Wednesday, November 4, 2015

Hoa Điểu tranh năng

Hiệu-đính các truyện cũ


Các truyện nôm của ta kể ra cũng khá nhiều, nhưng nhiều chuyện nhất là những chuyện cũ, cũng có người không biết, không để ý đến, cũng có người xem truyện Kiều rồi cho hết thảy các truyện cũ là quê mùa, không dáng xem, coi thường không buồn đọc nữa, bởi vậy những truyện ấy hầu như là bỏ rơi vậy.
Chúng tôi xem ra có nhiều truyện cổ, không phải là không có giá trị, văn không phải toàn một vẻ chất-phác như người ta tưởng lầm; nhiều câu nhiều đoạn văn rất hay, ý sâu-xa, nếu bỏ mất đi, thì bao nhiêu những áng văn-chương cổ một ngày một tiêu-diệt mất, thì thật đáng tiếc.
Bởi vậy chúng tôi muốn bảo-tồn lấy những di-sản quí-hóa của tổ-tiên để lại, và sưu-tầm những bản truyên hoặc in, họăc chép bằng chữ nôm, lấy bản cũ nhất làm chuẩn-đích, đem đối-chiếu với các bản khác, so-sánh từng chữ từng câu, đính-chính lại rồi chú-thích rành-mạch, để khỏi sai-lầm. Khi đã hiệu-đính, chú-thích xong, đem ra cùng nhau thảo-luận đính-chính rồi mới ấn-định xuất-bản. Hiện thời chúng tôi đã đính chính xong bốn truyện ngụ-ngôn là :
- truyện Trê cóc,
- truyện Trinh thử,
- truyện Lục súc tranh công, và
- truyện Hoa điểu tranh năng.
Những truyện này do ông Phó-bảng Bùi-Kỷ hiệu-đính và chú-giải, và đem in thành từng tập riêng; như thế các nhà học quốc-văn sau này sẽ có đủ tài-liệu để tra-khảo.
Lệ-Thần Trần-Trọng-Kim
Sự tích

Gặp ngày bà Tây Vương-mẫu mở tiệc thọ, cầm-vương Phượng-hoàng và Hoa-vương là Mẫu-đơn đều đem lễ vật đến mừng. Sứ-thần bên chim là Bạch-thanh, sứ thần bên hoa là Náo-dương. Giữa đường, hai bên gặp nhau bên nào cũng đòi đi trước. Sứ thần hai bên ra đấu-khẩu với nhau. Bên chim khoe Cầm vương là bậc đạo-đức nhất, rồi lại kể những nết hay của loài chim. Bên hoa khoe Hoa-vương là bậc phú-quí nhất, rồi lại kể những vẻ đẹp của các loài hoa. Không những thế, chim kể xấu hoa, hoa kẻ xấu chim, không bên nào chịu bên nào. Tây Vương-mẫu phải cho người ra phân-xử, đành cho bên hoa đi trước, lấy cớ là cõi đời phần nhiều trọng phú-quí hơn đạo-đức. Sau đức Khổng-tử biết chuyện, ngậm-ngùi than-thở, cho là thói đời đã đến lúc suy-kém rồi.

2- Tác-giả và tâm-lý trong cuốn văn

Tác-giả không biết là ai, nhưng xem kỹ lời văn tác-giả ở vào thời gần đây, vì trong cuốn văn, không dùng tiếng cổ. Tác-giả thật là một nhà yêm-bác, đem gần hết các nết hay, thói xấu của loài chim, loài hoa để ám-chỉ người. Tuy một cuốn có hai trăm hai mươi câu, không lấy gì làm dài, song nếu ngâm nga ngoạn-vi đủ nhận thấy tấm lòng thương đời của tác-giả thiết-tha biết là chừng nào !
Thương là thương cho người ta đổ-xô về đường vật-chất, mà bên tinh-thần cứ trụy-lạc đi dần dần.
Thương là thương chữ sắc mỗi ngày thắng được chữ đức, đúng như lời đức Khổng-tử đã nói : Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc.
Nay ta thử đọc mấy câu ở đoạn kết như sau này :
Ưa nhân chuộng nghĩa mấy người,
Ít tiền dẫu đến vua tôi cũng thường.
Cha con trong đạo gia-đường,
Ít tiền cũng chẳng ra tuồng thân-yêu.
Anh em họ mạc dập-dìu,
Ít tiền thì cũng ra chiều buồn tênh.
Sắt cầm phu-phụ duyên lành,
Ít tiền thì cũng ra tình thờ-ơ.
Bạn chơi bất cứ thân-sơ,
Ít tiền thì chẳng bao giờ được thân.

