Friday, April 26, 2019

Trông người lại nghĩ đến ta

http://www.saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/vanNTN.htm
http://saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc/NguyenTaiNgoc/van4.htm

Trông người lại nghĩ đến ta

Trận động đất Sendai đã làm cho cả thế giới thấy cá tính phi thường của người Nhật không quốc gia nào  có thể sánh bằng. Khác với cơn bão Katrina làm ngập lụt thành phố New Orleans ở Mỹ năm 2005 và cơn động đất tháng Giêng năm 2010 phá sập thành phố Léogâne, Haiti khiến nạn nhân giành giật thực phẩm, chen lấn, cướp bóc, hôi của, la hét, chửi bới chính quyền, dân chúng Nhật nhường nhịn thức ăn cho nhau, kiên nhẫn, kỷ luật, không cướp bóc, đứng xếp hàng trật tự có nơi đợi hơn 12 tiếng đồng hồ để mua nhu yếu phẩm. Phần lớn mọi người giữ sự đau khổ trong lòng không để lộ diện cho người ngoài thấy.

Ở một tiệm chạp phô trong khi bán hàng thì bị cúp điện. Máy tính tiền cần điện nên mọi buôn bán phải trì hoãn. Những người đã lấy hàng hóa đợi tính tiền đem trả hàng lại trong ngăn đựng dù rằng có người đã đợi hơn ba giờ đồng hồ, không một ai nổi giận, không ai cướp bóc, không ai hôi của. Tiền bạc rớt bừa ở những nhà sụp đổ không một ai lấy. Một người  Mỹ bị kẹt qua đêm trong xe điện ngầm sau cơn động đất. Anh ta rất ngạc nhiên là hành khách không ai hốt hoảng, không ai la hét đòi hỏi người trưởng tầu xe lửa để biết chừng nào tầu chạy lại, chừng nào được cứu. Mọi người chỉ yên lặng ngủ qua đêm chờ sáng. Ở Tagajo, một thành phố gần trung tâm động đất, nhân viên một nhà kho bán nước ngọt đem hết cà-phê và nước ngọt đem bày ra ngoài đường để ai cần thì lấy dùng. Ông Osamu Hayasaka, 61 tuổi, lấy hai thùng nước ngọt buộc vào yên sau xe đạp của ông ta nhưng không phải lấy cho ông ấy. Hayasaka nói: “Khu tôi ở có rất nhiều người già nên tôi đem về cho họ.”

Người lớn tỏ cá tính phi thường mình đã thấy thán phục, đọc xong chuyện cậu bé Nhật trong một email luân chuyển trên Internet do anh Hà Minh Thành kể, không ai mà không khâm phục người Nhật từ nhỏ chí lớn. Cậu bé chín tuổi mất hết gia đình đứng đợi ở gần cuối hàng để nhận lãnh lương thực. Khi anh đưa thức ăn cho cậu bé, thay vì lấy ra ăn thì cậu bé đem thức ăn bỏ vào chỗ phân phối thức ăn chung rồi ra sau hàng đợi tiếp. Khi hỏi tại sao không ăn, cậu bé trả lời là: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nhận khoảng hơn hai mươi email từ bạn bè về câu chuyện trên và những chuyện khác của người Nhật, email nào cũng nói ước gì người Việt Nam chúng ta bắt chước được tính của người Nhật. Tất cả email này giống nhau ở một điểm: người nào cũng muốn người Việt cư xử như người Nhật Bản, thế nhưng không một ai đưa ra một đề nghị giải quyết làm thế nào để chúng ta có thể giống như họ?

Cụ Phan Bội Châu một trăm năm về trước đã nhận thức được sức mạnh siêu cường của Nhật Bản nên đã cùng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và một số chí sĩ yêu nước lập ra Duy Tân Hội, cỗ võ phong trào Đông Du khuyến khích người Việt sang Nhật Bản học hỏi. Có mục đích rõ ràng như thế mà Phan Bội Châu còn thất bại, thế thì một trăm năm sau nếu ta chỉ nói bâng quơ ước ao người Việt mình được như người Nhật thì làm sao giấc mơ đó biến thành cụ thể được?

