Những cái tên bình dị về Núi & Đèo (5/5)
Núi & Đèo (5)
(Tiếp theo)
Đây là bài thứ 5, và cũng là
cuối cùng, trong loạt bài Những cái tên bình dị về Núi & Đèo trải dài suốt
đoạn đường thiên lý từ Nam ra Bắc. Đoạn cuối cùng của hành trình xuyên Việt lên
miền Tây Bắc chúng vượt qua nhiều đèo nhưng nổi bật nhất phải kể đến 4 ngọn đèo
nổi tiếng: Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng và Khau Phạ.
Những cái tên của “tứ đại
đèo” này mang âm hưởng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng Tây Bắc.
Chẳng hạn như đèo Pha Đin có xuất xứ từ tiếng Thái, “Phạ Đin”, trong đó “Phạ”
nghĩa là “trời”, “Đin” là “đất”. Đèo Pha Đin, theo nghĩa ẩn dụ, chính là nơi
giao hòa giữa trời và đất.
Đèo Pha Đin là ranh giới giữa
Lai Châu (ngày nay là tỉnh Điện Biên) và Sơn La. Chuyện xưa kể rằng giữa hai địa
phương này có cuộc thi của hai chàng trai trẻ trên lưng ngựa. Họ xuất phát từ
hai đầu của ngọn đèo và chỗ hai người gặp nhau chính là ranh giới giữa Lai Châu
và Sơn La. Kết quả, Lai Châu phi nhanh hơn nên được phần đèo dài hơn Sơn La.
Ngày nay, ranh giới của đèo
Pha Đin một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần
thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của đèo là
1.648 mét so với mực nước biển và được bảng cảnh báo trước khi vào đèo: “dốc
cao, vực sâu, rất nguy hiểm” .
Bảng báo hiệu trước khi vào
đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin dài 32 km trên
Quốc lộ 6, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn, lại một cái tên của người dân
tộc thiểu số. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh giữa một bên là vách núi và
một bên là vực sâu. Độ dốc của Pha Đin thay đổi từ 10% đến 15%, đường đèo có đến
gần 10 khúc cua gắt trong đó có nhiều đoạn hẹp đến độ xe cộ chỉ có thể gần như
lưu thông một chiều.
Trong kháng chiến chống
Pháp, Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch để tiếp vận vũ khí, đạn dược
và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 của Việt Minh. Có đến khoảng
8.000 “thanh niên xung phong”, tên gọi các dân công, đã vượt đèo để tiếp tế cho
mặt trận Điện Biên Phủ.
Quốc lộ 6 và đèo Pha Đin đã
chịu đựng những trận oanh tạc của người Pháp, liên tục hơn một tháng, trước khi
vào trận Điện Biên Phủ, dân công chịu tổn thất nặng nề. Ngày nay, trên đỉnh đèo
có một tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử và Tố Hữu, trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện
Biên, ca ngợi “thanh niên xung phong”:
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt
nát
Không sờn lòng, không tiếc
tuổi xanh
Ngày nay, Pha Đin rất ít xe
cộ lưu thông nên ngọn đèo lịch sử này chỉ còn là một điểm đến đối với những người
thích phiêu lưu mạo hiểm. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên sẽ thấy thung lũng
Mường Quài trải rộng một màu xanh ngút ngàn của đồi núi, thấp thoáng bản làng,
nhưng khi lên đến gần đỉnh đèo thì chỉ còn mây và núi quyện vào nhau.
Tai nạn trên đèo Pha Đin
Nằm giữa Lào Cai và Lai Châu
là đèo Ô Quy Hồ, được mệnh danh là ngọn đèo “hoành tráng nhất” khu vực Tây Bắc.
Đèo Ô Quy Hồ còn có rất nhiều tên: đèo Hoàng Liên hay đèo Hoàng Liên Sơn do đèo
vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Theo người Mông, cái tên Ô Quy Hồ xuất phát từ một loài chim có tiếng kêu thảm
thiết gắn liền với huyền thoại câu chuyện tình dang dở của một đôi trai gái.
Đèo Ô Quy Hồ nằm trên Quốc lộ
4D với 2/3 thuộc tỉnh Lai Châu và phần còn lại thuộc phía Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Đây là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài, gần 50 km, có độ cao 2.000 mét nên được
gọi là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đèo uốn lượn quanh dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có
“nóc nhà Đông Dương” – đỉnh Fanxipan cao 3.143 m.