Mấy câu này tuy rất giản-dị tầm-thường, song thật là tả rõ hết tình thái ở trên kim tiền thế-giới. Thiết tưởng cuốn văn này là tiếng mõ đêm khuya, tiếng chuông sáng sớm để cảnh-tỉnh lòng người.
BÙI ƯU-THIÊN

I-
1.- Ngụ-ngôn lắm truyện nực cười,
Thiên-tiên mà lại đặm mùi phiền-hoa.
Huống chi lòng thế-gian ta,
Tham vàng, bỏ nghĩa cũng là thói quen.
Nhớ xưa ở chốn Đào-viên,
Vương-mẫu mở thọ-diên vui mừng.
Quân-thiên-nhạc tấu vang-lừng,
Tiệc la-ỷ mở tưng-bừng xôn-xao.
Gần xa tiên-nữ đều vào,
10.- Kinh thành đến trước đền Giao lạy mừng.
Vui cười quạt gió, đèn trăng,
Điểu, Hoa cũng được dự mừng chúa tiên

II-
Hoa vương tên gọi Mẫu-đơn,
Ngọc vàng, sắm đủ mọi bàn kính dâng.
Kén người giảo-hoạt nói năng,
Cho làm chánh-sứ đề dâng lễ thành.
Quen giao-thiệp có một anh,
Náo-dương hoa đó thực rành khôn-ngoan.
Sắc phong chánh-sứ, khâm-ban,
20.- Kíp theo hộ-tống xe loan vào chầu.
Còn đương sắm-sửa cùng nhau,
Trông ra đã thấy cờ đâu rợp đường.
Cờ đề hai chữ: Cầm-vương,
Tiền hô, hậu ủng ra tuồng uy-nghi.
Rợp trời thắng ngọn tinh-kỳ,
Tiếng đà giậy khắp sơn-khê đùng-đùng.
Quân đi lẫm-liệt oai-phong,
Giao-trì cung-khuyết, nhác trông gần gần.
Cầm-vương truyền gọi sứ-thần,
30.- Bách-thanh đâu đã đến gần long-xa.
Cầm-vương chỉ-dụ truyền ra,
Sứ-thần khi ấy chúc-hà khoan-thai.
Lệnh truyền chưa kịp dứt lời,
Ầm-ầm đã thấy muôn loài hoa-binh.
Chiêng hồi, trống giục liên thanh,
Hoa-vương truyền gọi đích danh sứ-thần.
Dặn rằng : "Ta phải mau chân,
Để ta chúc thọ trước dân ngoan-cầm".
Tớ thầy một mực đồng tâm,
40.- Giao-trì thẳng nẻo xăm-xăm tới gần.
Thấy người thị phú khinh bần,
Cầm-vương vội phái sứ-thần ra ngay :
"Ngăn Hoa-vương đóng lại đây,
Cùng vào bái chúc, lẽ này mới công".
Bách-thanh thiện-kiếm, thần-phong,
Tài biện-bác cũng một lòng Tô, Trương.
Tìm Mẫu-đơn kể mọi đường,
Rằng : "Vua ta thực rõ-ràng anh-quân,
Đã hay có nghĩa, có nhân,
50.-Lại gồm trí, tín, mười phân vẹn mười.
Vả xưa nay tính khác người,
Trí cao hơn cả muôn loài quần-sinh.
Tung-hoành ở chố vân-trình,
Muôn loài sinh-động, cũng đành dưới ta.
Đến đây không muốn khoe ra,
Còn nhiều tài-tử cùng là văn-nhân.
Hễ ai đức thịnh thời hơn,
Còn như phú-quí phù-vân kể gì !
Cứ trong điều ấy mà suy,
60.- Vua ta hẳn được trước đi vào mừng."
Dương-hoa lên tiếng nói rằng :
"Khôn ngoan cũng ở núi rừng một phương !
Sao bằng ta ở Lạc-dương,
Lầu Tần, vườn Hán vẻ-vang một nhà.
Vườn Kim-cốc cũng có ta,
Gặp xuân đầm-ấm rườm-rà tử-vi,
Hương xông sực-nức mọi bề,
Nhìn xem thế-giới khác gì cẩm-la.
Bấy lâu nức thiếng danh-gia,
70.- So bề phú-quí, vua ta hơn người."
Bách-thanh nghe nói, cả cười.
Rằng : "Đừng hợm của, khinh đời làm chi !
Nước ta văn-vật thiếu gì,
Kìa như
Khổng-tước văn nghi ai bằng;
So tài mẫn tiệp nói-năng,
