Những cái tên bình dị về Núi & Đèo (4/5)
Núi & Đèo (4)
(Tiếp theo)
Đi từ đồng bằng lên cao
nguyên bằng đường bộ chúng ta sẽ phải qua những đoạn đường đèo xuyên núi. Việt
Nam có khoảng hơn 30 đường đèo lớn nhỏ cũng như dài ngắn. Trong phạm vi bài viết
này chúng tôi chỉ đề cập đến những cái tên bình dị nhưng cũng kỳ lạ của núi và
đèo mà tôi đã từng nghe đến hoặc có dịp đi qua trong những chuyến cross-country
xuyên Việt vào cuối thập niên 90.
Rời xứ võ Bình Định của “anh
hùng áo vải” Quang Trung chúng tôi đến Quảng Ngãi, “quê mía, xứ đường”. Người
ta còn đặt cho Quảng Ngãi biệt danh vùng đất “núi Ấn, sông Trà” với ngọn núi
Thiên Ấn được vua Tự Đức phong tặng là “danh sơn” và sông Trà Khúc được xếp vào
loại “đại xuyên”. Quảng Ngãi còn có 150 km bờ biển, kéo dài từ An Tân (chứ
không phải Tân An ở miền Nam) đến Sa Huỳnh, với nhiều bãi biển đẹp như Mỹ Khê,
Khe Hai, Minh Tân…
Trong chiến tranh Việt Nam,
thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi được cả thế giới
biết đến qua phương tiện truyền thông với những cái tên như My Lai Massacre,
Son My Massacre hoặc Pinkville theo tên gọi của quân đội Hoa Kỳ. Địa danh này
đã đi vào những trang lịch sử u buồn của Quảng Ngãi với 504 thường dân, hầu hết
là đàn bà và trẻ em, đã bị quân đội Hoa Kỳ tàn sát vào sáng ngày 16/3/1969 [1].
Vụ thảm sát tại Sơn Mỹ (Mỹ
Lai)
Sinh viên Mỹ rất háo hức
trên đường đến khu chứng tích Sơn Mỹ. Tuy nhiên, sau chuyến thăm nơi này, tôi
thấy những người thuộc thế hệ trẻ bỗng trở nên ít nói hơn so với trước đó. Lý
do tại sao thì cũng dễ hiểu nhưng điều đáng ngạc nhiên là một chuyện xảy ra từ
hơn 30 năm về trước đã có tác động mạnh đến những suy nghĩ về chiến tranh và
hòa bình của thế hệ trẻ.
Những người đã từng tham chiến
thuộc thế hệ già nua như tôi, như những người anh em phía bên kia chiến tuyến cũng
như những người Mỹ thuộc lớp “baby-boomers” chiến đấu tại Việt Nam có thể nhìn
chiến tranh dưới một khía cạnh trần trụi, khắc nghiệt: giết người hoặc bị người
giết. Tất cả chúng tôi hầu như đều chấp nhận những thảm kịch của chiến tranh,
coi đó như một điều tất yếu phải xảy ra, không với bên này thì cũng với bên
kia. Nhưng, đối với thế hệ trẻ, cả Việt lẫn Mỹ, họ đều có những suy nghĩ khác hẳn.
Dọc hai bên lối đi vào Khu
chứng tích Sơn Mỹ là những bia đá ghi lại địa điểm những ngôi nhà của các gia
đình đã bị tàn sát chen lẫn vết tích của các hầm tránh đạn và những bức tượng
nhỏ mang hình ảnh của nạn nhân. Gốc cây gòn, nơi một số dân làng bị giết vẫn
còn đó và phía sau tượng đài là một bức bích họa đầy màu sắc thể hiện hình ảnh
của vụ thảm sát. Phía bên trái lối đi là tòa nhà trưng bày chứng tích gồm hình ảnh
và hiện vật còn sót lại của làng Sơn Mỹ.
Khu chứng tích Sơn Mỹ thu
hút rất nhiều khách tham quan người Mỹ thuộc mọi thế hệ, đặc biệt là những cựu
binh tham gia chiến tranh Việt Nam. Họ trở lại đây với nhiều tâm trạng khác
nhau, có thể đó chỉ đơn thần là một chuyến du lịch và cũng có thể là một cuộc
hành hương tìm về quá khứ. Hugh Thomson, viên chuẩn úy phi công lái chiếc trực
thăng trinh sát đã từng chứng kiến cảnh tàn sát, cũng đã trở lại Sơn Mỹ để thực
hiện phim Tiếng vĩ cầm tại Mỹ Lai nhân kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát.