Ngày xưa, đèo Ô Quy Hồ đầy
hiểm trở, ít người dám qua lại vì đường quá dài lại có nhiều câu chuyện đường rừng,
đại loại như hổ thần rình bắt người, khiến người đi qua phải rùng mình. Ngày
nay, đường đèo được sửa sang và lượng xe cộ qua lại tấp nập. Để đi từ Hà Nội đến
Lai Châu, chúng tôi đi bằng xe lửa đến Lào Cai và từ đó theo đường bộ vượt đèo
Ô Quy Hồ.
Đèo Ô Quy Hồ
Vào mùa đông, đỉnh đèo Ô Quy
Hồ có thể phủ băng tuyết và Sa Pa lả thị trấn duy nhất tại Việt Nam có hiện tượng
cây cối, cảnh vật khoác một lớp băng giá như những khu vực hàn đới trên thế giới.
Từ Sa Pa đi thăm Thác Bạc cách thị trấn khoảng 12 km, vượt qua cổng vườn quốc
gia Hoàng Liên Sơn, đi thêm vài cây số là đã lên đến đỉnh đèo Ô Quy Hồ với mây
núi ngút ngàn nên còn được gọi là Cổng Trời. Phong cảnh thật thi vị nhưng đèo Ô
Quy Hồ cũng là một thử thách đối với các tài xế đường dài.
Sa Pa được coi như Đà Lạt của
vùng Tây Bắc với những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt, cả ngày sương mù bao phủ,
tầm nhìn không quá 2 m và núi rừng chìm ngập trong mây. Vào mùa hè, nếu bên đèo
Sa Pa khí hậu mát mẻ trong lành thì bên đèo Tam Đường, những cơn nóng khô hanh
sẽ thiêu đốt mặt đất, suối khô kiệt nước và những thảm cỏ xanh cằn cỗi dưới ánh
mắt trời.
Phần lớn các dân tộc như
Mông, Dao, Tày, Giáy cư trú tại Sa Pa đều sống dọc theo thung lũng Mường Hoa,
nơi mà con sông Mường Hoa bắt nguồn từ những con suối nhỏ từ đỉnh núi Fanxipan.
Nước từ con sông giúp cho cộng đồng người thiểu số tại đây canh tác nông nghiệp
qua những thửa ruộng “bậc thang” trên đồi núi.
Bản làng của người thiểu số
thường cách khá xa trung tâm thị trấn Sa Pa, muốn đi tới chợ bằng đường mòn thường
mất khoảng nửa ngày. Cũng vì thế, người ta thường phải đi từ thứ Bảy và ngủ qua
đêm tại thị trấn để dễ dàng cho buôn bán vào phiên chợ ngày Chủ nhật. Đêm thứ Bảy
thường rất là náo nhiệt, người già đi thăm hỏi bạn bè, lớp trẻ có cơ hội để tiếp
xúc và làm quen với bạn khác giới.
Điểm đặc biệt là mọi người kết
bạn qua tiếng khèn, tiếng sáo trong đó có chứa đựng tình cảm mà của họ muốn thổ
lộ. “Chợ Tình” chính là nơi trai gái làm quen và được duy trì khá lâu cho tới
ngày nay vẫn là hoạt động thu hút nhiều khách du lịch. Có điều những phiên Chợ
Tình thời “văn minh” mất hẳn bầu không khí hoang dã ngày nào. Thay vào đó là những
tiện nghi vật chất như thanh niên nam nữ đến đây bằng xe gắn máy và âm nhạc thì
đã có máy cassette làm nhiệm vụ…
Chợ Tình Sa Pa
Có người cho rằng Mã Pí Lèng
xứng đáng được xem là “đại vực” của Việt Nam. Thuộc địa phận ba xã Pải Lủng, Pả
Vi và Xín Cái, huyện Mèo Vạc, nằm trên quốc lộ 4C nối hai huyện Đồng Văn và Mèo
Vạc. Mã Pí Lèng với chiều dài 20 km, cao đến hơn 2.000 m là con đèo hùng vĩ và
hoang dại bậc nhất trong các đèo nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Mã Pí Lèng là tên gọi theo
tiếng Quan Hỏa, có nghĩa “sống mũi con ngựa”. Theo nghĩa bóng, tên gọi này chỉ
sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh đèo bị trụy
thai mà chết, nơi dốc cao đến độ ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng
như… sống mũi con ngựa.
Ngày xưa, người Mèo (H’mong)
thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có
khái niệm về đường xá. Họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc, treo dây
trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng.
Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời).
Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo những phần tử chống đối lên cột
cho đến chết và sau vua Mèo là nạn thổ phỉ hoành hành.
Cảnh quan khu vực này lởm chởm
đá dựng, vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên
là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín
Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi
đỉnh Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
nói chung là một “Tượng đài Địa chất”.
Đèo Mã Pí Lèng thuộc tỉnh Hà
Giang nằm trên con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang,
Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn
thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc xây dựng trong 6 năm
(1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pí
Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi, lấn từng bước
một để làm trong 11 tháng.
