Friday, November 20, 2015

Nhị Độ Mai

................................................. Phần đầu ........................................................
Tôi dùng quyển "Nhị Độ Mai" của nhà xuất-bản Tân-Việt (sáng lập năm 1937), tại 20 Nguyễn An Ninh Sai-gon (quyển này in theo giấy phép số 514/T.X.B. của bộ Thông-Tin Nam-Việt. Có lẽ vì vậy mà điạ chỉ khác với quyển "Lục-Vân-Tiên", in năm 1973)
Toát-Yếu

Truyện này do một tác-giả vô-danh Việt-nam dựa theo cốt truyện "Trung-hiếu tiết-nghĩa Nhị Độ Mai", một cuốn luân-lý tiểu-thuyết của người Tầu, diễn theo thể văn lục-bát của ta, cũng lấy nhan đề là "Nhị Độ Mai", vì trong truyện có đoạn hoa mai nở hai lần, được truyền làm giai thoại.
Truyện gồm có 2816 câu - không kể thơ - có thể tóm-tắt chia ra làm 7 hồi :
Mai-Công Thăng Quan

Đời Đường Đức-tông ( 780-805 ) có Mai Bá Cao, tri-huyện Lịch-thành, vốn người thanh-liêm trung-trực. Bấy giờ trong triều có hai gian-thần là Lư Kỷ, Hoàng Tung, ông vốn căm-ghét, chỉ mong có dịp sẽ ra tay trừ khử. Thì bỗng có chiếu-chỉ được thăng chức Lại-khoa cấp-sự, ông bèn nhất định cùng bọn Lư, Hoàng một còn một mất; cho vợ con về quê-quán, chỉ đem một gia-đinh là Mai-Bạch đi theo .Khi sắp lai kinh, ông dặn dò phu-nhân, công-tử, các nha-lại và yên-ủi dân hạt Lịch-thành rất là cảm-động.
Mai-Công Ngộ Hai

Về đến Kinh, sau khi bệ kiến, ông qua Tướng-phủ định vào chào, nhưng quan hầu đòi lễ trình, ông giận mắng, trở về, không vào nữa. Cách mấy bữa Lư-Kỷ mở tiệc thọ sáu mươi, bất đắc dĩ ông phải đến mừng, nhưng lễ mừng chỉ có vài cân miến, mấy cây sáp; lúc tiếp chuyện, ông có ý chỉ-trích mạt sát, Lư Kỷ căm-tức, lập tâm hãm hại. Nhân có giặc Thát phạm cõi, Lư Kỷ mật tâu vu cho Mai-công giao-thông với giặc. Vua Đường truyền đem chém, Lư Kỷ xin đợi cho rõ tang chứng. Rồi một buổi triều, Lư tâu xin cử Phùng Lạc Thiên và Trần Đông Sơ là hai bạn của Mai Công đi đánh giặc Thát. Ông khải tâu hai văn-thần không quen việc binh, vả giặc Thát không cần phải đánh, chỉ đem thóc kho phát cho dân đói và chém đầu hai gã Lư, Hoàng, để trừ kẻ gian thần làm lầm việc nước, khắc là giặc Thát qui hàng. Vì đã tin lời Lư Kỷ tâu lót trước vua Đường nổi giận, cho là Mai-công vì giặc hoãn binh, bèn truyền đem hành hình và cách chức họ Trần, họ Phùng; lại ra mật lệnh truy nã cả nhà họ Mai, đều là do thủ-đoạn thâm độc của Lư Kỷ.
Mai Phu Nhân cùng Công-Tử lánh nạn

Sau khi Mai-công đã bị hành hình, gia đinh là Mai Bạch trốn về báo tin, chẳng may giữa đường mắc bệnh chết. Nhờ có Đồ Thân phi báo, Mai phu-nhân cùng công tử trốn thoát. Phu-nhân có em ruột làm quan ở Sơn-đông, liền đến nương náu. Còn công-tử Mai Lương Ngọc thì cùng đầy-tớ là Vương Hỉ Đồng định đến lánh nạn ở nhà bố vợ chưa cưới là Hầu Loan, đương làm tri-huyện Nghi-trưng. Muốn thử bụng họ Hầu, Hỉ Đồng mặc giả làm Mai-sinh, vào kể tình đầu. Hầu Loan trở mặt sai bắt, đợi giải nộp để lấy công. Đã bọc sẵn gói thuốc độc, Hỉ Đồng tự tử thay Mai-sinh; chàng lẻn đắp mả Hỉ Đồng rồi lánh đi, vơ-vẩn đến một cảnh chùa, nghĩ thấy cực thân, liền tự-ải trên cành cây; may có nhà sư cứu sống, nuôi cho ở chùa, giúp việc trồng cảnh vun hoa.
Hoa mai nở hai lần

Trong khi ở chùa Mai-sinh nhận tên là Hỉ Đồng. Một hôm Trần Đông Sơ, chính là em nhà sư, sang chơi chùa, thấy vườn cảnh của nhà chùa tươi đẹp, bèn xin nhà sư đem Mai-sinh về làm vườn. Hôm giỗ đầu Mai-công, Trần-công nhớ thương bạn cũ, sửa lễ cúng ở ngoài vườn, khấn thầm: nếu họ Mai còn có dòng-dõi nên người thì hoa mai nở bội thường. Không ngờ đêm ấy mưa to gió lớn, hoa mai rụng hết. Trần-công chán-nản cuộc đời, định theo anh xuất gia đầu phật. Con gái là Hạnh Nguyên can không được, nàng xin cầu-khấn cho hoa mai nở hai lần. Ba hôm sau, hoa mai lại nở, so với lần trước có phần mỹ-mãn hơn. Trần-công mừng, truyền làm tiệc thưởng mai vịnh thơ. Bỗng thấy trên vách hoa-đình đã có thơ đề, hỏi ra thì là của Hỉ Đồng, mọi người cứ theo đó họa vần; từ đấy Hỉ Đồng được biệt đãi. Sau vì có sự tò mò của một đứa ở gái, mới rõ Hỉ Đồng chính là Mai công-tử. Ông bà Trần Đông Sơ bàn nhau gả Hạnh Nguyên cho Mai Lương Ngọc, nhưng còn giữ kín, " bảng vàng rõ mặt, đuốc hoa định ngày ".
Nhà họ Trần tan nát

Trần công tuy đã bị cách quan, Lư Kỷ vẫn còn căm ghét, vì là phe trung-trực. Bấy giờ có nước Sa-đà động binh, Lư tâu bắt con gái Trần-công là Hạnh Nguyên đi cống. Đi đến Lạc-nhạn-đài, Hạnh Nguyên gieo mình tự tận, trôi giạt vào nhà Châu Bá Phù, được nhận làm con gái nuôi, cùng ở với Châu tiểu-thư làVân Anh. Về phần Trần-công, sau khi Hạnh Nguyên đi cống Hồ, thì ông bị bắt giam, lại bị truy-nã cả gia-quyến. Mai-sinh cùng Xuân-sinh, con trai Trần-công, đi tiễn Hạnh Nguyên, được tin chạy trốn, giữa đường gặp cướp, hai người lạc nhau.

Cuộc gặp gỡ của Mai-Sinh, Xuân-Sinh

Mai-sinh bị cướp bóc lột, ngồi ở bờ sông, bỗng có quan thuyền trẩy qua bị bắt xuống xét hỏi. Thì ra là Phục Lạc Thiên về Kinh phục chức. Mai-sinh không dám nói thực, liền khai tên là Mục Vinh. Sau được Phùng-công đề cử theo giúp việc quan Tuần-án Hà-nam là Châu Bá Phù. Châu thấy Mục Vinh có tài văn-chương, mới cho chàng về quê học-tập để đi thi, viết thư kín cho phu-nhân, định sẽ gả Vân-Anh cho chàng. Nhân thế Mai-sinh được gặp Hạnh Nguyên ở nhà họ Châu, mới xảy ra những chuyện mất thoa và ốm tương-tư rắc-rối buồn cười. Còn Xuân-sinh, sau khi bị cướp, lạc bạn lẻ-loi, đã liều đâm đầu xuống sông tự tận. Nhờ được Ngư-bà cứu đem về nuôi và hứa gả con gái là Ngọc Thư. Sau bỗng vì sự kiện-cáo, tình-cờ gặp Khâu Đề-đốc - mới mạo tên là Khâu Khôi - lại đính hôn với Khâu tiểu-thư Vân Tiên.
Lư, Hoàng phải tội; Mai, Trần hiển vinh

