Hạt bụi vo tròn trong bụng Mẹ cút côi
https://saigonthapcam.wordpress.com/2020/09/17/hat-bui-vo-tron-trong-bung-me-cut-coi/
Hạt bụi vo tròn trong bụng Mẹ cút côi
Posted on September 17, 2020
(Ai là người sinh sau 1975 thì nên coi bài này để biết thêm về một nhân tài của đất nước Việt-Nam khốn khổ. Xin nghe bài : "7000 đêm" ; đó
là bài diễn tả 20 năm mà những ngườì CSVN đã gây ra cuộc huynh đệ tương tàn)
Một đêm mùa hè năm 1985, trên căn gác ọp ẹp của căn nhà vách phên mái lá, gần phi đạo của trại tị nạn Palawan, lần đầu tôi nghe một nhạc phẩm “lạ”. Tiếng hát bật ra từ chiếc máy của căn nhà lá đầu dãy, quyện cùng tiếng mõ, cất lên:
Mẹ ngồi nguyện
cầu hằng bao đêm/ Lời kinh vọng
xa thật êm đềm/ Mẹ cầu cho
con, vượt qua ngày
tròn/ Mẹ cầu cho em tuổi trời xanh còn nguyên đừng biến mất
Đoàn Nhã Văn
https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=1ATGf0qUtAY&feature=emb_logo
Lần đầu tiên nghe, tôi không biết ai đã sáng tác nhạc phẩm này. Điệu nhạc và giọng hát quyện vào nhau, da diết. Ca từ của nhạc phẩm này ám ảnh tôi. Nhiều hôm sau, tôi muốn nghe lại, tiếc rằng chủ nhân của chiếc máy đã mở những bản nhạc khác. Sau này, tôi mới biết đó nhạc phẩm “Kinh Khổ”, của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
Cũng mãi sau này, tôi có
nghe nhiều giai thoại về cuộc đời ông, nhưng trong đó có một giai thoại, tôi nhớ đến tận giờ. Đó
là, sau 1975 ông nhiều lần tìm
đường vượt
biên. Liên lạc bao nhiêu đầu mối, qua nhiều trung gian uy tín, nhưng tất cả đều lắc đầu từ chối vì những chủ ghe không
muốn nhận
ông đi cùng. Khi hỏi: người hành khách đó là ai? Người trung gian nói tên ông. Tất cả mọi chủ ghe đều từ chối. Rất
đơn giản, vượt biển, không
ai dại gì
nhận
theo mình một người có cái tên: Trầm + Tử + Thiêng.
Nhưng rồi, ông vẫn đến được bến bờ tự do. Có lẽ lần này, ông cho chủ ghe biết, tên thật của mình là Nguyễn Văn Lợi. Có ông đi là mang lại thuận lợi chăng.
Nghe nhiều nhạc phẩm của Trầm Tử Thiêng, ở những góc riêng của mình mỗi bài hát như
đi vào từng tế bào, chiếu rọi vào trong, chiêm nghiệm. Ở những khoảnh khắc ấy, tôi như “uống” từng chữ trong ca từ của ông, một cách mê mẩn. Cũng từ đó, tôi nghiệm ra, phần ca từ trong những nhạc phẩm của Trầm
Tử Thiêng có nhiều điều đáng suy ngẫm.
I – Trái
tim của một người Việt Nam chân
chính
Có nhiều nguồn liệt kê danh sách
những nhạc phẩm của Trầm
Tử Thiêng, và những nguồn đó đều cho rằng con số sáng tác của ông đến hơn 200 nhạc phẩm. Từ những sáng tác ấy, phảng phất một trái tim mẫn cảm với đời, luôn đập những nhịp đập với sự nổi trôi của vận nước.
Đất nước chiến tranh, súng đạn vô tình, ông đau với cái đau của người còng vai
gánh nặng những điêu linh, những người đã để lại một phần thân thể của mình cho đất nước, hay nằm yên trong huyệt lạnh vô danh vì hai chữ “quê hương”. Lời ca của ông như một lời tạ ơn chân thành, tha thiết.