Lục-y sứ-giả và chàng Thăng-ca
Bạch-hạc có chí cao-xa,
Hải-âu tình-tính thực là tự do.
Kìa như kẻ khéo toan lo,
80.- Có anh
Hoàng-điểu ở gò ung-dung.
Anh Hồng, anh Hộc lạ-lùng,
Cao-cường thủ-đoạn bay tung ngang trời.
Đại-bàng chí cả tuyệt vời,
Đường mây vùng-vẫy bên trời bay cao;
Phượng-sồ danh-giá biết bao,
Hưng-dương, Trần-bảo ai nào dám đang.
Thơ ngâm ríu-rít
Oanh vàng,
Véo-von rầm-rĩ lại càng thêm thay.
Bát-âm điệu mới rất hay,
90.-
Họa-mi nổi tiếng xưa nay đã nhiều.
Đẹp duyên cầm sắt kính yêu,
Uyên-ương phu-phụ dập-dìu đoan-viên.
Dốc tình bằng-hữu chu-tuyền,
Nghĩa
Hồng-nhạn vẫn còn truyền xưa nay.
Nghìn thu nức tiếng khen hay,
Quạ là hiếu-điểu ngày ngày
phụng thân.
Biết bao tài-tử, giai nhân,
Thật là xuất-loại, siêu-quần. chẳng ngoa !
Tiếng lành dậy khắp gần xa,
100.- Trăm phần, người há được vài phần chăng ?"
Dương-hoa lên tiếng mắng rằng :
"Gớm thay ăn nói khoe-khoang lạ đời !
Quen thân một tấc đến trời,
Khác nào như thể ếch ngồi giếng sâu. !
Trời cao nào có biết đâu,
Khoe mình nhưng đã dễ hầu hơn ai !
Dại nên ta dạy cho hay,
Đừng khoe giọng lưỡi, lại rầy có phen.
Nước ta có chú Thanh-liên.,
110.- Lòng quân-tử, dáng trung-hiền thảo-ngay ;
Hải-đường, tiên cách ai tày,
Trung-thành, Quì vốn lòng này hướng dương..
Tảo-mai. tốt số rỡ-ràng,
Thiếu-niên đã đứng đầu hàng bách quan.
Được vua yêu, có hương Lan.,
Tư-phong yểu-điệu, có nàng Ngọc-trâm..
Bấy lâu nức tiếng phương-lâm.,
Ngọc-lan đã nổi tiếng-tăm vang-lừng.
Trà-mi tên hiệu Trầm-hương,
120.- Phượng-tiên. tên lại gọi rằng Nữ-nhi.
Dung-nhan yểu-điệu phương-phi,
Tiên-đào mặt ấy có khi khuynh-thành.
Thủy-tiên cốt-cách càng xinh,
Tây-thi-cúc. dáng như hình Tây-thi,
Nhà Diêu, cửa Ngụy. thiếu gì,
Còn Phan-huyện. với Tùy-đê. cũng nhiều,
Giai-nhân, tài-tử dập-dìu,
Trai Tử-vi., gái Tiểu-kiều. tốt tươi !
Phong-lưu sang-trọng đủ mùi,
130.- Gặp xuân thì lại đầy trời hương xông.
Càng xuân hương nức càng nồng,
Dưới trần, ai dám xưng hùng cho qua !
Còn nhiều phú-quí vinh-hoa,
Kiêm toàn ngũ phúc., chúa ta hơn người".
Bách-thanh nghe nói, cả cười,
Rằng : "Mi chẳng sợ miệng đời chê-bai !
Thôi đừng khoác-lác ngõ ngoài,
Tuy mình bẻo-lẻo, nào ai tin mình.
Toàn là những giống vụ danh.,
140.- Ỷ-phong, hàm-tiếu. ra tình dâm-ô.
Như Giạ-hợp. chẳng ra trò,
Canh khuya hành-lộ. là đồ bất lương.
Cấp-tính., nóng-nảy vội-vàng,
Vinh-hoa Mộc-cận., cũng phường bỏ đi.
Bách-nhật-hồng. có ra gì,
Vô hương, hữu sắc, ai thì buồn trông.
Ngọ thời. kia mới não-nùng,
Cớ sao sớm nở, tối không thấy rồi.
Gớm thay cho gái họ Nhài.,
150.- Dưới trăng đón gió lả-lơi khoe màu.
Đa tình chi hỡi chàng Ngâu.,
Thương xuân vốn những dãi-dầu pha-phôi.
Sói, Hòe, tính cũng hay chơi,
Phù-hoa màu-mỡ có người nào khen.