Hai người đi thi, Mục Vinh tức Mai sinh đỗ Trạng-nguyên, Khâu Khôi tức Xuân-sinh đỗ Bảng-nhãn. Lư Kỷ ép gả con gái cho Khâu Khôi, chàng từ chối đã có vợ không chịu lấy; Lư Kỷ giận bắt bỏ ngục, định sẽ vu tấu để tội. Tin ấy làm cho các cống-sỹ khích-phẫn, họp nhau cứu Bảng-nhãn. Nhân buổi sáng sớm, Lư Kỷ, Hoàng Tung vào chầu, chúng đón ngang đường đánh xé. Khi được triệu vào đối chất, bọn cống sỹ tâu rõ sự lộng quyền ức-hiếp của Lư, Hoàng. Vua Đường giao tòa Tam-pháp xét xử. Kết cuộc hai gian-thần bị xử chém, Trần Đông Sơ được tha ra khỏi ngục và được thăng trật. Mục Vinh, Khâu Khôi được phục họ tên và ban chức.
Mai-sinh được đi tuần thú thay vua, nhân tiện rước linh-cữu, đón mẫu-thân, viếng mả Hỉ Đồng, cất Đồ Thân lên chức Huyện-quan, trị tội Hầu Loan, cách chức Sử-công là phe đảng gian-thần. Báo ân báo oán xong, mới làm lễ thành hôn với Hạnh Nguyên và Vân Anh. Xuân-sinh cũng làm lễ thành-hôn cùng Vân Tiên và Ngọc Thư, hai nhà sum-họp trúc mai, càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông!
Trong 7 hồi trên này, có thể chia làm 64 đoạn:
1/- Mở đầu.
2/- Mai bá Cao cùng con: Lương Ngọc.
3/- Thăng quan lai Kinh, Mai-công dặn vợ con.
4/- Mai-công dặn nha-lại.
5/- Tình-cảnh nhà họ Mai trước khi tương-biệt.
Thơ văn đoạn trên
6/- Dân Lịch-thành ái-mộ Mai-công.
7/- Kẻ ở người đi.
8/- Phong-cảnh dọc đường, từ Lịch-thành đến Kinh-sư.
9/- Quang cảnh nơi kinh-đô.
10/- Mai-công vào chầu và qua tướng-phủ.
Thơ văn đoạn trên
11/- Mai-công đến thăm Phùng Đô-sát.
12/- Mai-công đến mừng tiệc thọ Lư Kỷ.
13/- Lư Kỷ hãm-hại Mai-công.
14/- Gia-quyến nhà họ Mai lánh nạn.
15/- Nông-nỗi Mai-sinh trong khi lánh nạn.
Thơ văn đoạn trên
16/- Mai-sinh tự ải, được nhà sư cứu sống.
17/- Cuộc gặp-gỡ giữa Mai-sinh với họ Trần.
18/- Cảm tưởng của Mai-sinh trong khi ở Trần-phủ.
19/- Mối tình của Mai-sinh khi trông thấy Hạnh-nguyên.
20/- Thăm vườn mai, Trần-công nhớ bạn.
Thơ văn đoạn trên
21/- Mai hai độ nở.
22/- Bị lộ chân-tướng, Mai-sinh thú thực.
23/- Trần-công bàn gả Hạnh Nguyên cho Mai-sinh.
24/- Trước khi đi cống Hồ, Hạnh Nguyên từ-giã gia-quyến.
25/- Mai-sinh và Xuân-sinh đi tiễn Hạnh Nguyên.
Thơ văn đoạn trên
26/- Hạnh Nguyên cùng Mai-sinh tự tình trên trùng đài.
27/- Hạnh Nguyên cải trang.
28/- Lúc chia rẽ mỗi người mỗi ngả.
29/- Hạnh Nguyên yết đền Tô Vũ.
30/- Hạnh Nguyên yết miếu Chiêu Quân.
Thơ văn đoạn trên
31/- Đến Lạc-nhạn-đài, Hạnh Nguyên gieo mình.
32/- Hạnh Nguyên được đưa về nhà Châu Bá Phù.
33/- Hạnh Nguyên trần tình với Châu phu-nhân.
34/- Cùng đi lánh nạn, Mai-sinh và Xuân-sinh lạc nhau.
35/- Mai-sinh gặp Phùng-Lạc-Thiên.
Thơ văn đoạn trên
36/- Mang tên Mục-Vinh, Mai-sinh về giúp Châu Bá Phù.
37/- Tình cảnh Xuân-sinh sau khi lạc bạn.
38/- Xuân-sinh được ngư-bà cứu sống.
39/- Ngư-bà hứa gả con gái nuôi cho Xuân-sinh.
40/- Cướp gái đẹp, Giang-Khôi bị phạt.
Thơ văn đoạn trên
41/- Xuân-sinh gặp-gỡ Khâu Đề-đốc,
42/- Tình cảnh Mục-Vinh khi về ở Châu-phủ.
43/- Mai-sinh tưởng nhớ Hạnh-Nguyên.
44/- Hạnh-Nguyên tưởng nhớ Mai-sinh.
45/- Trong khi ốm nặng, hai người cùng dặn Châu phu-nhân.
Thơ văn đoạn trên
46/- Sau khi rõ tình, hai người cùng khỏi bệnh.
47/- Mai-sinh và Hạnh-Nguyên nhận nhau ở Châu-phủ.
48/- Châu-công về thăm nhà, bàn gả Vân-Anh cho Mai-sinh.
49/- Mai-sinh đi thi đội tên Mục-Vinh.
50/- Xuân-sinh đi thi đội tên Khâu-Khôi.
Thơ văn đoạn trên
51/- Mục-Vinh đõ Trạng-nguyên, Khâu-Khôi đỗ Bảng-nhãn.
52/- Bảng-nhãn Khâu-Khôi bị Lư Kỷ ép gả con gái.
53/- Khâu-Khôi từ hôn bị bắt giam.
54/-Các cống-sỹ mưu cứu Khâu-Khôi.
55/- Lư Kỷ, Hoàng Tung bị đón đánh.
Thơ văn đoạn trên
56/- Lư, Hoàng bị giao Tam-pháp xét.
57/- Lư, Hoàng bị chính-pháp bêu đầu.
58/- Trần Đông Sơ được tha ra khỏi Thiên-lao.
59/- Mai Trạng-nguyên được ân ban.
60/- Mai Trạng-nguyên báo ân báo oán.
Thơ văn đoạn trên
61/- Sau khi đi tuần thú, Trạng-nguyên trở về Kinh.
62/- Hai đám cưới long-trọng.
63/- Hạnh-phúc gia-đình của họ Mai, họ Trần.
64/- Tổng-kết.
Thơ văn đoạn trên

