BA THẰNG NHÓC
https://baovecovang2012.wordpress.com/2020/08/18/ba-thang-nhoc-thu-huyen-ho/
BA THẰNG NHÓC (Thu Huyền Hồ)
Posted on August 18, 2020 by Lê Thy
BA THẰNG NHÓC
(hình minh hoạ)
Đó là ba đứa nhỏ bạn cùng xóm trong một làng ở miền Trung nghèo khổ, bên phía nam sông Bến Hải. Chúng nó lớn lên cùng nhau qua quảng đời niên thiếu êm đềm đầy kỷ niệm của tuổi thơ, dù cuộc sống của chúng rất đạm bạc. Cha mẹ đứa nào cũng vất vả kiếm ăn để nuôi con cái, nhà nào cũng ba bốn đứa con cả trai lẫn gái. Mấy thằng nhóc được ưu tiên cắp sách vở đến trường, nhưng chưa hết bậc tiểu học thì thời cuộc biến chuyển vì chiến tranh, cả ba thằng đành phải bỏ học. Gia đình chúng phải chạy giặc tứ tung, chúng phải lìa xa nhau, và từ đó mất liên lạc với nhau. Một thời gian sau đó đất nước lại chia đôi, thằng Vọng và thằng Hồ trôi giạt ra miền Bắc, còn thằng Gia thì phiêu lưu vào miền Nam. Thằng Vọng và thằng Gia tưởng không bao giờ còn gặp nhau nữa, nhưng có lẽ do định mệnh, hơn hai mươi lăm năm sau, hai thằng gặp lại nhau trong một hoàn cảnh trớ trêu không thể ngờ là có thật.
Sau khi miền Bắc chiếm miền Nam, thằng Vọng đã tìm mọi cách trở lại làng cũ thăm hỏi bà con hàng
xóm, mục đích chính là muốn biết thằng Gia còn sống hay chết, và nếu còn sống thì đang ở đâu. Rồi suốt mấy năm liền sau đó, nó vẫn để tâm dò hỏi tin tức thằng Gia không ngoài việc thỏa mãn lòng mong nhớ thằng bạn nhỏ thuở xưa và nếu thằng bạn cần gì thì nó tìm cách giúp đỡ cho lương tâm được yên ổn. Xa cách nhau hơn một phần tư thế kỷ, thằng Vọng đã thay đổi nhiều và hiện có chút địa vị với quyền hành trong
xã hội mới. Điều nghịch
lý là nó vẫn còn giữ một đốm lửa le lói cả trong trái tim và trí óc nó về những tháng ngày thơ ấu chơi đùa nghịch ngợm trong một thứ tình bạn ngây thơ non nớt nhưng thật sâu đậm với thằng Hồ và thằng Gia. Đặc biệt với thằng Gia thì tình bạn đó còn thân thiết hơn cả anh em ruột thịt. Nó không sao
quên được hình ảnh nghèo nàn của thằng Gia gấy ốm ở trần mặc chiếc quần đùi cũ kỹ màu cháo lòng chạy lăng xăng tìm nó để chia sẻ với nó từng chút khoai lang hay sắn nướng thơm phức không biết nó kiếm đâu ra, hay
hai ba trái ổi sống đầy hột cứng như sạn chắc nó hái từ một cây ổi hoang ngoài đồng. Tuy còn nhỏ nhưng thằng Vọng cũng thấy
xúc động trước tình bạn của thằng Gia. Xa xóm cũ, nó lớn lên ở miền Bắc với cuộc sống cũng không khá mấy, cũng nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc đủ thứ, kể cả những năm được đi học. Rồi chuyện không may xảy ra với cha nó. Ông bị bí thư huyện lợi dụng uy quyền ép buộc ông đi lao động xã hội chủ nghĩa vào rừng đốn gỗ bán cho hợp tác xã để xuất khẩu, rủi ro ông bị cây to ngã đè bị thương nặng, cứu không kịp nên chết. Mẹ nó nghe tin, khóc vật vã bên xác
