chế sử, mạch lạc, hùng biện và cả hóm hỉnh của ông. Tuy xuất thân trong gia đình quan lại miền Bắc và di cư vào Nam năm 1954, khi nổ ra vụ tranh đấu Phật giáo năm 1963, đang giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao VNCH ông can đảm từ nhiệm và cạo trọc đầu phản kháng Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Nay ra lãnh chức vụ Thủ tướng tôi nghĩ ông không có ước mong gì khác hơn là đem lại hòa bình, hòa hợp hòa giải thật sự cho dân tộc.

“Về nội dung bản tuyên bố đầu hàng, tôi nhìn thấy giữa tướng Minh và chính ủy Tùng có lời qua tiếng lại. Hình như tướng Minh không muốn nêu chữ “Tổng thống” mà dùng tiếng “Đại tướng” quen thuộc hơn. Ông Tùng cương quyết không chịu vì cho rằng dẫu sao thì tướng Minh cũng đã làm Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nay phải tuyên bố với tư cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Thu băng thử đi thử lại mấy lần mới xong. Lời phát biểu của Thủ tướng Mẫu thì ông được nói trực tiếp.

“Loay hoay đến gần hai giờ chiều chúng tôi mới phát đi được tiếng nói cách mạng đầu tiên trên đài phát thanh Sài Gòn. Nguyên văn tiếng nói mở đầu của tôi:

“Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”

“Đại tướng Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng theo bản văn do Chính ủy Bùi Văn Tùng soạn thảo:

“Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”


Tướng Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng
tại đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.
Nguyễn Hữu Thái là người thứ 2 (cầm tập giấy)
(Bức ảnh do nhà báo Kỳ Nhân, phóng viên ảnh AP thực hiện)

Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu trực tiếp:

“Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.

“Tiếp đó là lời Chính ủy Bùi Văn Tùng:

“Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”

“Và tôi tiếp tục dẫn chương trình: “…Quân Giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập và đã làm chủ hoàn toàn các điểm chốt quân sự cũng như dân sự của vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định…” [Các lời tuyên bố trên đài phát thanh đều còn giữ lại trong một băng ghi âm do Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thu trong chiều 30/4/75]

“Sau đó, bộ đội đưa đoàn tướng Minh về lại Dinh Độc Lập. Tôi đích thân đứng ra điều hành buổi phát thanh cho đến 4 giờ chiều thì giao lại cho nhóm anh em sinh viên đại học Khoa học Sài Gòn, do tôi phải lên trường Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) nơi đóng quân của ban chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn gặp ông Mai Chí Thọ. Sinh viên chỉ giao lại đài phát thanh cho ban phát thanh Giải phóng vào tối hôm đó.

Bùi Thanh trên báo Tuổi Trẻ, tháng 4/2005, đã kể lại giây phút bộ đội tiến vào dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 qua bài viết Giờ kết thúc như sau:

“…Khi chiếc tăng 390 đỗ xịch trước dinh, chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn xách AK nhảy xuống, chờ Bùi Quang Thận đang cầm cờ tiến vào. Cả hai chạy lên thềm dinh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và với một tinh thần “cảnh giác cao độ”. Bùi Quang Thận hơi lo khi thấy bên trong lố nhố nhiều người mặc quân phục”.

Chúng ta thông cảm cho trạng thái ‘hơi lo’ của anh Bùi Quang Thận, hiện đã lên chức Đại tá Quân đội Nhân dân. Không lo sao được khi bước vào Phủ Đầu Rồng, dù với tư thế của kẻ chiến thắng. Nhất là khi thấy bên trong lố nhố nhiều người mặc quân phục của hàng ngũ địch.

“…Và có lẽ do “cảnh giác cao độ” quá nên anh lao thẳng vào cửa kính, ngã bật ra phía sau nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ. Chắc đây là lần đầu tiên chàng trai miền biển Thái Bình này mới “tiếp xúc” với loại kính trong suốt như thế. Lúc này, từ trong dinh, một người bận đồ dân sự chạy ra, thân thiện mời hai anh lính tăng giải phóng vào”.