Cám
ơn anh kịp lớn giữa thù hằn
Thắp đôi
vai gồng gánh
nỗi điêu
linh
Bóng
vinh quang lắp sâu
trong huyệt lạnh
Hay ngồi đau thầm lặng giữa thanh bình
(Cám ơn Anh)
https://www.youtube.com/watch?v=J7kutg0dqQk&feature=emb_logo
Cũng trong thời chinh chiến ấy, có bà Mẹ nào nhìn thấy từng đứa con ngã xuống mà không nhói lòng. Trong tất cả những nỗi đau, không có nỗi đau nào lớn hơn cảnh lá vàng khóc lá xanh rơi, đó là nỗi đau của bà Mẹ mất con. Hình ảnh một người mẹ ngồi nguyện cầu từng đêm, từng đêm cho những đứa con của mình. Lời nguyện cầu nhỏ nhoi giữa
một thời chinh chiến đầy lửa đạn. Ở cuối nẻo điêu linh mà
người dân Nam gánh chịu, nhạc phẩm “Kinh Khổ” viết năm
1973, đã lay động lòng người.
Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm
Lời kinh vọng
xa thật êm đềm
Ca từ và điệu nhạc quyện vào nhau, chở nhạc phẩm vào thẳng trái tim của người thưởng ngoạn. Người Mẹ ấy không còn của riêng ai. Không còn của tôi, của anh, của chị. Đó là Mẹ Việt Nam.
Người về một ngày
một lưa
thưa
Người đi càng
đêm càng đông dần
Từng dài
âu lo
Từng đêm đợi chờ.
Mộng thật cam go
Miễn là
mai niềm đau thành
nụ cười
(Kinh Khổ)
Đây là một trong những bài hát có
ca từ mang những ẩn dụ,
có thể xem là rất khác xa những bài hát khác
của ông. “Người về một ngày một lưa thưa / Người đi càng đêm càng đông dần”. Từng đợt người về, rồi từng đợt ra đi.
“Lạ” ở chỗ: tiếng cầu kinh cứ đều đều, tiếng bước chân cứ liên tục. Người về, rồi người đi. Mà người ở đâu về? Rồi người từ đâu đi? Và
đi về đâu? Không rõ.
Tuy nhiên, chúng ta biết chắc một điều: Từ khi loạn
ly vào đêm đầu / Tình người tiêu hao / Niềm tin bội bạc. Để rồi ông mở ra:
“Lạnh lùng
một ngày
một qua mau
Lời kinh mù
sương mờ trên
đầu
Mộng chờ sau đêm
Ngày
mai thật lạ
Thù
hằn anh em, bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà”
Đó là ước vọng cao đẹp của hai chữ “đồng bào”,
đó cũng là mơ ước của tình máu mủ. Không có gì đẹp hơn hình ảnh “bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà”. Xa hơn, với tôi, nhạc phẩm này không chỉ vẽ lại một phần lịch sử, mà còn có tính tiên tri cho vận mệnh của dân tộc Việt, trong nhiều năm sau nữa. Cứ nhìn lại giai đoạn lịch sử cận đại sẽ rõ.
1954, kẻ về, người đi. Vâng, kẻ ở rừng, người về thành ở lại, rồi người ra đi, xuôi Nam.
1975, cũng từng lớp người về từ Trường Sơn, lại từng lớp người
khác xuôi nhau ra biển. Cuộc ra đi vẫn tiếp diễn và kéo dài thêm nhiều năm sau đó, như ông tiên liệu “người đi càng đêm càng đông dần”?
2000 cho đến nay và sẽ cho đến nhiều năm sau nữa,
cũng lớp lớp người trở về, và vẫn lớp lớp người ra đi. Đi và
về, hay
Về rồi đi. Lịch sử đang tiếp diễn, nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác, như lời tiên tri của ông. Dẫu đi hay về, người Mẹ vẫn ngày đêm nguyện cầu “Thù
hằn anh em, bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà”. Đó là một ước mơ, từ trái tim bật máu của một người Mẹ.
Không đau với nỗi đau chung của dân tộc, không thể viết nên một nhạc phẩm hay như thế.
Đất nước chiến tranh, đồng hoang xơ
xác, bạn bè gục ngã, thiếu phụ khăn tang, trái tim người nghệ sĩ bật máu với cái mất mát tận cùng, ông đã
từng khóc với chiếc cầu Trường Tiền gãy đổ qua ca khúc “Chuyện một chiếc cầu
đã gãy”. Để rồi, ông ước mơ một ngày mai hòa bình tươi sáng, để còn thấy con sông quê lặng yên, con đò
chiều chở trăng tĩnh mịch;
để ngửi mùa lúa đang chín tới, để thương ngọn khói chiều hôm ở cuối thôn làng.
Mai
đây Hòa Bình.
Ta về ngắm lại dòng sông xưa.