Đứng trên đỉnh đèo, người ta
có thể phóng tầm mắt trước những núi đá nối tiếp nhau trải dài ngút mắt, mơ
màng trong sương, mang nét chấm phá như tranh thủy mạc. Ngay dưới chân lại là vực
sâu hoắm mù mây, con sông Nho Quế dưới lòng vực như một sợi chỉ mong manh vắt
qua thung lũng.
Đèo Mã Pí Lèng
Có nhiều người lại coi đèo
Mã Phục là đường đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường Quốc lộ 3 từ Phủ
Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km. Đường đèo Mã Phục không rộng và
không nguy hiểm lắm. Phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng
khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc
phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh.
Núi không cao, không hùng vĩ,
không hoành tráng, Mã Phục chỉ có những khúc cua tay áo nhưng phong cảnh thật hữu
tình, lãng mạn bởi cái thung lũng bên dưới với ruộng nương, bản làng, chỗ xanh
xanh màu cây cỏ, chỗ nâu màu đất làm thành bức tranh thiên nhiên đẹp thanh
bình.
Nhiều người giải thích tên
đèo Mã Phục hàm ý ngựa đi trên đèo cũng phải gục ngã (?) gợi nhớ đến cái cảnh
thời ngựa thồ hàng hoá lên biên giới, đến con đèo này, ngựa khoẻ cũng phải chồn
chân. Ngày nay, xe cộ lưu thông khá dễ dàng trên đèo Mã Phục, vượt 3 tầng đường
và 3 khúc cua gắt. Đứng ở tầng đường thứ 3, đoạn nhô ra cao nhất với tầm nhìn
khoáng đãng nhất, du khách sẽ thấy quang cảnh ruộng nương, bản làng phía xa xa
và bắt đầu cảm thấy cái đẹp của đèo Mã Phục.
Đèo Mã Phục
Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở
và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30 km trong khu vực giáp giới
giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ đi qua
nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm
Có… có độ cao từ 1.200 m đến 1.500 m.
Trước năm 1945, du kích Khau
Phạ đã lợi dụng địa hình và nương theo mây gió quánh đặc trên đèo, “xuất quỷ nhập
thần”, liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của Pháp từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu,
Lào Cai bằng súng kíp hoặc bẫy đá. Người Pháp gọi họ “những chiến binh mây mù”…
Khau Phạ, tiếng Thái là Sừng
Trời, hàm ý chiếc sừng núi đâm lên tận trời xanh, cho nên đôi khi còn được gọi
là Cổng Trời. Người H'Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu
lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo
nhau tới Khau Phạ để khấn Giàng.
Đèo Khau Phạ, một trong những
đường đèo quanh co và dốc đứng bậc nhất Việt Nam, có điểm khởi đầu là đoạn cắt
Quốc lộ 32 với Quốc lộ 279 liền mạch liên tiếp với đèo Chấu phía trước nó và
đèo Vách Kim phía sau trên Quốc lộ 32.
Từ thành phố Yên Bái, ngược
quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải
hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng.
Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên
sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái.
Đèo Khau Phạ
Bà huyện Thanh Quan đã đem
vào kho tàng thi ca Việt Nam bài thơ Qua Đèo Ngang, nhưng bà cũng không phải là
người duy nhất đã đưa đường đèo vào văn chương. Chúng ta còn có “Bà chúa thơ
nôm” Hồ Xuân Hương [*] cũng dùng hình tượng những ngọn đèo nhưng lại để tả chân
chuyện trần tục chứ không tả cảnh lãng mạn như Bà huyện Thanh Quan:
Một đèo, một đèo, lại một
đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo
leo.
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió
thốc,
Đầm đià lá liễu giọt sương
gieo.
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng
...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn
trèo.
Ngay từ câu đầu, tác giả nhắc
đến 3 lần chữ đèo “Một đèo, một đèo, lại một đèo” không những là nghệ thuật láy
chữ mà còn ám chỉ tới 3 đoạn đèo nằm giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Đó
là đèo Tam Điệp, tên gọi chính thức trong sử sách và địa lý cổ Việt Nam, chỉ
con đường thiên lý từ Thăng Long vào phía Nam.
