Wednesday, September 1, 2021

 'Quá lớn để bị sụp đổ’: Liệu Phố Wall có đứng trên pháp luật? (phần 1/2)

https://www.ntdvn.com/kinh-te/qua-lon-de-bi-sup-do-lieu-pho-wall-co-dung-tren-phap-luat-phan-1-151065.html

Quang cảnh Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) tại Phố Wall vào ngày 16 tháng 11 năm 2020 ở Thành phố New York. Chứng khoán Phố Wall tăng sớm sau tin tức lạc quan về vắc-xin coronavirus và thông báo sáp nhập trong ngành ngân hàng và bán lẻ. (Ảnh của ANGELA WEISS / AFP qua Getty Images)

‘Quá lớn để bị sụp đổ’: Liệu Phố Wall có đứng trên pháp luật? (phần 1)

Thủy Tiên - Tâm An • 11:37, 08/03/21  

 

Phố Wall là gì? Câu trả lời cho câu hỏi này càng lúc càng “phong phú”, nhưng về tổng quan, giới tài chính cho rằng: “Phố Wall có thể xóa sổ bạn. Họ là những người thiết lập quy tắc”. Phố Wall rất “gắn bó” với các cơ quan điều chỉnh, giám sát nó - đến mức những người dân Washington gọi chung họ là “Khối”. Phố Wall quá lớn để có thể bị sụp đổ? Liệu họ có thể “đứng trên pháp luật”?

 

Nhiều lần, các giám đốc điều hành đưa ra các quyết định "không có lợi nhất" cho công ty của họ trước áp lực từ Phố Wall; trong khi nhiều người tin rằng đó là vì các công ty có "nghĩa vụ ủy thác" để tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông. Trên thực tế, thật khó để họ có thể chống lại những yêu cầu từ quyền lực khổng lồ của giới tài phiệt phố Wall.

Trong vài thập kỷ qua, khi luật đặt quyền kiểm soát ở Phố Wall phần lớn bị hủy bỏ, quy mô và lợi nhuận của khu vực tài chính này đã tăng lên rất nhiều. Điều đó làm tăng ảnh hưởng của nó, đặc biệt là khả năng làm lung lay chính phủ - bằng cách chi hàng tỷ USD cho các nhà vận động hành lang và đóng góp chính trị. Ngay cả sau các cuộc khủng hoảng tài chính, Phố Wall vẫn có thể làm chậm và làm suy yếu các quy định mới - vốn kiềm chế các hoạt động rủi ro của nó.

Việc “tài chính hóa” nền kinh tế này có những mặt trái nghiêm trọng: Nó làm tăng sự biến động, kìm hãm tăng trưởng và phân bổ sai các nguồn lực - chẳng hạn như tài năng và vốn - kìm hãm việc tạo ra của cải và hướng tới việc phân phối của cải. Nó thực sự làm biến dạng tư duy trong kinh doanh.

 

Phố Wall đã ‘hạ thấp tiêu chuẩn’ của Boeing

Việc ra mắt máy bay 787 của Boeing đã bị ảnh hưởng bởi chi phí lớn. Bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể gặp vấn đề kỹ thuật, nhưng điều nổi bật của 787 là chúng xuất phát từ quyết định mà Phố Wall đưa ra.

Trước khi sáp nhập vào năm 1997 với McDonnell Douglas, Boeing có một nền văn hóa định hướng kỹ thuật và một lịch sử kinh doanh với những khoản đầu tư táo bạo vào máy bay mới. Ngược lại, McDonnell Douglas ngại mạo hiểm, tập trung vào việc cắt giảm chi phí và hiệu quả tài chính; văn hóa của công ty này là thống trị công ty được sáp nhập. Vì vậy, trước sự phản đối của các kỹ sư Boeing lâu năm trong nghề, máy bay 787 đã được phát triển với mức độ gia công chưa từng có - để tối đa hóa lợi nhuận trên tài sản ròng của Boeing (RONA).

