Saturday, July 6, 2019


Những Bí Ẩn Của Tháp Chàm
Những Bí Ẩn Của Tháp Chàm
04/08/2006 00:00:00(Xem: 1697)
Mường Giang
Nhạc sĩ Văn Cao vào thăm xứ Huế, có một đêm cùng nàng ca kỹ đất thần kinh, đờn lạnh trên sông Hương, đến lúc thần trí biến thành khói sương, đã nhìn cảnh chùa Thiên Mụ, bỗng cảm nhận rằng  chung quanh ông, như có vài giọt Tháp Chàm từ trời xanh rơi xuống.

Thật vậy, ai đã từng một mình, lầm lũi trong bóng hoàng hôn giữa mùa thu hanh vàng, mà văng vẳng như còn chớm lại một chút heo mây bàng bạc, qua những nẻo đường quê của bốn quận miền bắc Bình Thuận. Ở đó xa mờ từng ngôi tháp Chàm đơn quạnh trên đồi gió, khiến cho ai nhìn, cũng sửng sờ vì  ngỡ là những tha nhân đang đồng hành với thời khắc và không gian vô tận.

Tất cả rất lạ trong nỗi buồn phảng phất trên mặt đá, thản nhiên đi qua cuộc đời, khiến cho ta cũng phải bâng khuâng trong những bước về đi quanh quẩn.

Hỡi ơi đời người trong cung thương tang điền đó, không biết phải có bao nhiêu biển nhớ mới đủ, để mà xẽ chia nỗi sầu cùng với những người thiên cổ" hay vẫn chỉ thấy ruột gan đòi đoạn, suối lệ đầm đìa, não nùng hờn hận và dùng dằng lúc chia tay.

Đứng trước tháp Chàm, bỗng ngao ngán vô cùng cho số phận khắc nghiệt của trái tim đau. Cho nên trong nỗi chờ thiên cổ, có lúc ta và tháp đá đã hòa chung nỗi đam mê khắc khoải trong mưa thu hiu hắt, lệ mặn chát môi và cứ thế mà ngóng cho tới bao giờ.

Mưa thu làm rụng cánh hoa mướp vàng đeo đầy trên những hàng giậu tre đan trước ngõ, nhưng không đủ để tẩy xóa rêu bụi thời gian bám đầy tháp cổ. Những nẻo đường Ma Lâm, Phan Rí, Long Hưong, Phan Rang nắng gió cát biển, bao đời vẫn chưa thay đổi bước chân người Chàm với các tà áo đủ màu vàng xanh hoa lý, bó sát những người phụ nữ một nắng mười sương đam chiêu khắc khổ. Bước chân lê thê in bóng, trên những đường quê cát bỏng, trong buổi chiều tà, làm kẻ hành nhân qua đó thêm thương, thêm lệ.

Dọc theo con đường thiên lý từ Phan Thiết ra tới Thừa Thiên, đó đây vẫn còn nhiều đền tháp của người Chàm để lại, tuy bị phong sương dầu dãi nhưng không đánh mất nét kiêu hãnh của một thời vang bóng như các tháp Pô Naga, Hòa Lai Pô Klong Girai, Pô Romê, Pô Shanư, Cánh Tiên, Mỹ Sơn, Trà Kiệu.

 Tới nay cũng vừa đúng 100 năm phát hiện khu di tích Mỹ Sơn và nhiều công trình khảo cứu được công bố nhằm xác định lại các niên lịch, phong cách kiến trúc, tuy nhiên cũng chỉ là công việc quan sát để diễn tả, mà chưa chính thức đi sâu vào hồn của đá gạch bên ngoài, từ lâu vốn xa lạ với nhà khảo cổ.

Ai cũng biết tháp Chàm là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của dân tộc Chiêm Thành, thể hiện tài năng của người xưa đã đạt tới kỹ thuật xây cất tinh vi khi xây tường, mà không cần dùng hồ vữa, khiến cho tác phẩm càng tăng thêm thẫm mỹ. Trong công trình xây dựng tháp, mới đây qua sự nghiên cứu lâu năm của một chuyên viên tên Lê văn Chỉnh, cho biết 'Chính viên gạch mới là yếu tố quyết định.'

Theo tác giả trên, người Chàm xưa làm gạch bằng cách đem đất sét tươi phơi khô, tán giả thành bột và trộn chung với chất phụ gia, rồi sú nước nhồi đất cho thật nhuyễn trước khi đem in. Nhiệt độ nung gạch cũng phải nhất định, để không chín quá, khiến chất phụ gia bị phế thải, làm cho viên gạch bị 'khốc' giảm đi giá trị, ngược lại không chín đủ, gạch bị bể không xây được.

Gạch nung xong lại được ủ kín trong lò, qua một thời gian, để viện gạch không bị dương hóa quá sớm, làm mất màu, độ dịu và sự dính kết bền chặt. Quan trọng hơn hết là móng nền của tháp, nơi chịu đựng cả một trọng lượng gạch nặng nề bên trên, tất cả đều dùng chung một loại gạch, để toàn khối tháp đều được dẫn truyền, thu nhận nguồn năng lượng âm dương đồng đều, khiến cho các viên gạch dù ở vị trí nào cũng luôn tươi nhuận màu sắc cố hữu.

