Tuesday, September 29, 2020

 Nền chuyên chế Singapore – Kỳ 1/4: Lược sử

https://www.luatkhoa.org/2020/07/nen-chuyen-che-singapore-ky-1-luoc-su/

Nền chuyên chế Singapore – Kỳ 1: Lược sử

Published 2 weeks ago on 06/07/2020

By Phùng Anh Khương

Một người dân Singapore đến viếng đám tang cố thủ tướng Lý Quang Diệu năm 2015. Ảnh: AP.

Dịch từ bài “Justifying Colonial Rule in Post-Colonial Singapore” của tác giả Thum Ping Tjin, được đăng trên New Naratif ngày 9/9/2017. Thum Ping Tjin là giám đốc điều hành của New Naratif, đồng thời là nghiên cứu viên về Đông Nam Á tại Đại học Oxford (Anh).

 

Tựa chính, tựa phụ và cách chia kỳ do Luật Khoa tạp chí đặt.

 

Có ba huyền thoại làm nền cho sự cai trị tại Singapore kể từ Thế Chiến thứ Hai đến nay: huyền thoại về sự mong manh, về chế độ nhân tài, và về sự phát triển kinh tế của Singapore.

a/ Huyền thoại về sự mong manh của Singapore cho rằng sự tồn tại của nước này chưa bao giờ được bảo đảm, bởi vì quốc gia này nhỏ, dễ bị đe dọa bởi các hiểm họa và các trào lưu bên ngoài, và bởi vì trong nước này có một hỗn hợp chủng tộc và tôn giáo không ổn định.

b/ Huyền thoại về chế độ nhân tài của Singapore thì cho rằng ai ai ở nước này cũng có thể vươn lên làm lãnh đạo dựa vào tài năng của họ, bất kể gốc gác, các mối quan hệ xã hội, chủng tộc, hay tôn giáo.

c/ Huyền thoại về sự phát triển kinh tế của Singapore thì xác định tính chính danh của chính quyền Singapore thông qua năng lực phát triển kinh tế, sử dụng các tiêu chuẩn kinh tế hẹp như tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

 

Cùng nhau, các huyền thoại nói trên tạo ra một hình ảnh đầy lôi cuốn về một Singapore tuy phải đối mặt với các kẻ thù tiềm tàng, ở cả trong và ngoài nước, vẫn vươn lên thành công trong phát triển vật chất, vì những người tài năng giỏi giang nhất của họ vươn lên làm lãnh đạo.

Các huyền thoại đó vẫn đã luôn được viện dẫn như là nền tảng cho mọi chính sách tại Singapore – chúng được nhắc đến trong mọi bài phát biểu mở màn phiên họp Quốc hội của tổng thống tính từ giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai đến nay.

Giải mã cấu trúc các huyền thoại đó sẽ tạo điều kiện cho chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về bản chất của nền cai trị tại Singapore hiện đại.

Các huyền thoại đó phản chiếu chính xác bối cảnh và hoàn cảnh lịch sử của Singapore tới mức độ nào?

 

Một nghiên cứu lịch sử cẩn trọng, dựa trên các tài liệu lưu trữ của Anh quốc và các nguồn tài liệu thổ ngữ đương đại giúp chúng ta vén màn các huyền thoại nói trên để hiểu rõ hơn các gốc gác lịch sử của nền cai trị Singapore.

Đặc biệt, nghiên cứu đó chỉ ra sự tiếp nối mang tính nền tảng đã đặt nền móng cho sự cai trị tại Singapore suốt từ giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai đến nay.

Việc hiểu rõ về sự tiếp nối mang tính nền tảng đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại, để chúng ta có thể đưa ra những quyết định tốt hơn cho tương lai.

Tượng Stamford Raffles ở Singapore. Ảnh: kuoni.co.uk.