Mộc kia tính-khí nhỏ-nhen,
Không ưa sơn vẽ, lại quen lúi-xùi..
Có vàng chịu giữ mà ngồi,
Cúc kia hoài-bích. ra nòi thất-phu.
Xưa kia Liễu vẫn buông tơ,
160.- Tuy rằng óng-ả nhưng xơ-xác mành.
Bao giờ Độc-dược. có lành;
Mào-gà, Phượng-vĩ mượn danh dối người.
Thôi đừng cậy tốt, khoe tươi,
Gió thu một trận đi đời phồn-hoa.!
Nói thời ra dáng ta đây,
Song người nghe thấy thực là trái tai.
Bách-thanh nói chửa dứt lời,
Dương hoa mặt đỏ như trời rạng đông.
Dầu sôi lửa dậy trong lòng,
Ra uy thét mắng đùng đùng như lôi.
Rằng : "Mi sao khéo khinh đời !
Suy-cầu. bay nỡ rậm lời làm chi.
Ngẫm xem loài giống nhà mi.
Chắc rằng hay chửa, vội đi nhiếc người.
Ưng kia tàn-nhẫn quen đời,
Nỡ thương đồng loại, đạo trời nghĩ chi.
Ác-cưu. nào có ra gì,
Con ăn thịt mẹ, kẻ chê người cười.
Yến kia vụng nghĩ rông-dài,
180.- Không lo sau trước coi trời bằng vung..
Tu-hú làm biếng lạ-lùng,
Mượn tổ chim thước để hòng nuôi thân..
Bói-cá tàn-nhẫn, bất nhân,
Ra uy cá-mú, xa gần đều kinh.
Xui người kiện-cáo đua-tranh,
Chính là tên Tước cậy mình trạng-sư..
Trông ra bóng bẩy phong-tư.,
Ăn quanh ai có tham như
Giẻ-cùi.
kia là giống tanh-hôi,
Quạ-khoang rộng miệng lắm lời ai ưa.
Cuốc kia kêu cũng bằng thừa,
Bởi chưng vụng liệu từ xưa mất rồi.
Chích-chòe học dốt có chuôi,
Bởi vì nhí-nhoẻn nên đuôi phất-phờ.
Công kia tính lại lẳng-lơ,
Cả ngày múa hát rõ dơ dại tuồng.
Sáo ta nóng-nảy điên-cuồng,
Quen chân nhảy-nhót là phường lăng-nhăng.
Diều-hâu vì túng, xử xằng,
200.- Mắt mày chấp-chới như thằng bợm non.
Vẹt kia lắp-bắp học khôn,
Quanh năm vẹt-vẹt, nào còn biết chi.
Đường dài nói mãi làm chi,
Chẳng qua là giống ngu-si lạ đời.
Anh nào nhan-sắc tốt-tươi,
Tham ăn, người bắt đem nuôi ở lồng.
Anh nào phì-nộn tư-phong,
Chỉ làm tôi miệng, phiền lòng mà thôi".
Người cậy đức, kẻ khoe tài,
210.- Đôi bên to tiếng như trời nổi giông.
Tiếng vang động đến tiên-cung,
Tây-vương-mẫu phái Kim-đồng bước ra.
Tức truyền thánh chỉ dạy qua:
"Thôi đừng cãi lẽ, người ta chê cười.
Kể như đức-tính hơn người,
Phượng-hoàng được nhất, sau thời Mẫu-đơn.
Nhưng mà phú-quí là hơn,
Phượng-hoàng phải kém Mẫu-đơn rành rành.
Thử xem thế-thái nhân-tình,
220.- Nhiều tiền vẫn được hiển-danh với đời.
Ưa nhân, chuộng nghĩa mấy người,
Ít tiền, dẫu đến vua tôi cũng thường,
Cha con trong đạo gia-đường,
Ít tiền cũng chả ra tuồng thân-yêu.
Anh em họ mạc dập-dìu,
Ít tiền thì cũng ra chiều buồn-tênh.
Sắt cầm phu-phụ duyên-lành,
Ít tiền thì cũng ra tình thờ-ơ.
Bạn chơi bất cứ thân sơ,
230.- Ít tiền thì chẳng bao giờ được thân.
Thói quen tiêm-nhiễm dần-dần,
Thành ra ác-tập khó phần băng-tiêu.
Ngẫm xem trong bấy nhiêu điều,
Ai ai cũng chuộng tiền nhiều là hơn.
Thôi đừng suy-tị phàn-nàn,
Phượng-hoàng phải kém Mẫu-đơn hẳn rồi".