chồng, rồi tỉ tê khóc tiếp tục cả tháng trời đến liệt giường và cuối cùng cũng đi theo cha nó, để lại mấy anh em nó bơ vơ. Dân trong vùng sôi sục vì cảnh đời éo le của gia đình nó nhưng
không ai dám biểu lộ, rốt cuộc chính quyền huyện phải lấp liếm giải
quyết bằng cách cấp cho mấy anh em nó một ít gạo và cái bằng vô nghĩa
“Gia đình liệt sĩ”. Nó cầm mãnh giấy mà nghẹn ngào, trong lòng uất hận nhưng cố nén. Mối thù này không trả không được, nhưng biết trả cách nào đây. Có người lớn thương tình và ngầm biết tâm tư của nó, âm thầm khuyên nó dùng
cái bằng “con liệt sĩ” làm bàn đạp “phấn đấu” để vào đảng. Nó đủ thông minh để hiểu lời khuyên chân
tình vì nghĩ cho cùng thì không có cách nào khác…
Bây giờ nó là một đảng viên, cán bộ công an, làm quản giáo trong một trại cải tạo, mà thực chất dưới con mắt nó thì chẳng khác gì một trại tù khổ sai. Nó đã kín đáo trả được thù cho cha mẹ nó, trả thù cái xã hội đã gây tang tóc cho mấy anh em nó, nhưng điều trớ trêu là cũng chính cái xã hội đó đã tạo cơ hội cho nó báo hiếu mà không bị liên lụy với pháp luật. Người ta lạm dụng uy quyền để làm hại gia đình nó, còn nó cũng lạm dụng uy quyền nhưng để trả thù kẻ đã gây tội ác và luôn cả xã hội. Nó cảm thấy may mắn và tin tưởng chắc chắn là ít nhất nó cũng may mắn hơn thằng Gia. Theo những gì nó được học tập và qua cấp trên cho biết thì thành phần nghèo khổ như thằng Gia ở trong miền Nam chỉ suốt đời làm đầy tớ, bị bóc lột lao động tận xương tủy, không sao cất đầu lên nỗi. Nó rất muốn gặp lại thằng Gia để giúp đỡ trong khả năng đảng viên của nó, và cũng để gián tiếp tỏ cho thằng Gia biết nó có địa vị có uy quyền và quan trọng trong xã hội. Là công an, nhưng nó không sắt máu như đại đa số công an khác; trái lại, nó còn giữ được lương tri và lương tâm, cái loại luơng tri và lương tâm thường bị phê bình là cặn bả tiểu tư sản của thời phong kiến.
Sáng hôm đó ở hiện trường, trong lúc đội cải tạo viên gồm toàn sĩ quan
ngụy đang cuốc đất để
chuẩn bị trồng khoai mì dưới ánh nắng bắt đầu gay gắt, quản giáo Vọng bực bội đến sau lưng một
người tù đang cuốc đất một cách uể oải, không chịu khom lưng đúng quy định.
– Anh kia, cuốc mạnh đi chớ. Lao động chây lười rứa thì khi mô mới hết cải tạo?
– Báo cáo cán bộ, tôi đói quá
làm không nỗi.
– Anh nói chi rứa? Đói hả? À, bêu xấu chế độ hả? Anh tên chi?
– Báo cáo cán bộ, tôi tên Gia.
– Da bò hay da trâu? Họ tên đầy đủ là chi?
– Báo cáo cán bộ, không phải da bò mà là Quốc Gia.
Quản giáo lên giọng nạt nộ:
– Thôi, không được nói năng
linh tinh. Anh phải thành thật khai báo với cách mạng. Cách mạng khoan hồng cho anh cải tạo, anh phải biết ơn
chớ. Quê anh ở mô?
– Báo cáo cán bộ, quê tôi miền Trung, nhưng lớn lên phiêu bạt khắp miền Nam.
– Quê miền Trung, là chỗ mô? Nói cho rõ.
– Báo cáo cán bộ, gần sông Bến Hải. Tôi không nhớ rõ.