Nhị Độ Mai
1.- Mở đầu (câu 1 - câu 16)
Hóa-nhi thăm-thẳm nghìn trùng,
Nhắc cân phúc tội, rút vòng vần xây.
Ngàn xưa mấy kẻ gian ngay,
Xem cơ báo-ứng biết tay trời già.
Tuần-hoàn lẽ ấy chẳng xa,
Chớ đem nông-nỗi mà ngờ cao xanh.
Trời nào phụ kẻ trung-trinh,
Dù vương nạn ấy, ắt dành phúc kia.
Danh thơm muôn kiếp còn ghi,
10.- Để gương trong sách, tạc bia dưới đời.
Gian-tà đắc chí mấy hơi,
Mắt thần khôn giấu lưới trời khôn dung.
Uy-quyền một chút như không,
Xem bằng lửa đá ví cùng đám mây.
Thanh-nhàn khi tựa hiên tây,
Vui lòng đèn sách, nghỉ tay văn bài.
2.- Mai Bá Cao cùng con: Lương-Ngọc (câu 17 - câu 56)
Truyện ngoài xem "Nhị Độ Mai ",
Nhà Đường truyền vị đến đời Đức-tông.
Thường-châu có kẻ thanh-trung,
20.- Bá Cao là chữ, vốn dòng họ Mai.
Nền trung-trực dạ trang-đài.
Trời cho văn-tử đáng tài trạng-nguyên.
Đặt tên Lương-Ngọc dõi truyền,
Thông-minh rất mực, phượng tiên trong đời.
Nhân-duyên số sẵn tự trời,
Hôn-nhân đã định vào nơi họ Hầu.
Chỉ vì ngoại lỵ bấy lâu,
Chưa trao lễ nhạn mới đầu thiếp canh.
Mai công tri-huyện Lịch-thành,
30.- Gương trung sáng vặc, túi thanh nhẹ bồng.
Cầm-đường ngày tháng thung-dung,
Tên ngay là tiết, nước trong ấy lòng.
Bấy lâu Lư Kỷ tướng-công,
Tuy quyền-tước lớn, mà phong độ hèn.
Túi tham của đút chật lèn,
Dung bên gian-đảng, ghét bên hiền tài.
Mai-công mấy độ quan ngoài,
Bạn-bè nhờ có mấy người đồng niên.
Trong triều hết sức giữ-gìn,
40.- Kẻ ngôi Thiêm-sự, người quyền Thượng-thư.
Kìa Đảng Tiến, nọ Đông Sơ,
Kẻ toà Đô-sát, người toà Hàn-lâm.
Chu toàn đã ngoại mười năm,
Bè trung chống vững, lòng căm chớ hòng.
Một ngày huyện vụ vừa xong,
Vào trong ông mới ngỏ cùng phu-nhân.
Rằng : "Ta vốn kẻ trung-thần,
"Trên vì nước, dưới vì dân mới là!
"Ví dù theo thói người ta,
50.- "Uốn lưng co gối cũng nhơ một đời.
"Lọ là cầu-cạnh chi ai,
"Chẳng trong lăng miếu, cũng ngoài điền-viên.
"Con ta trạc tuổi thanh niên,
"Có gương khoa giáp, có nền đỉnh-chung.
"Sao cho giữ được chữ trung,
"Mới là hiếu-tử nối dòng thư-hương."
3.- Thăng quan lai kinh; Mai Công dặn vợ con (câu 57 - câu 108)
Những là vui chuyện nội đường,
Sảnh ngoài bỗng có hai chàng báo tin:
Mai-công phụng chỉ thăng thuyên.
60.- Chiếu trời mây vỗ, ân trên mưa nhuần.
Triều ban dự bậc quan thân,
Lại khoa cấp-sự giữ phần gián quan.
Tin đâu khêu tấm trung-can.
Một hai quyết phải trừ gian phen này.
Truyền làm tiệc rượu vui-vầy,
Dặn-dò gia sự đinh ngày khởi thân.
Tàng tàng chén cúc vài tuần,
Đòi công-tử với phu-nhân dạy lời:
Rằng: " Bấy lâu những ở ngoài,
70.- "Dạ này tấm-tức với người quyền gian.
"Rày vâng Đài-gián thăng quan,
"Phen này ta quyết cả gan phen này.
"Bấy giờ một giở, một hay,
"Họp nhau nào biết có ngày nữa thôi?
"Cũng đừng bịn rịn lôi-thôi,
"Mẹ con sớm liệu về nơi quê nhà.
"Điền-viên vui thú nông gia,
"Tiện con đèn sách ấy là lẽ nên!
"Ví dù giải kết có tin,
80.- "Bảo nhau sớm liệu tìm miền ẩn thân.
"Chờ cho thiên-địa xoay vần,
"Sẽ toan-tính với thù-nhân sau này.
"May mà vua chứng lòng ngay,
"Đàn hồ, lũ thỏ, một ngày quét thanh.
"Bấy giờ phu quý, phụ vinh,
"Đưa tin sẽ đón thăng kinh cũng vừa."
Tân bằng mừng rỡ chật nhà,
Tiếp thù ông bận những là hàn-ôn.
Phu-nhân nửa lệ nửa buồn,
90.- Đòi công-tử đến, mẹ con bàng-hoàn.
Rằng: "Nghe bố con bàn,
"Phen này quyết với quyền gian đối đầu.
"Sẻ đàn, phượng một, chắc đâu,
"Cái lo này để về sau tày trời."
Nghe rồi công-tử thưa lời:
"Thế rằng cái đạo làm tôi mới là.
"Nhà huyên xin chớ lo xa,
"Hễ trời có mắt thì ta lệ gì ?
"Hãy cho vẹn tấm trung-nghì,
100.- "Vinh, khô, đắc, táng, sá chi cuộc đời."
Ông vừa xong việc khách ngoài,
Bưóc vào trong, bông nghe lời con thưa.
Vuốt râu cười nói lui ra,
Khen rằng: " Ấy thực đại-gia con nòi!
"Trẻ thơ biết đạo làm tôi,
"Gương trung-hiếu, lấy một lời mà suy.
"Mới hay hổ phụ, lân nhi,
"Khéo thay tính trẻ cũng y tính già.
4.- Mai-Công dặn nha lại (câu 109 - câu 126)
Nói rồi truyền gọi lại nha,
110.- Đương đường nhủ hết nỗi xa nỗi gần:
"Làm người biết đạo tu thân,
"Việc quan phải giữ lấy nhân làm đầu.
"Tiếng thanh bạch để về sau,
"Dẫu rằng uống nước, ăn rau chớ nài.
"Việc văn án phải quan-hoài,
"Một câu nặng nhẹ, mấy người oan-khiên.
"Khuyên đừng đổi trắng thay đen,
"Ngược dân dưới, dối quan trên, khó lòng.
"Giữ-gìn đôi chữ hiếu-trung.
120.- "Sao cho không hổ với trong cao dày.
"Ta đây vả tiếng quan thầy,
"Giã nhau một chút niềm tây gọi là.
"Rồi đây một bước một xa,
"Nghe ta hay chẳng nghe ta, mặc dầu!"
Dạy rồi ai nấy gật đầu,
Rằng: "Vâng khuyên nhủ từ sau ghi lòng."
5.- Tình cảnh nhà họ Mai trước khi tương biệt (câu 127 - câu 194)
Trù-phòng dọn dẹp vừa xong,
Một công-tử với hai ông bà ngồi.
Dặt-dìu sẽ rót chén mồi,
130.- Nghìn câu trân-trọng trăm lời biệt ly.
Người trằn-trọc nỗi về quê,
Kẻ năn nỉ nỗi đường đi giữ-gìn.
Người khuyên cẩn-thận sớ tiên,
Kẻ răn nhắc nhỏm sách-đèn sớm khuya.
Lôi thôi giở nỗi lâm-kỳ,
Ngoài đầy vơi chén, trong mê mẩn tình.
Phu-nhân hỏi: "Buôi đăng Kinh,
"Phỏng cho mấy đứa tùy hành theo ông ?"
Mai-công rằng: " Lọ chi đông,
140.- "Một chàng Mai Bạch vốn trong họ nhà.
"Gọi là làm bạn đường xa,
"Gọi là ngày gió ngày mưa theo hầu."
Hóa-nhi: hóa;tạo-hóa, nhi: trẻ-con. Tạo-hóa oái-oăm nên gọi-trẻ tạo- cũng như tạo-hóa khôn-khéo nên gọi hóa công- thợ tạo.

Tuần-hoàn: quanh-quẩn lẽ tự-nhiên của tạo-hóa.

cao xanh: trỏ vào trời, do chữ hạo thiên và thượng thiên.

Mắt thần khôn giấu: cũng như nói thiên nhỡn phi giao- mắt trời chẳng xa.

lưới trời khôn dung.:bởi câu: "thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu" . Lưới trời lồng-lộng thưa đấy nhưng chẳng để lọt.

Đức-tông: vua thứ 9 đời nhà Đường, khoảng năm 780-805.

Thường-châu: nay là huyện Vũ-tiến thuộc tỉnh Giang-tô bên Tàu.

họ Mai: Mai Bá Cao : vai chính trong truyện này.

văn-tử: bởi chữ văn-tử văn-tôn, nói về con cháu vua Văn-Vương, con cháu giỏi. Có bản chép "văn-tướng".

Lương-Ngọc: tên tự của Mai Bích, con trai Mai Bá cao.Trong khi lánh nạn, khi đội tên Vương Hỉ Đồng, khi mạo tên Mục vinh . Trong truyện chỗ chép Mai công-tử, chỗ chép Mai-sinh, đều là Mai Lương Ngọc.
họ Hầu: một họ ở bên Tàu

ngoại lỵ: làm quan ở ngoài

lễ nhạn: do chữ nhạn tệ lễ cưới (sinh lễ)

thiếp canh: do chữ canh thiếp, cái thiếp biên tên tuổi người con gái, của nhà gái trao cho nhà trai để đính hôn.

Lịch-thành: một huyện thuộc phủ Tế-nam tỉnh Sơn-đông bên Tàu.

Cầm-đường: nhà gảy đàn Bật Tử Tiện làm quan Huyện-lệnh huyện Đan-phủ, chỉ ngồi gảy đàn mà công việc vẫn đâu ra đấy, nhân thế người ta gọi dinh quan Huyện là Cầm-đường

đồng niên: bạn cùng đỗ một khoa.

Thiêm-sự, Thượng-thư: đều là chức quan văn

Đảng Tiến, Đông Sơ: hai bạn của Mai-công

Đô-sát, Hàn-lâm: đô-sát coi việc xét xử ngục tụng. Hàn-lâm coi việc văn-từ.
huyện vụ: công việc quan trong huyện.

lăng miếu, điền-viên: Lăng-miếu: nơi triều-đình, trỏ lúc làm quan tại triều . Điền viên : nơi ruộng vườn, trỏ lúc lui về thôn quê.

thanh niên:t uổi xanh lúc trai trẻ.

khoa giáp, đỉnh-chung:Khoa : khoa mục; giáp : giáp đệ trỏ về sự thi đỗ. Đỉnh : cái vạc ; chung : cái chuông, nấu ăn bằng vạc và gọi kẻ hầu tiệc bằng chuông, trỏ về nhà quan quí, do câu : chung minh đỉnh thực chi gia.

thư-hương: mùi thơm của sách vở, trỏ về con nhà nho.

nội đường: nhà trong , tư thất.

phụng chỉ thăng thuyên: vâng chiếu-chỉ cho thăng chức và chuyển bổ đi nơi khác.