Tượng đài kỷ niệm tại Sơn Mỹ
(Mỹ Lai)
Từ Quảng Ngãi chúng tôi đến
Quảng Nam, nơi có nhiều ngọn cao trên 2.000 m như núi Lum Heo (2.045 m), núi
Tion (2.032 m), núi Gole - Lang (1.855 m). Giữa Quảng Ngãi và Kon Tum còn có ngọn
Ngọc Linh cao 2.598 m, đây cũng là đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn.
Ngoài ra, vùng ven biển phía
đông sông Trường Giang là dải cồn cát chạy dài từ Điện Ngọc, Điện Bàn đến Tam
Quan, Núi Thành. Bề mặt địa hình Quảng Nam bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi
khá phát triển gồm sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang và sông Cổ Cò.
Cảnh đẹp ít người biết đến trên
sông Cổ Cò, Hội An
Sau năm 1975, hai tỉnh Quảng
Nam, Quảng Tín và thành phố Đà Nẵng được sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng
nhưng đến năm 1997, hai tỉnh này lại được chia thành các đơn vị hành chính độc
lập gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh có 14 huyện với những cái tên
khá ngộ nghĩnh như Giằng (nay là huyện Nam Giang), Hiên (nay là Đông Giang và
Tây Giang) và 2 thị xã là Tam Kỳ và Hội An (nay là thành phố Hội An).
Tin vui đến với Hội An vào
những ngày cuối năm 1999 khi UNESCO đã chính thức công nhận phố cổ Hội An và
thánh địa Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây cũng là miền tự hào của người
dân Quảng Nam vì cả hai di sản đều thuộc địa phận tỉnh.
Thật đáng tiếc, chúng tôi
không có đủ thì giờ thăm thánh địa Mỹ Sơn nằm cách thành phố Đà Nẵng gần 70 km.
Một phần vì khoảng cách khá xa hơn nữa sinh viên Mỹ đã có dịp đến nhiều ngôi
tháp của người Chàm nằm trên Quốc lộ 1 A dọc theo duyên hải miền Trung.
Ngành du lịch Hội An gần đây
đã thực hiện những bước đột phá ngọan mục với việc phát hành loại vé mang tên Một
lần thăm đô thị cổ Hội An. Khách du lịch có thể tùy ý lựa chọn 5 điểm trong đó
giới thiệu Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch và Bảo tàng Văn
hóa Sa Hùynh.
Khách cũng có thể chọn 1
trong 3 hội quán cổ của người Quảng Đông, Triều Châu hoặc Phúc Kiến và 1 trong
4 ngôi nhà cổ gồm Nhà thờ tộc Trần, Phùng Hưng, Quân Thắng và Tấn Ký. Điểm du lịch
thứ tư có thể là sự lựa chọn giữa Cầu Nhật Bản và miếu Quan Công; cuối cùng là
sự lựa chọn một trong những di tích còn lại trong vé.
Tại mỗi điểm, khách sẽ được
nhân viên hướng dẫn tận tình với thời gian không hạn chế. Tuy nhiên, Hội An cần
xét lại sự chênh lệch về giá vé giữ khách nội địa và khách quốc tế. Trong khi
khách trong nước chỉ trả 10.000 đồng thì khách nước ngoài phải trả đến 50.000,
một số tiền tương đối lớn đối với những sinh viên của đoàn chúng tôi hãy còn phụ
thuộc vào gia đình.
Rõ ràng là Hội An mang lại
cho khách du lịch sự thoải mái rất khó tìm tại những thành phố du lịch khác
trên đất Việt. Tại đây không có những ‘đội quân’ bán hàng rong kiên nhẫn bám
theo khách như ‘đỉa đói’. Người Hội An rất hiếu khách. Một anh xe ôm đã tận
tình đưa tôi đi khắp các điểm tham quan, anh giải thích cặn kẽ từng chi tiết,
nhớ từng niên biểu như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.