Ơ nước Mỹ hơn 35 năm, tôi thấy người Mỹ có cái hay là khi có một vấn đề khó khăn, họ lập tức tìm biện pháp giải quyết và áp dụng ngay vào vấn đề đó. Tôi muốn bắt chước cái tính hay đó của họ nên mạnh dạn đề nghị phương pháp cho người Việt chúng ta noi theo. Nước Nhật đã tốn bao nhiêu năm huấn luyện dân tình để bây giờ dân chúng  mới đạt đến những cá tính đáng phục: sạch sẽ, không lợi dụng cơ hội để hôi của hay cướp giật, không ích kỷ, hy sinh tính mạng mình cho người khác, khiêm nhường kính trọng người khác, lễ phép, liêm khiết không tham nhũng, Họ làm được thì chúng ta cũng làm được. Trong bốn quốc gia nguyên thủy dùng chữ Hán là nền tảng của ngôn ngữ, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, chỉ có Việt Nam chúng ta là thua xa ba quốc gia kia. “Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, tôi hy vọng “với ý chí thay đổi, Hà Tĩnh cũng thành Tokyo”:

1. Sạch sẽ: Trong tất cả tính xấu của người Việt Nam, tính dơ bẩn của chúng ta có lẽ là xấu nhất. Tiêu chuẩn sạch sẽ của chúng ta quá thấp. Người Việt chúng ta cứ tự hào không thua Trung Hoa, thế nhưng về việc ở bẩn thiếu vệ sinh thì xin cho tôi van, cứ để họ dành phần thắng, không có gì mà xấu hổ dân tộc. Vâng, cứ để họ đoạt huy chương vàng vẻ vang nổi tiếng bẩn hơn mình. Bề ngoài của quốc gia là quan trọng. Đường xá do đó lúc nào cũng nên giữ sạch sẽ, không rác rưới hay đái bậy. Dân mình hay đái bậy ngoài đường vì không có toilette công cộng. Tôi đề nghị ở những bùng binh thay vì dựng tượng này tượng nọ, chúng ta nên xây toilette ngay ở giữa để người dân có chỗ đi toilette (xây tượng dân có chỗ núp kín đáo để tiểu tiện, vì vậy thay tượng bằng toillete cho được việc nhà nước). Mướn người lau toilette 24/24 để lúc nào nó cũng sạch còn hơn khách sạn Sheraton, ai cũng muốn hồ hởi vào làm nhiệm vụ đất nước. Mặt khác thì nên gia tăng hình phạt thật gắt cho ai đái bậy. Mấy xứ Ả-Rập người ăn cắp họ đem ra chặt tay thì Việt Nam ta  nếu bắt được người nào đái bậy ngoài đường, đem của quý ra thiến. Một công hai việc: đường xá sạch sẽ và giới hạn sinh sản cùng một lúc. Bảo đảm cắt của quý độ chừng mười người thôi là tất cả mọi người sẽ không dám đái bậy nữa, quốc gia sẽ được giải phóng vấn đề đái bậy khắp nơi.

2. Không lợi dụng cơ hội để hôi của hay cướp giật: Tôi thấy tận mắt lần đầu tiên ở Hoa Kỳ khi sống chung với một cặp vợ chồng Mỹ về kinh nghiệm giầu có không trộm cắp. Trong khu apartment tôi ở có nhiều con nít. Sau một ngày chơi đùa, chúng nó hay bỏ đồ chơi, xe đạp ngổn ngang ngoài đường, không bao giờ bị mất cắp. Lý do rất dễ hiểu: ở một xã hội ai cũng có tiền mua đồ đạc như nhau thì không có trộm cướp. Ta cũng có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Nước Việt Nam chúng ta vấn đề không nằm trong  một thiểu số giầu trưởng giả học làm sang, mà là trong đa số dân chúng quá nghèo. Tôi đề nghị tập trung họ vào vài tỉnh, rồi cắt đứt luôn những tỉnh đó cho Trung Hoa. Phần đất có người giầu ta giữ lại. Lúc ấy thì Việt Nam hoàn toàn đúng với câu dân giầu nước mạnh: mọi người ai cũng giầu nên sẽ không còn cướp bóc.