Chi tiết có phần khôi hài. Không phải ‘chắc’ mà rõ ràng là chàng trai gốc Thái Bình cả đời chưa thấy loại kính trong suốt đến nỗi lao thẳng vào cửa kính thay vì phải mở ra. Cú ngã bật ra phía sau vì đâm sầm vào cửa kính chắc hẳn là cú shock nhớ đời!

“…Bùi Quang Thận thoáng chút bối rối trước tình huống này: không biết phải “xử lý” thế nào với Tổng thống và mấy ông nội các Sài Gòn, bởi nhiệm vụ của những người lính tăng như anh là chiếm dinh và cắm cờ. Cuối cùng, Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn ở lại “canh chừng” các thành viên nội các và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình phải thực hiện cho được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập”.

Bằng bất cứ giá nào cũng phải cắm được ngọn cờ “đỏ-xanh có ngôi sao vàng chính giữa”. Chỉ tiếc một điều lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ít lâu sau biến mất để thay vào đó là cờ đỏ sao vàng. Sẽ là một cái chết vô tích sự nếu Bùi Quang Thuận bị một viên đạn nào đó trong lúc cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập vì lá cờ đó sẽ không còn hiện diện tại Việt Nam sau này. Không còn là ‘màu cờ sắc áo’ vì tự nó lá cờ đã biến mất, không đáng để hàng trăm ngàn cán binh phải gục ngã để bảo vệ nó.

“Người được lệnh hướng dẫn Bùi Quang Thận đi thang máy lên nóc dinh cắm cờ là đại tá Chiêm, chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ Phủ tổng thống. Cùng đi theo hỗ trợ Bùi Quang Thận cắm cờ còn có hai người nữa: sinh viên Nguyễn Hữu Thái [cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn] và tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng.

“Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng và sinh viên Nguyễn Hữu Thái cùng nhà báo Cung Văn đến dinh Độc Lập sau khi nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn trên đài phát thanh. Họ đến để đón quân giải phóng và hi vọng góp phần nhỏ của mình cho một kết cục hòa bình và êm thắm nhất.

“Đêm 29/4 chúng tôi không ngủ được - tiến sĩ Tòng nhớ lại - Sài Gòn lan truyền tin đồn Việt cộng đã chuẩn bị hàng vạn quả đạn pháo và sẽ “rót” vào thành phố này sáng mai. Sài Gòn sẽ đổ nát và dân chúng sẽ khốn khổ, nếu không có một giải pháp thích hợp nào. Sáng sớm 30/4, anh em chúng tôi đã bàn nhau làm được nhiều việc. Và chúng tôi kéo nhau đến dinh Độc Lập. Tôi không phải là “thành phần thứ ba”. Tôi ngả hẳn về phía cách mạng và mong muốn Sài Gòn được giải phóng nhanh chóng”.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi đọc những lời kể lại của Tiến sĩ Báo chí Huỳnh Văn Tòng, ông xác nhận: “Tôi không phải là “thành phần thứ ba”. Tôi ngả hẳn về phía cách mạng và mong muốn Sài Gòn được giải phóng nhanh chóng”. Từ ‘thành phần thứ ba’ rồi ‘ngả về phía cách mạng’ một sớm một chiều như vậy quả là những kẻ cơ hội kiểu ‘cách mạng 30’, một thành phần mà người ta thường nói nôm na là ‘theo đóm ăn tàn’. Thực tế đã chứng minh, loại người như vậy hoàn toàn không có đất sống vì cả ‘cách mạng’ lẫn ‘ngụy’ đều không dám dùng!

“...Đại tá Chiêm dẫn ba người đến trước thang máy [phải đi thang máy vì cầu thang chính không còn sử dụng được, do bị phi công Nguyễn Thành Trung ném bom làm sập ngày 8/4]. Đến trước thang máy, Bùi Quang Thận thấy... lạ quá nên nhất quyết không vào. “Lúc đó tôi thấy thang máy giống như... cái hòm - Bùi Quang Thận nhớ lại - Vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được!”.

