Thursday, July 18, 2019


Bao Giờ Cho Đến... Ngày Xưa
Bao Giờ Cho Đến... Ngày Xưa
23/09/200600:00:00(Xem: 4641)
Trần Viết Đại Hưng (VNN)
Lịch sử của nhân loại từ ngày có mặt trên mặt đất là lịch sử của sự tiến hóa từ thấp lên cao. Từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa con người "ăn lông ở lỗ" cho đến khi "ăn no mặc đủ" và tiến đến giai đoạn cuối cùng là "ăn ngon mặc đẹp". Chiều hướng phát triển theo thời gian là chiều hướng phát triển từ thấp lên cao, từ tinh thần đến vật chất. Từ thuở ban sơ khi chế tạo những dụng cụ thô sơ để dùng vào việc cày cấy cũng như săn bắn đến chuyện chế tạo phi thuyền thám hiểm mặt trăng và mới đây là sao Hỏa thời hiện tại là một quá trình cải tiến kéo dài cả ngàn năm. Nói như thế để thấy là thời hiện tại bao giờ cũng khá hơn thời quá khứ và tương lai dĩ nhiên là sẽ văn minh và tân tiến nhiều hơn so với hiện tại.

Nhưng tại sao vẫn có chuyện nghịch lý là có một số người vẫn tưởng nhớ thiết tha đến thời dĩ vãng, một dĩ vãng vàng son và êm đềm. Phải chăng thời quá khứ cũng có những ưu điểm của nó mà thời hiện tại cũng như tương lai không thể so bì kịp" Khi có người tiếc nhớ lưu luyến với dĩ vãng đã qua, phải chăng dĩ vãng cũng có những ưu điểm vượt trội so với thời gian hiện tại đang sống cũng như tương lai sắp tới.

Có sống trong thời Cộng sản cai trị khắt khe, độc đoán, người dân mới thấy thời xa xưa tiền Cộng sản là một thời kỳ dễ thở, sung túc, cho dù đó là thời Pháp đô hộ thì vẫn còn hơn xa cái chế độ chuyên chế sắt máu Cộng sản. Thời tiền Cộng sản hơn xa thời Cộng sản cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Rõ ràng vì quá nung nấu thiết tha với nền độc lập dân tộc mà đa số người dân đã theo Cộng sản và đổ xương máu tranh đấu cho đến khi Cộng sản giành được chính quyền. Tưởng là sẽ có được độc lập, tự do mà ông tổ Cộng sản Việt Nam Hồ chí Minh cho là không có gì quí hơn, nào ngờ khi sống dưới chế độ bạo tàn chuyên chế Cộng sản thì người dân mới thấy thân phận mình là số phận hèn kém của súc vật, không có một chút nhân phẩm làm người. Khi người dân tỉnh táo nhìn ra được sự thực bộ mặt tàn bạo, hung hiểm của Cộng sản thì cũng quá trễ, bọn sài lang Cộng sản đã dựng nên nền thống trị!

Nhà thơ Nguyễn chí Thiện là người đã nhìn thấy sự khác biệt của chế độ Cộng sản và chế độ Pháp thuộc và đã đưa ra nhận xét chính xác như sau:

"Ôi thằng Tây mà trước kia người dân không tiếc máu xương đánh đuổi.
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!"
(Đồng lầy - Hoa địa ngục)

Ông nhận thấy cái khác biệt của hai chế độ Cộng sản và Thực dân đôi khi chỉ là vấn đề danh từ, còn bản chất Cộng sản là một chế độ tàn độc, thối tha. Ông đưa ra lời nhận xét chính xác và chí lý và gọi đó là "cái lầm to thế kỷ":

"Đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi
Mấy chục năm trời xương máu đổ đi
Thử hỏi dân đen thu được những gì"
Ngoài một số từ lừa mị kẻ ngu si!
Người công nhân trước gọi cu li
Người lính cũ nay gọi là chiến sĩ
Song vẫn vác, vẫn khuân, vẫn đói nghèo, vẫn bị
Đẩy đi chiến trường chết hoài, chết phí
Cho một lũ Trung Ương lợn ỷ!
Đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi.
(Đau đớn lắm (1970) - Hoa địa ngục)