Quản giáo chợt suy nghĩ:
– À, gần sông Bến Hải? Anh nói tên anh là Gia hả? Chi Gia?
– Báo cáo cán bộ, Trần An Gia.
Quản giáo Vọng hơi tái mặt:
– Cái tên chi lạ … Anh nói lại tui nghe.
– Báo cáo cán bộ, tên tôi là
Trần An Gia.
– Anh có khi mô đổi tên không
đó? Có phải là bí danh không?
– Báo cáo cán bộ, tên tôi từ nhỏ là như vậy. Tôi không hề có bí danh.
– Rứa… anh nhớ lại coi… có quen ai tên … Lê
Vọng không?
– Báo cáo cán bộ, đó là tên thằng bạn nối khố lúc nhỏ của tôi. Tôi xa nó lâu lắm rồi.
– Được rồi, tiếp tục lao động đi…
Quản giáo Vọng quay lẹ lưng, lảo đảo bước đi. Cái tên Trần An Gia như tiếng sét đánh ngang tai
làm anh choáng váng. Vọng tự nghĩ, “Trời ơi, cái thằng nhóc mình mất công khó nhọc suốt mấy năm trời tìm không gặp, chừ nó hiện ra sờ sờ trước mặt mình chưa chết nhưng trông tàn tạ như con ma đói, làm
răng mình bình tĩnh cho được. Cái thằng ni thiệt tình…”
Sau giờ cơm chiều, cán bộ quản giáo trực trại sai tên tù hình sự trực đêm vào láng
số 4 kêu cải tạo viên Gia lên làm việc. Trong lúc Gia đang
cùng các bạn tù đứng nghỉ ngơi chuẩn bị “vào chuồng” thì tên tù hình sự chạy đến nói to:
– Ai là cải tạo viên Gia thì
theo tôi lên làm việc với cán bộ trực trại, khẩn trương.
Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Riêng Gia thì hơi lo lắng, thổ lộ với một bạn tù cùng đơn vị trong quân đội trước năm 1975:
– Chắc thằng quản giáo muốn đì tao vì vụ chây lười lao động sáng nay.
– Tao theo rõi thấy nó nạt nộ mày cũng … không gắt lắm. Chắc không sao đâu, đừng lo.
– Làm sao tin được tụi nó. Cùng lắm là cùm, là đói, là chết thôi…
Tên tù hình sự thúc giục:
-Cải tạo viên Gia theo tôi. Khẩn trương lên.
Gia được dẫn vào phòng trực trại trình diện với quản giáo đang có vẻ chờ. Tên tù hình
sự đứng lớ ngớ đợi
sai bảo thì được quản giáo ra lệnh đi kiểm tra trại lần chót, với lời dặn phải đảm bảo các cửa buồng đã khóa hết.
– Anh đi đi. Tui sẽ đưa anh này về buồng sau. Tui có chìa khóa.
– Kính chào cán bộ.
Còn lại một mình với quản giáo Vọng, Gia đứng yên lặng cúi đầu, phó mặc cho số mệnh, trong đầu thầm niệm nhiều lần câu “Nam mô Đại Từ Đại Bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” để tự trấn an. Nhìn tên quản giáo bước đến đóng cửa, Gia tự nhiên chuẩn bị đỡ đòn theo kinh nghiệm bạn tù truyền lại, có thể những cú đấm cú đá hung bạo kèm theo những lời chưởi rủa cay nghiệt
có tính cách sỉ nhục kèm những tiếng “ngụy ác ôn đầy nợ máu…”
– Anh ngồi xuống đi, ta nói chuyện.
– Báo cáo cán bộ, cho phép tôi đứng.
– Tui bảo anh ngồi thì anh cứ ngồi đi. Tui không ăn thịt anh mô mà sợ.
– Cám ơn cán bộ.
Gia rón rén ngồi xuống cái ghế trước mặt, cúi đầu suy nghĩ.
– Trần An Gia.
– Dạ, báo cáo cán bộ. Tôi nghe.
– Cán bộ… cán bộ cái con khỉ… Mi không nhận ra tau thiệt tình hả Gia?