Đèo Tam Điệp là một tổ hợp
đèo trên núi Tam Điệp, một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển
theo hướng tây bắc – đông nam, có 3 đường đèo nên còn có tên là Đèo Ba Dội với
hàm ý ba đợt hoặc ba lớp…
Ba đèo bao gồm đèo phía Bắc
cao khoảng 90 m, đèo phía Nam thấp hơn và đèo giữa là con đường thiên lý cổ
băng qua đỉnh núi cao nhất và cũng là đỉnh đèo cao nhất (khoảng 110 m). Ở đây
có tấm bia khắc bài thơ Quá Tam Điệp sơn của vua Thiệu Trị làm năm 1842 khi đi
tuần du qua núi Tam Điệp. Ngày nay, con đường thiên lý cổ chỉ còn là một lối
mòn nhỏ, nhiều chỗ cây cối mọc um tùm.
Trước kia đèo giữa là nơi
phân ranh giới giữa hai trấn Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại đời Hậu Lê, giữa
hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đời nhà Nguyễn. Nhưng ngày nay, do phân chia lại
địa giới, đèo giữa và đèo phía nam thuộc đất thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Chỉ còn
đèo phía bắc thuộc thị xã Tam Điệp.
Như vậy, đường thiên lý cổ từ
Thăng Long đi đến thị xã Tam Điệp, đến đền Dâu, cách Hà Nội 111 km, thì đi vòng
về phía đông nam quốc lộ 1A ngày nay, lách qua một số núi đá vôi để vượt qua ba
đỉnh đèo Tam Điệp, đến đền Sòng tiếp tục đi vào đồng bằng Thanh Hóa. Đền Dâu và
đền Sòng là 2 đầu của cái võng đường Thiên lý cổ qua đèo Tam Điệp. Đoạn võng
này dài hơn đoạn đường Quốc lộ nắn thẳng ngày nay từ đền Dâu đến đền Sòng khoảng
gần 5 km.
Hóa ra bài thơ Đèo Ba Dội,
còn có tên là Vịnh ba đèo, của Hồ Xuân Hương vừa thực lại vừa giả. Thực ở chỗ
bà đã phải vượt cả ba ngọn đèo Tam Điệp và giả ở lối mô tả “đem thiên nhiên vào
cơ thể con người”:
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Và kết luận bằng một triết
lý rất “đời thường”:
Hiền nhân, quân tử ai là chẳng ...
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn
trèo.
Xin được kết thúc loạt bài về
những cái tên bình dị của Núi & Đèo bằng một bức ảnh tôi tình cờ gặp được
trên Internet. Bức ảnh rất… “tươi mát” với 4 câu thơ “nhại” của nữ sĩ Hồ Xuân
Hương và ký tên Lonely. Tôi nghĩ, tác giả những câu thơ này không Cô Đơn như biệt
danh đã chọn, ngược lại, rất nhiều người chia sẻ với anh, trong đó có tôi.
Hình tượng hóa và nhại lại
bài thơ ‘Đèo Ba Dội’ của Hồ Xuân Hương
***
Chú thích:
[*] Hồ Xuân Hương là nhà thơ Nôm nổi tiếng
(1772-1822). Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa
tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong
những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam.
Tiểu sử của Hồ Xuân Hương đến
nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi; thậm chí có một vài ý kiến còn cho rằng
những bài thơ được xem là của Hồ Xuân Hương hiện nay do nhiều người sáng tác,
nghĩa là không có ai thực sự là Hồ Xuân Hương. Dựa vào một số tài liệu lưu truyền,
những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm
thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ:
Hồ Xuân Hương thuộc dòng dõi
họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một dòng họ lớn
có nhiều người đỗ đạt và làm quan nhưng đến đời Hồ Phi Diễn - thân sinh của bà
- thì dòng họ này đã suy tàn.
Theo các nhà nghiên cứu đầu
tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ
Phi Diễn (sinh 1704) ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú
tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông
ra dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc, để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc
Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ - Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó.
Bà xuất thân trong một gia
đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống
gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người
phụ nữ bị áp bức trong xã hội.
Bà là một phụ nữ thông minh,
có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè
nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng
đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước.
Là một phụ nữ tài hoa có cá
tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn
mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không
có hạnh phúc. (Nhưng theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo
thì nữ sĩ có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, quan Tri phủ Vĩnh Tường,
và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển).
Có thể thấy Hồ Xuân Hương
không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống
đầy sóng gió.
(Nguồn: Wikipedia)
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương
1 nhận xét:
Nặc danh10:50 8 tháng 2,
2013
Tôi đã đọc đôi bài của bác
và thấy hấp dẫn, xin phép dăng lại bài về tướng Giáp _ Huy Đức từ trang bác. Hồi
ức của bác hay, rỗi rãi tôi sẽ xem tiếp. Thanks!
Trả lời
Ảnh minh họa ấn tượng
ReplyDeletemáy khuếch tán tinh dầu hà nội
máy xông phòng ngủ
máy xông mùi thơm
máy khuếch tán tinh dầu silent night
máy xông tinh dầu đuổi muỗi