Bùi Thanh đã kể một chi tiết vừa tội nghiệp vừa buồn cười cho Bùi Quang Thận. Tội nghiệp vì cả đời anh chưa biết thế nào là thang máy nên nhất quyết không bước vào vì nó giống như một cái "quan tài dựng ngược"… Buồn cười vì anh suy nghĩ một cách thật thà: “Vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được!”.

“Sau khi nghe đại tá Chiêm giải thích, Bùi Quang Thận mới chịu vào nhưng lại cảnh giác yêu cầu ông đại tá vào trước... Cuối cùng thì Bùi Quang Thận, Huỳnh Văn Tòng, Nguyễn Hữu Thái cũng lên được nóc dinh.

“…Chúng tôi còn trèo thêm một cầu thang gỗ mới ra được chân cột cờ [kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái kể] để treo lá cờ giải phóng lên, phải hạ lá cờ vàng ba sọc xuống. Nhưng lá cờ ba sọc quá lớn, lại được cột chắc chắn nên phải mất khá lâu chúng tôi mới hạ xuống được”. Bùi Quang Thận kéo lá cờ giải phóng xanh đỏ sao vàng lên, sau khi viết và ký tên vào lá cờ: “11g30 ngày 30-4. Thận”.

Theo tôi, Bùi Quang Thận đã có một ý tưởng tuyệt vời khi ký tên vào lá cờ. Tôi cho rằng đây là một sáng kiến cá nhân, hoàn toàn không có sự chỉ đạo từ trước vì lúc đó mạnh ai nấy làm.

“…Và thật kỳ lạ, trong khoảnh khắc lịch sử ấy, trên nóc dinh Độc Lập có ba chàng trai của ba miền đất nước: Bùi Quang Thận (Thái Bình, miền Bắc), Nguyễn Hữu Thái (Đà Nẵng, miền Trung) và Huỳnh Văn Tòng (Tây Ninh, miền Nam). “Dường như tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt - KTS Nguyễn Hữu Thái nhớ lại - Sài Gòn đã được giải phóng, hòa bình được lập lại và đất nước từ nay thống nhất làm một, không gì có thể chia cắt được nữa…

“...Bùi Quang Thận lúc đầu định ném lá cờ ba sọc xuống sân, nhưng nghĩ tới nghĩ lui sao đó, xếp lá cờ lại và đem xuống cất vào chiếc xe tăng 843 của mình. Cũng nhờ vậy mà sau này Bùi Quang Thận mới đưa ra được “bằng chứng”, khi cấp trên cho người đi xác minh: ai mới là người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập? Lá cờ cất trong xe tăng của Bùi Quang Thận có một vết rách trùng khớp với phần còn sót lại trên cột cờ!

Một chi tiết lịch sử khá thú vị: cất lá cờ ba sọc trên xe tăng để sau này dùng làm bằng chứng xác minh mình là người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Có thể nói, việc chiếm dinh Độc Lập hoàn toàn theo một kịch bản ‘tự biên tự diễn’. Đơn vị nào đến trước thì tùy theo sáng kiến của sĩ quan chỉ huy đơn vị đó. Thật trớ trêu, cuộc chiến Việt Nam kéo dài suốt 30 năm, tốn kém hàng tỷ đô la và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người lại được kết thúc bằng một màn kịch tự biên tự diễn!


Lá cờ của Mặt trận Giải phóng Miền Nam
do Bùi Quang Thận treo trên dinh Độc Lập
“…Thật ra, cùng lúc lá cờ ba sọc được hạ xuống trên nóc dinh thì các chiến sĩ bộ binh trung đoàn bộ binh 66 và biệt động đặc công trung đoàn 116 cũng đã phất những lá cờ giải phóng từ bancông tầng hai. Lá cờ xanh đỏ sao vàng lớn nhất được phất lên lúc đó là của một người dân ở miệt Thị Nghè. Ông cầm lá cờ lao ra từ Thảo cầm viên, rồi leo lên chiếc xe Jeep của đại úy Phạm Xuân Thệ vào dinh, ít phút sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng sắt.