– Báo cáo cán bộ… Dạ…
– Dạ thưa cái cóc khô… Tau là thằng Vọng lụt lịt của mi, nhớ
ra chưa?
– Vọng… Lê Vọng… Cán bộ là Lê Vọng hả? …
– Còn ai nữa…
Vừa dứt câu, Vọng đã bước tới ôm chầm lấy Gia, thắm thiết như không muốn buông ra. Giọng Vọng nghẹn ngào bên tai Gia:
– Tau thương, tau nhớ mi ghê lắm. Tau nghe nói mi chết lâu rồi nhưng tau không tin.
Tau thăm hỏi dò tìm mi mấy năm ni rồi, ai ngờ mi lại ở trong trại cải tạo trước mắt tau mà tau như mù như điếc không thấy không hay
không biết chi cả… tau hành hạ mi… may mà mi chưa chết…
Gia nhẹ nhàng gỡ hai cánh tay
đang ôm chặt mình để nhìn vào khuôn mặt sạm đen có mấy giọt nước mắt đọng trên gò má, ấp úng:
– Cán bộ… Vọng, tôi cũng tưởng … anh…
– Anh cái con khỉ… Mi cứ kêu tau là
thằng Vọng, mi tau như
cũ. Khi nào đi lao động thì mi … Mà
thôi, để tau đưa mi về phòng, mi ngồi lâu không tiện. Tau sẽ nói chuyện với mi nhiều.
Gia về chỗ nằm, gác tay lên trán,
nén xúc động, cố nhắm mắt ngủ
lấy sức ngày mai lại tiếp tục làm công việc khổ sai của một kiếp tù. Nhưng đầu óc cứ suy nghĩ lan man… Thắm thoắt mà Gia đã ở tù hơn bốn năm tại cái trại cải tạo hắc ám này. Với quá khứ tác chiến đầy hăng say của một
Trung Úy Nhảy Dù, hy vọng ngày về xa vời quá, không biết còn sức mà về nữa không. Giữa tiếng ngáy đều đều của hai bạn tù nằm hai bên, Gia thở dài, nhớ lại thời thơ ấu chơi đùa với thằng Vọng và thằng Hồ. Cả ba đứa chỉ là con nít hàng xóm, tính tình rất hợp nhau nhưng không hiểu có phải vì thế mà chúng rất thương nhau. Một phần lớn
chắc chắn là do cha mẹ ba đứa. Nhà ờ cùng xóm nên ba gia đình khá hiểu biết thông cảm nhau, cũng có lúc giúp
nhau khi tối lửa tắt đèn, nhất là các bà mẹ, vài que củi, chút nước mắm. Cha thằng Vọng làm công cho một phú nông, còn mẹ nó thì gánh cá bán dạo trong xóm vào buổi chiều, vừa chạy lúp xúp vừa rao “Cá tươi, cá nục tươi…”. Tính tình thật thà nên ai cũng mến, không ngày nào bị ế hàng hay bán
chậm đến tối. Cuộc sống
đấp đổi qua ngày, vợ chồng con cái cũng no
đủ. Cha thằng Gia thì thuần túy là một nông dân
chân lấm tay bùn, suốt ngày dầm mưa dãi nắng với ruộng đồng lúa má. Mẹ nó bán hàng xén rong ngoài chợ, nhàn hạ nhưng tiền bạc kiếm được không đều và không có gì chắc chắn, theo như người ta nói là tùy theo buổi chợ. Cả hai vợ chồng tuy
chật vật nhưng không để con cái đến nỗi đói rách. Thằng Vọng từ nhỏ đã bộc lộ là đứa nhiều tình cảm, chân thật với bạn, nhưng kín đáo với người ngoài, trong khi thằng Gia thì tháo vát
và tính tình tốt nên hay chiều thằng Vọng, khiến hai đứa lúc nào cũng như hình với bóng. Thằng Hồ thì kém may mắn hơn, vì mồ côi cha từ năm hai ba tuổi, lớn lên với ông cha ghẻ khó tính lại hay say rượu, nhiều lúc đánh đập nó vô cớ không chút thương
xót. Mẹ nó đau khổ, thương nó nhưng vì sợ ông chồng vũ phu nên gần như không dám ngó ngàng đến nó một cách lộ liễu, nhiều người thấy cả hai mẹ con như vậy ai cũng bảo thật tội nghiệp.
