Monday, May 17, 2021

 NGƯỜI CHỨNG ÍT LỜI

https://ongvove.wordpress.com/2020/05/06/nguoi-chung-it-loi/#more-13142

NGƯỜI CHỨNG ÍT LỜI

Nguồn: FB Lâm Nguyễn

 

Lâm Nguyễn: Đây là truyện ngắn đăng trên tuần báo Thanh Niên số ra ngày 10/10/1993. Câu chuyện gây ấn tượng sâu sắc khiến mình quyết định giữ lại tờ báo. Bởi ngày ba mình đi cải tạo, những lá thư ba gửi về hay tả cảnh núi rừng chứ không vẽ như nhân vật trong câu chuyện này dù ba vẽ rất đẹp. Ba viết: “Nơi đây có những bông hoa chuối rừng đỏ thẫm, những trái ổi rừng chín mọng mà ba ước gì có thể gởi cho các con”. Sau 25 năm, chữ đã mờ và mắt cũng đã kém nhưng quyết gõ lại để chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Tuy là truyện ngắn nhưng không hiểu sao mình cứ tin đây là câu chuyện có thật và mình mong biết thêm thông tin vông Vương Công Hi cùng gia đình. Tiếc là những năm 90 chưa có mạng xã hội. Nếu có, mình tin nhân vật trong bài sẽ lên tiếng. Còn bây giờ, nếu còn tại thế, ông Vương Công Hi cùng vợ hẳn cũng đã khoảng 80 tuổi. Mình đăng lên đây với hy vọng biết đâu con cháu của ông Hi đọc được câu chuyện về cha, ông của họ.

Lần ấy tôi mua được một quyển “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức, do nhà Mặc lâm xuất bản. Thường khi mua sách cũ, tôi cẩn thận lật từng tờ kiểm lại, xem có còn đủ trang hay không, có chỗ nào bị bôi bẩn, vẽ bậy, nhưng lần đó gặp một việc gấp, vội quá, và tin ở người bán sách quen thuộc, tôi cứ để nguyên trong gói giấy đem về vứt lên bàn, hơn tuần sau mới mở ra, đặt vào giá.

Nhìn dòng chữ mạ vàng trên gáy sách, tuy đã mờ nhạt, tôi mừng thầm: Thêm một quyển sách. Trước đây tôi đã có một tủ sách khá đầy đủ. Nhưng những ngày tháng ba 1975, trong lúc hỗn loạn, hùa theo kẻ gian khi cướp phá, đám trẻ con xông nhà vào tôi cạy tủ bê đi hết. Khi trở về, thấy cơ sự, tôi tiếc đến ngẩn ngơ và cay đắng nghĩ: từ nay thôi, giã từ sách vở. Mấy năm sau tôi mới có ý định phục hồi tủ sách và dành dụm lần hồi mua lại từng quyển. Có quyển mua trong đôi thúng của bà bán giấy vụn, có quyển đóng dấu trường Huyền Trân, có quyển đóng dấu Thư viện Thành ủy, có quyển trên trang đầu trang trọng và thiết tha lời những lời đề tặng.

Ngắm nghía một lúc, tôi thấy lúc này rãnh cũng nên xem qua, bèn lấy quyển sách xuống. Góc trên, trang đầu, có nét chữ con gái ghi: Phần thưởng lớp IV niên khóa 1959-1960. Trang thứ hai, ngay dưới dấu hiệu “góp lại tự bốn phương, tung ra khắp bốn phương” của nhà xuất bản cũng nét chữ ấy, ghi câu ca dao: Có trầu mà chẳng có cau. Làm sao cho đỏ miệng nhau thì làm. Câu ca dao ngồ ngộ khiến tôi chú ý đến nét chữ. Thoạt đầu thấy hình như quen quen, càng lúc nhận ra quen lắm. Tôi lật lại trang đầu, tự hỏi: Phần thưởng cho lớp Bốn, sao tặng đến một quyển tự điển mà bậc Tiểu học chưa dùng? Sự phân vân khiến tôi suy nghĩ thêm: Niên khóa 1959- 1960, ở miền Nam chưa áp dụng hệ thống từ lớp Một đến lớp Mười hai, bậc Tiểu học tính từ dưới lên trên gồm các lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất. Vậy IVA là lớp Tư A, tức lớp Hai bây giờ. Vô lý, không ai đem tặng học sinh lớp Hai, dẫu xuất sắc đến đâu, một quyển tự điển. Và tôi chợt hiểu, IVA là lớp Đệ Tứ A, bậc Trung học đệ nhất cấp, tức lớp Chín ngày nay. Một quyển tự điển tặng cho học sinh Đệ Tứ là đúng. Học sinh Đệ tứ cuối thập niên 50 coi như đã trưởng thành. Nét chữ ở đây với nét chữ câu ca dao là một, cho tôi kết luận: Dòng ghi này là do người được tặng thưởng, chứ không phải của người phát thưởng.