Triều ban: hàng bậc trong triều.

Lại khoa cấp-sự:l à một chức gián quan, coi việc can-ngăn vua, nếu làm sự gì không phải.

trung-can: gan người trung-trực.
gia sự: việc riêng trong gia-đình.

khởi thân: cất mình ra đi.

Đài-gián: tức là chức quan.

giải kết: chữ nhà Phật "giải-kếi, giải-kết, giải oan kết", ý nói oan-gia nên giải không nên kết. Chữ giải kết trong này ám-chỉ về sự chẳng may.

thù-nhân: kẻ thù.

Tân bằng: khách và bạn

hàn-ôn: rét, ấm, nói bóng về sự chuyện-trò của câu sốt câu nguội

Nhà huyên: huyên :một thứ cỏ, tục quen dùng để ví với người mẹ, cũng như xuân hay thung, một thứ cây quen dùng ví với người cha.

Vinh, khô, đắc, táng: vinh: tươi; khô:héo; đắc:được; táng:mất, ý nói tươi hay khô héo, được hay mất, chỉ là sự ngẫu-nhiên chứ không quan hệ đến cuộc đời.

hổ phụ, lân nhi: cha như con hổ, con như con lân, ý nói nòi nào giống ấy cũng như câu tục-ngữ "cha nào con ấy".
thanh bạch: trong-sạch.

uống nước, ăn rau:do chữ: phạn xơ tự ẩm thủy, ăn cơm rau, uống nước lã, ý nói cam phận nghèo.

cao dày:t rỏ trời đất, bởi chữ: thiên cao địa hậu : trời cao đất dày.

Trù-phòng: nhà bếp.

sớ tiên: sớ tâu vua.

lâm-kỳ: sắp đến chỗ rẽ (ngã ba đường)


đăng Kinh: lên kinh đô. 

6.- Dân Lịch-thành ái-mộ Mai-Công (câu 143 - câu 194)
Còn đương trò-chuyện trước sau,
Xôn-xao nghe bỗng tiếng đâu gần gần.
Gót giày ông mới động chân,
Trông ra đã chật một sân những người.
Bẩm rằng: " Dân sự chúng tôi,
"Tấm lòng xin ngỏ, chút lời xin thưa.
"Từ ngày trọng lỵ đến giờ,
150.- "Một đường sao phúc, muôn nhà phật sinh.
"Bao nhiêu lại tệ dân tình,
"Đuốc soi chẳng chút đỉnh-đinh dám lòa.
"Tấc lòng xem bẵng mẹ cha,
"Đọc ca mạch-tuệ ngâm thơ cam-đường.
"Bấm tay mười mấy năm trường,
"Mưa xuân tưới khắp một phương Lịch-thành.
"Rày vâng thăng điệu lai Kinh,
"Thỏa lòng hồ-thỉ phỉ tình đai cân.
"Thênh-thênh nhẹ bước thanh vân,
160.- "Cành cây dám tưởng bận chân loan hoàng.
"Nghĩ cho chút phận tầm thường,
"Đạo con cái được tựa-nương bấy chầy.
"Chỉn e tiếp lỵ sau này,
"Lòng thương cân được như rày mấy phân ?
"Bấy giờ lễ cách quan dân,
"Tưởng công-đức trước, lại năn nỉ nhiều.
"Lòng thành nay quyết xin theo,
"Làm đơn ái-mộ dâng liều một chương.
"Hoạ là vua nặng lòng thương,
170.- "Thấy tình Trường-xã, lưu chàng Khấu quân."
Ông rằng : "Vẫn biết lòng dân,
"Lời trung-hậu ấy, tình thân-ái này.
"Ta làm Huyện-tể bấy nay,
"Có chi công-đức đáng rày truy-tư?
"Phương chi thế-sự bây giờ,
"Dễ dò bụng hiểm, khôn lừa mưu gian.
"Họ Lư cưu dạ tham tàn,
"Rình như miếng mộc, những toan hại người.
"Phỏng mà nghe đặng như lời,
180.-Hẳn là mua chuộc lòng người tại ta.
"Miệng sàm dệt gấm thêu hoa,
"Công nào chưa thấy tội đà đến ngay.
"Lại càng mang tiếng chẳng hay,
"Yêu đây để xấu cho đây ích gì?"
Dân nghe biết ý quyết đi,
Lui ra, còn dám nằn-nì nữa đâu?
Một đoàn kẻ trước, người sau,
Khen cho rằng khéo bảo nhau một bề.
Lễ đâu đưa đến tức thì,
190.- Vạn dân-tản, vạn dân-y sãn sàng.
Thưa rằng: "Gọi chút lễ thường,
"Mà lòng tạc dạ ghi xương còn dài"
Ông xem thấy ý vật nài,
Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn.
7.- Kẻ ở người đi (câu 195 - câu 254)
Phu-nhân công-tử xuống thoàn,
Mai-công ở lại đợi còn bàn giao.
Ngại-ngùng thay, lúc phân-bào !
Kẻ về tụ-lý người vào ngọc-kinh.
Cho hay là kẻ trung-trinh,
200.- Nặng lòng vương-sự, nhẹ tình gia-mang.
Mặc ai châu lệ hai hàng,
Gác tình nhi nữ xem thường như không.
Vài ngày huyện-vụ giao xong,
Ra thành lên kiệu thẳng giong nhật trình.
Huyện dân chực sẵn tiễn-hành.
Hương-đăng bày án, tràng đình dọn nơi.
Đón đưa khắp mặt thiếu ai,
Mấy tòa quan tỉnh mấy người hương thân.
Người dường ra ý ân-cần.
210.- Ông thì thủng-thẳng có phần xem khinh.
8.- Phong-cảnh dọc đường, từ Lịch-thành đến Kinh-sư (câu 57 - câu 108)
Giã nhau mười dặm tràng-đình.
Trông theo đã khuất mây xanh mấy trùng.
Nước non đưa đón người trung,
Suối tuôn giòng chảy, núi chồng lớp cao.
Nhởn-nhơ cỏ đón hoa chào,
Hang men móc vượn, cây xào-xạc chim.
Tấc gang kinh-quốc chờ xem,
Đường ngày giục kiệu, điếm đêm đổ cờ.
Kià chài sớm, nọ cày trưa,
Gió gần giọng địch (mục), mây xa tiếng tiều
.
Quê người phong cảnh đìu hiu.
Trăng thanh gió mát dường chiều chuông ai !
Những màng giong-ruổi dặm dài,
Trông ra bỗng thấy bốn người xa xa.
Hỏi ra mới biết rằng là:
Trong kinh, Lại-bộ sai nha đón mình.
Hoàng hôn gác bóng chênh-chênh,
Truyền tìm quán khách bộ-hành nghỉ-ngơi.
Bốn người tức khắc vâng lời,
230.- Trước đi tìm chốn thảnh-thơi đón mời.
Tuy rằng quán khách hẹp-hòi,
Chốn nằm cũng tĩnh, chốn ngồi cũng thanh.
Thung-dung hỏi chuyện trong Kinh:
Lư, Hoàng lũ ấy tung-hoành ra sao ?"
Thưa rằng: "Chức trọng quyền cao,
"Triều-quan quá nửa ra vào làm tôi.
"Ai ai khóa miệng bịt hơi,
"Ngang vua phú-qúi, nghiêng trời uy-linh.
"Đại-gia rày ở quan Kinh,
240.- "Theo đòi nhiều ít, thế tình là xong."
Mai-công nổi giận đùng đùng,
Rằng: "Phen này quyết chẳng dung loài hồ.
Vào đây ta sẽ hay cho,
"Đừng Tung, đừng Kỷ, hết Lư, hết Hoàng !
"Mặt nào bắt-chước thế thường,
"Thiết-tha ban tối, khoe-khoang giữa ngày."
Gan càng tức, ruột càng đầy,
Truyền thôi cuộc rượu, vào ngay trong bình.
Sáng mai thức dậy trông quanh,
250.- Treo trên thấy có bực tranh Di, Tề.
Như khêu tấm dạ trung-nghì,
Dạy đem nghiên-bút thơ đề mấy câu.
Than rằng: "Thanh ứng khí cầu.
"Người kim cổ, bụng trước sau một đường."
9.- Quang cảnh nơi kinh-đô (câu 255 - câu 264)
Lại truyền giục kiệu lên đường,
Trông kinh-quốc đã tấc gang đó rồi.
Một vùng riêng đặt phỵ trời,
Hoàng-thành trăm trắm, kỉ-đài cao cao.
Cõi người nước nhược nguồn đào,
260.- Liền mây ngàn dãy, bày sao trăm tòa.
Chập-chồng vách gấm tường hoa,
Cửa lầu ngũ-phượng, thềm nhà lượng long.
Bách quan đóng chặt sân phong.
Tiếng chen xe ngựa, vẻ lồng cân đai,
10.- Mai-công vào chầu và qua tướng-phủ (câu 265 - câu 300)
Tìm vào Lại-bộ tới nơi,
Truyền nha-môn định, ngày mai tiến chầu.
Ngắm xiêm, sụa mũ giờ lâu,
Uốn lưng năm lạy, Khấn đầu ba phen.
Lạy rồi ren-rén tâu lên,
270.- Chúc câu vạn-tuế, dâng lên cửu-trùng.
Tiếng trời đưa lại bệ rồng:
"Đặt tòa gián-viện kén dùng kẻ trung.
"Sau cho sắt đá một lòng,
"Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê."
Tâu rằng: "Hổ phận ngu-si,
"Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông."
Tan triều lệnh ngự vào trong,
Bách quan lui xuống đều cùng bước ra.
Mai-công toan trở lại nhà,
280.- Tiện gần tướng-phủ sang qua vào liền.
Nghiêm-trang cụa thế sân quyền,
Trước bia hạ mã chật lèn ngựa xe.
Ông bèn giả cách vô tri,
Ngồi trăm-trắm kiệu, vào kề nghi-môn.
Môn quan trông thấy thét dồn,
Xôn-xao bẻ-bót, ôn-tồn hỏi tra.
Ông rằng: "Đâu chẳng biết ta,
"Huyện-quan về bộ Lại-khoa ngày rày.
"Buổi chầu nhân tiện sang đây,
290.- Nhờ ai trong ấy bẩm thay cho tường."
Môn-quan rằng lệ phủ-đường,
"Có đồ yết lễ, có vàng mấy bao.
"Có thì sẽ bẩm cho vào,
"Bằng không hãy chực ngoài rào xa xa."
Ông rằng: "Lệ đặt bao giờ,
"ấy là quốc-pháp hay là phủ-qui ?
"Ta đây vốn chẳng cần chi,
"Vào thì cũng được, ra thì cũng nên !"
Không xuống kiệu vẫn ngồi trên,
300.- Tay cầm thủ-bản ném bên thềm ngoài.
trọng lỵ: tiếng nói tôn cũng như trọng nhâm