Ðồng hoang xơ xác hai bên
Sẽ mai này thơm mùi lúa chín.
Trên
sông người về
Con đò
chở đầy vầng trăng quê
Hò
khoan cô lái du dương
Ðón đưa
người đi về chung đường
(Hòa bình ơi, Việt Nam ơi)
https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=NBDnjYWAKG8&feature=emb_logo
Ước vọng đồng hoang trở thành những đồng lúa chín, không chỉ là ước mơ của ông, mà còn là ước mơ của bao thế hệ. Và ông đã viết cho mình, cho quê hương, như thế.
Sau khi chiến tranh bằng súng đạn chấm dứt, lại có một cuộc chiến tranh khác không kém phần nghiệt ngã, đó là cuộc chiến của lòng thù hận đã diễn ra tàn khốc. Để rồi, “Cây cột đèn
nếu có chân cũng phải ra đi”, nên bao người đã nằm xuống trên đường vượt thoát. Cuối “mùa” tị nạn, thế giới làm ngơ, lương tâm
nhân loại đã ngủ quên đâu đó trước tiếng kêu gào của máu đỏ, da vàng, Trầm Tử Thiêng song
hành với đồng bào mình, nhất là những em thơ mở to đôi mắt nhìn xuyên qua những dãy rào kẽm gai, ước mơ được tự do, bay nhảy với bầu trời
xanh bên ngoài song chắn, bên ngoài những dãy rào kẽm gai.
Bên
em đang có ta, hát về em tương lai xót xa
Hát
giùm em cơn mơ thiết tha, giấc mơ tuổi hoa
Bên
em đang có ta, thống thiết kêu
vang lương tâm thế gian
Cứu vớt em rời khỏi ngày u ám, giữa trại giam
(Bên em đang có ta)
https://www.youtube.com/watch?v=HOzGF3z804k&feature=emb_logo
Cuối thập niên 1970’s, tự điển của thế giới có thêm từ mới là “boat
people”. Thuyền nhân hay “boat
people”là một điều không thể không nhắc tới nếu nói đến lịch sử cận đại Việt Nam. Mà trong giai đoạn 1975-1995 ấy, có người nhạc sĩ nào đau đáu với nỗi đau của đồng bào tị nạn như Trầm Tử Thiêng? Có nhạc sĩ nào đã viết những ca khúc về người tị nạn, chẳng hạn như
“Tâm ca của người tù vượt biển”, “Trại tị nạn Ga Lăng”
v.v., như Trầm Tử Thiêng? Không
phải chỉ có thế giới ngoảnh mặt, mà chính những nhạc sĩ Việt Nam dường
như không đủ dũng khí để làm một nhạc phẩm cho hai mươi năm tưởng đá vàng phai
này.
Trầm Tử Thiêng lừng lững, bước tới một mình, và đã sáng tác những nhạc phẩm cho đồng bào, cho dân tộc mình, ở một khúc quanh lịch sử đầy nước mắt và dậy tiếng kêu than như thế. Khi cả thế giới quay lưng, các trại tị nạn trục xuất, cưỡng bách đồng bào về lại Việt Nam, bao nhiêu máu đã đổ xuống, một cách tự nguyện, để chống cưỡng bách hồi hương tại: Hồng Kông, Mã Lai, Thái Lan, và ngay cả Phi luật Tân. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính phủ Phi đã mở lòng nhân đạo, cho người Việt tị nạn một con đường sống, đồng
ý cho người tị nạn ở lại trên đất Phi (nhưng không được nhập tịch Phi), với làng Việt Nam mở ra. Trầm Tử Thiêng, Việt Dzũng, và nhiều người khác nữa đã về “làng Việt Nam”. Không phải về để thăm đồng bào mình trong cách thế của một người về từ bến bờ tự do, mà ngược lại, ông về để bưng chén cơm, chan nước mắt mừng vui với đồng bào kém may mắn của mình. Và hơn thế nữa, ông đã viết một ca khúc lẫy lừng “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”.
Có
tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Một vòng
tay vừa mới mở ra
Cứu anh em những đời mạt vận
Đường mơ đi càng
bước càng
xa
Có
tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Hai mươi năm tưởng đá vàng phai
Có em
tôi nuốt từng giọt lệ
Ngậm oan khiên
đợi mãi
một ngày
..