Về kết cấu nền móng, người Chàm dùng đá cuội và cát làm lớp dưới, xong đem gạch giã vụn trộn thêm chất dính, sú nước và nện làm thành một tảng đá bất dịch với thời gian. Một bí mật khác là chu vi móng nền, luôn bằng chiều cao tháp, để quân bình trọng lượng. Theo các chuyên viên xây cất đời nay, thì việc làm nền móng rộng như thế, là để tăng cao độ điều tiết năng lượng lên, vì gạch Chàm vốn xốp nên hút và thấm nước thật nhanh. Bởi vậy chân tháp càng rộng thì tháp càng mau thoát nước vào mùa mưa, và ngược lại độ ẩm ở dưới cũng truyền nhanh lên đỉnh tháp vào mùa nóng bức.

Tóm lại tháp Chàm là một tổng thể kiến trúc, bao gồm một Kalan, tức là tháp chính và nhiều ngôi tháp nhỏ, cùng nhiều công trình phụ với những tiêu phẩm điêu khắc đặt trong lòng tháp như các tượng thần, vua chúa, hoàng hậu, vũ nữ và các bộ Linga-Yoni. Ngoài ra những bí ẩn về tháp Chàm hiện nay về phương diện xây cất, mặc dù được Lê văn Chỉnh giải thích là do viên gạch cùng với những giả thuyết cho rằng người Chàm xây tháp bằng gạch sấy khô, chạm khắc rồi nung đỏ cả tháp. Lại có thuyết nói là họ dùng dầu rái để làm dính các viên gạch hay chỉ mài nhẵn mặt các viên gạch trong nước rồi xếp lên, khi khô gạch sẽ dính chặt với nhau, mà không cần dùng chất kết như ciment hiện nay. Nói chung dù có dược giải thích thế nào chăng nữa, thì những bí ẩn của tháp Chàm, cũng như Người và Đất Chiêm Thành, chắc chắn vẫn không thay đổi, trừ phi những người trăm năm cũ đội mồ sống lại, vén màn bí mật.

+ NHÓM ĐỀN THÁP PÔSHANƯ Ở PHÚ HÀI, BÌNH THUẬN:


Kiến trúc tháp Poshanu nhìn từ bên ngoài


Các viên gạch rất cứng được kết dính không phải bằng xi-măng


Thông tin về tháp

Vào tháng 4-1995, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ở Lầu Ong Hoàng, thuộc xã Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Tại khu vực này, còn nhiều dấu tích và sự sống của người xưa  lựu lại, như những chiếc rìu đá, mộ vò bằng gốm thô, được xếp vào nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, có niên lịch cách nay chừng 2500-3000 năm. Điều này chứng tỏ trước khi Phù Nam và Lâm Ap lập quốc, ở đây đã có thổ dân sinh sống.

Riêng nhóm tháp Chàm Pôshanư có niên lịch vào khoảng thế kỷ thứ VIII nhưng các di vật đào thấy từ lòng đất thì có sớm hơn, vào khoảng thế kỷ thứ VI-VII. Đặc biệt các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều đồ vật, được xác nhận là của vương quốc Phù Nam. Tất cả qua khảo cổ, đã cho chúng ta hiểu biết phần nào về những giai đoạn lịch sử trọng đại của bán đảo Đông Dương như tài liệu đã minh xác: "Khánh-Bình là đất của Phù Nam, sau đó bị Chiêm Thành sáp nhập."

Vào giữa thế kỷ thứ VIII, miền Bắc có nhiều biến động, nên trung tâm Chiêm Thành dời vào vùng Khánh-Bình, xây dựng tháp Pônagar hay là Tháp Bà hiện còn tại Nha Trang. Giai đoạn này được gọi là Vương triều Panduranga, truyền được sáu đời vua, kéo dài một thế kỷ. Sau đó trung tâm của Vương quốc lại di chuyển về bắc. Châu Panduranga lại bị bỏ hoang làm trái độn, giữa biên giới hai nước Chân Lạp-Chiêm Thành, cho tới năm 1697 trở thành tỉnh Bình Thuận.

Từ đó, vùng đất hoang vu này, nhờ  có lưu dân Đại Việt từ miệt ngoài vào khai khẩn lập nghiệp, ở trên bờ cũng như dưới biển, mới có Bình Thuận ngày nay. Bởi vậy ở Phan Thiết, trong khoảng thế kỷ IX-XVII, không có một công trình kiến tạo nào ngoài nhóm đền tháp cũ từ trước.

Nhóm đền tháp Pôshanư cách Phan Thiết chừng 7 km về hướng đông bắc, trên đường đi Mũi Né, Hòn Rơm, vùng đất du lịch mời khái thác, rất được người tứ xứ ưa chuộng. Tháp tọa lạc trên đỉnh đồi, mang một cái tên rất huyền thoại, đó là Lầu Ông Hoàng. Tháp rất cổ, vì được dựng lền từ thế kỷ thứ VIII, để thờ thần Shiva.

Sau đó vào thế kỷ thứ XV, lại xây thêm tháp thờ công chúa Pôshanu, nên cả nhóm tháp mới có tên chung là Pôshanư từ đó. Phong cách kiến trúc ở đây, được xếp vào nghệ thuật Hòa Lai, giống như lối kiến trúc các tháp Chàm tại thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam, có trên 1200 năm tuổi thọ.