“Và trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66 Phạm Xuân Thệ cũng là viên chỉ huy đầu tiên ‘làm việc’ với tổng thống Dương Văn Minh và những người bên trong dinh. Giống như Bùi Quang Thận trong khoảnh khắc đầu tiên, Đại úy Phạm Xuân Thệ cũng hơi ngỡ ngàng và chưa biết phải làm gì: “Tôi chỉ được giao nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập. Việc của tôi là kiểm soát tòa nhà và cho anh em lên cắm cờ. Làm việc gì và làm như thế nào với Tổng thống và nội các này đây?”.

“…Tổng thống Dương Văn Minh thông báo đã tuyên bố ngừng bắn và đang chuẩn bị tiến hành bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhưng trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ không chấp nhận chuyện bàn giao mà tuyên bố: phải đầu hàng!

“…Và Trung úy Phùng Bá Đam cùng các sĩ quan bộ binh đã bàn với Phạm Xuân Thệ là cho tuyên bố đầu hàng ngay tại dinh. Nhưng đường dây từ dinh Độc Lập ra đài phát thanh không hoạt động được nữa do nhân viên đài lúc ấy đã “biến” hết. Phải ra đài phát thanh!

Ngay lúc đó, Trung tá Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng xuất hiện. Các sĩ quan biệt động đặc công đưa ông vào gặp Tổng thống Dương Văn Minh. Trung tá Bùi Văn Tùng cũng bác bỏ lời đề nghị bàn giao chính quyền và tuyên bố giải pháp duy nhất là phải đầu hàng.

Bùi Thanh trong bài báo Giờ kết thúc, kết luận như sau:

“Thật ra thì những gì xảy ra trong 40 phút đó rất căng thẳng và đầy kịch tính. Nhưng Tuổi Trẻ xin không nêu lại vì xét thấy không cần thiết nữa”.

***

Lịch sử Việt Nam đã chính thức sang trang sau một khúc quanh khắc nghiệt ngày 30/4/1975. Khắc nghiệt đối với miền Nam nhưng lại vinh quang đối với niền Bắc. Đây cũng là một biến cố bi thảm khiến hàng triệu người bỏ nước ra đi, để trám vào chỗ đó, hàng triệu người di dân từ miền Bắc vào Nam để tìm cuộc sống mới.

Có người cho rằng, lịch sử là một sự lập lại. Điều này được kiểm chứng bằng cuộc di cư vào Nam năm 1954 và sau đó là cuộc di tản ra nước ngoài và di dân từ miền Bắc vào Nam sau 1975. Di cư, Di tản và Di dân có những lý do và mục đích rất khác nhau nhưng người Việt nói chung đã trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử.
 
***
* Nghe lại những diễn biến trên Đài phát thanh Sài Gòn, ngày 30/4/1975 tại:




***
2 Comments on Multiply

songhong wrote on Apr 23, '11
Cám ơn anh Chính.
Bài viết hay, sưu tầm giá trị. Còn một chút gì để nhớ để thương.....

hoangduocsutx wrote on Apr 25, '11
30/4/75 là 1 ngày định mệnh cho lịch sử VN sang trang. Ngày này đánh dấu cho một lịch sử u ám chưa từng thấy trong mấy ngàn năm dựng nước, ngày báo trước cho cái nhục mất nước cận kề...

2 nhận xét:

Ngoc Chinh Nguyen06:22 29 tháng 10, 2013
Xem lai video clip "Bản tin tức cuối cùng của Đài phát thanh Sài Gòn, tháng 4/1975" tại

Trả lời

Dân Nam18:52 28 tháng 4, 2014
Như vậy lực lượng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam hay CS Bắc Việt chỉ chiếm được một miền Nam mở ngõ trống không chứ nào có đánh đấm gì để được chiến thắng đâu!

Trả lời

No comments:

Post a Comment