Thỏa mãn được điều này rồi, nhưng nét chữ của ai mà sao quen quá, cứ còn là một thắc mắc. Tôi nhắm mắt nhớ lại nét chữ những bạn gái một thời. Những trang thư của họ lần lượt hiện lên. Một Võ Thị Mỹ Dung luôn tươi trẻ, tinh nghịch, dân Marie Cuirie, xuất hiện trước hết, nhưng nét chữ Dung tròn trịa hơn, con trai hơn và niên khóa này Dung chưa học đến Đệ Tứ. Vào thời gian ấy, có Bùi Thị Điểm, chữ nhỏ như con kiến, như nỗi buồn sớm sủa của bạn, có Dương Thu Nguyệt, chữ nghiêng nghiêng, mảnh mai như cái dáng dấp tiểu thư, đài các của bạnVà Lâm Ngân Sương, dân Gia Long, một cô bạn gái thông minh, đoan trang, chuẩn mực. Đúng là nét chữ Lâm Ngân Sương: những nét cong của các chữ n,m, u rất tròn, rất đều, chữ t, chữ d, chữ h đều cao bằng nhau, vòng chữ e mở rộng, nét lên của chữ g bao giờ cũng ngoéo lại một chút. Tôi muốn kêu lên như nhân vật Kỳ của Bình Nguyên Lộc trong truyện ngắn “Hồn ma cũ” khi anh ta uống cà phê trong một quán cóc của người Tàu, nhớ lại lối viết dùng f thay cho p  h của một bạn gái, học trò trường Áo Tím. Những hồn ma cũ, những hồn ma Áo tím hiện lên, những con ma dĩ vãng rất đáng yêu thương. Tôi tự trách mình. Đáng lẽ tôi phải nhớ ra, nhận ra sớm hơn, những hồn ma cũ của Gia Long, Trưng Vương, Marie Cuirie, của dĩ vãng rất đáng yêu thương vẫn còn lẩn quất bên tôi giữa bao tháng năm cơ cực.

Bình Nguyên Lộc (7 tháng 3 năm 1914 - 7 tháng 3 năm 1987), tên thật là Tô Văn Tuấn, là một nhà văn lớn, nhà văn hóa Nam Bộ trong giai đoạn 1945-1975. Ngoài bút danh Bình Nguyên Lộc, ông còn có các bút danh Phong Ngạn, Hồ Văn Huấn, Tôn Dzật Huân, Phóng Ngang, Phóng Dọc, Diên Quỳnh...

Tôi bỏ kính xuống và bồi hồi như mình vừa chạm tay sờ vào quá khứ. Những người bạn gái của một thời tuổi trẻ. Những mẩu chuyện trao đổi, bàn luận, những vui buồn, chìu chuộng, có khi tranh cãi, giận trách. Đẹp biết là bao! Tôi thoáng thấy ngây ngất như buổi sáng bụng trống uống một ly cà phê thật đậm, một ly rượu mạnh. Xen vào đó là nỗi băn khoăn. Hiện tại, tôi không còn liên lạc với ai. Tất cả, Dung, Sương, Điểm, Nguyệt, và ai nữaMỗi người vào đời ra sao, chồng con, cuộc sống, yêu thương và hạnh phúc thế nào? Chưa có một tình cờ đưa đẩy cho tôi bất ngờ gặp lại họ hay có tin tức về họ. Còn quyển tự điển này, tôi chắc chắn là của Sương, dù không có chữ ký của bạn làm bằng chứng, lý do nào vào tay những người bán sách cũ, để hôm nay nằm trên giá sách của tôi? Một điều nữa là, ngay năm được giải thưởng, hay một năm khác về sau, bạn ghi lên sách câu ca dao: “Có trầu mà chẳng có cau…”? Tại sao bạn ghi câu ấy? Nghe như có gì dỗi hờn, trách móc ai? Bạn tự ví mình như người đưa ra lá trầu trong câu hát chăng? Cau là của ai? Sao người đó chẳng có cau? Bạn gần như buộc người đó phải có: Có trầu mà chẳng có cau. Làm sao cho đỏ miệng nhau thì làm.. Bạn bắt đền người đó chăng? Bạn có dượcđền đáp không? Miệng bạn đã đỏ thắm, nồng cay vào dịp nào? Một cảm giá nao nao cứ vây bọc lấy tôi…