Do trên, các tháp Chàm ở đây hầu như khác biệt với những di tích Chiêm Thành ở Ninh Thuận. Tại Phan Rang, các di tích kiến trúc đều xây bằng các trụ hình vuông và hình chữ nhật, lại trang trí đầy các tượng đá, lá nhĩ, hình thù thú vật bằng đá rất quái dị. Trái lại tháp Chàm Pôshanư được xây bằng loại gạch lớn được mài nhẵn và có dùng chất dính. Bên ngoài các trụ áp tường hình tròn, không dùng đá trong việc xây cất hay trang trí, tóm lại toàn bằng gạch, đó là những điểm đặc biệt của phong cách nghệ thuật Hòa Lai.

 Trong số nhóm tháp tại đây, các tháp có từ thế kỷ VIII, hiện còn 3, gồm một tháp chính và 2 tháp phụ. Riêng tháp thờ công chúa Pôshanư, đã bị vùi sâu dưới lòng đất từ thế kỷ thứ XVII, nay mới được phát hiện qua công trình khảo cổ. Riêng phía trong tháp chính, còn thấy bệ thờ ngẫu tượng Shiva là bộ Linga-Yoni, tạc bằng đá xanh đen, cùng với những điêu khắc khác cũng bằng đá, được chạm trổ rất tinh vi nghệ thuật.

Tại tháp B còn lưu trữ nhiều tài liệu liên quan đến tín ngưỡng, trong đó có nói tới sự thờ con bò Thần Nandin bằng đá rất lớn như tại các đền tháp Chàm tại Ninh Thuận, nhưng nay đã biến mất. Tháp Pôshanư từ lâu vẫn do nhóm người Chàm sinh sống tại Ma Lâm Chàm gìn giữ và phụng cúng, theo truyền thống của tổ tiên bao đời.

Ngoài ra ở đây còn có nhiều tượng đá linh ứng mà người Chàm xưa thờ cúng gọi là ông Dàng-Bà Dàng. Tại Thạch Long, thuộc quận Hải Long còn truyền thuyết về lăng vợ chồng ông bà Dàng, là đôi thanh niên nam nữ, bị người Chàm chôn sống để làm phép ếm đối trấn giữ vàng bạc châu báu, đã chôn trong thời chiến tranh. Sau này người VN đến ở và tiếp tục lập miếu thờ cúng hằng năm, để tránh bị Quỹ Dàng khuấy phá.

 Tại Phú Hài trên đồi Ngọc Lâm, còn có một tháp thờ Đốc phủ người Chàm. Kế bên có một ngôi chùa, xây cất theo kiểu Chiêm Thành, bằng đất đun chín có chạm khắc rất đẹp. Vì thế chùa này được gọi là chùa Tháp. Tương truyền chúa Nguyễn Anh trên đường tẩu quốc, thuyền có ghé vào đây, nên đã sắc từ là Bửu Sơn tự. Trên đảo Phú Quý, ngoài khơi cách Phan Thiết hơn 100km,  còn có một miếu thờ Bà công chúa Chàm

Trong tỉnh Bình Thuận, ngoài nhóm tháp Chàm tại Phú Hài, dọc theo quốc lộ số 1 từ Phan Thiết tới Tuy Phong có 5 xã Chàm và 5 xã Thượng nhưng quan trọng hơn hết, là dù Chiêm Thành tuy bị vong quốc hơn ba thế kỷ, nhưng hầu hết các di lịch lịch sử của họ, đã được các chính quyền và dân Đại Việt tỉnh Bình Thuận, trân quý bảo vệ giữ gìn rất tích cực, dù các ngôi tháp trên gần như nằm trong các khu vực mất an ninh. Trong khi đó, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, qua thời gian chín năm chống giặc Pháp, đã bị cái gọi là VC-Liên Khu 5, bắt tiêu thổ thành bình địa, ngoại trừ nhà cửa, tài sản của người Việt gốc Hoa.

Bởi vậy nên Phật Viện Đồng Dương ở Quảng Nam, bị đập tới viên gạch cuối cùng. Tệ hơn trong thời gian chiến tranh xâm lược miền Nam (1955-1975), VC trốn vào Thánh địa Mỹ Sơn, rồi bắn phá chọc ghẹo Mỹ và VNCH, khiến cho Hoa Kỳ phải giội bom vùng này, làm hư hại nhiều di tích của tiền nhân để lại từ mấy chục thế kỷ qua.

Cũng trong địa phận Bình Thuận, tại Phú Điền, xã Long Hương còn tháp Phô-Chô Caikru (ông Gũ), ở Long Điền có miếu Pô Praga (ông Gạo), được cả người Việt lẫn Chiêm, tôn thờ làm Thành Hoàng. Ngoài ra còn nhiều di tích của người Chàm xưa được tìm thấy ấp Long Phước, xã Phước Thể, quận Tuy Phong gồm các tượng của thần Bamung, Pô Nagar, Tagar Chak, Uma hay các Kút bằng đá thờ thần Pô Pan.

Tại động Ngọc Sơn, xã Chợ Lầu, quận Hòa Đa, ngày nay còn dấu tích tháp vua Pô Kloon Ghul, nằm giữa những động cát trắng, trông giống như tường thành bao bọc. Theo sử liệu, Pô Kloon Ghul, sinh tại làng Ninh Hoà, xã Hựu An, quận Phan Lý Chàm ngày nay. Từ năm 1773-1774 người Chàm theo Tây Sơn nổi lên chống lại chúa Nguyễn. Tại Thạch Thành ở Phú Yên, nữ chúa Thị Hỏa vì vậy nên bị Tống phúc Hợp giết.