Sống mòn mỏi trong chế độ khốn nạn Cộng sản, ngoài chuyện đói cơm gạo còn phải đối diện với sự dối trá hàng ngày, nhà thơ Nguyễn chí Thiện đã có sự so sánh lạ kỳ khi ông cho chế độ Cộng sản còn tàn tệ và yếu kém còn thua thời đồ đá. Người Việt Nam thường có câu "Đói cho sạch, rách cho thơm" "Giấy rách phải giữ lấy lề", nhưng sống trong chế độ Cộng sản người dân đói đến mức không còn sạch nổi để đi tới tình trạng, "Đói ăn vụng, túng làm liều", con người mất dần phẩm giá để biến thành con vật, sống với bản năng hoang dã, khi đói thì tìm đủ mọi cách để thỏa mãn cơn đói, bất chấp mọi khuôn khổ đạo đức, bất chấp đạo lý làm người đã có hàng ngàn năm gắn liền với dân tộc. Nhà thơ Nguyễn chí Thiện đã đưa ra nhận định là thời Cộng sản còn tệ hại thua thời Đồ đá:

"Nếu phải sống lại thời đồ đá
Cũng còn hơn gấp vạn gấp ngàn
Cái thiên đường đói khổ miên man
Toàn giết chóc, tù lao, dối trá!
(Những ghi chép vụn vặt (185) - Hoa địa ngục)

Đảng viên Cộng sản Nam kỳ kỳ cựu Nguyễn văn Trấn trong cuốn sách "Viết cho mẹ và Quốc Hội" đã so sánh sự cởi mở trong chuyện ra báo thời Pháp thuộc và sự cấm đoán ra báo trong chế độ cộng sản một cách thẳng thắn và trung thực:
"Điều rất khó hiểu là trong chế độ xã hội thuộc địa cũ trước đây của xứ Nam kỳ (Cochinchine), người Cộng sản đã dựa vào luật tự do báo chí của chánh quốc (Đế quốc Pháp) mà ra báo L'Avant-garde (Tiền Phong) do đồng chí Nguyễn văn Nguyễn phụ trách, báo Le Peuple và báo Dân Chúng năm 1938 do đồng chí Nguyễn văn Trấn phụ trách mà không xin phép, chỉ có tờ khai báo đơn giản (sinple diclaration) thôi. Còn ngày nay, trong chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ tự do - mà những người kháng chiến cũ lại không được quyền ra báo, làm báo được, mặc dù Hiến pháp đã qui định các quyền tự do của công dân trong đó có quyền tự do báo chí. Thật là kỳ quặc!"
(Trích "Viết cho mẹ và quốc hội" trang 392, nhà xuất bản Văn Nghệ, California).