Kỳ 1: Lược sử

Cách duy nhất để tra khảo triệt để các huyền thoại nói trên là tìm hiểu các bối cảnh lịch sử cụ thể của thời mà chính quyền thuộc địa Anh và sau đó là chính quyền đảng Nhân dân Hành Động (People”s Action Party – PAP) nắm quyền. Bên cạnh đó, phải tìm hiểu lý do tại sao các chính quyền đó cho rằng việc tạo dựng các huyền thoại này là quan trọng.

Dĩ nhiên, nền cai trị của PAP khác, về căn bản, với nền cai trị thuộc địa: trong khi người Anh tìm cách khai thác giá trị chiến lược và giá trị kinh tế của thuộc địa Singapore để phục vụ lợi ích của người Anh, thì PAP lại là một đảng được đa số người dân Singapore bỏ phiếu ủng hộ. Từ trước đến nay, PAP vẫn cương quyết với mục tiêu phát triển đất nước.

Không thể chối cãi là các chính sách kinh tế, xã hội của PAP phần lớn đã thành công và mang lại các thành quả tích cực cho cả nhà nước và cho đa số người dân.

Tuy nhiên, các nền cai trị của cả PAP và của chính quyền thuộc địa Anh đều dựa trên các yếu tố quan trọng để đạt được mục đích của họ: kiểm soát chính trị, kiểm soát xã hội và kiểm soát văn hóa.

Tới cuối Thế Chiến thứ Hai, người Anh đã dần chấp nhận rằng việc trao trả tự do cho thuộc địa Singapore là việc không thể trốn tránh. Để đảm bảo quyền lợi của họ vẫn được bảo vệ sau khi chuyển giao quyền lực, người Anh đặt mục tiêu: Khi ra đi rồi, họ phải để lại Singapore một cộng đồng dân cư xác định căn tính của mình là người Anh, hoặc chí ít là một nhóm các lãnh đạo chính trị xem các quyền lợi của họ là tương đồng với quyền lợi của Anh quốc.

Để đạt được mục tiêu đó, người Anh bắt đầu một tiến trình thiết kế xã hội (social engineering) áp dụng một cách đại trà với cộng đồng dân Singapore.

Tiến trình thiết kế xã hội này thường sử dụng biện pháp ép buộc và bạo lực. Người Anh đặt các quyền lợi cá nhân xuống bên dưới các nhu cầu của nhà nước. Họ vô hiệu hóa các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước, và tạm ngừng áp dụng các luật lệ bảo vệ tự do cá nhân trước đàn áp từ nhà nước.

Chính quyền thuộc địa Anh đã áp đặt Tình trạng khẩn cấp Malaya (Malayan Emergency) – một giai đoạn áp dụng thiết quân luật từ năm 1948 đến năm 1960 – lên Singapore dựa trên các lý do an ninh, trên hết, là để “chống lại hiểm họa cộng sản”.

Tuy nhiên, người Anh đã tận dụng tình trạng khẩn cấp này đáp đặt các quy chuẩn kinh tế, xã hội, văn hóa mới lên Singapore.

Họ ban hành một loạt các luật lệ để kiểm duyệt truyền thông, để can thiệp vào giáo dục trường học, để bắt giữ các phần tử “phản động” mà không thông qua xét xử, để đàn áp các cuộc đình công chính đáng, để từ chối công nhận các quyền của người lao động, để chiếm dụng đất đai đồng thời giải tỏa dân cư, và để giải tán các hiệp hội dân sự vận động chống chính quyền thuộc địa (ví dụ, các công đoàn, đoàn thể sinh viên, đoàn thể cựu học sinh, các hiệp hội nông thôn).

Mọi hình thức hoạt động xã hội và chính trị nói trên đều thách thức một mong muốn của chính quyền thuộc địa Anh: mong muốn độc quyền định đoạt căn tính người dân khu vực Malaya.

Singapore năm 1957. Ảnh: NATIONAL ARCHIVES OF SINGAPORE.