Vốn kiến thức của người chạy
xe ôm về Hội An rất phong phú nhưng điều quan trọng hơn cả là niềm tự hào của
anh khi được nói về phố cổ như của chính mình. Phải chăng truyền thống tiếp xúc
với phần còn lại của thế giới từ thế kỷ thứ 16 đã tạo cho người Hội An nét đặc
thù trong giao tiếp?
Đặc sản của phố cổ Hội An là
món cao lầu. Một tô cao lầu gồm những sợi mỳ màu vàng, bên trên là tôm, thịt
heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng, từa tựa như mì quảng. Sợi mỳ màu
vàng là do được trộn với tro của một loại cây ở địa phương. Nhiều người cho rằng
món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người
Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
Tinh túy của món cao lầu là
sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước
tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, hòn đảo cách Hội An 16 km, mới
tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước
xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chàm đào cách đây cả ngàn năm, mới
được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Cao lầu quả là… cầu kỳ.
Cao lầu với thịt và da heo
chiên
Ẩm thực Quảng Nam cũng có
nét cá biệt đáng ghi lại như ở Tam Kỳ có món cơm gà nổi tiếng. Chỉ trên đường
Phan Chu Trinh – Phan Bội Châu tôi đã thấy có tới mấy quán như Cơm gà bà Luận,
Cơm gà Tam Duyên, Cơm gà Hải Phương, Cơm gà Đặc sản bà Huế…
Riêng bà Luận còn có một hệ
thống gồm 4 nhà hàng tại Sài Gòn lúc nào cũng đông khách sành ăn. Có lẽ bí quyết
của món này phải là gà ta nuôi tại Tam Kỳ và cơm được nấu bằng nước luộc gà, tất
cả đều đượm một màu vàng ươm bắt mắt.
Cơm gà Tam Kỳ
Rời Đà Nẵng chúng tôi chuẩn
bị vượt qua một ngọn đèo được mệnh danh là “Đệ nhất Hùng quan” dài 20 km xuyên
qua dãy Trường Sơn. Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng
lại trên đỉnh đèo để ngắm cảnh làm thơ. Trước cảnh hùng vĩ của trời mây và biển
cả, nhà vua đã phong cho ngọn đèo này danh hiệu “Đệ nhất hùng quan”. Ngọn đèo
này gần như quanh năm sương mù, mây xuống rất thấp và có những đoạn trông ra biển
từ độ cao 500 mét.
Đó là đèo Hải Vân, một cái
tên kết hợp giữa biển và mây. Đèo Hải Vân cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai
thành phố Đà Nẵng và Huế. Hải Vân (còn gọi là Ải Vân) đã đi vào ca dao dân gian
với âm điệu trầm buồn:
Chiều chiều mây phủ Ải Vân.
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại
buồn.
Đèo Hải Vân
Quốc lộ 1A trước đây được gọi
là Đường Cái Quan, nơi băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại vì hiểm trở,
thú dữ và cướp bóc... Vào thời Pháp thuộc, con đường này được sửa sang thông
thoáng hơn, đồng thời người Pháp còn cho xây dựng tuyến đường sắt và đường hầm
song song với đường đèo. Cho đến nay, đường đèo Hải Vân vẫn là một nỗi ám ảnh đối
với cả người lái xe và hành khách trên xe:
Đi bộ thì sợ Hải Vân
Đi thủy thì sợ sóng thần
Hang Dơi
Đèo Hải Vân mọi người đều biết,
còn Hang Dơi thì nằm ở chân núi kề biển về phía Lăng Cô, ở đây thường có sóng lớn
làm đắm thuyền. Đó là hai nỗi sợ của những người phải di chuyển trên khu vực
này.
Năm 1695, một thương nhân
người Anh tên Thomas Bowyear đã ghi lại: “Ngày 4.10.1695, khởi hành từ Faifo [Hội
An], đi dọc theo bờ biển và trên các núi cao, dù có con đường ngắn hơn nhưng bị
cấm, nên tôi không thể đi được...” [2]. Con đường bị cấm mà Bowyear nói đến có
lẽ là đoạn từ Lăng Cô ra Huế bằng cách vượt qua các đèo Phú Gia, Cầu Hai và Đá
Bạc.