Hãy
nói cho mọi người cùng
nghe:
Người đã cứu người
Hãy
nói cho mọi người cùng
nghe:
Làng
Việt Nam đang xây
thêm bên ngoài Việt Nam
(Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng)
https://www.youtube.com/watch?v=mRbDHq7vM2k
Đã rớt nước mắt trong niềm hạnh phúc vô tận, đã vang vang hô lớn giữa đất trời lồng lộng, “Hãy nói cho mọi người cùng nghe: Người đã cứu người”. Bao nhiêu nhạc sĩ Việt Nam đã làm được như ông, trong một thời dâu bể, tang thương?
Cũng nên nói thêm, vì nhờ lòng nhân đạo vô bờ bến của chính phủ Phi, mà mấy năm sau, nhiều ngàn đồng bào được chính phủ Mỹ mở ra ân huệ cuối cùng cho người tị nạn Việt Nam. Bao nhiêu năm chờ đợi, nhiều ngàn đồng bào kém may mắn, đi sau, đã thực sự đến bến bờ tự do.
Cuộc bỏ phiếu bằng chân đã mở ra một hướng mới: người tị
nạn Việt nam đã đặt chân trên khắp năm châu. Một lần nữa, có bao nhiêu nhạc sĩ đã viết về họ, những bước chân Việt Nam này, từ những hoang mang, hơ hoảng bước đầu, đến những
tự tin, rồi thành công ở nhiều lĩnh vực? Cũng chỉ mình ông làm điều ấy. Và ông mơ những trái tim mang
dòng máu da vàng, dù bất cứ chân trời góc bể nào, hãy cùng tựa vào nhau, cùng hát vang lên lời Việt Nam, cho bình mình xua tan bóng tối.
Dù
nhục dù
vinh, xin hãy hát vang lời Việt Nam
Tựa vào
lòng nhau, ơi những trái
tim cùng dòng máu
Gọi người gọi
ta
Gọi số kiếp lưu đày gần xa
Gọi bóng
tối ngưng bài
cuồng ca
Cho tiếng hát
mơ ngày Việt Nam.
(Một ngày Việt Nam)
https://www.youtube.com/watch?v=8n5fw6T04Jo&feature=emb_logo
Tấm lòng ông còn thể hiện qua rất nhiều bài hát, trong đó có một số bài viết chung với Trúc Hồ, chẳng hạn: Việt Nam Niềm
Nhớ, Một ngày Việt Nam, Bước chân Việt Nam, v.v.
Hỡi kiếp sống mang khổ đau chưa qua bên niềm mơ tương lai chưa tới
Hãy
cất tiếng qua đại dương mênh mông ta cùng ca chung nỗi mong chờ
Hỡi những bước chân Việt Nam lưu vong đang còn chu du trên thế giới
Hãy
cất tiếng ca cùng
tôi câu ca mang tình thương gửi tới quê nhà
(Việt Nam Niềm Nhớ)
Và,
Khắp nơi trên địa cầu, giờ in dấu bước chân Việt Nam
Những đôi
chân miệt mài,
đang vươn tới dưới ánh
ban mai
(Bước chân Việt Nam)
Thuở chinh chiến, đi sát với thời cuộc, ông viết những nhạc phẩm “Đưa em vào hạ”, “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”, “Bài vinh thăng cho một loài chim”, “Kinh khổ”, v.v. Sau chiến tranh, ông theo bước chân của những người tị nạn Việt Nam, đã rút ruột của mình ra mà viết: “Tâm ca của người tù vượt biển”, “Dứt bão bắt đầu nước mắt”, “Gởi em hành lý”, “Trại tị nạn Ga Lăng”, “Bên em đang có ta”,
“Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, v.v. Ở xứ người ông xiển dương hai tiếng Việt Nam
bằng những sáng tác tuyệt vời, như “Bước chân Việt Nam”, “Một ngày Việt nam”, “Việt Nam Niềm Nhớ”
v.v.
Ông đau với nỗi đau của Mẹ trong thời chinh chiến. Ông quặn lòng trước cái mất mát, điêu tàn của quê hương, trái tim đã bật máu với bạn bè đã ngã, và xót xa trước cảnh ngục tù ở trại tị nạn của các em thơ, v.v. Trước và sau, ông yêu đất nước Việt Nam vô bờ bến bằng cách song hành với bao nhiêu khổ nạn của đồng bào. Hai tiếng Việt Nam như thể luôn vang vang trong
lồng ngực.
Chưa có một nhạc sĩ nào viết về những khổ nạn của người Việt Nam, về trái tim VN, về những bước chân VN trên khắp địa cầu như ông, từ năm 1975 đến nay. Và cũng dường như chưa có một nhạc sĩ nào mơ những trái tim mang
dòng máu da vàng, dù bất cứ chân trời góc bể nào, cùng hát vang lên lời Việt Nam, như Trầm Tử Thiêng.