Người Anh cũng tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại Singapore, đầu tiên bằng cách chỉ cho phép những người có hộ chiếu cư dân thuộc địa Anh (British subjects) đi bầu. Năm 1957, theo đề xuất từ Lý Quang Diệu, người Anh còn áp đặt thêm điều luật “chống phản động” đầy tai tiếng không cho phép bất kỳ ai từng bị tạm giữ với cáo buộc tội danh phản động được ra ứng cử trong đợt bầu cử năm 1959. Luật này theo đó đã loại bỏ khỏi cuộc bầu cử một loạt các lãnh đạo thiên tả được nhiều người dân ủng hộ. Các lãnh đạo thiên tả này trước đó đều chỉ bị tạm giữ mà không thông qua xét xử.

Các luật lệ nói trên đã đảm bảo là cơ quan lập pháp của Singapore luôn nằm dưới sự kiểm soát của một đồng minh ủng hộ phương Tây. Đồng minh này sẽ luôn tiếp tục hợp thức hóa các luật lệ đó.

Bằng cách thông qua các luật lệ phản tự do dựa trên một cơ chế dân chủ nghị viện theo kiểu Anh về hình thức nhưng không về bản chất, các nhà cầm quyền thuộc địa tại Singapore tiếp tục hợp thức hóa các hành động của họ trong khi vẫn rao giảng rằng họ đang duy trì một nền “pháp quyền” (rule of law).

Việc làm luật như thế tạo điều kiện cho một quá trình chuyển hóa xã hội và văn hóa tại Singapore trong những năm 1950 theo đúng ý muốn người Anh.

Để định hình cách người dân suy nghĩ về chính trị, người Anh tìm cách kiểm soát các hoạt động truyền bá thông tin, truyền thông và văn hóa. Họ khẳng định uy thế trí thức và uy thế đạo đức của họ. Họ thể hiện bản thân họ như là nguồn của các giá trị quốc gia và là bên có toàn quyền phân xử các vấn đề liên quan đến các giá trị đó.

Theo cách như vậy, một nhóm người nước ngoài mang tư tưởng đế quốc đã tự cho mình độc quyền định đoạt căn tính người dân xứ Malaya, và định đoạt hành vi nào có thể bị xem là “phản động”.

Các cách nhìn nhận căn tính người Malaya theo lối khác được xem là những thách thức với đặc quyền này của người Anh. Theo đó, những tư tưởng khác biệt phải bị đàn áp.

Đặc biệt, người Anh tìm cách hủy diệt các không gian ngôn ngữ và chính trị của người Hoa. Các không gian đó vốn rất khó để người Anh kiểm soát. Do bản chất ngôn ngữ riêng biệt và do thường được hỗ trợ tài chính bởi cộng đồng doanh nghiệp người Hoa, các không gian này thường độc lập khỏi chính quyền thuộc địa.

Bằng cách quy định tiếng Anh là ngôn ngữ chính, người Anh đã giành không gian công luận cho riêng họ. Họ đơn phương áp đặt các định nghĩa vốn dĩ gây tranh cãi theo hướng có lợi nhất cho chính sách của họ: chỉ có người Anh mới được quyền diễn dịch thế nào là “có trách nhiệm”, thế nào là “ôn hòa”, thế nào là “mang tính xây dựng” trong chính trị.

Theo đó, các tài liệu nội bộ của chính quyền thuộc địa – đặc biệt là các báo cáo của Cơ quan Điều tra đặc biệt (Special Branch), và cả các báo cáo về đời sống văn hóa xã hội Singapore – phơi bày một câu chuyện dễ hiểu về “phản động” với một thứ ngôn ngữ đặc thù mà Ranajit Guha đã gọi một cách ấn tượng là “văn xuôi chống nổi dậy”.

Ranajit Guha

Ranajit Guha is a historian of the Indian Subcontinent who has been vastly influential in the Subaltern Studies group, and was the editor of several of the group's early anthologies. He migrated from India to the UK in 1959, and was a reader in history at the University of Sussex.