Đúng là một sự mỉa mai cay đắng khi thấy những người dân Việt Nam như Nguyễn văn Trấn đã đổ xương, đổ máu để góp phần thiết lập một chế độ như chế độ Cộng sản, để rồi không có tự do báo chí mà viết lách, rõ ràng báo chí thời Cộng sản còn thua báo chí thời Pháp thuộc. Lịch sử đúng là quay tít vòng ngược lại!
Ngoài nhà thơ Nguyễn chí Thiện và Đảng viên Nam kỳ Nguyễn văn Trấn đã nhìn thấy sự tệ hại của chế độ Cộng sản so với chế độ Pháp thuộc, còn có những nhà văn cũng nhìn thấy điều nghịch lý ấy và đã lên tiếng nói rõ sự nghịch lý mỉa mai này.
Hãy nghe nhà văn Nguyễn Tuân trìu mến nhớ lại thời kháng chiến thấm đãm tình người giữa những anh em văn nghệ sĩ. Dĩ nhiên hồi ấy Cộng sản chưa cướp được chính quyền, chúng chưa lòi nanh vuốt đàn áp độc địa. Những nhà văn theo kháng chiến như Nguyễn Tuân, Phùng Quán đều có trong lòng một hào khí ngất trời là quyết tâm đánh đuổi quân ngoại xâm Pháp để mang lại độc lập cho dân tộc. Với một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm như dân tộc Việt Nam thì tâm trạng nung nấu, thôi thúc của người chiến sĩ ra trận lại càng bộc lộ tràn trề, mãnh liệt cũng như tình người giữa những văn nghệ sĩ chiến đấu thắm thiết và thương yêu dạt dào không kể xiết dù sống trong hoàn cảnh đói rách cực khổ trong những chiến khu. Nguyễn Tuân kể:
"Cái đại hội Việt Bắc năm bốn tám (1948) là vui nhất. Khổ mà vui, nghèo mà lành, các nhà văn ta lúc đó đói rách lắm mà đẹp lắm, thương nhau lắm. Toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, vì độc lập và tự do của dân tộc, trong đó có bản thân mình.. Cái kỳ đó tôi có đọc tham luận. Đang đọc dở thì tôi dừng lại, xin phép đại hội cho tôi kể một chuyện tiếu lâm. Chuyện "cái rắm thơm, cái rắm thối" ấy mà. Sau đó tôi đọc tham luận tiếp. Lúc xuống bục diễn đàn về ngồi ghế chủ tịch, một người... bỏ nhỏ vào tai tôi, "Ông to gan thật. Cái câu chuyện ông kể là có vấn đề đấy."
Lúc đó, tôi nào để tâm cái vấn đề đó là sao. Và quả là sau đó cũng chả có vấn đề gì cả. Tôi vẫn trúng cử với phiếu cao. Cái đại hội năm năm tám (1958) mà nói năng kiểu đó nữa thì bỏ mẹ chứ chả chơi, thì dứt khoát là có vấn đề ngay. Đến bây giờ thì lại càng có vấn đề".
(Trích từ "Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản" của Nguyễn hưng Quốc trang 22, nhà xuất bản Văn Nghệ, California).
Cũng nhà văn Nguyễn Tuân này khi cuối đời đã lã chã nước mắt mà nói với đàn em văn nghệ rằng, "Tao mà còn sống đến giờ này là vì biết sợ."
Nhà phê bình văn học Nguyễn hưng Quốc giải thích lý do của câu chuyện kể của Nguyễn Tuân:
"Thật ra, cái không khí cởi mở, thoải mái ấy không phải đợi đến năm 1958 mới bị khai tử. Nó bị khai tử sớm hơn nhiều, từ cuộc tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc năm 1949, đặc biệt từ năm 1951, lúc Cộng sản phát động các chiến dịch chỉnh quân, rồi tiếp sau đó, cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu kéo dài mãi đến năm 1956. "
(Trích "Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản" của Nguyễn hưng Quốc trang 23).