Với tôi, ông là một-người-Việt-Nam-chân chính đúng nghĩa.
II – Một tấm lòng thơ
Không chỉ điệu nhạc và tấm lòng, mà ca từ trong rất nhiều ca khúc của Trầm Tử Thiêng đã đến và ở lại trong trái tim của nghe khắp năm châu. Đó là
những hình ảnh đẹp, nghe xong khó thể nào quên, dù đó là tình ca hay những nhạc phẩm viết về thân phận, về quê hương đất nước.
Ở tình ca, ông viết:
Trong xót
xa mắt nào
đã khóc
Trong
thiết tha môi
nào đã hôn
Đêm hắt hiu nhớ vòng tay góa
Em vẫn đi theo đời
cuốn xô
(Một thời để nhớ)
Hoặc:
https://www.youtube.com/watch?v=OPgWw-ZumLE&feature=emb_logo
Bảy ngàn
đêm giấc ngủ chưa tròn
Giấc ngủ hao mòn
cơn mơ
thành bại
mắt còn
đỏ hoe.
(7000 đêm góp lại)
Đẹp không? Đẹp chứ!
“Cám ơn cha đã cho
con hạt bụi,
vo tròn trong bụng mẹ cút côi”
(Cám ơn anh)
Hạt bụi vo tròn trong bụng mẹ cút côi
không chỉ là hình ảnh đẹp, mà còn gói trọn một tình yêu, khởi đầu một sự sống mới, như
hạt mầm nguyên sơ một ngày nọ xôn xao lòng đất, lớn dậy, trưởng thành. Đó cũng là
vòng quay của đời sống, với tấm lòng tha thiết, tạ ơn đấng sinh thành.
Năm 1968, khi chiến tranh đã bắt đầu dâng lên cao độ, ông đã sáng tác nhạc phẩm “Đưa em vào hạ”, với phần lớn ca từ rất đơn
giản, dễ hiểu. Tuy vậy, đoạn trích sau đây chứa đựng một vài hình ảnh rất khác.
Tiếng nỉ tiếng
non khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào
(Đưa
em vào hạ)
Chiến trường có thể lắng đọng vì hai bên
chiến tuyến có thể đang tìm cách hạ gục đối phương. Nhưng “chiến trường nằm im thở
khói” là một hình ảnh hiếm thấy trong âm nhạc.
Còn “tiếng nỉ tiếng non” là tiếng gì, từ đâu tới? Ở góc cạnh của mỗi người nghe, chẳng
hạn người lính chiến hay người dân thị thành, có thể có câu trả lời khác nhau.
Trên chiến trường mạng người
như rơm rạ thì có phải đây là tiếng rên rỉ của oan hồn từ những người đã ngã?
Câu kế tiếp “Đứa bé nhìn cha
đang chờ giặc dưới giao thông hào”, có phải những người lính đem vợ con theo ở trong các doanh trại tiền đồn? Không dẫn giải, ông đã đưa hình ảnh của một cuộc chiến đặc thù vào âm nhạc, mà hình như không có hình ảnh này trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào khác. Có thể nói, trong hàng trăm những nhạc phẩm viết về thời chiến của nhiều nhạc sĩ khác nhau, khó tìm ra một bài thứ hai với hình ảnh mà ông chọn lựa.
Ca từ của những bài hát về chiến tranh thường có tính cách dẫn giải. Riêng ông, ông thu gọn chiến tranh bằng cách nhìn của riêng mình. Lạ lẫm và độc đáo.
Năm 1972, ông cho chào đời nhạc phẩm “Tưởng Niệm”, có đoạn.
Bàn
tay làm sao níu một đời vừa đi qua
Bàn
tay làm sao giữ một thời yêu
thiết tha…
Mang ơn trên
cho cuộc đời ta
Vài
vạn ngày
gió cuồng mưa lũ
Trăm cơn đau một vừng nhang khói
Kéo
ta về, về cõi
hư vô
(Tưởng niệm)
https://www.youtube.com/watch?v=3qnhllD8GPo&feature=emb_logo
Bạn có để ý cách dùng chữ của ông không? “Níu
một đời”, “giữ một thời”.