Ít lâu sau. Nhân phải tra một chữ ở phần cuối sách, tôi gặp thêm điều phải suy nghĩ nữa. Đó là một tấm thiệp xuân. Cứ gọi là một tấm thiệp xuân, dù nó chỉ là một mảnh giấy kẻ ô li chưa đầy nửa trang vở. Nhưng nó được xếp và trình bày với hình thức một tấm thiệp. Mặt ngoài, bức tranh vẽ bằng bút chì: Xa xa, những dãy núi chạy dài chồng lên nhau, có thể tưởng tượng được rằng núi rất cao, núi liền núi. Cảnh gần là một ngã ba, hai con đường thẳng góc nhau tạo thành hình chữ T. Từ lề đường vào chân núi, những ô vuông có thể là ruộng, cũng có thể là đất trồng màu. Bên trái bức tranh hai chòm cây thấp, trông vẻ um tùm, không nhận được là cây gì. Phía sau, một cây cao hơn, rõ dáng cây gòn, ngọn cây vượt khỏi đỉnh núi, khắc lên nền trời. Nét bút chì tuy đơn sơ, nhìn cây gòn tôi hình dung ra những buổi chiều miền núi, nắng nhạt, vắng vẻ và buồn. Tôi nhớ những ngọn gòn thấy trong buổi hoàng hôn ở thung lung Lỗ Chảo thời ấu thơ vào thăm nhà bà dì. Cành cây xanh đen, nền trời pha một chút tím, nhánh gòn đâm ngang, mớ trái gòn lủng lẳng. Cây gòn trong thiếp gợi cho tôi cái ấn tượng êm đềm một thời xưa cũ. Vẫn nét bút chì, có mấy dòng chữ “Mùa Xuân Nhâm Tuất” và con số 1982 trong khung nhỏ. Dưới cùng, mấy hàng chữ viết bằng bút bi:

VƯƠNG CÔNG HI: Đội 7 K 2: Trại Z 30 C

 

Tôi mở tờ thiếp ra, lại nét bút bi, viết kín cả trang 3:

1. Rồi đêm giao thừa lại qua đi

Lời đầu năm ba chúc:

-Mẹ các con hạnh phúc và trẻ trung, giữ lòng chung thủy như hoa hướng dương.

-Các con trai của ba: khỏe và vui tươi.

-Các con gái của ba: đẹp và vui tươi.

Cuối năm 1981.

Thân ái, Vương Công Hi.

Nếu ba chưa về được, các con hãy vì ba, viếng mộ phần ông bà nội các con, thuận lợi nữa về thăm mộ phần ông bà ngoại các con.

2. Trại Z 30 C không giải quyết thăm gặp trại viên vào các ngày 30 đến mùng 3 Tết âm lịch này, mẹ hãy khoan thăm ba”.

Nét chữ đẹp, không nắn nót vẫn rõ ràng, dễ đọc.