Một chiếc máy bay Boeing 787 tại sân bay Tianhe ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 29/5/2020. (Ảnh: Hector Retamal / AFP / Getty Images)

Việc thuê ngoài đã loại bỏ mục tài sản khỏi bảng cân đối kế toán của Boeing, nhưng cũng khiến chuỗi cung ứng của 787 trở nên phức tạp - đến mức công ty không thể duy trì chất lượng cao mà một hãng hàng không yêu cầu. Đúng như các kỹ sư đã dự đoán, kết quả là việc chậm chuyến bay phát sinh rất nhiều, và chi phí thất thoát lớn.

Trên thực tế, nghiên cứu của các nhà kinh tế John Asker, Joan Farre -Mensa và Alexander Ljungqvist cho thấy: Mong muốn tối đa hóa giá cổ phiếu trong ngắn hạn đã khiến các công ty đại chúng chỉ đầu tư vào tài sản - bằng một nửa so với các đối tác tư nhân của họ. Chẳng hạn, áp lực giảm tài sản đã khiến Sara Lee chuyển từ sản xuất quần áo và thực phẩm sang quản lý thương hiệu.

 

Giám đốc điều hành của Sara Lee giải thích: “Phố Wall có thể xóa sổ bạn. Họ là những người thiết lập quy tắc”.

Để theo đuổi lợi nhuận cổ phiếu cao hơn, nhiều công ty điện tử, như Boeing và Sara Lee, đã gia công việc sản xuất của họ, mặc dù việc tích hợp chặt chẽ giữa Nghiên cứu - Phát triển - Sản xuất là rất quan trọng đối với việc đổi mới.

Trong một bài báo khác, nhà phân tích Clayton Christensen lập luận rằng việc ban quản lý áp dụng các chỉ số ưa thích của Phố Wall đã cản trở sự đổi mới. Các học giả và giám đốc điều hành cũng chỉ trích Phố Wall đã không chỉ thúc đẩy tư duy ngắn hạn, mà còn hy sinh lợi ích của nhân viên và khách hàng để mang lại lợi ích cho cổ đông, và khuyến khích sự thiếu trung thực từ các giám đốc điều hành.

Ảnh hưởng của phố Wall đã trở nên mạnh mẽ đến mức, một cuộc khảo sát gần đây với các giám đốc tài chính cho thấy: 78% giám đốc điều hành có thể sẽ “từ bỏ giá trị kinh tế” và 55% sẽ hủy bỏ một dự án có giá trị hiện tại ròng dương - tức là sẵn sàng gây tổn hại cho công ty của họ để đáp ứng các mục tiêu và thực hiện mong muốn của Phố Wall - để có được thu nhập “suôn sẻ”.

Các giám đốc điều hành thường giải thích việc “chiều theo ý Phố Wall” bằng cách nói rằng họ có “nghĩa vụ ủy thác” để tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông. Tuy nhiên, vấn đề là điều đó không đúng. Nghĩa vụ được ủy thác là một nghĩa vụ pháp lý cụ thể, và giáo sư luật Lynn Stout đã chỉ ra rằng về mặt pháp luật, các giám đốc điều hành của Mỹ không phải đối mặt với bất kỳ yêu cầu nào như vậy.

Vậy tại sao các nhà quản lý lại đưa ra những lựa chọn mà họ biết là sai? Tại sao nhiều người tin (hoặc hành động như thể họ tin) một điều mà đơn giản là nó không đúng?

Điều đó có nghĩa là, cũng giống như một nhà kinh tế học nghĩ về tiền bạc hay một người lính nghĩ về quân đội, phố Wall khiến các giám đốc điều hành nghĩ về quyền lực.

Một trong những điều quan trọng nhất - và nguy hiểm nhất - là khi một khu vực hoặc một nhóm đơn lẻ - có sức mạnh đến mức họ chi phối cách mà toàn bộ xã hội nghĩ về chính họ. Mọi việc trở nên rõ ràng là chúng ta phải làm gì đó để kiềm chế sức mạnh to lớn và không cân xứng của Phố Wall.

 

Sự thống trị của phố Wall

Trước cuộc Đại suy thoái 1930, địa vị và ảnh hưởng của các nhà tài chính lớn đến mức - khi Tổng thống Theodore Roosevelt đệ đơn vụ kiện độc quyền lớn đầu tiên chống lại công ty đường sắt của JP Morgan, ông Morgan đã nói với ông:

"Nếu chúng tôi làm bất cứ điều gì sai trái, hãy gửi người của ông đến gặp người của tôi, và họ có thể sửa chữa được nó".

Sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật ngân hàng Glass-Steagall và các đạo luật khác để kiềm chế lĩnh vực tài chính và tăng cường sự ổn định.

Trong cuộc Đại suy thoái 1930, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đột ngột tăng lãi suất lên 6%, các nhà đầu tư chứng khoán chỉ còn cách bỏ của chạy lấy người, thị trường cổ phiếu sụt giá một cách thê thảm chẳng khác gì cảnh vỡ đê. (Getty)

Trong nhiều thập kỷ qua, những luật đó phần lớn đã không được thực hiện. Hệ quả rõ ràng nhất là sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực tài chính. Năm 1970, ngành tài chính và bảo hiểm tăng 2,8% vào năm 1950 - chiếm 4,2% GDP của Hoa Kỳ. Đến năm 2012, các ngành này chiếm 6,6% GDP.

Câu chuyện với lợi nhuận cũng tương tự: Năm 1970, lợi nhuận của ngành tài chính và bảo hiểm bằng 24% lợi nhuận của tất cả các lĩnh vực khác cộng lại. Năm 2013, con số này đã tăng lên 37%, bất chấp hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính.

Tài sản của các đơn vị tài chính lớn bắt đầu tăng mạnh vào đầu những năm 1980. Đến năm 2000, chúng lớn bằng hoặc hơn tài sản hữu hình của các tập đoàn phi tài chính. Ví dụ, trong đầu những năm 2000, Ford kiếm được nhiều tiền hơn - bằng cách bán các khoản vay hơn là bán ô tô; trong khi công ty tài chính của GE tạo ra khoảng một nửa tổng thu nhập của GE. Nếu tính cả các tập đoàn phi tài chính, năm 1980, tổng giá trị tài sản tài chính của Mỹ gấp 5 lần GDP của cả nước. Năm 2007, con số này gấp 10 lần GDP.

Sự tăng vọt về quy mô và lợi nhuận cũng đã làm tăng ảnh hưởng của phố Wall đối với chính phủ. Từ năm 1998 đến năm 2013, các ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản đã chi gần 6 tỷ USD cho vận động hành lang. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, khu vực tài chính thực sự tăng cường sức ép lên chính phủ.

Hãy xem chu kỳ bầu cử 2013–2014: Tính đến tháng 3/2014, tài chính, bảo hiểm và bất động sản đã chi gần 485 triệu USD cho vận động hành lang - nhiều hơn bất kỳ ngành nào khác - và đã quyên góp gần 149 triệu USD cho các chiến dịch của các ứng cử viên liên bang.

Các đại diện và các nhà vận động hành lang của lĩnh vực tài chính phố Wall rất "gắn bó" với các cơ quan điều chỉnh, giám sát nó - đến mức những người dân Washington gọi chung họ là “Khối”. Điều này được phản ánh trong bản lý lịch của các quan chức chính phủ đương nhiệm và trước đây. Cơ quan quản lý tài chính quan trọng nhất là Bộ trưởng Tài chính. Hãy nhìn lại sáu người đã từng giữ chức vụ đó trong quá khứ.

a/ Bộ trưởng Tài chính thời Bill Clinton, và là Chánh văn phòng Nhà Trắng thời Obama - Jack Lew - đã làm việc tại Citigroup.

b/ Người tiền nhiệm của ông, Timothy Geithner, hiện là chủ tịch của Warburg Pincus - một công ty cổ phần tư nhân ở Phố Wall.

c/ Người tiền nhiệm của Geithner, Hank Paulson, trước đây là Giám đốc điều hành của Goldman Sachs.

d/ Trước ông Paulson là John Snow, hiện là chủ tịch của Cerberus, một công ty cổ phần tư nhân.

e/ Người tiền nhiệm của Snow, Larry Summers, đã nhận được hơn 5 triệu USD từ quỹ đầu cơ D.E. Shaw sau khi rời Bộ Tài chính.

f/ Người tiền nhiệm Robert Rubin cũng từng lãnh đạo Goldman và đảm nhận vị trí cấp cao tại Citigroup sau khi rời chính phủ.