phật sinh: bởi chữ: Nhất lộ phúc tinh và vạn gia sinh Phật.

lại tệ dân tình: Tình tệ nha lại và dân chúng

mạch tuệ: Đời Hán, Trương Kham làm Thái-thú quận Ngư-dương, khuyên dân chăm-chỉ cấy lúa trồng dâu, dân được no ấm, có câu ca tụng rằng: "tang vô phụ chi, mạch-tuệ lưỡng kỳ", nghĩa là cây dâu không có cành phụ, bông lúa mạch có hai chẽ, ý nói dâu tươi lúa tốt.

cam đường: Đời Chu, Thiệu Bá đi tuần thú thay vua, thường nghỉ dưới gốc cây cam-đường xử kiện, dân có thơ khen rằng: "tế phế cam-đường, vật tiễn vật phạt, Thiệu Bá sở bạt" nghĩa là rườm-rà cây cam-đường (phải chăng cây bàng) chớ cắt chớ chặt, nơi Thiệu Bá nghỉ-ngơi.

lai Kinh: lại kinh cũng như đăng kinh đã nói trên.

hồ thỉ: Hồ thỉ do chữ: tang hồ bồng thỉ, cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng : ngày xưa nhà vua sinh con trai thì dùng hai thứ ấy treo ra cửa cung, nhân thế người ta mượn làm biểu-hiệu phái con trai chí ở bốn phương, như cung tên bắn tung khắp bốn phương trời.

đai cân: bởi chữ cân đới, trỏ về phái quan chức mũ cao áo dài.

thanh vân: mây xanh, bước thanh-vân nói về công-danh bay nhảy.

loan hoàng: câu này đại ý như câu chữ nho : "Chỉ cức phi loan phượng sở thê" nghĩa là khóm cây gai không phải chỗ đậu của loài chim loan-phụng, Nguyên Cừu Hương đời Hán, mới bổ chức Đình trưởng, có người đàn bà góa đến kiện đứa con ngỗ-nghịch là Trần Nguyên, Hương khuyên-bảo trở về, rồi thân đến nhà, đem nghĩa lý hiểu bảo, Trần Nguyên cảm-đông nghe theo, trở nên người con chí hiếu. Quan Huyện-lệnh là Vương Hoán khen ngợi cất lên làm Chủ-bạ và hỏi: " Nhà ngươi không trị tội Trần Nguyên, lại chịu khó đến khuyên bảo, chả cũng kém mất sự lập oai như giống chim cắt với đàn chim nhỏ hay sao ? Hương thưa: "Giữ kỳ làm chim cắt, sao bằng làm chim loan-phụng !" Vương Hán cười nói: "Vậy thì khóm cây gai (trỏ vào chức chủ bạ) không phải chỗ đậu của chim loan-phụng !" Bèn đem tiền lương tháng giúp cho Hương vào nhà Thái học, sau trở nên bậc đại tài.

tiếp lỵ: người thay chân, kế tiếp nhận chức.

lễ cách quan dân: bởi câu tục ngữ : quan dân lễ cách.

ái mộ: yêu-mến

Khấu quân: Câu này do tích Khấu Tuân đời Đông Hán làm quan Thái-thú quận Dĩnh-xuyên, dựng nhà học-hiệu, đem văn-hóa dạy dân, sau Dĩnh-xuyên có giặc, khấu Tuân đi tòng-chinh, lúc khải hoàn, Trăm họ đón đường kêu xin để Khấu lưu nhậm một năm nữa. Vua Quang Vũ thấy dân tình Trường xã, Dĩnh-xuyên như thế cũng ưng cho Khấu ở lại.

Huyện-tể: Chức chủ-tể trong một huyện, tức là Tri-huyện.

Miệng sàm dệt gấm thêu hoa: Câu này bởi câu trong Kinh Thi:
Thê hề phỉ hề,
thành thị bối cẩm,
bỉ trấm nhân giả,
diệc dĩ thái thậm"
nghĩa là những thứ rau cỏ tạp nhạp có thể họp thành gấm vóc, những kẻ hay gièm-pha cũng đã quá lắm.

vạn dân tản, vạn dân y: Tản và áo của muôn dân- cũng như câu nói " bách gia chi sản", nghĩa là của chung mọi nhà- Đây là một lễ chung của dân huyện Lịch-thành đem tiễn Mai-công.

tạc dạ ghi xương: bởi chữ "minh tâm khắc cốt"

phân bào: chia vạt áo, nói về khi giã nhau mỗi người mỗi nơi.

tử-lý: tử : cây tử (cây lộc vừng), lý: làng . Kinh Thi có câu "duy tang giữ tử, tất cung kính chỉ," : ví cây dâu với cây tử tự cha mẹ trồng, nên phải cung kính. Người ta nhân đó mới mượn chữ tang tử để trỏ về quê-hương.

ngọc kinh: Kinh-đô nhà vua.

vương-sự: việc nhà vua, việc công.

gia mang: việc riêng bận rộn của tư gia, việc tư.

tràng đình: Mỗi cung đường có một trạm nghỉ chân gọi là đình, nghĩa là dừng chân . Cung ngắn (5 dặm) gọi là đoản-đình, cung dài (10 dặm) gọi là trường-đình.

hương thân: Người văn học trong làng, bậc văn thân địa-phương.

kinh quốc: tức kinh-đô, kinh-sư nhà vua.

kià chài sớm nọ cày trưa , gió gần giọng địch, mây xa tiếng tiều.: câu này tả đủ bốn cảnh : Ngư (chài), canh (cày), mục ( giọng địch), tiều (tiếng tiều)

hoàng hôn: Hoàng là vàng, hôn là tối, lúc chiều hôm gần tối, mặt trời lặn còn sót một ánh vàng vàng, nên gọi là hoàng-hôn.

Lư, Hoàng: tức Lư-Kỷ, Hoàng Tung : hai tên gian-thần đối đầu với Mai-công.

đại-gia: nghĩa đen là cha, tiếng gọi tôn những bậc quan-trưởng cũng như chữ tướng công hay đại nhân.

thiết-tha ban tối, khoe-khoang giữa ngày: Câu này đại ý cũng như câu chữ nho: " Hôn dạ khất ái nhi, kiêu nhân bạch nhật"

trong bình: là tên bức bình phong, nơi ngăn phòng ngoài với phòng ngủ.