Trong các tài liệu đó, các nhà hoạt động chống thực dân của Singapore đều không thể tránh khỏi việc bị mô tả là những kẻ bị thao túng bởi các thế lực ngoại quốc, những thế lực bất hợp pháp muốn chống lại quốc gia Singapore, thường là Đảng Cộng sản Malaya hay các thành phần cách mạng cánh tả. Người Anh rất ít khi chịu phân biệt giữa các hoạt động tìm cách giải quyết các vấn nạn xã hội thực sự và các hoạt động phản động của các thế lực bên ngoài.

Người Singapore không chỉ mất đi tự chủ của họ do nền cai trị thuộc địa, họ còn được đặc tả trong các tài liệu thuộc địa rằng họ không có sẵn năng lực tự chủ. Vì người Singapore không thể tư duy cho chính họ, chính phủ thực dân phải tư duy thay cho họ. Nếu người dân không thể tư duy, việc kiểm soát theo đó là cần thiết.

Lý Quang Diệu năm 1959. Ảnh: TIME.

Năm 1959, đảng PAP chiến thắng trong cuộc bầu cử để trở thành một chính phủ Singapore tự trị. Đảng này nguyên gốc là một liên minh giữa một nhóm trí thức học từ Anh về do Lý Quang Diệu lãnh đạo và một nhóm lớn hơn bao gồm các nhà hoạt động công đoàn cánh tả. PAP ban đầu đã rất thành công và nhận được nhiều ủng hộ.

Sang giai đoạn 1960-61, PAP gặp khó khăn. Lý Quang Diệu từ chối tôn trọng các cam kết bầu cử quan trọng trước đó, bao gồm cam kết ủng hộ phong trào lao động, cam kết bãi bỏ các luật lệ thuộc địa cho phép việc tạm giam không xét xử, và cam kết trả tự do cho các tù nhân chính trị thiên tả.

PAP mất dần sự ủng hộ từ quần chúng và thua hai cuộc bầu cử phụ (by-election) trong năm 1961. Phần lớn các đảng viên PAP bỏ đảng khi giới lãnh đạo đảng này từ chối thay đổi chính sách. Thất bại trong cuộc bầu cử năm 1963 là có thể dự báo trước.

Giới lãnh đạo PAP đối mặt với hai lựa chọn: chấp nhận ý nguyện của người dân, hoặc đàn áp ý nguyện đó để củng cố quyền lực họ đang nắm.

Nhóm lãnh đạo PAP lúc đó đã chọn phương án thứ hai. Họ từ chối con đường dân chủ và quay ngược lại sử dụng các biện pháp, chính sách của chính quyền thuộc địa để kiểm soát các không gian vật lý (physical space) và không gian tri thức (intellectual space). Trong các biện pháp và chính sách đó có việc bắt giữ và giam cầm không xét xử hơn 130 chính trị gia đối lập, các nhà hoạt động và các lãnh đạo công đoàn trong Chiến dịch Coldstore vào tháng 02/1963.

Sau khi tách rời khỏi Malaysia, PAP tìm cách áp dụng các chiêu bài thuộc địa trong một lớp vỏ mới. Chính quyền Singapore bình thường hóa tình trạng chèn ép các quyền tự do cá nhân, tình trạng thiếu vắng các thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời, họ tiếp tục ngưng áp dụng các luật bảo đảm quyền tự do cá nhân trước đàn áp từ nhà nước.

Đặc biệt từ những năm 1980, các nguồn lực nhà nước, như ngân sách và quy hoạch hành chính, được dồn cho các hoạt động tạo dựng và phát triển ưu thế của giới tinh hoa cầm quyền, thông qua các chương trình giáo dục có chọn lọc và các chương trình học bổng. Việc đó tạo ra một vòng tròn tự cường của một nền cai trị tinh hoa.