Các quan chức chính phủ này đã có sự nghiệp đáng kể trong lĩnh vực tài chính trước khi tham gia vào chính phủ; và họ không gặp khó khăn gì trong việc tìm được một vị trí rất cao, được trả lương hậu hĩnh một khi họ rời khỏi công việc trong chính phủ.

Như cựu chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Sheila Bair giải thích, vấn đề là “nắm bắt nhận thức” - nghe theo các tổ chức tài chính lớn và những người đại diện cho các tổ chức này và hờ hững với những công ty thông thường trên Phố Chính

 

‘Phố Wall’ đứng trên pháp luật?

Lĩnh vực tài chính rất đa dạng và những người chơi khác nhau của nó có lợi ích và mâu thuẫn khác nhau. Ảnh hưởng của Phố Wall đối với chính sách là rất "đặc biệt", ngay cả sau cuộc khủng hoảng tài chính. Hãy lấy ba ví dụ:

Phố Wall đã nỗ lực để làm chậm việc ban hành quy tắc Volcker - vốn nhằm ngăn chặn các ngân hàng sử dụng tiền gửi được bảo hiểm của liên bang để giao dịch thay mặt họ. Trong những tháng trước khi các cơ quan quản lý ban hành dự thảo quy tắc này, các đại diện ngành tài chính đã vận động hành lang để làm suy yếu quy tắc này - chiếm tới 93% các cuộc họp mà các cơ quan liên quan đã có với bên ngoài.

a/ Khi Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cố gắng điều chỉnh các công cụ phái sinh - các công cụ tài chính đóng vai trò quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng - thì phản ứng của Phố Wall là một kiểu vận động hành lang ồ ạt chớp nhoáng. Kết quả là có một loạt các miễn trừ để đảm bảo rằng các quy định của CFTC sẽ bao phủ dưới 20% thị trường thế giới.

b/ Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đã làm chứng trước Quốc hội rằng ông không truy tố một số ngân hàng - vì họ quá lớn nên việc truy tố có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Nói cách khác, những ngân hàng này có quyền lực đến mức người đứng đầu cơ quan hành pháp của chính phủ đã tuyên bố chúng “đứng trên luật pháp”.

Năm 2012, 10 nhà tuyển dụng được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới bao gồm JP Morgan và Goldman Sachs; 35% sinh viên tốt nghiệp của Trường Kinh doanh Harvard đã làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Năm 2008, 45% đã làm trong lĩnh vực này, và dịch vụ tài chính vẫn là con đường sự nghiệp phổ biến nhất cho sinh viên tốt nghiệp từ trường Kinh doanh Harvard.

Josef Ackermann, (bên trái) - Giám đốc Điều hành Ngân hàng Deutsche của Đức, Richard Gnodde - Đồng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Hoa Kỳ Goldman Sachs, (ở giữa) và Bill Winters - (bên phải) Đồng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư của ngân hàng Mỹ JP Morgan, cùng đến số 10 Phố Downing ở trung tâm London, vào ngày 24 tháng 3 năm 2009, để gặp gỡ các giám đốc điều hành ngân hàng khác (Ảnh: SHAUN CURRY / AFP qua Getty Images)

Tài chính hóa - hay phân phối lại và trục lợi?

Tài chính hóa là sự gia tăng ảnh hưởng của thị trường tài chính, các định chế và giới tinh hoa đối với cả nền kinh tế và các thể chế khác của xã hội, bao gồm cả chính phủ.

Trong một nền kinh tế tài chính hóa, một bộ phận tài chính đang kiểm soát nền kinh tế. Ví dụ, nghiên cứu của IMF cho thấy rằng: Hệ thống tài chính mạnh là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng ở giai đoạn đầu và giai đoạn trung gian của một quốc gia, nhưng một khi khu vực này trở nên quá lớn - khi tín dụng của khu vực tư nhân đạt từ 80% đến 100% GDP - thì nó thực sự kìm hãm tăng trưởng và làm gia tăng sự biến động.

Tại Hoa Kỳ, năm 2012, tín dụng của khu vực tư nhân là 183,8% GDP. Có hai cách chính mà tài chính hóa làm suy yếu các nền kinh tế:

Thứ nhất, các hệ thống tài chính lớn hơn và phức tạp hơn có thể dễ bị sụp đổ hơn.