Tại Thuận Thành Trấn, từ năm 1693 trở đi, các Phiên vương Kế Bà Tử rồi Chưởng Cơ Tá lần lượt kế tập thế truyền. Năm 1782, Tây Sơn vào Bình Thuận, Tá đem vàng bạc và ngọc ấn ra hàng. Năm 1788, Nguyễn Anh từ Gia Định ra Trung, bị quân Tá chận đánh dữ dội, nhưng cuối cùng cũng bị Nguyễn văn Hào thuộc phe chúa Nguyễn giết tại Phan Rí. Từ đó, chúa Nguyễn Anh chấm dứt vương hiệu của Chiêm Thành mà chỉ phong Nguyễn văn Chiêu làm chưởng cơ, Nguyễn văn Hào và Nguyễn văn Chân làm cai cơ, cùng trấn giữ đất Thuận Thành.

Thật sự cả ba người trên đều là người Chàm. Riêng Nguyễn văn Chiêu tên thật là Môn-Lai-Phù-Tử. Phiên vương Chiêu hay Pô Kloon Ghul tại vị được 27 năm, khi mất được người Chàm xây tháp để thờ. Ở Lương Sơn, các tựong đá của Pô Kloon Mon Nai, Pô Bia Xom được thờ trong chùa Thuận Đông. Tại Ap Hòa Thuận, xã Chợ Lầu còn 5 miếu nhỏ bằng đá, mà người Chàm gọi là Kút, thờ các tro cốt trong hoàng tộc vua Pô-Rômé, cũng như nhiều tro cốt khác, trong đó có vua Pô-Yang-Thak (1627-1651).

Cũng tại bốn quận miền bắc Bình Thuận, nay còn sót lại vòng thành sông Lũy. Thành này nay thuộc liên ranh ba quận Hải Ninh, Phan Lý Chàm và Hoà Đa, được xây bằng đá ong, có chiều dài 3m, cao 4m, bao bọc hai mặt đông-tây con sông, chạy dài trên 5 km. Đây là thành lũy cuối cùng của vua Bà Tranh, chống ngăn quân Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh năm 1692. Thành bị hư nhiều chỗ nhưng vẫn được bảo quản tốt và nằm sát quốc lộ số 1, cách Phan Thiết chừng 50 km.

Trong quận Phan Lý Chàm, còn có núi thần Yan-Yin được truyền tụng. Đây là một thắng cảnh cũng là một di tích của người Chàm. Núi nằm về phía tây thị trấn Sông Mao chừng 17 km. Trên đỉnh núi có một tảng đá rất lớn, bằng phẳng, từ đó có thể nhìn xuống một thác nước chảy vào một thung lũng, có la liệt những hình đá trông nhu bình rượu, yên ngựa và kỳ hoa dị thảo mà quý nhất là phong lan, tỏa hương sắc bốn mùa.

Kế bên lại có ngọn núi cao thật hùng vỹ, người Chàm bảo đó là chốn ngự tọa của thần Yan-Yin. Tại Thanh Vụ hay Xa Raik, sau này được người Việt gọi là Đại Hòa, xã Lạc Trị có tháp thờ bà Chúa Xứ với tượng tạc bằng ngọc thạch. Ap Vĩnh Hanh còn tháp thờ Pô Khrah Trà Toàn. Pô Khrah là triều đại Chiêm Thành luôn xãy ra nhiều biến loạn vì sự tranh giành ngai vàng cũng như nạn đói trong nước.

Giữa thế kỷ XV, kinh đô Chà Bàn (Pan Angui) thất thủ, Trà Toàn cùng hoàng tộc chạy vào lánh nạn tại vùng thượng du Mạng Tè (Tánh Linh-Bình Tuy). Sau đó Đại Việt rút quân về, nên Chiêm Thành trở lại chiếm Phú Yên và đóng đô tại Bley-Bait-Pa-Nan tức Tuy Hòa nhưng cuối cùng Trà Toàn rút về Châu Hanh và mất tại đó. Trong tháp hiện còn một chậu nước phép, ba hòn đá thờ, một lư hương và nhiều Kut bằng đá.

Một tháp khác cũng trong xã Lạc Trị, ấp Phú Nhiêu thờ vua Pô Kok Dih cũng là tên của vua Pô Long Gari cũng có tháp chính tại Phan Rang. Đây là một vị minh quân, làm vua từ năm 1166, đồng thời với vua Lý Anh Tôn. Vì có nhiều công trạng với nước, nên người Chàm nhớ ơn và lập đền tháp khắp nơi để phụng thờ. Trong lúc sinh tiền, vua hay ngự về Phú Nhiêu nghĩ mát, nên dân chúng ở đây có lập bia kỹ niệm. Tại Ap Lạc Trị còn dấu hành cung của vua Trà Duyệt và mộ của Pô Tathun Ghnoh (ông Gũ), bị Tây Sơn đầy lên Đồng Nai Thượng mất năm 1711.