Rồi tiếp theo, vài vạn ngày; trăm cơn đau, một vừng nhang khói, cuối cùng là cõi
hư vô. Cuộc đời như một chiếc xe từ đỉnh trời, không phanh
lao xuống dốc đời. Thời
gian cứ trôi đi, đời người cứ ngắn dần, con số cứ nhỏ lại, để rồi một
ngày nào đó ai cũng phải trở về với cát bụi, với hư không. Từ vạn xuống trăm, từ trăm xuống một, từ một về zero (hư vô). Đó là một cách dàn trải theo toán học, từ cực đại trở về cực tiểu.
Đem cách nhìn ấy vào góc độ thi ca, ông đặt cái hữu hạn xác thân nằm trong cái vô hạn của đất trời. Chất triết lý gói tròn
trong hình ảnh toán học, được dàn trải một cách đầy thi vị. Sắp xếp được những con chữ ôm trọn một cuộc nhân sinh, để đưa được vào những nốt nhạc như thế không hề là một sự may mắn, mà là một tài năng âm nhạc. Với tôi, đây là một trong những nhạc phẩm “để đời” của ông.
Thêm nữa, hiếm có nhạc sĩ nào viết “một vừng nhang khói”. Ngay cả trong văn chương, người ta
thường viết “một vùng” chứ không phải “một vừng”. Chữ “vừng
nhang khói” của ông thật đắt. Đó là lối dụng chữ của một tấm lòng nặng nợ với âm nhạc và thi ca. Tuy vậy, có nhiều ca sĩ đã hát sai lời thành “một vùng hương
khói”. Tiếc!
Thử nhìn thêm một nhạc phẩm khác, “Đêm
nhớ về Sài Gòn”, viết sau khi định cư tại Mỹ.
Đêm
nhớ về Sài
Gòn
Thấy phố phường
buồn xưa chưa nguôi
Những con đường
thèm đôi chân vui, đã bao lâu
chờ đợi
Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn
ngóng tin nhau
Tình
lẻ loi canh thâu
Đêm
nhớ về Ѕài
Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh
đèn vàng nhạt nhòa
đêm mưa
Ai sầu trong quán úa
Ɓóng
mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông.
Gợi bao nhiêu cho cùng …
(Đêm nhớ về Sài Gòn)
Nếu có ai đó chưa từng nghe bài này (qua
tiếng hát, ví dụ, của Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Nguyên Khang,
v.v.), không sao. Cứ đọc trích đoạn ca từ như một phần của một bài thơ xuôi. Và đây là bài thơ xuôi nổi trội, so với hàng ngàn
hàng vạn bài thơ xuôi mà chúng ta thấy nhan nhản suốt hơn nửa thế kỷ qua. Không chỉ nổi trội, mà còn là một bài thơ hay.
Ở nhạc sĩ khác, người ta sẽ nhớ góc phố này với tiếng cười nói rộn ràng, nhớ con đường nọ có lá me bay, nhớ trưa xa lộ, nhớ chiều Hàng Xanh, v.v. Nhưng ông thì khác. Cứ nhìn hình ảnh “Những con đường thèm đôi chân vui” mà ông đã dàn trải. Trầm Tử
Thiêng đã nhân cách hóa con đường như một con người biết
nhớ, biết thương, biết đói khát, biết thèm thuồng, biết lo lắng. Như rừng già nhớ thú hoang, như sông sâu nhớ trăm suối cạn, như bầu trời nhớ những đám mây bay…
Với tôi, con đường ấy cũng chính là những nhịp đập của một trái tim lớn, trái tim của một người Việt Nam chân chính mang tên Trầm Tử Thiêng. Một trái tim hít
thở với cội nguồn, để
nghiêng tai nghe con đường nỉ non chia sẻ, để “hiểu” sự thèm thuồng, háo hức, chờ đợi … những bước chân vui. Đó cũng là cái nhớ quay quắt của một người từ xa, nhìn về cố quận, để bật ra những
ca từ không thể hay hơn. Ngay cả trong văn chương, không có nhiều tác giả chọn được và giữ lại hình ảnh “thèm”. Trong thi ca, “thèm” càng hiếm hoi. Xác xuất gần như là zero phần trăm chữ “thèm” xuất hiện trong những nhạc phẩm.
Vậy mà Trầm Tử Thiêng làm được. “Những con đường thèm đôi chân vui” là một hình ảnh lạ và đẹp trong âm nhạc. Không chỉ làm được, mà còn hay. Không chỉ hay, mà còn độc đáo. Không
chỉ độc đáo, mà còn cho thấy một bản lãnh. Tuyệt!