Một khúc cua gắt trên đèo Hải
Vân
Vùng đất Hải Vân xưa thuộc
hai châu Ô và Rí của vương quốc Chàm. Vua Chế Mân hiến tặng vua Trần Nhân Tông
làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân. Câu chuyện về Huyền Trân đã trở thành
một đề tài trong thi ca, nghệ thuật. Có lẽ vào thời đó, người Việt coi người
Chàm là dân tộc thấp kém nên đã có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường
nó leo
Điểm đặc biệt chỉ có thể thấy
ở Hải Vân là từ trên đỉnh đèo có thể quan sát cả hai phía vào những ngày đẹp trời.
Phía bắc là đồi núi trập trùng phủ màu mây trắng, xa xa là đầm Lập An, vịnh Lăng
Cô thuộc địa phận Thừa Thiên – Huế. Phía nam, sóng biển vỗ quanh triền núi, xa
hơn nữa là toàn cảnh thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn.
Như đã nói, Hải Vân còn được
gọi là Ải Vân. Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải,
gọi là “Hải Vân Quan”, xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn. Cửa
trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề
“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bằng chữ Hán.
Điểm dừng chân trên đỉnh đèo
Hải Vân
Xe của chúng tôi dừng lại rất
lâu tại đỉnh đèo. Một kỷ niệm đáng nhớ nhất trên đỉnh Hải Vân là cảnh đoàn sinh
viên Mỹ họp nhau trước cửa ải để cất tiếng hát Lên đàng…
Nào anh em ta cùng nhau xông
pha lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyện đồng lòng điểm tô
non sông
Từ nay ra sức anh tài
Tiếng hát vang trên nền
thành quách cổ, những lời ca còn ngọng nghịu dù đã tập đi tập lại nhiều lần nay
được dịp vang vọng trên đỉnh đèo Hải Vân quanh năm mây phủ. Tôi nghĩ, đó là một
trong những giây phút ấn tượng nhất của chuyến cross-country, trong số đó có 2
sinh viên người Mỹ gốc Việt.
Đó là vào thời điểm cuối thập
niên 90. Giờ thì lớp sinh viên đó đều đã trưởng thành, có người đã trở thành tiến
sĩ, người là doanh nhân thành đạt, thậm chí có người đã trở lại Việt Nam để
kinh doanh và sinh sống [2]. Tôi nghĩ, không ít thì nhiều, những tháng ngắn ngủi
trên đất Việt đã để lại cho họ nhiều cảm xúc buồn vui nhưng quan trọng hơn cả
là tình người không biên giới.
Đoàn sinh viên trước cửa Ải
Vân
Ở miền Trung, kể từ khi đường
hầm Hải Vân đưa vào hoạt động đã giảm hẳn tai nạn giao thông trên đèo và biến
đường đèo này thành một địa điểm du lịch. Người ta lại bắt đầu chú ý đến hai đường
đèo đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, đó là Phước Tượng và Phú Gia.
Hầu như tài xế nào khi đi
qua đây đều “ngán” với độ dốc và cua tay áo của các đèo này. Đã có những tài xế
do không quen địa hình, do bất cẩn, phản ứng không kịp khi gặp chướng ngại vật
và phải trả giá bằng những vụ lật xe. Khi lên đèo, những chiếc xe chở nặng nếu
tụt dốc có thể rơi xuống vực sâu khoảng 30 mét trên đèo Phú Gia.
Đèo Phú Gia
Đèo Phước Tượng cũng là nỗi
ám ảnh đối với người điều khiển xe tải, xe container và xe chở khách. Điều đáng
nói các vụ tai nạn xảy ra trên đèo đều ở tại những khúc cua gắt dù ngành giao
thông đã xây dựng hệ thống lan can bảo vệ bằng bê tông nhưng móng lan can thiếu
kiên cố nên dễ dàng bị ôtô húc đổ khi xảy ra va chạm.
Tai nạn trên đèo Phước Tượng
Rời cố đô Huế với sông
Hương, núi Ngự, chúng tôi tiến dần ra phía Bắc, vẫn theo Quốc lộ 1A, để qua một
ngọn đèo nổi tiếng qua thi ca từ ngày tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Từ vua Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Thì Nhậm cho đến Bà huyện
Thanh Quan đều có những vần thơ ca tụng ngọn đèo:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế
tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài
chú
Lác đác bên sông chợ mấy
nhà.