Nền cai trị thuộc địa phản tự do trước đây đã được đem ra ca tụng như là một thế mạnh của Singapore (ví dụ, việc lưu giữ tượng đài và di sản của Stamford Raffles). Từ những năm 1990, việc ca tụng chính quyền thuộc địa đó được đem hòa quyện vào một phiên bản tự sự quốc gia mới. Phiên bản tự sự đó nhấn mạnh vai trò của PAP trong việc phát triển Singapore, và khẳng định uy thế của giới lãnh đạo PAP.

Dùng địa vị thống trị ngành lập pháp của mình, PAP hợp thức hóa các luật lệ kiểm soát không gian công cộng. Dần dần, truyền thông cả nước được đưa vào trong tầm kiểm soát của nhà nước, và việc nhà nước độc quyền không gian công luận chính trị đã được khẳng định. Các chính sách thời thuộc địa về kiểm soát trí thức cũng được áp dụng, đưa ra áp dụng trở lại, hay được mở rộng thêm. Trong các chính sách đó có việc chèn ép các ngôn ngữ địa phương trong khi suy tôn tiếng Anh, và việc áp đặt rằng chỉ có chính quyền mới có quyền định nghĩa căn tính quốc gia.

Mục tiêu hủy diệt hay kiểm soát các nền giáo dục sử dụng ngôn ngữ địa phương của chính quyền thuộc địa xưa kia cuối cùng cũng đã được hoàn thành vào những năm 1980, khi chính phủ Singapore chấm dứt việc giáo dục sử dụng các ngôn ngữ địa phương và ép trường Đại học Nanyang phải sáp nhập với trường Đại học Singapore.

Củng cố sức mạnh cho bản hiến pháp thuộc địa mà họ thừa hưởng, PAP cũng tiến hành tinh vi hóa thêm và mở rộng vượt mức các các hoạt động đàn áp mà chính quyền thuộc địa từng áp dụng.

PAP đã đi còn xa hơn cả chính quyền thuộc địa Anh. PAP gạt bỏ các nguyên tắc dân chủ, trách nhiệm nhà nước, và nhân quyền mà chính người Anh đã xem là không thể từ bỏ.

Ví dụ, đạo luật về Phá hoại công trình công cộng (Vandalism) năm 1966 phớt lờ nguyên tắc cho rằng hình phạt phải tương xứng với vi phạm. Đạo luật này áp dụng các hình phạt mang tính nhục mạ với mục đích đàn áp các hoạt động chống đối của các tổ chức dân sự.

Đạo luật về báo chí và in ấn báo chí năm 1974 còn đẩy xa hơn mức độ kiểm soát truyền thông của chính quyền thuộc địa cũ. Đạo luật này cắt giảm tự do biểu đạt, áp đặt một mô hình hai tầng kiểm soát các cơ quan báo chí trong nước, và sau đó áp đặt việc kiểm soát báo chí nước ngoài.

Đạo luật cải cách ngành nghề pháp lý năm 1986 cũng loại bỏ một năng lực độc lập của Luật sư đoàn Singapore, đó là năng lực góp ý lập pháp.

Đạo luật duy trì hài hòa tôn giáo năm 1991 thì cắt giảm sâu sắc tự do tôn giáo, tự do biểu đạt và tự do đi lại bằng cách định nghĩa khắt khe mọi hình thức chống đối chính sách nhà nước là các hoạt động chống hài hòa tôn giáo.

Chính phủ PAP cũng tìm cách ngăn trở các hoạt động chính trị của các đảng chính trị đối lập ôn hòa thông qua việc thay đổi hệ thống bầu cử bằng cách tạo ra các khu vực bầu cử tập tuyển (Group Representative Constituencies) (1988) và vị trí tổng thống dân cử (Elected Presidency) (1991). PAP cũng tạo ra các hội đồng địa phương (Town Councils) (1986) để trừng phạt các khu vực bầu cử nào dám bầu cho các ứng cử viên đối lập, đồng thời áp dụng trở lại hình thức nghị viên được bổ nhiệm (Nominated Members of Parliament) từng có thời thuộc địa (1990).