Bây giờ, trong tôi lại dâng lên một cảm xúc khác. Tấm thiếp Xuân này tuy cũng là một kỷ niệm quá khứ, nhưng quá khứ mới mẻ, gần gũi như hiện tại, đến hôm nay nhiều người trong chúng ta chưa hết bàng hoàng. Tôi đoán Vương Công Hi là một sĩ quan hay một công chức ở miền Nam trước 1975, đến cuối năm 1981 còn phải cải tạo. Vợ ông hẳn là còn trẻ, bởi vậy lời chúc ông gửi cho vợ là trẻ trung và giữ lòng chung thủy như hoa hướng dương. Bà lấy chồng sớm, ít nhất đã có bốn con – các con trai và các con gái theo như lời ông – và ít nhất đứa con đầu đã hiểu được lời chúc của cha: khỏe – đẹp, vui tuơi, đã biết thay cha đưa các em về viếng mộ phần ông bà nội ngoại. Lúc đầu, tôi có chút lo lắng vu vơ. Tại sao Vương Công Hi không viết cho vợ mà viết cho con, ông chúc vợ giữ lòng chung thủy, phải chăng có một ý nghĩ nào? Nhưng ở câu sau cùng, ông dặn: “Mẹ hãy khoan thăm ba”, vậy là bà vẫn thường xuyên thăm nuôi ông. Cái lo lắng vu vơ của tôi bị đánh tan khi tôi cho rằng con ông đã có phần nào hiểu biết, trong trường hợp này, người chồng viết lời âu yếm cho vợ không tiện. Ông bà Hi trưởng thành trong nền giáo dục nho phong, ở đây cả tình yêu và tình thương vợ chồng đều dồn cho các con, qua các con vợ chồng hiểu nhau và thương yêu nhau hơn. Tôi yên tâm về bà Hi, dù sau mỗi biến cố xã hội, nhiều gia đình cùng chịu ảnh hưởng lâm vào cảnh tan vỡ. Có không ít bà vợ đã bỏ chồng khi chồng đi cải tạo để chạy theo một người mới đang có quyền thế hoặc tiền của. Tôi lại giả sử, đứa con út ông Hi sinh năm 1975, đứa con đầu sinh cỡ trước sau năm 1970, nếu vậy ông đã bắt con cái gánh trách nhiệm tinh thần quá nặng nề: vừa thay cha làm tròn đạo hiếu với ông bà đã khuất, vừa giúp mẹ giữ lòng chung thủy như hoa hướng dương.

“Rồi đêm giao thừa lại qua đi…” Câu mở đầu của ông Hi trên tấm thiếp nhắc tôi câu văn của A.Tolstoi trong tiểu thuyết “Con đường đau khổ”:“ Rồi năm tháng qua đi. Những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét. Chỉ còn lại tình em, dịu dàng, nhẫn nại và chan chứa yêu thương”. Thật là đẹp đẽ, thật là hạnh phúc, nhưng thực tế, khi chiến tranh qua đi, khi những cuộc cách mạng thôi gào thét, còn lại nhiều cay đắng, ngậm ngùi, đau đớn. Biết làm sao được!

Aleksey Nikolayevich Tolstoy, nicknamed the Comrade Count, was a Russian writer who wrote in many genres but specialized in science fiction and historical novels.

Mùa xuân Nhâm Tuất 1982 đến nayChắc Vương Công Hi được phóng thích đã lâu, đoàn tụ với vợ con, ông lại là mặt trời cho lòng bà như hoa hướng dương mười phương đổ lại. Gia đình ông còn sống ở xứ sở này hay đã ra đi đến một đất nước xa lạ? Tôi biết, có nhiều người đã hăm hở ra đi, có nhiều người ra đi vì phải ra đi, chết cả cõi lòng chứ không phải chết một ít, có nhiều người nhất định ở lại. Mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người là nạn nhân, dù kẻ khác thấy khinh bỉ, tội nghiệp, yêu quý hay kính trọng. Nếu gia đình Vương Công Hi đã ra đi, cầu trời cho họ vẫn luôn luôn hạnh phúc ở cái xã hội thiếu vắng hình ảnh nho phong.