Hoặc:
Con đã thấy mùa xuân
trong lòng mẹ
Mẹ đã tìm mùa xuân trong mắt cha
Mẹ rưng rưng ôm xuân nồng hội ngộ
Cha mừng xuân trong sắc áo sương pha
(Ta đã gặp mùa xuân)
Đây không còn là một đoạn của một ca khúc, mà đích thị là một đoạn thơ. Hình ảnh gần gũi và lay động của đứa con thấy phơi phới,
hân hoan như mùa xuân về trong lòng mẹ, như sắc xuân về trong ánh mắt Cha. Và đặc biệt là âm điệu. Cái nhẹ nhàng, trong
vắt của mùa xuân, cái rưng rưng của hội ngộ, cái lâng lâng không chỉ của thời tiết, đất trời, mà của xuân lòng phơi phới. Mùa xuân khởi đi từ tận đáy lòng. Một trích đoạn ngắn thôi, nhưng bộc hết nỗi niềm của ba nhân vật. Ca từ này không “thơ” hay sao?
Rồi:
Mười năm yêu em ta thấm đời mộng mi
Mười năm yêu em ta thấu tình cuồng si
Mười năm yêu em ta hóa thành
chiếc lá
Trôi theo từng cơn lũ của kiếp sống
Tình chưa yên vui bên sóng đời cuồng nộ
Chợt đêm chia phôi ngăn cách một đại dương
Từng đêm gian nan ta ngỡ mình sắp đuối
Nhưng em tình vẫn hát từ bến trời
(Mười năm yêu em)
https://www.youtube.com/watch?v=ZV978YjCh2U&feature=emb_logo
Hãy nhìn hình ảnh cuộc đời như chiếc lá bồng bềnh trên dòng lũ nhân sinh để hiểu rằng: đó không chỉ là lời nhạc. Đó là … thơ. Đó còn là sự chắt lọc của một trái tim bao lần tưởng như ngưng đập, của từng đêm gian
nan, “ngỡ mình sắp đuối”.
Và đây nữa:
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Lời cầu kinh vừa có người nghe
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng
Chờ đêm đêm biển hát tình ca
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ
Tạ ơn Trên, người vẫn thương người
(Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng)
Lời nhạc thật hay. “Thơ” không? “Thơ” quá đi
chứ! Thơ bảy chữ đưa vào nhạc chở được cái hiển lộng của tình người không phải ai cũng làm được.
“Lời cầu kinh vừa có người nghe” và “Bao sinh linh nhận phép giải oan” là chứng nghiệm của niềm tin vào những điều tốt đẹp. Đó cũng là điều ông gởi gắm: chúng ta có thể mất tất cả, nhưng đừng bao giờ để mất niềm tin,
ngay cả trong lúc tuyệt vọng nhất. Không đập những nhịp đập lạc quan,
không bao giờ có những ca từ hay như thế. Chất thơ như rắc mật ngọt
trong từng câu chữ, có thể mở được những cánh cửa khó tánh nhất từ người thưởng ngoạn. Nhạc của ông, thơ của ông đã gieo rắt niềm tin vào cuộc đời này.
Cũng xin nói thêm một bài nữa, đó là bài hát mà tôi đã nghe, đã rớt nước mắt. Tôi khóc cho
tâm trạng của một thuyền
nhân. Và cũng khóc cho hàng trăm ngàn thuyền nhân khác không bao giờ tới được bến bờ tự do.
Dứt bão
bắt đầu nước mắt
Chia ly bằng những âm thầm
Chiếc bóng
nhân tình ngơ ngác
Như lần từ biệt
trăm năm
Dứt bão
bắt đầu nước mắt
Ta không
chờ mãi
bình minh
Chết giữa cánh đồng héo hắt
Mặt trời đến lúc vô tình
(Dứt bão bắt đầu nước mắt)
Đây không còn là một trích đoạn của một nhạc phẩm, mà đích thị là thơ. Không chỉ là thơ, đây
là một phần của một bài thơ “đẹp”. Đẹp ở hình ảnh, đẹp ở âm điệu.
Trầm Tử Thiêng có phổ thơ không? Có.
Tôi đọc và tìm thấy một số, mà tôi biết chắc, đó là lời của những bài thơ hay. Chẳng hạn, Ông có phổ thơ của Nhã ca, với bài “Bài Nhã
Ca thứ nhất”; thơ của Hoàng Trúc Ly với bài “Cõi nghìn trùng”; thơ của Định Nguyên với bài “Thầm Thì”; hoặc thơ của Thâm Tâm, với bài “Tống Biệt Hành”, v.v.
