Friday, July 17, 2020


Phần 2: Nợ xấu của hệ thống NHTM và cách xử lý, phân loại nợ mang “màu sắc Trung Hoa”



Báo cáo nợ xấu hằng năm của Trung Quốc luôn ở mức an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên thực tế Trung Quốc đang áp dụng phương pháp phân loại nợ xấu khác biệt, có một không hai giúp họ tránh được tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng. (Ảnh: Manuel Joseph từ Pexels)

Phần 2: Nợ xấu của hệ thống NHTM và cách xử lý, phân loại nợ mang “màu sắc Trung Hoa”
11:13, 07/11/19• 1236 lượt xem  

Nợ xấu theo công bố của Trung Hoa nằm trong giới hạn an toàn cao. Tuy vậy các hãng đánh giá tín nhiệm và nhiều chuyên gia tài chính thế giới đều tin rằng nợ xấu trong hệ thống NHTM của nền kinh tế này cao hơn con số công bố từ 10 - 15 lần (tỷ lệ NPL ít nhất nằm trong khoảng 18%-25% tổng dư nợ của hệ thống)...

Trong một nền kinh tế hiện đại, quy mô nợ xấu tích lũy trong hệ thống NHTM, mức độ rủi ro và nguyên nhân của nó phản ánh phần lớn lỗ hổng của nền kinh tế. Nợ của hệ thống NHTM là một trong 3 cấu phần nợ quốc gia, có tác động lớn nhất tới tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế đó. Thực tế, các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây đều bắt nguồn từ nợ xấu của hệ thống NHTM; và nợ xấu, chất lượng tài sản của các NHTM là dấu hiệu cảnh báo sớm khủng hoảng tài chính.

Các chuyên gia ước tính nợ xấu thực của Trung Hoa cao gấp 15-20 lần số liệu công bố bởi PBoC

Theo công bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC), tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của hệ thống NHTM nước này tăng mạnh kể từ đầu năm 2018 đến nay: từ 1,74% lên 1,87% vào tháng 10/2018 và giảm xuống còn 1,8% hết Quý 1/2019. Đây là mức tăng cao nhất trong 16 năm qua của Trung Hoa. Ngay cả năm 2010, khi cả thế giới lao đao vì nợ xấu quá cao thì nợ xấu/tổng dư nợ của Trung Hoa chỉ ở mức dưới 1,8%. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức nợ xấu đáng mơ ước của mọi hệ thống tài chính. Theo chuẩn mực an toàn tài chính quốc tế, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3% được xem là ở mức an toàn và hoạt động của hệ thống NHTM là lành mạnh.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2016, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Rating đã đánh giá nợ xấu thực sự của Trung Hoa cao hơn số công bít nhất 10 lần. Thực tế, với cách phân loại nợ, quản lý và xử lý nợ xấu mang "màu sắc Trung Hoa” độc đáo và duy nhất, đánh giá của Fitch Rating là hoàn toàn có cơ sở. Sau 3 năm khi nền kinh tế chưa kịp hàn các lỗ hổng rủi ro, Thương chiến với Mỹ thực sự đã tạo ra quá nhiều bất lợi cho Trung Hoa: tăng trưởng suy giảm, dòng đầu tư tháo chạy khỏi Trung Hoa, nợ xấu thực tế cho tới Quý 3/2019 có thể cao hơn mức công bố 15-20 lần - chứ không còn là 10 lần như thời điểm 2016 khi Fitch Rating ước tính.


Hình 1: Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Trung Hoa theo công bố của PoBC (2016-2019) (nguồn: ceicdata)
Chính sách phân loại, quản lý và xử lý nợ xấu mang “màu sắc Trung Hoa” đang che dấu khối lượng nợ xấu khổng lồ

Theo một báo cáo của HSBC năm 2016 về cách Trung Hoa phân loại nợ xấu (nợ loại 3, 4 và 5 theo cách phân loại của Việt Nam). Nợ xấu được ghi nhận theo thông lệ nếu quá hạn trả nợ 90 ngày (đối với cả nợ lãi và/hoặc nợ gốc) và khi đó ngân hàng thương mại (NHTM) phải trích dự phòng rủi ro cho khoản vay khó thu hồi này. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, nợ quá hạn hơn 90 ngày được coi là “bình thường” và chưa được phân thành nợ xấu nếu ngân hàng thương mại (NHTM) tin tưởng rằng có thể thu hồi nợ. Nợ xấu chỉ được ghi nhận tại các NHTM ở Trung Hoa khi ngân hàng thấy rằng khách hàng không thể trả được nợ (thậm chí không hoàn trả được ngay cả sau khi đã xem xét tài sản đảm bảo cho khoản vay).

Trong báo cáo này, một ví dụ về phân loại nợ xấu của NHTM Trung Hoa được đưa ra như sau: Công ty TNHH Thương mại Shenzhen gặp khó khăn trong kinh doanh, đã quá thời hạn 90 ngày nhưng không thể trả khoản vay 100 triệu CNY tại NHTM của mình. Tuy nhiên, NHTM này lại đang nắm giữ cổ phần của Shenzhen; và ngân hàng này cho rằng tài sản đảm bảo của Shenzhen tại thời điểm đó có giá thị trường lớn hơn nhiều so với khoản vay. Do tự tin có thể thu hồi nợ, nên khoản vay quá hạn hơn 90 ngày của Shenzhen không được NHTM này phân loại thành nợ xấu.