Thưở học trò hầu như ai cũng
thuộc bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan. Khi đó còn ngồi trong 4 bức
tường của lớp học tôi đã để trí tưởng tượng được đến vùng đất xa xôi Quảng Bình
– Hà Tĩnh để chiêm ngưỡng bức tranh thủy mạc mà bà huyện đã vẽ cảnh Đèo Ngang.
Thật tình mà nói, lần đầu tiên qua Đèo Ngang cảm giác giữa mộng và thực khác
nhau quá xa…
Đèo Ngang cũng chỉ như các
ngọn đèo khác với độ dài 6 km, cao khoảng 250 m, xuyên qua dãy Hoành Sơn là
ranh giới giữa huyện Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình ở phía Nam và huyện Kỳ
Anh, Hà Tĩnh, phía Bắc. Thời nay làm gì còn có cảnh những chú tiều phu lom khom
đốn củi dưới núi, bên bờ sông Gianh cũng không phải chỉ là mấy nhà nằm lác đác
quanh chợ.
Đèo Ngang xưa kia đây là
ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, đến thời Pháp thuộc mang tên Porte
d'Annam trên bản đồ. Với người xưa, đây là vùng đất hiểm yếu, từng được mệnh
danh là “bức tường thành”, là “phên dậu” phía Nam của nước Đại Việt. Ngày nay,
trên đỉnh đèo Ngang, cửa quan lớn mang tên “Hoành Sơn quan” (xây dựng dưới triều
vua Minh Mạng) vẫn còn nguyên vẹn cùng hai bức tường đá lớn chạy theo hai hướng:
vào núi và xuống biển.
Năm 1833, vua Minh Mạng cho
xây dựng “Hoành Sơn Quan” ở đỉnh Đèo Ngang và cho khắc hình vào Cửu Đỉnh (Huyền
Đỉnh). Hoành Sơn Quan cao hơn 4m, hai bên có thành dài hơn 30 m, trên cửa thành
đắp nổi ba chữ “Hoành Sơn Quan”. Hai phía Bắc - Nam của Hoành Sơn Quan có đường
dẫn là các bực thang. Hoành Sơn Quan vẫn còn, tuy không nguyên vẹn nhưng vẫn sừng
sững, uy nghi, phong trần nơi đầu núi hướng ra biển, là chứng tích của một thời
kỳ lịch sử.
Đứng trên đỉnh đèo Ngang
nhìn về phía Đông ta sẽ thấy màu xanh bao la của biển. Xa xa là Mũi Ròn, Vũng
Chùa, Hòn La và hàng loạt đảo nhỏ, lô nhô trên sóng nước. Nhìn về phía rừng là
vách núi chênh vênh bên cạnh những đồi nhỏ nhấp nhô. Thấp thoáng sau hàng dừa,
rặng phi lao là những mái ngói đỏ tươi, mái rạ sẫm màu của những làng chài, xóm
núi.
Đèo Ngang
Gần đèo Ngang về phía Quảng
Bình có đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây là một trong những di tích kiến trúc -
nghệ thuật - tôn giáo thờ Mẫu tiêu biểu của Việt Nam. Ngoài ra, khu vực đèo
Ngang còn có các bãi tắm như Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với những rừng
dương xanh, bãi cát vàng. Các đảo ở ngoài khơi như đảo Hòn La, Hòn Vụng Chùa,
Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến ... là những thắng cảnh thu hút nhiều du khách
Đảo Hòn La và Đèo Ngang đã hợp
thành một quần thể thắng cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Một bên là núi đèo nhấp
nhô, một bên là những bãi biển sạch, đẹp trải dài thoai thoải. Nơi đây đã được quy hoạch thành
khu du lịch Đèo Ngang-Hòn La nằm ở phía Bắc Quảng Bình với cảnh sắc thiên nhiên
hùng vĩ và thơ mộng.