Tại ấp Thanh Hiền xã Hựu An còn tháp thờ vua Pô-A-Nith, người Chân Lạp đã cướp ngôi vua Chiêm Thành vào thế kỷ thứ XVI. Ong này là con của Pô Kloon-Ha-Lâu. Triều đại này kéo dài được vài chục năm mới mất. Hiện còn di tích hành cung của Pô Klon Ha Lâu và Yai Pa Ral, nằm bên hữu ngạn sông Lũy, đối diện với chùa Bà Thiên Hậu do người Minh Hương đã lập ra.

 Tại xã Tịnh Mỹ hiện còn nhà của bà quận chúa em vua Pô Klon Ghol, với các bảo vật của vua Chàm để lại như 2 mũ vàng, 3 mũ hoàng hậu, một đôi xuyến vàng, 1 đôi bạc, 3 đôi hoa tai và các xiêm áo. Trong ấp này còn có Công chúa Nguyễn thị Thêm cũng giữ một số báu vật của các vua chúa Chàm. Tóm lại khắp các làng mạc xa gần trong quận Phan Lý Chàm, hầu như nơi nào cũng còn nhiều di tích và tháp đền lớn nhỏ thờ cúng các vi vua chuá và hoàng tộc Chiêm Thành.

Người ta nói Bình Thuận là đất vua ở cũng rất đúng, vì nơi này có Lạc Trị, Hậu Quách, Phố Hải, Ma Lâm Chàm.., còn lưu dấu đầy rãy bia ký, lăng mộ cùng nhiều kỷ vật thời xưa của các vị vua chúa nước Chiêm, đó là chưa kể tới Phố Hai từng là nơi phát tích của Thị tộc Cau (Kramucavamca) , vào thế kỷ thứ VI sau TL, mà di tích sót lại là nhóm đền tháp trên đồi Ngọc Lâm.
Gặp người giữ Tháp Champa thờ nữ thần Po Sah Inu tại Phan Thiết

+ THÁP PÔ KLONG GIRAI Ở PHAN RANG:


Toàn cảnh quần thể khu di tích, vé vào cổng là 15.000 đồng/người lớn.


Cổng chính lên tháp với kiến trúc mái vòm độc đáo

Tháp cổng ở phía Đông và tháp Thần Lửa chếch phía Nam có mái hình thuyền
Còn được gọi là Tháp Chàm,xây trên một ngọn đồi gần ga xe lửa và quốc lộ 11, Phan Rang-Đà Lạt. Theo truyền thuyết, thì tháp do chính nhà vua xây, về sau dân chúng đắp tượng nhà vua để thờ cúng. Ong là một minh quân, có nhiều công lớn với nước Chiêm Thành. Thời gian trị vì từ năm 1151-1205, đã thực hiện được nhiều việc làm có ích lợi, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp. Ong đắp đập Nha Trịnh trên sông Kinh Dinh, rất thuận tiện trong việc dẫn thủy nhập điền, đập này đến nay vẫn còn được xử dụng. Riêng tháp Pô Klong Girai gồm một tháp chính và nhiều tháp phụ xung quanh. Hiện tháp được coi như một trung tâm thờ phụng các vua chúa Chàm, trong cộng đồng chung của sắc tộc Chiêm Thành. Ngoài ra nơi này còn là nơi để tiến hành các lễ hội ngày tết, văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền Chiêm Thành.
Tháp Chàm Poklong Garai Phan Rang - Góc nhìn từ Flycam! 

+ THÁP BÀ NHA TRANG:







Còn được gọi là tháp Pô Nagar ở Xóm Bóng, Vĩnh Phước, Nha Trang trên QL1. Toàn bộ khu tháp đứng trên một ngọn đồi, sát bờ sông Cái, trông ra biển đông. Đây là thánh địa của vương triều Panduranga, được xây vào thế kỷ thứ IX. Qua dòng lịch sử, Tháp bị tàn phá nhiều lần rồi lại được trùng tu, cho tới khi thuộc Đại Việt, mới được bảo toàn cho tới ngày nay.

Tháp thờ nữ thần Pô Inư Nagar hay Thiên Y A Na là bà chúa xứ nước Chiêm Thành. Đây là một cụm tháp gồm nhiều tháp nhỏ. Trước kia có 6 tháp, 2 tháp thờ ông bà Thiên Y, hai tháp thờ cha mẹ nuôi và hai tháp còn lại thờ con cái của nữ thần. Hiện nay chỉ còn có 4 tháp gồm điện chính lớn nhất thờ bà. Ngoài ra còn các tháp tây, nam. Tháp chính có chiều cao 22,48m, nền tháp cao 1m. Có khám thờ cao 10.8m, bên trong thờ tượng nữ thần và ngẫu tượng Yoni. Trên các tầng tháp đều có nhiều tác phẩm điêu khắc các tiên nữ bay lơ lửng trên không, đứng xa tưởng như sắp sà xuống trần thế. Tháp hiện nay gần như thuộc về người Việt và Hoa đến nhang khói cúng bái. Người Chàm chỉ tới cúng tháp Bà ở Ap Hữu Đức, xã Phước Hữu, quận An Phước, Ninh Thuận mà thôi

Tháp Bà Ponagar Nha Trang - Công trình kiến trúc vĩ đại của người Chăm


+ THÁNH ĐỊA MỸ SƠN Ở QUẢNG NAM:


My_Son


Di tích Mỹ Sơn là một quần thể lịch sử với hơn 70 ngôi đền tháp

Nghệ thuật điêu khắc Chăm
Cách Đà Nẵng về hướng tây-tây nam khoảng 68 km, nằm sâu trong một thung lũng bốn bề là núi non chớn chở bao kín. Đây là nơi thu hút được nhiều nhà khảo cổ khắp nơi, vì bên trong chứa đựng quá nhiều bí ẩn không ai giải thích được. Đặc biệt thánh địa, chỉ để thờ cúng thần linh, nên theo quan niệm của An Độ giáo, phải được xây dựng trong chốn thâm nghiêm, sơn cùng thủy tận, cách biệt với thế giới ngoài đời.
Thời tiền chiến, nhà thơ Chế Lan Viên trong lúc lang thang đi hái những vô thường, bất chợt lạc tới khu đền tháp cổ của người Chàm còn sót lại, đã động lòng trắc ẩn khóc nhớ thương đời:
'đây những tháp gầy mòn vì mong đợi
những đền xưa đã nát dưới thời gian
những sông vắng lê mình trong bóng tối
những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.'
Đó cũng là những lý do gây xúc động trong lòng mọi người, khi tìm về những kỳ quan được xây dựng bằng mồ hôi máu lệ của cả một dân tộc. Mỹ Sơn muôn đời vẫn là những lời thì thầm của đất, dù là bây giờ có đủ phương tiện và hết chiến tranh, nhưng muốn chạm mắt nhìn vào cũng không phải là chuyện dễ. Khách du ngoạn phải gồng mình để vượt qua một đoạn đường dài xuyên sơn vượt suối.
Chết là cái chắc nếu nhở hụt chân hay vô ý giẫm vào đá rêu, lá mục. Bởi vậy dù được mời gọi, quảng cáo, sự thật chẳng có bao nhiêu người biết, ngoại trừ trước 1975, du kích và bộ đội chính quy núp sống ở vùng này. Ngày xưa người cổ Ai Cập  chẳng biết đã dùng cách gì, để nâng các tảng đá nặng hằng vạn cân để dựng kim tự tháp, giống như người Chàm xây tháp chỉ bằng gạch cát mà không cần hồ vữa. Cho nên dù với mục đích gì chăng nữa, hai công trình thiên cổ này vẫn được đời đánh giá và trên hết cũng vẫn còn bí mật mịt mờ.
Bước qua cầu Khe Thẻ là vào khu thánh địa,  trần gian mới cảm thầy tê tái ê chề trước cảnh hoang liêu sầu cổ độ, nát vỡ tan hoang, nhất là tại khu tháp đánh dấu bằng A1, là nơi mà VC chiếm làm mật khu, nên bị Mỹ giội bom vào đây ác liệt. Mỹ Sơn là một thng lũng hẹp thuộc miền trung du tỉnh Quảng Nam, được bao bọc bởi nhiều vòng núi cao thấp, liên tiếp bên ngoài, kế bên là con sông lớn.
Thánh địa do vua Bhadvavarman xây dựng để thờ cúng các thần thánh trong đạo Bà La Môn. Mới đây lại giao cho một người Ba Lan tên Kazimierz Kwiatkwski hay Kazik trùng tu, tái tạo để câu khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều người bảo Mỹ Sơn có thân phận giống như người Chiêm Thành, khi trải qua những dòng thác lũ của thời gian. Thật vậy,  tháp được thành lập và chăm sóc chưa tới mười thế kỷ, thì do binh biến, phải bỏ hoang trên mấy trăm năm. Sau đó thời gian chiến tranh khói lửa mịt mù, thánh địa liên tiếp hứng lãnh bom đạn và sự tàn phá từ mọi phía nhưng nặng nề nhất là thời kỳ tiêu thổ kháng chiến và giai đoạn 1960-1975. 
Tất cả đều là nỗi đau chung của nước Việt và những người bất cứ là ai đã sống ở đây. Đêm dài VN trong ngục tù nô lệ cọng sản, có khác gì đêm buồn vô tận của Mỹ Sơn hằng ngàn năm khắc khoải, dù ở đây đang chênh chếch bóng trăng thượng huyền trùng hằng sương bạc. Trong thánh địa ngổn ngang tháp miếu đền đài nhuộm sầu loang lỗ, buồn rầu ngàn năm vạn kiếp đứng ngó những hòn Đền, hòn Vuốt Mèo nơi rặng Mahaparvat như đợi chờ. Tất cả đều im lặng, trầm mặc, tịnh không kể luôn những tiếng thì thầm của đá. Ngoài ra chỉ nghe có gió vọng từ hàng cây Bạch Đàn, hoà âm cùng tiếng dế nỉ non trong đêm dài bất tận, khiến cho chim chóc cũng sợ, phải lìa bầy. Mỹ Sơn hùng vỹ diễm tuyệt dù đã bị suy tàn, nhưng dù có muộn màng chăng nữa, thì chắc chắn từ đây sẽ được yên nghỉ trong vòng tay bao che dấu ái và thân thương của người Việt bao đời.
Mỹ Sơn là một tổng thể kiến trúc lừng lẫy và đa dạng nhất trong nền kiến trúc mỹ thuật của Chiêm Thành. Thánh địa gồm 70 đền tháp và một số lớn bia ký có niên lịch liên tục qua nhiều thế kỷ từ IV-XIII nhưng nhiều nhất trong khoảng thế kỷ VI-IX sau TL. Vua Bhadraravarman I khởi đầu xây cất những công trình, để thờ phụng tổ tiên, thần thánh và đền thờ chính của mình cũng như hoàng tộc, hoàng triều. Từ đó về sau cứ tiếp tục hoặc trùng tu, cho tới thế kỷ thứ XIII coi như chấm dứt.
+ THÁNH ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI CHÀM THEO HỒI GIÁO:

Thánh đường với tông màu trắng chủ đạo, viền xanh làm nổi bật giữa xã Châu Giang, huyện An Phú, An Giang.