Có lẽ vì hoàn cảnh đáng thương ấy mà tính tình thằng Hồ càng lớn càng khác
hai thằng kia, lém lỉnh, lì lợm và cộc cằn hơn. Hai thằng kia thường hay đùa giỡn gọi nó là thằng “Hồ lì”, hay “Hồ li tinh”, để chỉ cái thói tinh ma quỷ quái của nó ưa phá
phách chọc ghẹo mấy đứa con
gái lớn hơn nó hay những thằng nhóc khác trong
xóm.
Ngày hôm sau, quản giáo Vọng lại theo dõi cách lao động của Gia với thái độ lạnh lùng.
– Anh kia, chứng nào tật ấy, lao động chây lười. Anh đội trưởng! Anh cho đội nghỉ trưa hôm nay sớm, và đưa anh này vào nhà lô để tôi giáo dục, giúp anh ta
mau tiến bộ.
– Báo cáo cán bộ, tôi nghe rõ.
Sau khi quản giáo đi vào
nhà lô, anh đội trưởng đến bên cạnh Gia, hỏi nhỏ:
– Sao cậu để nó chú ý vậy? Khi có mặt nó thì ráng cuốc mạnh lên chứ.
– Tôi đói quá. Ráng không nỗi.
– Cậu đi theo tôi. Liệu lời mà nói với nó, thằng này …
– Tôi biết…
Khi thấy Gia bước vào, quản giáo Vọng lên tiếng ngay.
– Anh đội trưởng cho đội đi cải thiện rồi nghỉ ăn trưa, đến khoảng 2 giờ
lao động trở lại. Chừng nào làm việc xong với anh này, tôi sẽ cho anh ta ra lao động tiếp.
– Xin chào cán bộ.
Đội trưởng nhanh nhẹn chạy trở lại báo cho đội biết tin vui bất ngờ khiến
mọi người hả hê nhưng cũng lo cho Gia. Trong khi đó tại nhà lô, hai người bạn tâm giao mặt đối mặt nhau sau mấy chục năm nhưng với tư cách là thù địch. Nhà lô là căn chòi nằm cách biệt trơ trọi một mình, nơi dành cho quản giáo nghỉ ngơi và ăn trưa mỗi khi đi theo đội lao động
cải tạo suốt ngày. Nhà lô còn là nơi thuận tiện dành riêng cho hoạt động riêng tư của quản giáo, không một cải tạo viên nào dám mon men tới gần. Quản giáo Vọng bảo Gia ngồi xuống ghế rồi
lấy từ trong cái túi vải nhỏ một cái cà-mèn
trao cho Gia.
– Mi ăn đi. Sáng ni tau ăn nhiều, để dành phần cơm ni cho mi. Tau ăn trái chuối này đủ rồi, mi đừng áy náy. Mi vừa ăn vừa nghe tau nói chuyện.
Gia mở cái cà-mèn thấy cơm trắng, một con cá khô to bằng hai ngón tay, và cái muỗng nhôm cũ kỹ, tự nhiên nước mắt ứa ra không ngăn được. Nó mơ hồ nhận ra là tính tình thằng Vọng vẫn như xưa, vẫn cái lối niềm nỡ chân tình đến mức thật thà, thân thiết. Vọng ngạc nhiên, lên tiếng:
– Răng mi khóc? Mi tủi thân hả? Hay là mi không tin tau? Mi không tin mặc kệ mi, nhưng tau quyết tâm giúp mi. Tau có cách đưa mi ra khỏi cái địa ngục trần gian ni. Ăn mau
đi, đừng khóc mà lộ chuyện. Mi phải ăn cho hết để lấy sức, tau thấy
mi yếu lắm. Mi phải ra khỏi chỗ ni.