III-
Tố-vương nghe vẳng bên tai,
Canh khuya than-thở rằng thời đức suy.
Thanh-nhàn xem tích truyện kỳ.
Đặt làm quốc-ngữ ngâm khi ngày dài.
Nôm-na xin bạn đừng cười,
Gọi là chấp-chảnh vài lời cho vui.

=HET=
Chú thích:
Đào-viên: Thần tiên truyện : Vườn đào ở trên trời, cây đào ba ngàn năm mới nở hoa, ba ngàn năm mới kết quả, và ba ngàn năm quả mới chín

Vương-mẫu: tức là Tây Vương-mẫu, một vị cai quản tất cả các nữ tiên.

thọ-diên: Tiệc thọ.

Quân-thiên-nhạc: Tên một khúc nhạc ở Điện đức Ngọc-hoàng Thượng-đế.

la-ỷ: là lượt. Tiệc la-ỷ là bữa tiệc có những bậc tôn quí đến dự. Cổ thi:
Đãn nguyên quân-vương tâm,
Hoá tác quang-minh chúc,
Bất chiếu ỷ-la-diên,
Thiên chiếu đào vong ốc.

Dịch : 
Xìn lòng đấng quân-vương,
Hóa làm cây đuốc sáng,
Đừng soi vào bữa tiệc ỷ-la vội,
Hãy soi vào những nhà cùng-khổ xiêu-bạt.

đền Giao: Đền ở Giao-trì, Chỗ Tây Vương-mẫu ở.

Náo-dương: Tên một thứ cây như loài thông.

Cầm-vương: Vua các loài chim.

Tiền hô, hậu ủng: Đằng trước có quân đi dẹp đường, đằng sau có quan đi hộ vệ.

tinh-kỳ: Các thứ cờ.

Tiếng đà: Tiếng trống, Kinh Thi có câu : đà cổ bồng bồng : trống bọc bằng da con đà kêu thùng-thùng. Đà một loài như con kỳ-đà.

sơn-khê: Núi và suối nước, cũng như núi sông.

cung-khuyết: Cung và cửa cung.

Bách-thanh: Con chim hót nhiều thứ tiếng.

chúc-hà: chúc thọ. Nguyên là "chúc ho, đọc ép vần là chúc hà

hoa-binh: Quân lính của Hoa-vương.

ngoan-cầm: Loài chim ương ngạnh.

thiện-kiếm, thần-phong: Lấy lưỡi làm gươm, lấy môi mép làm giáo, tức là ăn nói biện-bác, không ai địch nổi.

Tô, Trương: Tô-Tần, Trương-Nghi, hai nhà thuyết-khách có tiếng ở đời Chiến quốc

anh-quân: Bậc vua có trí sáng-suốt.

Lại gồm trí, tín: Theo sách của Quách-phác-tử, chim phượng đầu xanh, tượng mộc là đức nhân, cổ trắng, tượng-kim là đức nghĩa mỏ đỏ, tượng-hỏa là đức lễ, lông bụng đen, tượng-thuỷ là đức-trí, chân vàng, tượng-thổ là đức tín.

vân-trình: Đường đi trên mây.

phú-quí phù-vân: Sự giàu-sang bất-nghĩa thì không bền. Luận-ngữ có câu : Bất-nghĩa nhi phù thả quí, ư ngã như phù-vân : Bất nghĩa mà giàu-sang, đối với ta ví như đám mây nổi ở trên trời.