Thánh đường Châu Đốc

Người đàn ông trong trang phục truyền thống sau buổi lễ chiều
Người Chàm dù theo đạo Hồi cũ (Bani) hay Hồi giáo mới, thường có một thánh đường để hành lễ. Đây là một nơi rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Chàm, nhất là những người sống tại Sài Gòn và Châu Đốc. Thánh đường đạo Hồi thường được xây trên một khu đất cao ráo rộng rãi, có tường bao quanh và nằm ngay giữa hoặc về phía nam cổng làng.
Mỗi thánh đường đều có bảng tên riêng viết bằng tiếng Ả Rập. Nhà nguyện là công trình kiến trúc chính của thánh đường, xây theo kiểu vòm tháp mái tròn đỉnh nhọn. Nhà nguyện luôn được xây theo hướng đông-tây và khi hành lễ, các tín đồ phải quay về hướng tây là nơi có thánh địa La Mecque, vốn được coi là trung tâm Hồi giáo thế giới. Bức tường phía tây đối diện với cổng chính, được xây một vòm cung lõm sâu vào gọi là 'HẬU TẨM' để người đứng chủ tế, gọi là ông I MÂM, điều khiển chương trình. Bên cạnh lại có bục giảng của KHOTIB, tức là thầy tu giảng kinh.
Nhà nguyện hoàn toàn trống trơn, không có bàn thờ hình tượng, và chỉ dành cho nam giới tới qui phục đấng thượng đế của họ. Nữ giới cầu nguyện ở phía ngoài hành lang, cho tới khi qua đời, được làm phép tẩy sạch, thi hài mới được khiêng vào nhà nguyện để cầu phúc trước khi đem chôn cất. Ngoài ra còn có các lớp học dạy cho trẻ con chữ Á Rập và kinh Coran. Phiá sau trong khuông viên thánh đường Hồi giáo, thường có khu nghĩa địa của tín đồ. Tại Sài Gòn có các thánh đường Hồi Giáo Đông Du, Nancy (Q.1) và thánh đường Phú Nhuận.
Tóm lại qua những chặng đường lịch sử, đã hé mở cho ta thấy nhiều thần thánh Chiêm Thành, đã được người Đại Việt chia xẻ quan niệm thờ cúng, khi hai dân tộc sống lẫn lộn hòa nhập trên mảnh đất Trung phần. Dù tháp Bà tại Nha Trang ngày nay coi như được Việt hoá hay đạo thờ cúng Cá Ong của ngư dân từ nam đèo Ngang vào tới Hà Tiên. Tuy nhiên hai sự kiện trên cũng chưa đủ giải thích sự tò mò của những nhà biên khảo, khi muốn tìm hiểu một Bumông (đền thần Chàm) đã thành đền miếu Việt hồi nào và bằng cách gì. Có điều thì sự hòa hợp trên, ít ra cũng làm sáng tỏ, là hai phía đã có giao tiếp rất bình thường, lâu dài chứ không hề cắt đứt như một số hình ảnh bi thảm có ác ý.
Ngoài vùng Ô Châu được tiếp nhận lâu đời, nên gần như đã được Việt hoá trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp trên bờ cõi Đàng Trong vào thế kỷ thứ XVI. Mà rõ nét nhất là sự thần phục của người Đại Việt trước Bà Chúa Xứ Chàm, tức Thiên Y, Thiên Y A Na, Thiên Mụ, có tầm mức tác động dòng tín ngưỡng trong cái khuôn đúc tôn giáo Chiêm-Việt tại Nam Hà về sau.
 Theo A. Cabaton viết trong Nouvelles Rechercher, nói người Chàm trong nguồn tín ngưỡng của mình, đã coi Cá Ong là thần Sông và lễ cầu ngư được tiến hành một cách đặc biệt, mà Bình Nam Đồ thời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn) khi bình nam về đã ghi chép lại, xác nhận một hội lễ quan trọng của người Chàm, sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Sách nhắc tới địa điểm phồn thịnh nghề đánh cá lúc đó là Phố Hải có tháp Chàm được vẽ cao 8 tầng như tháp Việt, có hình ba con cá Voi ở ngoài biển quay vào, với ghi chú 'hằng năm vào tháng 5, cá quay về tháp' Hiện nay, lễ cầu ngư ở duyên hải Bình Thuận cũng mở vào thánhg 5, khi các mành chài vào mùa biển chính trong năm. Riêng nguồn gốc của những núi non có chữ Tà như Tà Dôn, Tà Cú ở Bình Thuận hay các Tà Mã, Tà Nông, Tà Khuông, Tà Việt...xa hơn về phía nam, theo Trịnh Hoài Đức ghi nhận là tập theo mạn ngữ mà phân biệt các thần địa phương đã được nhà Nguyễn phong tặng, thế thôi.