Buổi tối, tôi bỗng mơ thấy mình đang ngồi trong thư viện tra cứu. Một người đàn bà đứng tuổi đi vào. Bước chân khoan thai, dáng dấp tươi trẻ và một nụ cười. Người ấy gật đầu chào tôi. Tôi biết quen lắm mà không nhận ra, cười đáp lễ và cau mày cố nhớ. Người đàn bà hỏi sau khi tháo cặp kính nhạt màu ra khỏi mắt: ”Không nhận ra sao?”. Rồi cúi xuống, cầm lấy cây bút và tờ giấy tới đặt bên cạnh để ghi chép, viết nhanh ba chữ “Lâm Ngân Sương”. Tôi chưa kịp nói gì thì thức giấc vì một tàu dừa khô rơi ào ngoài sân. Cuộc hội ngộ tức khắc tan biến, dù chẳng qua do tôi nghĩ ngợi mà có giấc mơ. Nói như Bình Nguyên Lộc thì giấc mơ tạo thành bởi ám ảnh của những hồn ma cũ. Ở thế hệ ông, những con ma áo tím và thời chúng tôi, những con ma áo xanh da trời.

Tối hôm ấy, tôi không phủ nhận đã dành nhiều tình cảm cho quyển tự điển Khai trí Tiến đức mới mua. Nó như một nhân chứng, dẫu chỉ thoáng qua, với mấy dòng chữ, một bức vẽ bút chì, đã đem về cho tôi đủ cả những suy nghĩ về Tuổi trẻ, Bạn bè, Chiến tranh, Tình yêu, Gia đình, Hợp và tan, Hạnh phúc và đau khMột nhân chứng ít lời, chỉ thấp thoáng hé lộ cho thấy vài nét đơn sơ trong bức tranh chấm phá. Thành ra, nỗi thắc mắc của tôi, tại sao quyển sách của Lâm Ngân Sương lại lạc tới đây, tại sao trong đó có tấm thiếp Xuân từ trại cải tạo của ông Vương Công Hi, giữa bạn tôi và ông Hi có mối quan hệ nào chăng, quá khứ và hiện tại, những gì còn mất của mỗi ngườidẫu muốn tìm lời giải đáp trong mộng cũng không thể nào giải đáp được.

Nhà văn Trần Huiền Ân

TN số 41 (430) – 03-10/10/1993

—————————————————————————————————————

Gần 30 năm, mình cứ mang nỗi day dứt không biết số phận của gia đình này cuối cùng ra sao. Với hy vọng có manh mối thông tin, sáng nay, mình đăng bài lên hai group có nhiều người Việt từng sống ở Sài Gòn. Chưa đầy 5 phút sau, mình đọc được bình luận từ người cháu ruột của ông Vương Công Hi. Theo lời anh, ông Hi nguyên là giáo sư Việt Văn của trường Mạc Đĩnh Chi (Sài Gòn). Vì là sĩ quan biệt phái nên sau 30/4/1975, ông đi tù cải tạo đến 8 năm. Hiện giờ ông sống ở Mỹ theo chương trình HO. Tuy không còn minh mẫn nhưng đáng mừng là ông bà vẫn còn khoẻ.

Cảm ơn anh Vuong Tu Minh đã cất bỏ cho tôi gánh nặng trong lòng gần 30 năm nay

Ông Vương Công Hi với gương mặt hiền từ và có vẻ mô phạm của một nhà giáo (ảnh do cháu gọi ông Hi bằng chú cung cấp)

Sau khi tìm ra nhân vật trong truyện rồi thì mình lại muốn báo tin cho nhà văn, tác giả truyện ngắn “Người chứng không lời” mà mình đã có bài viết trong link kèm dưới đây. Dù chỉ đọc truyện nhưng không hiểu sao mình tin nhân vật là có thật và mình cũng tin rằng tác giả, nhà văn Trần Huiền Ân cũng đau đáu với câu hỏi về số phận sau này của ông Vương Công Hi. Vậy là sau khi tìm ra nhân vật, mình lại đi tìm tác giả. May mắn là nhà văn lại ở cùng thành phố với các bạn đồng nghiệp. Vậy là tối nay, bác Trần Huiền Ân đã gửi cho mình tấm thiệp của ông Hi gửi cho vợ con khi còn đang tù cải tạo. Nhà văn đã giữ tấm thiệp này gần 30 năm, cũng như mình đã giữ tờ báo có in truyện ngắn của nhà văn gần 30 năm. Cả hai chỉ là vì nặng lòng với một số phận trôi nổi sau cuộc chiến, như chiếc lá giữa cơn nước lũ.

Nguồn: FB Lâm Nguyễn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100001298931118

No comments:

Post a Comment