Lạc-dương: Tên một kinh-đô ở đời Chu, nay thuộc về tỉnh Hà-nam bên Tầu. Sự-vật kỷ nguyên : Vũ-hậu đời nhà Đường ra chơi vườn các thứ hoa đều nở, chỉ có hoa mẫu đơn không nở. Vũ-hậu giận, đem bày mẫu-đơn ra Lạc-dương. Về sao hoa mẫu-đơn ở Lạc-dương thành một thứ hoa đẹp và quí nhất nước Tầu.

Lầu Tần, vườn Hán: Đời Tần đời Hán ưa trồng mẫu-đơn ở vườn nhà vua,

Kim-cốc: Tên một cái vườn của Thạch-sùng, một người cự-phú đời Tấn.

cẩm-la: gấm vóc

Khổng-tước: Con công.

Lục-y sứ-giả: Sứ-giả áo xanh, tức là con vẹt.

Thăng-ca: Con sơn-ca.

Hải-âu: Loài chim ăn ở mặt bể.

Hoàng-điểu: Chim vàng. Kinh thi : Miên-man hoàng-điểu chi vu khâu ngưng : Chim hoàng-điểu kêu ríu-rít, đậu ở chỗ gò cao.

Anh Hồng, anh Hộc: Hồng, Hộc : hai loài chim mòng bay xa và cao.

Đại-bàng: Loài chim rất lớn ở các ngọn núi cao. Trang-Tử : Bể bắc có con cá côn hóa làm chim bằng, vỗ cánh che rợp đến chín vạn dặm...

Phượng-sồ: Con phượng non. Tam-quốc-chí : Ngọa-long là Gia-cát Lượng, Phượng-sồ là Bàng-Thống.

Hưng-dương, Trần-bảo: Hưng-vương, Trần-Bảo : là tên hai con chim trĩ thần điềm hưng vượng của các bậc vương-bá. Liệt-dị truyện : Đời Mục-công nhà tần, có người ở đất Trần-thường bắt được một con thú lạ, địng đem dâng Mục-công. Đi đường gặp hai đứa trẻ con bảo người ấy rằng :"Con thú này tên là Vị nó ăn óc người chết ở dưới đất, nên giết nó đi". Con thú kia cũng bảo người ấy rằng :"Hai đứa bé này là Trần-Bảo, tức là giống trĩ thần, ai bắt được con trống thì làm vương, ai bắt được con mái thì làm bá."

Bát-âm: Tám thứ tiếng về âm nhạc : bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim, ti, trúc. Tiếng chim họa-mi hót cỏ đủ cả bát-âm.

Uyên-ương: Loài vịt trời, bao giờ cũng đi có đôi.

Hồng-nhạn: Loài chim bay có hàng và có đàn như loài ngỗng, loài vịt.

phụng thân: Thờ-phụng bố mẹ. Liệt-điểu truyện : Từ-ô phản bộ kỳ mẫu : Con quạ có hiếu biết mớm lại cho mẹ nó.

xuất-loại, siêu-quần: Hơn loài, vượt bọn, nghĩa là ở trên các loài, giống.

ếch ngồi giếng sâu: Sự thấy biết nhỏ hẹp, ví như con ếch ngồi trong giếng mà trông trời thì tưởng trời chỉ bằng miệng cái giếng.

Thanh-liên: Cây sen. Bài :Ái-liên thuyết" của Chu Liêm-Khê : Cây sen cuống thẳng, trong rỗng, không bò lan, không cành nhánh, mọc ở trong bùn, mà không giây bùn, thật là bậc quân-tử trong loài hoa.

hướng dương: Xoay theo bóng mặt trời. Quì : thứ hoa khi nở thì xoay theo hướng mặt trời, dùng để ví lòng trung bao giờ cũng theo vua, theo nước.

Tảo-mai: Hoa mai nở sớm. Cổ-thi : Tiên chiếm bách hoa đầu thượng khai : Chiến lên đầu trăm hoa mà nở trước.

Được vua yêu, có hương Lan: Sách Gia-ngữ chép Khổng-tử viết ; Lan vi giạ hương : Hoa lan là múi hương của đấng vương giả.