Từ phải qua là các đời thủ tướng Singapre: Lý Quang Diệu, Ngô Tác Đống và Lý Hiển Long. Ảnh: SCMP.

Quyền tự do phát biểu trong Nghị viện cũng bị cắt giảm bằng các áp đặt giới hạn thời gian phát biểu của các nghị viên (giới hạn còn một tiếng đồng hồ vào năm 1964, sau đó còn nửa tiếng đồng hồ năm 1987). Chủ tịch Nghị viện cũng có quyền xử phạt nghị viên theo một cách giản lược không cần thông qua một ủy ban chuyên trách (1986).

Các cơ quan trên danh nghĩa là cơ quan công cộng (như Hiệp hội Quần chúng – People’s Association, các ủy ban dân cư – Residents’ Committees, và các ủy ban tham vấn công dân – Citizens’ Consultative Committees) cũng thường được PAP dùng cho các mục đích chính trị đảng phái. Các hội nhóm xã hội dân sự độc lập chỉ có thể đóng góp cho công luận trong điều kiện cho phép của chính phủ PAP.

Chính sách nhà cửa và chính sách giáo dục cũng đã được chính quyền sử dụng để củng cố việc kiểm soát công dân và kiểm soát công luận trong các vấn đề xã hội.

Trong các năm gần đây, các luật lệ mới cũng đã được đưa ra để mở rộng quyền lực của chính phủ trong kiểm soát ngôn luận và cắt giảm tự do biểu đạt. Các luật lệ đó là Dự luật Trật tự công cộng năm 2009, Luật bảo vệ chống sách nhiễu năm 2013, các thay đổi với Luật Quy trình chính phủ, với Luật về Thông báo Phát sóng (Giấy phép theo thứ hạng) năm 2013, Luật về Giải trí và Mít-tinh công cộng năm 2014, Luật Bảo vệ Công lý (Quản trị) năm 2016.

Các luật này gia tăng các quyền lực độc đoán của các cơ quan hành pháp và/hoặc làm cho việc thách thức các quyết định của các cơ quan đó trở nên khó khăn hơn.

 

Bản phác thảo khái quát 70 năm lịch sử Singapore nói trên cho thấy một sự tiếp nối mang tính nền tảng giữa nền cai trị thời thuộc địa và nền cai trị trong giai đoạn độc lập của nước này.

 

Đặc biệt, bản phác thảo đó phát lộ: một tiến trình xâm lăng dần dần của chính quyền vào đời sống của người dân Singapore; việc chính quyền kiểm soát Singapore cả về mặt cấu trúc vật lý và cấu trúc con người; việc đẩy ra rìa hoặc hủy diệt các nguồn cội truyền thống hay nguồn cội cộng đồng của các tổ chức chính trị xã hội; các nỗ lực độc quyền hóa không gian tri thức và không gian văn hóa của Singapore thông qua việc kiểm soát truyền thông và kiểm soát giáo dục; và việc tập trung các quyền lực độc đoán vào tay nhánh hành pháp Singapore.

Để biện minh cho việc chính quyền kiểm soát đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cả chính quyền thuộc địa Anh và chính phủ PAP đều chủ yếu dựa vào ba huyền thoại trọng tâm về sự mong manh của Singapore, về mục tiêu phát triển Singapore, và về chế độ nhân tài nước này.

 

Kỳ 2 – Huyền thoại về “thế lực thù địch”

https://www.luatkhoa.org/2020/07/nen-chuyen-che-singapore-ky-2-huyen-thoai-ve-the-luc-thu-dich/

Kỳ 3 – Huyền thoại về “làng chài”

https://www.luatkhoa.org/2020/07/nen-chuyen-che-singapore-ky-3-huyen-thoai-ve-lang-chai/

Kỳ 4 và hết – Huyền thoại về chế độ nhân tài

https://www.luatkhoa.org/2020/07/nen-chuyen-che-singapore-ky-4-va-het-huyen-thoai-ve-che-do-nhan-tai/

No comments:

Post a Comment