Những văn nghệ sĩ theo Cộng sản để kháng chiến chống Pháp như Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt với một tâm hồn phơi phới của tuổi thanh xuân, những mong hiến dâng cuồng nhiệt tuổi đẹp nhất đời người là tuổi thanh xuân. Nhưng rồi khi chế độ Cộng sản được thiết lập ở miền Bắc năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, văn nghệ sĩ mới bắt đầu thấm thía và đau khổ với chính sách siết chặt mọi sáng tác riêng tây của người nghệ sĩ. Bởi vậy mới có hiện tượng Nhân Văn - Giai Phẩm bùng lên phản kháng và yêu cầu Đảng trả lại tự do sáng tác cho nhà văn. Đảng trả lời bằng cách đóng cửa báo và giam tù những người liên hệ đến Nhân Văn - Giai Phẩm. Bản án kéo dài hàng chục năm, biến những tinh hoa của đất nước thành những kẻ tù tội thân tàn ma dại, không còn viết lách, sáng tác gì được nữa.
Nhà phê bình văn học Nguyễn hưng Quốc còn đi xa hơn khi nhận định nền văn học xã hội chủ nghĩa có đặc điểm là một thứ văn học thời phong kiến mà chính những cán bộ tuyên huấn Cộng sản thẳng tay phê phán.
Nguyễn hưng Quốc viết, "Văn học nghệ thuật, rốt cuộc, cũng chịu chung số phận đi vòng quanh bi thảm ấy. Văn học truyền bá chính trị của Cộng sản thực chất chỉ là biến thái của quan niệm "văn dĩ tải đạo" đã có từ đời Hán, đời Đường bên Trung quốc. Văn học gắn liền với chính trị, phục vụ chính trị của nhà cầm quyền là một đặc điểm của thời kỳ phong kiến, nói như Lại nguyên Ân, là của nền văn học quan phương, văn học cung đình. Cái gọi là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thực chất chỉ là sự kết hợp khiên cưỡng giữa chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa hiện thực ở phương Tây hồi thế kỷ 18 và 19.
Trong bài "Văn học Việt Nam trong bước ngoặt chuyển mình" đăng trên báo Văn Nghệ số 45 ra ngày 5-11-1988, Lã Nguyên nhận định:
"Trong nhiều trường hợp, tư duy nghệ thuật của nhà văn Việt Nam.. đành dừng lại ở trình độ tư duy của thế kỷ 19, thậm chí có cả khuynh hướng quay ngược trở về kiểu tư duy của thế kỷ 17".
Do tình trạng lạc hậu như vậy cho nên có nhiều luận điểm rất cũ vẫn được giới cầm bút Việt Nam xem như là một dấu hiệu của sự đổi mới đầy táo bạo, chẳng hạn, luận điểm, "văn học là sự nghiền ngẫm về hiện thực", là hành động tự nhận thức của nhà văn mà Lê ngọc Trà nêu ra, được dẫn ở trên, từng làm xôn xao dư luận trong giới nghiên cứu Việt Nam, chỉ là một luận điểm bình thường, hầu như hiển nhiên, ngay từ xưa, cha ông ta đã từng biết: văn học chủ yếu là nói cái "chí", cái "tình", cái "điều đau đớn lòng", trong "cõi người ta". Lê ngọc Trà cũng biết điều này khi ông dẫn lại một câu viết của Lê quí Đôn hai trăm năm trước: "Ta thường cho làm thơ có ba điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là sự... lấy tình tham cảnh, lấy cảnh hội việc, gặp việc thì nói ra lời, thành tiếng". Rồi Lê ngọc Trà bình luận: quan điểm đề cao chức năng phản ánh hiện thực của Cộng sản, "là một bước thụt lùi so với cách nghĩ của cha ông ta xưa".
(Trích "Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản" của Nguyễn hưng Quốc trang 364)

