Sunday, July 19, 2020


Phần 4/7: Doanh nghiệp Trung Hoa ngập trong nợ nần - nguy cơ mất khả năng trả nợ



Khu vực tư nhân của Trung Hoa - khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP của nước này - đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền mặt lớn do sự gia tăng của vỡ nợ trái phiếu... (Ảnh: Shuji Kajiyama/AP)
Phần 4: Doanh nghiệp Trung Hoa ngập trong nợ nần - nguy cơ mất khả năng trả nợ
Trà Nguyễn • 19:28, 19/11/19 • 430 lượt xem  

Nợ doanh nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng số nợ quốc gia Trung Quốc, tức là khoảng 26 nghìn tỷ USD trong năm 2018, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS: Bank for International Settlements). 
“Thay thế một khoản nợ cũ khó đòi bằng một khoản nợ mới không tạo ra tăng trưởng, việc làm này sẽ không đảo ngược vòng xoáy tài chính chết chóc” - Charles Hugh Smith...

Sau một thập kỷ, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do Hoa Kỳ dẫn đầu không chỉ còn hiện hữu mà còn là nguyên nhân phát sinh khối nợ toàn cầu lớn kỷ lục. Gần đây, cùng với việc Trung Hoa áp chế mạnh mẽ hệ thống ngân hàng ngầm vốn gây ra rủi ro tiềm tàng cho hệ thống tài chính, thì khu vực tư nhân của Trung Hoa - khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP của nước này - cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền mặt lớn do sự gia tăng của vỡ nợ trái phiếu.

Doanh nghiệp Trung Hoa nợ quá lớn so với quy mô tăng trưởng trong khi rủi ro mất khả năng thanh toán cao


Tỷ lệ nợ/tiền mặt và nợ/GDP của khu vực doanh nghiệp phi tài chính của một số nền kinh tế trên thế giới (Nguồn: Viện Tài chính quốc tế - IIF)

Theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF), trong số 14 nền kinh tế có nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất, thì doanh nghiệp phi tài chính của Trung Hoa đang đứng trên một núi nợ khổng lồ, chiếm tới 165-170% GDP - mức cao nhất trong số 14 nền kinh tế. Đáng lưu ý là rủi ro thanh toán của khối nợ doanh nghiệp phi tài chính Trung Hoa cao hơn hẳn các nền kinh tế khác do tỷ lệ nợ/tiền mặt thấp nhất trong số 14 nước được liệt kê ở trên.


Nghĩa vụ trả nợ của các chi nhánh doanh nghiệp Trung Hoa  ở nước ngoài (đơn vị: tỷ USD) (Nguồn: Bloomberg)
Các nhà hoạch định Trung Hoa đang tiến hành kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm trị giá 10 tỷ USD đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Sau một năm ngăn chặn các phương thức huy động tiền của hệ thống ngân hàng ngầm cũng như dòng vốn từ hệ thống này chảy tới những lĩnh vực rủi ro nhất, tăng trưởng kinh tế của Trung Hoa tiếp tục suy giảm. Viễn cảnh vỡ nợ trái phiếu đã bắt đầu xuất hiện, làm gia tăng rủi ro đối với sự ổn định kinh tế của đất nước. Khu vực tư nhân Trung Hoa đang quay cuồng vì sự gia tăng của vỡ nợ trái phiếu với số lượng giấy nợ kỷ lục sắp đáo hạn trong vài quý tới. Kể từ tháng 3/2018, Trung Hoa đã đưa ra khoảng 30 quy định mới nhằm giảm bớt nợ vay. Điều này đã dẫn đến thanh khoản trên thị trường bị siết chặt, đặc biệt là với khu vực tư nhân vốn đang khó khăn khi tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Các Ngân hàng Thương mại (NHTM) Trung Hoa buộc phải gia tăng dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng chất lượng kém đã rót vào khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình).

Theo số liệu công bố chính thức, tổng nợ khu vực doanh nghiệp Trung Hoa khoảng 26.000 tỷ USD (số liệu cuối năm 2018, hiện tại con số này có thể cao hơn). Chỉ riêng với nợ nước ngoài, các doanh nghiệp đại lục hiện đang nợ khoảng 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên theo ước tính của Bloomberg, con số thực tế nợ nước ngoài của doanh nghiệp Trung Hoa vào khoảng 2.650 tỷ USD, cao hơn số công bố gần 33%. Trong số đó, ước tính 63 tỷ USD nợ doanh nghiệp sẽ đến hạn vào đầu năm 2020 tới. Các doanh nghiệp phải tìm nguồn trả nợ trong bối cảnh kinh tế suy trầm, bất ổn xã hội gia tăng, thương chiến Mỹ - Trung leo thang và đồng CNY mất giá quá ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD.


Tỷ giá CNY/USD 5 năm qua (Nguồn: investing.com)
Các chuyên gia cảnh báo Trung Hoa có thể đứng trước nguy cơ lặp lại tình cảnh khó khăn của năm 2015 khi đồng CNY bị phá giá mạnh, đẩy nợ nước ngoài tăng cao và làm suy giảm dự trữ ngoại tệ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) tuần trước tuyên bố tăng 150 tỷ nhân dân tệ (21,5 tỷ USD) như một phần trong kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân. PBoC cũng có kế hoạch cung cấp 10 tỷ nhân dân tệ cho một công ty bảo hiểm do nhà nước hậu thuẫn để mua lại nợ xấu của các công ty tư nhân. Lãnh đạo Trung Hoa gợi ý rằng các biện pháp kích thích mạnh hơn nữa đang được lên kế hoạch và chính phủ sẽ giúp giải quyết những khó khăn đang diễn ra phổ biến trong khu vực tư nhân. Nếu khả năng gia hạn cho các khoản nợ của ngân hàng bị cản trở, thì sự hỗ trợ của họ cho nền kinh tế thực sẽ bị xói mòn, và điều này rất có thể làm hỏng sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trà Nguyễn

Xem thêm:

Phần 1: Nợ quốc gia Trung Hoa đã tới mặt trăng
Phần 2: Nợ xấu của hệ thống NHTM và cách xử lý, phân loại nợ mang “màu sắc Trung Quốc”
Phần 3: Bong bóng BĐS Trung Quốc: Không chỉ vì tăng trưởng, NHTM có thể phá sản nếu thị trường BĐS đổ vỡ

No comments:

Post a Comment