3. Không ích kỷ, hy sinh tính mạng mình cho người khác: Đến bây giờ chắc có lẽ ai cũng biết một nhóm 150 người khoa học gia, chuyên viên, kỹ sư Nhật đã tình nguyện ở lại lo dập tắt lò nguyên tử Fukushima mặc dù biết rằng tính mạng họ như chỉ mành treo chuông vì bị nhiễm phóng xa trực tiếp của lò nguyên tử. 150 người này giống như những phi công cảm tử Kamikaze vào Đệ Nhị Thế Chiến. Họ là những anh hùng cảm tử không biết chết là gì, hy sinh sự sống để cứu vãn tính mạng của người khác. Tôi phải thú nhận là suy nghĩ mãi mà tôi không thể nào đưa ra một biện luận mạnh mẽ nào để có thể thúc đẩy dân Việt Nam chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mạng mình để cứu người khác như dân Nhật. Tôi chỉ nhớ đến trường hợp của một ông Trung Tá Cảnh sát Việt Nam bắn vào đậu tự tử trên đường Lê Lợi vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong khi xác ông ta nằm chết thì ký giả Tiziano Terzani người Ý-Đại-Lợi ở trên lầu khách sạn Caravelle nhìn xuống thấy một người đàn ông đi xe gắn máy chạy đến lấy khẩu súng và một người khác nữa đến gỡ đồng hồ đeo tay của ông ấy.  Cảnh tượng này rất rõ trong đầu óc của tôi nên tôi chỉ có lời khuyên là nếu  người nào  có ý chí hy sinh mạng sống mình cho đồng hương thì nên nhớ gỡ đồng hồ đeo tay, thắt lưng, giầy da… đưa lại  cho vợ con mình để  họ bán giữ lấy tiền, còn hơn là để bị kẻ khác tước đoạt khi mình chết.

4. Khiêm nhường, kính trọng người khác: Khác với người Đại Hàn nổi bật bản tính hung hăng, người Nhật Bản rất khiêm nhường, kính trọng người khác. Ngôn ngữ của họ cũng tỏ ra điều đó. Người Việt Nam chúng ta thì ngược lại. Từ người ít học đạp xích lô đến một một người thông thái kỹ sư bác sĩ, từ một anh lính quèn binh nhì đến một ông tướng bốn sao, khi người khác không cùng quan điểm với mình thì ai cũng gọi họ là  “thằng này”, “thằng nọ” hết. Một người không thành công lắm trên đường đời như người phu khuân vác, anh lính binh nhì còn gọi những người khác bằng “thằng”, huống chi chính những người này khi may mắn nắm được những địa vị lãnh đạo trong xã hội thì cả thế giới… chết. Khi chúng ta gọi người khác bằng “thằng”, thái độ chúng ta trở nên hung hãn và kiêu ngạo vì không xem người khác ra gì. Người mình gọi là “thằng” dĩ nhiên sẽ nghĩ về mình như mình nghĩ về họ. Nên nhớ  là dù rằng mình có giỏi hách-xì-xằng đến đâu thì cũng có triệu người sáng suốt và giỏi hơn mình. Mỗi lần mình gọi người khác, ngay cả kẻ thù nghịch của mình, là “thằng”, cứ nghĩ đến vợ con mình sẽ gọi mình là “thằng bố”, “thằng chồng”, thì tôi bảo đảm dần dần mình sẽ trở thành ngươi kém hung hãn, khiêm nhường, kính trọng người khác.

5. Lễ phép: Hãng của tôi bây giờ đã bán, nhưng ngày xưa do ba người kỹ sư hùn vốn sáng lập. Một trong ba người là Nhật Bản. Họ bằng cỡ tuổi nhau nhưng ông Nhật luôn luôn cúi đầu chào hai ông kia mỗi khi gặp nhau. Xem đài truyền hình Nhật Bản, mở đầu chương trình là xướng ngôn viên cúi đầu chào khán giả. Tính người Nhật là như thế, ai họ cũng cúi đầu sát ván chào rất lễ phép. Người Việt chúng ta lễ phép hơn nhiều dân nước khác chẳng biết lễ phép là gì. Ít ra mình lễ phép đã được 50%: người nào cấp bậc lớn hơn mình, giỏi hơn mình, xếp của mình, thế lực hơn mình, thì mình rất là lễ phép, “dạ” lấy “dạ” để tâng bốc họ. Thế nhưng người dưới quyền  hay kém may mắn hơn thì mình nạt nộ người ta líp-ba-ga, khinh thường không xem họ ra gì hết.