Nhà văn Nguyên Ngọc, sau khi bị cách chức Tổng biên tập báo Văn Nghệ, trong buổi nói chuyện vào chiều ngày 15-4-1989 và được tường thuật trên tạp chí Sông Hương số 37, đã mạnh dạn và thẳng thắn tuyên bố, "Cái chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như ở Liên Xô, đã không chứng minh được tính ưu việt đối với chế độ nó thay thế." (Trích "Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản" của Nguyễn hưng Quốc trang 365). Nói như Nguyên Ngọc như thế là đúng nhưng còn quá nhẹ, phải nói là chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Liên Xô còn tệ hại gấp trăm ngàn lần chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa và Sa Hoàng) mà chúng thay thế. Đời sống kinh tế thì nghèo nàn đói khổ. Đời sống tinh thần thì bị trù dập, trấn áp. Thật cũng khó mà tìm ra một thứ chủ nghĩa tệ hại hơn chủ nghĩa xã hội đã ứng dụng ở Liên Xô và Việt Nam. Chúng lấy tên là xây dựng thiên đường, nhưng là những thiên đường "mù" và thực chất cái thiên đường mù này là địa ngục có thật, suốt ngày đày ải con người về mặt vật chất cũng như tinh thần. Cho nên không lấy làm lạ khi thấy người dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa tưởng nhớ và hối tiếc những ngày sung túc và êm đềm trong chế độ trước đó.
Cộng sản thường phê phán văn học thời phong kiến là thứ văn học cung đình, bế tắc, văn học thời tư sản là thứ văn học nô dịch, phản động. Nhưng đến khi trải qua nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thì người ta mới nhận thấy đây là một nền văn học mặc đồng phục, tất cả lời ca tiếng nhạc, thơ phú chỉ nhằm một mục đích duy nhất là ca tụng Bác và Đảng. Đây là một nền văn học nghèo nàn đến thảm hại, nó không có sức sống và tàn lụi theo thời gian. Sau này, trong thời kỳ đổi mới, Cộng sản cho tái bản lại một số nhiều văn thơ thời tiền chiến và được quần chúng nhân dân đón nhận nồng nhiệt. Văn thơ khi đã hay và bất hủ rồi thì bao giờ cũng vượt thời gian. Chẳng hạn như truyện Kiều đã qua hàng trăm năm nhưng vẫn giữ được giá trị tuyệt vời của nó. Nguyễn Du tác giả truyện Kiều băn khoăn không hiểu 300 năm nữa có ai còn nhớ đến ông không. Câu trả lời là người đọc còn yêu quý ông đến muôn đời, muôn thuở. Con người văn minh có thể có những công trình xây dựng đồ sộ, vĩ đại hơn ngày xưa nhưng chuyện sáng tác văn thơ thì chưa chắc thời hiện tại đã có những tác phẩm văn, thơ hay hơn thời quá khứ.
Người dân miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã có cơ hội sống và thấm thía với sự bạo tàn của chế độ Cộng sản. Dĩ nhiên là họ thương tiếc thời quá vãng vàng son, một thời mà họ được sống sung túc về vật chất và thoải mái về tinh thần. Cộng sản thường phê phán sự sung túc, trù phú của miền Nam là "phồn vinh giả tạo". Sau vài năm cai trị, Cộng sản đã biến sự "phồn vinh giả tạo" ấy thành đói khổ thật sự. Người miền Nam nhìn thấy rõ sự khác biệt đó và đưa ra nhận xét so sánh hóm hỉnh và chua cay trong câu nói phương ngôn thời đại:

