Sunday, March 3, 2019


Một sự tình cờ kỳ lạ

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Một sự tình cờ kỳ lạ
20/09/2017

Hôm qua, Giáo sư Bùi Dương Chi gọi điện thoại cho biết ông về Việt Nam được mấy hôm và ông cũng vừa đi Vũng Tàu về. Ông hẹn sẽ đi xe ôm đến nhà tôi chơi để hàn huyên sau thời gian xa cách.  

Giáo sư Chi là thầy cũ dậy tôi môn Anh văn hồi thập niên 60 tại trường Trung học Ban Mê Thuột. Thầy trò chỉ hơn nhau có vài tuổi nhưng cái tình đó rất sâu đậm. Ông đã viết trong “Thay lời bạt” cuốn “Hồi ức Ban Mê”, xuất bản tại Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường:

“Tôi rất hân hạnh nhận lời giới thiệu người viết vì kể từ niên khóa 1963-1964 đến nay [2016] chúng tôi đã giữ mối liên hệ thầy trò, thân hữu và chuyên nghiệp được 51 năm. Thầy trò vì tôi dạy Chính môn Anh văn sinh ngữ phụ lớp 11 và 12. Thân hữu vì chúng tôi hơn kém nhau 7 tuổi, có nhân sinh quan khá tương đồng và có chung mấy sở thích như viết lách, dịch thuật, trau dồi kiến thức phổ thông, du khảo, đờn ca, v.v…

“Hơn nữa, còn có thêm một cơ duyên độc đáo là Chính dậy má tôi tiếng Anh trong cuối thập niên 80 sau khi má tôi được thả và trở vào Nam sau gần 13 năm tù vì tội “gián điệp, phản động” ở ngoài Bắc”.

(hết trích)

Người mẹ mà thầy Chi nói đến là nhà văn Thụy An, nhũ danh Lưu Thị Yến. Người mà tôi đã có một bài viết mang tên “Nhân văn – Giai phẩm: nhà văn Thụy An”. Bài viết này đã đăng trên Blogspot, năm 2012 (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/nhan-van-giai-pham-nha-van-thuy-an.html).

Ngày 20/09/2016 tôi đã post bài này trên Facebook và hôm nay, 20/09/2017, FB đã nhắc lại sự kiện này. Như vậy, quả là có sự tình cờ trong cùng một thời điểm (tháng 9/2017) đã diễn ra giữa chuyện thầy Chi, mẹ của thầy, nhà văn Thụy An và bài viết về nhà văn Thụy An.

Kỳ lạ hơn nữa là thầy Chi đi cùng vài người ban ở Pháp ra Vũng Tàu. Đối với thầy, việc ra Vũng Tàu không phải là một chuyến du lịch vì ông ra biển là để tưởng niệm người mẹ. Bà Thụy An trước khi lìa đời có ước nguyện được hỏa táng và phần tro cốt đem rải xuống biển. Gia đình đã làm đúng nguyện vọng của bà. Và người con của bà năm nay ra biển, thả xuống vài cánh hoa để tưởng niệm người đã khuất.

Như các bạn đã đọc trong bài viết đã dẫn, cuộc đời của nhà văn Thụy An là một thiên truyện “có một không hai” của một người phụ nữ can trường trước số phận của định mệnh. Theo tôi, nổi bật nhất là việc hủy hoại một con mắt trong thời gian giam cầm để chỉ “nhìn đời bằng một con mắt”. Quản giáo hồi đó vẫn thường gọi bà bằng cái tên đầy tính miệt thị: “An Chột”.

Cách đây đã lâu, nhà phê bình văn học Thụy Khê ở Pháp có liên lạc với tôi để tìm hiểu về những ngày cuối cùng của bà Thụy An. Tôi tình thật trả lời:

“Những gì tôi biết về bà đã giãi bày qua bài viết và những người có trách nhiệm còn nợ bà một lời xin lỗi vì tất cả những người trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm ngày nào đều đã được “minh oan”, phục hồi danh dự. Chỉ duy nhất có bà Thụy An là không ai đếm xỉa gì!”.

Viết những dòng này tôi chỉ muốn kể lại “một sự tình cờ kỳ lạ” về những diễn biến xoay quanh thầy Chi, mẹ thầy, nhà văn Thụy An và bài đăng trên Facebook. Tất cả được diễn ra vào những ngày cuối tháng 9/2017!


***


Tác phẩm của nhà văn Thụy An: "Một linh hồn"


Truyện ngắn: "Bốn mớ tóc"


Thủ bút của nhà văn Thụy An


Bình luận trên Facebook


Bình luận trên Facebook


Bình luận trên Facebook

***

No comments:

Post a Comment