Chúng ta không lễ phép vì không có phần thưởng. Kinh luật của ông Đạo Dừa có một điều khoản bây giờ tôi phổ biến thì ai cũng sẽ trở nên lễ phép. Đạo Hồi người đàn ông nào  tử vì đạo khi chết  sẽ được 70 trinh nữ, thì  kinh luật của ông Đạo Dừa cũng nói rõ ràng người nào ở trần gian lễ phép với tất cả mọi người lúc chết sẽ được lấy ba vợ. Tôi không biết các ông khác thì sao chứ từ giờ trở đi tôi sẽ cực kỳ lễ phép gấp hai lần để khi chết được thưởng sáu vợ thay vì ba.

6. Liêm khiết, không tham nhũng: Trở lại câu chuyện ông chủ Nhật Bản của tôi, ba người chủ đều chạy xe riêng do hãng thuê. Hai ông chủ kia thỉnh thoảng tôi thấy vợ lái xe của chồng, riêng ông chủ Nhật Bản  thì không bao giờ để xe của mình cho vợ chạy, vì ông ta nói đó là xe của hãng. Việt Nam chúng ta thì tính tham nhũng miễn bàn, nó đã vào tận xương tủy mọi người từ thời vua Hùng Vương Thứ Bẩy. Không, tôi nói sai, dân mình làm gì mà tham nhũng lâu đời dữ như vậy, mình chỉ tham nhũng bắt đầu từ đời vua Hùng Vương Thứ Tám thôi. Ngày xưa trước tháng 4-1975, 16 tuổi tôi phải đi gác Nhân Dân Tự Vệ mỗi tuần một đêm. Gia đình nào giầu đóng tiền cho Phường thì con mình khỏi gác. Những anh nào nghèo như tôi thì phải gác thế giờ cho những người không gác, còn tiền thì Phường lãnh! Tham nhũng ăn tiền trắng trợn như thế, nước Việt Nam Cộng Hòa của tôi! Ấy là chức tôi còn dưới chức binh nhì; thử hỏi cứ theo chế độ quân giai cấp bậc càng ngày càng lớn từ trong quân đội đến thương mại, học đường, xã hội, thì sự tham nhũng biết là bao nhiêu!

Chúng ta phải nhìn nhận là không thể nào diệt trừ bệnh tham nhũng của người Việt được. Do đó, giải quyết duy nhất là chính thức hóa nó. Xã hội bây giờ người nào cũng tham nhũng, nhưng những tay mơ mới bắt đầu vào nghề thì không biết đưa tiền cho ai, và đưa bao nhiêu thì đủ? Vì thế nên  chính thức hóa. Ai cũng có quyền tham nhũng, từ trẻ đến già, từ chức quèn đến chức lớn. Ấn định số tiền tham nhũng cho tất cả mọi tầng lớp. Thiết lập một hệ thống cấp bậc như quân đội, ai cũng mang lon tham nhũng từ một sao đến năm sao để phó thường dân nhìn ngôi sao là biết ngay phải đưa tiền cho ai, và đưa bao nhiêu. Vì mọi người có quyền tham nhũng như nhau nên không ai hiềm tị ai vì “anh ăn mà tôi không được ăn”. Không ghen ghét nhau có nghĩa là đoàn kết, mà một khi đoàn kết thì chỉ có một kết quả hữu ích: dân giầu, nước mạnh.

Người Nhật đã tốn bao nhiêu thế kỷ huấn luyện đạo đức phi thường của họ. Cá tính người Việt Nam bê bối từ thời An Tiêm trồng dưa hấu vất hột bậy bạ không bỏ vào thùng rác làm dưa hấu mọc khắp nơi. Do đó, dù rằng đưa ra những đề nghị để dân tình nước ta thay đổi, thâm tâm tôi không hy vọng  một sớm một chiều  chúng ta có thể bắt chước người Nhật được.

Trừ khi nếu ai cực kỳ lễ phép với mọi người được thưởng ba vợ bé ngay bây giờ, không phải đợi đến lúc chết lên thiên đàng mới được hưởng, thì tôi bảo đảm trong thời gian cấp kỳ dân tình Việt Nam  nhất định sẽ  siêu đẳng hơn dân nước Nhật.

Nguyễn Tài Ngọc

March 2011 

No comments:

Post a Comment