– Xin lỗi, tôi không ăn như thế này được.
– Xin lỗi xin phải cái con khỉ. Tau không bỏ thuốc độc trong đó mô, mi đừng sợ. Tau biết mi không bao giờ tin công an Việt Cộng bọn tau, nhưng tau là thứ công an khác, tau là bạn mi, tau thương mi, tau không thay đổi như mi tưởng…
– Nhưng… tôi không ăn hết được…
– Tôi với tớ cóc khô. Mi
ráng ăn, tau no rồi. Ăn xong ngồi nghỉ… mọi chuyện để tau lo.
Gia đột nhiên quì xuống, vái lạy Vọng mấy cái, giọng nghẹn ngào:.
– Tau … lòng tốt của mi … tau có chết cũng vui lòng. Cám ơn mi.
– Thôi, mi chết răng được. Tau thiệt tình, mi cũng thiệt tình, như lúc bọn mình còn nhỏ. Tau nhớ mãi hai đứa mình thường nói “Tả chô thằng mô nói láo” thay vì chửi thề “Tổ cha…” người lớn
nghe là bị la hay bị đòn, và không được nói láo…
Gia bỗng bật cười khi nghe tiếng “Tả chô”, một trong những kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu. Gia xúc từng muỗng cơm đưa vào miệng ăn tự nhiên, tận hưởng như đang ăn cao lương mỹ vị, lắng nghe Vọng tiếp tục nói.
– Mi tin Việt Cộng là mi chết. Nhưng thằng công an Việt Cộng này sẽ giúp mi sống ngẩng cao đầu như mi từng
là một sĩ quan sẵn sàng chết cho đất nước. Lão thủ trưởng trại tù này mắc ơn tau lúc trước, tau có công cứu hắn thoát chết trong một vụ thanh toán nhau vì phe nhóm. Tau biết nhiều điều bí mật về đời hắn, và tau cũng có chỗ dựa của tau. Nhờ tau mà hắn sống và phất lên, và chính hắn đưa tau về đây làm việc với hắn. Tả chô thằng mô nói láo.
Gia lại bật cười, ngưng ăn.
– Vọng ơi, tau tin mi, tau có chết oan thì hồn tau cũng tha thứ cho mi. Mi tính sao?
– Tau tính phải khẩn trương. Tau sẽ đề nghị hắn kín đáo thả mi, nói là mi chây lười phải đưa đi trại khác. Nhưng thật ra tau sẽ nói với hắn là mi biếu hắn một chỉ vàng để trả ơn. Mi khỏi lo, tau cho mi mượn trước chỉ vàng ni, khi mô mi trả lại cho tau cũng được.
Gia ngắt ngang, thắc mắc:
– Mi có chắc hắn có quyền thả tau không? Nếu không thì khi bị lộ, tau sẽ bị thủ tiêu liền.
– Mi khỏi lo, phe cánh của hắn cũng ăn hối lộ, tụi nó chia chác nhau. Hắn đã làm mấy vụ rồi, lần này tau nhờ hắn. Mà khi mi được thả, mi phải mau tìm cách chi đó để đừng khi mô bị bắt lại nữa… mi hiểu ý tau không?
– Tau hiểu. Mong sao ra khỏi đây…
– Tin tau đi, mi tiếp tục lao động chây lười như thường, ráng chịu đói, đừng để ai chú ý. Tau sẽ đích thân đưa mi ra khỏi trại trong năm bảy ngày nữa, và sẽ cho mi địa chỉ của tau.
– Xin lỗi, tau có vài chuyện muốn hỏi mi, cha mạ mi, vợ
con mi ra sao? Và thằng Hồ còn sống hay chết thế nào?
