Monday, July 22, 2019


Biển Đông: Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ

Saturday, October 20, 2018

Biển Đông: Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ? - Thường Sơn


(VNTB) – Chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ giúp trả lời một câu hỏi hóc búa và thú vị:

Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ?

Đã từ lâu, giới quân đội và ngoại giao Việt Nam, và tất nhiên cả dàn chóp bu qua các đời trong Bộ Chính trị Việt Nam, đều luôn khẳng định là ‘Mỹ cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ’, kể cả vào thời Nguyễn Phú Trọng đã ‘mót’ Hiệp định TPP đến mức phải chấp nhận với Obama về việc sẽ cho phép định chế công đoàn độc lập lần đầu tiên tồn tại ở Việt Nam, và ngay vào lúc này khi chính thể độc đảng ở Việt Nam, không còn cách nào khác, phải dựa vào sức mạnh của hải quân Mỹ để ‘can đảm lao ra biển lớn’ nhằm khai thác dầu khí trước hàm răng nhọn hoắt của con cá mập Trung Quốc.

Từ giữa năm 2017 đến nay đã xảy ra những biến cố đủ lớn khiến Nguyễn Phú Trọng, Bộ Quốc phòng và Bộ Chính trị Việt Nam không còn quá mê đắm trong động tác đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tháng Bảy năm 2017, hải quân Trung Quốc đã gây sức ép ở quần đảo Trường Sa và Bãi Tư Chính khiến Việt Nam phải muối mặt yêu cầu Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam – câm lặng rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Sau vụ bỏ chạy không dám ngoái cổ ấy của liên doanh dầu khí Việt Nam – Tây Ban Nha, đã có tin quốc tế xác nhận ý đồ của hải quân Trung Quốc là có kịch bản tấn công quân sự, đặc biệt khi ‘bạn vàng’ này đã đưa cả một giàn phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016.


Photo Credit: businesstimes
Vào năm 2017, khoảng gần 2 tháng sau khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính lần đầu tiên, một viên tướng Trung Quốc là Phạm Trường Long – Phó chủ tịch Quân ủy trung ương – đã đến Hà Nội. Khi đó, tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ là Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam – Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý). Những lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại bị vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt chéo qua. Nhưng sau khi bị giới chóp bu Việt Nam phản đối, tướng Phạm Trường Long đã bỏ về thẳng mà không ở lại dự “giao lưu quân đội Việt – Trung”.
9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. 
Vào tháng Tư năm 2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Lần thứ hai phép thử lấy tiền trong túi quần của mình đã không thành công. Chính thể Việt Nam đã rơi vào cảnh nạn bĩ cực đến mức dù quá muốn khai thác dầu khí ngay trong vùng chủ quyền của mình cũng phải bó tay. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc.

‘Không có công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào các dự án ngoài khơi Việt Nam’
– báo chí quốc tế bình luận

Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị – ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền – và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’, liên quan đến số phận treo niêu của các mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lan Đỏ, chưa kể những mỏ khác.
Bản chất của những va chạm giữa hai chế độ “anh em” rốt cuộc chỉ là dầu khí và quyền được khai thác dầu khí. Chắc chắn là khi đưa ra yêu sách trên, các chuyên gia phân tích tâm lý chính trị ở Bắc Kinh đã nắm rất rõ tinh thần “văn dốt võ nhát” “chưa đánh đã chạy” của một số quan chức cao cấp ở thượng tầng chính trị Việt Nam.

Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính, mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, và mỏ Lan Đỏ là một số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt.
Chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ, chấm dứt toàn bộ hy vọng tự tạo được ngoại tệ để có thể trả nợ nước ngoài lên đến 10 – 12 tỷ USD mỗi năm.

Từ đầu năm 2016, tàu chiến Mỹ đã tiến vào Biển Đông để bảo vệ an ninh hàng hải trước sự phá rối và đe dọa của hải quân Trung Quốc, bất chấp Việt Nam có muốn hay không. Từ đó đến nay, Việt Nam đã chỉ có thể phát ngôn ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ như một thái độ đồng thuận không hẳn là bất đắc dĩ.
Nhưng nếu không có lực lượng hải quân Mỹ áp sát Biển Đông, dù Bộ Chính trị Việt Nam có ‘uống thuốc liều’ xua quân lao ra biển dể khai thác dầu khí, sẽ chẳng có cơ may nào được cho phép bởi ‘bạn vàng’ Trung Quốc.

Bây giờ thì Mỹ cần Việt Nam hay Việt Nam cần Mỹ?

Theo VNTB
TVQ chuyen
Posted by hoangsaparacels.blogspot.com at 9:36 PM

No comments:

Post a Comment