Di, Tề: Bá Di, Thúc Tề là hai nghĩa-sĩ đời nhà Thương, Chu Vũ-Vương đánh vua Trụ - Vua nhà Thương- hai ông can không được, sau khi nhà Chu đã được nước, hai ông liền lên ẩn cư trên đỉnh núi Thú-dương, hái rau vi ăn thay cơm, dù đói chết cũng không ăn thóc của nhà Chu.

mấy câu: Thơ đề tranh Di, Tề nguyên văn chữ Hán:
"Côn trọng đương niên ngã Thú-dương,
Chí Kim lưu đắc tính danh hương,
Nhược giao liệt-sĩ như kim tại,
khởi nhẫn quần gian lập miếu đường,"
Ý nói bấy giờ hai anh em ông chết đói trên núi Thú-dương, mà vẫn còn để họ tên thơm tho đến bây giờ. Nếu ngày nay còn có liệt-sĩ như thế, há chịu để cho lũ gian thần đứng ở triều-đình.
Có người đã dịch:
Thủa xưa ở núi Thái hái rau Vi,
Muôn kiếp danh thơm, miệng ấy bi,
Ví khiến đời nay còn kẻ ấy,
Miếu-đường chi để lũ gian-phi.

thanh ứng khí cầu: nghĩa là cùng tiếng thì hưởng-ứng với nhau, cùng chí khí thì tìm nhau.

phủ trời: do chữ thiên-phủ, ý nói vững vàng như kho nhà trời.

hoàng-thành: thành nhà vua.

kỳ-đài: cột cờ

nước nhược: bởi chữ nhược-thủy, nơi tiên ở.

nguồn đào: bởi chữ đào-nguyên : cõi tiên

ngũ phượng: lầu đắp năm chim phượng.

lưỡng long: thềm xây hình hai con rồng.

sân phong: sân nhà vua. Cung-điện đời Hán hay trồng cây phong- một thứ cây có lá xanh- nên người ta quen gọi sân nhà vua là phong đình.

Lại bộ: bộ coi việc tuyển bổ quan-lại, một bộ đứng đầu 6 bộ trong quan-chức của một Triều-đình.

cửu trùng: Vạn tuế : muôn năm, lời chúc vua. Cửu-trùng : chín tầng, quan-tước triều-đình chia làm 9 bậc (phẩm cấp), trên chín bậc tức là vua, nên quan gọi vua là cửu-trùng.

tiếng trời, bệ rồng: tiếng trời do chữ thiên ngữ, bệ rồng do chữ long bệ đều là những tiếng tôn nhà vua.

gián viện: dinh của ông quan coi việc can vua.

vảy rồng: bởi chữ phê nghịch lân, nghĩa là vuốt ngược vảy rồng . Hàn Phi truyện : Rồng là vật có thể vuốt-ve cho quen mà cỡi được, nhưng dưới cổ có cái vảy ngược, nếu động chạm phải sẽ chết với nó. Ông vua cũng có cái vảy ngược như thế, mấy người đã dám vuốt. Nên ai can vua thì gọi là vuốt ngược vảy rồng.

khuyển mã: chó, ngựa : hai giống vật có nghĩa, mến chủ.

bể sông: do chữ hải hà . Nói bóng về sự rộng lượng.

hạ mã: xuống ngựa . Nơi đình-miếu hay dinh-thự nào tôn-nghiêm, thường có bia đá khắc chữ " hạ mã" dựng ở ngoài, để cho khách đi ngựa hay xe biết mà xuống, cho được tỏ lòng cung-kính.

Môn quan: quan coi cửa.

quốc-pháp, phủ qui: quốc-pháp : Phép của nước . Phủ-qui : lệ riêng của tướng-phủ. 