– Tau nói vắn tắt thôi, cha mạ tau mất rồi, cực khổ lắm,
tau không muốn nhắc lại. Tau chưa có vợ, tại tau không muốn bị trói buộc, chỉ muốn được thoải mái như lúc tụi mình còn nhỏ, vui đùa thỏa thích. Còn thằng Hồ thì… lâu lắm rồi tau không nghe
tin tức chi của hắn. Khoảng
năm bảy năm trước, tau có mấy người quen, công an cả, biết rõ về thằng Hồ và có cho tau biết nhiều chuyện về hắn. Mi còn nhớ lúc nhỏ thằng Hồ rất tội nghiệp vì bị ông cha ghẻ hành hạ, nên sau đó lớn lên ở miền Bắc, hắn thoát ly, thành thanh
niên xung phong rồi bỏ trốn sống lang thang biến thành đứa mất dạy, học đòi căm thù nên hắn gây nhiều tội ác như cướp của giết người, hiếp dâm… Nhờ được một thằng Tàu thượng tá công an cố vấn lưu ý về lối sống du côn của hắn nên thu nạp hắn làm tay sai, giao cho hắn việc kiếm gái và kiếm tiền. Thằng Hồ dựa thế thằng cố vấn Tàu nên chẳng sợ ai hết, do hắn được
thằng Tàu tin, nhờ kiếm tiền rất đắc lực cho chủ nó, phần khác hắn quá tàn ác
nên ai cũng né. Nhưng trời bất dung gian, nghe nói thằng Hồ rốt cuộc cũng bị
thanh toán, chết mất xác.
– Ác giả ác báo… Thế hắn có vợ con gì không?
– Tau không biết. À, mi nhắc tau mới nhớ. Cách nay ba bốn năm chi đó, vụ thằng Hồ gây rúng động cả ngành công an mấy tháng liền. Nghe nói vì hắn được thằng cố vấn Tàu tin cậy nên trong một buổi liên hoan tại nhà thằng cố vấn, mà hắn là người phục vụ chính, hắn đã lợi dụng khách khứa về hết và người phục vụ dọn dẹp xong cũng
đi nghỉ, hắn ra tay. Thằng chủ hắn thì say xỉn nên bị hắn trói lại, sau đó hắn lấy dao dọa cô vợ người Việt, và hai đứa con gái Tàu rặt của chủ hắn rồi hiếp dâm cả ba. Cô vợ người Việt mới khoảng ba mươi tuổi, kiểu vợ hờ, còn hai đứa con gái nghe nói chưa được hai mươi. Xong việc, thằng Hồ còn ăn cắp một mớ tiền và vàng bạc rồi bỏ trốn biệt tích, công an lùng sục ráo riết mấy tháng mà tìm
không ra tông tích, bị khiển trách lên khiển trách xuống. Tau nghĩ thằng Hồ chắc
chết tiệt mô rồi, xác tìm không thấy.
– Không ngờ thằng Hồ lại đốn mạt như vậy. Cũng do hoàn cảnh và xã hội làm nó hư hỏng. Phần tao thì vợ con hiện ở Saigon…
– Tau biết rồi, mi khỏi khai. Tối qua tau đọc hết lý lịch của mi, một thằng “ngụy ác ôn đầy nợ máu”. Tau thấy mi lớn lên ở miền Nam là mi có phước lớn, được đi học hết cấp ba rồi học làm sĩ quan lính thủy đánh bộ đánh nhiều trận… công trạng như núi mà lẹt đẹt mang quân hàm
trung úy. Tại răng rứa? Có phải tại tính mi
không hợp với lính hay mi chây luời hay chán ghét chế độ?
– Chuyện dài lắm, có dịp tau sẽ tâm sự với mi. Nhưng thật tình tau không ân hận gì hết… Tau còn hãnh diện về đơn vị nhảy dù của tau và nơi tau được đào tạo…
– Có phải cái trường võ bị chi đó ở Đà Lạt, phải không?
– Đúng…Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam…
Vọng như bừng tĩnh:
– Chết, mi với tau ham nói chuyện lâu quá. Để tau kêu anh đội trưởng vô tau dặn. Nhớ tiếp tục chây lười… và ráng chịu đói…
Quản giáo Vọng nhanh nhẹn bước ra khỏi nhà lô, hướng về chỗ đội cải tạo đang ngồi nghỉ dưới bóng cây, đưa
tay ngoắc liên tục. Anh đội trưởng hấp tấp chạy đến trình diện.