"Đả đảo Thiệu Kỳ mua gì cũng có,
Hoan hô Hồ chí Minh mua cây đinh cũng phải xếp hàng."

Về vấn đề tự do trong cuộc sống thì họ cũng có ngay nhận xét:
"Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do"

(Sỡ dĩ có hai câu này vì đường Công lý (trước 75) được đổi tên là đường "Nam kỳ khởi nghĩa" sau 75 và đường Tự Do (trước 75) được đổi tên thành đường Đồng Khởi (sau 75)).
Lại có một nhạc sĩ còn đặt vấn đề "ai giải phóng ai" qua bài hát "Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh" khi người nhạc sĩ thấy người đi giải phóng còn tệ hại hơn kẻ "bị giải phóng".
Bài hát có một đoạn lý thú như sau:
"Nếu tôi có được phép thần thông. Năm năm về trước tôi sẽ đưa anh đi thăm Sài gòn. Để cho anh thấy rằng: anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh!)"
(Hình như tác giả bài hát độc đáo này là nhạc sĩ Nhật Ngân")

Thật ra chuyện đói khổ sau 1975 không phải là chuyện gây cho dân chúng thù hận Cộng sản. Chính cái chính sách đánh người ngã ngựa trong những trại tù cải tạo dã man đã làm cho người tù và những người thân nhân liên hệ với người tù tử nạn trong tù trở nên thù hận Cộng sản đến xương tủy. Những trại tù do Cộng sản lập ra sau 1975 không cải tạo được ai cả, chúng chỉ tạo cho sự thù hận chất ngất mà không biết đến bao giờ mới xóa tan được.
Người dân thương tiếc thời quá khứ vì thời quá khứ sung túc và êm đềm. Bây giờ câu hỏi đặt ra là một mai đây khi chế độ Cộng sản sụp đổ thì liệu người dân có thương tiếc chế độ Cộng sản không" Câu trả lời là thời Cộng sản cai trị là thời tận cùng của sự đói khổ vật chất và kềm kẹp về tinh thần nên người dân ở chế độ hậu Cộng sản sẽ có một cuộc sống hoàn hảo và tươi sáng hơn và họ không có lý do gì để thương tiếc một chế độ man rợ Cộng sản đã qua.. Thực tế nhân dân Liên xô và Đông âu hoàn toàn không tưởng nhớ đến chế độ Cộng sản trong quá khứ. Nhân dân Kampuchea cũng hoàn toàn không thương tiếc chế độ Cộng sản diệt chủng Pol Pot khi chế độ này bị sụp đổ sau 3 năm cầm quyền và giết chừng 2 triệu người Miên vô tội. Nhớ đến chế độ diệt chủng này là kinh tởm về những núi đầu lâu còn để lại của những nạn nhân bị tra tấn đến chết trong thời gian bọn quỷ đỏ Pol Pot cầm quyền. Ở Liên Xô thì có một số những đảng viên Cộng sản là còn đoái hoài đến chế độ Cộng sản cũ vì họ có đầy đủ quyền lợi trong chế độ Cộng sản cũ và quyền lợi của họ bị mất mát khá nhiều khi lịch sử sang trang.
Những ông chồng Việt Nam tỵ nạn khi đem gia đình sang định cư ở nước ngoài sau 1975 có phần lưu luyến đến thời kỳ người vợ yêu quý ngoan hiền, chung thủy. Ở thời kỳ xa xưa ấy, người đàn bà Việt khi lấy chồng là về gánh vác giang sơn nhà chồng, yêu thương kính trọng chồng và hy sinh cho con. Hoàn cảnh lưu vong với sự thấm nhiễm của văn hóa buông thả của Tây phương đã làm cho người vợ ngoan hiền ngày nào trở thành cứng đầu cứng cổ, không chung thủy với chồng mà cũng chẳng hy sinh cho con.
Người đàn bà Việt ở môi trường hải ngoại đa số coi chuyện ngoại tình như một lối sống tự do được luật pháp bảo vệ. Lối sống buông thả, thiếu đạo đức của người đàn bà đã phá hủy không biết bao nhiêu hạnh phúc gia đình. Cái tự do mà xã hội Tây phương ban phát cho người đàn bà Á đông là một lối sống trụy lạc, xấu xa, thiếu đạo đức. Bên cạnh những thành quả mà người tỵ nạn thành đạt được ở xứ lạ quê người còn có những đổ vỡ hạnh phúc do người đàn bà mất nết gây nên. Điều đáng buồn là tỷ lệ ly dị của gia đình Việt Nam cũng ngang ngửa với tỷ lệ ly dị khá cao của người bản xứ. Và có điều phũ phàng là đa số người đàn bà trong gia đình là người đâm đơn ly dị để phá nát hạnh phúc gia đình. Tình vợ chồng, nghĩa phu thê là chuyện của thời xa xưa cũ mà không một người đàn ông Việt nào ở hải ngoại lại không tiếc nhớ và trân trọng, nhất là đối với những gia đình tan vỡ.
Rồi lại có những bậc cha mẹ nhớ lại thời xưa cũ ở quê nhà được con cái phụng dưỡng từng li từng tí, giờ sang hải ngoại này cũng khó tìm được một người con hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ tới nơi tới chốn cho trọn đạo làm người. Tuổi già đối với xã hội văn minh như là một đồ phế thải và không còn được xã hội kính mến, trọng vọng. Nền văn hóa Á đông luôn là một nền văn hóa tôn trọng người già với tôn chỉ "kính lão đắc thọ". Con cái ở xứ người xem ra cũng bạc bẽo với cha mẹ vì lối sống Tây phương chứ không còn nồng ấm, thương yêu cha mẹ như khi còn trong nước. Người già ở hải ngoại do đó thường nghĩ ngợi về cách đối xử yêu thương, quý mến của con cháu dành cho mình khi đi vào thời kỳ bóng xế của cuộc đời ở quê nhà.
Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 rồi, cuộc sống con người dĩ nhiên ngày càng văn minh với đủ thứ phát minh tối tân để phục vụ. Nhưng không phải cứ càng văn minh là con người càng trở nên lương thiện, thuần phác, có khi ngược lại là đằng khác. Thật ra điều này Lão Tử đã nhận thấy từ hàng ngàn năm trước. Nhà biên khảo Nguyễn hiến Lê đã quảng diễn vấn đề này một cách tường tận như sau:
"Có thể Lão tử nhận thấy rằng trong vũ trụ, sinh vật nào càng nhỏ càng thấp như con sâu, thì cơ thể và đời sống càng đơn giản, chất phác; còn loài người thì thời thượng cổ, tính tình rất chấc phác, đời sống rất giản dị, tổ chức xã hội rất đơn sơ; càng ngày người ta càng hóa ra mưu mô, xảo quyệt, gian trá, đời sống càng phức tạp, xa xỉ, tổ chức xã hội càng rắc rối, mà sinhra loạn lạc, chiến tranh, loài người chỉ khổ thêm; rồi từ nhận xét đó mà ông cho rằng một tính cách của đạo là "phác" (mộc mạc, chất phác), loài người cũng như vạn vật do đạo sinh ra đều phải giữ tính cách đó thì mới hợp đạo, mới có hạnh phúc.