11.- Mai-công đến thăm Phùng Đô-sát (câu 301 - câu 336)
Kíp truyền quân kiệu tháo lui,
Sang tòa Đô-sát, họp người đồng niên.
Phùng công ra đón rước liền,
Chủ tân một hội, hàn-huyên mấy lời.
Sự tình kể-lể lôi thôi,
Ngoài ngàn muôn dặm, trong mười mấy năm.
Xiết bao trò-chuyện tri âm,
Khói hương cao thấp, chén chầm đầy vơi.
Mai-công rằng lúc mới rồi,
310.- "Tức gan mà lại nực cười lắm sao."
Kể từ tướng-phủ mới vào,
Thế nào khinh-dể, thế nào hỏi han,
Miệng đường lại, mặt môn-quan,
Kẻ xin đòi lễ, mình toan ném tờ.
Đinh-ninh kẽ tóc chân tơ,
Từ đầu đến cuối kể qua một hồi.
Chư công rằng: " Hãy kín hơi,
"Nghĩ cho chín, mới là người tri cơ.
"Rồi đây trời cũng có ta,
320.- "Làm bao giờ, biết bấy giờ, mới cao."
Ông rằng: "Như thế thảo nào,
"Bè gian trách chẳng quyền-hào lắm ru !
"Như bây giờ việc nên lo,
"Quấy hôi đặt miệng, bày trò Trào-châu.
"Tôi đà tính trước nghĩ sau,
"Muốn yên chi khỏi lấy đầu họ Lư ?
"Thôi đừng sợ oán sợ thù,
"Rày lần mai lữa, nhập-nhù khó coi.
"Việc này giao một mình tôi,
330.- "Để mà xem Kỷ với Mai thế nào !
Ví bằng giải kết làm sao,
"Giữ-gìn Mai-thị trỏ vào lối sinh.
"Già này dù thác cũng vinh,
"Suối vàng khuất mặt cũng khinh-khích cười."
Thoắt thôi từ tạ mấy người,
Tấc lòng thề chẳng đội trời với ai.
12.- Mai-công dến mừng tiệc thọ Lư Kỷ (câu 337 - câu 410)
Ngày xuân thấm-thoắt đưa thoi,
Lư-công tuổi thọ sáu-mươi vừa tuần.
Định ngày vui mở tiệc xuân,
340.- Vua cho lễ-vật nội thầnđem ban.
Lại truyền văn võ bá quan,
Cứ ngày cùng đến tướng môn lễ mừng.
Phủ-đường dọn dẹp tưng-bừng,
Rỡ-ràng kết thái trương đăng trong ngoài.
Vóc đề chữ, gấm thêu bài,
Vịnh ca Thiên-bảo, chúc lời Nghiêu-hoa,
Dập-dìu chốn vũ nơi ca,
Trò bày bách hí, nhịp hoà bát âm.
Chong giá nến, quạt lò trầm,
358.- Rót bình rượu ngọc, dâng mâm đào vàng.
Võng đầy cửa ngựa chen đàng,
Khắp triều quan đến, khắp hoàng thân ra.
Bày phô chén ngọc đũa ngà,
Gia-hào mấy vị, trân-la mọi mùi.
Tướng-công thăm-thẳm xa ngồi,
Tiếp tân phó mặc con nuôi họ Hoàng.
Mai-công lễ vật tầm thường,
Miến vài cân với lạp-hoàng vài đôi.
Hoàng Tung trông thấy mỉm cười,
360.- Tìm Lư-công, đến tận nơi tiến trình.
Tướng công ngồi trước thọ bình,
Chói vàng bông mũ, ngắt xanh hoa bào.
Tứ bề trướng gấm màn đào,
Mùi hương-xạ ngát, tiếng thiều nhạc rung.
Trông ra nhác thấy Hoàng Tung,
Xem đơn lễ mới thung-dung dạy lời:
"Ít nhiều có lễ thì thôi,
"Hãy thu lấy đấy, khuyên mời hẳn-hoi.
"Tay này là bậc đại tài,
370.- Để ta mua chuộc làm tôi tớ nhà."
Cứ lời Tung mới bước ra,
Chào rằng: "Vâng mệnh ân-gia mời ngồi.
"Lễ đơn đây đã thu rồi,
"Dám xin vài chén tiệc vui gọi là !"
Mai-công rằng: "Những ở xa,
"Chẳng hay quí chức tuổi đà bao nhiêu ?"
Tung rằng tuổi cũng chưa nhiều,
"Năm mươi-tư tuổi gần theo cõi già."
Ông rằng: "Thực cũng khéo là,
380.- "Thế mà nghĩa-phụ thế mà ân-nhi.
"Sống lâu thấy lắm chuyện kỳ,
"Sao xưa nay vẫn không nghe tiếng đồn ?
"Mới hay vượng-khí tướng-môn ,
"Năm lên sáu tuổi sinh con đầu lòng."
Tung nghe ra giọng đâm hông,
Mặt ngăn ngắt tím, mắt sòng-sọc trông.
Các quan biết ý Hoàng Tung,
Giả điều mời rượu Mai-công ép nài.
Ông rằng: " Lượng rượu kém ai,
390.- "Tiệc vui, dù chẳng đợi mời cũng say.
"Nghe hơi tử-khí đâu đây,
"Dẫu rằng nửa chén đưa cay chẳng màng.
"Đến đây vâng mệnh Thánh-hoàng,
"Sá vui kèo rót với tuồng quyền-gian."
Hoàng Tung đỏ mặt sốt gan,
Bất thình-lình bỗng trong bàn mất vui.
Như mèo tiu-nguỷu mất tai,
Chẳng thu một lễ chẳng mời một ai.
Vào trong tức tối một hơi,
400.-Bên màn Lư Kỷ, kê ngồi nỉ-non.
Nhỏ to chua cái chua con:
"Hôm xưa kiệu đến nghi-môn còn ngồi.
"Mới rồi đưa lễ giễu chơi,
"Đã câu rủa mát, lại lời đưa chênh.
"Gần chùa gọi bụt là anh,
"Không văn-pháp nữa, còn danh-giá gì"
Lư rằng: "Con chớ lo chi,
"Ra tay, rồi sẽ liệu bề bẻ mai.
"Cho vào bạn đảngthì thôi,
410.- "Bấy giờ dẫu nghĩ kêu trời cũng xa !"
13.- Lư Kỷ hãm-hại Mai-công (câu 411 - câu 474)
Bè gian đang sắp mưu lừa,
Bỗng đâu nội-giám đã ra truyền đòi.
Liền tay thảo sớ một bài,
Theo chân nội-giám vào nơi đền vàng.
Vua Đường rằng: "Buổi thong-dong,
"Hứng vui nên triệu tướng-công hầu cờ."
Bàn son bày sẵn quân ngà,
Lư-công có ý chịu thua hai bàn.
Đứng tâu trước mặt long-nhan,
420.- "Lòng lo việc nước, nào toan việc cờ.
"Ai hay những việc chẳng ngờ,
Lời biên-quan báo, thực là không sai.
Ong trong tay áo có người,
"Giao-thông giặc Thát toan bày nọ kia.
"Tâu lời nghe những ngô nghê..."
Một tờ đoản biểu tức thì giở ra.
Vua Đường cất lấy xem qua,
Mới hay bạn nghịch ấy là Bá Cao.
Truyền đem chính-pháp thị-tào,
430.- Lư-công xin để buộc vào có tang.
Ghé tai tâu mật mọi đường:
"Xin làm như thế mới tường đầu đuôi."
Buổi chầu vừa rạng ngày mai,
Đường-hoàng rằng: "Mới tin ngoài lại tâu
"Ải quan rợ Thát quấy rầy,
"Định ngày tiến-thảo ngõ hầu an biên.
"Cho Đông Sơ với Lạc Thiên,
"Kẻ quyền tham tán, người quyền Đổng binh ,
"Văn-thần ra sức đãng bình.
440.- "Dẹp yên khói giặc, quét thanh bụi Hồ."
Hai người nghe nói căn-do,
Trước thềm phủ phục, mướt bồ hôi lưng.
Mai-công ra trước tâu rằng:
"Dám bày lòng kiến xin dâng bệ rồng.
"Phen này động việc binh-nhung,
"Cũng vì Lư Kỷ, Hoàng Tung hai người.
"Khéo là bày việc trêu ngươi,
"Cầm cơ chẩn-mễ, cướp mồi tiểu-di .
"Thóc kho, của nước thiếu chi,
450.- "Xin cho chẩn-thải theo y lệ thường.
"Lấy đầu hai gã Lư, Hoàng,
"Ắt là Thát trở về hàng không sai.
"Can chi gây việc cõi ngoài,
"Đem tài qua-giáp, ép người văn-chương.
Đường-hoàng nổi giận vội-vàng,
Rằng: "Vì giặc Thát tìm đường hoãn binh. "
Kíp truyền đao-phủ chỉnh hình,
Mới hay tấm dạ kiên trinh khác thường.
Hãy còn ngảnh lại triều-đường,
460.- Miệng còn sỉ-nhục Lư, Hoàng chưa thôi.
Thương thay trung nghĩa như ai,
Sa cơ một phút ra người cửu-nguyên .
Trần Đông Sơ với Lạc Thiên,
Vạ lây cũng phải cách quyền hồi dân.
Hai người thương kẻ trung-thần,
Nghĩ tình bạn-hữu ân-cần thở-than.
Cùng Mai Bạch mới lo toan,
Vào chùa Tướng-quốc bàn-hoàn với sư.
Xin đem linh-cữu để nhờ,
470.- Giục chàng Mai Bạch về nhà đưa tin.
Mới hay tục-ngữ thế truyền,
Lời rằng: "Họa chí vô đơn "cũng thường."
Lòng chua xót, bước phong sương,
Nửa đường Bạch cũng suối vàng chơi xa.
14.- Gia-quyến nhà họ Mai lánh nạn (câu 475 - câu 504)
Lư-công mạo chỉ truyền ra,
Đến Thường-châu nã một nhà họ Mai.
Ruổi mau lệnh-tiễn hỏa-bài,
Mấy ngày thoắt đã tới nơi châu Tường.
Còn đương trách cứ phủ-đường,
480.- Mỏng tai may có một chàng Đồ Thân.
Đêm khuya kíp vội dời chân,
Mách công-tử với phu-nhân liệu đường.
Mẹ con xiết nỗi kinh-hoàng,
Cùng xuôi nỗi thảm, vội-vàng trốn đi.
Chia đường tìm chốn trợ thì,
Đỡ khi gấp rút, đỡ khi vận cùng.
Phu-nhân sang đất Sơn-đông,
Có em lỵ đó cũng trong đồng-bào.
Đồ Thân lòng tiết nghĩa sao,
490.- Tưởng ân-nghĩa trước xin theo đi cùng.
Sửa-sang hành-lý vừa xong,
Một công-tử với Hỉ Đồng đi ra.
Nghi-trưng huyện ấy chẳng xa.
Nhạc-thân lỵ đó tên là Hầu Loan.
Ngại-ngần gặp bước gian-nan,
Người bâng-khuâng mẹ, kẻ bàn-hoàn con.
Trời đà mở lối sinh môn,
Rồng về biển, cọp về non bao giờ ?
Phủ-binh khen khéo hững-hờ,
500.- Canh năm vừa kéo đến nhà họ Mai.
Trước sau nào có một ai,
Khói nhà lạnh ngắt, tiếng người vắng tanh.
Sai-nha thấy thế nghi tình,
Bảo nhau tầm-nã chung quanh trong làng.
15.- Nông-nỗi Mai-sinh trong khi lánh nạn (câu 505 - câu 572)
Phu-nhân phận ấy đã cam,
Cũng may được chốn nhà em nương mình.
Thương thay công-tử tuổi xanh,
Long-đong mấy hội, gập ghềnh mấy phen.
Từ khi thầy tớ xuống thuyền,
510.- Thuận giòng thủy-đạo tới miền Nghi-trưng.
Tới nơi lên bộ dùng-dằng.
Vào nơi phạn-điếmhỏi chừng trước sau.
"Lạ-lùng xin tỏ cho nhau,
"Huyện-quan có phải họ Hầu tên Loan ?"
Nhà hàng thấy nói hỏi-han,
Trình rằng: "Thôi chớ hỏi bàn làm chi.
"Lòng người ăn xổi ở thì,
"Nặng bên danh-lợi, nhẹ bề thân-hơi.
"Cho hay giàu điếc sang đui,
520.- "Tìm vào trước đã lắm người ra không."
Nghe thôi công-tử ngại-ngùng,
Ngồi bên, khen gã Hỉ Đồng mỏng tai.
Đêm khuya ghé lại rỉ lời:
"Lòng người nham hiểm, thói đời viêm-lương.
"Mời rồi nghe chuyện nhà hàng,
"Họ Hầu đây cũng là phường lăng-nhăng.
"Mà ta lánh nạn băng chừng,
"Chúng tôi dại dạ, nghĩ đừng vội tin.
"Chấp kinh nếu chẳng tòng quyền,
536.- "Sợ chi muôn một chu-tuyền làm sao ?
"Tôi xin thay mặt trước vào,
"Nghe tình-hình ở thế nào thử xem.
"Bằng ra lòng cá dạ chim,
"Tôi đương nạn ấy, người tìm nẻo xa."
Túi hành-lý gửi vào nhà,
Tớ thầy đổi áo bước ra lên đường.
Lạ-lùng lẫn-lộn hèn sang,
Hỉ Đồng đi trước, để chàng theo sau.
Đồng đà liệu trước mưu sau,
540.- Mua tì-sương đã buộc đầu đai lưng.
Bước vào cửa huyện Nghi-trưng.
Để công-tử chực nghe chừng một nơi.
Cậy người môn lại thưa lời,
Đưa tin bán-tử họ Mai sang hầu.
Truyền cho vào tận trong lầu,
Hầu Loan hỏi hết gót đầu vân vân.
Hỉ Đồng thưa chuyện xa gần,
Nỗi nhà oan khốc, nỗi thân lạc-loài.
Thoắt thôi gỉa cách sụt-sùi,
550.- Nào hay Hầu-thị là người bạc đen.
Dứt lời trở mặt quở liền:
"Tội-nhân ai dễ cò quyền dám dong ?
"Con ta yểu-điệu khuê-phòng,
"Có Tây-tử đó, thiếu đông-sàng nào !
"Ở đây mười mắt trông vào,
"Rõ-ràng án ấy, tha sao cho đành."
"Kíp truyền ngục tốt giao canh,
"Rồi đây ta sẽ tiến kinh cho rồi !"
Bấy giờ công- tử đứng ngoài,
560.- Trông vào đã thấy tơi-bời điệu ra.
Quá thương dường muốn hỏi qua.
Hỉ Đồng liếc mắt xa đưa ý chàng.
Trong mình sẵn gói tì-sương,
Giở ra nuốt ực quyết đường quyên-sinh.
Nghĩ người con trẻ thương tình,
Nghĩa thầy-tớ nặng xem thân mình không.
Tưởng là Mai-thị thân vong,
Giả hình ai biết Hỉ Đồng là ai ?
Một đoàn ngục tốt tơi-bời,
570.- Khiêng ra cửa bắc, táng ngoài đồng không.
Mai-sinh theo hút xa trông,
Viếng thăm làm dấu, mới phong nên phần.
Phùng công: tức Phùng Lạc Thiên, bạn của Mai-công.