Ngọc-trâm: Tên một thứ hoa.

phương-lâm: Rừng thơm

Phượng-tiên: Trà-mi và phượng-tiên là tên hai thứ hoa,

Tây-thi-cúc: Tên một tứ hoa cúc.

Nhà Diêu, cửa Ngụy: Diệu và Ngụy là hai quí-tộc ở thời cổ bên Tàu, về sau người ta gọi thứ mẫu đơn vàng là Diê-quốc phu-nhân, mẫu đơn đỏ là Ngụy-quốc phu-nhân. Âu-dương Tu có câu : Ngụy-hồng yểu-điệu, Diêu-hoàng phì : Thứ Mẫu-đơn đỏ thì yểu-điệu, thứ vàng thì phì-nộn

Phan-huyện: Tên một xứ ở bên Tầu trồng nhiều đào.

Tùy-đê: Đường đê ở đời Tuỳ trồng nhiều liễu.

Tử-vi: Tên một thứ hoa.

Tiểu-kiều: Tên một thứ hoa.

ngũ phúc: Kinh Thư, thiên Hoàng-cực, chu thứ chín là ngũ phúc : thọ, phú, khang ninh, đủ hiếu đức, khảo chung mệnh (sống lâu, giàu có, mạnh-khỏe, làm được điều lành, trọn đời không có tai-nạn gì).

vụ danh: Ưa-chuộng hư-danh.

Ỷ-phong, hàm-tiếu: đứng hóng gió, cười tủm-tỉm. Nói người có tính tri-lơ.

Giạ-hợp: tên một thứ hoa nở về đêm.

hành-lộ: Đi lúc đêm có sương. Tên một bài hát trong kinh Thi chê người con gái bất chính.

Cấp-tính: Tên một loài cây lá dùng làm vị thuốc.

Mộc-cận: Loài dâm bụt.

Bách-nhật-hồng:Tên một thứ hoa bông tròn như quả táo.

Ngọ thời: Tên một thứ hoa, chỉ nở một lúc trưa rồi tàn ngay.

Nhài: Hoa nhài.

Ngâu: Hoa ngâu.

>lúi-xùi: Thấp hẹp nhỏ bé.

hoài-bích: Mang ngọc bích, ý nói chỉ biết giữ của. Tả truyện : Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội : Đứa thất phu vốn không cótội, chỉ vì mang ngọc bích mà thiệt đến thân.

Độc-dược: Tên một loài cây dùng làm thuốc, nhưng có chất độc.

phồn-hoa: Rờm-rà, hoa-mĩ.

Suy-cầu: Bởi chữ xuy mao cầu tì : Thổi lông, tìm vết.

Ác-cưu: Loài chim cú.

Không lo sau trước coi trời bằng vung: Cổ văn có câu : Yến-tước xử đường bất trị họa chi tương chí : Chim yến, chim tước làm tổ ở mái nhà, không biết lo đến sự tai-vạ, nghĩa là nếu nhà đổ hay nhà dỡ đi thì tổ sẽ tan nát,

Mượn tổ chim thước để hòng nuôi thân: Duy thước hữu sào, duy cưu cư chí . Chim tước có tổ, chim tu-hú đến ở nhờ,

Chính là tên Tước: Kinh Thi, thơ Hành-lộ có câu : Thuỳ vị tước vô giốc, hà dĩ xuyên ngã ốc : Ai bảo chim sẻ không có mỏ rắn, sao nó khoét được mái nhà ta. Ý nói ví cái xấu ở chốn dân quê chỉ thích sự kiện-cáo.

phong-tư: Giáng-điệu.

tư-phong: cũng nghĩa như phong-tư.

ác-tập: Sự tập-nhiễm xấu,

băng-tiêu:Tan đi như nước váng,

Tố-vương: Một danh-hiệu dùng để tôn-xưng đức Khổng-tử. Ngài có đức đáng làm đấng vương-giả mà không có ngôi vương-giả, cho nên gọi là Tố-vương.


thời đức suy: Đạo-đức ở đời suy-kém mất rồi. Luận-ngữ : Tiếp-Dư thấy đức Khổng-tử, than rằng : "Phượng hề, phượng hề, hà đức chi suy : Chim phượng ôi ! chim phượng ôi ! sao đời suy thế ". Đây vì phượng phải đi sau mẫu-đơn, cho nên mới dùng hai chữ "đức suy". 

No comments:

Post a Comment