Chương 32, ông viết:
"Đạo thường vô danh, phác": đạo vĩnh viễn không có tên, nó chất phác"
(Trích "Lão tử" của Nguyễn hiến Lê, trang 72, nhà xuất bản Văn Hóa)

"Chương 37, ông bảo:
Trong quá trình tiến hóa, tư dục của vạn vật phát ra thì ta dùng cái mộc mạc, vô danh (vô danh chi phác) - tức đạo-mà trấn áp hiện tượng đó."

Chương 28 ông khuyên ta "trở về mộc mạc" (phục qui ư phác).
Như vậy "phác" là một tính cách của đạo, hoặc một trạng thái của đạo. Lão tử cũng dùng chữ đó để trỏ chính cái đạo nữa, vì ông cho nó là rất quan trọng, tượng trưng cho đạo. "Trở về mộc mạc" cũng tức là trở về đạo.
("Lão tử" của Nguyễn hiến Lê trang 73)

"Lão tử là triết gia đầu tiên, có lẽ duy nhất ráng tìm nguyên nhân sâu xa sự sa đọa của loài người. Khổng, Mặc chỉ tìm nguyên nhân sự loạn lạc của xã hội đương thời thôi: tại các nhà cầm quyền không theo đạo tiên vương (Nghiêu, Thuấn), tại vua không ra vua, không trọng sự giáo dục bằng lễ, nhạc (Khổng) hoặc tại mọi người không biết yêu người khác như yêu bản thân mình (Mặc) v..v..
Lão tử đi ngược lên nữa, bảo không phải vậy. Nguyên nhân chính, duy nhất theo ông là tại loài người mỗi ngày mỗi xa đạo, không sống thuận theo đạo, tức thuận theo thiên nhien, mất sự chất phác, có nhiều dục vọng quá, càng thông minh lại càng nhiều dục vọng, càng xảo trá, tranh giành nhau, chém giết nhau."
(Lão tử của Nguyễn hiến Lê trang 106).
Lão tử đã suy luận một cách rốt ráo về nguyên nhân của sự loạn lạc, suy đồi của xã hội một cách chính xác như sau:
"Mà Lão tử suy luận rất đúng. Con người vốn chất phác, chỉ vì các ông thánh của Khổng, Mặc đặt ra những giá trị giả tạo (hiền và bất hiền, quí và tiện, danh với lợi), gợi lòng ham muốn của dân, rồi dạy cho họ khôn lanh hơn nữa, thì làm sao không sinh ra loạn" Khi loạn rồi, họ đưa ra đức Nhân để sửa (như Khổng), sửa không được, họ dùng tới quan niệm Nghĩa (như Mạnh), hết Lễ tới Pháp, Thuật (như Hàn Phi). Hiện nay khắp thế giới đâu đâu cũng dùng thuật và sức mạnh. Các phương tiện bọn triết gia và chính trị gia dùng mỗi ngày một mạnh lên mà kết quả là xã hội càng loạn, càng sa đọa."
(Lão tử của Nguyễn hiến Lê trang 107)
Từ mấy ngàn năm trước, Lão tử đã nhìn thấy mối hiểm họa của xã hội con người trên con đường đi tới, Ngày nay nhìn sinh hoạt ở những nước tiên tiến phương Tây, chúng ta thấy ông có một cái nhìn thật sáng suốt và sâu sắc:
 "Tri túc là điều kiện cốt yếu của hạnh phúc mà phương Đông chúng ta biết coi trọng. Ngoài hai câu dẫn trên trong Đạo đức kinh, người Trung Hoa còn những châm ngôn này nữa: "Tri túc, tiện thị túc, đãi túc, hà thời túc" (Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ") và "Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn" (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nếu nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy). Người phương Tây trái lại, muốn được thêm hoài, không biết thế nào là đủ, không biết ngừng lại, cho nên họ tiến mau, phú cường, nhưng chịu họa cũng lớn, và hiện nay đã có nhiều người nghĩ phải chặn lại cái nền văn minh tiêu thụ lại, không cho nó tiến thêm nữa."