Chủ tân: Chủ với khách.

hàn-huyên: Hàn : lạnh; huyên : ấm . Xa cách nhau lâu ngày trải qua mùa lạnh sang mùa ấm, khi gặp, chuyện-trò hỏi thăm nhau, gọi là hàn-huyên.

Chư công: Các ông, các ông bạn của Mai-công họp mặt ở nhà Phùng công hôm ấy.

tri cơ: Biết việc sẽ xảy ra.

Trào-châu : là một địa-phương thuộc tỉnh Quảng-đông, nơi Hàn Du bị biếm, nhưng việc đó ở về đời Đường Hiếu-tông. Không hiểu câu này ý-nghĩa ra sao ?

Kỷ với Mai: Kỷ là Lư Kỷ, Mai là Mai Bá Cao (Mai-công) còn có nghĩa Kỷ là cây kỷ, mai là cây mai nữa. Câu này có ý đem "mai" chọi với "kỷ" cùng là hai loài cây, lối chơi chữ của tác-giả, cũng như câu "thì vin cành quít cho cam sự đời" của Nguyễn Du !

thề chẳng đội trời: do chữ "thệ bất cộng đới thiên".

thấm-thoắt đưa thoi: do chữ "tuế nguyệt như thoa".

nội thần: quan trong, tức nội giám, hoạn quan.

kết thái trương đăng: kết hoa trưng đèn.

Thiên-bảo: Một chương trong Kinh Thi (Nhã phong), có 9 chữ như chúc tụng nhà vua :
Như sơn như phụ,
như cương như lăng,
như xuyên như phương chí dĩ mặc bất tăng,
như nguyệt chi hằng,
như nhật chi thăng,
như nam sơn chi thọ, bất khiên bất băng,
như tùng bách chi mậu, vô bất nhĩ hoặc thừng.
Người ta gọi "Thiên bảo cửu như" là thế.

Nghiêu-hoa: Vua Nghiêu đi tuần thú đến đất Hoa, có Phong-nhân (người coi ấp) chúc vua giàu có, sống lâu và nhiều con trai, nên có câu : "Hoa-phong tam chúc" . Nghĩa là 3 điều chúc của Phong-nhân ấp Hoa.

bách hí: Trăm trò chơi.

bát âm: tám thứ âm-nhạc.

triều quan: Quan trong triều.

hoàng thân: Họ nhà vua.

Gia-hào: đồ nhắm ngon.

trân-la: rau thơm, rau quí.

lạp-hoàng: tức hoàng lạp, sáp vàng.

thiều nhạc: bản nhạc đời vua Thuấn bên Tàu. Đây chỉ nói về âm-nhạc.

ân-gia: nghĩa là cha nuôi, Lư Kỷ là bố nuôi của Hoàng Tung.

Lễ đơn : tờ kê lễ-vật.

nghĩa-phụ: cha nuôi.

ân-nhi: con nuôi.

vượng-khí tướng-môn: bởi chữ : tướng môn vượng khí , khí thịnh vượng trước cửa nhà quan Tướng.

nghi-môn: cửa chính ở các dinh-thự hay lâu đài nào, nhà lớn.

bạn đảng: đảng làm phản, bọn phản đối.

long-nhan: mặt rồng, mặt vua.

biên-quan: quan coi ngoài biên-giới.

giặc Thát: tức rợ Thát-đát nguyên là biệt bộ nước di dịch về hạng Hung nô , Đột-quyết, về sau là Mông-cổ, một dân tộc thượng võ đã có phen làn rung-động hoàn cầu.

đoản biểu : tờ biểu ngắn.

chính-pháp thị-tào: xử theo phép chính, nghĩa là đem chém. Thị tào : nơi chém người, cũng như nói "pháp trường".

Đường-hoàng: vua nhà Đường

tham tán, người quyền Đổng binh: Tham-tán, Đổng-binh : hai chức coi việc hành quân đánh giặc.

lòng kiến : do chữ nghĩ khốn.

chẩn-mễ, tiểu-di: chẩn-mễ : gạo phát chẩn , Tiểu-di : quân mọi-rợ nhỏ.

chẩn-thải: phát chẩ và cho vay.

qua-giáp: qua : ngọn giáo; giáp : áo giáp che tên đạn. Qua-giáp là nói về quan võ.

văn-chương: nói về quan văn.

hoãn binh: làm chậm việc binh lại, có ý để chờ dịp gì đáng ngờ.

đao-phủ: đao búa, thứ khí-giới để hành-hình kẻ bị phạm tội chết.

cửu-nguyên: cũng như cửu tuyền : chín suối, đường âm.

cách quyền hồi dân: bị cách chức về làm thường dân

Mai Bạch : người gia-đinh theo hầu Mai công.

Tướng-quốc: nghĩa đen là giúp nước, cũng như hộ quốc, tên một ngôi chùa ở kinh-đô bấy giờ.

Họa chí vô đơn: bởi câu họa vô đơn chí, tai vạ bao giờ cũng bị dồn-dập chứ không khi nào chỉ đến lẻ-loi có một việc mà thôi.

lệnh-tiễn hỏa-bài: lệnh-tiễn : lá cờ nhỏ của các quan tướng dùng làm hiệu lệnh để ban phát. Trong lá cờ có đề chữ "lệnh", ngọn cờ hình nhọn như mũi tên.
hỏa-bài : Phiến gỗ có viết chữ, cầm làm hiệu-lệnh của các nha-môn, việc gì khẩn cấp thì phê chữ "hỏa" nghĩa là nóng như lửa, hỏa tốc.

đồng-bào: cùng bọc sinh ra, anh chị em ruột, câu này nói người làm quan đó là em ruột của Mai phu-nhân.

Hỉ Đồng: thư-đồng của Mai-sinh.

Nghi-trưng: Một huyện thuộc đạo Duy-dương tỉnh Giang-tô bên Tàu đời bấy giờ.

Nhạc-thân: Bố vợ Mai-sinh.

sinh môn: cửa sống, lối sống, con đường sống.

Phủ-binh: lính phủ, tức lính ở phủ Thường-châu, sở tại, quê Mai-công.

thủy-đạo: đường thuỷ.

phạn-điếm : hàng cơm.

viêm-lương: viêm : nóng ; lương : mát .Thói đời viêm-lương : ý nói thói đời cứ tùy theo kẻ suy người thịnh mà coi trọng coi khinh, cũng như tiết trời lúc nóng lúc lạnh thay đổi thất thường.

chu-tuyền : làm cho trọn vẹn.

tì-sương: vị thuốc độc.
môn lại: người coi cửa.

bán-tử: nửa con, tức là con rể.

Tội-nhân: người có tội

Tây-tử: tức Tây Thi, gái đẹp đời Xuân-thu, Việt-vương Câu Tiễn bị Ngô-vương Phù Sai đánh thua, đem Tây Thi dâng cho vua Ngô để cầu hòa. Vua Ngô bị Tây Thi mê hoặc đến nỗi lại bị Việt-vương đánh thua, suýt phải mất nước.

đông-sàng: giường bên đông. Đời Tấn, Hy Giám có con gái, cho người đến nhà Vương Đạo kén rể. Con cháu họ Vương đều hy-vọng, duy Vương Hy Chi chỉ nằm phơi bụng tại giường bên đông ăn bánh, coi như không có chuyện gì. Hy Giám bèn gả con gái cho Hy Chi, sau quả nhiên hiển-đạt hơn cả.

mười mắt trông vào: bởi chữ thập mục sở thị .

ngục tốt: lính canh ngục.

thân vong: chết

phần: nấm mả, phần mộ.

.......................................................... Còn tiếp ....................................

No comments:

Post a Comment