Ông thầy Việt Văn
https://saigonthapcam.wordpress.com/2020/06/27/ong-thay-viet-van/#more-1420
Ông thầy Việt Văn
Posted on June 27, 2020
Tôi hận ông thầy Việt văn lớp Mười một. Ổng chơi không đẹp khi bắt tụi tôi
học thuộc
lòng bài thơ Kẻ Sĩ của Nguyễn
Công Trứ. Đó là bài hát nói gieo vần “vô kỷ luật” nhất mà
tôi từng biết, chả vần chả điệu, lòng thòng, Hán nhiều hơn Nôm.
Vũ Thế Thành (trích
“Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ)
Đây này, trích thử vài câu nghe
chơi:
… Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên…
Mà tôi theo ban Toán, chứ có phải Văn chương đâu. Hiểu được ý nghĩa bài thơ đó cũng đáng nể rồi, giờ còn bắt học thuộc lòng nữa, coi sao được. Lớp bốn mươi
học sinh, mỗi tuần chỉ có hai giờ cổ văn, tôi có bảy mươi lăm phần trăm thoát hiểm, lỡ bị gọi trả bài thì coi như trời hại. Nhưng ổng tỉnh bơ:“Tôi sẽ gọi từng người cho đến hết lớp”.
Ổng còn thêm: “Ai không thuộc, tôi sẽ cho cơ hội lần sau, và lần sau nữa cho đến khi… có điểm”. Thế là rõ! Ổng quyết tâm… chơi tụi tôi đến cùng. Không còn chọn lựa nào khác, đành ôm hận, lảm nhảm méo mỏ với cái bài thơ đó cho đến khi thuộc lòng.
Cơ hội rửa hận đến khi ổng ra đề luận:
Bạn nghĩ gì
về tình thầy trò
ngày nay?. Từ hồi biết mặt chữ, tôi chưa bao giờ “múa bút” sướng như thế. Nào là, thời xưa học một thầy, học để làm quan, và chỉ học nghề… văn. Thời nay, học đủ thứ, cần gì học nấy, học để hành nghề, để kiếm cơm. Thời đại khoa học, ai học trước người đó là… “thầy”, bởi vậy mới có chuyện đi học luyện thi, mới có thầy giáo “cua”(*) học trò… Đại loại bài luận văn là một “bản cáo trạng” về thầy. Tôi khoắng bút như một nghệ sĩ, cho đến khi gần hết giờ, chấm xuống hàng, kết luận:
Nên
xem thầy giáo
như người anh, coi bộ nhẹ nhàng hơn khi nhìn dưới khía cạnh đạo đức. Thiệt hả giận! Tôi viết với tư thế “tử vì đạo”, ăn trứng vịt cũng được, không thành danh thì cũng thành… ma.
Bài luận được mười sáu điểm. Hôm phát bài, ông thầy cười cười:
“Tôi
không đồng ý
với em nhiều điểm, nhưng vẫn cho em số điểm cao nhất”.
Thiệt chưng hửng! Tôi mơ hồ hình như ổng chơi trên… cơ mình, nhưng “cái tôi” khốn nạn đã đẩy tôi đi quá xa, khoác lác hả hê với bè bạn:
“Cái
hận Kẻ Sĩ đã
rửa xong!”.
Ổng còn nhiều chiêu kỳ quái khác. Tú Xương thì học trò đứa nào chẳng khoái. Lẽ ra phải chia sẻ chút đỉnh với đám học trò mới lớn bằng những câu thơ:
Cao
lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường
hay ít ra cũng thông cảm với bọn học trò đang chuẩn bị bước vào vòng “ân oán” của thi cử:
Đau quá
đòn hằn, rát
hơn lửa bỏng
Hổ bút
hổ nghiên,
tủi lều tủi chõng…
Thi
là thế, học hành
là thế, trò
chuyện cùng
ai?
Người một nơi, hồn
phách một nơi, than
thân với bóng!
Không! Ổng phang bài:
Trên
ghế bà
đầm ngoi đít
vịt,
Dưới sân
ông cử ngửng đầu rồng.
Ổng giảng say sưa, bằng giọng bi ai, phẫn hận về thời Nho mạt, về danh lợi,
về nhân phẩm… Ổng truyền lửa cho đám học trò đang há hốc miệng ngồi nghe, xả suốt hai giờ đồng hồ. Hình như ổng đang dạy tụi tôi kiến thức để làm người, chứ không phải kiến thức để đi thi. Ổng đâu ngán cháy giáo án. Mà hồi đó làm gì có giáo án. Bài soạn của ông là xấp giấy khổ A4 gấp đôi, chẳng bao giờ thấy ổng mở ra. Ổng
chỉ mở… sổ điểm để gọi tên khảo bài.