(Lão tử của Nguyễn hiến Lê trang 111, 112)
Cho dù văn minh có tiến triển tới đâu và khoa học có tối tân đến cỡ nào đi nữa thì con người làm sao giữ được tính hồn nhiên của trẻ con thì đó mới là điều kiện chính để có hạnh phúc. Mạnh tử đã từng dạy: " Bậc có đức lớn vẫn giữ được lòng mình khi mới sinh ra" (Đại nhân bất thất kì xích tử chi tâm). Chứ văn minh càng cao mà con người càng dối trá, gian tham thì đời sống quả là một tai họa. Người ta thường hướng về quá khứ xa xăm vì ở thời kỳ đó có con người thuần khiết, trong trắng và đó là điều kiện lý tưởng để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc, thương yêu.
Cho tới giờ này ai cũng phải công nhận thời cổ sơ Nghiêu Thuấn xứng đáng gọi là thời Hoàng Kim thời đại. Nó tốt đẹp đến nỗi đồ rơi ngoài đường không ai lượm và tối đi ngủ không cần đóng cửa để ngăn ngừa trộm cướp. Cứ nhìn xã hội văn minh hoàn cầu hiện tại thì mới thấy thua xa thời Nghiêu, Thuấn xa xưa.
Chế độ Cộng sản rồi cũng sẽ đến lúc tàn lụi theo quy luật của trời đất vận hành. Đó không phải là một giấc mơ huyễn hoặc mà là một thực tế hiển nhiên vì ngày càng có nhiều đứng lên tranh đấu. Hòa thượng Quảng Độ cách đây không lâu đã tuyên bố với Đài Á châu tự do là Đại hội 10 của Đảng Cộng sản vừa rồi là đại hội cuối cùng, sẽ không bao giờ có đại hội thứ 11. Ngày Cộng sản Việt nam sụp đổ cũng là ngày dân Việt bắt tay nhau để xóa bỏ tàn tích xấu xa của cái chủ nghĩa vô nhân, phản khoa học này. Chắc chắn sẽ không còn ai có lương tâm và ý thức mà còn tưởng nhớ đến chế độ Cộng sản đã gieo rắc không biết bao nhiêu là tội ác đẫm máu trên quê hương Việt Nam yêu dấu.
Người dân sẽ nhớ đến ngày xưa là ngày mà quê hương Việt Nam có cô nàng thôn nữ đập lúa dưới trăng vàng, có chàng hàn sĩ canh tàn còn chong đèn đọc sách, có những người cha mẹ hiền lo lắng thương yêu con, có những trai gái, vợ chồng chung thủy yêu thương nhau thắm thiết, có những đàn con nỗ lực phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già bóng xế, nói chung mọi người đều có một cuộc sống vật chất no đủ và một đời sống tinh thần thoải mái. Đó là một giấc mơ nhiều ý nghĩa và sẽ trở thành hiện thực nếu mọi người đều bỏ công sức để xây dựng nên. Chắc chắn cuộc sống êm đềm và trù phú của ngày xưa sẽ không còn là một giấc mơ xa vời mà là một ước vọng có thể đạt được bằng ý chí và công sức của tất cả mọi người có thiện tâm. Một mùa xuân đích thực sẽ đến với tất cả mọi người chứ không còn là những hoài vọng mông lung về thời dĩ vãng xa xưa.
Los Angeles, một chiều se lạnh có nắng nhạt cuối tháng 9 năm 2006
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG
Email: dalatogo@yahoo.com
(Muốn đọc tất cả những bài viết của Trần viết Đại Hưng, xin vào www.nsvietnam.com rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng ở bên trái).

No comments:

Post a Comment