Thứ hai, một hệ thống tài chính quá phát triển có thể phân bổ sai nguồn lực.

Từ năm 1984, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel James Tobin đã nhận xét rằng “rất ít công việc mà ngành chứng khoán thực hiện… liên quan đến đầu tư thực sự”. Ông băn khoăn rằng “chúng ta đang ngày càng sử dụng nhiều nguồn lực của mình, bao gồm cả tuổi trẻ của chúng ta, vào các hoạt động tài chính xa rời sản xuất hàng hóa và dịch vụ… tạo ra những phần thưởng riêng rất cao, không tương xứng - so với năng suất xã hội của chúng”.

Một nghiên cứu của IMF đã phát hiện ra rằng một khi khu vực tài chính của một quốc gia trở nên quá lớn, nó sẽ thực sự kìm hãm sự tăng trưởng và làm gia tăng biến động.

Nói về vốn, các nghiên cứu của nhà kinh tế học Özgür Orhangazi cho thấy rằng khi tài chính hóa tăng lên, đầu tư vào tài sản tài chính có xu hướng lấn át đầu tư vào tài sản thực, bởi vì thị trường thích tài sản ngắn hạn và có tính thanh khoản; và các tập đoàn phi tài chính phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để thực hiện các khoản thanh toán của nhà đầu tư (chủ yếu thông qua cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu) thay vì mua tài sản thực.

 

Công việc sáng tạo làm tăng sự giàu có của xã hội. Công việc phân phối chỉ chuyển của cải từ "tay này sang tay khác". Mọi ngành đều chứa cả hai yếu tố. Nhưng hoạt động trong lĩnh vực tài chính chủ yếu mang tính phân phối.

 

Ngành dịch vụ tài chính cũng có một hình thức hoạt động phân phối ở mức độ rất cao được gọi là “trục lợi”, liên quan đến việc cố gắng tạo ra lợi nhuận bằng cách thao túng chính sách của chính phủ.

Phố Wall đang thu hút những gì tốt nhất và sáng giá nhất của nước Mỹ, và quá nhiều người trong số họ kết thúc bằng việc phân phối của cải thay vì tạo ra nó.

Ở cấp độ giao dịch. Khi bạn mua một sản phẩm thông thường như một chiếc ô tô từ Ford, thì đôi bên đều có lợi hơn, bạn có xe và Ford có tiền. Tuy nhiên, nếu bạn mua một cổ phiếu, thì một năm sau, chỉ có một bên - bạn hoặc người bán - có khả năng vui mừng. Nếu giá cổ phiếu giảm, người bán vui mừng, và nếu nó tăng, bạn vui mừng (giả thiết là bạn giữ cổ phiếu của mình).

Đối với tất cả mọi người làm việc trong lĩnh vực tài chính, khoản tiền thưởng là khá lớn.

a/ Trong năm 2006, nhân viên trong ngành tài chính kiếm được nhiều hơn 50% so với những nhân viên có trình độ học vấn tốt tương tự ở các bộ phận khác của nền kinh tế.

b/ Đối với các giám đốc điều hành tài chính cấp cao, tiền thưởng rất lớn. Họ kiếm được nhiều hơn 250% so với các đối tác phi tài chính của họ.

c/ Đối với các giám đốc điều hành cấp cao ở Phố Wall, điều đó còn lớn hơn: Họ kiếm được nhiều hơn 300% so với các đối tác của mình trong nền kinh tế thực.

Tác giả: Gautam Mukunda là nghiên cứu viên tại Trung tâm Lãnh đạo Công tại Trường Harvard Kennedy. Trước đây, ông là giảng viên của Trường Kinh doanh Harvard, và ông đã nhận bằng Tiến sĩ tại MIT về Khoa học Chính trị.

Gautam Mukunda is an assistant professor in the Organizational Behavior Unit at Harvard Business School. Before joining the HBS faculty, he was the National Science Foundation's SynBERC Postdoctoral Fellow at MIT's Center for International Studies. ..

(Còn tiếp)

 

Thủy Tiên - Tâm An

No comments:

Post a Comment