Như vậy, mức nợ xấu vượt ngưỡng 20% tổng dư nợ mà các hãng xếp hạng tín nhiệm, Bloomberg hay các chuyên gia ước tính cho nền kinh tế Trung Hoa là hoàn toàn có cơ sở xác thực và đáng tin cậy.

Theo lẽ thường, các NHTM Trung Hoa thà tin tưởng sẽ thu hồi được nợ còn hơn phân loại thành nợ xấu và phải trích lập dự phòng rủi ro (DPRR). Theo quy định, trích lập DPRR tối thiểu là 150% tổng nợ xấu trên bảng cân đối và không thấp hơn 2,5% tổng dư nợ. Không chỉ vậy, tỷ lệ nợ xấu công bố chính thức của Trung Hoa thấp hơn so với thực tế còn do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, các ngân hàng - đặc biệt nhóm NHTM nhà nước - cần tiếp tục mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và chính quyền địa phương để phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, nên các NHTM này cần lờ đi các khoản nợ xấu đối với nhóm này. Việc có thể “làm ngơ” không phân loại nợ xấu được bảo hộ bởi chính sách (như đã nêu). Nhiều doanh nghiệp SOEs ngành nhôm, thép, khai khoáng đã buộc phải đóng cửa bởi dư cung (chương trình tái cơ cấu tổng cung nền kinh tế của Trung Hoa bắt đầu từ năm 2015). Nhiều SOEs này không thể thanh toán nợ cho NHTM. Để tránh tình trạng nợ xấu, các SOEs không còn hoạt động, không thể thanh toán nợ xấu nhưng cũng không thể phá sản!...

Thứ hai, sự phụ thuộc sống còn của NHTM vào BĐS trong hàng thập kỷ qua đã khiến cho chính NHTM và chính quyền địa phương không thể để thị trường BĐS đổ vỡ. Tài sản đảm bảo (TSĐB) cho các khoản nợ tại NHTM hầu hết là BĐS, việc đảm bảo giá của BĐS chính là đảm bảo việc NHTM có thể hạch toán nợ loại 1, không phải trích lập DPRR, không nằm trong danh sách NHTM phải bị theo dõi và thu hẹp hoạt động. Đây là lý do Trung Hoa không thể kiềm chế dòng vốn tín dụng, tiếp tục thổi giá BĐS của nước này. Có vô số bằng chứng về các công trình xây dựng bỏ hoang, các thành phố xây xong không người ở ngày một thêm nhiều tại quốc gia này.

Thứ ba, các NHTM có thể bán nợ xấu lại cho 4 ngân hàng quốc gia lớn hoặc cho các công ty xử lý nợ xấu (AMCs). Khi đó, nợ xấu tại bảng cân đối kế toán của các NHTM giảm xuống, nằm ngoài hệ thống dữ liệu của khu vực ngân hàng, nằm im tại các công ty xử lý nợ xấu dưới dạng tài sản hoặc tại các NHTM nhà nước lớn dưới dạng “chứng khoán đầu tư”. Bằng cách này, nợ xấu thực tế vẫn nằm trong hệ thống NHTM nhưng dưới một cái tên khác “chứng khoán đầu tư”; không có khoản DPRR nào được trích để bù đắp vào tổn thất, rủi ro của các khoản nợ xấu đó.

Thứ tư, tổng dư nợ của toàn hệ thống không ngừng tăng với tốc độ cao để khuyến khích tăng trưởng; khi mẫu số tăng với tốc độ lớn, thì tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng có thể duy trì ở mức thấp.

Một cách lô-gic, không khó để hình dung rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng của Trung Hoa rất lớn. Trong hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng 2007-2008, rủi ro đạo đức cao và tính liêm chính trong ngành ngân hàng bị xói mòn chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến khủng hoảng xảy ra trên diện rộng, quy mô tổn thất lớn và khó lường.

Chỉ riêng với nợ xấu giả định ở mức trên 20% trong hệ thống NHTM với cơ cấu như mô tả ở trên, chưa kể đến nợ công, nợ bảo lãnh của Chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ trong hệ thống ngân hàng ngầm... thì số phận của nền kinh tế Trung Hoa đã hết sức mong manh. Không khó hiểu khi Trung Hoa phải cắt giảm dự trữ bắt buộc 7 lần kể từ đầu năm 2018 cho đến nay để bơm tiền cho nền kinh tế. Nhưng theo cơ cấu tín dụng như trên, có thể dự đoán phần đa dòng tiền bơm ra nhằm hà hơi cho thị trường BĐS và các khu vực sản xuất kinh doanh suy yếu vì thương chiến. Do vậy, khi một mắt xích của nền kinh tế không thể trụ nổi, chuỗi đổ vỡ domino là khó tránh. Tuy nhiên, Trung Hoa cũng là chủ nợ và con nợ lớn của thế giới, sự đổ vỡ của nền kinh tế này có thể là điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp theo.

Trà Nguyễn

Xem thêm:

Phần 1: Nợ quốc gia Trung Hoa đã tới mặt trăng
IMF khuyến nghị các nước về thu thuế Carbon - Việt nam có tháp dụng?
IS xác nhận thông tin cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, và bổ nhiệm người mới

No comments:

Post a Comment