Trong sự hỗn độn xô bồ này, hiện tượng ốp đồng ở Hòn Chén, một địa điểm linh thiêng của người Chàm xưa, coi như một hiện tượng kỳ lạ rất lâu đời. Điện Hòn Chén thờ Mẫu mà truyền thuyết lâu đời, thì đó là nhị vị nữ thần tối cao mang tên Liễu Hạnh và Thiên Y A Na, dù khi còn là Chiêm Thành hay thuộc Đại Việt. Điện này được xây trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Hải Cát, ven bờ sông Hương, cách Huế chừng 10 km về phía thượng nguồn. Nơi này mỗi năm hai lần vào mùa xuân và thu, đều tổ chức đại lễ cúng tế rất trọng thể nhất là tháng 7 âm lịch. Chiêm Thành theo mẫu hệ và lãnh thổ chạy dài từ Quảng Bình vào Bình Thuận, toàn là biển và núi, cho nên nữ tính nổi bật trong quan niệm thờ cúng của xã hội người Chàm và dân miền thượng cao nguyên.
Trên hết qua phương diện địa lý, ta thấy rừng núi như đè nặng con người duyên hải nước Việt, cho nên cả đá, cây rừng trong tâm khảm của lưu dân miền Trung khi tới khẩn hoang các miền đất mới, như hình phải đối diện khắp nơi vô số thần thánh, nữ chúa, kể cả những kút trợ trọi lẽ loi, mà người Chàm đã bỏ lại. Do trên qua tên của bà chúa Thượng Ngàn, chẳng qua chỉ là một cái tên chung chung mà giới bình dân Đại Việt đã gọi khi cúng bái. Vì vậy đừng ngạc nhiên khi vào trong điện Nam Sơn ở Huế, thấy thờ tượng cô Bảy ở trần, mang gùi, da đen sậm, một tay cầm cành dương liểu, tay kia cầm ve thủy tinh đựng thuốc.
Trong Am Hoà Cảnh có hình bốn cô Nường Mọi đeo còng vàng chuỗi ngọc. Nói chung người Đại Việt khác với Chiêm Thành ở chổ là hòa đồng không phân biệt. Ví như Bà Chúa thượng ngàn ở Huế, cũng tôn kính na ná như bà Liễu Hạnh tại Nam Định hay vợ chồng ông chủ Ngu ở miền Nam. Nhưng người Chàm thì khác, Bà Chúa Xứ Chiêm Quốc cũ nay đã xuất hồn về Hữu Đức, Phan Rang mới chính thị của Chàm, còn Bà tại Tháp Bà Nha Trang, Bế Ngãi ( Bà Rịa) hay Hòn Chén (Huế), được coi như thần Bà của người Việt, qua thư văn mang dạng tiên nương của Lão Giáo, dù mang nhiều tên như Thiên Y A Na, Chúa Ngọc Diễn Phi, Pô Yan Ino Naưga, tựu trung cũng chỉ là một. Ngày nay trong miếu Thiên Y tại Phan Rí (Bình Thuận), vẫn còn một bia ký, do tri huyện Hòa Đa dựng năm 1854.
Con người sinh ra ai cũng phải chết, đó là qui luật của tử sinh trong cõi vô thường. Triết gia Đức M.Heidegger thì gọi đó Etre pour la mort, cũng như Phật giáo quan niệm đời là bể khổ. Cái chết là sự tất yếu phải chịu, nhưng con người đâu dễ gì bó tay nằm yên trong cổ mộ. Họ muốn trường tồn bằng đủ mọi cách, nhất là đối với các vị vua chúa trên đời, qua tạo lăng tẩm, đền tháp và tìm thuốc trường sinh bất tử.
 Cho nên dù có được phát xuất tại đâu, đạo gì, dân tộc nào, thì mục đích cũng chỉ là làm trọn vẹn cái khao khát của niềm mơ ước đó. Trong cái vô thường tĩnh tại, trước nỗi mơ tưởng hoang đường của thế nhân và trên hết là nỗi bể dâu trầm thống ngàn đời của lịch sử, nhà thơ Lý Hạ (791-817) đời Đường đã viết Quan Nhai Cổ, làm cho người đọc lâng lâng hồn mơ ước, tới một thế giới lạc phách không cùng.
Cõi thế vô cùng nhưng không hiếm trò tranh hùng xưng bá, nuôi mộng ảo huyền sống cùng sông núi. Rốt cục núi mòn sông cạn, con người luôn luôn bị thiên nhiên chế nhạo khi ôm cái ngạo khí chọc trời. Ngẫu nhiên tiếng trống quan nhai của Lý Hạ vang dội hằng ngàn năm trước, lại trùng hợp với cảnh huống tang thương của lịch sử Chàm, ngàn sau nhìn lại cũng chỉ là muốn khơi dậy trong hồn người nay niềm xao xuyến.
Người xưa đâu trong cõi đi về còn chăng, cớ sao chỉ thấy toàn là hận sầu trong đá, trong gió, trong cõi vô thường" Xưa nay cách biệt ngàn trùng nhưng dường như vẫn có một cảm thông trong nỗi ngậm ngùi của kiếp người sống giữa mông mênh biển đời. -/-
Xóm Cồn
Đầu Thu Tháng 8-2006
MƯỜNG GIANG

No comments:

Post a Comment