Tiếc là những nhạc phẩm phổ thơ, người ta đăng lại nhưng thường không ghi tên những thi sĩ mà ông phổ nhạc. Đó là lỗi của những người yêu mến nhạc của ông.
Vậy ca từ của nhạc phẩm “Dứt bão bắt đầu nước mắt” ông phổ từ thơ của ai hay của chính ông? Tôi không
tìm thấy tài liệu gốc của nhạc phẩm này. Tuy nhiên, hình
ảnh và ý tưởng lấp lánh một tấm lòng, một trái tim trong dòng nhạc dành cho những người tị nạn, cho những thuyền nhân của thế kỷ hai mươi. Do đó, tôi vẫn nghĩ, đây là chữ nghĩa của ông. Và
trong ý nghĩ đó, tôi tin rằng ông đã viết lời thơ trước khi đưa vào nhạc. Phải từng trải qua cuộc nhân sinh
chia ly, thất tán; phải đớn đau giữa hội ngộ trùng phùng và từ biệt miên viễn, phải lội ngược đêm đen để ước vọng bình minh, phải thấy những cánh đồng mạ non đang chết khát để hân hoan chào đón nước về, v.v.,
mới viết được những vần thơ như thế. Có những bài thơ “đẹp” không hẳn đã hay. Khi
một bài thơ lôi cuốn lòng người, chữ nghĩa không thể thay thế, không thể thêm vào một chữ hoặc lấy bớt đi một chữ, đó đích thực là một bài thơ vượt lên cái tầm thường. “Dứt bão bắt đầu nước mắt” là một bài thơ không chỉ đẹp, mà còn hay. Không chỉ hay, mà còn cho
thấy sự tài tình của ông khi giữ nguyên bài thơ
trên những khung nhạc như
thế.
Tôi chỉ lướt qua những nhạc phẩm mà tôi thường nghe. Vì thế, chắc chắn trong gia tài âm nhạc của Trầm Tử Thiêng còn nhiều, rất nhiều những hình ảnh đẹp, những ca từ đầy chất thơ đi vào lòng người. Từ góc độ nhìn riêng của mỗi người, tôi tin rằng, những người thưởng ngoạn
nhạc sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị khác về ca từ, trong gia tài lớn ấy của ông.
Nhà văn, nhà báo Giao Chỉ cho rằng Trầm Tử Thiêng đã “để lại cho chúng ta một tình yêu mênh mông giữa con người và đất nước. Giữa con người với con người. Ông đã viết nên những lời não nùng nhất của nhân loại”. (1)
Nhà văn Huy Phương cho rằng “Trầm Tử Thiêng là người chép sử lưu vong bằng âm nhạc”. (2)
Cả hai đều khẳng định ông là một nhạc sĩ tài năng. Đúng, nhưng theo tôi, chưa đủ.
Trầm Tử Thiêng là một nhạc sĩ tài hoa đã để lại một gia tài lớn cho người yêu âm nhạc, Hơn thế,
ông còn mang trong mình một tâm hồn thi sĩ, đã rút ruột mình gởi cho đời những vần thơ
hay, đầy tình người giữa những đổ nát ở cõi nhân sinh. Và hơn thế nữa, trong gia tài ấy, dù khó tính tới đâu, không
ai có thể phủ nhận một điều:
ông là một-người-Việt-Nam-chân-chính, với những nhạc phẩm viết cho
đồng bào, cho Mẹ Việt Nam, trong giai đoạn nổi trôi của vận nước, không thể hay hơn, như thế.
Đoàn Nhã Văn, 7/2020
(1)
Giao Chỉ: Trầm Tử Thiêng – người viết Kinh Khổ: http://phiendasau-vongngayxanh.blogspot.com/p/tram-tu-thieng-nguoi-viet-kinh-kho.html
(2) Huy Phương: Trầm Tử Thiêng – người chép sử lưu vong bằng âm nhạc. http://thoibao.com/tram-tu-thieng-nguoii-chep-su-luu-vong-bang-am-nhac/
Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ số 9, 9/2020
Phụ Lục:
Sau lài bài "Tâm sự của tôi với một người em họi từ miền Bắt vào Nam thăm gia đình tôi:
https://nuocnha.blogspot.com/2017/12/tam-su-sau-ay-la-nhung-tam-su-cua-toi.html
No comments:
Post a Comment