– Anh vô đây. Tối nay anh tổ chức sinh hoạt đội để giáo dục anh Gia này, đội phải tích cực phê bình góp ý để giúp anh ta tiến bộ. Anh ghi lại lời phát biểu xây dựng của mỗi người về anh ta, rồi làm báo cáo sáng mai đưa cho tui, nghe rõ chưa?
– Báo cáo cán bộ, tôi nghe rõ.
Xin chào cán bộ.
Gia lí nhí đủ cho anh đội trưởng nghe:
– Xin chào cán bộ. Cám ơn cán bộ.
Mấy hôm sau, các bạn tù trong đội của Gia bỗng nhiên cố ý lãng tránh Gia vì sợ liên lụy, do có người bảo có tin Gia sắp bị nhốt vì chây lười lao động. Mà Gia có chây lười thật, ai cũng biết, quản giáo cũng đã lưu ý. Tin còn cho biết Gia không những bị quản giáo gọi vào chòi phạt quỳ gối không được ăn trưa và nghe chửi hơn một tiếng đồng hồ, lại
còn bị đá đít mà không được rên la. Tối lại còn bị sinh hoạt đội phê bình gắt gao, làm anh em mất ngủ. Một vài bạn tù khá thân
với Gia chỉ lấm lét nhìn Gia từ xa, thấy Gia xuống sắc nhiều sợ không kham nỗi, nhưng đành xót xa thôi.
Sáng Thứ Hai tiếp theo đó, lúc tất cả các đội đang tập họp ngoài sân, sắp hàng ngồi dưới đất theo từng đội chờ lệnh xuất trại đi lao động, thì trưởng trại bất ngờ xuất hiện có quản giáo Vọng đi theo. Cả đám đông mấy trăm cải tạo viên im lặng chờ nghe kêu tên người bị nhốt vào thùng sắt, bị phạt cùm… như thường lệ gần như mỗi tuần, nhưng lần này trưởng trại có mặt, chắc hình phạt phải rất quan trọng.
Trong lúc mọi người tù đang hồi hộp chờ thì trưởng trại lên tiếng vắn tắt:
– Cải tạo viên Trần An Gia đứng dậy! Anh được lệnh chuyển trại để
tiếp tục học tập cải tạo và lao động cho tốt hơn. Đồng chí quản giáo Vọng được giao trách nhiệm thi hành. Các đội trưởng cho đội bắt đầu đi lao động.
Quản giáo Vọng bước tới cạnh Gia, lạnh lùng ra lệnh:
– Anh theo tôi về buồng lấy áo quần.
Ôm một túi nhỏ trên tay, Gia cúi mặt bước đi, theo sao là quản giáo Vọng có mang súng lục bên hông và
dắt xe đạp. Cả hai im
lặng ra cổng trại và đi tiếp để ra quốc lộ. Gia phân vân không biết là mình đang đóng kịch hay là sự thật. Mãi đến khi Vọng lên tiếng bảo dừng lại ở một chỗ khuất khá xa hàng rào trại, Gia mới xúc động lí nhí:
– Cám ơn mi đã cho tau sống lại.
– Tau mong mi sống xứng đáng. Đây, giấy ra trại, tiền đi xe, và địa chỉ của tau. Mi cứ đi tiếp sẽ ra chỗ có xe hàng
chạy, mi hỏi lái xe mà trả tiền. Gặp lái xe tốt bụng có khi nó
cho đi không. Về tới nhà thì nhớ cho tau biết. Chúc mi may mắn! Tau hy vọng sẽ có ngày mi và tau gặp lại.
– Tau cũng tin như vậy.
Cả hai rưng rưng. Gia bước đi, Vọng đứng trông theo chờ Gia ngoái nhìn lại lần chót mới lên xe đạp quay đi.
Thu Huyền Hồ
(Bút hiệu của Tôn Thất Diên, cựu Giáo sư Văn Hoá Vụ/TVBQGVN )
No comments:
Post a Comment