Đời cứ thế trôi đi… Những năm cuối thập niên 70, đầu 80, đời sống khó khăn thế nào khỏi cần kể. Tôi làm ở một trung tâm nghiên cứu ở Sài Gòn. Ban ngày khoác áo blouse vào phòng lab cứ như là… viện sĩ. Tối về mượn xích lô của thằng bạn, cảo vài vòng kiếm thêm. Một buổi chiều trời mưa, ế độ, tôi tấp vào quán nhậu ven đường (cái lều nhậu thì đúng hơn) gần ngã tư Bảy Hiền. Hồi đó khu này còn hoang vắng lắm. Quán cũng ế độ nốt, chỉ có mình ông chủ đang trầm ngâm bên ly rượu. Tôi kêu một xị, ngồi trông ra đường, nghe tiếng mưa lằng nhằng
trên mái nhà, rầu thúi ruột… Chợt nghe tiếng ngâm ê a của ông chủ quán từ phía sau. Lời ngâm nghe quen quen… Rồi tự nhiên tôi cũng
cất tiếng ngâm theo:
… Lúc
vị ngộ hối tàng
nơi bồng tất
Hiêu
hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn
Xe bồ luân
dầu chưa gặp Thang, Văn.
Phù
thế giáo
một vài
câu thanh nghị.
Cầm chính
đạo để tịch tà
cự bí.
Hồi cuồng lan
nhi chướng bách
xuyên…
… và
cứ thế cho đến hết bài Kẻ Sĩ.
Một khoảng im lặng. Tôi quay lại, không ai bảo ai, cả hai nâng ly mời nhau. Trong sự nghiệp cụng ly của tôi, chưa bao giờ tràn ngập những tiếng nói không lời như lần đó.
Chủ quán trạc ngoài ba mươi,
cao học luật, công chức chế độ Sài Gòn. Sau 75, đi cải tạo bốn năm, về mở lều nhậu tiêu sầu. Chúng tôi cà kê chuyện đời, chuyện người, chuyện số phận đẩy đưa… Rượu
đến mềm môi. Bài thơ Kẻ Sĩ thuở đi học tưởng đã trôi vào quên lãng, bỗng thức dậy trong một đêm mưa, có người đồng điệu, ngân nga như tiếng chuông đeo đẳng đời người.
Đất nước thời mở cửa, kinh tế thị trường nửa khép nửa hở. Kiếm sống bằng năng lực thì ít, nhưng bằng quyền lực hay dựa hơi quyền lực
thì nhiều. Luật lờ mờ,
nhưng lệ rõ ràng. Làm ăn là phải biết điều,
gọi văn vẻ là… thỏa hiệp. Thỏa
hiệp đủ thứ, không
thỏa hiệp
không được. Giới hạn
thỏa hiệp tới đâu,
tùy thuộc vào
nguyên tắc sống của mỗi người. Cái giới hạn này
mong manh, tự mình hạ thấp giới hạn
xuống, rồi tự biện minh với bao lời hoa mỹ, đi ngược lại xu hướng thời đại là không thức thời. Dối người, dối mình, đạo đức giả hồi nào
chẳng
hay.
Kẻ Sĩ thời nay lộn ngược rồi: Thương, Công, Nông, Sĩ.
Ai chẳng khoái tiền, khoái danh. Cám dỗ vô cùng! Đạo lập thân làm sao
giữ lấy cương thường?
Mỗi lần như thế, tiếng chuông đêm mưa ở cái “lều nhậu” lại vang lên, làm nhức nhối kẻ bị mang tiếng là… gàn dở, toát mồ hôi với cái lưới “đầu rồng đít vịt”.
Kinh thánh
có chuyện kể, đứa con út
đòi cha chia gia tài, rồi tìm
đến phương
trời xa vui chơi thỏa thích.
Người cha
chiều nào cũng tựa cửa đứng trông con về. Rồi thằng con về thật. Nó đã phung phí hết tiền, bây giờ đói
rách trở về nhà
cha xin chén cơm thừa. Nhưng người cha mừng rỡ, đã mặc áo mới cho nó, làm tiệc linh đình
mừng
con mình trở về.
Văn hào Pháp, André Gide, cũng có câu chuyện Đứa con hoang đàng tương tự, chỉ khác khúc cuối.
André
Paul Guillaume Gide was a
French author and winner of the Nobel Prize in Literature. Gide's career ranged
from its beginnings in the symbolist movement, to the advent of anticolonialism
between the two World Wars.
Đang giữa tiệc mừng, thằng con lững thững bỏ về phòng, nhìn xa xa qua khung cửa sổ, nhớ đến những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng cùng chúng bạn. Nó đang mơ một chuyến đi khác. Trở về chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Hồi đó, đọc đến đoạn này, tôi bật cười sảng khoái,
“Phải thế mới được!”.
Thưa thầy Việt văn, thằng đệ (tử) giờ đây đầu bạc chân mỏi, ngày Nhà giáo năm nay xin hầu thầy cho đến tận cùng bữa tiệc để khoanh tay nói lời tạ lỗi, trước khi phản xạ
tung hô theo đám đông: Biết ơn thầy cô.
Vũ Thế Thành, Đà Lạt 2011, (trích trong tập tùy bút “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”)
—–
(*)Cua: Tán tỉnh
No comments:
Post a Comment