Dưới chân đèo phía Bắc xưa
kia là cửa biển Xích Mộ. Nay cửa biển đã bị bồi lấp. Ngược lên phía Tây, dưới
chân đèo là một hồ nước trong xanh khá rộng. Ngược về phía Bắc đèo khoảng 3 km
là Đèo Con, lại một cái tên bình dị với vỏn vẹn một chữ trong số những ngọn đèo
mà chúng tôi đã đi qua như Đèo Chuối, Đèo Cả, Đèo Ngang…
Tuy thấp hơn đèo Ngang nhưng
vị trí nơi đây thật đẹp vì nằm sát ngay bãi biển Đá Nhảy với một bãi đá lớn từ
núi ăn lan ra biển, nhấp nhô với nhiều hình dạng khác nhau. Gần bãi tắm Đèo Con
là đền thờ bà Bích Châu (hay còn gọi là đền thờ Bà Hải). Núi Cao Vọng, cùng với
núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, Vũng Áng đã tạo thành một quần thể du lịch Bắc đèo
Ngang.
Đèo Con
(Còn tiếp)
***
Chú thích:
[1] Vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn
Mỹ) là một trong những biến cố đẫm máu trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Vào
ngày 16/3/1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh
Quảng Ngãi, các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường,
trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Vụ việc đã bị che giấu cho tới
cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ
quan hay binh lính Hoa Kỳ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này. Đại đội Charlie
thuộc Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, Sư đoàn
bộ binh số 23, Lục quân Hoa Kỳ, tới Nam Việt Nam tháng 12/1967.
Đại đội Charlie đổ bộ vào
làng Sơn Mỹ. Trung đội của thiếu úy William Calley bắt đầu xả súng vào các “địa
điểm tình nghi có đối phương”, những người dân thường đầu tiên bị giết chết hoặc
bị thương bởi các loạt đạn này. Sau đó lính Mỹ bắt đầu hủy diệt tất cả những gì
chuyển động, người, gia súc, gia cầm...
Trong tiếng Anh, vụ thảm sát
này có tên My Lai Massacre, Son My Massacre hoặc Pinkville, trong đó Pinkville
là địa danh của quân đội Hoa Kỳ đặt cho khu vực Mỹ Lai. Sự kiện thảm khốc này
đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến
và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ khỏi
Việt Nam năm 1972.
Ngày 19/8/2009, trong bài
phát biểu tại Kiwanis Club, Greater Columbus, lần đầu tiên William L. Calley
công khai lên tiếng xin lỗi nạn nhân. Ông nói: “Không một ngày nào trôi qua mà
tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra ngày hôm đó tại Mỹ Lai”.
Ngày nay, tại Sơn Mỹ có một
trung tâm tư liệu: Khu chứng tích Sơn Mỹ. Bên cạnh làng cũ là 2 tòa nhà: 1 trường
học và 1 trung tâm văn hóa, được xây dựng và tài trợ bởi cựu quân nhân Hoa Kỳ
trong Chiến tranh Việt Nam.
[2] Tham khảo: Mme Mir &
L. Cadière, “Les européens qui ont vu le vieux Huế: Thomas Bowyear”, 1920, trang
194.
[3] Tham khảo về đoàn sinh
viên Mỹ School for International Training (SIT) tại Việt Nam qua bài viết Chuyện
một người Mỹ thích… mắm tôm trên Blogspot:
1 nhận xét:
Ngoc Chinh Nguyen06:39 13
tháng 7, 2013
Mới đây trên trang web http://hcm.24h.com.vn/
có đăng một bài bình luận với nhan đề "Chàng Tây "xuyên tạc" thơ
Qua đèo Ngang" (Chủ nhật, 23/06/2013, 10:30 AM (GMT+7). Nguyên văn như
sau:
Trong chương trình “2! Idol”
được phát sóng trên VTV9 vào Chủ nhật ngày 16/6 vừa qua, ở phần thử thách khả
năng phân tích một bài thơ Việt Nam, nhân vật chính của chương trình – chàng ca
sĩ người Mỹ Kyo York đã phân tích bài thơ “Qua đèo Ngang” với nhiều đoạn xuyên
tạc sai lệch hoàn toàn với nội dung và cấu tứ của bài thơ, khiến nhiều khán giả
thấy phản cảm.
Chương trình “2! Idol” phát
sóng vào 20h55 các ngày Chủ nhật hằng tuần trên sóng VTV9, với hình thức
talk-show giải trí, khán giả tại trường quay và truyền hình giao lưu với một
nhân vật nổi tiếng. Nhân vật chính trong chương trình phát sóng tối 16/6 là ca
sĩ người Mỹ Kyo York. Anh chàng 28 tuổi này nổi danh là người nước ngoài hát
khá thành thạo các ca khúc tiếng Việt, và thời gian gần đây gây tiếng vang
trong cộng đồng mạng với MV ca khúc “Hello Hạ Long” (đặt lời mới trên nền nhạc
“Bonjour Vietnam”).
Đến phút thứ 11 của chương
trình “2!Idol” giao lưu với Kyo, khán giả thích thú chờ đón Kyo phân tích bài
thơ “Qua đèo Ngang” nổi tiếng của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Tuy nhiên, với những
gợi ý xuyên tạc từ cả hai MC của chương trình là Hoành Phi và Khởi My, cộng
thêm việc không hiểu từ ngữ của các từ Hán Việt trong bài thơ, Kyo đã phân tích
bài thơ một cách dung tục và hoàn toàn trái với nội dung vốn có.
Sau khi đọc một lần khá rành
rọt bài thơ, Kyo phân tích câu đầu tiên “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà” là “bước
tới một cái đèo tên là Ngang, bóng xế tà tức là bán bong bóng, giống với Chí
Thiện…”. MC Hoành Phi của chương trình nói: “Thì ra bài thơ này viết về ca sĩ
Chí Thiện?”… Ở những câu phân tích sau, Kyo tiếp tục xuyên tạc nội dung các từ
ngữ và ghép lại thành một câu chuyện hư cấu, ví như hình ảnh “Lom khom dưới núi
tiều vài chú”, qua gợi ý của MC Hoành Phi đã được Kyo hiểu thành “lom khom dưới
núi một chú rể”. “Chú rể là Chí Thiện đi bán bong bóng dưới núi” – Khởi My
nhanh nhảu đáp thêm.
Hay như từ “lác đác” được
Kyo diễn giải thành tỉnh Đăk Lăk, câu “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” thành
“tức là một người nói nhiều nên mỏi miệng, còn “cái gia gia” giống như một người
không rành tiếng Việt, ai nói gì thì trả lời dạ dạ”… Cuối cùng, Kyo nói về toàn
bộ nội dung của bài thơ với một giọng hết sức cợt nhả: “Tức là bà Tám này đứng
giữa một cái chợ có rất nhiều nhà, cô ta nhớ nhà dữ lắm và rất là đau lòng,
xong rồi cô ta nghe quốc quốc, dừng chân đứng lại, stop here và cô ta khóc, một
người đã bỏ cô ta gần chợ, gần sông, xong rồi cô ta buồn và muốn chết”.
Rõ ràng, những phân tích
trên đây của Kyo York và hai MC trong chương trình là hoàn toàn sai lệch với nội
dung và cấu tứ của bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Tuy sau đó,
MC Hoành Phi có giải thích sơ lược về ý nghĩa thực của bài thơ, nhưng việc đưa
một tác phẩm của một tác giả nổi tiếng, hơn nữa lại có trong sách giáo khoa để
"giễu" là điều không nên.
Là người đã theo dõi chương
trình này, chị Trần Thúy Hạnh (36 tuổi, Cầu Giấy – Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ:
“Khi xem xong chương trình tôi khá sốc, tôi biết bài thơ “Qua đèo Ngang” được
đưa vào giảng dạy trong bộ môn Văn học lớp 7, con trai tôi cũng đang học lớp 6,
tôi sợ rằng nếu xem được chương trình này thì đến lúc học tác phẩm ở trường,
cháu có thể hiểu đúng về nội dung và ý nghĩa của bài thơ, khi mà cháu đã có ấn
tượng từ những lời bình xuyên tạc trong chương trình được phát trên sóng của
đài truyền hình quốc gia”.
“2!Idol” là một chương trình
phát sóng trên kênh VTV9 của Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình này do
“Công ty cổ phần tập đoàn Đại sứ trẻ” sản xuất, mang mục đích giải trí, với đối
tượng khán giả là thanh thiếu niên. Thiết nghĩ, nội dung các chương trình giải
trí như vậy phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa.
Trả lời
No comments:
Post a Comment